Monday, July 29, 2019

Bầu cử và cải cách tại Nhật - Nguyễn Xuân Nghĩa


Bầu cử và cải cách tại Nhật
Nguyn Xuân Nghĩa
2019-07-24

Đọc:
Cuộc bầu cử bán phần Thượng viện Nhật Bản tuần qua đã cho đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Shinzo Abe đa số để xúc tiến việc cải tổ kinh tế, mà chưa đủ hầu có thể đề nghị tu chỉnh bản Hiến pháp. Việc cải cách nước Nhật vẫn là một bài toán nan giải trong một thế giới có quá nhiều đổi thay cho một vị Thủ tướng được cầm quyền lâu nhất. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao lại như vậy.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, như người ta dự đoán, cuộc bầu cử phân nửa Thượng viện Nhật Bản hôm 21 vừa qua là một chiến thắng cho phép Thủ tướng Shinzo Abe có thể cải cách nền kinh tế nhưng vẫn chưa đủ cho việc tu chỉnh lại bản Hiến pháp như ông Abe mong muốn. Xin đề nghị ông phân tích cho sự thể này của nền kinh tế có sản lượng đứng hàng thứ ba của thế giới.
Nước giàu, quân mạnh
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh thì chúng ta nên nhớ vài điều u ám sau đây. Khi Nhật bị bể bóng đầu tư cổ phiếu và địa ốc năm 1989 làm kinh tế sa sút từ năm 1991 thì qua hơn hai chục năm, sản lượng không tăng, kinh tế suy trầm bảy lần và 15 Thủ tướng thay nhau cầm quyền mà không có giải pháp thích ứng. Trong hơn một thập niên, lãi suất tại Nhật nằm ở số không, kinh tế bị giảm phát, là hàng hóa hạ giá mà bán không chạy, gánh công trái lên tới 240% Tổng sản lượng. Đã vậy, dân số bị lão hóa nên mỗi năm số người tham gia sản xuất giảm 1%.
Đây là lúc ông Shinzo Abe đưa hy vọng cho dân Nhật với chủ trương lớn lao theo tinh thần nhuốm màu Minh Trị Thiên Hoàng vào thế kỷ 19, là "nước giàu, quân mạnh". Tức là phục hồi kinh tế và xây dựng lại sức mạnh cho nước Nhật.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Sự sa sút ấy gây thất vọng cho người dân ở bên trong. Bên ngoài thì Nhật gặp mâu thuẫn nặng với Trung Quốc, bị Bắc Hàn Cộng sản đe dọa và không thể mãi mãi trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Đấy là lúc ông Shinzo Abe đưa hy vọng cho dân Nhật với chủ trương lớn lao theo tinh thần nhuốm màu Minh Trị Thiên Hoàng vào thế kỷ 19, là "nước giàu, quân mạnh". Tức là phục hồi kinh tế và xây dựng lại sức mạnh cho nước Nhật. Lên làm Thủ tướng từ cuối năm 2012, ông Abe đã có bảy năm cải cách mà coi như chưa hoàn tất.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì các bài toán khó khăn đó mà người dân lại cho Thủ tướng Shinzo Abe thêm một cơ hội giải quyết?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một phần là vì các đảng đối lập vẫn còn chia rẽ và thiếu đề nghị thiết thực. Phần kia là nhờ ông Abe có đạt một số thành quả nhất định. Chương trình kinh tế của ông được gọi là Abenomics có thể ví như cái nỏ liên châu bắn ra ba mũi tên, là thứ nhất tăng chi để nâng số đầu tư vào các dự án xây dựng, thứ hai là bơm thêm tiền vào kinh tế để đẩy lui giảm phát và đạt tăng trưởng cao hơn. Quan trọng nhất, mũi tên thứ ba là cải tổ cơ chế kinh tế và xã hội để kéo xứ sở ra khỏi hai chục năm trì trệ và xơ cứng. Sau năm năm thử nhiệm thì tình hình có vẻ khả quan hơn nên đầu năm 2017, đảng Tự do Dân chủ áp dụng thể thức mới là cho phép chủ tịch đảng được lãnh đạo ba nhiệm kỳ liên tiếp. Nhờ vậy, ông Abe có thể cầm quyền tới năm 2021, và sẽ là Thủ tướng lâu dài nhất.
