Sunday, April 19, 2015

Có"kết" đâu mà "bội"?- Nguyễn Thiên Ân



CÓ "KẾT" ĐÂU MÀ "BỘI"?
Người Âu Mỹ ngày nay đa số sống rất cởi mở nên giữa vợ chồng đôi khi chẳng cần giấy má chi hết. Ưng thì dọn vô sống với nhau, gọi là "live in girl/boy friend". Một ngày nào bỗng thấy không hạp nhau nữa thì khuân đồ ra. Nhưng dù không có một hôn thú hẳn hoi thì cũng đã có nhiều anh chị sống với nhau lâu dài; thậm chí đã có đôi cặp diễn viên điện ảnh nổi tiếng đã sống như thế đến mấy chục năm. Nay thì Susan Sarandon và Tim Robbins đã rã gánh; nhưng Goldie Hawn và Kurt Russell thì vẫn còn tiếp tục hú hí như đã hú hí 32 năm qua. Họ có chỉ trăng thề hay không thì đó là chuyện riêng giữa họ với nhau. Dù sao thì ngay bây giờ họ có lẽ đều đã đến thời tóc bạc răng long cả rồi. Và thế là đã rất đáng được ca tụng khi nhớ lại là hồi hai năm trước đã từng có một chị rất sexy và cũng rất nổi tiếng, đã làm đám cưới rình rang với một tuyển thủ bóng rổ chỉ để ly dị trong vòng mấy chục tiếng đồng hồ sau.
Nước ta không hiểu đã có cặp nào nổi đình đám nhờ sống lâu với nhau mà chẳng cần thề thốt theo kiểu "till death do us part" (chỉ tới chết mới chia li)?. Người đông phương vốn kín đáo nên chằng mấy ai khoe chuyện riêng. Thảng hoặc lắm thiên hạ mới biết chuyện đã có ông bà cụ nào đó sống đến sáu bảy chục năm với nhau (nhờ đọc cáo phó trên mặt báo). Đâm tiếc đã chẳng biết được sớm hơn để hỏi xem bí quyết nào giúp các cụ chịu đựng nhau lâu đến thế. Truyện cổ cũng có cái đáng được ca tụng, mà không vì đôi nam nữ đó sống đến hàng kỳ lão với nhau. Tin hay không thì tùy; nhưng đám trẻ mới lớn dường như ai cũng biết truyện Lưu Bình Dương Lễ. Tóm tắt như vầy: Lưu Dương là hai bạn thân, Dương đỗ đạt còn Lưu thì cứ mãi lo hưởng thụ nên ạch đụi hoài. Dương làm quan, quyền cao chức trọng nhưng nhứt định xua đuổi bạn hiền thay vì mời vào dinh để cùng thù tạc. Lưu tức mình bỏ đi, gặp một phụ nữ đẹp và được cô nầy khuyến khích hãy lo "luyện thi" thay vì cứ đàn đúm ăn chơi. Sau khi nhờ nàng tận lực giúp cho dùi mài kinh sử, Lưu cuối cùng đã đỗ đạt. Nhớ lại chuyện bị bạn thân hắt hủi, Lưu mũ áo đến thăm Dương và khi đó mới sửng sờ nhìn thấy người nữ đã bao năm cơm bưng nước rót giúp mình ăn học thành tài chính là vợ bạn.
Câu chuyện được truyền tụng để vinh danh tình bạn và tình vợ chồng chỉ có vậy. Họ sắp xếp thế nào để thực hiện điều mà ngày nay gọi là ménage-à-trois như truyện kể ( hoặc sau khi thành nhân thành tài rồi thì chàng Lưu có đòi tiếp tục báo cô hay lẳng lặng bỏ đi sau khi nói đôi ba lời ân nghĩa) thì không ai nói tới. Tác giả cũng dĩ nhiên không bàn luận gì đến điều rất đáng nghi là liệu mấy năm trước, chàng Lưu chỉ cơm no ngày hai bữa rồi dành trọn thời giờ để dùi mài kinh sử  hay cơm no rồi thì đòi cho cật được ấm?. Truyện cũng dĩ nhiên không đả động tới chuyện liệu có phải lúc nào Châu Long cũng chỉ biết cắm đầu lo cho bạn chồng no mà quên chuyện mình cũng cần được ấm?. Nghi như vậy là đã làm hỏng tình bạn cao quí giữa hai bậc trượng phu và nhứt là làm cho tình yêu và lòng tin của Dương quân và vợ trở nên thô tục. Điều rõ ràng có thể được suy diễn là đã có một kết ước -- hoặc bất thành văn hoặc được ghi trên văn tự hẳn hoi -- viết (ngay cả) bằng chữ thảo trên một thanh tre,  ghi lại (tối thiểu) đôi điều được thỏa thuận giữa vợ chồng Dương Lễ.
