Sunday, April 15, 2018

TP Westminster ủng hộ Bộ Tư Pháp kiện California


Quanh việc TP Westminster ng hộ B Tư Pháp kin California
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
·         13 tháng 4 2018
Quyết định ủng hộ việc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ kiện tiểu bang California vì Đạo Luật SB54, (Tiểu Bang An Toàn - Sanctuary State) của thành phố Westminster, có nhiều người gốc Việt sinh sống, tạo nhiều phản ứng mạnh từ cả phía bênh lẫn chống.
Quyết định trên được đưa ra sau buổi họp Hội Đồng Thành Phố kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ hôm 11/4, qua đó nhiều cư dân lên tiếng phát biểu với kết quả là 3 phiếu thuận, 1 phiếu chống.
Trong khi buổi họp đang diễn ra, người biểu tình của cả hai phe dương biểu ngữ, thậm chí có lúc khiêu khích nhau bên ngoài phòng họp.
Cuối năm ngoái, Thống đốc bang California Jerry Brown ký ban hành Đạo Luật SB54, được cho là đưa nơi này thành "tiểu bang an toàn" (Sanctuary State) cho di dân bất hợp pháp.
Bộ Tư Pháp Mỹ đang kiện California vì việc không hợp tác với giới chức di trú liên bang. Trong khi đó, một số thành phố tại tiểu bang cũng phản đối tiểu bang.
Thị Trưởng Trí Tạ, một trong ba người bỏ phiếu thuận nói với BBC Tiếng Việt rằng vấn đề được mang ra bỏ phiếu trước Hội Đồng Thành Phố Westminster hôm thứ Tư là: Có nên cùng các thành phố khác tham gia việc gửi một bản tóm lược hỗ trợ Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hay không.
"Những người bỏ phiếu thuận, trong đó có tôi, chọn bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, điều mà chúng tôi thề sẽ làm khi nhận lãnh chức vụ dân cử. Thành phố sẽ không tham gia vào vụ kiện, và quyết định này sẽ không gây chi phí nào cho thành phố. Quan điểm của tôi là chính quyền địa phương nên làm việc với cơ quan thực thi pháp luật liên bang, và rằng mọi người nên tôn trọng pháp luật của quốc gia này." ông Trí Tạ giải bày.
Nghị Viên Sergio Contreras, người bỏ phiếu chống, phát biểu trong buổi họp được thu hình, rằng ông không nghĩ thành phố nhất thiết phải có hành động trong lúc này:
"Tôi muốn được đảm bảo là chúng ta sẽ không dùng tiền vào những công việc phí phạm thời giờ của nhân viên của thành phố."
Damien Nhu, thành viên của nhóm Defend Sanctuary City in Westminster, và là một người Việt di dân đồng tính, đến Mỹ lúc 9 tuổi, khẳng định với BBC Tiếng Việt rằng "thành phố Westminster không có lý do gì cần phải tham gia vào vụ kiện này, ngoại trừ vì các lý do chính trị."
Anh Damien nói: "Phiếu ủng hộ vụ kiện tượng trưng cho lòng từ bi hạn chế, không thể mở lòng ra cho những người mà họ cho là không xứng đáng."
Phó Thị Trưởng Tyler Diệp, hiện đang ứng cử chức dân biểu tiểu bang California, giải thích với BBC Tiếng Việt lý do ông bỏ phiếu ủng hộ:
"Luật SB54 "Sanctuary State" cấm các cơ quan cảnh sát địa phương chuyển giao những phần tử đang bị giam giữ trong tù, đang có lệnh truy nã, qua tay của nhân viên công lực liên bang. Theo Hiệp Hội Cảnh Sát Trưởng California, SB54 sẽ bao che cho những thành phần băng đảng, các phần tử từng tấn công cảnh sát."
"Đừng hỏi mình có nên ủng hộ hay chống di dân bất hợp pháp. Hãy tự hỏi gia đình chúng ta muốn sống chung một khu phố, một cộng đồng với những phần tử phạm pháp chăng?" Ông Tyler Diệp đặt vấn đề.
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, ông Bảo Nguyễn cho biết ông sinh ra trong một trại tị nạn, bày tỏ sự ưu tư:
"Tôi rất thất vọng bởi thị trưởng và các thành viên hội đồng của thành phố Little Saigon này, vì họ đã hết lòng hỗ trợ một quốc gia nhắm đến người nhập cư không có giấy tờ."
Julie Võ, hiện đang sống ở Garden Grove, cho biết cô sinh ra ở California, nhưng là con của một gia đình tị nạn, nói với BBC Tiếng Việt:
"Tất cả mọi người đã chính trị hóa vấn đề một cách cao độ ngày hôm nay. Tôi đã phải đối mặt với sự ghét bỏ, phân biệt chủng tộc đến xấu hổ."
"Chúng tôi sẽ đấu tranh. Chúng tôi đã sẵn sàng và như mọi người đã thấy tối nay người trẻ tuổi không ngần ngại và dám đứng lên đấu tranh cho những gì họ cho là đúng. Đã đến lúc cộng đồng Việt của chúng ta phải huy động, phải học hỏi về hệ thống chính trị."
Khác biệt đến từ diễn giải?
Hình ảnh được ghi lại của buổi họp cho thấy cảm xúc mãnh liệt của cả hai bên và sự khác biệt sâu xa giữa hai quan điểm.
Giới không ủng hộ việc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ kiện tiểu bang California vì Đạo Luật SB 54 cho rằng người di dân vô tội phải được bảo vệ bất kể họ có hay không có giấy tờ khi đến Mỹ.
Giới ủng hộ vụ kiện của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho rằng những ai đến Hoa Kỳ không có giấy tờ hợp lệ phải chịu sự ruồng bố, dù họ có phạm pháp hay không.
Nhìn kỹ hơn, quan điểm khác biệt có thể đến từ sự diễn giải khác biệt về bộ luật SB54 của hai bên.
