Nguyễn Thiên Ân là một phóng viên và người bình luận tình
hình chiến sự, chính trị trên đài BBC
trước và sau 75. Nhiều người đã háo hức
chờ nghe những tin tức sốt dẻo, chính xác và những bài bình luận sắc sảo, hấp dẫn
về tình hình chiến sự, chính trị trong nước của ông. Nhất là trong những năm tháng chiết tranh khốc
liệt như “mùa hè đỏ lửa” hoặc những ngày tháng cuối cùng của miền Nam. Sau 75 mọi tin tức trong và ngoài nước bị che
đậy, bưng bít hoặc bị làm cho sai lạc để phục vụ cho mục đích tuyên truyền, khiến nhiều
người bất chấp nguy hiểm lén nghe tin tức và bình luận của ông hàng đêm. Nghe để biết tình hình. Nghe để
lén lút thuật lại cho người thân trong những nhà tù “cải tạo” đang khao khát được biết trong
những lần thăm nuôi.
Sau khi rời BBC, ông đã sinh sống tại Mỹ và công tác với đài
VOA một thời gian. Hiện nay ông đã về
hưu, thỉnh thoảng mới viết một bài gửi cho các báo Việt ngữ. Dưới đây là bài mới nhất của ông mới gửi đến
Blog ViSa. Bằng những hiểu biết khi còn
làm việc với đài BBC, ông đã trình bày sự thật về mối quan hệ giữa
Mỹ và VNCH, về tình hình chiến sự , chính trị sôi đông trước 75, và những ray rứt
về hiện tình đất nước, về cộng đồng VN trong và ngoài nước hiện nay.
Bài hơi dài, nhưng rất đáng để bạn đọc quan tâm.
SUY NGHĨ NHÂN NGÀY 30 THÁNG TƯ
Nguyễn Thiên Ân
Suốt
42 năm qua, năm nào người tị nạn CS cũng đều tổ chức lễ lạt và đưa ra những nhận
định nhằm ghi nhớ ngày miền Nam thất trận trước lực lượng CS. Những lễ lạt và
bài vở đó, tựu trung chỉ nhằm:
1) Bào chữa, cho rằng miền Nam (từ đây xin gọi
là VNCH) đúng ra không hề thua trận. QLVNCH hùng mạnh. Các chiến binh VNCH thuộc
mọi quân binh chủng đều can trường, có tinh thần chiến đấu cao và lúc nào cũng
đối đầu rất anh dũng trước địch quân. Nhưng sở dĩ chúng ta không bảo vệ được
vùng lãnh thổ từ sông Bến Hải tới bán đảo Cà Mau là chỉ vì chúng ta bị người Mỹ
phản bội. Nhân đó, cố gắng bào chữa còn nới rộng tới sự kiện là CSBV đã được cả
khối CS, nhứt là Liên Xô và Trung Cộng cung cấp dư thừa mọi loại võ khí tối tân
nhứt trong kho võ khí của khối CS bên cạnh những tiếp liệu phẩm từ xăng nhớt
cho tới các bộ phận rời và thậm chí tới cả lương khô để nuôi quân.
2) Tố cáo những toan tính, những âm mưu và những
hành vi phản bội của người Mỹ -- điển hình là các chính phủ và Quốc Hội Mỹ suốt
từ thời TT Kennedy trở về sau—và nhân đó, hài tội các chính khách Mỹ, nhứt là
ông Henry Kissinger, Ngoại Trưởng và Cố Vấn An Ninh của các TT Nixon và Ford.
3) Chấp nhận thực trạng, theo đó thì các siêu cường
quốc bao giờ cũng nắm toàn quyền quyết định vận mạng của các tiểu nhược quốc nằm
trong vùng ảnh hưởng—hoặc chính xác hơn nữa là—nằm dưới sự bảo vệ và che chở của
các nước lớn. Xét tới nhu cầu, quyền lợi và các mục tiêu chính trị lẫn kinh tế
của Mỹ từ đầu thập niên 1970, VNCH bị Mỹ bỏ là chuyện đương nhiên. Từ đó, VNCH
mất vào tay CSBV cũng là chuyện không thể khác hơn.
Xin
được nêu lên vài ý nghĩ thô thiển và rất riêng tư về ba chủ đề ghi trên.
VNCH KHÔNG HỀ THẤT TRẬN
Trong một số chiến dịch lớn của quân
CSBV, ngay cả khi tương quan lực lượng giữa đôi bên hoàn toàn không cân xứng,
các đơn vị thiện chiến của VNCH chưa bao giờ thua quân CSBV.
Ba thí dụ điển hình có thể kể ra ở đây là cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cuối
tháng giêng dương lịch năm 1968, cuộc tấn công của CSBV trong mùa hè năm 1972,
vẫn được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa và cuộc phản công tái chiếm cổ thành Đinh Công
Tráng trong tỉnh Quảng Trị sau đó. Trong cả ba chiến dịch vừa rồi, CSBV đã hoàn
toàn thất bại. Chính các lãnh tụ CS sau nầy cũng đã nhìn nhận cuộc tổng công
kích Tết Mậu Thân hầu như đã đẩy các lực lượng CS trong Nam—mà báo chí Mỹ vẫn gọi
là VC để phân biệt với quân chính qui từ BV xâm nhập—đến chỗ gần bị xóa sổ. Cuộc
tấn công vào mùa hè năm 1972 mà trong đó bộ đội chính qui của CSBV đã vượt vĩ
tuyến 17 và chiếm trọn vùng lãnh thổ VNCH từ sông Bến Hải tới sông Mỹ Chánh
cũng đã bị chận đứng. Các lực lượng tiền phương của VNCH trong vùng hỏa tuyến,
phối hợp với các đơn vị tổng trừ bị đã lần lượt tái chiếm các tiền đồn lẫn lãnh
thổ đã mất trước đó mặc dầu đã không đẩy được quân CSBV ra khỏi phòng tuyến
phía bắc Thạch Hãn. Chiến công không thể chối cãi của QLVNCH được ghi nhận khi
tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Thái độ cao ngạo của Lê Duẩn, TBT ĐCSVN, khoe
khoang “quân cách mạng chỉ tiến chớ không lùi” buộc bộ đội CS phải “đánh vỗ mặt”
ở cổ thành Quảng Trị, đã đưa các đơn vị chính qui của CSBV trong vùng bắc Thạch
Hãn tới chỗ thiệt mất đến 2/3 quân số mà sau cùng vẫn không giữ được cổ thành.
Cũng trong thời gian đó, QLVNCH đã bảo vệ được tỉnh lỵ An Lộc của tỉnh Bình
Long mặc dầu toàn bộ thị trấn hầu như tan nát dưới các cơn mưa pháo của CSBV.
Tinh thần chiến đấu, lòng can đảm,
mức độ thiện chiến của các chiến sĩ VNCH đã được chứng minh. Đối đầu với quân
CS, cả chính qui lẫn địa phương, các lực lượng quân sự VNCH thừa sức đẩy lui, bẻ
gãy và ngay cả tiêu diệt các đơn vị CS. Nói cách khác, xét về mặt quân sự thuần
túy, khi được yểm trợ đầy đủ thì QLVNCH thừa khả năng đối đầu và chiến thắng bộ
đội CS.
Điều
kiện yểm trợ quan trọng đến mức quyết định thắng bại trên chiến trường. Khi
không được yểm trợ đầy đủ, QLVNCH đã thảm bại. Điển hình là cuộc hành quân Lam
Sơn 719 đánh qua hạ Lào trong đó các lực lượng hành quân, kể cả đơn vị được coi
là thiện chiến nhứt của QLVNCH là sư đoàn Nhảy Dù, đều đã bị triệt hạ. Vài cây
bút trẻ sau nầy, khi cố tán dương các chiến sĩ VNCH, đã ghi lại hầu như mọi địa
danh họ biết, hoặc nghe nói tới, coi đó là những chiến thắng của quân lực miền
Nam mặc dầu thực tế thì chúng ta đã thua quân CS. Những địa danh có thể kể tới là Ấp Bắc, Đồng Xoài,
Bình Giả, Làng Vei. Thất thủ Phước Long, mất BTL SĐ23BB và để Ban Mê Thuột lọt
vào tay quân CS đã là những thất bại không thể biện minh của QLVNCH. Thua ở Ban
Mê Thuột dẫn tới chỗ mất trọn vùng II Chiến Thuật và từ đó dẫn tới kết cuộc
ngày 30 tháng tư 1975. Dĩ nhiên không ai chối cãi sự kiện là tinh thần chiến đấu
cao và khả năng đối đầu dũng cảm của người lính VNCH vẫn còn đó; nhưng ai cũng
biết thắng bại trên chiến trường đòi hỏi nhiều hơn chỉ là tinh thần chiến đấu
và khả năng của các chiến sĩ.
