TTDC VÀ CÂU CHUYỆN TRỤC
XUẤT TỴ NẠN VIỆT
Tin
Vắn Trong Tuần (Dec.22, 2018) – Vũ Linh
TTDC Mỹ và nhất là VN tiếp tục khai thác đề tài ‘Trump trục xuất
dân tỵ nạn Việt’, bất kể toàn bộ câu chuyện chỉ dựa trên … fake news.
Một tờ báo tỵ nạn loan tin “Biểu tình ‘Bảo vệ người Việt tị nạn’ tại
Little Saigon”. Cũng tờ báo đó loan một tin khác “26 dân biểu Mỹ phản đối TT Trump đòi trục xuất
người Việt Nam”.
Câu hỏi “Có chuyện gì không đúng trong những cái tít lớn đó?”. Câu
trả lời “Cả hai cái tít đều gian trá, lập lờ đánh lận con đen”.
Cả hai cái tít rõ ràng là những cố gắng khích động dân tỵ nạn bằng
hù dọa thiếu lương thiện. Người Việt tỵ nạn không có nhu cầu “bảo vệ” gì vì
chẳng bị đe dọa gì hết. Không ai muốn hay có thể trục xuất “người Việt tỵ nạn”
hết. Cả triệu di dân bất hợp pháp Nam Mỹ chưa ai trục xuất được, làm sao có
chuyện trục xuất cả triệu di dân hợp pháp Việt được? TT Trump cũng chưa bao giờ
“đòi trục xuất dân tỵ nạn Việt”.
Chỉ là luật Mỹ ghi rõ di dân hay dân tỵ nạn chưa có quốc tịch mà
đã phạm pháp thì sẽ không được vào quốc tịch và không được ở lại Mỹ nữa. Báo
Việt cũng chơi cái mánh của báo Mỹ, ‘quên’ không viết cho rõ là chỉ dân phạm
pháp mới bị đe dọa trục xuất.
Trên căn bản, kêu gọi không trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp là một
việc làm có tính nhân đạo mà kẻ này có thể ủng hộ có điều kiện. Điều kiện đó là
những tội vi phạm không phải là những trọng tội hình sự như cướp của, giết
người, mà chỉ là những tội nhẹ có thể được hưởng tình trạng giảm khinh, như hút
sách ma tuý, bán ma tuý vặt ngoài đường, trộm cắp vặt, say xỉn khi lái xe, vợ
chồng đánh nhau, khai gian vài ngàn lợi tức để tránh thuế,…, nhất là khi họ đã
vi phạm khi còn trẻ và đã bị tù tức là đã trả giá cho sai lầm của họ. Vì lý do
nhân đạo sơ đẳng, những người này nên được phép ở lại và vào quốc tịch Mỹ, cho
họ một cơ hội mới, làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, những dân tỵ nạn phạm trọng tội hình sự nặng thì khó
châm chế hơn. Còn dân ‘Việt kiều’, tức là công dân VC qua đây du lịch hay du
học, phạm tội thì tuyệt đối không có lý do gì mà không trục xuất đi, càng sớm
càng tốt, kẻ này… không care!
Trong vụ biểu tình, điểm quan trọng nữa, những người đi biểu tình
chống Trump, cho dù có ý tốt, nhưng đã làm sai cách. Việc trục xuất di dân phạm
pháp nằm trong luật Mỹ đã có từ trước thời Trump rất rất lâu. Muốn cứu những
người này thì phải sửa luật, chứ không phải chỉ cần hô đả đảo Trump là xong.
Đúng là làm chuyện ngớ ngẩn, bị xách động bởi những người bị bệnh Dị Ứng Trump,
mà không biết mình đang làm gì. Điều những tổ chức này có thể và cần làm, là
vận động quốc hội chỉnh sửa luật di trú lại, hay ra luật đặc miễn riêng cho dân
tỵ nạn VN. Sửa luật hiện hành hay ra luật mới là trách nhiệm của quốc hội, muốn
tranh đấu thì phải vận động quốc hội, chứ không phải đi biểu tình chống Trump.