Chẳng hạn, ông Tyler Diệp giải thích: "Luật SB 54 "Sanctuary State" cấm các cơ quan cảnh sát địa phương chuyển giao những phần tử đang bị giam giữ trong tù, đang có lệnh truy nã, qua tay của nhân viên công lực liên bang."
Trong khi đó, văn bản của SB54 viết:
"Luật này cấm các cơ quan thi hành luật pháp của tiểu bang và địa phương, kể cả cảnh sát và các cơ quan an ninh, được sử dụng tiền hoặc nhân viên để điều tra, thẩm vấn, giam giữ, phát hiện hoặc bắt giữ cư dân California vì mục đích thực thi luật di trú, và, trừ trường hợp ngoại lệ, cấm các hoạt động khác liên quan đến việc thi hành luật di trú bởi các cơ quan công lực. Luật sẽ áp dụng vào hoàn cảnh mà một nhân viên công lực có quyền quyết định có hợp tác với cơ quan di trú hay không."
Không có đoạn nào trong văn bản của SB54 khẳng định rằng "cấm các cơ quan cảnh sát địa phương chuyển giao những phần tử đang bị giam giữ trong tù, đang có lệnh truy nã, qua tay của nhân viên công lực liên bang."
Tương tự, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu ủng hộ việc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ kiện tiểu bang California vì SB54 lại là một hành động "bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ" và điều khoản nào trong hiến pháp Hoa Kỳ đòi hỏi như thế, Thị Trưởng Trí Tạ giải thích rằng, "đó là sự diễn giải" của ông về hiến pháp Mỹ.
Nhận định về SB54 và vụ kiện
Ông Noah Feldman, giáo sư luật tại đại học Harvard, cũng là bình luận gia của tờ Bloomberg View, tóm lược luật SB54 trong một bài viết đăng trên tờ báo này vào trung tuần tháng Ba như sau:
"Luật SB54 của tiểu bang California đặc biệt cấm nhân viên công lực của tiểu bang và địa phương điều tra tình trạng di trú của người bị bắt bớ (vì những lý do không liên quan gì đến di trú) hoặc báo cáo tình trạng di trú của người bị bắt cho các cơ quan liên bang."
Nhận định về vụ kiện, giáo sư Noah Feldman viết:
"Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gần đây đã thách thức luật SB54 của California với lập luận rằng California phủ nhận quyền lực đưa ra chính sách di trú của liên bang."
"Nhưng SB54 hợp pháp. Theo tiền lệ của Tòa án Tối cao, chính phủ liên bang không thể 'chỉ huy' giới chức tiểu bang làm theo ý mình trong việc thực thi pháp luật. Điều đó có nghĩa là chính phủ liên bang không thể buộc cơ quan pháp luật California điều tra hoặc báo cáo tình trạng di trú của cư dân trong tiểu bang. Điều đó cũng có nghĩa là California có thể từ chối sử dụng các nguồn lực của mình để thực thi luật liên bang," ông kết luận.
Ông phân tích: "Theo hiến pháp Hoa Kỳ, Quốc hội có quyền chiếm bất cứ lĩnh vực luật nào thuộc thẩm quyền của mình, nhưng không thể cưỡng bức các tiểu bang làm theo ý muốn. Ngược lại, tiểu bang không thể thông qua luật nằm trong những lãnh vực mà Quốc hội kiểm soát - nhưng có thể từ chối giúp chính phủ liên bang thực thi luật mà Quốc hội đã thông qua."
"Đặc tính này của hiến pháp phản ánh một nỗ lực cân bằng quyền tự trị của các tiểu bang trước chính quyền liên bang. Và hệ qủa chính trị lâu dài của đặc tính này là một số tiểu bang, như California, sẽ muốn tự mình quyết định các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia."
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, luật sư Lan Cao, giáo sư luật tại khoa Luật của Đại Học Chapman ở Nam California cũng đề cập đến tương quan giữa tiểu bang và liên bang, khi được hỏi ý kiến về vụ kiện. Bà nói:
"Hoa Kỳ là một hệ thống liên bang và chủ nghĩa liên bang là quan trọng vì nó hạn chế quyền lực của liên bang theo nhiều cách hợp pháp. Quyền của tiểu bang được quy định trong tu chính án thứ 10 của hiến pháp. Quyền của chính phủ liên bang là một thứ quyền có giới hạn không được vượt quá."
Luật sư Lan Cao đơn cử:
"Như cố thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia giải thích trong vụ kiện Printz vs. Hoa Kỳ, có một học thuyết được gọi là chống chỉ huy (anti-commandeering).
Mục đích của học thuyết này là để "bảo tồn các tiểu bang như những thực thể chính trị độc lập và tự trị". Điều này sẽ bị vi phạm nếu chính phủ liên bang có thể lấy đi quyền quyết định của các tiểu bang về việc giới chức tiểu bang và địa phương có thể làm gì trong khi thi hành nhiệm vụ.
Giới bảo thủ yêu qúy thẩm phán Scalia khi ông viết rằng luật liên bang vi phạm tu chính án thứ 10 của hiến pháp nếu "yêu cầu [giới chức tiểu bang] phải cung cấp thông tin thuộc về tiểu bang mà họ chỉ có được trong khi đang thi hành nhiệm vụ."
"Đòi hỏi các quan chức địa phương và tiểu bang phải chia sẻ thông tin chẳng hạn như về người nhập cư không có giấy tờ v.v... sẽ rơi vào loại hành vi mà thẩm phán Scalia đề cập." Luật sư Lan Cao kết luận.


No comments:

Post a Comment