Sunday, April 15, 2018

Mậu dịch Mỹ-Hoa và hậu quả quốc tế-Nguyễn Xuân Nghĩa


Mậu dịch Mỹ-Hoa và hậu quả quốc tế
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-04-10
Phản ứng nhất thời, tâm lý ngắn hạn
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục cuốn hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người ở mọi nơi. Hôm Thứ Ba mùng 10, người lãnh đạo Bắc Kinh đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng về chuyện này tại hội nghị kinh tế Bác Ngao trên đảo Hải Nam và làm dư luận yên tâm rằng một trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới trên hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương khó xảy ra và các thị trường chứng khoán đã vọt lên giá. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không nên nhìn vào phản ứng nhất thời của thị trường chứng khoán hay tâm lý ngắn hạn của giới đầu tư như một chỉ dấu đáng tin cho dài hạn. Từ khi Tổng thống Donald Trump phát biểu gay gắt về quan hệ buôn bán bất lợi giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc vào hôm 16 Tháng Hai rồi 22 Tháng Ba, ai ai cũng lo rằng trận chiến mậu dịch giữa hai nước sẽ bùng nổ. Thực tế thì giới hữu trách của đôi bên đang lặng lẽ đàm phán với nhau để tìm giải pháp thỏa hiệp mà chưa có kết quả. Người ta chờ đợi lời tuyên bố chính thức của Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao mà quên rằng đó chỉ là một diễn đàn cho quốc tế và bài phát biểu mang nội dung tuyên truyền hơn là một chính sách họ sẽ áp dụng.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tíếp nhận giao dịch thương mại và đầu tư rộng rãi hơn và còn nhắc đến việc nhập khẩu xe hơi vào thị trường Trung Quốc với thuế biểu thấp hơn thì đấy có là một cách đấu dịu trước sức ép của Hoa Kỳ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông ta muốn thiên hạ tin như vậy chẳng khác gì những phát biểu tương tự tại Diễn đàn Davos vào năm ngoái, chứ Chính quyền của ông đang đàm phán rất chặt chẽ với Hoa Kỳ và đôi bên chưa hề nhượng bộ chút nào.
Chế độ dân chủ khiến Tổng thống Mỹ chỉ có thể quyết định trong khuôn khổ luật pháp, trước sự phán xét của Quốc Hội, quốc dân và thị trường, trong khi lãnh tụ Trung Quốc lại không bị ràng buộc như vậy.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Chúng ta chỉ chứng kiến một trận khẩu chiến và không thể quên rằng mọi sự đã manh nha từ hơn chục năm rồi, trước khi Hoa Kỳ có ông Donald Trump đắc cử và nhậm chức Tổng thống. Lên lãnh đạo, ông tiến hành lời cam kết khi tranh cử là đòi duyệt lại quan hệ kinh tế bất lợi với Trung Quốc và năm ngoái đã chỉ thị cho Nội các và Ban tham mưu điều tra nghiên cứu về quan hệ này từ cả giác độ an ninh lẫn kinh tế. Kết quả điều tra từ năm ngoái mới dẫn đến quyết định trả đòn kinh tế Trung Quốc với thuế suất cao hơn trên nhiều mặt hàng. Khi Bắc Kinh phản ứng với những hăm dọa tương tự vào tuần trước thì ông Trump leo thang gấp ba từ kim ngạch nhập khẩu 50 tỷ lên 150 tỷ đô la. Sự thật thì danh mục hàng hóa sẽ bị áp thuế mới chỉ được công bố và còn chờ tiếng nói của các doanh nghiệp trước khi được chính thức áp dụng. Chế độ dân chủ khiến Tổng thống Mỹ chỉ có thể quyết định trong khuôn khổ luật pháp, trước sự phán xét của Quốc Hội, quốc dân và thị trường, trong khi lãnh tụ Trung Quốc lại không bị ràng buộc như vậy.
Thay đổi Trung Quốc
Nguyên Lam: Người ta thường nói rằng trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Khi hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Thái Bình Dương có xung đột về mậu dịch thì thưa ông, hậu quả sẽ ra sao cho các nước ở giữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ngần ấy quốc gia cũng đang nghe ngóng theo dõi vì có thể bị vạ lây, hoặc ngược lại thì có khi hưởng lợi. Thí dụ về tai vạ là các nền kinh tế Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và thậm chí Đức vì các nước đó góp phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa được Trung Quốc bán cho Mỹ, nhất là các mặt hàng điện tử. Trung Quốc mua nhập lượng của họ để có mặt hàng xưng là “Chế tạo tại Trung Quốc”. Nếu các mặt hàng đó bị Mỹ áp thuế thì các nước ấy sẽ bị thiệt, mà họ lại là đồng minh chiến lược về an ninh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ phải đắn do cân nhắc vì Chính quyền Trump coi an ninh là một phần trọng yếu trong quan hệ kinh tế. Thí dụ về hưởng lợi là trường hợp Brazil, một nước xuất khẩu đậu nành số một cho Trung Quốc, bằng hơn phân nửa số nhập khẩu của Trung Quốc, trước Hoa Kỳ và xứ Argentina. Nếu Trung Quốc gây khó cho đậu nành Mỹ thì Brazil sẽ có lợi. Củng vậy, nếu rượu nho của Mỹ bị áp thuế thì nước Úc sẽ có cơ hội bán rượu nhiều hơn. Nìn chung, nếu trận chiến mậu dịch bùng nổ giữa hai nước, kinh tế thế giới có thể bị suy trầm và các nước Đông Á đều bị ảnh hưởng bất lợi. Nhưng nếu quan hệ về đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc suy đồi trong nhiều năm tới thì các nước khác lại có thể là nơi đầu tư điền thế.
Nguyên Lam: Nhìn trong dài hạn thì ông thấy cục diện này sẽ xoay chuyển ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi tham khảo kết quả điều tra của nhiều năm qua từ phía Hoa Kỳ, tôi có nhận định hơi khác với nhiều người. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đang muốn làm Trung Quốc thay đổi chứ không chỉ muốn cãi cọ về chuyện xuất nhập khẩu mà thôi. Số là sau khi kết giao với Trung Quốc từ năm 1972 trở về sau, lãnh đạo Hoa Kỳ mơ rằng cơ chế kinh tế thị trường sẽ chuyển hóa xứ này thành một cường quốc biết điều và chia sẻ trách nhiệm với các nước khác. Nhưng điều ấy không xảy ra. Sở dĩ như vậy vì Hoa Kỳ không theo sát lịch sử của Trung Quốc.
- Lãnh đạo Bắc Kinh không hề quên “bách niên quốc sỉ”, là trăm năm ô nhục, xin tạm lấy thời điểm là 1848 cho tới khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa lục năm 1949, là trăm năm bị ngoại xâm rồi nội chiến. Sau thời ô nhục đó, tham vọng của lãnh đạo xứ này là chinh phục lại ngôi vị đã mất, và đến năm 2049, 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, sẽ là bá chủ Á Châu. Ngày nay, người Mỹ hiểu ra điều ấy, nhưng còn thấy rằng lãnh đạo Bắc Kinh lại đang gặp hoàn cảnh khá ngặt nghèo mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc tới nhiều lần trong Đại hội đảng của Khóa 19 vào cuối năm ngoái, đó là “những mâu thuẫn cơ bản của thời đại mới”. Vì vậy ông ta mới gồm thâu quyền lực để giải quyết các mâu thuẫn hay khó khăn trước mắt hầu tìm lại sự lớn mạnh cho Trung Quốc.
Trong năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình đã muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong vì phải thanh lọc và tranh trừng nội bộ. Bây giờ mới là lúc ông giải quyết các bài toán kinh tế tài chánh và giải trừ nguy cơ chính trị. Nhưng đấy là lúc họ bị nhược điểm sinh tử...