Điều
kiện trước tiên để người lính có thể chiến đấu và chiến thắng là họ phải được yểm
trợ đầy đủ. Các đơn vị QLVNCH đã mất hầu hết những yểm trợ cần thiết sau khi hiệp
định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973 giữa Mỹ và CSBV. Pháo đài
bay B52 không còn dội bom trải thảm để ngăn chận những cuộc tập trung quân của
CS, không lực Mỹ đã triệt thoái cùng lúc với các lực lượng bộ chiến Mỹ ra khỏi
miền Nam VN, quân viện lẫn kinh viện Mỹ dành cho VNCH đã bị QH Mỹ cấm. Trong những
tháng cuối cùng trước khi mất Saigon, QLVNCH đã không có xăng cho mọi đơn vị cơ
giới, máy bay và chiến hạm; đã không có đạn cho mọi loại vũ khí kể cả đạn dành
cho vũ khí cá nhân; thậm chí đã không có lương khô cho binh lính.
Một
chi tiết cần nhớ mỗi khi bàn tới tương quan lực lượng trên chiến trường. Đó là
ngay từ khi đứng về phía người chống Cộng ở miền Nam VN từ năm 1955 để ngăn chận
làn sóng đỏ mà người Mỹ dự trù sẽ tràn từ Hoa Lục xuống tới Indonesia sau chiến
thắng của Mao Trạch Đông ở Hoa Lục năm 1949; Mỹ chưa bao giờ muốn thấy một QLVNCH cực kỳ hùng mạnh. Mục tiêu của
người Mỹ, cho tới khi họ ký hiệp định Paris với CSBV năm 1973, vẫn dứt khoát chỉ
là bảo vệ lãnh thổ VNCH từ phía nam sông Bến Hải. Nhắm mục tiêu đó, QLVNCH chưa
bao giờ được Mỹ trang bị cho hơn 10 SĐBB cùng các đơn vị tổng trừ bị và các lực
lượng cơ hữu ở mỗi địa phương. Chẳng những thế, mọi vọng động—như đã có lần được
nói tới khi tướng Nguyễn Cao Kỳ điều hành cơ quan hành pháp VNCH từ ngày 19
tháng 6 năm 1965 -- tỉ như đòi tiến quân ra bắc đánh phủ đầu quân
CSBV trước khi bộ đội CS tập trung xâm nhập miền Nam, đã bị bài bác, cải chính
và ngăn chận. Ngay cả đưa quân sang triệt hạ các an toàn khu của CS trên đất
Cămpuchia cũng không được phép thực hiện sau khi tướng Đỗ Cao Trí đã không hoàn
tất được mục tiêu đó bằng cuộc hành quân do các đơn vị của QĐIII thực hiện. Lý
do chính, như đã nói, Mỹ không bao giờ muốn chiến tranh lan sang bất kỳ nơi nào
khác ngoài lãnh thổ VNCH. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào, sau nầy
đã được coi là một mưu toan của người Mỹ nhằm làm tiêu hao QLVNCH trước khi người
Mỹ đi tới hành động chung cuộc mệnh danh là “Việt hóa chiến tranh” để an toàn
rút quân và để giao trọn miền Nam cho CS.
Một
hệ quả đáng nói của chủ trương phòng thủ thụ động và không cho QLVNCH đủ mạnh để
đánh ra Bắc là việc người Mỹ không bao giờ trang bị cho QLVNCH những loại võ
khí tối tân hơn quân CSBV. Chứng cớ điển hình là mãi cho tới cuối năm 1967, người
lính Cộng Hòa vẫn còn sử dụng súng ống thời đệ nhị thế chiến, kể cả cây Garant
dài hơn chiều cao của một số quân nhân. Người có công nhứt trong việc vận động
cho lính tác chiến VNCH được trang bị bằng súng trường AR15, và sau đó là M16,
là Đại Tướng Creighton Abrams sau khi ông lên làm Tư lịnh lực lượng Mỹ ở VN.
Quân CS đã gặp một bất ngờ lớn trong Tết Mậu Thân khi binh lính của SĐ1BB và SĐ
Nhảy Dù sử dụng AR15 đối đầu với cộng quân, mà từ lâu trước đó đã có AK47.
Các
loại trực thăng chuyển quân, và về sau nầy là trực thăng võ trang UH, trước
tiên chỉ được dành cho các đơn vị Mỹ. Lúc đó KQVNCH chỉ có trực thăng H34. Máy
bay chiến đấu mà Mỹ cung cấp cho VNCH đều là máy bay cũ thời thế chiến II. Máy
bay huấn luyện T28 đã được tân trang để biến thành máy bay khu trục sử dụng
trong các phi vụ yểm trợ các tiền đồn bị quân CS tấn công trong giai đoạn đầu
cuộc chiến. Khoảng 1965, KQVNCH bắt đầu nhận được các khu trục cơ AD5 và AD6 (còn
gọi là A1 Skyraider) cũng là máy bay thời thế chiến II. Lập luận của phía Mỹ là
KLVNCH chẳng hề không chiến mà chỉ yểm trợ đồn bót. Và phản lực cơ bay quá
nhanh không thể yểm trợ quân bạn dưới đất hữu hiệu bằng máy bay chong chóng.
Lúc đó thì CSBV đã sử dụng các loại phản lực MiG17 và MiG19. Đây cũng chỉ là những
máy bay xưa của LX nhưng dầu gì thì cũng là khu trục phản lực. Đừng quên là
trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-53), KQ Mỹ đã sử dụng phản lực chiến đấu cơ
F86, được coi là tác chiến hữu hiệu hơn MiG15 do KQ Tàu sử dụng lúc đó.
Khi
bị đòi hỏi thì Mỹ đã trang bị cho chúng ta loại phản lực A37, mà chính gốc cũng
là máy bay huấn luyện được tân trang. Sau đó thì KQVNCH đã được cấp B57 nhưng
loại phản lực cơ nầy cũng là loại đến lúc phế thải. Lúc đó, CSBV đã có MiG21. Gần
cuối mùa, chúng ta mới có F5A nhưng phi công VNCH cũng chỉ thực hiện các phi vụ
trên lãnh thổ VNCH. Các cuộc oanh tạc ngoài Bắc đều do các phi công Mỹ đảm nhiệm.
Đó cũng chính là thời gian xảy ra vài trận không chiến với MiG của CSBV. Có một
dạo phi công VNCH cũng có mặt trong vài trận dội bom ở Quảng Bình sau khi các mục
tiêu đã bị máy bay Mỹ đánh trước. Mà thậm chí trong các cuộc oanh tạc vuốt đuôi
đó, KLVNCH vẫn chỉ đánh bằng khu trục cơ AD6. Gần mãn cuộc chiến, KQVNCH có lịnh
chuyển các máy bay F5A sang Israel để được tân trang thành F5F. Tuy nhiên chẳng
có chiếc F5A nào được trả về và theo lời đồn dạo đó thì phía Mỹ chỉ muốn cắt
cánh KLVNCH.
