Mẹ
Tôi
Chu
Tất Tiến
Mẹ tôi mất năm bà vừa đúng 86 tuổi. Chiều hôm
ấy, bà gọi tôi, giọng rất bình tĩnh:
-Con sang xem me bị làm sao ấy. Tự dưng me đau bụng quá.
Tôi vội lái xe chạy qua nơi mẹ tôi ở, một căn phòng “share” của người ta, cách nhà tôi chừng 10 phút, gần sát nhà thờ Westminster. Mẹ tôi chọn nơi này vì bà thích được đi bộ đến nhà thờ mỗi buổi sáng mà không phải nhờ đến ai. Một phần nữa, bà muốn ở riêng, không chung đụng với bất cứ đứa con nào. Thật ra, nếu bà muốn, cũng chẳng có đứa con nào có thể ở chung với bà mà không xích mích, ngay cả tôi, thằng con út trong gia đình có 6 anh chị em, là người thương bà và lo lắng cho bà nhiều nhất. Các anh, chị tôi đều dạt ra cả, không ai dám ở chung với bà, chỉ trừ có tôi. Sau khi tôi sang Mỹ theo diện H.O., anh ba tôi, ở miền Bắc California, bảo tôi lên ở với anh, trông coi cửa hàng cho anh và ở nhà anh miễn phí, nhưng tôi từ chối cơ hội tốt đẹp đó vì muốn ở gần mẹ. Sau này, tôi cứ tiếc mãi cơ hội đó vì một người cựu tù mới tới Mỹ, lạng quạng chân ướt chân ráo, mà có việc làm ngay, một việc làm nhàn nhã, chỉ quản lý một cửa hàng bán đồ ăn “fast food”, mà lại ở nhà không mất tiền thuê hàng tháng, thì đúng là tiên, cả nhà tha hồ đi học lại, nhất định tương lai sẽ sáng lạn. Nhưng suy nghĩ mãi, tôi chọn ở chung với mẹ tôi, dù biết trước là hai mẹ con sẽ đụng nhau tơi bời, nhất là vợ tôi, tính hiền lành, nhẫn nhục, nhưng cũng đôi lần phải khóc thầm vì bà mẹ chồng cứ “nghĩ sao, nói vậy, người ơi!” nên thỉnh thoảng độp cho con dâu những câu ác liệt không tưởng tượng được.
Với tính thương mẹ, tôi gạt qua tất cả những căng thẳng mẹ chồng, con dâu, và ngay cả giữa mẹ và con út nữa, và chấp nhận những “bất trắc” rình rập trong cuộc sống chung. Thật thế, mẹ tôi là người mà một thầy bói đã nói: “bà là một người đàn ông trong thân thể đàn bà”, bà rất cứng rắn, thực tế, và nghiêm khắc đến nỗi cả 6 đứa con đều né bà, sợ bà như sợ cọp. Anh ba tôi nói: “Tao mà ở với me chỉ ba ngày là cãi nhau như điên.” Chị kế tôi “bán cái” cho tôi, chẳng bao giờ có ý kiến là ở hay không ở với mẹ. Anh cả tôi thì mất ở trong tù Cộng Sản từ lâu rồi, nhưng trước khi anh mất, hai mẹ con lục đục với nhau hoài.
Hồi đó, mẹ tôi ở một mình ở Long Khánh với cái trại nhỏ của bà, và bị ốm nặng, xuất huyết dữ dội. Tôi ở Saigon lên thăm bà về rồi dục ông anh cả tôi lên thăm bà. Anh cả tôi lừng khừng không chịu đi, vì mới có một trận xung khắc kịch liệt với bà, ngại lên gặp bà thì rồi hai mẹ con lại cãi nhau. Tôi điên tiết lên, chỉ mặt anh, gào to:
-Đ. M. Tôi và anh có liên hệ vì chung một mẹ. Nếu anh không lên thăm mẹ, tôi từ anh ra.
Rồi quay sang mấy đứa cháu đang mở to mắt nhìn ông chú chửi thề tục tĩu, tôi quát:
-Từ nay, đứa nào mà còn gọi tao bằng chú, tao đập chết.
Anh tôi thấy thằng út du đãng quá, nên vội lái xe lên thăm mẹ. Tới nơi, anh lại nói ngay với mẹ tôi:
-Con lên thăm me là vì thằng Tiến nó bảo con!
Chủ nhật sau, tôi lên thăm mẹ, bà kể lại cho tôi nghe hết. Tôi tức cười quá, nhưng cũng “tha tào” cho ông anh.
Mẹ tôi là người đàn bà độc đáo, tính tình rất đặc biệt, không giống ai. Sở dĩ như vậy, là vì bà đã trải qua một cuộc đời đầy cay đắng, khắc nghiệt. Mới mười mấy tuổi đã bị cha mẹ ép gả cho một ông Tiên Chỉ, vốn là một Thầy Đồ dậy học, góa vợ, hơn bà gần ba chục tuổi, người con cả của ông là chị lớn của tôi cũng gần bằng tuổi mẹ tôi. Bà nội tôi, một người giầu có vô địch trong làng, lại là người nổi tiếng là không hiền, coi con dâu như một cái đích để thử tính kiên nhẫn của mẹ. Mẹ tôi kể, khi anh ba tôi, lúc ấy chừng 3 tuổi bị một cái nhọt to bằng trái ổi ở trên đầu, cứ khóc lèo nhèo đòi đi theo bố tôi, bà nội tôi dùng cái vạt áo bông thật dầy cứ đập vào đầu anh tôi và mắng ầm ĩ. Cái nhọt trên đầu anh tôi bung ra, mủ máu tùm lum. Anh tôi xỉu thẳng cẳng. Bố tôi sợ con chết, giận bà nội tôi quá, nằm ngửa ra đất, đập ót xuống sàn gạch và khóc lớn:
-Mẹ giết con của con mất rồi!
Môt người lực điền trong nhà vội lấy bàn chân đỡ đầu bố tôi cho khỏi va vào gạch, mà vì bố tôi đập mạnh quá, ngón chân anh bị dập luôn. Mẹ tôi vội bế con, kêu anh xe kéo một mạch ra Hà Nội, tìm thầy thuốc. Đến một ông Lang nổi tiếng ở Hàng Buồm, ông cho một chai thuốc nhỏ, bảo cho thằng nhỏ uống một muỗng cà phê, ngày hai lần. Mẹ tôi rất tinh tế, nên nói với bố tôi là cho thử nếm một cái tăm tre xem sao đã rồi hãy uống. Bố tôi vừa cho cái tăm thấm thuốc vào miệng anh tôi chừng vài phút, anh tôi đã dẫy nẩy cả người lên, nôn ọe tùm lum. Mẹ tôi vội bế anh đi bác sĩ Tây, may mà mẹ tôi lanh trí, nếu không thì anh tôi đã ra người thiên cổ từ bé.
Với bà mẹ chồng như thế, mẹ tôi đã chịu bao cay đắng, vất vả. Nhưng với bản tính thông minh, mẹ tôi đã sống qua thời trẻ mà thành công rất lớn, làm cho gia đình tôi trở nên cực kỳ giầu có. Khi bà nội tôi muốn chia những thửa ruộng của bà cho các con, mẹ tôi chọn miếng ruộng khô khan nhất mà lại ở triền núi. Mẹ tôi kể:
-Me chọn miếng đất ấy, ở tuốt trên miền Hòa Bình sơn cước, chả ai thèm lên, vì biết là nếu mà chọn miếng tốt hơn thì các chú các thím cũng ganh, và thế nào cũng bì tị, cho rằng con cả thì cái gì cũng tốt. Rồi lại sinh chuyện!
Không ngờ miếng ruộng ấy lại là ruộng vàng! Vàng thật, không phải nói bóng. Vàng nằm đầy trên triền núi Hòa Bình ấy, nằm ngay dưới mặt đất, chẳng phải đào xới gì sâu. Thầy tôi mừng lắm, định rào dậu lại rồi thuê người gác, nhưng mẹ tôi gạt đi:
-Thầy nó cứ để tôi, tôi biết lo liệu.
Thay vì thuê người gác, mẹ tôi mở toang thửa ruộng, báo cho dân miền ấy biết là “bất cứ ai cũng có thể vào đấy đào vàng, nhưng đào xong thì bán lại cho bà” Thế là người Mường, Mán ùn ùn vào đào liên miên, nhưng cứ đến cuối ngày, thì mẹ tôi đứng chờ ở ngoài với một bị tiền, mua tất, và dĩ nhiên với một giá rẻ. Tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại làm vậy. Mẹ tôi cười:
-Me làm thế là có lợi hơn là thuê người làm, người gác. Này nhé, người Mán, Mường trên ấy chuyên mặc quần áo, váy, khăn đầy người, nếu thuê họ đào, thì nhất định họ sẽ dấu vàng vào khăn, vào váy, mỗi ngày một tí, rồi không lẽ cuối ngày, mình bắt họ ở truồng ra mà khám à? Còn những người gác, tội gì lại không ăn cắp? Mỗi ngày nó nuốt một miếng, thì mình hết vốn rồi! Me cho họ tự nhiên đào vàng, thì họ sẽ chẳng cần ăn cắp, sẽ không có trộm cướp rình mình mà giết, mà vì người miền núi không thích vàng, mà chỉ thích bạc, họ đeo vòng bạc đầy người, chứ không đeo vàng, me trả họ tiền, họ thích lắm, đi mua bạc. Mình lại bán bạc cho họ! Thế là cả hai bên đều có lợi!
Mẹ tôi thật là thông minh. Mỗi ngày bà chỉ mang một bị tiền, bị bạc, chất lên con ngựa của bà, rồi cầm cái gậy dài để đập rắn rết, mẹ cỡi ngựa lên núi, lấy tiền đổi vàng, bán bạc lấy tiền, chả sợ cướp bóc gì, cả làng người sơn cước còn quý mến mẹ, cho dù mẹ còn trẻ, dưới 30 tuổi, nhưng tất cả đều gọi mẹ bằng tiếng “mẹ”, và đi đâu cũng được đón tiếp nồng hậu.
Mẹ tôi rất can đảm, chẳng biết sợ là cái gì. Bà ghét mê tín, thần linh vớ vẩn. Một hôm bà rẽ vào môt nhà người Mán, ngủ qua đêm. Bà nằm trên phản, mà chân lại hướng về phía bàn thờ của người sơn cước tỉnh bơ. Bà chủ nhà cứ chắp tay vái mẹ lia lịa:
-Mẹ ơi! Nếu mẹ không thờ, thì mẹ cũng để con thờ chứ! Mẹ để chân về phía bàn thờ như vậy, ma nó về vật con chết!
Mẹ tôi “ối dào, ma với quỷ!” và mãi mới chịu rút chân về! Cỡi ngựa đi ngang qua mấy miếu thờ của họ, mẹ tôi cũng chẳng xuống ngựa, làm dân làng hãi quá, vái lấy vái để.
Tính mẹ tôi như thế đó, thẳng thắn, cương quyết, hiểu biết nhiều điều lạ và áp dụng ngay trong đời sống. Thầy tôi có mua một thửa vườn lớn để trồng mít. Vườn ở xa nhà lắm, nếu muốn lên thăm vườn, thì phải đi thuyền ngược, rồi leo núi bằng chân. Để tránh tình trạng ăn trộm mít, mẹ tôi thuê một bà Mán là phù thủy trong làng, coi sóc vườn cho bà. Bà Mán này có phù phép ma quái, thờ một ông “ma xó” ngay cửa vườn. Ông “ma xó” là một cái đầu lâu người chết vì sét đánh, bà phù thủy này đem để trong môt cái lu, rồi yểm bùa gì đó, khiến con ma này trông coi vườn cho bà. Nếu có kẻ trộm đến hái mít, thì lập tức con ma xó này đếm: “một.. hai…ba”. Nếu đếm đến 3 mà kẻ trộm không chạy, thì ma vật hộc máu ra chết liền!
Một ngày kia, khi được tin báo là mít đã chín, thầy mẹ tôi kêu mấy người làm cùng chèo thuyền lên rừng hái mít. Cả toán đến nơi, thì chưng hửng, vì bà phù thủy kia không cho hái. Bà chắp tay vái thầy tôi và nói:
-Thầy ơi! Thầy đợi con trăng ngày mai rồi hãy hái. Con còn phải cúng trăng đã.
Đâu có được! Cả toán kéo lên đây đây phải dễ mà đi về rồi lại lộn lên nữa! Thầy tôi cứ cương quyết bảo anh Mười, một người lực điền khỏe nhất đám với bắp múi nổi gồng lên ở tay chân, leo lên hái mít. “Mày cứ lên hái cho tao!”
Vừa leo lên tới chỗ quả mít to nhất, và mới chạm tay vào trái mít, bỗng anh Mười vụt tay ra, rồi té nhào xuống đất. Mọi người đổ xô đến, sợ hết hồn hết vía vì thấy anh Mười mặt mũi đỏ gay, cứ thè lưỡi ra định cắn lưỡi mình, tay chân co rút, đập tán loạn trên đất để tự tử. Mấy người lực điền phải đè anh xuống, giữ tay giữ chân anh, mà sao anh mạnh quá trời, giữ đè vậy mà anh cũng vùng lên được và chạy ào ra, phóng xuống sông! Mọi người nhào theo, vật lộn với anh làm nước tung tóe.
Bà Mán thủng thỉnh nói:
-Con đã nói rồi mà! Con đã nói rồi mà! Chưa cúng trăng, làm sao hái được?
Thầy tôi, cũng là người không biết sợ ma quỷ, quay lại, vung tay tát cho bà Mán kia một cái và quát lớn:
-Mày có giải bùa cho nó không thì bảo? Tao báo quan bắt bỏ tù mày!
Bà Mán lẳng lặng chùi má và thấy tình hình cũng găng quá, nên đòi thầy tôi phải đưa cho bà một đồng bạc thật, để bà cúng ma! Bực quá mà thầy tôi cũng phải móc túi đưa cho bà phù thủy kia một đồng bạc bằng bạc thật. Hồi đó, người Mán, Mường chỉ thích bạc để đeo toòng teng trên người, làm xà-tích bạc, dây bạc, vòng bạc cổ chân, cổ tay, và trên cổ.. Đồng bạc thật hồi đó quý lắm, dầy cui và khắc hoa văn. Được đồng bạc trên tay, bà Mán kia thắp nhang, nến và quỳ xuống vái cái lu đựng “ông ma xó”, rồi lẩm bẩm đọc thần chú gì đó…Chỉ vài giây sau, đột nhiên, anh Mười tỉnh táo lại, coi như không có chuyện gì xẩy ra….
Vậy mà mẹ tôi chẳng biết sợ là cái gì. Rồi chúng tôi về Hà Nội với căn nhà mênh mông ngay trên phố Khâm Thiên, với một cái cầu thang bằng đồng có hai cái tay nắm tròn bằng đồng sáng chói, nơi mà tôi lẫm chẫm đứng đó và chỉ tay ra ngoài cửa: “Ph…ở…ph…ở…” để chị vú chạy ra gọi ông phở gánh ngừng lại và bán cho tôi một tô phở. Một ngày kia, mẹ tôi đang ngồi trên phản gụ, một người làng cũ đến, đưa cho mẹ tôi một chai mật ong đặc và nói là quà của thầy tôi, không biết lúc đó đang ở đâu. Sau khi bị đấu tố ở làng, thầy mẹ tôi trốn được, nhưng không biết sao mà Thầy tôi không về Hà nội cùng với chúng tôi. Nghe người đưa tin xong, mẹ tôi cầm ngay chai mật ong, đập cái “chát” vào tường. Mật bắn tung tóe cả nhà, rồi mẹ tôi lẳng lặng thu xếp cho cả nhà kéo về Bùi Chu, không ở Hà Nội nữa.
Tôi nhớ, hồi đó, một buổi sớm lạnh, cả nhà tôi kéo nhau ra bến sông. Giữa những đốm sáng của các cây đèn bão lung linh, với tiếng nước va mạn thuyền róc rách, tiếng người gọi nhau ơi ới, mẹ tôi dẫn tay tôi đi trên tấm ván gỗ rung rinh dưới chân, bước vào khoang con thuyền đinh, một thứ thuyền có mui lớn và những cánh buồm to rộng. Sau khi đồ đạc chất lên rồi, thuyền nhổ neo ra khơi. Chiếc đèn bão treo trong khoang cứ lắc đi lắc lại, làm những vầng sáng thật lãng mạn chập chờn trên vách tre. Tâm tư của đứa trẻ 5,6 tuổi như tôi cứ lâng lâng theo tiếng sóng vỗ lẹt đẹt vào mạn thuyền và những vầng sáng nhòa nhạt trong khoang. Khi mặt trời lên cao, tôi leo lên nóc khoang, ngồi nhìn những đàn chim tung cánh trong nắng sớm hướng về phía mặt trời rực rỡ xa xa. Bỗng dưng, tim tôi như ngừng đập khi nhìn thấy bên bờ sông có dẫy cát vàng trải dài, một đàn ngựa đang tung tăng chạy nhẩy. Một con ngựa bỗng cất cao hai vó trước lên và hí một tiếng dài.. Tiếng hí trong sương sớm thấm vào hồn tôi, hòa vào máu tôi, và ở lại mãi cho đến hôm nay, khiến tôi muốn bật ra các câu thơ..