Đời xưa còn có chuyện quan trọng hơn -- và nghiêm chỉnh hơn -- vì là chuyện Tàu và được ghi trong sách đàng hoàng, liên quan tới một anh mang rất nhiều tước vị (danh sĩ, thuyết khách, quân sư, biện sĩ, thầy dùi ...) tên là Tô Tần. Sách truyện thời Chiến Quốc ghi lại lúc anh Tô thuyết Tề Mẫn Vương, trong đó có đoạn như vầy " ... Triệu đánh úp Vệ, Vệ cắt thành cầu hòa. Vua Vệ đi chân không qua cầu viện vua Ngụy (Vũ Hầu). Vua Ngụy khoác áo  giáp, mài lưỡi kiếm đánh nhau với Triệu trong thành Hàm Đan, kỵ mã chạy mù, miền từ Hoàng Hà tới Thái Hàng Sơn náo loạn, Vệ nhờ vào đó mà (rãnh tay )thu thập binh lính tiến lên phia bắc, phá được Cương Bình, hạ được ngoại thành ở Trung Mâu. Không phải là Vệ mạnh hơn Triệu: Vệ như  mũi tên nhọn mà Ngụy là cây nỏ và dây cung, nhờ sức của Ngụy mà Vệ chiếm được đất Hà Đông, làm cho Triệu phải sợ ...". 
Câu chuyện do các cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, được "cóp" lại ở đây, không nói rõ Vệ và Ngụy có ký với nhau một cái, tạm gọi là "Hiệp Ước Hỗ Tương Phòng Thủ" hay không; thành thử không biết sau khi cứu Vệ thì Ngụy Vũ Hầu có buộc Vua Vệ phải chuyển những cánh rừng đầu nguồn cho Ngụy khai thác, hoặc đòi cắt ngang chín đoạn sông Hoàng của Vệ để làm của riêng ??!!. Điều cần nêu  là vua nước Vệ chẳng những đã may mắn được Ngụy quân giúp đánh chận quân xâm lược mà còn được phép đánh thẳng lên lãnh thổ Triệu ở phía bắc, chiếm Cương Bình, Trung Mâu và Hà Đông khiến Vua Triệu sợ phải rút quân (trước khi phải ngồi vào bàn hội nghị ba bốn bên gì đó cam kết để cho Vệ yên thân?). Bởi thế mình phải tin là đã có một kết ước giữa Ngụy và Vệ. Bằng không thì Ngụy đã chẳng buồn hành quân giải cứu mà có lẽ cũng chẳng cho phép Vệ quân Bắc tiến.
Điều đáng bàn ở đây là người đời bao giờ cũng khó tin nhau nên lúc nào cũng đòi phải có giấy tờ làm bằng, hoặc ít nữa, nếu gặp lúc khan hiếm giấy mực thì cũng phải cắt máu ăn thề; hoặc giả nếu sợ cắt máu đau đầu ngón tay thì cũng phải rót ra đôi ba ly trước khi ngước lên trời láp giáp đôi ba điều với nhau rồi ực mỗi người một ly để coi như đã có trời đất chứng giám mối liên kết gì đó hai người, hay ba người, hay hai ba chục phe với nhau. Liên hoành và Hợp tung là hai loại kết ước đã được các "chú ba" nói hoài từ mấy ngàn năm nay. Và rồi tuy chẳng hề mô phỏng các chú, các chính khách nhiều quốc gia cận đại lẫn hiện đại cũng đã ngồi lại với nhau uống máu ăn thề (kiểu mới, có cả săm banh và trứng caviar đen) trước khi công bố những bản văn in ấn tử tế cho cả bạn lẫn thù biết là từ phút đó, họ đã là "đồng minh có kết ước", sẽ chẳng những không chiếm đất của nhau mà còn sẽ mang quân đánh hộc máu những kẻ nào ỷ mạnh hiếp đáp thằng bạn nhỏ trong nhóm mình. Tất nhiên mấy thằng bạn nhỏ đó cũng phải cam kết (cho phải phép) giúp ông bạn lớn của mình nếu chẳng may ông lớn đó bị một thằng đầu gấu -- hoặc một nhóm mấy thằng lỏi bị một thằng đầu gấu xui dại -- hè nhau tấn công. Ấy là nói cho đúng chữ nghĩa. Chứ còn một khi đã ký với nhau những văn bản gọi là Hiệp Ước, Hiệp Định, Minh Ước đa phương hay song phương thì bao giờ ông to nhứt, của ăn của để đầy kho, xe tăng máy bay tàu bè bom đạn hỏa tiễn ấp lẫm đến mức không còn chỗ chứa phải mang vô ụ hoặc mang cho (gọi là quân viện) ... bao giờ cũng đứng chót vót trên đầu làm minh chủ, điều động sai phái và bảo bọc cho cả đám lố nhố ở dưới.