Điều lạ lùng đáng nói là các báo Việt ngữ vẫn tiếp tục loan tin là
Thỏa Ước 2008 dưới thời TT Bush bảo đảm hay xác nhận những người Việt
tỵ nạn qua trước ngày 12/7/1995 sẽ
không bị trục xuất về VN, nhưng bây giờ TT Trump đang lật ngược lại, không tôn
trọng thỏa ước này nữa, muốn trục xuất dân tỵ nạn về VN.
Xin nhắc lại cho rõ: Thoả
Ước 2008 không
có một điều khoản nào ghi là Mỹ sẽ không trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp qua
trước 7/1995.
Một điểm mà TTDC Mỹ cũng như Việt im re là
việc trục xuất tội phạm nằm trong luật di trú hiện hành. Khoan nói tới TT Bush,
một phụ tá thứ trưởng ngoại giao như bà Julie Myers không thể nào có quyền ký
một thỏa ước công khai vi phạm luật hiện hành như vậy được. Nôm na ra, ngay cả
TT Bush dù muốn, cũng không thể ký văn kiện với CSVN, cam kết không trục xuất
dân tỵ nạn phạm pháp VN qua trước 1995. Nói TT Bush đã đồng ý như vậy và bây giờ TT Trump
lật ngược lại là NÓI LÁO.
Tờ báo Việt ngữ đó còn chơi trò gian trá hơn
nữa là tung cái tít to tướng “Số
người Việt bị trục xuất tăng 70%”, nghe tá hỏa tam tinh! Sự
thật là tăng 70% trên con số rất nhỏ trước, là 120 người, tức là tăng có hơn 80
người, lên tới tổng cộng hơn 200 người cho nguyên năm, toàn là dân Việt kiều, tức là VC, không có
một người tỵ nạn nào hết.
Thiển nghĩ bênh vực, giúp những người Việt
phạm pháp không bị trục xuất có thể là điều tốt, nhưng bênh vực bằng fake news
thì sẽ bị phản ứng ngược thôi, không giúp được ai hết. Hơn thế nữa, truyền thông
muốn đóng vai trò thông tin nghiêm chỉnh, bảo vệ uy tín của chính mình, và bênh
vực hữu hiệu quyền lợi của cộng đồng tỵ nạn, không thể cố tình đăng tin phịa vì
tính phe đảng, hay chủ ý đăng loại tít sốc để kiếm độc giả, trong khi gây hoang
mang vô cớ cho đồng hương.
Ở đây, chúng ta cũng cần nhìn cho rõ tình trạng cư trú và xử dụng
danh từ cho chính xác. Những người trốn chạy CSVN qua đây tỵ nạn, dù là qua năm
1975 hay 1978 hay sau đó, thì là “dân tỵ nạn” đã không còn
là công dân VNCH nhưng không chấp nhận là công dân CHXHCNVN. Những người qua Mỹ
sau này dưới dạng đoàn tụ gia đình cũng có thể được coi là dân tỵ nạn nếu họ
đoàn tụ với gia đình tỵ nạn, từ bỏ quốc tịch CHXHCNVN. Những người qua Mỹ với
thông hành –hay hộ chiếu, nói theo ngôn ngữ VC- của CHXHCNVN, đi du lịch hay du
học hay kinh doanh, thì gọi là “Việt kiều”, không phải là dân tỵ nạn.
Nếu họ đoàn tụ với một gia đình ‘Việt kiều’ được Mỹ cho vào sinh sống hợp pháp
vì có cơ sở kinh doanh hay vì có con cháu du học được ở lại, thì họ vẫn chỉ là
Việt kiều, không phải dân tỵ nạn.
Báo Việt ngữ cần viết cho rõ và cho đúng
trường hợp, không thể chơi trò lập lờ đánh lận con đen thiếu lương thiện, viết
chung chung “dân Việt”, bao gồm cả dân tỵ nạn lẫn Việt kiều.
Ghi chú:
Vấn đề trục xuất dân tỵ nạn Việt vẫn gây phản ứng sôi nổi. Một độc giả Việt trẻ
đã góp ý với DĐTC bằng một bài bằng tiếng Anh. Vì bài quá dài và đề tài quan
trọng, nên DĐTC đã dành cho góp ý này riêng một trang tuần này, kèm theo lời
phản biện của Vũ Linh và một bài viết bằng tiếng Anh cho dân tỵ nạn thế hệ 2
thông thạo Anh ngữ hơn. Xin quý độc giả truy cập trang “Extradition?” tuần này.
OBAMACARE VI PHẠM HIẾN PHÁP
Tuần rồi, Diễn Đàn này có đăng tin vắn tắt về việc một quan tòa
phán Obamacare vi phạm Hiến Pháp. Có vài độc giả đã thắc mắc hỏi là chuyện gì.
Xin viết thêm cho rõ.
Trong luật Obamacare nguyên thủy, có điều khoản nếu không mua bảo
hiểm y tế sẽ bị phạt một số tiền. Điều khoản này bị thưa kiện là tiền phạt
chính là thuế trá hình và chính quyền liên bang không có quyền áp đặt tiền phạt
kiểu đó lên các tiểu bang. Chính quyền Obama phản bác, khẳng định đây không
phải là thuế. Lên đến Tối Cao Pháp Viện. Nếu TCPV phán điều khoản tiền phạt này
vi Hiến thì coi như Obamacare đóng cửa tiệm vì sẽ có nhiều người không mua bảo
hiểm y tế nữa. Trong một phán quyết hoàn toàn bất ngờ, Tối Cao Pháp Viện xác
nhận tiền phạt này chính là một hình thức thuế trá hình, tuy nhiên cũng vì đó
là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên tất cả các tiểu bang vì
Hiến Pháp cho phép chính quyền liên bang đánh thuế trên tất cả các tiểu bang.
Phán quyết này coi như cứu sống Obamacare.
Năm ngoái, quốc hội ra luật Cải Tổ Thuế, trong đó có điều khoản
hủy bỏ việc bắt đóng tiền phạt nếu không có bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Tư Pháp của 18 tiểu bang và hai thống đốc thưa kiện cho
rằng nếu liên bang không đánh thuế nữa thì liên bang không còn quyền áp đặt Obamacare lên các tiểu bang nữa. Một quan tòa
liên bang tại Texas đồng ý, phán nếu không còn điều khoản về ‘thuế’ nữa thì
chính quyền liên bang không có quyền áp đặt Obamacare lên các tiểu bang nữa. Và
như vậy, Obamacare đã vi phạm quyền tự trị nội bộ của các tiểu bang, tức là vi
phạm Hiến Pháp.
Phán quyết này đang bị phe DC kháng cáo lên tòa phúc thẩm, có
nhiều triển vọng sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện. Nếu TCPV phán Obamacare vi Hiến,
Obamacare sẽ bị khai tử ngay và quốc hội sẽ phải thảo lại luật bảo hiểm y tế
mới. Tháng tới đảng DC sẽ bắt đầu kiểm soát Hạ Viện, sẽ chịu trách nhiệm soạn
thảo luật y tế mới, nếu phải có.
TT Trump nhân dịp này, đã kêu gọi phe DC hợp tác với CH
thảo luật bảo hiểm y tế mới vẹn toàn hơn.
FBI PHỎNG VẤN TƯỚNG FLYNN
Văn phòng công tố Mueller đã công bố tóm lược cuộc phỏng vấn tướng
Michael Flynn của FBI.
Việc công bố này được làm theo đòi hỏi của một quan tòa đang thụ
lý vụ công tố Mueller truy tố tướng Flynn về tội ‘nói láo’. Vấn đề trở nên rắc
rối vì FBI phỏng vấn tướng Flynn trong khi tướng Flynn không có luật sư nào
hiện diện hay cố vấn theo đúng luật Mỹ. Một vài chuyên gia cho rằng việc đó vi
phạm quyền công dân của tướng Flynn, có thể sẽ khiến quan tòa hủy vụ truy tố.
