Mỹ
Chỉ Hót – Nga Lại Hốt
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151002
Putin đưa quân vào Syria và Obama ngạc nhiên!
* Thằng hề
gặp thằng gian - Obama và Putin - hí họa của Michael Ramirez IBD *
Ngày Thứ Tư 30 Tháng Chín có thể là
ngày hài kịch quốc tế mà truyền thông dòng chính, định nghĩa là nịnh Barack
Obama, và truyền thông thông ngôn của ta thì đi chậm hai ngày nên cứ vi vút nói
về kế hoạch Nga-Mỹ-Iran cho xứ Syria sau khi Tổng thống Obama ăn trưa với
Vladimit Putin của Nga bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New
York hôm Thứ Hai 28.
Hãy nói về hài kịch hôm Thứ Tư đã,
sau đó là bi kịch của thằng hề Obama!
Buổi trưa, giờ thủ đô Hoa Kỳ, Chủ
tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện là Nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng Hòa họp
báo về việc Liên bang Nga vừa mở cuộc không tập tại Syria. Lý do là trái với
tuyên bố của Moscow, vụ oanh tạc không nhắm vào căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi
giáo (ISIL hay ISIS) ở hướng Đông mà lại tấn công lực lượng nổi dậy chống chế
độ độc tài Bashar al-Assad, lực lượng do Hoa Kỳ và liên quân quốc tế (chủ yếu
là Anh và Pháp) yểm trợ tại hướng Tây. Vladimir Putin ra tay hành động nhằm bảo
vệ al-Assad.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, qua
lời tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry sau khi điện đàm với vị tương nhiệm
của Moscow là Sergei Lavrov, cho biết Hoa Kỳ “đang bắt đầu tìm hiểu về động lực
của Nga tại Syria.” Beginning of trying
to understand what the Russian’s intentions are in Syria. Đang bắt đầu tìm
- mà chưa hiểu.
Một giờ sau cuộc họp báo của Nghị sĩ
McCain, phát ngôn viên tòa Bạch Cung cho biết rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo
dõi động thái mới của Nga tại Syria.
Ba giờ sau, Tổng trưởng Quốc phòng
Hoa Kỳ Ash Carter họp báo và tuyên bố Nga đang đổ dầu vào lửa khi đưa quân vào
để vừa bảo vệ chế độ al-Assad vừa tấn công tổ chức ISIL. Nhưng mục tiêu nào là
chính, mục tiêu nào là phụ thì chưa rõ, vì tại chỗ, Nga cản trở nỗ lực tấn công
lực lượng ISIL của Hoa Kỳ và liên quân quốc tế trong khi lại không tập những
nơi không có quân ISIL.
Đến buổi chiều, khán giả được thấy
hình ảnh của hai Ngoại trưởng Nga Mỹ tiếp xúc với báo chí tại trụ sở Liên hiệp
quốc sau cuộc gặp gỡ riêng. John Kerry nói đến nhu cầu “xuống thang xung đột”, deconflict, một chữ rất mới, và rằng
giới chức quân sự của hai nước nên gặp nhau nói chuyện. Lại nói. Sergei Lavrov
thì lạnh lùng đứng bên và gật gù đồng ý. Rồi hai người chia tay.
Mãi sau đó công chúng mới biết John
Kerry đã trễ hai tiếng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trước
đấy, nên chẳng nghe bài diễn văn của Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Trễ vì không
dàn xếp được nghị trình làm việc, hay vì muốn tỏ vẻ coi thường đối thủ? Chúng
ta khó biết được. Nhưng mọi chuyện cứ
giống như một hài kịch ngoại giao.
Đó là chẳng nói chẳng rằng, Nga đã
ra quân tại Syria mà Mỹ chưa hiểu là để làm gì, tại sao….
Thật ra câu chuyện lại còn ly kỳ hơn
vậy.
Vì người ta được biết là sáng Thứ Tư
30, giờ Iraq, một viên tướng b sao của Nga điện thoại cho Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại
thủ đô Baghdad ở Iraq để báo trước là sẽ đến họp. Một giờ sau, Hoa Kỳ được Nga chính thức thông
báo tại Baghdad rằng Nga sẽ mở cuộc không tập tại Syria và rằng phi cơ của Mỹ
phải ra khỏi không phận của Syria. Bộ Quốc phòng gọi hành động ấy là “thiếu
chuyên nghiệp”! Ai thiếu?
Thật ra, Liên bang Nga đã rất chuyên
nhiệp trong việc dụng binh và làm Hoa Kỳ giật mình lúng túng!
