Lưới Nhện
Nguyễn Ngọc Tú
Dựng
chiếc xe Honda SS67 trên sân quận đường, Cẩm quay lại bảo người lính đi theo:
-
Ê Đực! Tao vào nhà lồng chợ xem văn nghệ.
Mày đi đâu thì đi. Hết văn nghệ
trở lại tìm tao.
Đeo
khẩu súng M16 lên vai, Đực trả lời:
-
Em cũng vào xem văn nghệ chứ biết đi đâu bây giờ ông Thầy.
Cẩm
lững thững bước ra ngoài cổng. Hôm nay Bộ
Chỉ Huy Chi Khu tổ chức buổi văn nghệ để ủy lạo quân nhân các cấp, và cũng để
tưởng thưởng cho họ về những thành quả mà Chi Khu đã đạt được trong thời gian
qua.
-
Anh Cẩm!
Cẩm
quay lại nhìn, Đào đang hớn hở bước vội tới.
Đào là thư ký Ủy Ban Phượng Hoàng Quận.
Hôm nay trông Đào khác hơn mọi ngày.
Một chút phấn son trang điểm nhẹ, cặp kính đen to trên khuôn mặt bầu bĩnh,
và chiếc áo dài màu huyết dụ trông nàng tươi mát, đầy sức sống. Đào không đẹp nhưng tính tình vui vẻ, cởi mở. Mỗi khi có việc về Chi Khu, Cẩm thường hay
ghé văn phòng Phượng Hoàng để chuyện trò, đùa giỡn với Đào. Hai người xem nhau như bạn chứ không có tình
ý gì cả. Có lần Đào giấu cặp kính cận Cẩm
gỡ ra đặt trên bàn để lau mồ hôi và bụi đất đỏ.
Cẩm giả vờ như không nhìn thấy gì, hai tay quờ quạng trước mặt tiến về
phía Đào lẩm bẩm: “Không thấy đường nên tôi đụng phải cái gì chụp cái nấy ráng
chịu,” làm Đào hoảng quá hét toáng lên khiến Thiếu Tá Quận Trưởng phải mở cửa
ra nhìn, rồi lắc đầu trở vào.
Đào
bước tới tươi cười hỏi:
-
Anh cũng về dự văn nghệ à?
Cẩm
cười:
-
Về chứ. Có dịp về gặp em anh đâu bỏ lỡ.
Đào
cũng cười:
-
Anh chỉ xạo. Hình như gặp cô nào anh
cũng nói thế thì phải!
-
Tại anh chưa tìm được câu nào khác. Khi
nào nghĩ được câu khác hay hơn, anh sẽ chạy về nói với em trước tiên. Chịu không?
Đào
cười xoà:
-
Chịu!
Cẩm
đề nghị:
-
Mình vào trong kiếm chỗ ngồi đi em.
-
Anh vào trước đi. Em còn đang bận. Khi nào xong em sẽ vào kiếm anh.
Khá
đông khán giả đang chờ đợi để thưởng thức chương trình văn nghệ rất hiếm hoi được
tổ chức tại đây. Cẩm bước tới ngồi cạnh
Thiếu Uý Kha, Trưởng Ban 3. Tuy mới về
Liên Đội khoảng tám tháng nay để thay thế Thiếu Úy Thái được thuyên chuyển về làm
Trưởng Ban 2 Chi Khu, Cẩm và Kha rất thân nhau.
Kha là một sĩ quan trẻ, nhiệt tình, tháo vát, khả năng quân sự cao. Có lần Kha đã “xâm mình” mạo danh Liên Đội
Trưởng, khi đó đang “dù’ về nhà thăm gia đình, chỉ huy Liên Đội chống lại vụ tấn
công đồn của một Trung Đoàn VC phối hợp với đặc công. Chàng cũng đã liều lĩnh nhận trách nhiệm trước
Đại Tá Tiểu Khu Trưởng, khi xin pháo binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu mình, sau
khi chắc chắn là mọi người đã an toàn trong các công sự chiến đấu kiên cố, để
tiêu diệt địch quân khi căn cứ có nguy cơ bị địch tràn ngập. Nhờ quyết định can đảm và chính xác đó mà địch
quân đã phải thảm bại rút lui.
Kha
bắt tay Cẩm hỏi:
-
Hôm qua đi kích mà phải về tay không à?
Có tin tình báo mà bị vuột. Tiếc
nhỉ?
Cẩm
thì thào:
-
Tiếc mẹ gì. Bị bể, phải rút.
Kha
nhướng mày:
-
Sao lại bể?
-
Đêm qua, tụi tao phục kích gần một ngôi nhà nọ.
Vừa bố trí xong thì nghe tiếng động khả nghi từ căn nhà đó vọng lại. Tao và một thằng lính bò tới nhìn vào khe cửa
để quan sát. Nhà rất nghèo và nhỏ. Trong nhà chỉ có bộ ván gõ đặt trên nắp hầm
trú ẩn làm giường cho cả gia đình. Một
ngọn đèn dầu tù mù đặt trên bàn nhỏ giữa nhà.
Trên giường là hai vợ chồng, và hai đứa con trai nhỏ. Đứa lớn cỡ bảy tuổi, đứa nhỏ khoảng ba tuổi. Mẹ kiếp, lúc đó xảy ra chuyện!
Kha
trố mắt:
-
Chuyện gì?
Cẩm
cười:
-
Số là gặp lúc hai vợ chồng nó đang “hủ hoá”.
Bố khỉ! Sao lại chọn lúc này mà “hủ
hoá” cơ chứ! Tụi nó làm ăn tận tình quá
làm thằng con nhỏ giật mình khóc toáng lên.
Thằng chồng quơ tay sang vỗ vỗ ru thằng con ngủ tiếp. Sau đó lại tiếp tục cuộc vui. Được chút xíu thì ông nhóc lại khóc. Chắc thằng chồng nôn nóng quá, không chờ thằng
con ngủ say rồi hãy tiếp tục. Lại
ru. Lại khóc. Đến lần thứ tư, thằng chồng hết kiên nhẫn, nổi
nóng chửi: “ĐM. Ngủ đi, không tao đạp xuống đất bây giờ.” Lúc đó thằng con lớn mới xen vào: “Phải đấy,
đạp nó xuống đi Ba. Coi không coi khóc
hoài!” Đến đây, thằng lính không nhịn được,
cười phì lên một tiếng nên phải rút thôi!
Kha
phá lên cười. Cẩm đưa mắt nhìn quanh xem
có ai chú ý không. Bất chợt chàng huýt
lên một tiếng sáo thích thú khi bắt gặp ánh mắt quen thuộc từ phía bàn của các
ca sĩ đang nhìn về phía mình.
-
Rốt cuộc gặp lại em rồi “cô nàng đỏng đảnh” ơi!
Cẩm lẩm bẩm.
“Hôm đó, Cẩm đang
cưỡi xe Honda trên con đường đất đỏ từ Quận về Bộ Chỉ Huy Liên Đội. Chợt chàng chú ý đến một người con gái trong
bộ bà ba tím đang chạy xe Honda Dame trước mặt.
Mái tóc dài, đen nhánh phất phới bay trong gió. Vóc người mảnh mai, chiếc lưng thẳng đài các,
hai đầu gối khép lại kín đáo mà Cẩm vẫn thường gặp dáng ngồi xe đầy quyến rũ
này ở những cô gái thanh lịch trên các đường phố Saigon. Cẩm thích thú theo sau chiêm ngưỡng suối tóc huyền
uốn lượn tung bay trong nắng, dáng yêu kiều thanh mảnh, và cách ngồi xe
duyên dáng của người thiếu nữ nổi bật lên tương phản với cảnh đồng quê khô
khan, mộc mạc.
Gần đến Ngã Tư
Xoài Đôi, người con gái bật đèn rẽ trái.
Cẩm vọt xe vượt lên để nhìn mặt trước khi nàng rẽ vào con đường khác. Bất chợt, khi xe Cẩm vừa bắt kịp thì nàng quẹo
phải thay vì quẹo trái như báo hiệu. Phản
xạ tự nhiên, Cẩm thắng xe, lách về bên phải để tránh tai nạn. Nhưng cũng không kịp, bánh xe trước của chàng
quẹt nhẹ vào bánh xe sau của người thiếu nữ khiến nàng ngã xuống đất. Cẩm vội vàng dựng xe bước vội đến hỏi:
- Xin lỗi cô. Cô có sao không?
Người con gái
tay xoa đầu gối, mắt ngước lên nhìn Cẩm giọng oán trách:
- Ông lái xe kiểu
gì vậy? Có thấy tôi bật đèn “xi nhan”
không?
Cẩm gãi đầu:
- Nhưng cô bật
đèn rẽ trái mà lại quẹo tay phải!
Cô gái “xí” lên
một tiếng rồi nói:
- Tôi bật đèn
bên trái để ông đi về bên trái, còn tôi thì quẹo tay mặt. Thế mà không hiểu! Có biết lái xe không đó!
Cẩm bật cười:
- Bây giờ thì
tôi đã hiểu. Thì là lỗi tại tôi vậy. Xin lỗi cô.
Cô gái bắt bẻ:
- Lỗi là lỗi chứ
sao lại “thì là lỗi tại tôi vậy.” Tôi đâu có bắt buộc ông nhận lỗi đâu mà phải
miễn cưỡng?
Cẩm cười xòa:
- Tôi xin nhận
lỗi. Cô rất có lý. Phải công nhận cô là người con gái có lý đứng
thứ nhì mà tôi từng gặp.
Cô gái tò mò:
- Đứng thứ nhì? Còn người có lý thứ nhất là ai? Vợ ông à?
- Tôi chưa có vợ. Mà dù có vợ cũng không dám lấy người có lý
như…Thôi không nói nữa. Cô sẽ là người
có lý thứ nhất nếu cô cho tôi biết tên.
Cô gái chanh
chua:
- Biết tên làm
gì? Để làm bùa thư tôi à?
Cẩm gật gù:
- Có lý đó. Tôi có quen một ông thầy ngải người Miên làm
bùa yêu hay lắm.
Ngưng một chút,
Cẩm à lên một tiếng rồi nói:
- Tôi biết tên
cô rồi! Khỏi cần cô nói nữa. Bây giờ chỉ cần cô cho tôi đưa về nhà để bảo
đảm cô không bị đụng xe nữa. Những người
không biết lái xe bây giờ nhiều lắm cô ạ.