Quan tòa đã yêu cầu công tố Mueller nộp toàn bộ tài liệu về cuộc phỏng vấn của
FBI. Đó là lý do tại sao công tố Mueller công khai hóa bản tóm lược cuộc phỏng
vấn. Theo tài liệu được công bố, tướng Flynn ‘nói láo’ hai lần với FBI.
Lần thứ nhất khi được hỏi về việc ông đề nghị Nga nên hoãn
việc biểu quyết chống Do Thái tại Liên Hiệp Quốc về vụ thành lập trại định cư
mới cho dân Do Thái trên đất Palestine, tướng Flynn đã trả lời ông không có đề
nghị Nga làm chuyện này. Nhưng qua điện đàm với đại sứ Nga, mà FBI thu thanh,
tướng Flynn quả có đề nghị này.
Lần thứ nhì, tướng Flynn khai với FBI ông đã không khuyến cáo Nga
không nên trả đũa quyết định của TT Obama trục xuất một số viên chức Nga, trong
khi FBI thu thanh cuộc nói chuyện cho thấy tướng Flynn có làm chuyện này.
Nên ghi nhận, FBI đặt máy thu thanh tất cả các cuộc nói chuyện của
tòa đại sứ Nga, nên thu được các cuộc nói chuyện của tướng Flynn với đại sứ
Nga, chứ FBI không trực tiếp nghe lén tướng Flynn.
Tướng Flynn bị tố cáo nói láo và ông đã nhận tội. Công tố Mueller
truy tố tướng Flynn nhưng xin miễn án tù vì ông này đã hợp tác chân thành với
công tố Mueller, khai nhiều chuyện quan trọng.
Trong câu chuyện tướng Flynn, kẻ này thấy có hai vấn đề:
1) Chuyện tướng Flynn nói láo là chuyện
hoàn toàn dựa trên phúc trình và báo cáo một chiều của FBI và công tố Mueller.
Việc tướng Flynn bị thẩm vấn mà không có luật sư hiện diện cũng như không có
nhân chứng nào, có thể sẽ khiến toàn bộ cuộc truy tố bị liệng vào thùng rác.
2) Nếu quả chuyện tướng Flynn nói láo có thật, thì
tướng Flynn quả là vụng về, vô ý khi dám nói chuyện bí mật an ninh quốc gia với
đại sứ Nga trên điện thoại, để rồi bị FBI thu được và công tố Mueller truy tố.
Chuyện thật khó hiểu khi ta biết tướng Flynn là chuyên gia tình báo, từng làm
giám đốc cơ quan phản gián của bộ Quốc Phòng – Director of Defense Intelligence
Agency-, làm sao không biết Mỹ đang thu thanh các cuộc nói chuyện điện thoại
của đại sứ Nga? Hay đại sứ Nga làm sao không biết Mỹ thu thanh điện thoại của
tòa đại sứ? Biết bị thu thanh, sao còn dám nói chuyện về an ninh quốc gia? Đã
vậy, sao lại còn ‘nói láo’ cho đến khi băng thu thanh được đưa ra? Có cái gì mờ
ám, đáng nghi không?
Đi xa hơn, ta thấy cái tội của tướng Flynn là đã quá hấp tấp, lo
chuyện quốc gia hơi quá sớm khi ông chưa chính thức được bổ nhiệm làm cố vấn An
Ninh Quốc Gia. Cái tội này chẳng dính dáng xa gần gì đến chuyện thông đồng với
Nga giúp ứng cử viên Trump trong cuộc tranh cử, cũng chẳng phải là tội lem nhem
tham nhũng gì.
Tin giờ chót, vụ xử tướng Flynn đã được dời lại tới tháng
Ba, 2019, để tướng Flynn có
thêm thời giờ hợp tác với công tố Mueller và điều đình việc truy tố ông.
ARIZONA SẼ CÓ HAI NGHỊ SĨ MỚI
Tiểu bang Arizona có hai thượng nghị sĩ, Jeff Flake và John
McCain. Cách đây khá lâu, ông Flake tuyên bố không ra tranh cử lại năm
2018 vì
đã mất hậu thuẫn của đảng CH tại Arizona. Ghế của ông sẽ được bầu lại năm 2018, giữa hai bà Kirsten Sinema của DC và
Martha McSally của CH. Ông McCain thì sau đó đã qua đời. Ngay sau khi TNS McCain qua đời, ông Jon Kyl đã
được bổ nhiệm thay thế tạm. Ông Kyl nói ngay ông có thể sẽ từ chức sớm, trước
cuối năm nay.
Ai cũng hiểu ngay việc ông Kyl có thể từ chức sớm là cách đảng CH
chơi mánh để bảo vệ ghế nghị sĩ Arizona cho đảng CH. Đảng CH dự trù nếu bà McSally
thua trong cuộc bầu thay thế TNS Flake, thì ông Kyl sẽ từ chức ngay, để thống
đốc CH bổ nhiệm bà McSally thay thế. Bây giờ, sau khi bà McSally thua thật, ông
Kyl đã từ chức và thống đốc CH Arizona đã mau mắn bổ nhiệm ngay bà McSally thay
thế. Bà McSally sẽ ngồi ghế này cho tới năm 2020 thì sẽ chính thức có bầu cử
lại. Dĩ nhiên không có gì bảo
đảm bà sẽ trúng cử khi đó, nhưng ít ra việc bổ nhiệm bây giờ sẽ giúp bà có
nhiều lợi thế.
Arizona là tiểu bang thứ nhì sau Cali, đã có hai thượng nghị sĩ
liên bang đều là phụ nữ hết. Cali có bà Diane Feinstein và Kamala Harris,
Arizona có bà Kirsten Sinema và Martha McSally.
TIN DI DÂN NAM MỸ
Chính phủ Mỹ vừa loan báo sẽ viện trợ 4,8 tỷ đô cho Mexico, và
5,8 tỷ
đô cho các quốc gia Trung Mỹ để giúp họ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc
làm cho dân. Hy vọng sẽ giữ dân họ ở lại xứ, không nhất quyết đòi đi Mỹ nữa.
Chuyện hơi khó hiểu là trong khi TT Trump
tìm 5 tỷ
đô xây tường không ra, thì lại có ngay 10 tỷ để gửi cho các xứ này. Kẻ này thật sự không hiểu một
chục tỷ này lấy ở đâu ra quá dễ dàng vậy? Trước đó, ngoại trưởng Mễ đã tuyên bố
xứ của ông và các xứ Trung Mỹ chắc cần tới 25 tỷ
đầu tư của Mỹ. Phiên dịch ra tiếng Nôm: ông Trump ơi, chưa đủ đâu, cần hơn gấp
hai lần nữa cơ. Nếu không thì di dân mấy xứ này vẫn muốn leo rào qua Mỹ thôi.
Câu hỏi là nếu TT Trump cho 25 tỷ thì có gì bảo đảm Mexico sẽ không hét giá lên,
đòi 50 tỷ?
Một câu hỏi nữa là để đổi lấy số tiền này, Mễ
và các xứ trung Mỹ sẽ làm gì? Có cam kết gì trong vụ cản di dân của họ chạy qua
Mỹ không?
TT TRUMP THẮNG VÀ THUA
Ngày 18/12 vừa qua, Thượng Viện đã biểu quyết 87-12 thông qua một dự luật cải
tổ việc trừng phạt các tội phần lớn liên quan đến buôn bán và xử dụng ma tuý.
