Friday, October 2, 2015

Gặp Bác Trần Kim Tuyến



GẶP BÁC TRẦN KIM TUYẾN
—-o—-


ĂN NHANH RỒI NÓI CHUYỆN :

            Một buổi chiều hè, tôi được hân hạnh gặp bác Trần Kim Tuyến. Vừa xuống xe, thấy bác đứng trước cửa nhà đón khách, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là vóc người thật nhỏ, quá nhỏ, đối với một hình ảnh thật lớn trong đầu óc tôi. Rồi tới nước da trắng nhợt một cách lạ lùng, như chưa từng biết đến ánh nắng mặt trời. Giọng nói nhẹ nhàng, hiền hòa và đầy vẻ khiêm nhường khiến tôi liên tưởng đến một vị Tu Sĩ Châu Sơn, nơi tôi từng có dịp tá túc lúc còn nhỏ...Quả thực không thấy gì gợi lên được cái quá khứ đầy huyền thọai mà “nhân gian” thường truyền tụng.

            Bác niềm nở mời khách vào nhà, uống nước, rửa mặt sau chuyến đi xa, rồi lôi tất cả ra sân sau ngồi bệt trên cỏ nói chuyện. Sau vài câu vào đề rất ngắn ngủi, chúng tôi nói ngay sang chuyện thời cuộc, cũng một cách rất ngắn ngủi, trước khi bị cuốn hút vào những vấn nạn về lịch sử cận đại của VN, đặc biệt là về giai đoạn Đê Nhất Cộng Hòa. Vào lúc này, tôi chỉ nghe, chứ không nói gì. Bạn cùng đi và bác Tuyến kẻ hỏi người đáp, một cách dè dặt, thủ thế. Một lúc, bác Tuyến nói ít hẳn đi, tôi mới xen vào với vài câu chuyện chung chung để lấp những chỗ trống. Không khí chỉ cởi mở trở lại khi chúng tôi trở về với thời cuộc hiện tại. Bác Tuyến tươi cười luôn luôn, nên họa hoằn có lúc bác ngưng cười, là tôi lập tức chú ý và điều chỉnh...

            Ngồi vào bàn ăn cơm tối, bác bảo tôi “ăn nhanh rồi lên trên kia nói chuyện”. Một câu nói vô ý, nhưng lại thật đúng ý tôi. Bác gái cũng nhận thấy sự vô ý ấy, và vừa cười vừa cằn nhằn bác trai. Lúc ấy bác gái đã bắt đầu ra vào nhà thương, nhưng mấy tháng sau mới trở bệnh nặng, kéo dài cho đên lúc qua đời, cách đây khoảng chín tháng. Chúng tôi cũng được ra mắt bà cụ thân sinh bác gái. Bà cuốn khăn, trang phục hoàn toàn như ở VN thời xưa.


TỪ Ý THỨC HỆ ĐẾN CHÍNH QUYỀN :


            Cơm xong, bác Tuyến gọi tôi, là người ăn nhanh nhất, lên một căn phòng trên lầu. Bác ngồi ghế, tôi ngồi trên giường. Câu chuyện lần này rất mạch lạc, có thứ tự thời gian, có “dàn bài” rõ rệt. Đầu tiên là một vấn đề lý thuyết rất nền tảng. Bác phân tích tương quan giữa Ý Thức Hệ, Chủ Thuyết, Đảng, và Chính Quyền, như sau :
Người CS đi theo trình tự : có ý thức hệ, rồi mới có chủ thuyết, sau đó mới có đảng, rồi đảng đấu tranh lấy chính quyền. Như thế phẩm chất của đảng, trên phương diện đấu tranh, rất cao, vì phải có phẩm chất cao, đảng mới lấy được chính quyền. Tiến trình này cũng khiến cho khi chính quyền bị lung lay, thì đảng vẫn còn đó, khi đảng bị sụp đổ, thì chủ thuyết vẫn hiện hữu, và nếu chủ thuyết có sứt mẻ, thì ý thức hệ vẫn tồn tại. Ý thức hệ là điều rất khó xóa đi trong đầu óc con người, nên dù cho có mất cả chủ thuyết, đảng lẫn chính quyền, người ta vẫn có thể gây dựng lại từ đầu, tức từ ý thức hệ.