***
Ngày bốn Tháng Chín, là gần một
tháng trước, Nga đã đưa ít ra là 15 trực thăng vào căn cứ Bassel al-Assad (một
phi cảng quốc tế) trong đó có nhiều chiếc Mi-24 Hind với khả năng khu trục, tấn
công. Hai tuần sau, Nga dồn dập đưa thêm vào chiến trường Syria đủ loại võ khí
tân kỳ. Từ khu trục cơ Su-25 Frogfoot tới chiến đấu cơ đa năng Su-30 Flankers,
cùng chiến xa T-90, thiết vận xa BTR-80, và cả chiến hạm lẫn hai dàn hỏa tiễn
phòng không, v.v. cho trận địa chiến. Tại Latakia, họ xây dựng công thự có thể
chứa mấy ngàn binh lính. Tại quân cảng Tartous, các chiến hạm Nga có thể theo
dõi hoạt động của Hạm đội Hoa Kỳ trong khu vực chiến lược này.
Tức là từ ngày 18 Tháng Chín và
trong mấy ngày sau đó, Ngũ Giác đài của Hoa Kỳ đã phải biết qua vệ tinh và
không ảnh rằng Nga đưa quân vào các căn cứ chiến lược của Syria tại miền Tây
Bắc ở ven biển Địa Trung Hải. Và chiến đấu cơ siêu thanh Su-30 Frankers có thể
cất cánh từ Bassel al-Assad bay vào không phận của Turkey trong vài phút. Thành
viên Hồi giáo duy nhất của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO là Turkey có thể bị
de dọa vì tên bay đạn lạc mà chỉ có vài phút để xác định mục tiêu của đối thủ
trên không phận của mình.
Giới chức quân sự Hoa Kỳ và các đồng
minh NATO không thể không biết chuyển động này và phải suy đoán ra những mục
đích gần xa của Putin.
Sau khi tấn công Ukraine và thôn
tính bán đảo Crimea để khống chế vùng biển Hắc hải, Liên bang Nga gặp nhiều khó
khăn vì bị Hoa Kỳ cùng các nước Tây phương phong tỏa kinh tế. Trong nội tình
chính trị Moscow, Tổng thống Putin cũng gặp sức ép của thành phần bảo thủ
“siloviki”, có chủ trương triệt để bảo vệ an ninh và sức mạnh quân sự của Nga.
Mặc dù như vậy và có khi cũng vì vậy mà Putin lại có cuộc phản công làm Chính
quyền Obama bị bất ngờ.
Thật ra, mục tiêu của Nga không là
điều gì khó hiểu.
Sau khi Hoa Kỳ từ chối can thiệp vào
Syria dù chế độ al-Assad đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do Obama vạch ra từ Tháng
Tám năm 2012, là dùng võ khí hóa học tàn sát phe đối lập, Chính quyền Putin lại
được Obama mời vào dàn xếp một giải pháp cho Syria, có thể là với dụng tâm nhờ
Nga tìm giải pháp tháo gỡ kế hoạch võ khí hạch tâm của Iran. Kế hoạch tháo gỡ
ấy đang thành hình qua hiệp ước hòa giải với Iran và qua lời hứa không thể kiểm
chứng được của các Giáo chủ Tehran.
Đó là bi kịch Obama.
Khi tổ chức khủng bố ISIL xuất hiện vào đầu năm ngoái tại Syria rồi bành
trướng qua Iraq, Obama đánh giá sai ISIL là “đội banh tay mơ” và quyết định chỉ
không tập chứ không thả quân vào trận địa, dù chỉ để thu thập tin tức tình báo.
Khi ấy, Hoa Kỳ có mục tiêu mâu thuẫn là chống al-Assad, tiêu diệt tổ chức ISIL
chống al-Assad và yểm trợ các lực lượng võ trang Hồi giáo khác, của mình.
Một năm sau, chiến lược đánh cầm chừng như vậy không đạt kết quả.
Putin bèn đưa quân vào Syria tiếng là để bảo vệ kiều dân của mình và tìm
giải pháp chính trị - có hay không có chế độ al-Assad – và cùng quân đội của
al-Assad tấn công lực lượng ISIL. Đấy là lập luận chính thức. Thực chất là để
ngăn ngừa các nhóm võ trang chống al-Assad được Hoa Kỳ yểm trợ. Mục tiêu chiến
thuật dễ hiểu về quân sự là thiết lập hệ thống cấm bay bằng võ khí phòng không
của Nga để bảo vệ chế độ al-Assad. Mỹ bị Nga ra lệnh cấm bay!
Mục tiêu chiến lược là xây dựng liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và cả
lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ tại Lebanon, để chứng minh rằng Nga chứ
không phải là Hoa Kỳ hay các nước Tây phương mới có giải pháp ngăn ngừa và tiêu
diệt tổ chức ISIL.
Nhưng mục đích sâu xa và lâu dài hơn vậy là lần đầu tiên kể từ 1984, Nga có
chân đứng tại Trung Đông, với khả năng đe dọa Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO
tại miền Nam, và bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, từ Địa Trung
Hải qua tới khu vực Trung Á. Nếu theo dõi động thái của Nga trên vùng biển
Baltic lên tới Bắc Cực, người ta còn thấy kế hoạch quy mô có kích thước toàn
cầu nhằm trám vào khoảng trống do Hoa Kỳ để lại sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống
Obama.