Trên căn bản, các quan tòa sẽ được rộng quyền kết án hơn, các tội sẽ bị phạt nhẹ
hơn, và Nhà Nước sẽ có nhiều biện pháp giúp việc phục hồi những tội phạm này,
giúp họ trở về sống trong xã hội. Trên căn bản, luật này sẽ tiết kiệm bộn tiền
cho Nhà Nước.
Một thiểu số nghị sĩ CH bảo thủ nhất đã chống
lại dự luật này vì không đồng ý việc quá nhẹ tay này, có thể chỉ khuyến khích
đám du đãng ma túy làm tới, tăng thêm mức phạm tội thôi. Dự luật này đã được Hạ
Viện thông qua dễ dàng và TT Trump sẽ ký ngay trong vài ngày nữa.
Tuy nhiên luật này chỉ áp dụng cho các tội ở
mức liên bang, không phải tội ở mức tiểu bang. Chỉ có khoảng 10% tội nhân trên cả nước được hưởng giảm khinh
này.
TTDC và cả TT Trump đã coi như đây là thắng
lợi cho TT Trump.
Trong khi đó, Thượng Viện cũng loan báo một
ngân sách tạm sẽ được thông qua, có hiệu lực qua tới tháng Ba năm tới. Đổi lại,
biểu quyết cấp tiền xây cất tường biên giới Mỹ-Mễ được tạm hoãn qua năm tới,
bất kể việc TT Trump hăm dọa đóng cửa Nhà Nước nếu không được tiền này. Đây coi
như là thất bại của TT Trump, đã bị ngay khối bảo thủ cực đoan chỉ trích mạnh.
Nhưng ngay sau đó, Hạ Viện vẫn do CH kiểm
soát, đã phê chuẩn ngân sách mới, trong đó có 5 tỷ dành cho việc xây tường biên giới Mỹ-Mễ.
Chưa ai biết Thượng và Hạ Viện sẽ điều đình với nhau như thế nào trong những
ngày tới, trước khi Nhà Nước đóng cửa vì không có ngân sách mới. Chỉ biết chưa
có quyết định gì hết. Thượng và Hạ Viện phải đồng ý với nhau thì mới có tiền
cho ngân sách hay cho bức tường.
Về thái độ của TT Trump, tất cả tùy thuộc vào ưu tiên nào quan
trọng nhất đối với ông. Có thể ông sẽ nhượng bộ việc xây tường đổi lấy chuyện
gì khác quan trọng hơn như một luật quy mô mới về vấn đề di dân chẳng hạn, hay
một luật bảo hiểm y tế mới, hay ngân sách để Nhà Nước mở cửa, hay tiền để trùng
tu hạ tầng cơ sở. Ta đừng quên TT Trump là một nhà kinh doanh, chuyên môn ‘hét
giá’, rồi sau đó cân nhắc lợi hại, ưu tiên và quyết định.
Cho đến khi tin này được viết, Thượng Viện đã không có đủ
phiếu để đồng ý cấp 5 tỷ
xây tường biên giới, do đó, có nhiều trriển vọng sẽ không có ngân sách kịp thời
và Nhà Nước sẽ bị đóng cửa, chưa ai biết bao lâu. Nhà Nước đóng cửa tiệm đã
thành chuyện cơm bữa từ thời TT Clinton.
TƯỚNG MATTIS TỪ CHỨC.
Tướng Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng cho biết
ông sẽ từ chức cuối tháng Hai tới, và TT Trump đã chấp nhận.
Trong thư từ chức, ông đã cho biết muốn từ
chức để TT Trump “có dịp lựa người hợp ý với ông hơn”.
CNN đã mau mắn diễn giải ông Mattis từ chức
vì ‘chống’ TT Trump. Trong những ngày tới, sẽ không phải là chuyện lạ nếu TTDC
xúm lại ca tụng tướng Mattis ngất trời trong khi các cụ tỵ nạn chống Trump hớn
hở gửi emails khắp nơi. Điều tiếu lâm là có cụ đã đặt câu hỏi “tại sao những
người giỏi từ chức, không làm việc với TT Trump nữa?” Câu trả lời: trong con
mắt của các cụ bị Dị Ứng Trump, họ chỉ trở nên giỏi sau khi từ chức thôi, khi
còn tại chức không nghe cụ nào khen ai giỏi hết.
