Friday, December 21, 2018

Khi kinh tế toàn cầu suy trầm - Nguyễn Xuân Nghĩa


Khi kinh tế toàn cầu suy trầm
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-12-14
Tuần qua, thị trường cổ phiếu của thế giới đều đồng loại sụt giá, từ Á Châu qua Âu Châu về tới Bắc Mỹ khi các chỉ dấu kinh tế tại Trung Quốc được thông báo đều thấp hơn dự đoán của thị trường. Nền kinh tế có sản lượng đứng hạng thứ nhì thế giới và nằm trong chuỗi cung ứng của các nước không tăng trưởng mạnh như người ta chờ đợi nên viễn ảnh suy trầm toàn cầu lại trở về trong năm 2019 này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó…
Viễn ảnh suy trầm toàn cầu
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuối tuần qua, các thống kê kinh tế từ Trung Quốc làm thế giới thêm e ngại vì tình hình sản xuất công nghiệp và bán lẻ trong Tháng 11 đã có vẻ chậm hơn dự báo. Điều ấy đã khiến thị trường cổ phiếu từ Á Châu qua Âu Châu về tới Bắc Mỹ đều sụt giá và người ta e ngại kịch bản suy trầm toàn cầu. Ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chúng ta khó dựa trên thống kê kinh tế của một tháng để dự đoán tình hình của một năm, nhất là các dữ kiện xuất phát từ Trung Quốc xưa nay không có độ chuẩn xác cao vì lãnh thổ quá lớn lại do một bộ máy ghi nhận mang tính thư lại rất cao. Chúng ta biết các viên chức của Cục Thống Kê Quốc Gia khó thu thập mọi chi tiết ở các địa phương nội trong một tháng khi từng địa phương đều có xu hướng thổi phồng thành quả hơn mức thực tế. Tuy nhiên, việc sản lượng công nghiệp trong Tháng 11 chỉ tăng có 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái và so với con số của Tháng 10 là 5,9% cũng thấp hơn các dự báo và xác nhận điều người ta e ngại. Song song, chỉ số bán lẻ chỉ tăng 8,1% so với năm ngoái và so với con số 8,6% của tháng trước cũng thấp hơn con số trung vị của các dự báo là 8,8%. Hai chi tiết đó khiến các thị trường quốc tế quan tâm và cho rằng nền kinh tế có sản lượng đứng hạng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ đã có dấu hiệu đình trệ và bị hiệu ứng bất lợi của trận thương chiến Mỹ Hoa. Nhưng tôi còn nhìn sâu xa hơn vào viễn ảnh kinh tế của xứ này và thấy lãnh đạo Bắc Kinh không thể cải cách như dự tính và đang lo ngại nguy cơ thất nghiệp dù con số chính thức của Tháng 11 chỉ là 4,8% so với 4,9% vào Tháng 10.
Tình hình Trung Quốc
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ khởi đi từ đó, thưa ông. Vì sao ông nói đến yêu cầu cải cách của kinh tế Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cách nay đúng một năm, lãnh đạo Bắc Kinh có Đại hội đảng cho Khóa 19 với biến cố nổi bật là quyền lực tuyệt đối của Tổng bí thư Tập Cận Bình, người sẽ cầm quyền còn lâu hơn hai nhiệm kỳ và được coi như một Hoàng đế vĩnh viễn. Khi ấy, qua bài diễn văn quá dài và những phát biểu kế tiếp, người ta dự đoán rằng Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của họ Tập đã ý thức được yêu cầu cải cách mà ông ta gọi là ‘những mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới”, nhưng vẫn phải đảm bảo được sự ổn định. Ngày nay, ta thấy ông đã tập trung được quyền lực vào trong tay mình, tức là bảo đảm được sự ổn định chính trị, nhưng việc cải cách thì sao? Cụ thể thì làm sao giải quyết năm vấn đề ưu tiên là 1/ núi nợ quá lớn, 2/ sự bất trắc của hệ thống tài chính ngân hàng, 3/ tình trạng bong bóng trong lĩnh vực đầu tư, và 4/ nhất là nạn ô nhiễm môi sinh để 5/ duy trì được đà tăng trưởng khả quan, dù có thể thấp hơn tốc độ rất cao của ngày xưa.
- Những số liệu của Tháng 11 vừa được thông báo tuần trước chỉ xác nhận rằng đà tăng trưởng sẽ không cao như chỉ tiêu, chừng 6,5 tới 6,7% mà còn thấp hơn. Tức là làm sao? Trong nửa năm đầu, Tập Cận Bình đã giữ được ổn định như ông mong muốn, nhưng qua nửa năm sau thì vẫn loay hoay với hai yêu cầu trái ngược là cải cách và giữ được mức tăng trưởng tạm đủ mà không gây ra vấn đề xã hội. Mươi hôm trước, một quyết định của Quốc vụ viện hay Hội đồng Chính phủ cho thấy vấn đề xã hội đó vẫn còn, đó là nạn thất nghiệp, nên con số thất nghiệp chính thức là 4,8% là dữ kiện khó tin. Con số thật có khi trầm trọng hơn.