Từ thế chiến thứ nhì thì minh chủ của khối các nước gọi là đồng minh chống xâm lăng, độc tài, phát xít và Cộng Sản bao giờ cũng là chú Sam vì Mỹ là siêu cường quốc. Kiểm lại giấy tờ thì Hoa Kỳ đã và đang cầm đầu:
1.     Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ký kết ngày 4/4/1949, mà ngày nay thành viên gồm tổng cộng tới 28 quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Albania, Bỉ, Bungari, Canada, Croatia, Cộng Hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungari, Iceland,  Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hòa Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani,  Cộng Hòa Slovak, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh)
2.     Minh Ước ANZUS ký ngày 1/9/1951 giữa Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan
3.     Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) ký ngày 8/9/1954 giữa Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Tân Tây Lan, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Anh.
4.     Minh Ước Rio (Rio Treaty) ký ngày 2/9/1947 giữa 21 quốc gia Mỹ Châu, gồm Hoa Kỳ, Argentina, Bahams, Bolivia, Brazil, Chi Lê, Colombia, Costa Rica, Cuba, Cộng Hòa Daminicana, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Panama, Paraguay, Peru, Trinidad & Tabago, Uruguay và Venezuela.
Trong bốn Minh Ước phòng thủ đa phương, qui định việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên, thì hiện chỉ có NATO là còn liên tục được nhắc tới trong các câu chuyện thời sự. ANZUS thì đôi khi được nói tới vào thời chiến tranh VN vì có quân Úc và Tân Tây Lan tham chiến. SEATO giải thể năm 1977 sau khi chiến tranh VN kết thúc và Rio thì hầu như đã biến dạng cho dẫu chưa chính thức bị khai tử.
Ngoài các minh ước đa phương thì Hoa Kỳ cũng đã ký các hiệp định hoặc thỏa ước song phương:
1.     Với Philippines vào ngày 30/8/1951
2.     Với Nhật Bản ngày 19/1/1960 thay cho Hiệp Ước An Ninh Mỹ Nhật ký ngày 8/9/1951. Hiệp ước nầy là hậu quả của việc Nhật bị cấm tái vũ trang sau khi Nhật Hoàng chấp nhận đầu hàng. Từ đó Hoa Kỳ coi như là chiếc dù quân sự bao che Nhật.
3.     Với Đại Hàn Dân Quốc vào ngày 1/10/1953 sau cuộc chiến Triều Tiên.
4.     Với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ký ngày 2/12/1954 và bắt đầu thi hành từ ngày 3/3/1955. Bản văn nầy mệnh danh là Thỏa Hiệp Hỗ Tương Phòng Thủ Trung Mỹ nhằm ngăn ngừa Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan trong thời gian từ 1955 tới 1979. Sau thời gian nầy, một số điều khoản trong thỏa hiệp được đưa vào Đạo Luật Quan Hệ Với Đài Loan (Taiwan Relations Act).