Như vậy cô mới là người có lý nhất.
Cô gái vừa xoa
chân vừa nói:
- Cám ơn lòng tốt
của ông. Vậy chứ ông nói tên tôi là gì?
- Tên cô là… “cô
nàng đỏng đảnh!” Đúng không?
Cô gái dẩu môi:
- Vậy mà cũng
đòi đoán. Lãng nhách. Còn ông là “anh chàng tào lao.”
Người thiếu nữ
khập khễnh dựng chiếc xe lên, đạp máy, quay đầu lại nói:
- Tha cho ông
đó!
Rồi sang số, tăng
ga rẽ phải đi mất.
Cẩm thẫn thờ
nhìn theo. Một cái gì đó ở người con gái
khiến chàng lưu luyến...”
“Cô
nàng đỏng đảnh” như cũng nhận ra chàng.
Nàng thoáng chút bối rối rồi quay mặt đi tiếp tục nói chuyện với bạn như
không để ý. Cẩm mỉm cười thầm nghĩ: “Cô
nàng cũng có vẻ kiêu kỳ đây."
Buổi
văn nghệ bắt đầu sau lời chào mừng và cám ơn của Thiếu Tá Quân Trưởng kiêm Chi
Khu Trưởng. Các ca sĩ lần lượt lên
hát. Rồi cũng đến lượt “cô nàng đỏng đảnh”. Cẩm chăm chú nghe người điều khiển chương
trình giới thiệu:
-
Kính thưa quý vị. Tiếp theo đây kính mời
quý vị thưởng thức tiếng hát của Kim Sa.
Kim Sa không phải là ca sĩ của ban nhạc.
Cô chỉ là một người dân địa phương muốn góp phần giúp vui cho các anh
chiến sĩ mà thôi. Thưa quý vị, đây Kim
Sa.
Cẩm
thích thú nhủ thầm:
-
Kim Sa. Cát Vàng. Tên đẹp lắm!
Thướt
tha trong chiếc áo dài màu xanh nước biển đậm, Kim Sa bước ra sân khấu. Tà áo ngắn chỉ quá đầu gối một chút với chiếc
quần tây ống loa trắng, thời trang đang được các cô gái trẻ ưa thích, làm tăng
thêm nét tươi trẻ, duyên dáng của nàng. Mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng làm nổi bật
làn da trắng của khuôn mặt khả ái, với đôi má phơn phớt hồng khiến Cẩm sững người
nhìn nàng không chớp mắt. Kim Sa duyên
dáng cúi đầu chào khán giả, mỉm cười nói:
-
Hôm nay Kim Sa xin hát tặng các anh bản nhạc “Huyền Thoại Một Chiều Mưa.” Đây là một tác phẩm dễ thương mà Kim Sa rất ưa
thích. Nhạc phẩm này kể chuyện một nàng
tiên vì làm bể chén ngọc mà bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian. Khi mãn hạn được phép trở về tiên giới, nàng
đã từ chối với một lý do rất ngây thơ, rất…con gái là còn đang giận Trời nên
không chịu về, để được ở lại trần gian với người lính phong trần mà nàng đã gặp
và yêu trong một buổi chiều mưa thật buồn mà cũng thật nên thơ. Hát bài này, Kim Sa ước mong mỗi người trong
các anh sẽ gặp được nàng tiên trong mộng của riêng mình.
Trang
phục trẻ trung, khuôn mặt thanh thoát, lời nói ngọt ngào dí dỏm của nàng đã thu
phục được cảm tình của khán giả ngay từ giây phút đầu tiên. Tiếng vỗ tay hò hét vang lên như rung chuyển
nhà lồng chợ. Cẩm cười nhẹ thầm nghĩ:
-
Hôm nay cô nàng nhu mì quá. Không còn đỏng đảnh, chanh chua nữa!
Kim
Sa cất tiếng hát. Giọng hát tuy chưa
điêu luyện, nhưng bù lại nàng hát với tất cả tâm hồn, như muốn trút hết cảm xúc
của mình vào bài hát. Đôi mắt lim dim,
làn môi mấp máy khi nũng nịu, khi thiết tha theo từng lời hát khiến cử tọa như
ngưng thở theo dõi.
Kim
Sa dứt tiếng hát cúi đầu chào mà cử tọa vẫn còn lặng người vì dư âm ngọt ngào,
thơ mộng của bài hát vẫn còn vương vấn trong tâm hồn, để rồi cùng đồng loạt vỗ
tay hoan hô nồng nhiệt.
Cẩm
bước lên sân khấu đến trước micro nói:
-
Cám ơn cô Kim Sa đã trình bày nhạc phẩm đó một cách tuyệt vời. Để tiếp tục chúng tôi xin yêu cầu cô hát thêm
một bản nhạc khác cũng rất hay mà nhiều anh em trong chúng tôi ưa thích.
Đợi
những lời hưởng ứng chấm dứt. Cẩm tiếp:
-
Đây là một trong những bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhưng tôi lại
quên mất tên bài hát, chỉ nhớ mang máng là trong đó có câu: “Anh nói em nghe,
yêu em từ lúc em chưa mặc quần” thì phải.
Kim
Sa hơi chút ngượng ngùng vì Cẩm đã sửa lời bài hát để chọc quê nàng, nhưng rồi khuôn mặt thoáng hiện lên nét bướng bỉnh.
Nhìn
vào bảng tên trên túi áo trận của Cẩm, nàng giả bộ ngây thơ nói:
-
Cám ơn Thiếu Úy Câm. Ơ! Không phải.
Không phải Câm đâu! Thiếu Úy nói nhiều quá mà!
Giả
vờ nhìn vào bảng tên một lần nữa nàng reo lên:
-
Đúng rồi, Thiếu Úy tên Cẩm, phải không ạ!
Xin lỗi Thiếu Úy, vì bảng tên không có dấu nên Kim Sa mới lầm như vậy.
Cả
rạp rộ lên những tiếng cười khoái trá, tiếng hò hét cổ võ của khán giả trước phản
ứng nhậy bén của người thiếu nữ. Một số
người hét lên:
-Một
đều, một đều, một đều.
Chờ
cho tiếng la hét tạm lắng xuống, Kim Sa mỉm cười nhìn Cẩm hỏi:
-
Xin lỗi, họ của Thiếu Úy là gì để Kim Sa tiện xưng hô.
Cẩm
suy nghĩ rất nhanh. Cô nàng âm mưu gì nữa
đây mà muốn hỏi họ của mình. Chưa tìm ra
được giải đáp thì Kim Sa nói tiếp:
-
Nếu vì lý do nào đó Thiếu Úy không tiện nói ra thì thôi cũng được! Kim Sa không có thói quen đặt tên cho người khác một cách
hàm hồ đâu.
Cẩm
bật cười thầm nghĩ: “Cô nàng trả thù vì bị mình đặt tên là ‘cô nàng đỏng đảnh’
đây! Ta đây đường đường là một tu mi nam
tử ‘đi không đổi tên, về không đổi họ’ thì sợ gì mà không cho cô nàng biết!” Nghĩ thế Cẩm trả lời:
-
Tôi là Nguyễn Bá Cẩm
Nheo
mắt nhìn Cẩm, Kim Sa tỉnh bơ nói:
-
Thế mà Kim Sa cứ tưởng Thiếu Úy họ Hà chứ!
Đám
đông lại phá lên cười một cách thích thú. Kha hét lớn:
-
Thiếu Úy Cẩm bị dẫn trước 2-1 rồi.
Cẩm
nhìn Kim Sa thầm phục sự nhanh trí của nàng. Hà Bá Cẩm! Cô nàng rủa mình là Hà Bá đây! Tuy đau, nhưng phải công nhận cô gái rất thông
minh pha chút chanh chua. Một chanh chua rất dễ thương. Chắc là phải tạm chịu tỷ số 2-1 thôi.
Nhường micro lại cho Kim Sa, Cẩm nói nhỏ:
-
Cho cô nợ đó.
Rồi
quay lưng về lại chỗ ngồi. Kim Sa cúi đầu chào khán giả nói tiếp:
-
Thể theo lời yêu cầu của Thiếu Úy Cẩm, Kim Sa xin trình bày bản “Đám Cưới Đầu
Xuân.”
Nàng
nhấn mạnh chữ Cẩm một cách rõ ràng cố ý.
Kha
ghé tai Cẩm nói nhỏ:
-
Hôm nay mày gặp khắc tinh rồi Cẩm ạ!
Cẩm
thú nhận:
-
Con bé đáo để thật! Nhưng tin tao đi. “Ngộ sẽ páo chù!” mà.
Từ
lúc đó tâm hồn Cẩm như lãng đãng không tập trung nghe nhạc được vì chàng vừa nhận
ra rằng chính đôi mắt màu hạt dẻ, đôi mắt liêu trai, sâu thẳm đầy huyền bí này
đã ám ảnh làm chàng vương vấn mấy ngày hôm nay.
X
XX
Sau
chương trình văn nghệ, Cẩm bước vào phòng ăn, nơi Thiếu Tá Quận Trưởng kiêm Chi
Khu Trưởng mời các Sĩ Quan đến dùng bữa cơm thân mật với ban nhạc. Chàng đảo mắt nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Kha gọi:
-
Cẩm, ngồi đây với tao này.
Cẩm
lắc đầu:
-
Ông Bà ta thường nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.” Tao phải ngồi đây mới đúng lời dạy của Ông Bà.
Nói
xong, Cẩm bước vòng qua bên kia bàn, tỉnh bơ kéo ghế ngồi xuống cạnh Kim Sa nhìn
nàng mỉm cười. Kim Sa cũng nhìn chàng cười
thách thức rồi kiêu kỳ quay mặt đi.
Cẩm
thấy thích thiếu nữ này. Ở nàng có một
cái gì đó của riêng mình. Độc đáo và
quyến rũ!
Sau
vài lần cụng ly, Kha nói lớn:
-
Lúc nãy Thiếu Úy Cẩm yêu cầu Kim Sa hát bài “Đám Cưới Đầu Xuân” và cô ấy đã đáp
ứng. Bây giờ Kim Sa cũng có thể yêu cầu
Thiếu Úy Cẩm một điều gì đó để trả lễ cho phải đạo chứ. Cô có đồng ý không Kim Sa?