Trong hai nhiệm kỳ ấy, Hoa Kỳ thoái thác trách nhiệm quốc tế và làm gì cũng
sợ thất bại nên đánh chỉ cầu hòa - và đánh bằng miệng cho an toàn. Putin thì
nói ít mà làm nhiều. Dù kinh tế khó khăn vẫn tăng ngân sách quốc phòng tời 20%
và đang phơi bày sự nhu nhược bất nhất của Hoa Kỳ.
Các nước trong vùng đang phải chọn lựa….
***
Khi đưa quân vào Syria, Putin đã thu hẹp khả năng hành động của Hoa Kỳ và
các nước Tây phương không chỉ trong lãnh thổ Syria mà còn khiến chính quyền
Iraq cộng tác chặt chẽ hơn với Nga, Syria và nhất là Iran. Tức là ngày càng xa
dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuần qua, Chính quyền Baghdad đã xác nhận là sẽ trao
đổi tin tức tình báo với Nga và Iran, để có một chiến tuyến chung chống tổ chức
ISIL. Thật ra là chống cả ISIL lẫn quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.
Thực tế ở tại chỗ cho thấy chiến đấu cơ của Nga đã xuất hiện trên không
gian Syria, có khả năng ngăn ngừa các phi vụ chống ISIL của Hoa Kỳ và liên
quân. Không quân Nga đang yểm trợ và bảo vệ trực thăng của chế độ al-Assad và
gây khó cho các vụ không tập của Mỹ chống ISIL. Nhờ vậy, Putin có thể đảm bảo
là Hoa Kỳ không thể làm suy yếu chế độ al-Assad mà cũng chẳng giải quyết được
mối nguy ISIL trong cả khu vực.
Đã vậy, Chính quyền Putin còn khéo dụ Hoa Kỳ cùng phối hợp hoạt động không
quân với Nga trong khi vẫn duy trì khả năng cản trở các phi vụ Mỹ chống lại
ISIL hay chế độ al-Assad. Sở dĩ như vậy vì Putin đưa vào chiến trường Syria một
lực lượng quy mô và có tiềm năng lớn hơn mục tiêu chính thức ban đầu là để bảo
vệ thường dân và các căn cứ của Nga tại Syria.
Chi tiết kỹ thuật về các loại võ khí được tung vào trận địa, từ phi cơ đến
chiến xa và hỏa tiễn, và các căn cứ đang được Nga sử dụng tại Syria cho thấy
tầm nhìn rất xa của Putin. Nó rộng hơn lãnh thổ Syria! Không quân Nga có thể từ
Syria can thiệp vào Iraq để yểm trợ các lực lượng thân Iran và nhân tiện gây
khó cho các phi vụ Hoa Kỳ. Tổng trưởng Ash Carter cho biết rằng bộ Quốc phòng
đang tìm cách liên lạc với Nga để có thêm thông tin hầu tránh đụng độ giữa
Không quân Nga-Mỹ!
Chẳng những vậy, phi đạo Bassel al-Assad của căn cứ không quân Latakia chỉ
cách biên giới Turkey chưa đầy 50 cây số, và Turkey là thành viên tiền đồn của
Minh ước NATO trong khu vực nhiễu nhương này! Chiến đấu cơ siêu thanh Su-30
(Flankers) của Nga có thể cất cách từ Bassel al-Assad bay vào không phận Turkey
trong vài phút nên không quân của Turkey và NATO tại đây không kịp xác định mục
đích của Nga và có quyết định phòng thủ hay nghênh chiến.
Vì vậy, qua chiến tuyến mở rộng với Syria, Iraq và Iran, Putin có thể thực
tế uy hiếp hàng loạt quốc gia thân Tây phương như Turkey, Israel, Jordan và cả
Saudi Arabia. Khi nhớ đến các phi vụ Nga xuất hiện trên không phận của ba nước
Cộng hòa Baltic, của Thụy Điển và Phần Lan tại Bắc Âu, người ta phải suy đoán
ra tham vọng của Putin.
Sau khi tấn công Ukraine,
Liên bang Nga không hề thúc thủ mà còn tiến vào Địa Trung Hải, gây phản ứng lo
ngại cho các quốc gia thân Tây phương tại Bắc Phi và Trung Đông. Và bộc lộ nhược
điểm của Hoa Kỳ: thất bại trong cuộc chiến chống tổ chức ISIL mà không trấn an
được các đồng minh.
____
Xin chạy lên Bắc Cực, xem Putin lấn át Hoa Kỳ như thế nào dưới sự lãnh đạo của Obama:
https://www.youtube.com/watch?v=YTxCysJjJ3A
____
Xin chạy lên Bắc Cực, xem Putin lấn át Hoa Kỳ như thế nào dưới sự lãnh đạo của Obama:
https://www.youtube.com/watch?v=YTxCysJjJ3A
Nguồn:http://dainamaxtribune.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment