Friday, October 9, 2015

Cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam



Cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-10-08

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
AFP

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/last-chanc-for-chang-to-vn-10082015060319.html/vgm100815.mp3
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, được 12 nước tham gia đàm phán đúc kết vào ngày 5 tháng 10 vừa qua. Giới chuyên gia Việt Nam cho rằng đây là một cơ hội cho Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức lớn buộc Hà Nội phải có những cải cách thực sự. Một lĩnh vực phải có những thay đổi cho phù hợp với qui định chung của quốc tế là luật pháp.
Luật sư Lê Công Định trong bài trả lời phỏng vấn biên tập viên Gia Minh đề cập đến lĩnh vực tư pháp hiện đang lạc hậu của Việt Nam cần phải thay đổi ngay vì theo vị luật sư này đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam.
Trước hết luật sư Lê Công Định nói đến cơ hội và thách thức của TPP đối với Việt Nam.
Luật sư Lê Công Định: Cơ hội thì có nhưng chắc chắn thách thức cũng nhiều, nhất là việc tuân thủ các luật lệ thương mại quốc tế chung. Thí dụ TPP tạo ra một sân bình đẳng và tìm cách phá bỏ mọi rào cản về thương mại giữa các nước thành viên; như vậy vấn đề thuế quan là vấn đề đặt ra hàng đầu do đó tôi nghĩ những thay đổi về luật pháp của Việt Nam trong tương lai cũng sẽ tập trung vào vấn đề đó.
Và một trong những yêu cầu của TPP là quyền lập hội và đặc biệt là thành lập công đoàn độc lập cũng đặt ra một thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam. Tất nhiên, những thay đổi này có lợi cho người lao động ở Việt Nam nhưng đối với chính quyền thì đó là một khó khăn đối với họ. Và cuộc thương lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vấn đề này tôi nghĩ cũng có nhiều chông gai nhưng cuối cùng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận điều đó. Và chúng ta chờ đợi xem trong một năm tới đây thì những luật pháp liên quan đến quyền lập hội, quyền lập công đoàn độc lập sẽ được ban hành như thế nào, và những cơ hội nào có được cho người lao động trong tương lai. Đó là điều tôi nghĩ cũng là một thách thức và nếu Việt Nam không tuân thủ một lộ trình và cam kết của mình như vậy thì tôi nghĩ sự chế tài của cộng đồng quốc tế, mà ở đây trong phạm vi các nước thành viên TPP, sẽ rất rõ ràng và cụ thể. Chúng ta không thể tìm cách lẩn tránh hoặc trì hoãn sự chế tài đó được đâu.
Tôi nghĩ cơ hội có và thách thức cũng nhiều.
Gia Minh: Luật sư thấy đến nay đội ngũ những người trong ngành luật để khi có xảy ra những vụ việc và Việt Nam phải đối mặt với những biện pháp chế tài mà luật sư vừa nhắc đến, thì theo luật sư được đến đâu và công tác đào tạo phải thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu?
Luật sư Lê Công Định: Hơn mười mấy năm nay, ở Việt Nam có một đội ngũ luật sư chuyên môn về thương mại quốc tế, họ càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi tin nhóm luật sư này sẽ đóng góp nhiều trong tương lai. Tuy nhiên số lượng quá ít và có thể nói có những cơ hội sắp mở ra và rất, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đi ra thị trường nước ngoài hơn cả thời tham gia WTO nữa. Thế nhưng những luật sư và các hãng luật chuyên môn về luật thương mại quốc tế nói thật đếm trên đầu ngón tay. Do đó sự thiếu hụt về đội ngũ luật sư giỏi và có kinh nghiệm, phải nói thật, là điều mà tôi thấy lo lắng.
Tôi nghĩ với chương trình và giáo trình đào tạo theo kiểu của các đại học luật ở Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn không có khả năng đáp ứng được nhu cầu mở rộng trong tương lai. Do đó theo tôi hơn bao giờ hết, các đại học luật Việt Nam phải tập trung thay đổi tận gốc rễ chương trình và các giáo trình của mình. Nếu không chúng ta không có cách nào để bắt kịp đà phát triển mới như vậy.
Cách đây hơn 10 năm tôi có dịp sang Kampuchia, đến Phnom Penh tham quan Đại học Luật ở thủ đô Phnom Penh, tôi thấy chương trình của họ vào năm 2003 đã phát triển rất mạnh mẽ rồi. Còn chúng ta 12 năm nay, tôi nhìn lại vẫn thấy rằng chương trình Đại học Luật Việt Nam vẫn thua Đại học Luật Phnom Penh 12 năm về trước. Cứ nghĩ xem 12 năm qua họ càng phát triển hơn thế nào.
Do đó nếu lúc này chúng ta không cải cách một cách triệt để, chắc chắn một điều ngay cả Kampuchia chúng ta cũng thua chứ chưa nói đến cộng đồng ở trong TPP.
Gia Minh: Luật sư vừa đề cập đến từ ‘cải cách triệt để’; lâu nay người ta cũng nói đến ‘cải cách thể chế’, những cải cách liên quan; mặc dù người ta thấy bức thiết nhưng có thể thực hiện trong thời gian đến?
Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ thay đổi cả một truyền thống đào tạo ngành luật ở Việt Nam như vậy phải nói rất khó khăn nhưng chúng ta không thể không làm được. Bởi vì để đào tạo ra một đội ngũ luật sư thực sự có năng lực ít nhất phải có 10 năm: trong đó 4 năm đào tạo ở bậc đại học và sau đó họ phải có ít nhất năm năm nữa để hành nghề chuyên nghiệp trong một hãng luật chuyên nghiệp. Như vậy theo tôi nghĩ phải có gần 10 năm hay hơn 10 năm để có được đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Chứ bây giờ không cải cách liền mà chờ 1 năm nữa sau đại hội đảng mới làm thì mất đi một năm. Nếu lại vì một biến cố chính trị nào đó phải trì hoãn nữa, thì nói thật cơ hội của mình ngày càng chậm dần và nếu so với đội ngũ luật sư ở Kampuchia chẳng hạn thì tôi thấy bây giờ mình hoàn toàn đã thua xa rồi thì không còn cách nào khác mà ngay từ lúc này phải làm.
Muốn làm nhưng tôi nói thật chương trình đào tạo của mình lạc hậu quá. Bây giờ mà còn học những môn lý luận nhà nước về pháp quyền, trong đó đặt rất nặng về vấn đề triết học Mác- Lênin, trong nghiên cứu về nghiên cứu về nguồn gốc của nhà nước, nguồn gốc của luật pháp. Tôi nói thật những tư tưởng đó chả đúng tí nàoĐiều đó phải thay đổi.
Gia Minh: Luật sứ nói đó vừa là cơ hội vừa là thách thức, thúc bách phải thay đổi có thể là một cơ hội, có đúng không thưa luật sư?
Luật sư Lê Công Định: Tôi thấy đây là một cơ hội lớn, vì nếu không có cú hích mạnh mẽ của TPP thì chắc hệ thống luật pháp của chúng ta sẽ không thay đổi đâu. Cho nên đây là lúc chính quyền buộc lòng phải thay đổi hệ thống luật pháp. Ở đây tôi không nói riêng về vấn đề công đoàn độc lập, mà toàn bộ hệ thống luật pháp, cùng với vấn đề thực thi, rồi vấn đề thi hành các phán quyết của tòa án của mình. Bởi vì trong tương lai những tranh tụng như vậy có thể xảy ra tại tòa án của mình. Nếu tòa án của mình xử không công minh và khi có bản án rồi mà không thi hành được, hoặc thi hành một cách chậm trễ khiến gây thiệt hại cho giới đầu tư hoặc thương mại nước ngoài, thì mang một tiếng xấu rất nghiêm trọng đối với các nước thành viên TPP; như vậy không thể nào hòa nhập trong nền kinh tế quốc tế được.
Do đó tôi nghĩ toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống tư pháp bắt buộc phải thay đổi bởi cú hích TPP này.
Gia Minh: Hẳn nhiên luật sư cũng chia xẻ ý kiến này với các luật sư và giới luật gia ở Việt Nam, họ có ý kiến gì không?
Luật sư Lê Công Định: Vấn đề này anh em trong giới luật sư, luật gia và thậm chí tòa án người ta cũng đã nhận thấy chứ không phải không. Bởi vì chúng ta biết năm 2000 khi Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó năm 2007 tham gia WTO; nhưng cơ hội đó cũng đòi hỏi chúng ta phải cải cách hệ thống luật pháp và quả nhiên Việt Nam cũng đã có một sự cải cách nào đó. Tuy nhiên vẫn chưa đủ và do việc cải cách nửa vời đó khiến làm trì trệ sự phát triển kinh tế. TPP này là cơ hội thứ ba và tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam có thể hòa nhập thực sự và thay đổi hệ thống luật pháp cho giống với hệ thống mà cả thế giới chấp nhận và có quan điểm tương tự. Như vậy đây là cơ hội cuối cùng, nếu không theo tôi chúng ta sẽ không bắt được nhịp phát triển mà còn bị đẩy lùi ngược trở lại và chúng ta mãi mãi là một nền kinh tế gia công. Theo tôi nghĩ nếu với một hệ thống luật pháp lạc hậu nữa thì Việt Nam cứ là nơi để người ta đến kiếm tiền rồi người ta đi. Bao nhiêu cơ hội chúng ta có thể tận dụng sẽ lại bị trượt một lần nữa.
Gia Minh: Cám ơn luật sư.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/last-chanc-for-chang-to-vn-10082015060319.html

No comments:

Post a Comment