Quân
chủng HQ của VNCH cũng trong tình cảnh tương tự. Tất cả các chiến hạm mà phía Mỹ
chuyển giao cho chúng ta (đúng ra là cho HQVNCH mượn) đều là các chiến hạm thời
thế chiến II. Các chiến hạm phế thải đó được mang về tồn trữ trên các ụ khô. Ai
có dịp lái xe đi từ thủ đô Washington DC về miền biển Maryland và New Jersey đều
phải đi ngang cầu Bay Bridge và ngang một ụ khô loại đó. Cả mấy trăm, có thể cả
ngàn chiến hạm cũ được xếp lớp như đồ chơi. Mỗi khi người Mỹ muốn cho VNCH mượn
tàu chiến thì HQ VNCH sẽ cử một thủy thủ đoàn sang Mỹ. Các sĩ quan trong đoàn của
HQVNCH sẽ vào ụ chọn tàu. Chiếc nào được phía VN chọn để mượn thì chiếc đó sẽ
được mang ra sơn phết sửa sang lại. Các thủy thủ của VNCH sẽ thực tập lái tàu
trong vịnh Chesepeake cho tới khi thành thạo. Các chiến hạm, lúc đó đã mang tên
và số hiệu VN, sẽ được tàu Mỹ hướng dẫn xuyên nhật đạo về tới Philippines. Lúc
đó hạm trưởng và thủy thủ đoàn của HQVNCH mới tự lái về Saigon. Vì HQVNCH chỉ
mượn được chiến hạm cũ của Mỹ nên khi hạm đội VNCH dưới quyền chỉ huy của Phó
Đô Đốc Chung Tấn Cang chở cả chục ngàn người tị nạn và thân nhân các chiến sĩ
HQVNCH đi từ Phú Quốc tới Subic Bay (Philippines) thì quốc kỳ VNCH trên các chiến
hạm đều phải thay bằng quốc kỳ Mỹ trước khi được Philippines cho vào cảng. Chuyến
hải hành cuối cùng của HQVNCH đã mất cả tuần mới đến nơi vì hầu hết các chiến hạm
đều không ở trong tình trạng hoạt động tối hảo. Các chiến hạm đó đều đã được Mỹ
cho Philippines mượn tiếp theo. Nước đã mất. Quân đội đã không còn. Hệ quả đối
với hạm đội VNCH như thế cũng dễ hiểu thôi.
Các
chiến hạm mà chúng ta sử dụng đều thuộc loại đó cho nên không có gì đáng ngạc
nhiên là ngay cả trong trận hải chiến Hoàng Sa, đã có một chiến hạm chỉ còn sử
dụng được một máy. Có chiếc thì không đủ đạn để bắn. Có chiếc còn đạn thì hải
pháo lại hỏng. Pháo binh và thiết giáp VNCH cũng trong tình trạng tương tự. Cho
tới khi quân CS dùng xe tăng T54 trong cuộc tấn công LLĐB ở Làng Vei, QLVNCH chỉ
có xe bọc sắt (auto blindée). Thiết vận xa M113 và M114 có khả năng chuyển quân
trên những vùng đầm lầy, rất thuận tiện trong các cuộc hành quân ở vùng IV chiến
thuật. Nhưng vỏ thép của thiết vận xa lại không đủ dầy và cứng để đánh bạt những
lựu đạn phóng ra từ súng phóng lựu B40 và B41 của cộng quân; đưa tới những lần
tử thương của trọn cả tiểu đội chiến binh bên trong xe. Từ dạo tăng T54 của CS xuất hiện, phía Mỹ mới đưa sang VN xe tăng M41, được coi
là tương đương với T54 của CSBV. Nhưng đến
khi cộng quân sử dụng T59 -- ngang với M48 của Mỹ -- thì khả năng của tăng CS
đã qua mặt thiết giáp binh của VNCH. Đối
phó với xe tăng CS, lực lượng của cả BB lẫn các binh chủng ưu tú khác như TQLC,
ND, BĐQ và BCD (rồi về sau thì ngay cả Địa Phương Quân) cũng
được trang bị hỏa tiễn TOW viễn khiển [tube-launched, optically-tracked , wireless-guided] tức là loại phi đạn phóng đi từ một
cái ống, rời ống phóng rồi thì nó được theo dõi bằng quang tuyến và được được
hướng dẫn đánh tới mục tiêu mà không có dây nhợ gì dính theo phi đạn (để phân
biệt với những phi đạn TOW thuộc thế hệ đầu, vẫn dính dây sau khi nó rời ống
phóng, khiến cho xạ thủ chỉ có thể đánh vào mục tiêu gần). Tuy vậy, TOW rất đắc
dụng và đã giúp lực lượng phòng thủ tỉnh lỵ An Lộc (Bình Long) đẩy lui các cuộc
tấn công của quân tùng thiết CS và đạt tới chiến thắng sau cùng.
Trong
thời gian quân CS sử dụng hỏa tiễn 122 ly để bắn phá các thành phố, kể cả
Saigon, thì loại vũ khí nầy được báo chí nói tới nhiều. Nhưng không chỉ có thế.
Đại bác 130 ly của cộng quân mới là thứ đáng sợ hơn trên chiến trường vì mạnh
và có tầm bắn xa tối đa đến 38km. Trong các cuộc đọ pháo trên vùng hỏa tuyến, Mỹ
sử dụng một giàn đại bác 175 ly đặt tại căn cứ hỏa lực Cồn Thiên (hay Tiên).
Nòng đại bác nầy dài hơn nhưng tầm tác xạ chỉ có 30km. Sau khi quân Mỹ rút đi, có
mấy giàn đại bác 175 ly được chuyển giao cho pháo binh VNCH. Tuy nhiên pháo cơ
hữu của các đơn vị VNCH thì chỉ gồm đại bác 105ly và 155ly.
Một
cách tổng quát thì toàn bộ hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp cho QLVNCH đều chỉ nhằm
đối phó với cộng quân sau khi CS LX và TC đã rầm rộ tăng cường hỏa lực cho quân
CSBV. Trong suốt cuộc chiến tranh VN, người Mỹ chưa bao giờ cung cấp cho QLVNCH
các loại võ khí giúp phe chống Cộng đạt được thế thượng phong để đánh bại quân
CS trước khi cộng quân ra tay. Tóm lại, chỉ là một cuộc chiến tranh phòng ngự:
để cho bị tấn công rồi mới kiếm cách đối phó. Sự thật là thế.
Một
tin đăng trên báo Mỹ hẳn hoi cho biết TT Lyndon B Johnson là người quyết liệt
nhứt trong chủ trương không tăng cường cho QLVNCH. Chuyện kể ông đã yêu cầu Bộ
Tham Mưu Liên Quân Mỹ (Joint Chiefs Of Staff) đệ trình một đề nghị điều hành cuộc
chiến tranh VN như thế nào. 5 tướng lãnh cao cấp nhứt của Mỹ gồm Chủ Tịch Bộ
Tham Mưu Liên Quân cùng Tham Mưu Trưởng của Hải, Lục. Không Quân và Tư Lịnh
TQLC; nhân đó đã đề nghị phong tỏa Hải
Phòng và đánh thẳng vào các cơ sở quân sự BV bao gồm mọi cơ sở từ Hà Nội lên tới
biên giới Trung Cộng. Ông Johnson đọc xong đã gọi cả 5 ông tướng vô Tòa Bạch Ốc
mắng chửi tất cả bằng loại ngôn từ rất du côn, gọi tất cả 5 ông là những thằng
ngu và chửi thề rầm rỉ khi sát xà phòng 5 ông tướng. Một câu ông Tổng Tư Lịnh
QL Mỹ nói trong dịp đó là "Tụi mầy không biết là đánh như thế thì tụi Tàu
chắc chắn sẽ nhảy vô sao?. Chúng mầy toàn là một lũ ngu". Chuyện ghi là cả
cả 5 ông tướng đã tính từ chức tập thể để phản đối. Nhưng rồi họ không làm như
thế chỉ vì không muốn làm nước Mỹ mang tiếng trong lúc đang có chiến tranh. Câu
chuyện nầy chứng tỏ QL Mỹ, điển hình là các tướng lãnh, vẫn muốn đánh thắng.
Còn các cấp lãnh đạo dân sự Mỹ, coi trọng chính trị hơn, chỉ muốn đánh lấy huề,
hoặc ngay cả chịu thua.
Tại
VN, có đôi ba chuyện cũng nên được ghi lại dù hơi khôi hài.
Chuyện
thứ nhứt là đề nghị các chiến binh VNCH thu góp tất cả vỏ đạn sau mỗi trận đánh
để mang về tái chế rồi dùng lại. Nó khôi hài ở chỗ người lính, sau khi mãn trận
và may mà sống sót, lại phải lùng kiếm để thu hồi vỏ đạn. Mỗi chiến binh có thể
bắn cả trăm viên đạn, nhưng kiếm tìm để thu lại được bao nhiêu sau mỗi trận
đánh thì đều tùy ước tính lạc quan hay bi quan của mỗi người. Vả lại thu được vỏ
đạn thì chúng ta lấy gì để làm đầu đạn? Và giả tỉ chế tạo được đầu đạn thì
chúng ta lấy thuốc súng ở đâu để nạp vô trong viên đạn?