            Ngược lại, bên quốc gia, có chính quyền rồi mói vội vã lập Đảng, tìm Chủ Thuyết, kiếm Ý Thức Hệ. Điều này khiến cho phẩm chất của Đảng trong việc đấu tranh rất kém. Thật vậy, có chính quyền rồi mới lập Đảng, như trong hai nền Cộng Hòa ở miền Nam VN, khiến cho nhiều người vào “Đảng Chính Quyền” chỉ để kiếm ghế, tranh lợi lộc, dành địa vị. Tức là Đảng do chính quyền đẻ ra, sẽ gồm một phần không nhỏ những người cơ hội chủ nghĩa. Và khi Chính quyền sụp đổ, Đảng cũng tan rã, như trường hợp các Đảng Cần Lao, và Dân Chủ, dưới hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa VN. Về Đảng Cần Lao, bác vừa cười vừa nói, : “tôi với anh Nhu lập ra Đảng Cần Lao,  rồi không biết làm gì !”


            Thật ra, về vấn đề trên, tôi trộm nghĩ Đảng CS cũng vấp phải tệ nạn cơ hội chủ nghĩa sau khi Đảng này trở thành Đảng cầm quyền được một thời gian. Những người tham gia đấu tranh gian khổ lúc ban đầu, thì dễ dàng “biến chất”, trở thành trục lợi, ăn hưởng, còn những người tham gia sau khi đã lấy chính quyền, thì trong thực chất có thể cũng chẳng khác gì một phần không nhỏ những đảng viên của các đảng phái do các chính quyền quốc gia đẻ ra.
 Về ý tưởng “đổ chính quyền còn đảng, mất đảng còn chủ thuyết, v.v...” thì có người sẽ cho rằng CS đã bị bác bỏ từ Chủ Thuyết, và sẽ không bao giờ có thể gầy dựng lại được nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ tư tưởng của bác Tuyến có phần đúng. Thật vậy, trong thực tế, từ lúc phát sinh ra, bất cứ chủ thuyết nào cũng đều bị tấn công, bị phê bình bác bỏ, một cách thường trực, chứ không phải chỉ ở giai đoạn sụp đổ của nó. Không cần phải đợi đến đầu thập niên 90 người ta mới biết đập đổ chủ thuyết của những người CS cầm quyền trên thế giới. Còn sự sụp đổ thực sự của các chế độ CS, thì không có cách nào khác hơn là phải bắt đầu bằng chính quyền, rồi mới đến đảng, như ở Liên Sô. Thêm vào đó, tại nhiều nơi bên Đông Âu và Liên Sô cũ, từ những căn bản Ý Thức Hệ CS, người ta đã hình thành trở lại những đảng phái có khuynh hướng Xã Hội, và nhiều đảng loại này đã lấy lại được chính quyền...
Tôi cũng có hỏi về thuyết Nhân Vị, mà tôi đã từng có dịp đọc qua ở Pháp, vì thuyết này vốn của một người Công Giáo Pháp tên Emmanuel Mounier đề ra. Bác Tuyến cho rằng đó chỉ là những quan niệm có tính cách luân lý, đạo đức, hơn là một chủ thuyết chính trị.


VỤ GIÁO PHÁI VÀ HAI CUỘC ĐẢO CHÁNH :