Nguyên Lam: Vì sao ông chú trọng vào lĩnh vực nhân dụng và số thất nghiệp của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong chế độ độc đảng và khi lãnh đạo thâu tóm quyền lực đến mức tối đa như tại Trung Quốc thì lãnh tụ phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Tập Cận Bình, Trung Quốc gặp bài toán là đà tăng trưởng sẽ chậm lại, trong khi nợ nần vẫn tăng và hệ thống ngân hàng lẫn các khoản nợ chui có thể sụp đổ và môi sinh bị ô nhiễm. Nhưng ưu tiên của họ vẫn là nhân dụng, làm sao tránh thất nghiệp để khó khăn kinh tế không dội lên thành vấn đề xã hội và chính trị. Từ Tháng 10, họ quan tâm đến ưu tiên đó và hôm mùng năm vừa rồi, Quốc vụ viện Bắc Kinh đã quyết định là các địa phương và doanh nghiệp phải chia sẻ gánh nặng xã hội là tăng mức trợ cấp thất nghiệp, và tài trợ cho các doanh nghiệp để thực hiện chương trình huấn nghệ cho các nhân công trẻ, tuổi từ 16 tới 24. Điều ấy cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã biết trước khó khăn xã hội xuất phát từ nạn thất nghiệp và cố chặn trước hậu qủa tai hại.
Nguyên Lam: Khi nhắc lại bối cảnh là hai yêu cầu hơi trái ngược là cải cách và duy trì một đà tăng trưởng tương đối khả quan, phải chăng ông muốn nhấn mạnh tới một mâu thuẫn của lãnh đạo Bắc Kinh là vẫn phải sửa sai cơ chế khi tốc độ tăng trưởng không còn cao như xưa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cứ so sánh cái phép lạ kinh tế Trung Quốc như người đi xe đạp, nếu đạp chậm thì xe đổ. Khi kinh tế thế giới bị suy trầm trong các năm 2008-2009, Bắc Kinh đã tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế và đầu tư dư thừa như cho người đạp xe uống thuốc bổ. Quả nhiên là sản lượng đã tăng và vượt qua sản lượng của Nhật Bản vào năm 2010 làm thế giới khâm phục.
- Nhưng ít người thấy rằng đà tăng trưởng đó lại thiếu phẩm chất và gây vấn đề khiến lãnh đạo ngày nay phải giải quyết. Họ nói đến việc chuyển hướng và tìm lực đẩy không nhờ đầu tư và xuất khẩu mà nhờ sức tiêu thụ trong nội địa. Nghịch lý ở đây là khi xe đạp vào ngã rẻ của việc chuyển hướng thì phải đi chậm hơn, với tốc độ thấp hơn, và đà tăng trưởng không mạnh như xưa nên lại gây rủi ro thất nghiệp. Rốt cuộc thì, cho tới cuối năm nay, người ta thấy rằng Bắc Kinh không thể giải quyết một lúc hai việc, là cải cách theo chủ trương đề ra từ năm 2012, với những biện pháp “trọng cung” là hướng vào lãnh vực sản xuất, đẩy lui nạn ô nhiễm môi sinh lẫn tình trạng bấp bênh của các ngân hàng và doanh nghiệp hay là vẫn thúc đầy đà tăng trưởng để tránh nạn thất nghiệp. Trận thương chiến với Hoa Kỳ là tai họa bất ngờ xảy vào thời điểm bất lợi nhất cho Trung Quốc.
Suy trầm thành hiện thực?
Nguyên Lam: Khi nhìn rộng ra ngoài, như ông trình bày tuần trước, thì viễn ảnh suy trầm toàn cầu có vẻ như đang trở thành hiện thực, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không ai có thể đoán trước tương lai một cách chính xác, nhưng nhiều dấu hiệu đáng ngại đã cùng lúc xuất hiện ở mọi nơi, từ khối công nghiệp hóa Âu Châu với những bất trắc kinh tế và chính trị tại Đức, Pháp, Y và Anh quốc, tới tình hình của Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Nhật Bản và các nền kinh tế gọi là đang phát triển. Vì vậy, viễn ảnh của năm 2019 sẽ còn bấp bênh và nguy ngập hơn năm 2018 đang chấm dứt. Chúng ta có thể gặp lại nạn Tổng Suy Trầm đã thấy năm 2008-2009, với nhiều hậu quả xã hội và chính trị còn tai hại hơn lần trước.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.


No comments:

Post a Comment