Chuyện
thứ nhì, sau khi nhiều thiết vận xa trở thành bất khiển dụng vì thiếu cơ phận rời
để sửa chữa, đã có đề nghị dùng những tấm bửng thép hàn quanh các quân xa GMC
và thiết trí đại liên 12 ly 7 trên đó. Không rõ đã có bao nhiêu chiếc GMC được
biến cải thành ụ đại liên theo lối nầy. Tuy nhiên nghe nói hình như phía Mỹ
cũng đã cấm Tổng Cục Tiếp Vận cải tiến xe GMC theo lối đó. Nếu quả thật phía Mỹ
làm điều đó thì nó còn mang tính khôi hài hơn cả đề nghị nguyên thủy của phía
VNCH. Bởi vì họ cần gì phải cấm. Chỉ ngưng cung cấp đạn đại liên cũng đủ biến
những chiếc GMC đó thành trò cười rồi.
Chuyện
thứ ba dính dáng đôi chút tới cái gọi là
tiết lộ bí mật của viên phi công phản quốc Nguyễn Thành Trung, kẻ đã lái máy
bay mang bom từ Phan Rang về dội xuống Tân Sơn Nhất. Anh ta bảo rằng chính TT
Thiệu đã chấp thuận kế hoạch phái một phi đoàn F5 bay từ Đà Nẵng ra đánh phủ đầu
các chiến hạm Tàu lúc đó đang chuẩn bị chiếm Hoàng Sa. Kế hoạch đó, sau cùng đã
bị hủy bỏ "mặc dù phi đoàn F5 của KL VNCH đã sẵn sàng". Trung còn úp
mở nói "hủy bỏ mà không rõ vì sao". Người dễ tin ắt sẽ đổ tội cho Mỹ.
Người có chút hiểu biết về khả năng của chiếc F5 chắc phải cười ruồi khi nghe lời
tố giác kế hoạch bí mật xuất phát từ cửa miệng của tên phản thùng đó. Cười là
vì tuy bị chê bai đủ điều, ông Thiệu cũng thừa biết là cả phi đoàn F5 sẽ phải
đâm luôn xuống biển tự tử sau khi dội bom vì hết xăng. Ấy là chưa kể, vào đầu
năm 1974, lúc Tàu đưa quân ra chiếm Hoàng Sa, không biết chúng ta có còn máy
bay F5 hay không? Và nếu còn thì có bay được hay không nữa?
Chuyện
thứ tư liên quan tới mấy trái bom gọi là CBU (Cluster Bomb Unit) là loại bom có
sức tàn sát dữ dội đến nổi chỉ một trái thả xuống cũng đã diệt được cả một đại
đơn vị cộng quân trên đường kéo tới mặt trận Xuân Lộc trong những ngày sau cùng.
Một bản tin ngắn, trích lời một sĩ quan Mỹ nào đó nói với một sĩ quan VNCH nào
đó sau ngày thất trận, rằng "Chúng tôi để lại cho các anh ít nhứt 4 trái
CBU ở Long Bình, sao mấy anh không mang ra sử dụng?". Người viết bản tin ấy
mấy năm trước (lại) coi đó là một khiếm khuyết nữa của các tướng lãnh VNCH khi
"không nắm vững tình hình". Rất có thể có vài trái CBU mà phía Mỹ bỏ
sót lại kho quân dụng Long Bình khi rút khỏi VN. Nhưng một sự thật mà có lẽ người
tung tin không biết : ấy là tuy đưa CBU sang VN nhưng người Mỹ lại cất -- đúng
ra là giấu -- ngòi nổ ở một chỗ nào đó mà chẳng hề có một cấp chỉ huy quân dân
sự nào của VNCH biết cả. Không ngòi nổ thì trái bom CBU cũng chỉ là một cục sắt
khổng lồ, may ra giết được một anh lính CS nếu trái bom rớt ngay đầu anh ta.
TỐ GIÁC CÁC MƯU TOAN CỦA
MỸ
Có
thể nói là đến phân nửa số các bài viết đưa lên net của các thức giả VN tập
trung vào chủ đề vạch rõ mọi hành động và quyết định của Mỹ nhằm hạn chế khả
năng của QLVNCH. Hạn chế hỏa lực như được tóm tắt trong phần trên là một. Nhưng
quan trọng hơn nữa là hạn chế quyền lực chính trị của chính phủ VNCH. Ngày nay,
lý do chế độ đệ nhứt cộng hòa do TT Ngô Đình Diệm bị triệt hạ và cá nhân TT Diệm
lẫn gia đình ông bị tàn sát, không còn là một bí ẩn gì nữa cả. Người Mỹ, ngay từ
đầu, chỉ muốn TT Diệm và chính phủ ông đóng vai một chính quyền bù nhìn hành động
theo lịnh của Washington. Về quân sự thì QLVNCH chỉ là một lực lượng phụ thuộc
và hành động theo lịnh của Tư Lịnh quân sự Mỹ ở Saigon. Họ thực thi chính sách
đó, vì căn bản, họ chỉ muốn VNCH là một khu vực quân sự tập trung (staging
area) để họ đổ quân vào ngăn chận đà tràn lan của làn sóng đỏ xuất phát từ Tàu
sau chiến thắng của Mao Trạch Đông năm 1949. Khi TT Diệm không đồng ý với đòi hỏi
đó thì Mỹ chẳng còn cách nào khác hơn là loại bỏ ông. Các tướng lãnh cầm đầu cuộc
đảo chánh ngày 1/11/1963 chỉ là những tay sai thi hành đúng những gì người Mỹ
muốn, bất chấp hậu quả tồi tệ nhứt trong một cuộc chiến mệnh danh là "chiến
tranh nhân dân" là đã làm VNCH mất chính nghĩa của cuộc tranh đấu tự vệ đối
đầu với một cuộc chiến xâm lược do cả đế quốc CS thực hiện qua các tay sai của
đế quốc đó ở Bắc Việt. Lê Duẩn, TBT Đảng CSVN đã không ngần ngại khoa trương việc
ông ta tung quân "giải phòng miền Nam" bẳng vũ lực là theo lịnh Nga
Tàu. Ông ta nói huỵch toẹt "Chúng ta đánh đây là đánh cho Liên Xô và Trung
Quốc". Nhưng dù vậy, sự hiện diện đông đảo của quân lính Mỹ vẫn bất lợi
cho cuộc chiến chống xâm lăng của quân dân VNCH vì nó tạo cớ cho CS tuyên truyền
và giành chính nghĩa trong cuộc chiến mà họ đã trâng tráo đảo ngược và gọi là
"chống quân xâm lược Mỹ" tuy CSBV thừa biết Mỹ không hề chiếm một tấc
đất nào của chúng ta.
Tổng
số quân Mỹ có mặt ở miền Nam VN có lúc đã lên tới 565 ngàn. Nhưng dù vậy, lực
lượng chống xâm lăng ở miền Nam chưa bao giờ nắm thế chủ động. Trước sau vẫn nhứt
quyết chỉ là đợi cho bị tấn công rồi tùy trường hợp mà phản ứng. Các cuộc không
tập của không lực Mỹ (kể cả sử dụng phóng pháo cơ chiến lược B52) không hề giảm thiểu -- huống hồ ngăn chận --
các cuộc xâm nhập quân CSBV. Một khi đã vượt vĩ tuyến 17, quân xâm lăng chỉ cần
tập trung, huấn luyện (đánh trên sa bàn) và rồi lựa chọn mục tiêu để tấn công.
Các tiền đồn của LLĐB do người Mỹ thiết lập trên cao nguyên sát vùng tam biên
Việt, Cămpuchia và Lào trở thành những mục tiêu cố định mà cộng quân tùy tiện tấn
công bất cứ lúc nào sẵn sàng tấn công. Và đánh xong thì họ lại rút về các an
toàn khu trên đất Lào và Cămpuchia để dưỡng quân, bổ sung và chuẩn bị các cuộc tấn
công mới.