            Khi mọi người đã lần lượt tề tựu đến, người ngồi trên giường, kẻ bắc thêm ghế, thì bác Tuyến nói sang việc nước thời T.T. Ngô Đình Diệm. Như để trả lời một câu hỏi tế nhị được đặt ra hồi chiều, bác kể lại chuyện bác bắt đầu vào làm việc cho chính phủ lúc ấy. Bác nói :“Ông Nhu cho tôi một bàn giấy ở bộ Thông Tin, rồi trong suốt hơn một năm trời tôi chả làm gì cả, chỉ ngồi đọc báo !”. Chúng tôi hiểu, đó là giai đoạn xảy ra cuộc xung đột “Giáo Phái”...Bác cũng nói đến một số nhân vật như các ông Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Vũ Tam Anh, v.v... Rồi, như để ngừa trước một câu hỏi tế nhị khác, bác Tuyến nhắc lại việc đi làm Đại Sứ trong giai đoạn cuối của Đệ Nhất Cộng Hòa VN. Sẵn dịp bác kể chuyện cuộc đảo chánh lần đầu, và vụ Caravelle. Trong vụ này có một khủng hoảng nhỏ với chính quyền Hoa Kỳ, khi bác Tuyến phát hiện và trục xuất một người Mỹ thuộc cơ quan tình báo, có mặt trong một buổi họp của nhóm chủ trương.


            Về cuộc đảo chánh TT Diệm lần đầu, bác Tuyến kể nhiều giai thoại. Tôi nhớ đại khái rằng cuộc đảo chánh ấy đã thất bại phần lớn do phản ứng của một vị công chức cấp nhỏ của sở điện thoại...


TỪ ẤP CHIẾN LƯỢC ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN :


            Sau khi nói nhiều về các vấn đề trên, bác Tuyến trở lại “dàn bài” lúc đầu. Bác nói :“chúng tôi cố làm tất cả những gì chúng tôi làm được trong lúc ấy”. Từ đó, bác kể lại những căn bản của chương trình “ấp chiến lược”. Chương trình này đã bị bộ máy tuyên truyền của phe CS xuyên tạc nhiều, đưa đến phản ứng tiêu cực từ một số dân chúng. Thái độ ấy, cũng như những vụng về và sơ sót của một số cán bộ quốc gia, đã gây nên những trường hợp quá khích, gây tổn hại cho người dân. Tôi có cảm tưởng, khi nghe bác Tuyến kể lại, rằng “ấp chiến lược” chính là tiền thân của các chương trình “xây dựng nông thôn” và “bình định phát triển” sau đó. Bác nói rất nhiều về lý thuyết của các chương trình này, như một nhà văn say mê bình luận tác phẩm của mình. Nhờ lúc còn con nít có được ra “chầu rìa” ngoài Chí Linh ít lâu, nên tôi cũng có chút hiểu biết về các chương trình ấy, nhất là chương trình “xây dựng nông thôn” , với 11 mục tiêu 98 công tác (11 mục tiêu là : diệt CS nằm vùng, loại trừ tham nhũng, tổ chức bầu cử hội đồng xã ấp, đoàn ngũ hóa nhân dân, chống nạn mù chữ, làm trường học, làm trạm y tế, xây dựng cầu cống đường xá, tổ chức thuế vụ, chương trình thông tin, và chương trình đãi ngộ chiến sĩ, cán bộ, cùng gia đình họ; chương trình này được hỗ trợ bởi kế hoạch CG, tức dân ý vụ, và PRU, tức trinh sát tỉnh). Nhờ thế, tôi được dịp phần nào bàn tán qua lại với bác cho cuộc đối thoại thêm hào hứng. Bác không dấu những mặt tiêu cực, nhưng trong đánh giá tổng quát, thì coi đó là những chìa khóa của sự thành công của VNCH trong việc tái lập an ninh và ổn định sau những giai đoạn rất hỗn loạn, và luôn bị đe dọa tại khắp các vùng nông thôn. Bác đồng ý với tựa đề quyển sách của W.Colby, gọi cuộc chiến VN là “một chiến thắng bị bỏ mất” (lost victory). Tôi để ý dường như ông Colby
là người duy nhất mà bác Tuyến gọi là “nó”, một cách thân thiện. Ngoài ra đối với bất cứ ai, dù là đối thủ, dù đã từng thù ghét hay làm hại bác, bác cũng đều gọi là “ông ấy”, hay “anh ấy”. Khi nhắc đến những người bác không ưa, tôi thường chỉ nghe bác cười rằng “cái ông ấy...” rồi ngưng lại, không một lời chỉ trích nào hết.