Về đến Bùi Chu, mẹ tôi cho dọn vào căn nhà đầu tiên của Đại Lộ Phạm Ngọc Chi, ngay sát một nghĩa địa nhỏ, rồi tới sân nhà thờ. Mẹ tôi thuê nhà ở đây làm nơi trung chuyển thuốc lào Vĩnh Bảo. Bỏ hết giang sơn lại ở Hà Nội, mẹ tôi quay sang làm đại lý thuốc lào và đi giao hàng khắp các tỉnh, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên. Mẹ tôi hồi trẻ gan dạ lắm. Bà buôn đủ thứ. Lên miền ngược mua gỗ cây, cho thả xuôi theo dòng. Về tới bình nguyên, thì chặn lại, bà bán cho chủ gỗ. Có khi bà liều mạng vào vùng Việt Minh, bán đá lửa, thuốc Aspirin là những món hàng quý. Bà cho đục mái chèo ra, nhét đá lữa hay thuốc vào đó, rồi khằn lại, làm cái nghề này mất mạng như chơi.
Điều đáng kể là cũng tại Bùi Chu, tôi đã gặp ma lần đầu tiên. Hôm ấy, các anh chị tôi kéo đi xem phim chiếu ở sân nhà thờ, còn có hai mẹ con ngồi ở ngoài sân, nhìn ra bờ hồ tối thui. Đang ngồi yên lặng, chợt nghe thấy tiếng người gọi ở trong nhà: “Bán cho tôi đồng thuốc lào”. Mẹ tôi cười:
-Lại thằng nào phá đây!
Rồi mẹ tôi kéo tôi đi vào trong nhà. Cầm lấy cây đèn Hoa Kỳ vàng nhỏ, mẹ tôi đi khắp trước sau, cũng không thấy ai. Mẹ lẩm bẩm: “Quái! Thằng nào vừa nói mà đâu mất rồi?” Mẹ tôi lại đi thêm môt vòng nữa, cũng không thấy ai. Chợt, từ cây đàn ghi ta treo trên vách, bỗng bật lên mấy tiếng “từng, tưng, tưng”… Nhìn lại thấy cây đàn vẫn treo đó, mà không có người gẩy, bất chợt tôi rung người. Mẹ tôi thấy tôi sợ, liền nắm chặt bàn tay tôi, nói:
-Để me tìm ra thằng nào, me tát cho nó một cái.
Hai mẹ con đi từ nhà trên xuống nhà bếp, tới cái cầu tiêu cao.. cũng không thấy bóng người nào. Mẹ nói:
-Lạ nhỉ?
Rồi mẹ kéo tay tôi, lúc đó đã run bần bật, ra phía vườn sau có bức tường sát với nghĩa địa, có một cây cao giữa vườn, nghe nói có người treo cổ ở đó.. tới phòng tắm xây ở góc vườn.. Tại cửa phòng tắm, mẹ tôi giơ cao cây đèn vào trong và nói:
-Đây rồi! Thằng nào núp trong này thì biết tay me!
Vừa đưa cây đèn vào phía trong cửa, bất ngờ một cơn gió từ bên trong thổi ra rất mạnh. “Phù…” Cây đèn tắt phụt!
Tôi giật bắn mình, quấn ngay vào chân mẹ. Mẹ tôi lẳng lặng không nói gì, nhưng tôi cũng biết đó là.. ma, vì trong phòng tắm chẳng có bóng người nào cả! Chân tôi như ríu lại, tôi bước không nổi nữa, làm mẹ tôi phải bế tôi lên ra ngoài. Tới cửa bên ngoài rồi, mẹ nói nhó:
-Con đừng nói với đứa nào nhé! Đêm nay chúng nó lại vãi cả ra giường!
Lúc đó, miệng tôi như bị ai nhét giẻ vào nên không nói được lời nào. Đến khuya, các anh chị tôi lục tục về nhà. Tuy bị mẹ cấm, nhưng làm sao mà tôi nhịn mà không kể được. Thế là sáng hôm sau, giường chiếu nào cũng đen xì, ẩm ướt, không có đứa nào có gan mà đi tiểu ở cầu tiêu đằng sau..
Mãi đến sau khi anh cả tôi quất cho mỗi đứa một trận thê thảm thì mới hết tiểu ra giường bởi chúng tôi sợ đòn hơn sợ ma. Anh cả tôi mà đánh thì oằn người.
Trở lại chuyện mẹ khi thầy tôi mất. Một sáng lạnh, có một chiếc xe Traction đen phóng về Bùi Chu. Sau khi nói chuyện với mẹ tôi xong, thì chiếc xe lại vù đi. Mẹ tôi không nói gì, chỉ gọi anh cả tôi thu xếp lên đường về Hà Nội. Chúng tôi ở lại, ngơ ngác. Mấy ngày sau, mẹ và anh trở lại, đưa cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc khăn đen đeo vào vòng tay, cho biết Thầy tôi, sau vụ đấu tố, đã mang bệnh nặng và chết rồi.
Từ đó, chúng tôi sống với sự bươn chải của mẹ, một tay nuôi sáu đứa con. Có những hôm, trời mưa làm bùn ngập cả đường tới trên mắt cá, mẹ tôi một tay chống gậy, một tay đỡ bao gạo trên đầu, bì bọp bước về nhà. Mùa đông lạnh quá, mẹ tôi bện một ổ rơm thật lớn cho cả nhà nằm ngủ dưới đất. Sáng dậy, đánh răng bằng muối hay bằng than đen. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải ăn cám thay cơm. Mỗi đứa một đĩa cám, lấy thìa đẩy vào mồm và phải bịt mũi vì nếu thở mạnh, cám bay tùm lum.
Thời gian ấy, để mưu sinh, mẹ tôi làm đủ nghề. Mới hơn 30 tuổi, mà mẹ tôi trông già như bà lão. Mẹ tôi hay cho tôi đi theo những chuyến buôn hàng thật xa, có khi đi tầu thủy, có khi đi xe “ca”, loại xe ghế gỗ, đường xóc, bụi bay mù mịt. Có khi đi thuyền, hay lội bộ cả ngày luôn. Tôi còn nhớ mẹ hay làm cơm nắm, cho ăn với tôm. Ăn xong, thì dù ở trong thuyền, tầu thủy, hay xe ca, mẹ vẫn bảo tôi đọc truyện của Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.. Đọc xong, mẹ cho kẹo hay cho tiền. Và như thế, văn chương, thơ phú đã thấm vào hồn tôi từ lúc nhỏ. Tôi mê nhân vật Dũng, sáng mờ sương, cầm cây đàn bước xuống thuyền trong tiếng sóng vỗ bờ. Tôi mến cô hàng sách, thích cô hàng hoa, thương cô Loan bị đầy đọa.. Từ mẹ tôi và những cuốn truyện ấy, tôi lớn lên trong văn chương và tình thương của mẹ… Cũng vì thế, mà tôi yêu mẹ nhất nhà. Tôi không thể nào quên được những buổi sáng lạnh, hai mẹ con bước đi trong sương mờ, ghé vào một cổng làng, cổng chợ nào đấy, ăn một đĩa bánh cuốn nóng hổi dưới ánh đèn leo lét. Những chuyến tầu thủy chật người, người này nằm gác đầu lên chân người kia, mẹ tôi mở gói cơm nắm ra, trong đó có kẹp một con tôm đỏ, hoặc chút ruốc.. thât tuyệt vời. Cho nên, khi lớn lên, dù mẹ tôi đánh tôi tàn bạo, đánh lần nào lần ấy phải cõng đi nhà thương, hay gọi bác sĩ khẩn cấp đến nhà chích thuốc cho tôi, lúc ấy tay đã “bắt chuồn chuồn”, nghĩa là sắp sang bên kia thế giới, tôi vẫn yêu mẹ. Có lần mẹ tôi rút ngay cái cọc sắt của chiếc giường sắt, vẫn làm nơi mắc mùng, mà cầm cả hai tay quật cây sắt nặng ấy vào người tôi làm tôi té ngửa. Có lần mẹ cầm cây gỗ 1 phân vuông, đánh tôi đến gẫy cây, mẹ chập cả hai cây làm một, đánh tiếp cho tới khi tôi bất tỉnh. Tôi vẫn yêu mẹ. Lý do những lần bị đánh ấy cũng chả có gì là ghê gớm. Hoặc tôi ham chơi về trễ, sau khi cả nhà đã đi ngủ. Hoặc tôi gian, lấy chìa khóa tủ của mẹ tôi, “chôm” tiền của mẹ, đi xem xine. Hoặc tôi đánh lộn với mấy đứa hàng xóm, bắn tên vào mắt nó, suýt mù… Lần tôi không chịu nghe lời mẹ mà đưa võng cho cô cháu cứ lè nhè đòi “chú Tiến đưa võng cơ”, mẹ tôi đánh tôi suýt chết vì nói tôi không nghe lời mà đưa võng cho cháu, mẹ rút cây kẹp sắt vẫn dùng để gắp than trong bếp, đánh tôi đến khi cây sắt đôi kia cong veo…
Đến khi tôi đã học đệ nhị rồi, mẹ vẫn đánh kinh khủng. Có gì đâu? Tôi mê học vẽ, mà học vẽ thì phải vẽ đàn bà trần truồng. Mẹ hét lên: “Đồ ma quỷ! Mày vẽ cái gì mà ma quỷ thế?”. Mẹ xé toạc bức tranh của tôi, rồi đánh túi bụi lên đầu lên cổ tôi. Tôi cũng ham học võ, tuần nào cũng học 6 buổi sáng sớm, 6 buổi tối, học một lúc bốn môn võ: Judo, Aikido, Jujitsu, và Karate. Học võ thì gẫy tay, gẫy chân là chuyện thường. Sút khớp vai, long đầu gối, rớt ngón tay, ngón chân lủng lẳng.. tôi chẳng biết sợ, vì giống tính mẹ, nhưng mẹ không chịu, mẹ xé võ phục của tôi, thấy tôi què, mẹ còn đánh tợn. Một hôm, biết tôi vẫn lén xin tiền chị Hai để đi học vẽ “cái đồ ma quỷ”, mẹ hăm tôi là sẽ đánh vào sáng hôm sau. Sáng sớm, tôi thức dậy sớm, chờ mẹ tôi đi lễ về, tôi kéo chiếc ghế đẩu, không có tựa, ra giữa nhà, và cởi áo may ô ra, ngồi đó và nói:
-Đấy, me đánh đi!
Mẹ tôi thấy tôi thách thức thì điên lên, cầm gậy phang tôi. Mẹ quất một cái, tôi đếm: “Một”, mẹ quất hai cái, tôi đếm “hai”… làm những cây gậy sau càng lúc càng nhanh, càng mạnh, lúc đầu thì quật ngang lưng, sau thì leo lên cổ, đầu.. Đến đầu, thì tôi lăn ra bất tỉnh, xùi bọt mép!
Mẹ đâu biết là tôi giống tính Mẹ mà! Tôi không biết chữ “sợ” là gì. Đêm leo rào vào nghĩa địa, cầu cơ. Ngày chui vào hầm xương người, nhặt đầu lâu ra chơi. Lúc đi học thi Tú Tài thì vào nghĩa trang Bắc Việt, kiếm ngôi mộ xây nào là của thiếu nữ, thì leo lên ngồi, học bài. Học xong, thì ôm mộ ngủ. Nếu thấy cô gái đẹp, thì làm thơ rồi đốt tặng cho hồn ma oan khuất, thương “em chết trẻ quá”… Chờ người ta tảo mộ, thì nhặt ván hòm về đẽo thành hình trái tim và cầu hồn ma lên nói chuyện chơi, có khi nói “yêu” cả ma nữa.
Học võ thì để đánh lộn tưng bừng. Mấy trận đánh lộn ở Xóm Mới, Gò Vấp, Lăng Cha Cả, một mình xông vào giữa đám dao, gậy, mã tấu mà đấm, đá, vật, quật tưng bừng để thân người bị chém ít nhất là 5 vết sẹo, có vết dao nguy hiểm vì bị đâm ngay tìm, nhưng chỉ đến lớp da ngoài thì ngừng lại.
Thế mà không bị đòn sao được! Tôi chịu đòn của mẹ tôi mà không bao giờ nói lời xin lỗi. Chứng nào tật đó. Bị đánh xong lại tái phạm. Nhưng cho đến khi tôi đỗ Tú Một, thì bỏ nhà đi bụi đời hơn một năm. Giao du với du đãng, khi không có tiền ăn, thì đi cướp giật ngoài đường. Thấy cậu ấm nào đi lạng quạng, đeo dây chuyền, hoặc gắn bút máy Pilot ở túi, là tôi xông ra, tay trái nắm lấy dây chuyền hoặc bút, tay phải dọng một cú đấm vào mặt và chửi tục: “Đ.M mày, du đãng hả?” Cậu ấm còn ngơ ngác, chưa hiểu gì đã bị tôi đạp giúi xuống đất, rồi tôi bỏ chạy thục mạng vào mấy con hẻm ngoằn ngoèo Đa Kao, có thánh cũng không rượt kịp. Cầm “chiến lợi phẩm”, tôi đi vào tiệm cầm đồ quen ở Hai bà Trưng, đổi lấy tiền đi mua bánh mì, có “may dô ne”, và ngồi ăn ở góc đường nào đó. Đêm ngủ vỉa hè, hay dưới gầm xe đò, có khi leo lên xích lô của ai để ngoài đường… Cuộc đời du đãng của tôi đầy tội lỗi, gái giếc, cờ bạc, chỉ không hút xì ke mà thôi.
Rồi cũng có ngày thay đổi. Tôi được người anh họ cho đi dậy học ngoài tỉnh, được một niên học.. Mẹ tôi nghe tin, tìm đến, khóc lóc buộc tôi về. Nhưng chỉ được vài ngày, tôi lại lẳng lặng xách túi ra đi, vừa đi, vừa nhìn lại nhà Mẹ mà khóc…Vừa nhớ mẹ, vừa thương mẹ, cũng vừa ghét mẹ vô cùng.
Và cứ thế, tình mẹ con lên lên, xuống xuống như thủy triều, nhưng khi tôi trở thành thầy giáo, rồi đi lính, biệt phái về hành chánh, rồi làm Giám Đốc một hãng tư, tôi vẫn là đứa con duy nhất lo cho mẹ. Còn các anh chị tôi chạy tản bốn phương. Ai cũng sợ các câu nói “chết cây, gẫy ngành” của mẹ.
Cuối cùng, sau khi sang Mỹ, tôi cố ở với Mẹ môt thời gian vài tháng, rồi “chứng nào tật nấy”, mẹ con lại cãi nhau, và mẹ tôi đi “share” phòng ở môt mình. Hôm đó, nghe mẹ nói đau bụng, tôi vội chở mẹ đi khám bệnh, và đau đớn khi nghe bác sĩ nói: “Cụ chỉ còn sống được 6 tháng nữa là cùng. Cụ bị ung thư dạ dầy đến giai đoạn chót”.
Tôi đưa mẹ vào bệnh viện Fountain Valley, ở đây, tôi chỉ có thể thăm mẹ vào buổi chiều sau khi đi làm về. Mấy đứa cháu con ông anh tôi cũng thay phiền vào thăm bà nội. Nhưng vì cô đơn suốt ngày, mẹ tôi muốn về Việt Nam để có người thân chăm sóc trước khi chết. Nhà tôi còn hai bà chị ở lại Việt Nam và nhiều đứa cháu họ.
Tôi tiễn mẹ ra phi trường và kiếm người đi cùng, nhờ vả họ coi chừng giùm mẹ tôi khi bay. Trong khi chờ bay, Mẹ tôi không đổi sắc, vẫn nói chuyện bình thường với con cháu. Đến khi người ta đưa mẹ vào phòng cách ly, tôi chỉ còn biết gào lên hai tiếng: “Me ơi!” cuối cùng khi bóng mẹ khuất sau cánh cửa.
Mẹ tôi mất đi, nhưng những kỷ niệm hạnh phúc của tuổi thơ bên mẹ không bao giờ tàn trong tôi. Me ơi! Con yêu me nhiều lắm, Me biết không?
-Con sang xem me bị làm sao ấy. Tự dưng me đau bụng quá.
Tôi vội lái xe chạy qua nơi mẹ tôi ở, một căn phòng “share” của người ta, cách nhà tôi chừng 10 phút, gần sát nhà thờ Westminster. Mẹ tôi chọn nơi này vì bà thích được đi bộ đến nhà thờ mỗi buổi sáng mà không phải nhờ đến ai. Một phần nữa, bà muốn ở riêng, không chung đụng với bất cứ đứa con nào. Thật ra, nếu bà muốn, cũng chẳng có đứa con nào có thể ở chung với bà mà không xích mích, ngay cả tôi, thằng con út trong gia đình có 6 anh chị em, là người thương bà và lo lắng cho bà nhiều nhất. Các anh, chị tôi đều dạt ra cả, không ai dám ở chung với bà, chỉ trừ có tôi. Sau khi tôi sang Mỹ theo diện H.O., anh ba tôi, ở miền Bắc California, bảo tôi lên ở với anh, trông coi cửa hàng cho anh và ở nhà anh miễn phí, nhưng tôi từ chối cơ hội tốt đẹp đó vì muốn ở gần mẹ. Sau này, tôi cứ tiếc mãi cơ hội đó vì một người cựu tù mới tới Mỹ, lạng quạng chân ướt chân ráo, mà có việc làm ngay, một việc làm nhàn nhã, chỉ quản lý một cửa hàng bán đồ ăn “fast food”, mà lại ở nhà không mất tiền thuê hàng tháng, thì đúng là tiên, cả nhà tha hồ đi học lại, nhất định tương lai sẽ sáng lạn. Nhưng suy nghĩ mãi, tôi chọn ở chung với mẹ tôi, dù biết trước là hai mẹ con sẽ đụng nhau tơi bời, nhất là vợ tôi, tính hiền lành, nhẫn nhục, nhưng cũng đôi lần phải khóc thầm vì bà mẹ chồng cứ “nghĩ sao, nói vậy, người ơi!” nên thỉnh thoảng độp cho con dâu những câu ác liệt không tưởng tượng được.
Với tính thương mẹ, tôi gạt qua tất cả những căng thẳng mẹ chồng, con dâu, và ngay cả giữa mẹ và con út nữa, và chấp nhận những “bất trắc” rình rập trong cuộc sống chung. Thật thế, mẹ tôi là người mà một thầy bói đã nói: “bà là một người đàn ông trong thân thể đàn bà”, bà rất cứng rắn, thực tế, và nghiêm khắc đến nỗi cả 6 đứa con đều né bà, sợ bà như sợ cọp. Anh ba tôi nói: “Tao mà ở với me chỉ ba ngày là cãi nhau như điên.” Chị kế tôi “bán cái” cho tôi, chẳng bao giờ có ý kiến là ở hay không ở với mẹ. Anh cả tôi thì mất ở trong tù Cộng Sản từ lâu rồi, nhưng trước khi anh mất, hai mẹ con lục đục với nhau hoài.
Hồi đó, mẹ tôi ở một mình ở Long Khánh với cái trại nhỏ của bà, và bị ốm nặng, xuất huyết dữ dội. Tôi ở Saigon lên thăm bà về rồi dục ông anh cả tôi lên thăm bà. Anh cả tôi lừng khừng không chịu đi, vì mới có một trận xung khắc kịch liệt với bà, ngại lên gặp bà thì rồi hai mẹ con lại cãi nhau. Tôi điên tiết lên, chỉ mặt anh, gào to:
-Đ. M. Tôi và anh có liên hệ vì chung một mẹ. Nếu anh không lên thăm mẹ, tôi từ anh ra.
Rồi quay sang mấy đứa cháu đang mở to mắt nhìn ông chú chửi thề tục tĩu, tôi quát:
-Từ nay, đứa nào mà còn gọi tao bằng chú, tao đập chết.
Anh tôi thấy thằng út du đãng quá, nên vội lái xe lên thăm mẹ. Tới nơi, anh lại nói ngay với mẹ tôi:
-Con lên thăm me là vì thằng Tiến nó bảo con!
Chủ nhật sau, tôi lên thăm mẹ, bà kể lại cho tôi nghe hết. Tôi tức cười quá, nhưng cũng “tha tào” cho ông anh.
Mẹ tôi là người đàn bà độc đáo, tính tình rất đặc biệt, không giống ai. Sở dĩ như vậy, là vì bà đã trải qua một cuộc đời đầy cay đắng, khắc nghiệt. Mới mười mấy tuổi đã bị cha mẹ ép gả cho một ông Tiên Chỉ, vốn là một Thầy Đồ dậy học, góa vợ, hơn bà gần ba chục tuổi, người con cả của ông là chị lớn của tôi cũng gần bằng tuổi mẹ tôi. Bà nội tôi, một người giầu có vô địch trong làng, lại là người nổi tiếng là không hiền, coi con dâu như một cái đích để thử tính kiên nhẫn của mẹ. Mẹ tôi kể, khi anh ba tôi, lúc ấy chừng 3 tuổi bị một cái nhọt to bằng trái ổi ở trên đầu, cứ khóc lèo nhèo đòi đi theo bố tôi, bà nội tôi dùng cái vạt áo bông thật dầy cứ đập vào đầu anh tôi và mắng ầm ĩ. Cái nhọt trên đầu anh tôi bung ra, mủ máu tùm lum. Anh tôi xỉu thẳng cẳng. Bố tôi sợ con chết, giận bà nội tôi quá, nằm ngửa ra đất, đập ót xuống sàn gạch và khóc lớn:
-Mẹ giết con của con mất rồi!
Môt người lực điền trong nhà vội lấy bàn chân đỡ đầu bố tôi cho khỏi va vào gạch, mà vì bố tôi đập mạnh quá, ngón chân anh bị dập luôn. Mẹ tôi vội bế con, kêu anh xe kéo một mạch ra Hà Nội, tìm thầy thuốc. Đến một ông Lang nổi tiếng ở Hàng Buồm, ông cho một chai thuốc nhỏ, bảo cho thằng nhỏ uống một muỗng cà phê, ngày hai lần. Mẹ tôi rất tinh tế, nên nói với bố tôi là cho thử nếm một cái tăm tre xem sao đã rồi hãy uống. Bố tôi vừa cho cái tăm thấm thuốc vào miệng anh tôi chừng vài phút, anh tôi đã dẫy nẩy cả người lên, nôn ọe tùm lum. Mẹ tôi vội bế anh đi bác sĩ Tây, may mà mẹ tôi lanh trí, nếu không thì anh tôi đã ra người thiên cổ từ bé.
Với bà mẹ chồng như thế, mẹ tôi đã chịu bao cay đắng, vất vả. Nhưng với bản tính thông minh, mẹ tôi đã sống qua thời trẻ mà thành công rất lớn, làm cho gia đình tôi trở nên cực kỳ giầu có. Khi bà nội tôi muốn chia những thửa ruộng của bà cho các con, mẹ tôi chọn miếng ruộng khô khan nhất mà lại ở triền núi. Mẹ tôi kể:
-Me chọn miếng đất ấy, ở tuốt trên miền Hòa Bình sơn cước, chả ai thèm lên, vì biết là nếu mà chọn miếng tốt hơn thì các chú các thím cũng ganh, và thế nào cũng bì tị, cho rằng con cả thì cái gì cũng tốt. Rồi lại sinh chuyện!
Không ngờ miếng ruộng ấy lại là ruộng vàng! Vàng thật, không phải nói bóng. Vàng nằm đầy trên triền núi Hòa Bình ấy, nằm ngay dưới mặt đất, chẳng phải đào xới gì sâu. Thầy tôi mừng lắm, định rào dậu lại rồi thuê người gác, nhưng mẹ tôi gạt đi:
-Thầy nó cứ để tôi, tôi biết lo liệu.
Thay vì thuê người gác, mẹ tôi mở toang thửa ruộng, báo cho dân miền ấy biết là “bất cứ ai cũng có thể vào đấy đào vàng, nhưng đào xong thì bán lại cho bà” Thế là người Mường, Mán ùn ùn vào đào liên miên, nhưng cứ đến cuối ngày, thì mẹ tôi đứng chờ ở ngoài với một bị tiền, mua tất, và dĩ nhiên với một giá rẻ. Tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại làm vậy. Mẹ tôi cười:
-Me làm thế là có lợi hơn là thuê người làm, người gác. Này nhé, người Mán, Mường trên ấy chuyên mặc quần áo, váy, khăn đầy người, nếu thuê họ đào, thì nhất định họ sẽ dấu vàng vào khăn, vào váy, mỗi ngày một tí, rồi không lẽ cuối ngày, mình bắt họ ở truồng ra mà khám à? Còn những người gác, tội gì lại không ăn cắp? Mỗi ngày nó nuốt một miếng, thì mình hết vốn rồi! Me cho họ tự nhiên đào vàng, thì họ sẽ chẳng cần ăn cắp, sẽ không có trộm cướp rình mình mà giết, mà vì người miền núi không thích vàng, mà chỉ thích bạc, họ đeo vòng bạc đầy người, chứ không đeo vàng, me trả họ tiền, họ thích lắm, đi mua bạc. Mình lại bán bạc cho họ! Thế là cả hai bên đều có lợi!
Mẹ tôi thật là thông minh. Mỗi ngày bà chỉ mang một bị tiền, bị bạc, chất lên con ngựa của bà, rồi cầm cái gậy dài để đập rắn rết, mẹ cỡi ngựa lên núi, lấy tiền đổi vàng, bán bạc lấy tiền, chả sợ cướp bóc gì, cả làng người sơn cước còn quý mến mẹ, cho dù mẹ còn trẻ, dưới 30 tuổi, nhưng tất cả đều gọi mẹ bằng tiếng “mẹ”, và đi đâu cũng được đón tiếp nồng hậu.
Mẹ tôi rất can đảm, chẳng biết sợ là cái gì. Bà ghét mê tín, thần linh vớ vẩn. Một hôm bà rẽ vào môt nhà người Mán, ngủ qua đêm. Bà nằm trên phản, mà chân lại hướng về phía bàn thờ của người sơn cước tỉnh bơ. Bà chủ nhà cứ chắp tay vái mẹ lia lịa:
-Mẹ ơi! Nếu mẹ không thờ, thì mẹ cũng để con thờ chứ! Mẹ để chân về phía bàn thờ như vậy, ma nó về vật con chết!
Mẹ tôi “ối dào, ma với quỷ!” và mãi mới chịu rút chân về! Cỡi ngựa đi ngang qua mấy miếu thờ của họ, mẹ tôi cũng chẳng xuống ngựa, làm dân làng hãi quá, vái lấy vái để.
Tính mẹ tôi như thế đó, thẳng thắn, cương quyết, hiểu biết nhiều điều lạ và áp dụng ngay trong đời sống. Thầy tôi có mua một thửa vườn lớn để trồng mít. Vườn ở xa nhà lắm, nếu muốn lên thăm vườn, thì phải đi thuyền ngược, rồi leo núi bằng chân. Để tránh tình trạng ăn trộm mít, mẹ tôi thuê một bà Mán là phù thủy trong làng, coi sóc vườn cho bà. Bà Mán này có phù phép ma quái, thờ một ông “ma xó” ngay cửa vườn. Ông “ma xó” là một cái đầu lâu người chết vì sét đánh, bà phù thủy này đem để trong môt cái lu, rồi yểm bùa gì đó, khiến con ma này trông coi vườn cho bà. Nếu có kẻ trộm đến hái mít, thì lập tức con ma xó này đếm: “một.. hai…ba”. Nếu đếm đến 3 mà kẻ trộm không chạy, thì ma vật hộc máu ra chết liền!
Một ngày kia, khi được tin báo là mít đã chín, thầy mẹ tôi kêu mấy người làm cùng chèo thuyền lên rừng hái mít. Cả toán đến nơi, thì chưng hửng, vì bà phù thủy kia không cho hái. Bà chắp tay vái thầy tôi và nói:
-Thầy ơi! Thầy đợi con trăng ngày mai rồi hãy hái. Con còn phải cúng trăng đã.
Đâu có được! Cả toán kéo lên đây đây phải dễ mà đi về rồi lại lộn lên nữa! Thầy tôi cứ cương quyết bảo anh Mười, một người lực điền khỏe nhất đám với bắp múi nổi gồng lên ở tay chân, leo lên hái mít. “Mày cứ lên hái cho tao!”
Vừa leo lên tới chỗ quả mít to nhất, và mới chạm tay vào trái mít, bỗng anh Mười vụt tay ra, rồi té nhào xuống đất. Mọi người đổ xô đến, sợ hết hồn hết vía vì thấy anh Mười mặt mũi đỏ gay, cứ thè lưỡi ra định cắn lưỡi mình, tay chân co rút, đập tán loạn trên đất để tự tử. Mấy người lực điền phải đè anh xuống, giữ tay giữ chân anh, mà sao anh mạnh quá trời, giữ đè vậy mà anh cũng vùng lên được và chạy ào ra, phóng xuống sông! Mọi người nhào theo, vật lộn với anh làm nước tung tóe.
Bà Mán thủng thỉnh nói:
-Con đã nói rồi mà! Con đã nói rồi mà! Chưa cúng trăng, làm sao hái được?
Thầy tôi, cũng là người không biết sợ ma quỷ, quay lại, vung tay tát cho bà Mán kia một cái và quát lớn:
-Mày có giải bùa cho nó không thì bảo? Tao báo quan bắt bỏ tù mày!
Bà Mán lẳng lặng chùi má và thấy tình hình cũng găng quá, nên đòi thầy tôi phải đưa cho bà một đồng bạc thật, để bà cúng ma! Bực quá mà thầy tôi cũng phải móc túi đưa cho bà phù thủy kia một đồng bạc bằng bạc thật. Hồi đó, người Mán, Mường chỉ thích bạc để đeo toòng teng trên người, làm xà-tích bạc, dây bạc, vòng bạc cổ chân, cổ tay, và trên cổ.. Đồng bạc thật hồi đó quý lắm, dầy cui và khắc hoa văn. Được đồng bạc trên tay, bà Mán kia thắp nhang, nến và quỳ xuống vái cái lu đựng “ông ma xó”, rồi lẩm bẩm đọc thần chú gì đó…Chỉ vài giây sau, đột nhiên, anh Mười tỉnh táo lại, coi như không có chuyện gì xẩy ra….
Vậy mà mẹ tôi chẳng biết sợ là cái gì. Rồi chúng tôi về Hà Nội với căn nhà mênh mông ngay trên phố Khâm Thiên, với một cái cầu thang bằng đồng có hai cái tay nắm tròn bằng đồng sáng chói, nơi mà tôi lẫm chẫm đứng đó và chỉ tay ra ngoài cửa: “Ph…ở…ph…ở…” để chị vú chạy ra gọi ông phở gánh ngừng lại và bán cho tôi một tô phở. Một ngày kia, mẹ tôi đang ngồi trên phản gụ, một người làng cũ đến, đưa cho mẹ tôi một chai mật ong đặc và nói là quà của thầy tôi, không biết lúc đó đang ở đâu. Sau khi bị đấu tố ở làng, thầy mẹ tôi trốn được, nhưng không biết sao mà Thầy tôi không về Hà nội cùng với chúng tôi. Nghe người đưa tin xong, mẹ tôi cầm ngay chai mật ong, đập cái “chát” vào tường. Mật bắn tung tóe cả nhà, rồi mẹ tôi lẳng lặng thu xếp cho cả nhà kéo về Bùi Chu, không ở Hà Nội nữa.
Tôi nhớ, hồi đó, một buổi sớm lạnh, cả nhà tôi kéo nhau ra bến sông. Giữa những đốm sáng của các cây đèn bão lung linh, với tiếng nước va mạn thuyền róc rách, tiếng người gọi nhau ơi ới, mẹ tôi dẫn tay tôi đi trên tấm ván gỗ rung rinh dưới chân, bước vào khoang con thuyền đinh, một thứ thuyền có mui lớn và những cánh buồm to rộng. Sau khi đồ đạc chất lên rồi, thuyền nhổ neo ra khơi. Chiếc đèn bão treo trong khoang cứ lắc đi lắc lại, làm những vầng sáng thật lãng mạn chập chờn trên vách tre. Tâm tư của đứa trẻ 5,6 tuổi như tôi cứ lâng lâng theo tiếng sóng vỗ lẹt đẹt vào mạn thuyền và những vầng sáng nhòa nhạt trong khoang. Khi mặt trời lên cao, tôi leo lên nóc khoang, ngồi nhìn những đàn chim tung cánh trong nắng sớm hướng về phía mặt trời rực rỡ xa xa. Bỗng dưng, tim tôi như ngừng đập khi nhìn thấy bên bờ sông có dẫy cát vàng trải dài, một đàn ngựa đang tung tăng chạy nhẩy. Một con ngựa bỗng cất cao hai vó trước lên và hí một tiếng dài.. Tiếng hí trong sương sớm thấm vào hồn tôi, hòa vào máu tôi, và ở lại mãi cho đến hôm nay, khiến tôi muốn bật ra các câu thơ..