Trong một tin liên hệ, chính phủ Mỹ loan báo sẽ rút hết 2.000 quân
ra khỏi Syria và đang nghiên cứu việc rút 7.000 (50%) quân ra khỏi Afghanistan.
Những quyết định này nằm trong sách lược của TT Trump ngay từ đầu.
Ông không chủ trương ở lại khu vực này lâu dài để ‘xây dựng dân chủ’ tại đây,
mà chỉ muốn tiêu diệt ISIS. Bây giờ thì mối nguy ISIS đã cáo chung, Mỹ không
còn lý do tham chiến tại đây nữa. Càng không có lý do ở lại để bảo vệ hay lật
đổ TT Assad của Syria. Theo báo ‘phe ta’ Washington Post, tướng Mattis đã từ
chức vì không đồng ý việc rút quân này.
Tướng
Mattis, cũng như tất cả các bộ trưởng khác, đều có cái nhìn cục bộ liên quan
đến khu vực trách nhiệm của mình trong khi TT Trump phải lấy quyết định trong
sách lược tổng quát. Khác biệt quan điểm là chuyện có thể xẩy ra.
Việc thay đổi nhân sự ở cái xứ Mỹ này cũng là chuyện thường tình. Trong 8 năm của TT Obama, ông đã có 4 bộ trưởng Quốc Phòng, trung bình một người
làm hai năm. Tướng Mattis đã làm bộ trưởng hai năm.
CHỨNG KHOÁN TIẾP TỤC RỚT
Cách đây vài hôm, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất từ
2,25% lên 2,5%. Dow Jones cuối ngày rớt ngay 350 điểm. Ngày hôm sau, TT Trump
tuyên bố không
chấp nhận dự luật ngân sách của Thượng Viện, Dow rớt thêm hơn 450 điểm. Ngày kế
tiếp, trước viễn tượng Nhà Nước đóng cửa tiệm, Dow rới thêm hơn 400, xuống cỡ 22.500 điểm. Tính từ cao điểm đầu
tháng 10/2018 là 26.800, Dow Jones đã rớt gần 4.300 điểm trong ba tháng. So với tuần lễ trước khi ông Trump được bầu,
Dow Jones chỉ tăng gần 10% trong hai năm, thay vì tăng 45% như cách đây ba tháng.
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất vì cho rằng kinh tế đang
tăng trưởng quá nhanh, có nguy cơ khiến vật giá leo thang. TT Trump đã công
khai tỏ ý bất đồng và cho rằng NHDTLB quá nhút nhát, đã cản tăng trưởng kinh
tế. Trong khi NHDTLB nhìn vấn đề dưới khiá cạnh kinh tế thì TT Trump nhắm vào
tình trạng chính trị, hai mục tiêu/nhu cầu có thể đối nghịch. Việc cân nhắc
tăng trưởng với lạm phát là việc làm cực kỳ tế nhị. Chúng ta không phải ‘siêu’
chuyên gia kinh tế hay chính trị, không thể hấp tấp dựa theo phe phái đả kích
NHDTLB là loại Nhà Nước Ngầm lo phá TT Trump.
Trong khi đó, giới kinh doanh cũng lo ngại lập pháp do DC kiểm
soát sẽ ngăn chặn mọi kế hoạch của TT Trump, kể cả sách lược kinh tế nhắm tăng
trưởng mạnh, cũng như phê chuẩn ngân sách. Qua năm tới, khi DC thực sự kiểm
soát Hạ Viện, tích cực cản TT Trump thì thị trường chứng khoán sẽ còn rớt nữa.
Các cụ tỵ nạn chống Trump khoan ăn mừng. Chứng khoán rớt, các cụ
mất tiền trong các quỹ hưu đấy.
No comments:
Post a Comment