Friday, May 31, 2019

Thêm tai tiếng về hành xử của quan chức Việt Nam - Trung Khang,


Thêm tai tiếng về hành xử của quan chức Việt Nam
Trung Khang, RFA
2019-05-30

Dư luận Việt Nam lại bất bình về hành xử của quan chức trong nước trước tin chuyến bay VN31 của Vietnam Airlines, từ Sài Gòn đi Frankfurt, Đức vào đêm 28/5/2019, đã phải cất cánh trễ 72 phút. Lý do bị phát hiện là chỉ để chờ một vị khách VIP theo yêu cầu của ông phó tổng giám đốc VN Airlines.
Theo biên bản lý do ‘delay’ (trễ) của chuyến bay làm hơn 200 hành khách phải chờ này được trang tin VietTimes ghi nhận, là do yêu cầu chờ 1 khách VIP của Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà.
Vị khách đặc biệt khiến cả chuyến bay VN31 phải chờ đợi, theo điều tra của VietTimes, có tên Đ.T.M. Ông M không phải quan chức hay là ‘VIP’ theo quy định của ngành hàng không, mà chỉ là một hành khách đi hạng thương gia.
Điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn từ Sài Gòn hôm 30/5 về vụ việc này như sau:
“Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 04 loại tội danh liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực hàng không. Trong đó, điều 278 quy định về ‘Tội cản trở giao thông hàng không’ có hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và bị phạt tiền có thể đến 100 triệu đồng.
Sự kiện chuyến bay VN31 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Frankfurt vào đêm 28/05/2019, đã phải hoãn chuyến bay 72 phút, chỉ để chờ một khách VIP là ông Đỗ Trường Minh - TGĐ Tập Đoàn Bảo Việt theo lệnh của Phó Tổng Giám Đốc VNA, nếu là tin chính xác, thì hành vi hoãn chuyến tùy tiện, không có cơ sở pháp luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật 278 dẫn trên.”
Vào trưa ngày 30/5, một số báo chí nhà nước như toquoc.vn, Kinh tế môi trường có đăng bài cho biết khi trả lời báo Kinh tế môi trường, lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt đã phủ nhận thông tin Tổng giám đốc Đỗ Trường Minh liên quan tới vụ việc chuyến bay quốc tế phải hoãn cả tiếng đồng hồ để chờ, và cho rằng thông tin này là bịa đặt, thất thiệt. Vị này còn cho biết những ngày qua ông Minh vẫn đang ở Hà Nội…
Chưa rõ sự việc thực hư như thế nào nhưng cho đến tối ngày 30/5, các trang báo vừa nêu đã cắt bỏ thông tin phủ nhận của lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt.
Trao đổi với RFA hôm 30/5, nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên từ Sài Gòn nhận định:
“Nếu mà phải hoãn chuyến bay theo lệnh của Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines để đợi một vị khách cho dù bất kể vị khách đó là ai, là không đúng. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều theo hiệu ứng domino khi giờ bay bị thay đổi, trong khi không phải vì yếu tố thời tiết hay những vấn đề khác. Đặc biệt khi báo chí đưa tin thì bên đó lại chối bay chối biến, là không hợp lý vì người ta có thể dễ dàng lấy mọi dữ liệu liên quan chuyến bay đó như thời tiết có thật sự ảnh hưởng làm chuyến bay trễ như vậy.”
Theo ông Đàm Ngọc Tuyên, lẽ ra Bộ giao thông phải vào cuộc điều tra ngay vì sao chuyến bay đình trệ như vậy, sau khi điều tra ra thì phải xử lý người ra lệnh. Một người có lòng tự trọng, thượng tôn pháp luật, một đất nước pháp quyền, thì phải xử lý kết án với một mức án đúng chứ không chỉ là từ chức.
Chúng tôi liên lạc ông Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Giám sát An toàn Hàng không để tìm hiểu về việc xử lý khi vi phạm cản trở giao thông hàng không, và được trả lời như sau:
“Về vấn đề này… nếu là báo chí thì… vui lòng trực tiếp lên gặp ở cơ quan… chứ còn trả lời qua điện thoại thì không chính xác… câu chữ rất là ngại… anh lên gặp trực tiếp thì cơ quan sẽ phân công người trả lời bằng văn bản.”
Chúng tôi nhiều lần cố gắng liên lạc cơ quan Cảng vụ Hàng không Việt Nam nhưng không thành công.
Một sự việc tương tự, xảy ra ở đất nước Mexico xa xôi, nhưng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Vào hôm 25/5, Bộ trưởng Môi trường Mexico  bà Gonzalez Blanco bất ngờ từ chức sau khi đã yêu cầu một chuyến bay thương mại hoãn cất cánh khoảng 40 phút để chờ mình.
Trong đơn từ chức, bà Gonzalez Blanco nói: ‘Không có lời biện minh nào cả. Sự chuyển đổi thực sự của đất nước Mexico đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa giá trị của công bằng và công lý. Không ai được quyền đặc cách và có lợi ích riêng, ngay cả khi mục đích hành động đó là để thực hiện nhiệm vụ của họ. Không được đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đa số.’
Trước đó, vào năm 2014, Phó chủ tịch hãng hàng không Korean Air cũng đã từ chức, sau khi bà đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay chỉ vì không vừa ý, khiến cả chuyến bay bị chậm giờ.
Cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.
-Ông Lê Văn Cuông
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, các quan chức Việt Nam chưa bao giờ chọn giải pháp từ chức sau tai tiếng cả:
“Như trường hợp ông bộ trưởng công thương là ví dụ điển hình. Sau tai tiếng về việc lạm quyền đưa xe đón người nhà ông bộ trưởng ngay tại ngay chân thang máy bay, sau nhiều ngày im lặng trước làn sóng chỉ trích dữ dội của công chúng, ông ấy chỉ “xuống nước” bằng cách gởi cho công chúng một lá thư xin lỗi là xong.”
Theo Luật sư Mạnh, sự kiện ông Phó Tổng giám đốc VNA ra lệnh hoãn chuyến bay để chờ một khách VIP, thì công chúng cũng không hề mong chờ một cung cách hành xử văn minh như bà Gonzalez Blanco, cựu Bộ trưởng Môi trường Mexico.
Trả lời RFA hôm 30/5, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định:
“Theo tôi chậm chuyến bay thì có nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan và khách quan, nhưng cả chuyến bay phải chờ đợi lâu như thế vì một khách VIP, thì theo tôi nghĩ mang tính chất cá nhân tình cảm chứ không mang tính chất pháp luật. Nếu nói về mặt lý thì đã sai rồi, vi phạm rồi, để bao nhiêu người phải chờ, để thiệt hại lớn về kinh tế như thế, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.”
Theo ông Lê Văn Cuông, ở Việt Nam, thường những việc như vậy chưa được giải quyết một cách thấu đáo, nghiêm túc nên mới xảy ra tình trạng tùy tiện như vậy, cuối cùng làm cho dân bị thiệt thòi.
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, việc chế độ dung dưỡng, không chế tài xứng đáng đối với những quan chức cao cấp đã có hành vi lạm quyền, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chính chế độ.


No comments:

Post a Comment