TÌNH BÁO VIỆT NAM :


            Một đề tài mà tôi được nghe khá lâu là sự hình thành và tổ chức của hệ thống tình báo ở miền Nam. Thú thực là tôi thiếu những dữ kiện kỹ thuật và lịch sử để hiểu hết. Tôi còn nhớ vài giai thoại như vụ ám sát hụt ông Hoàng Sihanouk, một việc mà bác Tuyến rất không đồng ý. Bác cũng nói qua về việc thả nhân viên ra Bắc. Điều mà tôi ghi nhận là một trong những cách thức lấy tin của bác Tuyến rất đặc biệt. Bác dựa vào tình cảm, vào sự giao thiệp rộng rãi, và sự giúp đỡ người khác để có tin tức đến từ nhiều môi trường khác biệt. Khi cần, bác luôn sẵn chỗ để hỏi tin tức, vì không ông này thì ông khác, trước đó ít lâu, cũng đã từng nhờ bác can thiệp giúp mắc được đường giây điện thoại một cách nhanh chóng sau nhiều tháng trì trệ, hay giúp giải quyết một tranh chấp với một cơ quan chính quyền, một vấn đề thuế má, một khó khăn về giấy tờ v.v...Với nụ cười ranh mãnh, bác bảo :“tôi chỉ ngang hàng chủ sự, lúc đầu chỉ ăn lương thiếu úy, thế mà chuyện gì họ cũng đến nhờ tôi.” Thật ra khi ấy, hào quang của bác Tuyến đã khiến cho nhân viên của cơ quan nào nhận được điện thoại của bác cũng đều vội vã đáp ứng tất cả những gì bác yêu cầu, nhanh hơn cả khi nhận được lệnh của chính thượng cấp trực tiếp của họ ! Sự hiệu quả của những can thiệp của bác, lại càng làm tăng thêm cái hào quang đã sẵn có kia, khiến người ta càng thêm đồn đại về thế lực của “BS Trần Kim Tuyến” ! Cần nói là khi ông Nhu gửi máy bay ra Hà Nội khẩn cấp mời vào Sài Gòn hợp tác với chính phủ, bác Tuyến mới chưa đầy ba mươi tuổi !


BẮT HỤT LÊ DUẨN :


            Trong các buổi nói chuyện khác, chúng tôi trở về lối hỏi đáp, và lướt qua nhiều đề tài cũng như nhân vật. Về ông Phạm Ngọc Thảo, được chính phủ Hà Nội tuyên dương như một người rất có công với “cách mạng”, bác Tuyến cho biết bác vẫn không tin ông Thảo dã trá hàng. Bác Tuyến kể lại lần đầu gặp ông Thảo, rồi sự thăng tiến của ông trong chính quyền VNCH, cũng như những âm mưu ám sát ông của phía bên kia. Bác nhắc lại kỹ thuật đề phòng khỏi bị ám sát rất tinh tế và hữu hiệu của ông Thảo. Theo bác Tuyến, có lần ông Thảo đã cho đầy đủ dữ kiện để bắt Lê Duẩn, và khi nhân viên của chính phủ VNCH ập đến, thì Lê Duẩn mới vừa rời khỏi địa điểm ấn định không đầy vài phút. Nguyên do của sự chậm trễ ấy là do ở nhân viên của chính phủ VNCH chứ hoàn toàn không thể được tính toán trước bởi ông Thảo. Ngày nay, khi biết rằng sau đó, Lê Duẩn sẽ trở thành người dẫn đầu phe chủ trương thôn tính miền Nam bằng một cuộc chiến tranh quy mô, phải chăng chúng ta có thể hình dung được một khúc quanh khác cho lịch sử VN nếu ông này bị bắt vào lúc ấy, do sự chỉ dẫn của ông Phạm Ngọc Thảo ?