Về đến Bùi Chu, mẹ tôi cho dọn vào căn nhà đầu tiên của Đại Lộ Phạm Ngọc Chi, ngay sát một nghĩa địa nhỏ, rồi tới sân nhà thờ. Mẹ tôi thuê nhà ở đây làm nơi trung chuyển thuốc lào Vĩnh Bảo. Bỏ hết giang sơn lại ở Hà Nội, mẹ tôi quay sang làm đại lý thuốc lào và đi giao hàng khắp các tỉnh, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên. Mẹ tôi hồi trẻ gan dạ lắm. Bà buôn đủ thứ. Lên miền ngược mua gỗ cây, cho thả xuôi theo dòng. Về tới bình nguyên, thì chặn lại, bà bán cho chủ gỗ. Có khi bà liều mạng vào vùng Việt Minh, bán đá lửa, thuốc Aspirin là những món hàng quý. Bà cho đục mái chèo ra, nhét đá lữa hay thuốc vào đó, rồi khằn lại, làm cái nghề này mất mạng như chơi.
Điều đáng kể là cũng tại Bùi Chu, tôi đã gặp ma lần đầu tiên. Hôm ấy, các anh chị tôi kéo đi xem phim chiếu ở sân nhà thờ, còn có hai mẹ con ngồi ở ngoài sân, nhìn ra bờ hồ tối thui. Đang ngồi yên lặng, chợt nghe thấy tiếng người gọi ở trong nhà: “Bán cho tôi đồng thuốc lào”. Mẹ tôi cười:
-Lại thằng nào phá đây!
Rồi mẹ tôi kéo tôi đi vào trong nhà. Cầm lấy cây đèn Hoa Kỳ vàng nhỏ, mẹ tôi đi khắp trước sau, cũng không thấy ai. Mẹ lẩm bẩm: “Quái! Thằng nào vừa nói mà đâu mất rồi?” Mẹ tôi lại đi thêm môt vòng nữa, cũng không thấy ai. Chợt, từ cây đàn ghi ta treo trên vách, bỗng bật lên mấy tiếng “từng, tưng, tưng”… Nhìn lại thấy cây đàn vẫn treo đó, mà không có người gẩy, bất chợt tôi rung người. Mẹ tôi thấy tôi sợ, liền nắm chặt bàn tay tôi, nói:
-Để me tìm ra thằng nào, me tát cho nó một cái.
Hai mẹ con đi từ nhà trên xuống nhà bếp, tới cái cầu tiêu cao.. cũng không thấy bóng người nào. Mẹ nói:
-Lạ nhỉ?
Rồi mẹ kéo tay tôi, lúc đó đã run bần bật, ra phía vườn sau có bức tường sát với nghĩa địa, có một cây cao giữa vườn, nghe nói có người treo cổ ở đó.. tới phòng tắm xây ở góc vườn.. Tại cửa phòng tắm, mẹ tôi giơ cao cây đèn vào trong và nói:
-Đây rồi! Thằng nào núp trong này thì biết tay me!
Vừa đưa cây đèn vào phía trong cửa, bất ngờ một cơn gió từ bên trong thổi ra rất mạnh. “Phù…” Cây đèn tắt phụt!
Tôi giật bắn mình, quấn ngay vào chân mẹ. Mẹ tôi lẳng lặng không nói gì, nhưng tôi cũng biết đó là.. ma, vì trong phòng tắm chẳng có bóng người nào cả! Chân tôi như ríu lại, tôi bước không nổi nữa, làm mẹ tôi phải bế tôi lên ra ngoài. Tới cửa bên ngoài rồi, mẹ nói nhó:
-Con đừng nói với đứa nào nhé! Đêm nay chúng nó lại vãi cả ra giường!
Lúc đó, miệng tôi như bị ai nhét giẻ vào nên không nói được lời nào. Đến khuya, các anh chị tôi lục tục về nhà. Tuy bị mẹ cấm, nhưng làm sao mà tôi nhịn mà không kể được. Thế là sáng hôm sau, giường chiếu nào cũng đen xì, ẩm ướt, không có đứa nào có gan mà đi tiểu ở cầu tiêu đằng sau..
Mãi đến sau khi anh cả tôi quất cho mỗi đứa một trận thê thảm thì mới hết tiểu ra giường bởi chúng tôi sợ đòn hơn sợ ma. Anh cả tôi mà đánh thì oằn người.
Trở lại chuyện mẹ khi thầy tôi mất. Một sáng lạnh, có một chiếc xe Traction đen phóng về Bùi Chu. Sau khi nói chuyện với mẹ tôi xong, thì chiếc xe lại vù đi. Mẹ tôi không nói gì, chỉ gọi anh cả tôi thu xếp lên đường về Hà Nội. Chúng tôi ở lại, ngơ ngác. Mấy ngày sau, mẹ và anh trở lại, đưa cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc khăn đen đeo vào vòng tay, cho biết Thầy tôi, sau vụ đấu tố, đã mang bệnh nặng và chết rồi.
Từ đó, chúng tôi sống với sự bươn chải của mẹ, một tay nuôi sáu đứa con. Có những hôm, trời mưa làm bùn ngập cả đường tới trên mắt cá, mẹ tôi một tay chống gậy, một tay đỡ bao gạo trên đầu, bì bọp bước về nhà. Mùa đông lạnh quá, mẹ tôi bện một ổ rơm thật lớn cho cả nhà nằm ngủ dưới đất. Sáng dậy, đánh răng bằng muối hay bằng than đen. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải ăn cám thay cơm. Mỗi đứa một đĩa cám, lấy thìa đẩy vào mồm và phải bịt mũi vì nếu thở mạnh, cám bay tùm lum.
Thời gian ấy, để mưu sinh, mẹ tôi làm đủ nghề. Mới hơn 30 tuổi, mà mẹ tôi trông già như bà lão. Mẹ tôi hay cho tôi đi theo những chuyến buôn hàng thật xa, có khi đi tầu thủy, có khi đi xe “ca”, loại xe ghế gỗ, đường xóc, bụi bay mù mịt. Có khi đi thuyền, hay lội bộ cả ngày luôn. Tôi còn nhớ mẹ hay làm cơm nắm, cho ăn với tôm. Ăn xong, thì dù ở trong thuyền, tầu thủy, hay xe ca, mẹ vẫn bảo tôi đọc truyện của Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.. Đọc xong, mẹ cho kẹo hay cho tiền. Và như thế, văn chương, thơ phú đã thấm vào hồn tôi từ lúc nhỏ. Tôi mê nhân vật Dũng, sáng mờ sương, cầm cây đàn bước xuống thuyền trong tiếng sóng vỗ bờ. Tôi mến cô hàng sách, thích cô hàng hoa, thương cô Loan bị đầy đọa.. Từ mẹ tôi và những cuốn truyện ấy, tôi lớn lên trong văn chương và tình thương của mẹ… Cũng vì thế, mà tôi yêu mẹ nhất nhà. Tôi không thể nào quên được những buổi sáng lạnh, hai mẹ con bước đi trong sương mờ, ghé vào một cổng làng, cổng chợ nào đấy, ăn một đĩa bánh cuốn nóng hổi dưới ánh đèn leo lét. Những chuyến tầu thủy chật người, người này nằm gác đầu lên chân người kia, mẹ tôi mở gói cơm nắm ra, trong đó có kẹp một con tôm đỏ, hoặc chút ruốc.. thât tuyệt vời. Cho nên, khi lớn lên, dù mẹ tôi đánh tôi tàn bạo, đánh lần nào lần ấy phải cõng đi nhà thương, hay gọi bác sĩ khẩn cấp đến nhà chích thuốc cho tôi, lúc ấy tay đã “bắt chuồn chuồn”, nghĩa là sắp sang bên kia thế giới, tôi vẫn yêu mẹ. Có lần mẹ tôi rút ngay cái cọc sắt của chiếc giường sắt, vẫn làm nơi mắc mùng, mà cầm cả hai tay quật cây sắt nặng ấy vào người tôi làm tôi té ngửa. Có lần mẹ cầm cây gỗ 1 phân vuông, đánh tôi đến gẫy cây, mẹ chập cả hai cây làm một, đánh tiếp cho tới khi tôi bất tỉnh. Tôi vẫn yêu mẹ. Lý do những lần bị đánh ấy cũng chả có gì là ghê gớm. Hoặc tôi ham chơi về trễ, sau khi cả nhà đã đi ngủ. Hoặc tôi gian, lấy chìa khóa tủ của mẹ tôi, “chôm” tiền của mẹ, đi xem xine. Hoặc tôi đánh lộn với mấy đứa hàng xóm, bắn tên vào mắt nó, suýt mù… Lần tôi không chịu nghe lời mẹ mà đưa võng cho cô cháu cứ lè nhè đòi “chú Tiến đưa võng cơ”, mẹ tôi đánh tôi suýt chết vì nói tôi không nghe lời mà đưa võng cho cháu, mẹ rút cây kẹp sắt vẫn dùng để gắp than trong bếp, đánh tôi đến khi cây sắt đôi kia cong veo…
Đến khi tôi đã học đệ nhị rồi, mẹ vẫn đánh kinh khủng. Có gì đâu? Tôi mê học vẽ, mà học vẽ thì phải vẽ đàn bà trần truồng. Mẹ hét lên: “Đồ ma quỷ! Mày vẽ cái gì mà ma quỷ thế?”. Mẹ xé toạc bức tranh của tôi, rồi đánh túi bụi lên đầu lên cổ tôi. Tôi cũng ham học võ, tuần nào cũng học 6 buổi sáng sớm, 6 buổi tối, học một lúc bốn môn võ: Judo, Aikido, Jujitsu, và Karate. Học võ thì gẫy tay, gẫy chân là chuyện thường. Sút khớp vai, long đầu gối, rớt ngón tay, ngón chân lủng lẳng.. tôi chẳng biết sợ, vì giống tính mẹ, nhưng mẹ không chịu, mẹ xé võ phục của tôi, thấy tôi què, mẹ còn đánh tợn. Một hôm, biết tôi vẫn lén xin tiền chị Hai để đi học vẽ “cái đồ ma quỷ”, mẹ hăm tôi là sẽ đánh vào sáng hôm sau. Sáng sớm, tôi thức dậy sớm, chờ mẹ tôi đi lễ về, tôi kéo chiếc ghế đẩu, không có tựa, ra giữa nhà, và cởi áo may ô ra, ngồi đó và nói:
-Đấy, me đánh đi!
Mẹ tôi thấy tôi thách thức thì điên lên, cầm gậy phang tôi. Mẹ quất một cái, tôi đếm: “Một”, mẹ quất hai cái, tôi đếm “hai”… làm những cây gậy sau càng lúc càng nhanh, càng mạnh, lúc đầu thì quật ngang lưng, sau thì leo lên cổ, đầu.. Đến đầu, thì tôi lăn ra bất tỉnh, xùi bọt mép!
Mẹ đâu biết là tôi giống tính Mẹ mà! Tôi không biết chữ “sợ” là gì. Đêm leo rào vào nghĩa địa, cầu cơ. Ngày chui vào hầm xương người, nhặt đầu lâu ra chơi. Lúc đi học thi Tú Tài thì vào nghĩa trang Bắc Việt, kiếm ngôi mộ xây nào là của thiếu nữ, thì leo lên ngồi, học bài. Học xong, thì ôm mộ ngủ. Nếu thấy cô gái đẹp, thì làm thơ rồi đốt tặng cho hồn ma oan khuất, thương “em chết trẻ quá”… Chờ người ta tảo mộ, thì nhặt ván hòm về đẽo thành hình trái tim và cầu hồn ma lên nói chuyện chơi, có khi nói “yêu” cả ma nữa.
Học võ thì để đánh lộn tưng bừng. Mấy trận đánh lộn ở Xóm Mới, Gò Vấp, Lăng Cha Cả, một mình xông vào giữa đám dao, gậy, mã tấu mà đấm, đá, vật, quật tưng bừng để thân người bị chém ít nhất là 5 vết sẹo, có vết dao nguy hiểm vì bị đâm ngay tìm, nhưng chỉ đến lớp da ngoài thì ngừng lại.
Thế mà không bị đòn sao được! Tôi chịu đòn của mẹ tôi mà không bao giờ nói lời xin lỗi. Chứng nào tật đó. Bị đánh xong lại tái phạm. Nhưng cho đến khi tôi đỗ Tú Một, thì bỏ nhà đi bụi đời hơn một năm. Giao du với du đãng, khi không có tiền ăn, thì đi cướp giật ngoài đường. Thấy cậu ấm nào đi lạng quạng, đeo dây chuyền, hoặc gắn bút máy Pilot ở túi, là tôi xông ra, tay trái nắm lấy dây chuyền hoặc bút, tay phải dọng một cú đấm vào mặt và chửi tục: “Đ.M mày, du đãng hả?” Cậu ấm còn ngơ ngác, chưa hiểu gì đã bị tôi đạp giúi xuống đất, rồi tôi bỏ chạy thục mạng vào mấy con hẻm ngoằn ngoèo Đa Kao, có thánh cũng không rượt kịp. Cầm “chiến lợi phẩm”, tôi đi vào tiệm cầm đồ quen ở Hai bà Trưng, đổi lấy tiền đi mua bánh mì, có “may dô ne”, và ngồi ăn ở góc đường nào đó. Đêm ngủ vỉa hè, hay dưới gầm xe đò, có khi leo lên xích lô của ai để ngoài đường… Cuộc đời du đãng của tôi đầy tội lỗi, gái giếc, cờ bạc, chỉ không hút xì ke mà thôi.
Rồi cũng có ngày thay đổi. Tôi được người anh họ cho đi dậy học ngoài tỉnh, được một niên học.. Mẹ tôi nghe tin, tìm đến, khóc lóc buộc tôi về. Nhưng chỉ được vài ngày, tôi lại lẳng lặng xách túi ra đi, vừa đi, vừa nhìn lại nhà Mẹ mà khóc…Vừa nhớ mẹ, vừa thương mẹ, cũng vừa ghét mẹ vô cùng.
Và cứ thế, tình mẹ con lên lên, xuống xuống như thủy triều, nhưng khi tôi trở thành thầy giáo, rồi đi lính, biệt phái về hành chánh, rồi làm Giám Đốc một hãng tư, tôi vẫn là đứa con duy nhất lo cho mẹ. Còn các anh chị tôi chạy tản bốn phương. Ai cũng sợ các câu nói “chết cây, gẫy ngành” của mẹ.
Cuối cùng, sau khi sang Mỹ, tôi cố ở với Mẹ môt thời gian vài tháng, rồi “chứng nào tật nấy”, mẹ con lại cãi nhau, và mẹ tôi đi “share” phòng ở môt mình. Hôm đó, nghe mẹ nói đau bụng, tôi vội chở mẹ đi khám bệnh, và đau đớn khi nghe bác sĩ nói: “Cụ chỉ còn sống được 6 tháng nữa là cùng. Cụ bị ung thư dạ dầy đến giai đoạn chót”.
Tôi đưa mẹ vào bệnh viện Fountain Valley, ở đây, tôi chỉ có thể thăm mẹ vào buổi chiều sau khi đi làm về. Mấy đứa cháu con ông anh tôi cũng thay phiền vào thăm bà nội. Nhưng vì cô đơn suốt ngày, mẹ tôi muốn về Việt Nam để có người thân chăm sóc trước khi chết. Nhà tôi còn hai bà chị ở lại Việt Nam và nhiều đứa cháu họ.
Tôi tiễn mẹ ra phi trường và kiếm người đi cùng, nhờ vả họ coi chừng giùm mẹ tôi khi bay. Trong khi chờ bay, Mẹ tôi không đổi sắc, vẫn nói chuyện bình thường với con cháu. Đến khi người ta đưa mẹ vào phòng cách ly, tôi chỉ còn biết gào lên hai tiếng: “Me ơi!” cuối cùng khi bóng mẹ khuất sau cánh cửa.
Mẹ tôi mất đi, nhưng những kỷ niệm hạnh phúc của tuổi thơ bên mẹ không bao giờ tàn trong tôi. Me ơi! Con yêu me nhiều lắm, Me biết không?
Chu Tất Tiến.
No comments:
Post a Comment