Kim
Sa gật đầu mỉm cười nói:
-
Đúng rồi, bây giờ Kim Sa cũng chỉ yêu cầu Thiếu Úy Cẩm hát một bài thôi. Kim Sa không đòi hỏi gì hơn đâu, và cũng không
yêu cầu đặc biệt một bài hát nào cả. Tùy
Thiếu Úy chọn. Như vậy cũng đã ưu tiên rất
nhiều cho Thiếu Úy rồi đó.
Cẩm
cũng cười:
- Hát cũng được thôi, không sao cả. Thực ra trước khi đi lính tôi có được thử giọng
để hát cho một ban nhạc khá nổi tiếng ở Saigon đấy chứ.
Mọi
người ồ lên một tiếng tán thưởng, chăm chú nghe Cẩm nói tiếp. Mơ màng như nhớ lại chuyện cũ, Cẩm kể:
Một tuần lễ sau khi nộp
đơn xin trở thành ca sĩ trong một ban nhạc đang được ưa thích lúc bấy giờ, tôi
nhận được thư mời đến thử giọng. Khi đến
nơi thì ông bầu và ông trưởng ban nhạc đã chờ sẵn. Họ tiếp đãi tôi rất niềm nở và hỏi trước đây
tôi có hát ở đâu chưa. Tôi cho họ biết
tôi đã được hát trong nhà thờ một thời gian.
Liếc
nhìn thấy Kim Sa đang chăm chú lắng nghe, Cẩm hào hứng kể tiếp:
Họ có vẻ rất hứng thú và mời tôi vào phòng ghi
âm để thử giọng. Sau khi nghe tôi hát được
vài câu thì ông bầu thở dài nói:
- Chỉ có Chúa mới
đủ kiên nhẫn để nghe anh hát hết bài, và chỉ có Chúa mới đủ nhân từ để không tống
cổ anh ra khỏi nhà thờ. Anh ra ngay, đừng
để tôi phải đá anh ra khỏi cửa!”
Cả
bàn phá lên cười như vỡ chợ. Kim Sa cũng
cười khúc khích hỏi:
-
Sau đó anh còn xin hát ở đâu nữa không?
Cẩm
thở dài:
-
Không có tri kỷ thì còn hát làm gì nữa!
Từ đó tôi chỉ hát cho một mình mình nghe thôi!
Kim
Sa nheo mắt trêu chọc:
-
Như vậy anh cũng nhân từ và kiên nhẫn với chính mình nhỉ? Nhưng đừng kiếm cớ mà không trả nợ cho Kim Sa
đó nhe!
Cẩm
thích thú thấy Kim Sa đã đổi cách xưng hô.
-
Như vậy anh sẽ kể một câu chuyện ngắn. Đồng
ý không?
-
Đồng ý.
-
Em đã đồng ý rồi. Nếu câu chuyện không
làm em vừa lòng thì không được trách anh đấy nhé.
-
Dĩ nhiên rồi. Anh cứ kể đi.
Cẩm
nói lớn cho mọi người nghe:
-Thưa
quý vị hồi nãy Kim Sa đã hát bài “Đám Cưới Đầu Xuân” theo yêu cầu của tôi. Để đáp lễ, tôi sẽ kể một câu chuyên tựa đề là
“Đêm Tân Hôn” cho cuộc hôn nhân đó được trọn vẹn.
Rồi
Cẩm bắt đầu kể:
“Đêm tân hôn,
cô dâu ngượng ngùng thỏ thẻ:
-Anh ôi. Em hổng biết gì dzề dzụ đó hớt à. Anh chỉ cho em nhe!
Chú rể cười
khuyến khích:
- Dzụ đó dễ ợt
hà. Cứ xem cái của em là nhà tù, còn của
anh là thằng tù. Cứ bắt thằng tù nhốt lại
là xong!
Việc bắt tù, nhốt
tù được thành công tốt đẹp. Cô dâu thích
quá. Một lát sau thỏ thẻ:
-Anh ôi! Thằng
tù nó xổng chuồng gồi!
Chú rể hăng
hái:
-Để anh nhốt nó
lại cho em.
Xong việc, chú
rể đang nằm hút thuốc lấy lại sức, cô dâu lại nũng nịu:
-Anh ôi! Nó lại
xổng chuồng nữa gồi. Nhốt nó lại đi
anh!
Chú rể dụi tắt điếu
thuốc lá, uể oải nhốt thằng tù lại rồi nằm xụi lơ thở hổn hển.
Được chừng hai mươi
phút, cô dâu lại nũng nịu:
-Anh ôi. Thằng tù lại xổng chuồng gồi. Em hổng chịu đâu! Nhốt nó nữa đi anh!
Lần này chú rể
nổi quạu:
- Mãn hạn tù phải
thả nó ra chứ. Nó có bị tù chung thân
đâu mà nhốt hoài được!”
Cách
kể chuyện dí dỏm, từ tốn với vẻ mặt tỉnh bơ, cùng giọng nói của một tên Bắc Kỳ
bắt chước tiếng Nam Kỳ miền Rạch Giá khiến mọi người cười ầm lên như vỡ chợ. Kim Sa ngượng ngùng cúi nhìn xuống bàn. Cẩm chợt thấy bất nhẫn. Trong lúc cao hứng chàng đã kể một câu chuyện
đúng ra là chỉ nên kể với bạn bè lính tráng mà thôi. Kể với những thiếu nữ như Kim Sa là một xúc
phạm với họ.
Đang
tìm một cớ để gợi chuyện cho nàng thoát khỏi cảnh thẹn thùng đó một cách tự
nhiên, chợt nghe tiếng cụng ly chan chát vang lên. Chàng quay qua hỏi Kim Sa:
-
Kim Sa có biết tại sao khi uống rượu người ta phải cụng ly không?
Cũng
đang muốn thoát khỏi tình trạng khó xử hiện tại, Kim Sa mở to mắt hỏi:
-
Cũng có lý do nữa sao anh. Em tưởng đó
chỉ là một thông lệ thôi chứ?
Cẩm
giải thích:
-
Khi uống rượu thì mắt được nhìn màu sắc hấp dẫn của rượu. Tay được cầm ly rượu. Mũi ngửi được mùi thơm quyến rũ. Lưỡi nếm được hương vị cay cay nồng nồng của
nó. Do đó người ta phải cụng ly để tai
nghe được âm thanh cho cả năm giác quan đều được tham dự cuộc vui, không giác
quan nào bị thiệt thòi hết.
Kim
Sa cười thích thú:
-
Hay quá. Thế mà bây giờ em mới được nghe
giải thích lý thú đó.
Cẩm
cũng cười:
-
Thật ra anh cũng chỉ mới khám phá ra điều đó từ lúc gặp em thôi.
Kim
Sa nhíu mày:
-
Em có liên quan gì đến rượu bia đâu mà anh lại nói vậy?
Nhìn sâu vào mắt Kim Sa, Cẩm trìu mến nói:
-
Từ lúc gặp em anh mới thấy rằng muốn thưởng thức trọn vẹn một vẻ đẹp cần phải sử
dụng cả năm giác quan. Thiếu một giác
quan cũng vẫn là thiếu sót.
Kim
Sa ngượng ngùng bâng khuâng đưa mắt nhìn ra cửa sổ…
Gắp miếng thịt gà rô ti tiếp Kim Sa, Cẩm
hỏi:
-
Em trốn ở đâu mà mãi tới mấy ngày trước anh mới đụng phải xe em vậy?
Kim
Sa cười:
-
Em đâu có sinh sống ở đây đâu mà anh gặp được.
Thực ra quê em tại Xã Phước Vân này, nhưng gia đình em dọn lên Saigon từ
khi em còn nhỏ mới học lớp Nhì. Chỉ còn
dì Út ở đây thôi. Nhà dì ở gần nhà chú
Sáu Tống. Lâu lâu em có về thăm dì nhiều
lắm là một tuần lễ thôi. Lần này Ba Má
cho em về ba tháng hè để thoát khỏi không khí ngột ngạt của thành phố. Hết hè, em trở về Saigon để bắt đầu năm học mới.
-
Có phải Dì của em là bà Út Lan, chủ xe đò đường Rạch Kiến-Saigon không?
-
Đúng rồi đó anh.
-
Em đang học gì vậy?
-
Em học Văn Khoa ban Anh Văn. Hết hè em
vào năm thứ hai.
-
Sao em lại quen ban nhạc và tham gia văn nghệ vậy?
Kim
Sa cười:
-
Nghe nhỏ bạn ngày xưa, hiện làm thư ký trong Quận, nói hôm nay có ban nhạc từ
Saigon đến trình diễn. Vốn thích ca hát
nên em nhờ nó giới thiệu với ông bầu để tham gia cho vui mà thôi.
Tàn
tiệc, Cẩm đưa Kim Sa ra khỏi phòng ăn hỏi:
-
Em về bằng gì?
-
Em đi xe lam. Hôm nay dì Út cần xe nên
em không mượn được.
-
Anh cũng về Phước Vân. Để anh chở em về nhé!
Kim
Sa ngần ngại:
-
Không được đâu anh. Thiên hạ dị nghị chết.
-
Vậy để anh về cùng xe lam với em.
Kim
Sa ngần ngừ:
-
Được không anh? Có gì bất tiện không? Nếu anh đưa em về, rồi quay lại đây lấy xe, rồi
lại trở về đơn vị thì đã quá trễ. Nguy hiểm
lắm anh ạ!
Cẩm
trấn an:
-
Để anh bảo thằng đệ tử chạy xe của anh theo
sau là xong. Không có gì trở ngại cả.
Cẩm
ngoắc tay gọi Đực, đưa chìa khóa xe và dặn anh ta vài câu.
Hai
người sánh vai nhau ra bến xe. Cẩm nhường
cho Kim Sa bước lên xe trước. Vì sơ ý nàng
đụng đầu vào thành xe đau điếng. Kim Sa
vừa xoa đầu vừa nhăn mặt. Cẩm hấp tấp bước
vội theo rồi cũng như Kim Sa, đụng đầu vào thành xe. Đang đau Kim Sa cũng phải bật cười nhìn chàng
như trách móc, như chế diễu. Một phụ nữ
đứng tuổi trong xe mỉm cười nói:
-
Cô đây đã bị đụng đầu rồi mà sao cậu không cẩn thận để cũng bị đụng đầu như cô ấy vậy?