THOÁT TRONG ĐƯỜNG TƠ KẼ TÓC :


            Một câu chuyện mà tôi rất say mê, là sự thoát khỏi VN trong đường tơ kẽ tóc, lúc Sài Gòn thất thủ, của bác Tuyến. Tôi nghe như thế này : lúc ấy gia đình bác đã được đưa đi quốc ngoại. Bác còn ở lại, tưởng cũng sẽ di tản trong một chuyến sau. Nhưng rủi thay tình thế trở thành rối loạn quá nhanh chóng, khiến cho các kế hoạch đưa người đi hoàn toàn bị đảo loạn. Bác không còn lối thoát. Ngày cuối, bác đến khách sạn Continental tìm bạn quen vấn kế. Gặp ông Phạm Xuân Ẩn, một người theo bên kia bị bác bắt được ở Hạ Lào nhưng thả ra và cho đi học về báo chí ở Mỹ. Sau ông Ẩn làm biên tập viên cho tờ Time. Ông thấy bác còn kẹt lại, liền hốt hoảng gọi điện thoại vào Tòa Đại Sứ Mỹ hỏi cách để đưa bác đi. Người trong Tòa Đại Sứ cho biết ông ta không thể trả lời ngay, và hẹn sẽ gọi lại. Ông Ẩn bảo bác Tuyến cứ ở trong phòng của ông nghỉ ngơi trong khi chờ điện thoại của người kia. Nhiều giờ trôi qua, không tin tức, bác Tuyến bắt đầu tuyệt vọng, và dường như là đã bỏ đi đâu gần đó. Lúc ấy, người trong Tòa Đại Sứ Mỹ gọi lại, ông Phạm
Xuân Ẩn nhắc máy. Bác Tuyến nói nếu ông Ẩn chỉ giả vờ giúp bác, thì ông đã lờ cú điện thoại ấy đi. Nhưng không, ông lập tức chạy đi tìm bác Tuyến và lôi bác đến điểm hẹn cuối cùng để bốc người di tản, ở gần Mission Culturelle Pháp. Hai người chạy đến nơi, thì cửa sắt đang đóng xuống. Bác Tuyến nhỏ người chui tọt qua được, ông Ẩn cầm cái sách tay của bác ném sang phía bên kia, rồi anh em nhìn nhau gạt lệ giã từ. Bác chạy vội lên lầu cao ốc, lúc trực thăng đang sắp sửa rút thang. Người đưa tay kéo bác lên máy bay không ai khác hơn là Trung Tướng Trần Văn Đôn. Ông Phạm Xuân Ẩn ở lại, được tuyên dương như một nhân vật tình báo có công lớn đối với chính quyền miền Bắc. Lúc bác Tuyến kể chuyện về ông, thì cũng có tin ông vừa trả lời phỏng vấn của một tờ báo Mỹ nào đó. Có lẽ tờ Time ?


            Cả năm sau, tôi được nghe nói về ông Vũ Ngọc Nhạ, nhân có người ở Paris viết sách về ông ta. Sẵn điện thoại thăm bác Tuyến, và hỏi bệnh tình bác gái, tôi nhắc đến ông Nhạ. Bác Tuyến vừa cười vừa kêu : “Ối Giời ơi, cái ông ấy...!”


VATICAN :


            Một dịp khác qua điện thoại, tôi hỏi về ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican đối với VN. Bác nói “CS họ có truyền thống sợ Vatican, làm nhiều người cứ nghĩ theo họ, tưởng rằng Vatican là thế lực ghê gớm lắm”. Tôi nghĩ có lẽ người CS cần “vạch mặt chỉ tên” một tổ chức có mặt trên toàn thế giới để cụ thể hóa một “thế lực phản động quốc tế” tương xứng với khái niệm “quốc tế CS” của họ. Cái “quốc tế không CS” thường hay được họ chiếu cố nhất, chính là Vatican, vì trong tâm lý của họ, Giáo Hội Công Giáo có mô hình tổ chức giống họ (thật ra là họ bắt chước Công Giáo), và có đủ điều kiện để trở thành một hình ảnh đối xứng với họ ở phía bên kia bức màn sắt. Theo bác Tuyến thì cách nhìn này là tưởng tượng, là một thứ “fantasme”, một hiện tượng tâm lý. Tôi cũng có hỏi về ảnh hưởng của các Đức Ông VN làm việc bên cạnh Đức Giáo Hoàng trong Tòa Thánh. Bác bảo người ta cứ gán cho các Ngài những vai trò mà các Ngài không có. Điều này xét cho cùng rất có hại cho Tòa Thánh, và cho Giáo Hội Công Giáo VN. Thật ra, có lẽ thế lực của một số Giáo Quyền đã thực sự hiện hữu ở một giai đoạn lịch sử trước đây, nhưng ngày nay thời thế đã đổi khác nhiều...