Cuộc
chiến diễn ra theo lối đó dĩ nhiên là hoàn toàn bất lợi cho QLVNCH bởi vì chúng
ta không hề có quyền -- mà cũng không có khả năng -- tấn công các an toàn khu của
CS đúng theo chiến pháp mà người lính nào cũng biết là "tiên hạ thủ vi cường"
và "tấn công là cách phòng thủ hữu hiệu nhứt". Lần QĐIII do tướng Đỗ
Cao Trí chỉ huy đánh sang Cămpuchia là lần tấn công qui mô thắng lợi duy nhứt của
QLVNCH nhắm vào sào huyệt cộng quân bên ngoài biên cương VNCH. Cuộc tấn công của
QĐI do tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy đánh vào khu vực địa đầu của cái gọi là
"đường mòn HCM" (mà thật ra là một hệ thống chuyển quân xâm lăng qui
mô của CS) đã hoàn toàn thất bại. Căn bản là vì lực lượng VNCH không có không yểm
và pháo yểm của Mỹ trong khi cộng quân trên đất Lào đã biết rõ đường di chuyển
lẫn các khu vực tập trung của phía chúng ta. Chẳng những vậy, lực lượng CS trên
đất Lào lại còn đông gấp bội và được trang bị mọi loại súng lớn để đánh sập các
căn cứ hỏa lực mà đoàn quân tấn công thiết lập trên đất địch. Các cuộc bắn phá
bằng đại pháo tập trung của cộng quân với hàng ngàn quả đạn mỗi đợt, đã dễ dàng
loại khỏi vòng chiến ngay cả các đơn vị tinh nhuệ nhứt QLVNCH. Số chết, số bị
thương của hàng binh sĩ ... chưa hề được kết toán đầy đủ. Người ở hậu phương chỉ
biết được người bị bắt sống hay người tử thương nếu đó là một sĩ quan cao cấp
hoặc nếu người đó được một nhạc sĩ vinh danh như "người anh hùng Mũ Đỏ tên
Đương" chẳng hạn. Tuy nhiên thảm bại của cuộc hành quân thì đã được biết,
và biết rất rõ sau khi kết thúc, qua lời tâm sự của những chiến sĩ có mặt. Và về
sau thì chính các sĩ quan cao cấp cũng đành phải xác nhận rằng tung quân sang hạ
Lào, thực chất là một cuộc nướng quân để tạo dễ dàng hơn trong việc thực hiện dự
tính sắp xếp thế cờ tương lai giữa Mỹ và đế quốc CS ... như đã thấy vào đầu năm
1975. Thậm chí, như đã được tiết lộ nhiều năm sau ngày định mạng 30/4/1975, là
chính Tòa Đại Sứ Mỹ, chớ không phải là chính phủ 2 ngày do tướng Dương Văn Minh
cầm đầu, đã chuyển văn bản cho Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu tuyên đọc, yêu cầu người Mỹ
rời VN trong 24 tiếng đồng hồ. Nói cách khác, trong suốt cuộc chiến chống xâm
lăng của quân dân miền Nam VN; người Mỹ đến và đi đều hoàn toàn không thuộc quyền
quyết định của chính phủ VNCH.
Tại
sao người Mỹ lại chủ trương như thế thì câu trả lời đã được dàn trải từ hơn 40
năm qua, rõ đến độ không cần phải được nhắc lại bởi vì chính những người trong
cuộc như TT Richard Nixon, Cố Vấn Henry Kissinger, Đại Sứ Graham Martin và các
tướng lãnh Mỹ đã không ngần ngại thú nhận. Những lời tuyên bố hoặc các câu trả
lời của TT Nguyễn Văn Thiệu trước khi ông qua đời cũng hết sức tỏ tường. Có thể
ngắn gọn bảo rằng trong thời khoảng 1954-75, người Mỹ đối đầu với đế quốc CS
trên toàn thế giới nên miền Nam VN đã trở thành một "tiền đồn" phải bảo
vệ; nhưng đến đầu thập niên 1970, nhứt là sau khi đã dàn xếp được với Tàu để một
mặt, gọi là "triệt thoái trong danh dự", và mặt khác khai thác được
thị trường béo bở hơn 1 tỉ 300 triệu dân Tàu thì sự kiện đế quốc CS tận cùng ở
sông Bến Hải hay tận cùng ở Cà Mau cũng chẳng có gì hệ trọng nữa đối với Mỹ. Nỗi
đớn đau mất nước mà người dân miền Nam phải hứng chịu; hay thân phận nô lệ Tàu
mà toàn dân VN phải gánh lấy ngay lúc nầy chỉ là một hệ quả nho nhỏ trong tính
toán của cả Mỹ lẫn đế quốc CS. Nghĩa là cả hai đều coi những gì liên hệ đến dãy
đất hình chữ S nhỏ xíu bên bờ tây Thái Bình Dương chẳng còn là chuyện họ phải
quan tâm tới. Họ đã an bài xong mọi chuyện, vũng lầy VN đã được giải quyết đúng
theo chiều hướng mà các thế lực tài phiệt chi phối chính trường Mỹ đòi hỏi. Nên
VN vì thế đã trở thành một chuyện đời xưa. Bởi vậy mới có chuyện hạm đội 7 Mỹ
ngay cả không ra tay cứu vớt các chiến sĩ HQVNCH sau khi chiến hạm của họ bị
quân Tàu đánh chìm ở Hoàng Sa. Bởi vậy mới có chuyện Tàu ngang nhiên ban hành
quyết định thiết lập hải phận lưỡi bò 9 khúc trên biển đông VN.
Năm
nào đến tháng tư cũng có một số thức giả viết báo và tung bài lên trang mạng
toàn cầu mắng mỏ Mỹ là phản bội, là bội ước. Hoặc nhẹ nhứt là đã bỏ rơi đồng
minh. Bỏ rơi thì còn có thể chấp nhận được; bởi vì cũng như một người tới giúp
một người bạn trong xóm đối đầu với bọn cướp; nhưng khi thấy không giúp được nữa
thì người hàng xóm tốt bụng đó quay về sống yên trong nhà người ấy. Còn người
đang bị cướp có giữ được nhà mình hay không thì ... mặc kệ nó. Tuy nhiên chửi Mỹ
bội phản hay bội ước thì có lẽ không mấy chính xác. Lý do tại sao thì xin được
mạo muội trình bày như sau.
43
năm là một thời gian đủ dài để chúng ta rời bỏ "Câu Lạc Bộ HỒI ĐÓ". Rời
bỏ để may ra nhận chân rằng chính chúng
ta mới là những người có trách nhiệm thương yêu và bảo vệ quê hương mình chớ
không phải người Mỹ hay bất cứ chính phủ nào của họ. Cả dãy đất hình chữ S
bên bờ tây Thái Bình Dương rơi vào tay đế quốc CS phần chính là do lỗi của
chúng ta: những lãnh tụ và tướng tá tham nhũng và chia rẽ, của những kẻ sống an
toàn ở hậu phương dưới sự bảo vệ của các chiến sĩ chỉ để làm nội gián và đâm
sau lưng chiến sĩ (loại nầy nhiều lắm, kể tên ra không hết), của những người lợi
dụng thần thế để trốn khỏi cuộc tranh đấu chung và khi ra đến nước ngoài thì
quay lại công kích chế độ đã sinh dưỡng họ mà chí đến lúc đó vẫn tiếp tục nuôi
họ bằng các khoản ngoại tệ quí báu dưới hình thức chuyển ngân hàng tháng, của
những nhân vật khoa bảng đã lợi dụng địa vị khả kính của mình để làm lợi cho CS
dưới danh nghĩa đối lập, của những kẻ đội lốt nhà tu được tôn trọng của mình để
liên tục phá hoại cuộc trị an ở các thành phố, và của rất nhiều thành phần khác
nữa, kể cả những kẻ mà sau năm 1975 đã lộ nguyên hình là cán bộ CS ngay trong
hàng ngũ những người quốc gia ở miền Nam VN, kể cả trong Quốc Hội, ở Bộ Tổng
Tham Mưu, lẫn ngay tại Dinh Độc Lập. Trong tình trạng đó, những người có thực
tài và thực tâm yêu nước trong hàng ngũ lãnh đạo cả cao cấp lẫn trung cấp của
miền Nam gần như đã phải cầm quyền trên một quốc gia khánh tận và bất khả cai
trị (failed state). Sự thật đáng buồn là chúng ta đã không bảo vệ được cương thổ
của mình và đã không ngăn chận được quân CS tự do xâm nhập và tấn công chúng ta
bất cứ lúc nào. QLVNCH và những người thực
tâm yêu nước ở miền Nam đã phải đánh một trận giặc không có quyền thắng mà cũng
không thể thắng. Phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ VNCH thu
hẹp dần kể từ sau tháng 11 năm 1963 không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
Mỹ
hay bất cứ nước nào cũng chỉ có mặt để giúp chúng ta hoàn thành trách nhiệm bảo
vệ quê hương mình. Đặt tin tưởng trọn vẹn vào nước Mỹ hay vào bất cứ ngọn đèn
xanh đỏ nào bật lên ở Washington chỉ là suy nghĩ và hành động của những người
chưa suy nghĩ chín chắn và chưa biết cách hành động đúng. Dĩ nhiên cũng vì
"chưa" như thế mà cho tới giờ nầy, một số người Việt ra nước ngoài
lánh nạn CS vẫn cứ còn loay hoay chưa dám biết ai đã làm mình mất nước. Phần
chính vì họ không muốn nhìn nhận thực trạng đất nước mình từ ngày 1/11/1963 đến
30/4/1975. Hay nói cho đúng, họ đã không
dám nhìn nhận mình vô trách nhiệm đối với quê hương mình.
