Hoa Kỳ và Hiệp định TPP
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-04-17
2018-04-17
Nước Mỹ đổi ý
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm
Thứ Năm 12 đã có nguồn tin rằng Tổng thống Donald Trump chỉ thị cho người cầm
đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia là Larry Kudlow cùng Đại sứ Thương mại Robert
Lighthizer thăm dò việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương,
vừa được 11 nước còn lại ký kết hôm mùng tám Tháng Ba. Nhớ lại thì Hoa Kỳ từng
xin gia nhập nhóm này từ năm 2008 và sau bảy năm đàm phán cho tới khi hoàn
thành vào Tháng 10 năm 2015 thì lại đổi ý và rút lui sau khi ông Trump nhậm
chức vào đầu năm ngoái. Ngày nay, nước Mỹ lại đổi ý lần nữa. Trên diễn đàn này,
ông từng dự đoán sẽ có ngày Hoa Kỳ quay lại, thưa ông, vì sao như vậy và tương
lai sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngẫm lại thì nỗ lực của nhóm quốc gia
trên vành cung Thái Bình Dương nhằm tiến tới một chế độ tự do trao đổi đã ba
lần đổi tên cũng do Hoa Kỳ. Từ TPSEP của bốn nước ban đầu tới TPP của 12 nước
sau khi có Mỹ gia nhập, rồi nay là CPTPP của 11 nước còn lại. Có nền kinh tế
đứng đầu thế giới với thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, quyết định thất
thường của Hoa Kỳ thường gây chấn động cho các xứ khác và có thể giải thích vì
sao nhiều quốc gia có ác cảm với nước Mỹ. Vì sao lại như vậy thì tôi nghĩ tới
hai nguyên nhân.
- Thứ nhất là tiến
trình học bài của người lãnh đạo và thứ hai là sự đổi thay trong dư luận của
một xã hội dân chủ. Khi chưa là Nghị sĩ ông Barack Obama cũng chống Hiệp định
Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA, lên làm Tổng thống rồi, ông do dự gần một năm
với Hiệp định TPP, sau đó mới thúc đẩy việc đàm phán với 11 nước kia vì thấy ra
lợi ích của tự do mậu dịch. Nhưng ông đụng vào nguyên do thứ hai là sự đổi thay
trong dư luận Hoa Kỳ sau khi Hiệp định TPP thành hình vào ngày năm Tháng 10 năm
2015.
Ngẫm lại thì nỗ lực
của nhóm quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương nhằm tiến tới một chế độ tự do
trao đổi đã ba lần đổi tên cũng do Hoa Kỳ. Từ TPSEP của bốn nước ban đầu tới
TPP của 12 nước sau khi có Mỹ gia nhập, rồi nay là CPTPP của 11 nước còn lại.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nền dân chủ Mỹ cho
Hành pháp rộng quyền đàm phán các thỏa ước thương mại cho đến khi hoàn tất thì
xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói. Sau 20 vòng đàm phán, văn kiện quy mô và phức
tạp TPP lại gặp sự chống đối của các đại biểu Dân Chủ và một số không nhỏ dân
biểu nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc hội. Họ phát giác là nước Mỹ cam kết quá nhiều
và Quốc hội phải ban hành nhiều luật lệ mới để áp dụng. Vì vậy, dù ông Obama cố
vận động cũng không thể phê chuẩn Hiệp định. Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm
2016, cả ba ứng viên dẫn đầu, bên Dân Chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders thuộc cánh
cực tả và bà Hillary Clinton là cựu Ngoại trưởng và bên Cộng Hòa là ông Trump
cũng đều chống Hiệp định TPP. Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump mới hợp
thức hóa sự chống đối này mà rút khỏi Hiệp định TPP. Bây giờ, sau khi học bài,
có lẽ ông đang nghĩ lại.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, liệu Hoa Kỳ có hy
vọng thương thuyết lại không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là có, nhưng sẽ lâu công, chứ
không dễ. Thật ra, Hiệp định TPP bao gồm bốn khía cạnh kinh tế và một khía cạnh
về chiến lược. Về kinh tế, một là các nước thỏa thuận việc cắt giảm thuế biểu
nhập nội tới tối đa, thứ hai là tháo gỡ mọi cản trở giao dịch ngoài thuế biểu,
cụ thể là xóa bỏ mọi hạn ngạch, thứ ba là giải phóng chế độ đầu tư chứ không
chỉ có chế độ giao dịch thương mại. Thứ tư, cải tổ cơ chế bên trong từng nước
thành viên để bảo vệ quyền lao động, môi sinh và quyền sở hữu trí tuệ. Chính là
tham vọng cải tổ quá lớn về kinh tế mới gây phản ứng chống đối bên phía Quốc
hội Mỹ, nhất là trong đảng Dân Chủ.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, dường như trong cuộc đàm
phán chính Hoa Kỳ đã yêu cầu những cam kết cải tổ sâu rộng như vậy, thế thì vì
sao Quốc hội Mỹ lại bác bỏ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Khi được rộng quyền
đàm phán, các chuyên gia của Mỹ có thể nghĩ đến giải pháp lý tưởng nhưng về tới
nhà, giới dân cử của Quốc hội mới đối chiếu với thực tế của địa phương và thấy
ra nhiều bất lợi. Chúng ta đều biết là trong mọi quyết định kinh tế, có thành
phần được hưởng lợi, có thành phần bị thiệt hại và nhiều người còn không ứng
phó nổi với những đổi thay. Do dân bầu lên, các dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ phải
đếm ra những sự thể ấy như đếm phiếu nên mới ngần ngại. Sau đó, trong vòng đàm
phán giữa 11 quốc gia còn lại, người ta đã giảm bớt nhiều đòi hỏi do phía Hoa
Kỳ đặt ra.
Nguyên Lam: Đó là về các khía cạnh kinh tế. Thưa
ông, khía cạnh chiến lược kia là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đó phát triển vòng đai thịnh vượng
quanh Trung Quốc. Một Tổng trưởng Quốc phòng của Tổng thống Obama là ông Ash
Carter đã từng so sánh Hiệp định này với một hàng không mẫu hạm là trong ý đó.
Các yêu cầu về kinh tế như chúng ta vừa trình bày cũng khiến Trung Quốc không
gia nhập nổi Hiệp định TPP, ví dụ thứ nhất là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,
thí dụ thứ hai là chế độ bảo hộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Hai nước Đông
Nam Á thuộc loại nghèo trong các thành viên của TPP là Việt Nam và Malaysia có
thể hưởng lợi nhiều nhất, nhưng cũng phải cải cách doanh nghiệp nhà nước để có
một sân chơi bình đẳng cho tư doanh.
Động lực khiến Mỹ đổi ý
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng mâu thuẫn
giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đang là động lực khiến ông Trump nghĩ tới khía cạnh
chiến lược của Hiệp định TPP mà sẽ xúc tiến việc đàm phán với các nước kia?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ như vậy và xin nhắc tới Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hiện đang có hai ngày làm việc với Tổng thống Mỹ tại
Florida.
Sau một năm cầm quyền,
có lẽ ông Trump cũng thấy ra một số giới hạn của giải pháp song phương . Điển
hình là trong cuộc xung đột về mậu dịch với Trung Quốc, ông cần hậu thuẫn của
các nước qua chế độ đặc miễn thuế quan cho từng đối tác chứ không thể
nhường cho Bắc Kinh vai trò chủ chốt trong quan hệ kinh tế với các nước khác.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nhật Bản có chế độ
bảo hộ nông sản và thịt bò do thế lực của hiệp hội nông gia. Trong tiến trình
cải cách kinh tế gọi là “ba mũi tên”, ông Abe muốn phá vỡ thế lực đó với mũi
tên thứ ba. Khi cho thương thuyết Hiệp định TPP, ông cũng tranh đấu mạnh để vượt
qua rào cản mậu dịch này bên trong xã hội Nhật khiến nước Úc rất hài lòng với
triển vọng xuất khẩu thịt bò vào Nhật. Nào ngờ Hoa Kỳ lại đổi ý nên có lúc
Shinzo Abe phải trực tiếp qua Mỹ vận động với bài diễn văn đọc trước lưỡng viện
Quốc hội Hoa Kỳ vào Tháng Tư năm 2015. Sau khi Hoa Kỳ bỏ cuộc, Nhật Bản giữ vai
trọng yếu để thúc đẩy việc hoàn thành TPP với 11 nước còn lại. Động lực chính
của Nhật cũng là xây dựng vòng đai thịnh vượng trước sự bành trướng rất đáng
ngại của Trung Quốc.
- Lần này, khi hội kiến
Tổng thống Hoa Kỳ, có lẽ Thủ tướng Nhật không chỉ thảo luận về hồ sơ Bắc Hàn mà
còn cố thúc đẩy ông Trump nghĩ lại về Hiệp định TPP theo giác độ chiến lược là
đối phó với Bắc Kinh. Là vị nguyên thủ đầu tiên đã ủng hộ và trực tiếp thăm
viếng ông Trump từ Tháng Hai năm ngoái, Thủ tướng Abe có thể mong là giao tình
đó có sức thuyết phục cao để ông trình bày lẽ hơn thiệt cho rõ ràng hơn. Có lẽ
Chính quyền Trump đang thấy ra điều ấy.
Tiến trình đàm phán
Nguyên Lam: Nếu cho rằng chuyện này sẽ thành, tức là
Hoa Kỳ nghiên cứu lại việc gia nhập Hiệp định TPP, tiến trình đàm phán sẽ như
thế nào, thưa ông?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Từ nguyên thủy, ông
Trump hoài nghi các hiệp ước đa phương hay quốc tế mà thiên về giải pháp đàm
phán song phương. Sau một năm cầm quyền, có lẽ ông cũng thấy ra một số giới hạn
của giải pháp song phương đó. Điển hình là trong cuộc xung đột về mậu dịch với
Trung Quốc, ông cần hậu thuẫn của các nước qua chế độ đặc miễn thuế quan cho
từng đối tác chứ không thể nhường cho Bắc Kinh vai trò chủ chốt trong
quan hệ kinh tế với các nước khác.
- Chúng ta không quên
là tại Diễn đàn Davos từ Tháng Giêng, ông Trump ngỏ ý tham gia và đàm phán lại
Hiệp định TPP. Một tháng sau, ông nhắc lại ý đó khi họp báo với Thủ tướng Úc.
Lúc ấy có 25 Nghị sĩ Cộng Hòa gửi thư yêu cầu ông nối kết lại với TPP và Tổng
trưởng Ngân khố Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ đang tiếp xúc với vài nước trong nhóm
này để thăm dò ý kiến. Nói cách khác, quyền lợi kinh tế của một số tiểu bang
đang gây sức ép mới, thí dụ như nông gia thấy mình lại nhường trị trường Nhật
Bản cho Úc. Nhưng tôi cho rằng lãnh đạo Hoa Kỳ còn có thể nhìn vào Hiệp định
TPP như một chiến lược có giá trị lâu dài. Tuy nhiên, cho tới nay thì hình như
Nội các và ban tham mưu của ông Trump vẫn chưa có những chuẩn bị cụ thể.
Nguyên Lam: Thưa ông, đối diện thì 11 nước kia nghĩ
sao khi Mỹ bỏ đi rồi trở lại? Họ sẽ đàm phán thế nào?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Trong
năm qua, 11 nước còn lại đã đàm phán riêng và giảm bớt những đòi hỏi của Hoa
Kỳ. Hiệp định mới giữ lại 22 điều nguyên thủy nhưng tạm hoãn áp dụng mà đa số
các điều này liên hệ tới quyền lợi chiến lược của Mỹ, thí dụ như quyền sở hữu
trí tuệ. Ngày nay, các nước đó đang theo dõi xem Hoa Kỳ đòi những gì khi thương
thuyết lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ để đoán là phía Hoa Kỳ muốn những
gì. Ngoài ra còn một điều kiện quan trọng là nguồn cung cấp, là xuất xứ của sản
phẩm hoàn tất hay thành phẩm. Hàng hóa giao dịch với nhau không thể là sản phẩm
của một xứ ở bên ngoài được đưa vào ráp chế với giá trị gia tăng rất thấp để
được lợi thế ưu đãi về quan thuế ở trong khối.
- Ngược lại, ta cũng
nên thấy rằng trước khi có Hiệp định TPP thì nhiều quốc gia không có thỏa ước
tự do mậu dịch song phương với Mỹ. Nhờ TPP các nước này có cơ hội xâm nhập một
thị trường tiêu thụ lớn nhất. Với viễn ảnh Hoa Kỳ trở lại thì cơ hội kinh tế đó
cũng khiến họ dễ chấp nhận một số biện pháp cải tổ ở nhà. Thứ nữa, nhiều thành
viên hiện nay của TPP cũng đang muốn có giải pháp khác hơn là chỉ buôn bán với
Trung Quốc. Sau cùng, việc Hoa Kỳ lại nhập cuộc có thể là cơ hội tham gia của
các nền kinh tế khác như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan và Philippines. Vì vậy,
tôi không nghĩ rằng ngần ấy thành viên sẽ chỉ muốn gây khó với Hoa Kỳ vì những
đổi thay thất thường đã qua.
Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải
xin ông nêu cho một kết luận về cái chuyện phức tạp này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi mong Hoa Kỳ sẽ
trở lại nhưng e rằng chưa có ngay. Kịch bản lạc quan là Chính quyền Trump vận
dụng luật lệ cho Hành pháp toàn quyền thương thuyết nhanh gọn, khi hoàn tất thì
xin Thượng viện phê chuẩn sau sáu tháng nghiên cứu. Chúng ta sắp bước vào Tháng
Năm và Tháng 11 này sẽ có bầu cử giữa nhiệm kỳ cho nên Quốc hội khóa 115 hiện
nay không thể phê chuẩn một văn kiện chưa hề có. Nếu Quốc hội khóa 116 nhóm họp
năm tới lại rơi vào tay đảng Dân Chủ thì sự chống đối Hiệp định TPP đã thấy năm
2015 sẽ tiếp tục. Nói vắn tắt, triển vọng Hoa Kỳ tái nhập TPP lại tùy thuộc vào
cuộc bầu cử ngày tám Tháng 11 này và sẽ khó thành hình trước năm 2020.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-us-rejoining-tpp-04172018130357.html
No comments:
Post a Comment