- Sau cuộc bầu cử bán phần Thượng viện, là phân nửa của 245 Nghị sĩ, đảng Tự do Dân chủ cùng đảng Công Minh theo Phật giáo đã chiếm đa số tới 58% tại Thượng viện và với đa số là 67% tại Hạ viện cho tới Tháng 10 năm 2021 mới bầu lại, liên minh cầm quyền có thể xúc tiến điều mà ông Abe đề nghị là tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% vào Tháng 10 tới đây. Việc tăng thuế là cần thiết để bù vào số chi quá lớn và gánh nợ quá nặng, nhưng lại gây rủi ro suy trầm như đã thấy vào năm 2015 nên ai cũng ngại. Lần này, ông Abe vận động bầu cử với đề nghị tăng thuế nhưng mà vẫn thắng.
Nguyên Lam: Ông có nói tới một chủ trương của Thủ tướng Abe là “dân giầu, quân mạnh” với hàm ý là nâng cao khả năng quân sự của nước Nhật để đáp ứng yêu cầu an ninh. Thưa ông, điều ấy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhật Bản đã bị Hoa Kỳ khuất phục và sau Thế chiến II, vào năm 1947, bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo thực tế giải giới nước Nhật với Điều 9 là Nhật chỉ có Lực lượng Tự vệ chứ không được phép có quân đội. Vì tình hình có đổi thay cho nên Thủ tướng Abe lặng lẽ diễn giải lại Hiến pháp, rằng Lực lượng Tự vệ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho nước Nhật và đồng minh.
- Nhưng ông Shinzo Abe còn muốn tiến xa hơn vậy là đề nghị tu chỉnh Hiến pháp qua một cuộc trưng cầu dân ý. Muốn tu chỉnh Hiến pháp thì đảng cầm quyền phải có đa số hai phần ba. Tại Hạ viện, liên minh cầm quyền chiếm đa số tới 67% nhưng kết quả bầu cử Thượng viện vào tuần qua là một thất vọng vì thiếu bốn phiếu để đạt túc số 2/3. Chúng ta phải nói thêm một chút về chuyện rắc rối này.
- Liên minh cầm quyền hiện nay gồm có hai chính đảng là đảng Tự do Dân chủ hay Tự Dân của ông Shinzo Abe và đảng Công Minh hay Komeito theo Phật giáo, ngoài ra còn được đảng Duy Tân Nhật có khi bỏ phiếu ủng hộ. Về việc tu chỉnh Hiến pháp thì nhiều người trong đảng Công Minh không đồng ý và số phiếu của đảng Duy Tân Nhật vẫn chưa đủ, nhưng trong đảng đối lập chính là Lập hiến Dân chủ đảng với 32 ghế Nghị sĩ thì cũng có người ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp.
- Vì vậy, dù chưa đủ túc số hai phần ba, Thủ tướng Shinzo Abe không từ bỏ ý định tu chỉnh Hiến pháp như ông phát biểu hôm Thứ Hai 22. Các biến cố an ninh dồn dập trên thế giới, kể cả vụ khủng hoảng tại Eo biển Hormuz là nơi vận chuyển năng lượng cho Nhật, khiến một số người Nhật cho rằng một cường quốc kinh tế mà thiếu khả năng tự vệ là một nghịch lý. Nhưng nhiều nước khác thì khó quên được tội ác của Nhật thời Đế quốc nên cũng e sợ việc Nhật Bản tái võ trang.
Bài toán kinh tế  khó giải quyết
Nguyên Lam: Trở lại hồ sơ kinh tế thì, thưa ông, đâu là những bài toán khó giải quyết nhất của Nhật Bản?
Mặt tích cực của nền dân chủ là dân có quyền phê phán để nhà nước sửa sai nên chẳng ai có toàn quyền quyết định cho cả nước rồi chục năm sau mới hiểu ra ra tai họa, như chúng ta đã thấy tại Trung Quốc thời Mao Trạch Đông và đang thấy sau bảy năm lãnh đạo tuyệt đối của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Nền dân chủ không toàn hảo vì chỉ là sự thỏa hiệp để sửa sai và cải tiến, nhưng thà như vậy còn hơn các chế độ độc tài cứ bay xuống hố mà những người muốn can ngăn lại vào tù.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên là bài toán dân số của các nước công nghiệp khi tỷ trọng của thành phần già lão cao tuổi gia tăng so với lực lượng lao động, và Nhật là quốc gia bị nạn lão hóa nặng nhất. Một số phụ nữ Nhật đã tham gia thị trường lao động nhiều hơn trước, nhưng tiếng nói của họ chưa có nhiều ảnh hưởng trong liên minh cầm quyền hiện nay và ông Shinzo Abe ý thức được việc đó. Việc áp dụng công nghệ hay thuật lý cao cấp, như người máy tự động, hoặc chấp nhận lao động từ nước ngoài có thể giảm được thất lợi về kinh tế nhưng không đẩy lui được các bài toán xã hội của một quốc gia có tinh thần thuần chủng và liên đới là rau cháo bảo vệ lẫn nhau.