Một
tu sĩ Tây Tạng, Lama Thubten Yeshe đã nói trong một bài giảng bên Thụy Điển nhiều
năm trước, rằng "Chúng ta phải chịu
trách nhiệm về tất cả những hành động từ thân, khẩu, ý của chúng ta. Chúng ta
không thể đổ, không thể trút (trách nhiệm
đó) lên đầu người khác". Nhà tu hành bàn tới nghiệp của mỗi cá nhân
khi nói như thế. Nhưng nghiệp của cả dân tộc thì lại là cộng nghiệp của từng cá
nhân trong đại khối dân tộc đó. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu dũng cảm nhìn
nhận trách nhiệm của mình thay vì cứ ngồi đó đổ tội cho người Mỹ bội ước. Biết
đâu chẳng nhờ vậy mà thay đổi được nghiệp của nước mình và dân mình trong tương
lai. Lịch sử ngoại giao của Mỹ trong vùng Đông Á có 2 thí dụ có thể được dùng
làm gương. Mỹ đã "bội ước" với Đài Loan khi hất hòn đảo vốn là đồng
minh của Mỹ ra khỏi Liên Hiệp Quốc để Tàu Cộng vào thay; nhưng đến giờ nầy Đài
Loan vẫn là một miền đất dân chủ tự do và không ngừng phát triển. Quá về mạn bắc,
Mỹ không hề "bội ước" với Đại Hàn thành thử đến giờ nầy, 37 ngàn quân
Mỹ vẫn còn trú đóng ở phía nam vĩ tuyến 38 và Đại Hàn Dân Quốc hiện đã là một
cường quốc kinh tế ngày càng lớn mạnh. Thành ra bị Mỹ bội ước, hay được Mỹ
không bội ước, không thể, và không bao giờ, nên bị coi là tai họa cho mình. Tất
cả đều do mình có bản lãnh và trách nhiệm hay không mà thôi. Nên nhớ một tuyên
bố xét ra không mỹ miều chút nào của Sitting Bull, tù trưởng bộ tộc Sioux sau
các cuộc thương thuyết để cố bảo vệ dân da đỏ trước cuộc tây tiến của người da
trắng hơn 200 năm cũ, rằng "Tất cả người da trắng đều là những kẻ cướp đầy
dối trá" (All white men are liars and thieves). Xem như thế, nếu người
Mỹ có bội ước thì cũng là chuyện hết sức bình thường.
Một
người Mỹ, mà hầu hết các tác giả người Việt vẫn dùng làm một thứ dê tế thần để
mắng mỏ chửi bới -- ngay cả bằng những thậm từ không có trong tự điển -- là ông
Henry Kissinger. Nhưng khi chọn riêng ông nầy để đổ tội đã "bán đứng"
miền Nam cho CS; các tác giả trong cơn bi phẫn đó dường như đã quên bẵng -- hay
cố tình bỏ qua -- sự kiện ông nầy là người Mỹ, là Ngoại Trưởng Mỹ, là cố vấn an
ninh của Tổng Thống Mỹ. Bắt ông Kissinger quên cương vị, bổn phận và trách nhiệm
của ông khi phải mưu cầu và bảo vệ quyền lợi của chính phủ và nhân dân nước ông
thì chỉ là chuyện cưỡng từ đoạt lý mà thôi. Đổ tội cho ông Kissinger vì ông là
người đứng ra thương thuyết chỉ là cách giết con bồ câu mang tin chớ không phải
giết người chủ con chim. Thành thử khi ông Kissinger chép miệng "Sao bọn
chúng không chết quách cho rồi?" thì câu nói đó chỉ nên được coi là mong mỏi
của con chim đưa tin. Thực tế thì chuyện "giết chết cả bọn chúng nó"
đã được những ông chủ của Kissinger hoạch định lâu lắm rồi, từ thời John F
Kennedy lận.
Nhưng
câu hỏi chính vẫn cần được dứt khoát trả lời là "thiệt ra người Mỹ có bội
ước đối với VNCH hay không?". Vẫn với tầm nhìn rất thô thiển, xin mạo muội
đưa ra câu trả lời là "người Mỹ
không hề bội ước đối với người dân miền Nam VN vì lẽ trong suốt thời gian 18
năm dính líu với VNCH kể từ năm 1955, các chính phủ Mỹ ở Washington chưa hề ký
với chính phủ VNCH ở Saigon một hiệp ước, một hiệp định, một thỏa ước, một thỏa
thuận hay bất kỳ một văn bản chính thức nào xác quyết trách nhiệm của nước Mỹ
trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ VNCH". Đúng, quân Mỹ đã đánh nhau với quân CS ở miền
Nam VN và đã thiệt mất hơn 58 ngàn chiến binh. Đúng, Mỹ đã tiêu tốn hơn 3 ngàn
tỉ đô la (US$ 3,000,000,000,000) trong thời gian tham chiến tại VN. Đúng, đã từng
có một TT Mỹ nói là sẽ quyết liệt đánh trả quân CS nếu hiệp định Paris 1973 bị
CS vi phạm. Nhưng quả thật là giữa Mỹ với VNCH chưa bao giờ có một văn bản kết
ước nào được ký kết.
Và nếu Mỹ đã không "kết"
thì Mỹ "bội" cái gì?
Bởi
vậy mà khi qua Mỹ du thuyết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, đại diện của chính
phủ VNCH -- đúng ra là đại diện cho cá nhân TT Thiệu -- chỉ đưa ra được mấy bức
thư riêng của TT Nixon cam kết với TT Thiệu là Mỹ sẽ phản ứng quyết liệt nếu CSVN
vi phạm hiệp định Paris. Khổ nỗi, đó chỉ là những lá thư riêng của một TT Mỹ mà
lúc đó đã ô danh và đã rời Tòa Bạch Ốc.
CHẤP NHẬN THỰC TRẠNG
Thực
tế thì nước từng mang quốc danh Việt Nam Cộng Hòa ngày nay không còn nữa. Để
cho đúng thực tế thì mình không thể nói gì khác hơn. Một vài quân nhân yêu nước
vẫn còn tức tưởi với chuyện thua trận, đã lập luận "QLVNCH chỉ lạc ngũ chớ chưa bao giờ rã ngũ". Nhưng nói như vậy thì chỉ
có tác dụng giải sầu và vuốt ve tự ái trong chốc lát. Thực tế là người lính
trong quân đội VNCH đã phải cởi bỏ áo trận, quăng hết võ khí và giơ tay đầu
hàng sau lời tuyên bố của tướng Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975. Và nếu nước
VNCH không còn thì là cờ vàng ba sọc đỏ cũng không thể còn. Sự tồn tại của quốc
gia, quốc kỳ và quốc ca VNCH chỉ có đối với những người miền Nam VN còn yêu
thương và tưởng nhớ vùng lãnh thổ đã từng giúp họ sống dưới chế độ dân chủ tự
do. Hoặc một số ít con cháu họ. Đối với những người nầy thì VNCH, và những biểu
trưng của quốc gia đó, có thể sẽ không bao giờ phai nhòa mặc dầu chính họ cũng
thừa biết là như thế là sai trên thực tế và trên công pháp.