Thỏa hiệp song phương Hoa Kỳ/ Đài Loan giúp Đài Loan bảo vệ các hải đảo Kim Môn (Kinmen hay Quemoy) và Mã Tổ (Matsu) khi 2 hòn đảo nằm sát Hoa Lục nầy bị Trung Cộng pháo kích hàng ngày hồi năm 1958. Kế đó còn có quần đảo Bành Hồ (Pengshu, tây phương gọi là Pescadores) cũng do chính quyền Đài Loan cai trị. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa VN, chính phủ của TT Ngô Đình Diệm có quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do TT Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) lãnh đạo. Quan hệ đó kéo dài sang tới thời Đệ Nhị Cộng Hòa VN giữa chính phủ dưới quyền TT Nguyễn Văn Thiệu với các chính phủ THDQ lần lượt do các TT Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo) trưởng nam của TT Tưởng Giới Thạch và TT Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) điều hành. Chúng ta có lẽ vẫn còn nhớ là trước khi quân CS tiến chiếm Saigon thì Đại Sứ VNCH ở Đài Loan là ông Nguyễn Văn Kiểu, bào huynh của TT Thiệu, và máy bay chở ông Thiệu tị nạn đã dừng chân trước tiên ở Đài Bắc.
Các thỏa hiệp song phương kể trên giải thích lý do tại sao hồi năm ngoái Philippines đã rất mạnh miệng phản đối lẫn đưa chiến hạm đến nghênh cản khi HQ TC kéo tới uy hiếp để chiếm đóng một bãi đá ngầm do Phi kiểm soát trong quần đảo Trường Sa; trong khi VN -- cũng trong hoàn cảnh tương tự -- lại hoàn toàn im tiếng và tỏ ra ngoan ngoãn chấp nhận mọi hành động xâm lăng trắng trợn của Trung Cộng vào hải phận VN.
Đối với người dân miền Nam VN thì điều đáng buồn khi kiểm lại các thỏa hiệp an ninh phòng thủ hỗ tương, song phương hoặc đa phương, mà Mỹ đã ký kết, thì Republic Of Vietnam chưa bao giờ có tên.
Chính phủ VNCH do bang giao tốt đẹp với Đài Loan nên hồi còn làm TT Đài Loan, ông Lý Đăng Huy tỏ ra rất có thiện cảm và đã từng khuyến cáo Saigon phải cố làm sao đạt tới một hiệp ước song phương với Mỹ để buộc Mỹ vào nỗ lực bảo vệ sự an toàn lãnh thổ lẫn nền dân chủ tự do cho nhân dân miền Nam một cách chính thức thay vì chỉ dựa vào những tuyên bố miệng của các TT Mỹ từ thời TT Eisenhower cho tới thời TT Ford. Những lời tuyên bố -- chẳng hạn như của TT Kennedy hồi năm 1961 -- hoặc TT Nixon hồi 1972, đều chỉ nhắm vận động và trấn an công luận Mỹ thay vì là một cam kết. Mà kết ước dứt khoát trên giấy trắng mực đen bằng một thỏa hiệp ký giữa hai chính phủ lại là điều mà rõ ràng phía Mỹ không hề muốn. Bởi vậy mà từ năm 1965 khi Mỹ ào ạt đổ quân vào VN cho đến năm 1973 khi Mỹ triệt thoái toàn bộ lực lượng quân sự trong cái gọi là "Decent Interval" (Một khoảng thời gian thỏa đáng) để mang lại cái gọi là "Peace With Honor" (Hòa bình trong danh dự); VNCH không hề là thành viên trong bất cứ hiệp ước an ninh nào do Mỹ đứng đầu.