Ngồi
xuống cạnh Kim Sa, Cẩm vừa xoa trán vừa trả lời:
-
Không phải cháu sơ ý đâu Bác. Cháu cố
tình đấy, vì nếu không cô ấy lại than thở là đau đớn phải gánh chịu một mình.
Khách
trong xe lam bật cười. Kim Sa ghé tai
chàng nói nhỏ:
-
Anh cũng mồm mép lắm chứ không vừa đâu!
Cẩm
cười:
-
Thế mà ngay trong những phút đầu tiên đã bị em hạ 2-1 rồi đấy
Kim
Sa cũng cười:
-
Ai biểu anh sửa lời bài hát để chọc quê em làm chi.
Cẩm
nheo mắt:
-
Ai bảo em là “cô nàng đỏng đảnh.”
Hai
người nhìn vết bầm trên trán nhau cười xòa.
Một ý tưởng ngồ ngộ thoáng qua, Kim Sa muốn vết thương trên trán mình
và trên trán Cẩm thành thẹo. Để có một kỷ
niệm.
Xe
bắt đầu chuyển bánh, nàng bâng khuâng nhìn làn bụi đỏ từ từ bốc lên phía sau. Đột nhiên một thoáng buồn hiện lên trên khuôn
mặt khả ái.
X
XX
Kim
Sa và Cẩm thong thả dạo bước trên những con đường đất nhỏ trong xã. Sau buổi văn nghệ, tình cảm giữa hai người
càng ngày càng thắm thiết hơn. Mỗi khi
có dịp, Cẩm thường đến nhà dì Út Lan để thăm nàng. Ngược lại, thỉnh thoảng Kim Sa cũng ghé vào
Căn Cứ Hành Quân Liên Đội để cùng chàng chuyện vãn. Tình cảm giữa hai người càng ngày càng khắn
khít, để rồi tình yêu đến với họ một cách âm thầm, nhẹ nhàng, và êm ái. Ở Kim Sa, Cẩm thấy được tính tình thuần hậu,
sự thông minh cũng như lòng nhiệt thành, đôi khi nông nổi đáng yêu của
nàng. Và dĩ nhiên phải kể đến đôi mắt. Đôi mắt màu hạt dẻ đã thu hồn chàng ngay từ
buổi gặp gỡ đầu tiên. Kim Sa mến Cẩm ở
cuộc sống nội tâm, ở lòng chân thành, và ở tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh Cẩm, nàng cảm thấy mình nhỏ bé và an
toàn.
Cảnh
vật thật yên tĩnh. Bàu trời trong xanh
không một cụm mây. Trong xã trồng nhiều
cây ăn trái nên không khí mát mẻ, dễ chịu dù bên ngoài trời đang nắng gắt.
Trong
sân trước của ngôi nhà ven đường, một giàn mướp hương đang trổ hoa vàng tươi thắm
đong đưa trong gió. Gần đó, một chàng gà
trống màu sắc rực rỡ, chiếc mào đỏ hiên ngang, và đôi cựa dài như cặp song kiếm
của các hiệp sĩ thời trung cổ, đang xệ hai cánh ngửng cao đầu oai vệ bước
đi. Một nàng gà mái dầu e lệ, nhu mì, ngoan
ngoãn theo sau.
Liếc
nhìn Cẩm trong bộ quân phục tác chiến đang đi bên cạnh mình, nhìn đôi gà trong
sân, Kim Sa chợt có ý tưởng so sánh rồi mỉm cười vu vơ.
Chàng
gà trống dừng lại ngậm một con dế trong mỏ, vừa đưa lên, hạ xuống vừa kêu cúc
cúc cúc cúc gọi nàng gà mái tới nhường miếng ăn ngon cho nàng. “Hối lộ” xong, chàng xoè cánh bên phải xuống,
chân phải làm trụ, chân trái cào cào xuống đất tán tỉnh. Nàng gà mái e lệ ngập ngừng một chút rồi nằm
xuống chiều chàng. Nhớ tới câu chuyện tiếu
lâm “nhốt tù” mà Cẩm đã kể hôm nọ, Kim Sa đỏ mặt quay đi.
Cẩm
chợt hỏi:
-
Em đang nghĩ gì thế?
Kim
Sa lúng túng:
-
Không, không. Em có nghĩ gì đâu?
Cẩm
tò mò:
-
Có mà. Để anh đoán thử xem nhé.
Kim
Sa cuống quýt:
-
Đã nói là không mà. Anh đoán bậy em giận
anh đó!
Cẩm
nhún vai tiếp tục cất bước. Chàng đưa Kim
Sa đến ngồi bên gốc cây to cạnh bờ ao bìa làng.
Từng đàn cá lòng tong tung tăng bơi lội ngược xuôi trong làn nước đục dưới
bóng mát của những cụm lá cây bông súng đang lặng lờ trong nước. Bên kia bờ ao, cả một cánh đồng bao la, xanh
ngát màu lá mạ của những cây lúa đang thì vào giữa vụ mùa, tô điểm thêm màu sắc
cho cảnh thiên nhiên của vùng đồng bằng bớt khô cằn, trơ trọi. Cẩm nhặt một hòn đất ném xuống ao làm mặt nước
dợn lên những làn sóng nhỏ lăn tăn. Kim
Sa thì thầm:
-
Đừng anh.
Cẩm
ngạc nhiên:
-
Sao vậy?
-
Đừng làm mấy con cá sợ. Hãy cho nó hưởng
thanh bình như chúng ta đang hưởng đi anh.
Ngưng
một chút Kim Sa thở dài nói tiếp:
-
Phong cảnh yên tĩnh, bình dị quá! Thật
tuyệt vời nếu không còn tiếng súng. Tại
sao cứ chiến tranh hoài vậy anh?
Cẩm
thở dài:
-
Tất cả chỉ do tham vọng của con người.
Vì tham vọng, lãnh đạo công sản đã xua quân xâm chiếm miền Nam bất kể mạng
sống của người dân. Chúng ta bắt buộc phải
tham gia chiến tranh chỉ để tự vệ mà thôi.
Kim
Sa thắc mắc:
-
Thế nhưng tại sao phải cần quân đội Mỹ hiện diện? Sự có mặt của họ khiến xã hội bị đảo lộn. Xáo trộn về kinh tế. Suy đồi về đạo đức!
-
Cuộc chiến hiện nay đang chuyển sang một giai đoạn khác với sự tham dự tích cực
hơn của các nước trong thế giới Cộng Sản, và các nước trong thế giới Tự Do. Phía Việt Cộng được yểm trợ dồi dào về nhân lực
cũng như vũ khí của Trung Cộng và Liên Bang Sô Viết. Do đó ta cũng cần sự yểm trợ của Mỹ để cân bằng
lực lượng. Đành rằng sự hiện diện của
người Mỹ gây nên những xáo trộn, nhưng đó chỉ là nhất thời có thể giải quyết được
sau này. Hiểm họa bị Cộng Sản xâm lăng mới
khủng khiếp, gây tác hại thê thảm và lâu dài.
Ngửa
mặt phà khói thuốc lên không gian, Cẩm trầm ngâm nói tiếp:
-
Sau kỳ nghỉ hè này, đừng bao giờ em trở về đây nữa. Thỉnh thoảng anh sẽ về Saigon thăm em.
Kim
Sa tròn mắt:
-
Sao vậy anh?
-
Anh e rằng nơi đây rồi sẽ không còn yên ổn nữa.
Quận Rạch Kiến với một tiểu đoàn của Sư Đoàn 9 Bộ Binh Mỹ cùng pháo binh,
và thiết vận xa M113 tăng cường trấn đóng, phối hợp với những tiền đồn Phước
Vân, Long Cang, Long Định…thuộc Long An, cùng với Cát Lái, Nhà Bè và Bình Đức của
Mỹ Tho tạo nên một phòng tuyến vững chắc phòng thủ phía Nam Thủ Đô Saigon. Do đó muốn tiến chiếm Saigon từ phía Nam, bằng
mọi giá VC phải phá vỡ phòng tuyến này. Phước
Vân sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên của họ vì vị trí chiến lược của nó.
Kim
Sa định nói gì đó, nhưng rồi lại thôi, nét mặt trầm tư nhìn xuống đàn cá đang đớp
mồi trên mặt nước lăn tăn.
-
Tại sao tự nhiên em buồn? Cẩm hỏi.
Kim
Sa mỉm cười:
-
Không, em có buồn đâu! À, để em tiết lộ
cho anh biết một bí mật nhé. Ngoài tên
Kim Sa em còn có tên là Tiên. Tên này chỉ
có người trong gia đình biết thôi.
Cẩm
tán thưởng:
-
Tên hay lắm. Hồi còn nhỏ anh rất thích một
chuyện cổ tích mà Mẹ vẫn thường kể cho nghe trước khi ngủ. Chuyện kể rằng có một nàng công chúa trẻ đẹp
từ chối mọi lời cầu hôn của các vương tôn công tử để yêu một chàng thanh niên
bình thường chỉ vì người thanh niên đó yêu nàng với tất cả trái tim.
Nhìn
Kim Sa âu yếm, Cẩm nói tiếp:
-
Em chính là nàng tiên đó. Và tên Tiên rất
hợp với em.
Ngừng
một chút, Cẩm nói tiếp:
-
Nhưng anh sẽ chỉ gọi em là Kim Sa thôi!
Kim
Sa ngạc nhiên:
-
Sao vậy? Tên Tiên chỉ dành cho người
trong gia đình thôi mà anh!
-
Anh hiểu ý của em. Cám ơn em. Nhưng tiên thì quá cao xa, có thể bay về trời
bất cứ lúc nào. Người trần như anh làm
sao mà giữ được!
Kim
Sa cười khúc khích:
-
Còn Kim Sa thì sao?
-
Kim Sa là cát vàng. Cát vàng kiêu sa. Cát vàng lóng lánh trong đêm. Cát vàng rực sáng dưới ánh mặt trời. Và điều quan trọng hơn cả là anh có thể mang
theo bên mình suốt đời!
Kim
Sa cười dòn dã:
-
Nhưng biết đâu nàng tiên đó lại yêu cơn mưa buồn hạ giới, yêu người lính phong
trần, nên từ chối về Trời thì sao?
Cẩm
mỉm cười nhìn nàng thầm cám ơn, nhẹ hôn lên đôi môi mọng phơn phớt hồng khẽ nói:
-
Đó là mong ước của anh!