Một
khi đã đồng ý như vậy -- nghĩa là đồng ý, tán thành, và nhiều khi bật khóc khi
nhìn thấy lá cờ vàng được kéo lên trong tiếng đồng ca "Nầy công dân
ơi" -- thì chúng ta cũng phải chấp nhận những người không chào cờ vàng,
không hát quốc ca VNCH mà thay vào đó, đã nghiêm chỉnh đứng chào cờ đỏ sao vàng
và hát vang bài ca sắt máu "thề ăn gan uống máu quân thù" mang tên
"Tiến Quân Ca". Sở dĩ phải như vậy là vì thực tế nó là như vậy. Và sở
dĩ phải như vậy là vì chúng ta là những con người có văn hóa và trung thành với
các nguyên tắc tự do dân chủ. Nguyên tắc đó nhấn mạnh chủ điểm mọi người đều có
quyền bày tỏ trong ôn hòa, sự lựa chọn chính trị của mình. Lựa chọn đó bao gồm
các quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Chữ "quyền" nói lên một
nguyện vọng thiêng liêng mà vì nó, người ta có thể chấp nhận hi sinh tính mạng.
Người
miền Nam tị nạn CS có thể nhìn thấy một sự thật rất hiển nhiên ở các quốc gia tự
do dân chủ mà họ đã an cư hơn 42 năm qua. Hãy chọn nước Mỹ làm thí dụ. Ở đó đã
có nhiều người dân vô tội ngã chết vì một người bịnh tâm thần hay một phần tử cực
đoan bỗng dưng vác súng tới hạ sát họ. Ấy vậy nhưng có chính khách Mỹ nào dám khẳng quyết đòi đặt súng đạn ra
ngoài vòng pháp luật? Nghĩa là đốt bỏ tu chính án số 2 của Mỹ? Chắc chắn là
không. Quyền mang súng ở Mỹ đã và sẽ được những người Mỹ yêu chuộng dân chủ tự
do bảo vệ tới cùng mặc dầu đại đa số người Mỹ đã biểu tình chống lại những tên
sát nhân sử dụng quyền mang súng để làm chuyện phi pháp. Người Mỹ không dẹp bỏ
tu chính án số 2 thành ra cũng có thể khẳng quyết là ngày nào mà Mỹ còn là một
quốc gia dân chủ lãnh đạo thế giới dân chủ tây phương thì ngày đó tu chính án số
1cấm đoán bất cứ luật lệ nào ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu,
tự do báo chí, tự do hội họp trong ôn hòa, tự do đòi hỏi chính quyền phải sửa
sai ... vẫn còn là Luật được tôn trọng và xiển dương. Nghĩa là tôn trọng và xiển dương mọi quyền tự
do mà tất cả các con người tự do đều mong muốn.
Một
chủ trương vẫn được nói tới của người Mỹ là "không hề có bạn, hay thù,
vĩnh viễn". Bởi vậy mà ngay sau khi chiến tranh VN kết thúc, hồi năm 1976
TT Jimmy Carter đã đề nghị CSVN tái lập quan hệ bình thường với Mỹ. Giá lúc đó
Lê Duẩn đừng quá ngông cuồng tuyên dương công trạng "đánh cho Mỹ chút Ngụy
nhào" mà bắt tay ngay với Mỹ thì biết đâu vận mạng đất nước đã đổi khác.
Dù vậy, Mỹ đã tái lập quan hệ bình thường với CSVN vào thời TT Bill Clinton và
từ đó, quan hệ song phương đã ngày càng tăng cường: giới lãnh đạo đảng và nhà
nước VN liên tục qua thăm Mỹ trong khi các TT Mỹ, kể từ ông Clinton, cũng đã
công du VN. Vào tháng 5/2016, TT Barack Obama là TT Mỹ thứ ba chính thức thăm
VN. Rồi đến khi hội nghị APEC họp tại Đà Nẵng năm ngoái thì chính TT Donald
Trump cũng đã có mặt. Những người VN
trong số những người chủ trương thực tế
đã vin vào đó để lập luận rằng ngày nay, chống cộng không đắc sách, bởi vì Mỹ
-- quốc gia duy nhứt có khả năng bảo trợ các hoạt động chống chế độ CS ở VN --
đã chính thức hợp tác trên mọi bình diện với chế độ đương quyền ở Hà Nội. Không
được Mỹ ưng ý và yểm trợ -- dù ngấm ngầm
-- thì chống Cộng chỉ hao tốn công sức vô ích, mà chung cuộc chỉ thất bại. Chi
bằng chấp nhận thực tế, để ít nhứt, ngưng mọi hành vi chống cộng rồi sống an
nhiên trong nước hoặc trên quê hương thứ hai của mình!!.
Với
hiện trạng vừa ghi, liệu những người cực kỳ chống cộng trong giới người từng là
dân tị nạn CS có thể làm gì khác hơn đối với những người muốn coi nước mang tên
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là quốc gia của họ?. Thực sự thì ở Âu Mỹ số
người buông trôi mọi hi vọng lật đổ chế độ CS trong nước -- hoặc ngay cả quay lại
ủng hộ chế độ đó -- đã ngày càng đông. Phần chính vì đám CCCCC (Con Cháu Các Cụ
Cả) của chế độ CSVN được Mỹ nhận cho qua học một cách hợp pháp bên cạnh các
thành phần được gọi là "đại gia" đang hàng ngày tẩu tán tài sản bóc lột
của nhân dân sang Mỹ để chuẩn bị "hạ cánh an toàn". Họ tung tiền qua
Âu Mỹ để từ đó làm giàu thêm bằng cách làm ăn buôn bán ở Âu Mỹ và rồi mang tiền
kiếm được ở Âu Mỹ về VN ăn chơi. Những người đó, tuy chọn Âu Mỹ làm chỗ định cư
nhưng lại hoàn toàn cách ly với những người chống Cộng trong giới dân tị nạn CS.
Họ bị cộng sản nhồi sọ và vì nhờ theo đảng mà trở thành giàu có suốt mấy mươi
năm như thế nên không thể trách họ theo CS. Mật ở đâu thì ruồi đương nhiên phải
ở đó.
Thành
phần thân cộng đáng tiếc hơn cả là những người đã từng trốn chạy CS ngay sau
ngày 30/4/1975 lẫn trong những năm sau. Trong số nầy, có một số là các cựu quân
nhân đã từng bị CS hành hạ, lăng mạ và đày đọa nhiều năm trong các trại tù CS
nên nhờ vậy đã được cho qua Mỹ định cư trong tư cách tù nhân chính trị, hay được
gọi là HO. Họ thiếu điều oan thác dưới tay CS nhưng khi đã an toàn tới Mỹ --
sau khi khai báo là họ muốn qua Mỹ để được tự do thay vì phải sống trong kìm kẹp
dưới chế độ CS -- thì họ tỏ rõ là họ chỉ muốn lợi dụng Mỹ để được sống sung sướng
hơn. Bằng cớ là khá đông trong số đó, vừa nhận được thẻ thường trú (green card),
là lập tức quay về VN ăn chơi. Lý do được viện dẫn là nhớ nhà, nhớ quê hương,
thăm thân nhân bè bạn, thăm mồ mả cha mẹ ông bà
... Nói cách khác, toàn là những giải thích rất hợp tình hợp lý. Nhưng thật sự thì phần lớn chỉ để che giấu mục
đích chính là về nước ăn chơi vì "trong nước ngày nay có rất nhiều chân
dài" và "giá rẻ"!!!. Chưa kể một số khác thì quay về để biểu diễn
trò "áo gấm về làng". Một số khác nữa thì chẳng những đã thường xuyên
về nước -- có người đôi ba lần mỗi năm -- còn thản nhiên tung tiền về mua sắm
nhà cửa để sống lâu dài trong tư cách Việt Kiều. Người Mỹ gốc VN tị nạn ngày nay đều có công ăn
việc làm tử tế, hoặc đều thụ hưởng các trợ cấp của Mỹ hay các nước họ định cư,
nên họ du lịch, hay xài tiền kiểu nào đều tùy họ. Nhứt là những thường xuyên gởi
tiền về nước cứu trợ người thân. Tất cả đều bằng đồng dollars Mỹ có giá trị quốc
tế và tất cả đều được đổi thành những đồng tiền Hồ vô giá trị. Bảo họ vô ý thức
giúp chế độ CS sống dai thì họ sẽ trả lời "Người thân của tôi, tôi không
giúp sao được?". Bảo họ mang tiền về nước ăn chơi là yểm trợ kinh tế cho
chế độ CS thì họ sẽ trả lời "Nhưng đó là quê hương tôi. Tôi làm ăn cực khổ
ở Mỹ nên tôi muốn xài tiền tôi làm ra ở nơi nào là chuyện riêng của tôi".
