Vỡ ống này ta bày ống khác
Cánh Cò
2015-10-03
2015-10-03
NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canh-co-blog-100315-10032015095411.html/vcc100315.mp3
Sống
lại những kỷ niệm thơ ấu
Lâu lắm, chiếc xe "tẹc"
chở nước lại xuất hiện tại Hà Nội, chiếc xe tưởng đã yên phận ở Viện bảo tàng
bởi từ sau ngày giải phóng hầu như rất hiếm khi thấy nó trên đường phố cả nước
nữa.
Chiếc xe làm sống lại những kỷ niệm
thơ ấu của nhiều người khi quây chung quanh nó nhận từng can nước. Có người
không có can mà dùng thau, nồi... bất cứ vật gì có thể chứa được nước ra xếp
hàng chờ tới lượt mình. Nước, một loại chất lỏng bình thường nhất nay bỗng đỏng
đảnh như các ngôi sao trên sân khấu.
Hơn 70 ngàn hộ dân thủ đô lâm vào
cảnh nước mất nhà ...khô. Mấy đứa con đi học về thay nhau chờ mua nước về sinh
hoạt. Ông chồng hớt hơ hớt hãi thay vội bộ quần áo, mặc chiếc quần cộc chạy ra
ngồi xếp hàng với hàng xóm mà trong cái tập thể hàng xóm lâu năm không gặp nhau
ấy, có người lạ hoắc ngồi bên cứ lầm lì chờ tới phiên mình. Chả ai buốn hỏi vì
mắt cứ nhìn chiếc vòi nước và dòng chảy mạnh hay yếu từ chiếc xe bồn nhà nước
ban phát với giá nước rất "vừa phải".
Nước sinh hoạt dẫn từ sông Đà về Hà
Nội từ vài năm qua là nguồn tranh cãi vô tận của người dân với thành phố. Hà
Nội thức giấc nhiều lần vì nước, nước uống chứ không phải nước non. Nước uống
có vẻ quan trọng và sát sườn hơn vì thiếu nước một ngày là người ta dám nổi
loạn chứ không nhẩn nha như chuyện nước non. Mà lạ, người dân thủ đô hình như
ngày càng kiên nhẫn hơn trước những việc mà đáng ra họ phải tranh đấu cho mình,
cho gia đình và cho cả xã hội nữa.
Nước sạch cung cấp cho người dân Hà
Nội là bổn phận, trách nhiệm của nhà nước, của UBND thành phố chứ không phải
của ai khác.
Vậy mà đường ống dẫn nước sạch từ
sông Đà về ngay từ những ngày đầu tiên đã cho thấy việc làm tắc trách của cả
một tập thể lãnh đạo từ trên cao nhất cho tới anh thấp nhất là giám đốc công
trình. Anh cao nhất là Thủ tướng, người ký quyết định thành lập đường ống, kế
đến là Chủ tịch UBND thành phố, người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi thứ giấy
tờ cũng như kế hoạch, dự án trước khi giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư.
Anh trực tiếp là Vinaconex, tập đoàn
chịu trách nhiệm xây dựng và điều hành đường ống sông Đà. Anh này không nhận
kinh phí từ ngân sách, anh bỏ tiền ra để xây dựng đường ống để sau đó thu tiền
nước từng gia đình sử dụng đường ống do anh lắp đặt.
Nói là anh bỏ tiền ra nhưng đồng
tiền mà anh có vẫn là tiền nhà nước và nhà nước trách nhiệm quản lý nó, anh chỉ
là người điều hành đồng tiền ấy.
Và anh Vinaconex này làm đủ thứ
việc, kinh doanh đủ loại mặt hàng. Khuôn mặt của anh có thể nói không sợ quá
lời: Tiệm chạp phô cao cấp thời @
Vinaconex là tập đoàn kinh tế nhà
nước trong thời điểm nhận công trình ống dẫn nước sông Đà Vinaconex đã được cổ
phần hóa và được chuyển về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
(SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này. Theo
quảng bá thông tin trên website của Tổng công ty thì lĩnh vực kinh doanh của nó
là đầu tư, kinh doanh bất động sản, xây lắp công trình. Nó còn tư vấn thiết kế
cho những công trình lớn mang đẳng cấp quốc gia. Trong lĩnh vực sản xuất công
nghiệp Vinaconex tuyên bố đây là nơi nghiên cứu và sản xuất những vật liệu xây
dựng công nghệ cao, xứng tầm với các quốc gia tiên tiến khác, ngoài ra
Vinaconex còn kinh doanh xuất nhập khẩu và rồi tất cả mọi dịch vụ khác như du
lịch, khách sạn, bảo hiềm, bóng đá, giáo dục đào tạo, dịch vụ bảo vệ và cả dịch
vụ đô thị.
Khi nhìn vào các danh mục mà
Vinaconex đang kinh doanh người bình thường sẽ tự hỏi: Vinaconex chỉ thiếu một
dịch vụ là cung cấp Osin nữa là trọn gói. Từ việc lớn tới việc nhỏ tập đoàn này
đều làm hết thì việc gì là chuyên môn nhất?
Thiếu
chuyên môn cụ thể
Thiếu chuyên môn cụ thể mà ai cũng
thấy nằm ở chỗ khi xây dựng đường ống dẫn nước, Vinaconex dùng loại ống cốt sợi
thủy tinh và không tính đúng độ giãn nở của loại vật liệu này. Vinaconex
không đủ chuyên môn để tính sức chịu đựng khi áp suất nước lên cao khả năng
chịu được áp lực của ống tới đâu.
Mà lạ, khi vụ việc vỡ lở người ta
mới biết cũng chính Vinaconex là nơi sản xuất loại ống sợi thủy tinh cho dự án
chứ không phải là nơi nào khác.
Một việc lạ khác: sau nhiều lần ống
sợi thủy tinh bị vỡ Vinaconex lại được UBND thành phố Hà Nội chấp nhận cho tiếp
tục thực hiện dự án đường ống số 2 nhằm thay thế nếu đường ống hiện nay trục
trặc. Vinaconex hứa là lần này sẽ mua loại ống gang dẻo để dẫn nước.
Cả Hà Nội ngậm bồ hòn làm ngọt. Cả
Hà Nội đặt dưới bàn tay của một gã Vina.
Được chân lân đầu, hay nói đúng hơn
"sức mạnh mềm" của "quả đấm thép" đã khiến tập đoàn này
không còn biết sợ ai, trong lần vỡ đập thứ 16 Vinaconex không "nhịn"
như 15 lần trước nữa, đã phản pháo lại với dư luận.
Báo chí trích lời ông Nguyễn Văn
Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex cho rằng việc bị mất nước dài
ngày không phải là do lỗi của Công ty Vinaconex.
“Chúng tôi cũng là người bị thiệt
hại nhiều. Người dân mà bị ngừng cấp nước trong vòng 1 ngày cũng không ảnh
hưởng lắm. Còn những đợt ngừng cấp nước kéo dài thì do bên phân phối chứ có
phải do chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ ngừng cấp nước để xử lý trong vòng 1 ngày,
chưa bao giờ xử lý sang ngày thứ 2 cả.
Luật cũng cho phép được ngừng cấp
nước trong vòng 1 ngày. Giờ cứ xem lại khi đường ống nước vỡ đến khi sửa chữa
xong hết bao nhiêu giờ, còn người dân không có nước trong bao nhiêu ngày thì sẽ
biết là do ai”.
Ông Tốn xác định chỉ một ngày thì
người dân Hà Nội than van nỗi gì? Đó là ông còn khiêm nhượng nếu không ông sẽ
như Phạm Quang Nghị: Dân Hà Nội cái gì cũng dựa vào nhà nước, lười biếng không
biết tự cứu mình.
Người Hà Nội có kinh nghiệm từ lời
"răn dạy" nghiêm khắc này nên khi thiếu nước họ ngoan ngoãn xếp hàng
chờ “mua” nước. Báo chí chưa đưa ra một vụ va chạm, chống đối hay bạo hành nào
tại các nơi xe "tẹc" đang bán nước cho dân.
Người Hà Nội không có máu hài hước
như dân Sài Gòn. Nếu vụ ngập vừa qua tại thành phố mang tên Bác đã nảy sinh bao
bài hát châm chọc chính quyền thì hàng chục ngàn người xếp hàng mua nước tại Hà
Nội hôm nay lại âm thầm đến tội nghiệp. Hay họ đã hết hơi vì mất nước đến nỗi
một nụ cười héo hắt cũng không còn?
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canh-co-blog-100315-10032015095411.html
No comments:
Post a Comment