Ngồi
tựa lưng vào Cẩm, đưa mắt nhìn bàu trời trong xanh, Kim Sa mơ màng nói:
-
Em rất thích những mối tình trong truyện của Kim Dung. Mỗi chuyện tình mỗi khác, nhưng đều đẹp, đều chí
tình, và thơ mộng.
-
Em thích chuyện tình của nhân vật nào nhất?
- Em thích nhất tình yêu đơn phương của A Tử với Tiêu Phong.
Tuy kết cục bi thảm, nhưng rất đẹp và rất
đáng thương, dễ làm người đọc xúc động. Sợ
mất Tiêu Phong, A Tử đã dùng độc trâm toan bắn mù mắt chàng để vĩnh viễn chàng không
rời xa mình được nữa. Vì yêu Tiêu Phong,
nàng đã móc cặp mắt trả lại cho Du Thản Chi để không vì món nợ ân tình đó mà
Tiêu Phong bắt nàng phải đi theo người mình không yêu. Sau đó nàng đã ôm xác Tiêu Phong nhảy xuống vực sâu trăm trượng
ở Nhạn Môn Quan để xa lánh thế nhân, rời xa những lời thị phi nghiệt ngã của
người đời, thỏa nguyện ước bên chàng suốt đời.
Đưa tay phủi một cọng cỏ khô trên mái
tóc Kim Sa, Cẩm gật đầu nói:
-
Anh đồng ý với em. Kim Dung diễn tả nhân
vật này rất hay. Tình yêu không biến đổi
được tâm tính của A Tử, nhưng đã thay đổi cách nhìn của độc giả với nhân vật này. Từ căm ghét người con gái độc ác, điêu ngoa, xảo
trá, người đọc đã thông cảm và xót thương nàng.
Nghiêng đầu ngước lên nhìn Cẩm, Kim Sa
trìu mến hỏi:
-
Bản tính anh rất lãng mạn, đôi khi mơ mộng.
Nhưng với những người lính dưới quyền hình như anh là một con người khác
hẳn. Nghiêm khắc. Cứng rắn. Đôi khi thô lỗ. Tại sao vậy anh?
Khẽ
thở dài Cẩm trả lời:
-Thưc
ra anh có muốn như vậy đâu em.
Châm điếu thuốc
lá, hít một hơi dài, thở khói ra thành những vòng tròn tiếp nối nhau toả rộng
ra, mờ nhạt rồi tan dần trong không gian, Cẩm nói tiếp:
-
Ngày đầu tiên nhận Trung Đội với chức vụ Trung Đội Trưởng anh rất bỡ ngỡ. Em thử tưởng tượng, từ một cậu sinh viên hiền
lành chưa bao giờ xa rời mái ấm gia đình mà bây giờ phải giữ chức vụ chỉ huy
hơn hai mươi người lính, trong đó có nhiều người lớn tuổi hơn mình thì làm sao
mà không bỡ ngỡ, lúng túng cho được. Đến
bữa ăn trưa, họ mời anh đến ăn chung.
Trên mâm cơm còn có một chai rượu đế.
Họ rót rượu vào trong một chung nhỏ rồi luân phiên uống. Họ mời anh uống trước. Anh rất ngần ngại vì từ nhỏ có bao giờ uống
rượu đâu. Nhiều lắm là lén mẹ uống một
chai bia là cùng. Nhưng nhớ lời thằng bạn
thân, khi ấy đã là Trung Úy, dặn anh là muốn lính thương yêu mình, phải hoà nhập
với họ. Phải biết uống rượu để khỏi bị chê
là lính sữa. Bởi thế, anh bảo người lính:
“Tôi không biết uống. Rót cho tôi nửa
chung thôi.” Uống nửa chung rượu vào anh
thấy cay xé cổ họng nhưng cũng nhăn mặt cố nuốt xuống. Liếc mắt thấy vài người lính mỉm cười chế nhạo. Tự ái của thằng con trai nổi dậy. Đến vòng uống thứ hai anh bảo: “Rót đầy." Người lính thoáng chút ngạc nhiên rồi làm theo. Chắc là do tự ái của anh quá cao mà anh ngửa
cổ rót thẳng chung rượu vào họng không chút do dự. Từ đó anh uống rượu dễ dàng như họ luôn.
Quay
người lại đối diện với Cẩm, vòng hai tay ôm cổ chàng, Kim Sa cười khúc khích
nói:
-
Kim Sa nghĩ không phải vì tự ái mà anh uống rượu “ngọt” như vậy đâu, mà là vì
anh có sẵn con sâu rượu tiềm ẩn trong người.
Đến lúc đó nó mới ngửi thấy mùi rượu, thức giấc và đòi uống mà thôi!
Cẩm
cười xoà:
-
Có thể như vậy. Hình như trong em cũng
có con sâu rượu thì phải vì em vừa sử dụng ngôn ngữ của dân nhậu là uống rượu
“ngọt” đó thôi!
Kim
Sa dẩu môi nũng nịu nói:
-
Anh lúc nào cũng muốn ăn thua. Không chịu
nhường em chút nào cả!
Khẽ
hôn lên trán Kim Sa như một lời xin lỗi, Cẩm kể tiếp:
-
Chưa hết. Sau cuộc hành quân đầu tiên
trong đời binh nghiệp, Trung Úy Đại Đội Trưởng gọi anh đến nói chuyện. Đại ý ông ta phê bình cách chỉ huy của anh
còn quá yếu. Lệnh đưa ra thì ngập ngừng,
có vẻ lịch sự, và còn mang tính chất học trò.
Ông nói khi ra lệnh cần phải dứt khoát, cương quyết, và đôi khi phải
văng tục, phải chửi thề. Điều này có tác
dụng tâm lý khiến người lính chỉ biết tuân phục và thi hành. Sự tuân phục và thi hành rất cần thiết cho an
toàn của đơn vị, nhất là khi đang ở ngoài chiến trận.
Kim
Sa nhăn mặt:
-
Có cần thiết phải như vậy không anh?
Cẩm
cười:
-
Lúc đầu anh cũng nghĩ như em, nhưng sau này anh thấy lời khuyên đó rất
đúng. Anh không muốn sau khi hô xung
phong, chạy lên đến nửa đường nhìn lại chẳng thấy ma nào chạy theo cả.
Kim
Sa mỉm cười thở dài nói:
-
Mong rằng đừng bao giờ em thấy con người thứ hai của anh!
X
XX
Trải
rộng tấm bản đồ hành quân trên bàn, Cẩm nói:
-
Theo tin tình báo độ khả tín cao thì đêm nay bốn tên VC sẻ xâm nhập xã Phước
Vân, chưa biết ý định của chúng. Đó là
Bí Thư Huyện Ủy, Ủy Viên Kinh Tài, Trưởng Ban An Ninh, và Giao Liên kiêm Xã Đội
Trưởng. Tên Trưởng Ban An Ninh này là một
tên rất gian ác từng xử tử nhiều người vô tội.
Đêm nay tao sẽ tổ chức phục kích để diệt tụi nó.
Kha
hỏi:
-
Kế hoạch của mày ra sao? Có cần yểm trợ
gì không?
-
Tụi nó có bốn thằng thì tao chỉ cần Tiểu Đội Thám Báo là dư sức qua cầu. Tao chỉ yêu cầu hỏa châu sẵn sàng. Khi đụng là có ngay.
-
Được. Tao sẽ liên lạc với Chi Khu và tụi
Mẽo để xin yểm trợ tối đa.
Rút
chiếc bút chì mỡ trong túi áo trận ra. Cẩm
chấm một điểm nhỏ trên bản đồ nói:
-
Đây là nhà tên giao liên mà tao vừa đề cập tới.
Nhà nó ở một mình trên thửa ruộng của gia đình, xa hẳn các căn nhà khác. Trong nhà có bố mẹ và con vợ đang mang bầu của
nó. Gia đình nó nói là nó giận vợ nên
đăng lính ở xa, tuốt miền Trung lận.
Nhưng tụi tao biết tỏng là nó đã thoát ly và hiện đang làm giao liên
kiêm xã đội trưởng Phước Vân.
Kha
cười cắc cớ hỏi:
-
Chồng đi xa sao con vợ lại có bầu?
-
Hỏi thì nó chối quanh nói là lên Saigon nằm ngủ ở bến xe bị hiếp. Hỏi ai hiếp, đáp không biết. Hỏi sao không thưa, nói có biết ai đâu mà
thưa.
Nhìn
xuống bản đồ, Cẩm tiếp:
-
Sau khi hoạt động trong xã, trên đường trở về nơi trú ẩn, thằng giao liên thường
hay dẫn cả bọn về nhà ăn uống, để nó có dịp hú hí với vợ. Do đó, lần này tao chắc chúng nó sẽ lại về đó
thôi. Hôm nay ngày 22 âm lịch, trăng lưỡi
liềm sẽ bắt đầu mọc khoảng 3 giờ sáng.
Chấm
một điểm khác trên bản đồ, Cẩm nói:
-
Tụi tao sẽ nằm phục kích tại đây trước khi trăng mọc để chờ tụi nó.
-
Như vậy mày sẽ phục kích trên đường về của tụi nó?
-
Đúng! Nếu phục kích trên đường đi sẽ có
điểm bất lợi vì mình không biết giờ tụi nó xuất phát nên nếu mình đi sớm dễ bị
lộ, còn đi trễ có thể bất ngờ đụng tụi nó giữa đường kết quả sẽ không được như ý. Ngoài ra, còn một bất lợi nữa là tụi nó sống
trong bóng tối quen rồi nên mắt nhìn trong đêm rõ hơn. Chặn đường về có lợi thế là mình đã sẵn sàng
và có ánh trăng yểm trợ. Ngoài ra, cả
đêm hành động được vô sự, rồi được ăn uống no nê ngon lành sau nhiều ngày đói
khổ khiến tụi nó ỷ y, mất cảnh giác.
Thêm vào đó, địa điểm tao chọn để phục kích nhiều sình lầy và nhất là rất
nhiều muỗi nên tụi nó không ngờ mình lại chịu khổ nằm ở đó đâu.