Nguyên Lam: Thưa ông, đó là bài toán đầu tiên, nhưng với các giải pháp lâu dài chứ chưa có kết quả lập tức. Ngoài ra, Nhật còn những bài toán kinh tế gì nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bài toán thứ hai là ngân sách khi yêu cầu hưu bổng tăng vì thành phần cao niên ngày càng đông và sống thọ hơn. Thủ tướng Abe tranh cử với đề nghị tăng thuế để bù vào nạn bội chi ngân sách và với đa số phiếu vừa qua, ông tin là được cử tri đồng ý sau khi đã phải hoãn việc tăng thuế từ năm 2015 vì sợ hậu quả suy trầm cho kinh tế. Trong các nền dân chủ, ít ai dám đi tranh cử với đề nghị tăng thuế, nhưng ít ra lãnh đạo xứ này dám nói thật.
- Bài toán kinh tế thứ ba chính là mâu thuẫn thương mại với Hoa Kỳ. Nhờ mối giao tình đặc biệt giữa Thủ tướng Abe với Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã tạm hoãn việc đàm phán về tự do thương mại với Nhật cho tới Tháng 11 này, tức là sau cuộc bầu cử. Nhưng vấn đề của ông Shinzo Abe, cũng tương tự như của vị tiền nhiệm là Thủ tướng Junishiro Koizumi, chính là khu vực canh nông.
Nguyên Lam: Nguyên Lam còn nhớ là từ cả chục năm nay, ông đã nhiều lần nói tới bài toán canh nông của nước Nhật, xin đề nghị ông trình bày lại cho rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhật Bản tiên tiến lại có khu vực nông nghiệp lạc hậu và sa sút vì nông nghiệp chỉ đóng góp có 1% cho tổng sản lượng, sử dụng lực lao động bị lão hóa mà hơn 70% nông gia lại canh tác bán thời với năng suất thấp trên nông trại nhỏ, có diện tích trung bình khoảng hai mẫu tây. Nhưng thành phần đó có thế lực chính trị trong đảng Tự do Dân chủ. Nhờ thế lực đó, họ bảo vệ năm ngành sản xuất là gạo, mì, bò, gà, sữa và đường bằng hàng rào quan thuế rất cao.
- Do áp lực của Hoa Kỳ, Nhật phải nhượng bộ về canh nông là hạ rào quan thuế và mong bảo vệ kỹ nghệ xe hơi và hàng tiêu dùng bán vào thị trường Hoa Kỳ. Vì ghế Nghị sĩ của Thượng viện Nhật thiên về khu vực nông thôn so với Hạ viện nên kết quả bầu cử tuần qua cho Thủ tướng Abe hy vọng thỏa thuận với Hoa Kỳ dù có phải đẩy lui phản ứng của thành phần nông gia.
Nguyên Lam: Cùng với thính giả của chúng ta, Nguyên Lam thấy nền dân chủ quả là phức tạp vì lãnh đạo do dân bầu lên phải theo ý dân mà tìm sự thỏa hiệp thực ra không bền về chính sách kinh tế xã hội. Ông nghĩ sao về việc đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mặt tích cực của nền dân chủ là dân có quyền phê phán để nhà nước sửa sai nên chẳng ai có toàn quyền quyết định cho cả nước rồi chục năm sau mới hiểu ra ra tai họa, như chúng ta đã thấy tại Trung Quốc thời Mao Trạch Đông và đang thấy sau bảy năm lãnh đạo tuyệt đối của Tổng bí thư Tập Cận Bình.
- Nhưng cũng do áp lực của người dân, giới lãnh đạo các nước dân chủ còn phải quan tâm đến nhiều loại vấn đề khác, thí dụ điển hình và nóng bỏng là mâu thuẫn vừa bùng nổ giữa Nhật Bản với Hàn quốc hay Nam Hàn vì các yếu tố kinh tế, an ninh lẫn lịch sử của hai nước láng giềng, vừa là bạn hàng, vừa là đồng minh mà cũng là đối thủ. Tôi xin được kết luận rằng nền dân chủ không toàn hảo vì chỉ là sự thỏa hiệp để sửa sai và cải tiến, nhưng thà như vậy còn hơn các chế độ độc tài cứ bay xuống hố mà những người muốn can ngăn lại vào tù.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.


No comments:

Post a Comment