KỲ THỊ NAM BẮC ?


            Bác Tuyến kể rằng có lần TT Diệm giao cho bác thiết lập một danh sách những người tín cẩn và nhiều khả năng để cộng tác với chính phủ. Bác đưa danh sách xong, TT Diệm nói :“Tại sao chỉ toàn người Bắc ?” Bác trả lời :“Tổng Thống dặn tôi lập danh sách những người tín cẩn và có khả năng, mà suốt đời tôi cho đến nay chỉ sống ở ngoài Bắc, tôi không biết người Nam nào cả, làm sao dám tiến cử người Nam với Tổng Thống ? Vì thế tôi chỉ đề nghị những người tôi biết rõ...” Ai dám lên án cách suy nghĩ và xử sự này ? Không thể hô hào kêu gọi người dân “ba miền” đoàn kết với nhau, mà phải tạo điều kiện để có sự trao đổi, gặp gỡ, và cảm thông giữa người ở chỗ này với chỗ khác. Bác Tuyến sau này có nhiều bạn hữu người Nam, và nếu lúc đó có phải lập lại một danh sách, thì chắc chắn trong đó sẽ có rất nhiều người Nam.


TỪ ĐỆ NHẤT ĐẾN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA :


            Tôi có được nghe qua về những quan hệ cá nhân và công việc giữa bác Tuyến và gia đình TT Diệm. Bác cho biết đã gặp TT Diệm lần đầu tiên lúc ông đi lánh nạn trên miền thượng du Bắc Việt. Lúc ấy bác Tuyến là người đạp xe đạp đi dẫn đường, TT Diêm ngồi xe hơi theo sau. Mãi khi đã trở thành Tổng Thống, ông Diệm mới biết việc này, và ngạc nhiên hỏi bác Tuyến :“lúc đó, là ông à ?”


            Bác cũng nói về những bất đồng ý kiến với ông Nhu vào giai đoạn cuối của Đệ Nhất Cộng Hòa, đưa đến việc bác từ chức, và sau đó xảy ra cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963. Như đã nói ở trên, vào lúc xảy ra cuộc đảo chánh, bác Tuyến ở ngoại quốc, và khi trở về đã phải vào tù ít lâu. Bác nhắc lại với nụ cười ranh mãnh, tất cả những mạ lị, vu khống, mà người ta đã dựng lên lúc bác thất thế, kể cả những người đã từng quỵ lụy nhờ vả bác. Bác
phải chịu đựng nhiều vụ kiện rất vô lý, như vụ thanh niên cộng hòa phá phách một phòng thử nghiệm y khoa từ nhiều năm trước đó, và đã được chính phủ đề nghị bồi thường. Nguyên đơn đòi bác phải bồi thường thêm, viện dẫn rằng “chế độ Ngô Đình Diệm” có ba người lãnh đạo là ông Nhu, ông Diệm và bác Tuyến. Nay “Diệm Nhu” đã chết, thì bác Tuyến phải lãnh hết những trách nhiệm của giai đoạn đó !


            Ra tù, bác không có nhà ở, và nhớ lại lúc trước có được một vị giáo sư trách nhiệm Làng Đại Học đến gặp và xin dành cho bác một khu đất trong đó. Bác dự định đến làm nhà nơi ấy, thì được biết khu đất của bác đã bị người khác chiếm mất. Thì ra khi bác thất thế, người ta đã đi tìm một vị bộ trưởng “đang lên” để dâng tặng khu đất đã nhượng cho bác. Sau, ông bộ trưởng này, lúc đã thôi làm bộ trưởng một thời gian, lại được chọn vào một nội các thành phần thứ ba để hòa giải với phe CS lúc miền Nam gần thất thủ. Giờ chót, tên ông bị loại. Ông ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì ? Sau không biết nhờ ai mách nước, ông nghĩ rằng chính bác Tuyến đã xóa tên ông vì câu chuyện khu đất ở làng Đại Học. Ông vội vã chạy đến gặp bác, phân trần và đổ lỗi cho ông giáo sư trách nhiệm phân phối đất đã nói ở trên !