Chấm
thêm hai điểm trên bản đồ, Cẩm nói tiếp:
-
Để đánh lạc hướng, chiều nay tao sẽ cho từng thằng lính một làm bộ lang thang
rong chơi xuống Long Cang tập họp trong đồn để đến tối sẽ di chuyển xuống phía đám
rạch lá rồi đi chếch về hướng Phước Vân đến địa điểm phục kích trước khi trăng
lên. Trên đường đi, tụi tao sẽ dừng quân
tại đây và tại đây để nghi binh trước khi đến điểm kích.
Kha
gật đầu:
-
Nghe được lắm. Bây giờ Đại Úy Long đang
bận. Tao sẽ trình bày kế hoạch với ổng rồi
liên lạc với Chi Khu sau. Nếu có gì thay
đổi, tao sẽ cho mày biết. Nhưng khi di
chuyển mày nhớ nhắc mấy thằng em cẩn thận coi chừng “tao ngộ chiến” nghe Cẩm.
-
Tao biết. Mày cũng phải thông báo đến
các đơn vị bạn khu vực tụi tao làm ăn để tránh ngộ nhận kẻo phe ta và phe bạn
choảng nhau kịch liệt thì hỏng bét. À! Mày nhớ thông báo tụi Mẽo luôn nhe. Mấy ông trời con này hay bắn pháo binh vô tội
vạ lắm. Tháng trước, đang nằm tại điểm
kích, tụi tao bị pháo binh của tụi nó dập cho te tua. May mà mày liên lạc được với tụi nó kịp thời,
chứ để tụi nó bắn thêm vài tràng nữa thì giờ này tao đã chễm chệ ngồi trên bàn
thờ rồi!
Kha cười:
-
Tụi nó có phải Ba Tàu đâu mà mày gọi tụi nó là Trời con?
-
Bởi thế tao mới gọi tụi nó là Trời con chứ không phải con Trời. Dù là Trời con nhưng cũng vẫn là Bố con Trời!
-
Sao mày có vẻ thù Ba Tàu thế?
Cẩm
cười:
-
Con bồ đầu tiên người Tàu lai của tao bị một thằng Chệt, con chủ xuất nhập cảng
phân bón ở Chợ Lớn, cuỗm mất thì sao không thù cho được!
-
À ra thế. Mối thù truyền kiếp cơ đấy! Thế nàng đã để lại dấu ấn gì khiến chàng
không quên được như thế?
Cẩm
cười thành tiếng:
-
Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng tao chỉ kể cho mày một chuyện thôi. Còn lại tao giữ riêng cho mình để thỉnh thoảng
nhớ lại, nguyền rủa cho đỡ tức!
Kha
cười khanh khách:
-
Đỡ tức hay đỡ tiếc đây?
Cẩm
cười lớn:
-
Cả hai. Bởi tiếc mới tức. Bởi tức mới tiếc!
Rồi
chàng kể:
-
Một hôm tao chở con nhỏ A Muối đó…
Kha
gật gù:
-
A Muối à? Tên nghe cũng mặn mà lắm. Không biết người ngợm có được mặn mà như vậy
không?
Cẩm
lắc đầu quầy quậy:
-
Không phải. Nó có tên Việt đẹp lắm. Từ ngày nó bỏ đi, tao đặt tên nó là A Muối
cho bõ ghét. Nhưng mày đừng ngắt lời, để
tao kể tiếp. Một hôm tao chở nó vào Chợ
Lớn ăn mì ở tiệm Mì Gia gì gì đó, tao quên mẹ nó tên rồi, vì nó nói mì ở đó rất
ngon, mới chính hiệu Ba Tàu. Trong khi
chờ đợi, tao hỏi nó muốn gọi thêm hành sống thì tiếng Tàu nói như thế nào. Nó nói tiếng Quảng Đông là “hồng sánh”. Còn tiếng địa phương khác thì nó không biết. Nếu tiểu nhị không phải người Quảng Đông thì
chắc không hiểu được. Muốn giựt le, tao ngoắc thằng “tiểu nhị” lại bảo
nó mang cho tao đĩa “hồng sánh”. Thằng Chệt
nghệt mặt ra không hiểu. Tụi Chệt mặt đã
ngố mà mặt thằng Chệt con này còn nghệt ra nữa, thành ra trông khôi hài lắm, cứ
như chúa Tàu nghe kèn Tây ấy! Còn A Muối
cứ rũ ra mà cười. Đến lúc đó tao mới hiểu
ra là A Muối xỏ tao vì “hồng sánh” chỉ là nói lái của hành sống mà thôi!
Kha
cười khoái trá:
-
Tàu lai mà rành cả nói lái nữa cơ à? Độc
đáo à nhe!
Cẩm
cũng cười:
-
Sau này nó mới cho tao biết là nó là Tàu lai nhưng mất mẹ nó gốc rồi. Bây giờ nó gốc rau muống. Do đó nó chả biết một tiếng Tàu nào cả. Ngay cả những câu thông thường như “Ngộ Ái Nị”
cũng do mấy con bạn người Việt dạy nó.
Nó còn kể là có lần chú nó hỏi có biết “Mao Xếnh Xáng” Mao Trạch Đông là
ai không thì nó bảo đó là thằng cha Ba Tàu bụng phệ, hay khạc nhổ bừa bãi bán hủ
tiếu đầu ngõ!
Kha
cười phá lên:
-
Con nhỏ này “kháu” thiệt! Tao cũng bắt đầu
“tức” nó rồi đó.
Cẩm
cầm tấm bản đồ lên, bước ra khỏi Trung Tâm Hành Quân, Kha nói vói theo:
-
Lần này ráng nhịn đừng nhòm khe cửa nữa nghe cha nội! Hỏng việc ổng dũa cho te tua đó!
Cẩm
cười lớn:
-
Yên trí đi. Lần này tao nằm giữa ruộng,
không có ma nào hết. Hơn nữa, đền dầu tù
mù mà tụi nó còn nằm trong mùng nữa thì có thấy đếch gì đâu mà ham!
XX
Tiểu
Đội đã nằm phục trong đám sình lầy này sau một bờ đất dài đã hơn một tiếng đồng
hồ. Thuốc chống muỗi không đủ tác dụng
ngăn chặn đàn muỗi đói cứ nhất loạt ồ ạt tấn công. Mọi người cố gắng chịu trận, chỉ dám quơ tay
xua đuổi chúng mà thôi. Trăng đã mọc mà
sao vẫn chưa thấy bóng dáng địch quân xuất hiện? Những câu hỏi không giải đáp hiện ra luẩn quẩn
trong đầu Cẩm. Cả bọn đã mất một thời
gian dài âm thầm lội qua nhiều thửa ruộng một cách thận trọng trong đêm tối để
đến đây an toàn và bí mật. Thế mà chờ từ nãy tới giờ, trăng lưỡi liềm đã
mọc mà địch vẫn biệt tăm. Tin tình báo
sai? Bọn chúng thay đổi kế hoạch, hay đã
rút về đến khu an toàn trước khi mình tới đây?
Một
đám mây đen kéo qua che kín bầu trời khiến cảnh vật chìm trong bóng đêm. Cả bọn lại căng mắt dỏng tai nghe ngóng. Cẩm lắc đầu than thầm. Giờ này tụi nó xuất hiện thì khó mà đạt kết
quả trọn vẹn như mong muốn được!
Mây
đen từ từ trôi qua trả lại ánh sáng cho trái đất. Cẩm chợt giật nẩy người. Năm bóng đen hiện rõ trên nền trời mờ nhạt đang
lặng lẽ tiến về phía chàng. Cả tiểu đội
quên cả tiếng vo ve khó chịu và những đợt tấn công điên cuồng của đàn muỗi đói,
hướng súng về phía mục tiêu, căng mắt nín thở chờ lệnh của người chỉ huy. Đợi địch
quân di chuyển vào đúng vị trí tốt nhất để tác xạ, Cẩm phát lệnh nổ súng. Mười một vũ khí cá nhân vừa M16, vừa phóng lựu
M79 đồng loạt khai hỏa. Tiếng súng nổ
vang cả một góc trời xé toang màn đêm tịnh mịch hòa với tiếng hiệu thính viên
báo cáo, tiếng nổ chát chúa của AK47 bắn trả lại, tiếng trái sáng cá nhân rít
lên xé toang màn đêm tăm tối tạo thành âm thanh hỗn tạp đầy sát khí của chiến tranh. Cẩm thấy hai tên đã bị hạ ngay trong loạt súng
đầu tiên, ba tên còn lại chạy được một quãng rồi cũng gục xuống cùng chung số
phận. Hỏa châu yểm trợ từ Quận bắn lên rực
sáng cả một góc trời. Cẩn thận quan sát
một lúc, Cẩm cùng Tiểu Đội súng trong tay dàn hàng ngang tiến tới lục soát. Tất cả năm tên đều bị hạ. Cẩm rất hài lòng vì kế hoạch phục kích tỉ mỉ
của mình đã thành công đúng như dự tính.
Chợt chàng nhận thấy một “tử thi” đang nằm nghiêng cạnh một bờ ruộng cựa
quậy ú ớ rên lên nho nhỏ. Bước vội tới lật
ngửa người đó lên để xem xét vết thương.
Chợt chàng hoảng hốt kêu lên:
-Kim
Sa! Tại sao lại là em?
Cẩm
quýnh quáng cởi trói, và tháo khăn bịt miệng cho nàng lắp bắp hỏi:
-
Tại sao em lại bị bắt như thế này?
Kim
Sa ngước mắt nhìn chàng, đôi dòng lệ chảy dài trên má. Gương mặt thoáng nét vui mừng, nàng thều
thào:
-
Cẩm! Là anh ư?
Cẩm
mếu máo:
-
Anh đây. Em nằm yên để anh băng bó vết
thương cho em.
Đặt
Kim Sa nằm trên đùi, Cẩm cuống quýt gỡ cuộn băng cá nhân trên mũ sắt xuống, vừa
cuống cuồng băng bó vết thương đang tuôn máu trên ngực Kim Sa, vừa thét gọi
truyền tin xin trực thăng tản thương.
Kim
Sa nghẹn ngào đứt quãng:
-
Không ngờ họ ác quá. Họ định xử tử em.
Cẩm
đau đớn thổn thức:
-
Anh đã giết em rồi Kim Sa ơi! Trời ơi
anh đã giết em!
Kim
Sa nắm lấy cánh tay chàng thều thào:
-
Không, anh không có lỗi gì cả. Đằng nào
em cũng sẽ phải chết đêm nay. Thà chết
trong tay anh còn hơn bị họ giết!
