Wednesday, September 30, 2015

Những Người Khốn Khổ-Bạch Cúc




NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ!
Tôi ngồi co ro trong một quán nhỏ ven đường, trước mắt tôi là màn mưa dày đặc, một chiếc xe hơi chạy vù qua tạt một lượng lớn nước mưa lên người phụ nữ đi xe đạp đang chở cồng kềnh những bao ve chai, xốp nhựa. Bị hoảng hốt, mất thăng bằng, chị té ngã giữa đường…
Đỡ chị dậy trong cái lạnh tê buốt, chị lập cập run rẩy cảm ơn tôi và như quá ngưỡng của tủi thân, uất ức do bị té ngã, chị òa khóc, tôi cũng bật khóc theo. Những giọt nước mắt đồng cảm, xót thương nhau chan hòa trên khuôn mặt của hai người đàn bà giữa chiều mưa, đã kéo theo nhiều cái nhìn ngỡ ngàng của dòng người qua lại…
Người phụ nữ nghèo khó bị té ngã giữa đường, đã kéo tôi trở lại với hình ảnh ngôi nhà cháy đen, hình ảnh bốn quan tài với di ảnh của bốn cha con, trong “Bi kịch một người cha tẩm xăng chết chung với ba con – khi cái nghèo bủa vây” tại Tây Ninh, đã khiến tôi không còn giữ được bình tĩnh để tiếp tục cất giấu những xúc cảm đau đớn vào sâu trái tim mình.
Bi kịch bốn mạng người chết vì nghèo đói đã khiến tôi bần thần nhớ về Jean Valjean (Giăng Van-giăng), một anh thanh niên khốn khổ phải ăn cắp bánh mỳ về cho gia đình đang chết đói. Anh bị kết án khổ sai và chỉ được thả sau 19 năm ngồi tù, nhưng phải mang giấy thông hành màu vàng của người đã từng có tiền án, là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những người khốn khổ” của đại văn hào Pháp – Victor Hugo.
“Những người khốn khổ” đã miêu tả trần trụi cả một thế giới của những con người nghèo khổ, đó là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động khốn cùng ở Pháp vào nửa đầu thế kỷ 19.
Vậy ở Việt Nam, đã là thế kỷ 21, đã 200 năm rồi mà tại sao vẫn còn đầy rẫy những phận người đói nghèo, khốn khó bần cùng, điều gì đã đẩy họ đến chỗ tùng quẫn, phải tự tử trong bế tắc và tuyệt vọng?
Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên cái chết của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ở ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) vào tháng 4/2013. Đó là một người đàn bà đáng thương, bệnh hoạn, mỗi ngày phải tốn tiền thuốc 140.000 đồng, chị đã treo cổ tự vẫn kết liễu cuộc đời mình, để lại thư tuyệt mệnh với lời nhắn nhủ:
“Em không còn lối thoát… Em chết đi sẽ tiết kiệm được khoản này và còn được mọi người đi phúng điếu, sẽ kiếm thêm được chút ít tiền nữa cho chồng con…
Các con đừng trách mẹ, mẹ khổ nhiều lắm. Mẹ chạy tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ nhiều lắm. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con. …, xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời!”
Sự nghèo khổ đã khiến người đàn bà này phải bức bách mà đoạn tuyệt cuộc sống, cái chết của chị để lại sự xót xa đau đớn cho người thân và những dấu chấm hỏi ngơ ngác giữa lòng xã hội.
Và, đất nước này vẫn bất lực chứng kiến, các nhà điều hành xã hội đều lặng im, không ai nhận trách nhiệm khi tiếp tục để xảy ra thêm hàng loạt những thảm cảnh đau thương vì đói nghèo:
Mới đây, ngày 13/9/2015 tại Tây Ninh, anh T đã khóa trái cửa nhà trọ, dùng xăng tự tử cùng ba con nhỏ, để lại lá thư tuyệt mệnh cho người vợ:
“Anh không nuôi con nổi nữa nên sẽ đưa chúng đến một nơi tốt hơn…”
Anh T, người chồng, người cha trong bi kịch này đã hoàn toàn bế tắc sau ly hôn với vợ, cộng thêm những khốn khó trong cuộc sống bởi anh không có nghề nghiệp ổn định, hàng ngày phải đi làm thuê, nhổ mì để kiếm sống và nuôi con, anh bất lực phải cho đứa con đầu của mình nghỉ học vì không có tiền nộp học phí. Những khó khăn chồng chất đã dồn đẩy anh đến sự khốn cùng, buộc anh kết thúc đời mình cùng mạng sống của ba đứa con nhỏ.
Nhìn hiện trường còn sót lại sau vụ cháy, người ta không khỏi bàng hoàng khi thấy thi thể của bé Nguyễn Xuân Q (chị cả) đang ôm em là Nguyễn Phạm Xuân Q, phía trên là thi thể bé út Nguyễn Phạm Bích T, cùng nhiều sách vở của các bé bị cháy còn sót lại…
Ngọn lửa oan nghiệt đã thiêu cháy cuộc đời và giấc mơ học hành của ba đứa trẻ, liệu như thế đã đủ chưa để người ta cảm thấy bất nhẫn về một xã hội chủ nghĩa thiên đường, nơi vẫn đang tự nhiên bộc phát những thảm kịch còn thê thảm hơn cả “những người khốn khổ” của Vitor Hugo cách 200 năm về trước.
Cái vòng luẩn quẩn: nghèo, lao động cực nhọc, thu nhập không đủ sống, trẻ con thất học, bệnh tật bủa vây không có tiền chạy chữa, thiếu đói bấp bênh … những cảnh này tôi gặp nhiều lắm trong đời thật và trong những chuyến đi từ thiện về các vùng sâu vùng xa, họ chính là “những người khốn khổ” của đất nước Việt Nam hiện tại.
Một xã hội với những con người, để mặc cho đồng bào mình nghèo khổ đến mức cùng quẫn, tuyệt vọng, phải tự tìm đến cái chết, là một xã hội hoang mạc, vô cảm, mà ai trong chính chúng ta cũng đã ít nhiều tạo nên hiện trạng ấy.
Nguồn: Email

No comments:

Post a Comment