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhược điểm sinh tử
Nguyên Lam: Vì sao ông cho rằng Bắc Kinh đang gặp khó khăn và Hoa Kỳ có thấy ra điều ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau 30 năm bi thảm của Mao Trạch Đông từ 1949 tới 1979 là 30 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình, từ 1980 tới 2010, khiến kinh tế tăng trưởng mạnh. Nhưng 30 năm vàng son đó đã hết, đà tăng trưởng không còn và xứ này đang gặp mâu thuẫn căn bản mới. Từ cuối năm 2008 cho tới sau này, Bắc Kinh ào ạt bơm tiền yểm trợ hệ thống quốc doanh kém hiệu năng nhằm tạo ra việc làm và tìm sức tăng trưởng khác để bảo vệ sự thống trị của đảng. Kết quả là núi nợ chênh vênh trên các doanh nghiệp và địa phương sẽ vỡ nợ dây chuyền. Điều ấy mà xảy ra thì sự ổn định của đảng chấm dứt và xứ này lại bị nội loạn. Trong năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình đã muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong vì phải thanh lọc và tranh trừng nội bộ. Bây giờ mới là lúc ông giải quyết các bài toán kinh tế tài chánh và giải trừ nguy cơ chính trị. Nhưng đấy là lúc họ bị nhược điểm sinh tử...
Nguyên Lam: Phải chăng vì vậy mà Hoa Kỳ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải tổ mạnh hơn và áp dụng quy luật tự do của thị trường thay vì duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Thưa là đúng như vậy. Chúng ta hãy nhìn chuyện này từ giác độ khác. Khi Trung Quốc rơi vào trăm năm ô nhục, giữa thế kỷ 19, Nhật Bản đã tiến hành cải cách thời Minh Trị Thiên hòang rồi khống chế Trung Quốc, đánh bại Đế quốc Nga và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên cho tới khi thất trận trong Thế chiến II. Bị tàn phá, Nhật đã tái thiết và phát triển mạnh từ những năm 1950 rồi thành cường quốc kỹ nghệ từ quãng 1980. Nhưng 30 năm sau lại trôi vào suy trầm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho tới ngày nay. Học theo Nhật, Bắc Kinh biết sợ là mình đang trôi vào chu kỳ khủng hoảng tương tự, cũng vì núi nợ và trái bóng đầu cơ địa ốc, v.v....  Chính quyền Donald Trump không thể không biết điều này và sẽ còn gây sức ép để Bắc Kinh cải cách nhiều hơn.
- Trên đỉnh cao của đà phát triển cách nay 30 năm, Nhật Bản cũng có mâu thuẫn kinh tế với đồng minh chiến lược là Mỹ nhưng không có tham vọng vượt Hoa Kỳ để thống trị Đông Á. Trung Quốc thì khác nên sẽ bị đối xử khác. Trận chiến thật không chỉ có mậu dịch hay thuế suất và dù còn nhiều khả năng chống đỡ khủng hoảng, lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được khó khăn ấy và không kịp tìm lực đẩy mới là sức tiêu thụ của người dân trong nội địa. Tiêu thụ thế nào khi sẽ bị áp thuế? Và làm sao cải cách hệ thống quốc doanh được họ bảo vệ khi Hoa Kỳ sẽ tấn công vào tử huyệt đó, như đã nói ra?
Nguyên Lam: Ông thấy là nếu chuyện ấy xảy ra thì các nước khác nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ các quốc gia nên suy ngẫm về một kịch bản khác và tự chuẩn bị cho việc thay thế vị trí công xưởng toàn cầu của Trung Quốc là điều diễn đàn này của chúng ta đã phân tích từ năm năm về trước rồi. Nói về đậu nành Brazil, tôi còn nhớ là sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội ngạc nhiên khi thấy sản lượng đậu nành của một huyện tại miền Trung lại cao hơn sản lượng tổng cộng của ba tỉnh miền Bắc. Và cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa đạt mục tiêu về lương thực là sản xuất được 95% yêu cầu tiêu thụ nội địa trong khi môi sinh lại suy đồi hơn xưa. Việt Nam nên nhìn vào chuyện này như một cơ hội khác để khỏi rơi vào vết xe đổ của quốc gia láng giềng có quá nhiều tham vọng này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.


No comments:

Post a Comment