-
Không, em không thể chết được. Trưc
thăng tới sẽ cứu được em.
-
Muộn rồi! Anh hãy để em nói hết những điều
cần nói chứ e rằng không còn kịp nửa.
Rồi
như kiệt sức, giọng nàng yếu dần, ngập ngừng đứt quãng:
-
Gặp dì Út… đọc lá thư..em viết…anh sẽ hiểu. Xin… lỗi.. anh.
Đôi
mắt Kim Sa như lạc thần. Bám chặt lấy
cánh tay Cẩm, nàng thều thào:
-
Lạnh… quá! Hai chân… em…lạnh…quá. Lạnh… tới bụng… rồi!…Ôm…em…đi…Cẩm. Đừng… buông… em… ra. Em …không …muốn xa… anh. Em không… muốn chết… Cẩm ơi!…Em…không…muốn chết…
Ánh
mắt tha thiết yêu đương nhìn Cẩm từ từ dại đi, vô hồn. Bàn tay lỏng ra buông rời cánh tay chàng, Kim
Sa thở hắt ra rồi nghẹo đầu qua một bên.
Cẩm tuyệt vọng kêu lên;
-
Đừng bỏ anh Kim Sa ơi!
Ôm sát Kim Sa vào người, Cẩm gục mặt xuống
ngực nàng mặc cho nước mắt tuôn tràn. Những
giọt nước mắt khổ đau, ai oán lả chả rơi xuống xuyên qua lớp áo, hòa với máu thấm
vào người Kim Sa như cay đắng oán trách cho kết cục bi thảm đầy máu và nước mắt
của một cuộc tình ngang trái. Mưa bắt đầu
rơi lộp độp trên nón sắt hòa với tiếng côn trùng rả rích trong đêm buồn thảm như
những âm thanh nức nở nghẹn ngào.
Bồng
Kim Sa tới một gò đất nhỏ gần đấy đặt nàng nằm xuống, Cẩm cởi áo trận ra, nhẹ
nhàng, trìu mến đắp lên người Kim Sa, rồi quỳ xuống bên cạnh nhìn nàng đau xót. Đôi mắt màu hạt dẻ giờ không còn tinh anh nữa. Đôi mắt vô hồn nhưng vẫn chứa đựng cả một trời
đau thương, tủi hận. Khuôn mặt nàng nhăn
lại như đau khổ nuối tiếc cuộc tình dang dở.
Lòng đau như cắt, Cẩm lặng nhìn Kim Sa một lúc rồi đưa tay định vuốt mắt
nàng. Nhưng lại không nỡ, thẫn thờ buông
tay xuống, xót xa nhìn khuôn mặt thương yêu ngày nào giờ tái nhợt, hằn lên nét đau
đớn mà lòng quặn thắt. Thời gian trôi qua, Cẩm nhẹ nâng đầu nàng, hôn lên đôi môi
tái nhợt như một lời vĩnh biệt, rồi bậm môi thu hết can đảm vuốt mắt nàng. Đôi mắt Kim Sa từ từ khép lại theo bàn tay Cẩm. Một dòng máu tươi ứa ra từ khóe miệng. Và như có phép lạ, nét đau đớn trên khuôn mặt
nàng dãn ra từ từ, dịu lại dần dần rồi trở về nét thanh thoát hiền dịu cố hữu. Cẩm ngẩn người ra nhìn. Qua cặp kính cận nhạt nhòa nước mắt pha nước
mưa, Cẩm như mơ hồ nhìn thấy một bóng trắng thoát ra khỏi thân xác Kim Sa, đôi
mắt u buồn, lưu luyến nhìn chàng từ từ bay lên.
Cẩm
hoảng hốt nhoài tới vươn tay giữ Kim Sa lại, bất thần mất đà ngã úp lên người
nàng khóc lên rưng rức.
Mưa
mỗi lúc một nặng hột. Trong tĩnh mịch của
màn đêm, tiếng mưa rơi, tiếng côn trùng than thở hòa với tiếng nấc nghẹn ngào của
Cẩm vang lên dưới ánh sáng mờ mờ ảo ảo của vầng trăng hạ huyền rọi xuống hình ảnh
đau thương não lòng của đôi tình nhân trong giây phút tử biệt. Mười hai người lính đồng loạt đứng thẳng người,
giơ tay chào tiễn đưa linh hồn người con gái bạc phước.
Đâu
đây tiếng chim cú gọi hồn rúc lên từng hồi thảm não thê lương…
X
XX
“Phước Vân, Ngày…Tháng…Năm…
Anh,
Khi anh nhận được lá
thư này thì em đã ra đi. Em mong rằng, anh
sẽ hiểu và tha thứ cho quyết định đột ngột của em.
Cuộc đời của em đã đi
vào một ngã rẽ làm thay đổi hẳn định mệnh của mình. Năm đó em đang học lớp Đệ Nhất trường Lê Văn
Duyệt vào lúc cuộc tranh đấu của sinh viên học sinh bùng nổ mãnh liệt.
Qua tờ báo đối lập
Tin Sáng mà em đọc hàng ngày, và qua các tin tức truyền miệng trong giới học
sinh, em rất ngưỡng mộ sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm, một lãnh tụ nổi bật nhất
của phong trào sinh viên học sinh.
Từ sự ngưỡng mộ đó,
em bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình do Huỳnh Tấn Mẫm tổ chức. Dần dần vì em có những hành động táo bạo, và
những khôn ngoan thoát khỏi các cuộc bắt bớ của Cảnh Sát nên được ban lãnh đạo
biểu tình chú ý.
Qua năm sau, bất ngờ
một thanh niên đến gặp em và tự giới thiệu tên Thành, sinh viên Luật, chuyển lời
khen ngợi của Huỳnh Tấn Mẫm, và mời em đến Đại Học Xá Minh Mạng để dự cuộc hội
thảo về tình hình đất nước.
Rồi sau đó thỉnh thoảng
họ giao công tác cho em, và lần nào em cũng hoàn thành xuất sắc. Do đó em được tin tưởng nhiều hơn, và được
tham dự các buổi hội thảo chính trị bí mật tại nhiều địa điểm khác nhau.
Trong những buổi hội
thảo này, họ đưa ra chủ trương tranh đấu:
1.
Chống
leo thang chiến tranh. Chống quân sự học
đường
2.
Đòi
Mỹ rút quân và ngưng yểm trợ Tổng Thống Thiệu.
3. Hòa hợp hòa giải dân tộc.
Lúc đó em nhận thấy
rằng mục tiêu tranh đấu của họ rất hợp lý và hoàn toàn vì dân vì nước nên em càng
hăng say hơn trong công tác họ giao phó.
Xen vào những buổi hội thảo, thỉnh thoảng họ chỉ cho em cách thức thu thập
và khai thác tin tức. Thực tình lúc đó
em cũng không biết để làm gì.
Thế rồi, cuối tháng
Năm vừa qua, họ muốn em nhân ba tháng hè về Rạch Kiến, ở nhà dì Út, không hiểu
sao họ biết dì Út của em, để thi hành một nhiệm vụ mà họ nói là rất quan trọng. Đó là làm quen với anh, sĩ quan tình báo kiêm
an ninh Tiểu Đoàn, để tìm hiểu mạng lưới tình báo của anh, và hệ thống phòng thủ
đồn Phước Vân mà theo họ đồn này là trở ngại lớn cho chủ trương tranh đấu của họ. Họ còn mô tả những người lính các anh là tay
sai cho Đế Quốc Mỹ, đang tiếp tay cho Mỹ để đưa dân tộc vào vòng nô lệ.
Tuổi trẻ háo thắng cộng
với nhiệt tình, cùng với tác động của những buổi hội thảo chính trị cũng như lời
tâng bốc so sánh em với những anh thư khiến em hăng hái nhận lời không cân nhắc.
Tới Phước Vân được vài
hôm, đang tìm cách làm quen với anh sao cho thật tự nhiên, thì dịp may đã đến
khi em nhìn kính chiếu hậu thấy anh đang chạy xe phía sau. Em đã dàn cảnh bật đèn “xi nhan” bên trái, rồi
quẹo mặt để gây tai nạn. Đồng thời đóng
vai “cô nàng đỏng đảnh” để tạo ấn tượng mạnh, gây thêm sự chú ý cho anh. Hôm đó, em tưởng là anh sẽ chạy theo, nhưng
không ngờ anh chỉ đứng ngẩn người trông theo.
Bởi thế, em lại phải nhờ con nhỏ bạn xin cho em hát trong buổi văn nghệ. Và như anh biết, em đã thành công trong ý định
làm quen với anh.
Thế rồi qua những lần
tiếp xúc, em nhận thấy anh là một người yêu nước, có tâm hồn, và thẳng thắn. Thêm vào đó, quan sát sự đối xử, giao tiếp giữa
dân và lính, em thấy tình cảm đôi bên rất tốt đẹp, hoàn toàn không như họ mô tả
trong các buổi hội thảo. Điều này đã làm
em hoang mang. Cho tới một hôm em thấy
hai người lính các anh khiêng một phụ nữ đang mang bầu từ trong xóm lên đường lộ
để trực thăng chở lên nhà thương tỉnh cấp cứu vì đẻ khó. Em tưởng đó là vợ một người lính nào đó, và
em đã thực sự bất ngờ khi biết rằng đó là vợ của một du kích Việt Cộng hiện là
Trưởng Ban An Ninh Xã Long Định. Một
hung thần thường bắn sẻ gây thiệt hại không ít cho các anh!
Những điều này đã
làm em suy nghĩ rất nhiều. Từ đó em nhớ
tới bác Hai, một nhân viên tình báo cao cấp với vỏ ngoài là một thương gia bình
thường. Bác là anh ruột của Ba em, người
mà gia đình em rất kính trọng. Hôm đó
bác đến chơi và đề cập nhiều về tình hình chính trị đang rối rắm hiện nay. Bác cho biết Huỳnh Tấn Mẫm là đảng viên Cộng Sản
hoạt đông nổi, có nhiêm vụ gây xáo trộn ở hậu phương để yểm trợ cho chiến trường. Bằng mọi cách Huỳnh Tấn Mẫm phải nắm được lực
lượng Sinh Viên Học Sinh với cương vị Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh. Bởi thế, khi bị thua phiếu liên danh Lê Khắc Sinh Nhật, họ đã đồng loạt gây rối bằng
cách đập phá, ẩu đả gây thương tích cho nhiều người. Sau đó, họ tổ chức ám sát bắn chết Lê Khắc
Sinh Nhật ngay trong sân trường Đại Học Luật Khoa để cảnh cáo! Cơ quan tình báo biết rất rõ những hành động
của Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không làm được gì y cả vì không có bằng chứng kết tội để
đưa y ra tòa. Hơn nữa những tờ báo thiên
tả, và các trí thức, dân biểu đối lập, ra sức ủng hộ binh vực cho y, cộng với
áp lực của phe phản chiến Mỹ khiến cơ quan Cảnh Sát phải thúc thủ.