MỘT CON NGƯỜI TỪ TỐN :


            Một điều đặc biệt nơi bác Tuyến là bác rất ít khi nào nói đến chuyện gì một cách quả quyết. Bác thường dùng chữ “tôi chả biết”, nhưng lại thêm vào ngay sau đó “nhưng tôi có nghe người ta bảo thế này”. Để xác nhận một việc gì, bác nói:“thì tôi cũng nghe nói vậy”. Còn để phủ nhận, bác chỉ cười, rằng :“họ nói thế...”, hay “ông ấy nói thế...” Không khi nào thấy bác chỉ trích người này nói bậy, kẻ khác sai lầm. Quá quắt lắm, bác chỉ hơi nhăn mặt :“cái ông ấy...” Trong lý luận, thì bác luôn sử dụng các chữ “tôi nghĩ vậy”, hay “có lẽ là như vậy”. Ôi ! đường đường một vị giám đốc của “Sở Nghiên Cứu Chính Trị”, người làm ra và điều khiển ngành tình báo của cả một quốc gia, mà chuyện chi cũng “chả biết”, nói gì cũng thêm vào chữ “có thể”, thì quả thực là một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn dấn thân vào việc nước đó vậy !


MỘT ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU :


            Tôi rất cảm phục bác Tuyến trong đời sống thường ngày của bác. Sáng sớm, tôi thức giậy, mò xuống nhà, thì thấy bác dã sửa soạn chu đáo bàn ăn sáng cho khách trọ “guest-house"(bác sinh sống nhờ cái khách sạn nhỏ xíu này). Bác nhẹ nhàng đặt từng chiếc muỗng, từng tách cà phê, như đang làm một điều gì rất trọng đại. Mọi công việc đều chu đáo, mọi động tác đều cẩn thận, hoàn hảo. Ngày nào bác cũng làm những công việc ấy, những động tác ấy, với một sự cẩn trọng đều đặn như nhau. Sau này, khi bác gái phải nằm bệnh viện, bác cũng hàng ngày vào nhà thương ngồi đến tối, đều đặn như đồng hồ. Vào những tháng cuối cùng của bác gái, bác lo chăm sóc ở nhà, cũng với sự tận tụy, và đều đặn như vậy, khiến bác mệt nhiều. Tôi được biết qua điện thoại là bác chỉ chịu nghỉ ngơi một chút khi có y tá đến thay thế.

            Rồi một buổi tối, điện thoại reo. Bên kia đầu giây là bác Tuyến. Vẫn với giọng nói nhỏ nhẹ, bác cho biết :“Nhà tôi đi rồi Vân ạ”. Những ngày sau đó, tôi nói chuyện điện thoại với bác khá nhiều. Khi thì bác gọi tôi, cảm ơn tôi tặng vòng hoa, khi thì tôi gọi bác , nghe than phiền vụ tìm đất không được, chỗ nào cũng phải bốc đi sau mấy năm, hay không cho xây mộ, thậm chí tìm đến đất Tin Lành (Anh Giáo) cũng không xong, v.v...Bác có vẻ rất bình tĩnh và sáng suốt. Tôi có dịch bài Ca Vịnh “Requiem Aeternam” của Esdras trong Cựu Ước, gửi biếu bác. Ít lâu sau, tôi nhận được một bài thơ đề là của bác gái nhắn gửi phu quân và các con, làm lúc còn sáng suốt, kèm với một thư cảm ơn. Qua điện thoại, bác cũng cho biết có thể hè này sẽ đi Pháp...


            Tôi không dè mấy tháng sau bác lại đã ra người thiên cổ.

NGUYỄN HOÀI VÂN
15/8/1995

Nguồn: http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/TranKimTuyen.htm


No comments:

Post a Comment