Ngang đây, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại định nghĩa của chữ "Ally" mà chúng ta vẫn dịch là "đồng minh". Tự điển ghi danh từ  "Ally" là "A sovereign or state associated with another  by treaty or league" (Đồng minh : Một chủ quyền hoặc một quốc gia kết liên với một quốc gia khác trong một hiệp ước hay một liên minh).  Còn động từ "To ally"  thì được định nghĩa là "to unite formally, as by treaty, league, marriage, or the like" (Lập quan hệ đồng minh : kết hợp chính thức bằng một hiệp ước, liên minh, hôn phối hoặc tương tự như thế"). Vậy thì liệu chúng ta có ngộ nhận, hay quá lạc quan, khi coi Mỹ là đồng minh thay vì là nước ủng hộ chúng ta chỉ vì chúng ta đáp ứng được mục tiêu nhắm tới của Mỹ? Thực tế cũng cho thấy Mỹ và VNCH chưa hề thực sự là đồng minh với nhau. Mỹ chỉ tự động đến VN để thực thi chính sách be bờ nhằm ngăn chận làn sóng đỏ và giữ cho miền Nam đừng rơi vào tay CS để châm ngòi cho các nước trong quĩ đạo Mỹ ở Đông Nam Á lần lượt lọt vào tay CS theo lý thuyết domino mà Mỹ tin tưởng. Nói cách khác chính phủ Mỹ chưa bao giờ thực tâm và chính thức cam kết gì với chúng ta. Họ đến đất nước chúng ta như những chủ tiệm ăn KFC hay tiệm cà phê Starbucks để mở một cơ sở làm ăn: khi thấy tiệm ế ẩm thì họ thản nhiên dẹp tiệm rồi mang tiền đầu tư vào nơi có đến cả tỉ rưỡi miệng ăn. Thản nhiên đến tàn nhẫn nếu nhớ lại là đúng ra dạo lễ Giáng sinh năm 1972, CSBV đã gần như sắp đầu hàng khi Mỹ mở chiến dịch dội bom Hà Nội và Hải Phòng. Chính các viên chức BV nhìn nhận là họ đã định đầu hàng nếu Mỹ tiếp tục dội bom thêm 1 tuần nữa. Nhưng rồi ông Nixon đã ngưng các cuộc không tập khi BV chịu quay lại nói chuyện ở Paris. Vận nước mình tận nên ông Nixon mới gặp vụ Watergate và đồng thời phải hứng chịu những áp lực nặng nề của cả một hệ thống truyền thông bịp bợm và một Quốc Hội phản chiến. Các dân biểu nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đa số kiểm soát Quốc Hội Mỹ nhiệm kỳ 94 trong thời gian các TT Đảng Cộng Hòa Nixon và và Ford ngồi ở White House, hiển nhiên đã viện dẫn việc nước Mỹ không hề kết ước gì với chúng ta để cắt hết mọi khoản viện trợ. Chính nước Mỹ đã ngay cả vi phạm bản hiệp định Paris mà Mỹ đã sơ thự ngày 23 và ký kết chính thức với CSBV ngày 27/1/1973, trong đó qui định nước Mỹ sẽ thay thế mọi quân cụ của QLVNCH trên căn bản 1 đổi 1 để chúng ta có thể đối đầu với đế quốc CS. Các nhà lập pháp Mỹ đó rõ ràng đã vấy rất nhiều máu của người dân và người lính miền Nam VN trên tay họ mặc dù, một cách chính thức, chẳng ai có thể buộc tội họ được cả. Họ đã khôn không kết ước gì với ta thì sau khi họ tháo chạy, hay triệt thoái, hay bỏ rơi ta, coi việc VNCH lọt vào tay CS còn không làm họ xao xuyến hơn việc trường đại học Arkansas thua trận bóng với trường Texas (phát biểu của William Fulbright, Nghị Sĩ Mỹ của tiểu bang Arkansas, cựu Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện sau khi CS chiếm Saigon) thì ta lấy lý do gì để tố họ bội ước?. Họ có "kết" bao giờ đâu mà "bội"??!!.
Chính khách người Hẹ ở Đài Loan xem ra có viễn kiến hơn chúng ta nhiều. Nhưng thử hỏi các nhà lãnh đạo VNCH -- cho dù có đọc rất kỹ các khuyến cáo của Tô Tần hoặc triệt để nghe theo lời khuyên của ông Lý Đăng Huy -- thì liệu các TT Diệm và Thiệu của miền Nam VN có thể vòi vĩnh cách nào để được ký một khi Mỹ nhứt định không ký?  Vả lại chúng ta có cái thế gì để mà vòi? Vận nước rõ ràng là nằm ngoài tầm quyết định của cấp lãnh đạo, lẫn người dân, miền Nam VN cho dù có biện minh thế nào chăng nữa. Bởi thế mà ngay lúc nầy, chẳng có mấy người ngạc nhiên khi việc chào cờ VNCH bị cấm trong một lễ tưởng niệm quốc hận mà cộng đồng người tị nạn định tổ chức tại Camp Pendleton, một trong những trại tiếp nhận người tị nạn hồi năm 1975 bởi vì chính sách của Mỹ là không cho phép chào cờ của một nước mà Mỹ không nhìn nhận diễn ra bên trong các cơ sở quân sự Mỹ. Thực tế quả tình là phũ phàng hơn bao giờ hết.
                                                                   Nguyễn Thiên Ân (April 15th 2015)

No comments:

Post a Comment