Những người như họ không thể quan niệm được khác biệt giữa một chế độ dân chủ tự
do tôn trọng mọi nguyện vọng của người dân với một chế độ độc tài đảng trị bóp
nghẹt dân để vơ vét. Dĩ nhiên họ cũng không thể phân biệt giữa một nước độc lập
tự chủ với một quốc gia lệ thuộc hoàn toàn vào ngoại nhân. Họ tất nhiên cũng
không quan tâm đến chuyện dân oan bị cướp đất hay chuyện ngư phủ người Việt bị
Tàu bắn giết khi đánh cá ngay trong hải phận VN. Họ lại càng không để ý gì đến
chuyện nhiều vùng lãnh thổ VN ngày nay bỗng dưng trở thành lãnh địa riêng của
người Tàu (Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Dương chẳng hạn), mà trong đó người Việt rất
dễ bị hành hung nếu dám bén mảng tới.
Rất
nhiều thức giả đã nêu rõ một hậu quả cực kỳ quan trọng -- và hết sức "kinh
tế" -- của việc về nước ăn chơi. Ấy là những người thân Cộng, hoặc chống Cộng nhưng thiếu ý thức chính trị,
chính là những người nuôi sống chế độ CS. Con số chính thức là bao nhiêu
thì không ai rõ mặc dầu đã có người ước tính khoản tiền họ đưa về cho đảng CSVN
mỗi năm lên tới 13 tỉ dollars. Xem như vậy thì số tiền 700 triệu dollars mà TT
Thiệu lạy van Quốc Hội Mỹ nhủ lòng thương ban bố cho nước VNCH trong cơn hấp hối
hồi năm 1974 chỉ là một ngân khoản tép riu.
Nhiều
năm qua, các ca sĩ văn công CS trong nước và bọn sư Công An đã thi nhau qua Mỹ,
Pháp, Úc kiếm tiền. Văn công thì trình diễn, sư công an thì tranh nhau vô chùa.
Một trong những ca sĩ đó đã cả gan ca ngợi CS ngay trên sân khấu, làm nhiều người
phẫn nộ. Vấn đề không phải là chuyện đám văn công CS được quyền qua Mỹ, Pháp,
Úc trình diễn, cũng không phải là đám
văn công đó có lên tiếng ca tụng CS hay không. Họ đi trình diễn kiếm tiền là
quyền của họ. Họ bày tỏ lập trường chính trị cũng là quyền của họ. Vấn đề chính là đám khán giả đã bỏ tiền mua
vé đi xem các văn công CS. Chính những khán giả đó là lý do các lãnh tụ CS
dồn dập đưa các văn công CS ra trình diễn ở Âu Mỹ từ đó đến ngay giờ phút nầy.
Nguyên tắc kinh doanh bao giờ cũng vẫn dựa trên đồng tiền. Nếu tổ chức trình diễn
văn nghệ mà không ai bỏ tiền ra xem thì bầu sô chỉ còn nước dẹp tiệm và sẽ chẳng
có một văn công nào tốn công qua Âu Mỹ trình diễn. Chuyện bọn sư công an VC qua
Âu Mỹ tranh chùa để phè phỡn thu tiền cho công an thì cũng chẳng khác. Cho dẫu
tranh được chùa mà bá tánh không tới van lạy và dâng cúng đô la cho chúng thì
chúng lấy rượu thịt đâu ra để ăn nhậu?
Vậy
thì tội du nhập đám ca sĩ tuyên truyền cho CS và nuôi sư công an VC là tội của
ai?
Trình
bày như vừa ghi ở trên để đi đến tóm lược, trong duy nhứt một câu. Ấy là chính những người trước kia đứng trong hàng
ngũ chống Cộng đã góp phần không nhỏ vào việc phối hợp với các phần tử CS hay thân Cộng; đã,
đang và sẽ bảo vệ, nuôi dưỡng và duy trì chế độ CS trong nước.
Nhiều
năm qua, các chóp bu ở Hà Nội luôn luôn hô hào hòa hợp hòa giải. Nhưng họ chỉ
hô hào mà tuyệt nhiên không hề đưa ra một chính sách thực tiễn nào nhắm hòa hợp
hòa giải. Họ chỉ hô hào những người tị nạn CS ngưng chống Cộng để hòa hợp hòa
giải với họ. Ấy vậy mà cũng đã có người ở Mỹ nầy đứng lên kêu gọi hòa hợp hòa
giải với chế độ CS trong nước ... với lập luận "CS là những người, trên thực
tế, đã cầm quyền từ năm 1954 ở miền Bắc
và từ năm 1975 đến nay là trên cả nước".
Đó
là những người đã buông trôi và hoàn toàn chấp nhận thực trạng y như những người
dân "ngu quá lợn" theo lối ông Tản Đà mô tả dân Việt trong thời Pháp
đô hộ. Họ lười biếng đến mức không nhớ rằng chế độ CS tạo ra đế quốc Xô Viết từ
năm 1917 mà chung cuộc đã hoàn toàn tan rã sau 70 năm. Vậy thì lý do gì khiến họ
nghĩ rằng thực trạng nước VN đang nằm dưới chế độ độc tài đảng trị sẽ không bao
giờ thay đổi?
Chứng
minh sự sai lầm của họ là trách nhiệm cực kỳ khó khăn của những nhà tranh đấu
chống Cộng. Những nhà tranh đấu đó bao giờ cũng là những con người can trường và
cô đơn. Can trường vì chẳng mấy ai muốn quên thân mình để xả thân tranh đấu. Và
cô đơn là vì họ đơn độc đối đầu -- đôi
khi là đối đầu với chính thân nhân và bạn bè mình -- với cái đám đông phi chính
trị chỉ biết ăn theo và thụ hưởng, dù dư biết rằng những thứ họ đang thụ hưởng chỉ là
cơm thừa canh cặn do đám lãnh đạo đảng CS nhả ra. Nhưng chính vì xả thân và cô đơn như thế, các nhà tranh đấu mới là những
người đáng được tôn trọng, kính nể, khâm phục và yểm trợ. Hơn bao giờ hết,
tương lai của một nước Việt tự do dân chủ và độc lập tùy thuộc vào những người
như họ. Họ mới có thể lãnh đạo thế hệ con cháu đả phá và tiêu diệt tận gốc chủ
trương của những người, cho đến giờ phút nầy, vẫn mơ màng nghĩ rằng thực trạng
đất nước và hơn 90 triệu đồng bào nằm dưới chế độ CS là một thực trạng bất khả
thay đổi. Lịch sử chứng minh chế độ nào rồi cũng phải suy tàn. Nhà Phật đã chứng
minh một sự kiện tuyệt đối đúng là mọi thứ trong đời nầy đều vô thường.
Điểm
chính, để kết luận, đối với chế độ CSVN thì cái đặc trưng vô thường đó xảy ra sớm
hay muộn đều tùy khả năng, quyết tâm dấn thân và lòng hi sinh của những đám
đông tranh đấu cả trong lẫn ngoài nước. Số người tranh đấu càng đông chừng nào
thì ngày tàn của chế độ CS càng thu ngắn chừng nấy.
Cầu
xin ơn trên giúp họ bền gan chân cứng đá mềm và ban sức chịu đựng cho những con
người khốn khổ nhưng vẫn may mắn hãy còn được gọi là người Việt Nam cho đến
ngày giờ nầy./.
NTÂ
No comments:
Post a Comment