Cuộc gọi lúc nửa đêm của Buffett giúp giải cứu Mỹ năm
2008
-
13 December, 2018
Warren Buffett đã hiến kế cho Bộ trưởng Tài
chính Mỹ để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Nửa đêm một ngày tháng 10/2008, đỉnh điểm của
khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ phú đầu tư Warren Buffett đã gọi Bộ trưởng
Tài chính Mỹ thời đó – Henry “Hank” Paulson để đề xuất ý tưởng có thể lật ngược
tình thế cho kinh tế Mỹ. Paulson khi ấy đã đi ngủ. Ông vừa dành cả tối nghiên
cứu hàng loạt chính sách cùng các đồng nghiệp để khôi phục niềm tin tại Wall
Street.
“Tôi đã rất kiệt sức”, Paulson kể lại trong
một chương trình của HBO. Khi ấy, Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật Bình ổn
Kinh tế Khẩn cấp, còn được gọi là “dự luật cứu trợ”, đồng thời lập ra Chương
trình Giải cứu Tài sản gặp Rắc rối trị giá 700 tỷ USD, nhằm mua lại tài sản của
các ngân hàng đang khó khăn. Tuy nhiên, những động thái này vẫn chưa đủ giúp
nhà đầu tư bình tĩnh.
Tỷ phú đầu tư Warren
Buffett trong một cuộc phỏng vấn năm 2008. Ảnh: AFP
“Trong khi chúng tôi trình dự luật này lên
Quốc hội, tình hình lại tiếp tục xấu đi. Hai vụ ngân hàng sụp đổ lớn nhất lịch
sử nước Mỹ diễn ra, là Wachovia và Washington Mutual”, Paulson cho biết, “Chúng
tôi cần thứ gì đó có tác dụng nhanh hơn và mạnh hơn”.
Buffett khi đó cũng nghĩ ra một giải pháp, và
gọi điện cho Paulson. Ban đầu, Paulson cảm thấy băn khoăn khi nghe tên người
gọi: “Mẹ tôi có một người sửa đồ lặt vặt tên Warren. Tôi không hiểu sao ông ấy
lại gọi cho mình?”.
Khi biết đó là Warren Buffett, Paulson đã lắng
nghe ý kiến của tỷ phú “giúp chúng tôi nảy ra ý định về kế hoạch sau đó”.
Buffett khi đó đã nói: “Bơm thêm vốn cho các ngân hàng có thể còn ý nghĩa hơn
là mua tài sản của họ”.
Ngày 13/10, CEO các ngân hàng lớn, trong đó có
John Mack của Morgan Stanley, Jamie Dimon của J.P. Morgan, Lloyd Blankfein của
Goldman Sachs, John Thain của Merrill Lynch, và Vikram Pandit của Citigroup, đã
nhóm họp tại Bộ Tài chính Mỹ để thảo luận về đề xuất này.
Không phải tất cả các ngân hàng khi đó đều cần
trợ giúp. Một số CEO ban đầu còn lưỡng lự có nên nhận tiền mặt hay không, do lo
ngại nó có thể làm họ bị hiểu nhầm là đang gặp rắc rối, khiến nhà đầu tư rút
tiền ra. Tuy nhiên, Paulson đã thuyết phục họ rằng việc cứu trợ này rất cần
thiết, nhằm hồi sinh niềm tin vào nền kinh tế. Cuối cùng, tất cả đã đồng ý.
Sau cuộc gặp này, Bộ Tài chính Mỹ đã bơm 250
tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Dĩ nhiên, không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch
này. Rất nhiều người đã xuống đường biểu tình, phản đối việc dùng tiền thuế của
người dân để cứu các nhà đầu tư giàu có ở Wall Street. Họ cho rằng đó là những
người có quyết định tài chính sai lầm, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng.
“Tôi nghĩ là giờ vẫn còn rất nhiều người cho
rằng việc chúng tôi cứu trợ các công ty ở Wall Street là vì muốn giúp những
người đồng nghiệp trong ngành tài chính, chứ không phải để bảo vệ kinh tế Mỹ”,
cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – Ben Bernanke cho biết.
Paulson, Bernanke và Chủ tịch Fed New York –
Timothy Geithner đến nay vẫn bảo vệ quan điểm cứu nền kinh tế thông qua hệ
thống ngân hàng. Dù vậy, cả ba cũng thừa nhận họ chưa thực hiện công việc một
cách hoàn hảo, vì đã khiến Lehman Brothers sụp đổ.
Thị trường Mỹ đã dần hồi phục từ năm 2009.
Paulson gọi gói cứu trợ này là “chương trình thành công nhất lịch sử nhân loại
trong việc khiến người ta ghét bỏ”. Cựu tổng thống Mỹ – George W. Bush thì gọi
đây có lẽ là “chương trình cứu trợ tài chính tuyệt vời nhất” vì ông cho rằng
“sự can thiệp này đã giúp thế giới tránh khỏi một cuộc suy thoái nữa”.
Hà Thu (theo CNBC)
No comments:
Post a Comment