Nhiệt tình yêu nước cùng
với hoài bão dấn thân, cộng với ảnh hưởng của các buổi hội thảo khiến lúc đó em
như u mê không để tâm đến những điều bác nói.
Bây giờ kết hợp những điều bác Hai tiết lộ, những điều mắt thấy tai nghe,
cùng với điều anh cho biết về vị trí chiến lược quan trọng của đồn Phước Vân, em
mới hiểu rõ âm mưu của họ. Họ không phải
là những người yêu nước đối lập mà họ chính là Việt Cộng định lợi dụng nhiệt
tình nông nổi, ý thức chính trị non kém của em để sử dụng vào âm mưu tấn công
Saigon. Em muốn góp phần tranh đấu để đất
nước được tốt đẹp hơn. Nhưng em không chấp
nhận Cộng Sản, nhất là sau vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế. Do đó trong suốt thời gian quen biết nhau, em
bỏ ý định khai thác tin tức ở anh, mà chỉ đến với anh với tất cả tình cảm chân
thành của người con gái yêu anh.
Người trực tiếp liên
lạc với em để nhận báo cáo và giao nhiệm vụ là Sáu Thọt có chòi sửa xe đạp và
xe gắn máy ở Ngã Ba Gò Đen trên Quốc Lộ 4.
Em không được quyền tự ý đến gặp anh ta.
Chỉ khi nào thấy chiếc khăn tay đỏ buộc vào song cửa sổ nhà Tám Chèo, em
phải đến đó giả bộ sửa xe để báo cáo và nhận chỉ thị. Họ đã gọi em đến đó ba lần. Lần nào em cũng lấy cớ là anh rất khôn ngoan
nên chưa khai thác được tin tức gì ở anh cả. Lần cuối cùng họ gọi em đến vào tuần trước. Lần này Sáu Thọt như mất kiên nhẫn, khiển
trách gay gắt hơn, và ngầm ý cảnh cáo em đừng rơi vào lưới tình mà phản bội họ. Sáu Thọt ra lệnh cho em phải hoàn tất công
tác trước khi nhập học niên khóa mới. Trước
khi ra về, anh ta còn chúc em thành công và nhắn nhủ cứ yên tâm công tác, Ba Má
em sẽ được chăm sóc chu đáo.
Thái độ của Sáu Thọt
khiến em rất lo lắng. Nhất là lời “hứa”
chăm sóc Ba Má khiến em lạnh người. Em
hiểu đó là lời đe dọa. Em lo lắng quá không
biết làm thế nào nên phải thú thật hết mọi chuyện cho dì Út và xin dì cho ý kiến.
Nghe xong dì rất lo sợ, nhưng không biết
giải quyết cách nào. Em định gặp anh để báo
cho anh biết hết mọi chuyện. Nhưng dì cản,
nói là làm như vậy sợ Ba Má em sẽ bị nguy hiểm.
Cho đến chiều nay có tin cả Tám Chèo lẫn Sáu Thọt đều đã bị bắt mấy ngày
hôm trước. Việc này khiến dì Út càng lo
lắng thêm, sợ rằng họ nghi em phản bội, tố cáo nên hai cơ sở bí mật đó bị phá vỡ. Dì hối thúc em về Saigon ngay sáng ngày mai, tạm
trú ở một nơi nào đó nghe ngóng tình hình rồi tùy cơ ứng biến.
Quyết định như vậy mà
sao em vẫn không an tâm. Em linh cảm một
điều khủng khiếp lắm sẽ xảy đến cho em. Lòng
em bồn chồn không yên, nên viết lá thư này tỏ bày hết mọi chuyện để anh hiểu. Em không muốn ý nghĩ bị em lừa dối sẽ ám ảnh
anh mãi trong suốt quãng đời còn lại. Em
muốn anh hiểu rằng tất cả những gì xảy ra giữa anh và em, những rung động của
em khi chúng ta hôn nhau đều phát xuất từ tấm lòng chân thành yêu anh tha thiết!
Bây giờ lòng em bối
rối lắm. Em không biết rồi đây sẽ ra
sao. Em không biết phải làm gì bây giờ. Anh từng nói với em rằng: “Đời người ai cũng
một lần sa ngã, nên sa ngã lúc trẻ để còn có sức mà đứng lên.” Em đã lạc đường sa chân vào lưới nhện. Càng vùng vẫy, càng bị trói chặt hơn không thể nào thoát ra được. Em gục ngã mà không sao đứng lên được Cẩm ơi!
Anh,
Bây giờ chắc anh đã
hiểu và tha thứ cho em. Chắc anh đã hiểu
tại sao nhiều lúc đang vui vẻ bên nhau mà em cứ vương vấn muộn phiền. Em không muốn mang nét buồn đến với anh,
nhưng lầm lỡ không lối thoát ấy cứ ám ảnh em mãi không thôi. Đừng trách em, anh nhé.”
Lá
thư không chữ ký chấm dứt ở đây. Cẩm thở
dài cố ngăn hai dòng nước mắt. Kim Sa
ơi! Anh thương em nhiều lắm. Đường anh đi từ nay vắng bóng em. Em về nơi phương trời xa thẳm. Anh ở lại trần gian sống kiếp độc hành. Rồi đây anh sẽ ra sao trong những đêm dài khắc
khoải nhớ thương em?
Mặt
trời từ từ lặn xuống phía cuối chân trời.
Nắng chiều vàng nhạt phản chiếu lên những đám mây tạo nên nhiều màu sắc rực
rỡ, đan vào nhau, pha trộn với nhau vẽ nên một khung cảnh huy hoàng tráng lệ. Ở đó, Cẩm thấy như có một nàng tiên ánh mắt u
buồn, tiếc nuối nhìn xuống trần gian. Kim
Sa ơi! Nơi tiên giới ấy chắc em buồn lắm. Chắc em đang nhớ
tới một buổi chiều hai đứa ngồi trú mưa trong một căn chòi lá bỏ hoang. Ngồi dựa vào lưng anh, em đã khe khẽ hát lại
bài hát ngày đầu chúng mình quen nhau.
Giọng hát ngọt ngào, êm ái như những lời tình tự thiết tha nhẹ ru anh
vào giấc mộng yên bình hạnh phúc. Từ nay, anh sẽ
không bao giờ nghe lại bài hát này nữa, vì anh chỉ muốn giọng hát đó, tâm tình đó, hình bóng đó sống mãi trong
anh…
X
XX
Cẩm
bước vào văn phòng Liên Đội Trưởng đưa tay chào, rồi hỏi:
-
Đại Úy cho gọi tôi?
Đại
Úy Long rời mắt khỏi tập hồ sơ trên bàn, đứng thẳng người chào lại Cẩm rồi chỉ
vào chiếc ghế đối diện vồn vã:
-
A! Cẩm. Ngồi xuống đi. Tôi có vài chuyện muốn bàn với Thiếu Úy.
Rót
trà mời Cẩm, Đại Úy Long bắt đầu:
-
Tiểu Khu vừa gửi công điện xuống quyết định tưởng thưởng chiến công vừa qua cho
Thiếu Úy và Tiểu Đội Thám Báo ba huy chương: một huy chương vàng, một huy
chương bạc, và một huy chương đồng. Tôi
quyết định dành huy chương vàng cho Thiếu Úy, còn hai huy chương kia tùy Thiếu
Úy quyết định. Thiếu Úy chọn hai người
xuất sắc nhất, đưa tên cho tôi để trình lên Đại Tá.
Cẩm
buồn bã lắc đầu:
-
Cám ơn Đại Úy, nhưng tôi xin được phép từ chối huy chương đó. Cả ba cái tùy Đại Úy quyết định!
Đại
Úy Long nhìn Cẩm ái ngại:
-
Tôi hiểu. Tôi hiểu những ray rứt trong
lòng Thiếu Úy lúc này. Thay mặt quân nhân
các cấp trong Liên Đội, tôi thành thật chia buồn cùng Thiếu Úy.
Ông
chép miệng thở dài nói tiếp:
-
Chiến tranh! Chúng ta sinh ra trong thời
chiến đành phải chấp nhận những mất mát, những đổ vỡ, tang thương. Chấp nhận hy sinh mạng sống bản thân cũng như
hạnh phúc của riêng mình. Có điều tôi không hiểu tại sao bọn họ lại bắt Kim Sa? Cô ấy đã làm gì để đến nỗi bị bắt như vậy?
Cẩm
lắc đầu:
-
Tôi cũng không biết.
Chàng
quyết định không tiết lộ bí mật cuộc đời Kim Sa cho bất cứ ai để giữ thanh danh
cho nàng.
Đưa
tờ đơn đang cầm trong tay cho Đại Úy Long, Cẩm nói:
-
Đây là đơn xin thuyên chuyển của tôi đến bất cứ đơn vị nào. Mong Đại Úy phê thuận và chuyển tiếp giùm.
Đại
Úy Long ngần ngừ một chút rồi với giọng thân tình, buồn bã hỏi:
-
Em đã suy nghĩ kỹ chưa Cẩm?
-
Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi Đại Úy ạ! Nếu còn
ở lại đây có ngày tôi sẽ điên mất. Tôi
muốn rời xa nơi này.
Cẩm
thở dài, giọng trầm buồn nói tiếp:
-
…càng xa càng tốt.
Đại
Úy Long nhìn chàng xót xa:
-
Hay là anh cứ giữ lá đơn này một thời gian.
Nếu em không đổi ý lúc đó anh sẽ chuyển tiếp được không?
-
Tôi hiểu lòng tốt của Đại Úy. Nhưng
không cần đâu. Xin Đại Úy cứ chuyển đi. Càng sớm càng tốt.
Cẩm
đứng lên chào người chỉ huy rồi quay bước ra khỏi cửa.
Đại
Úy Long đứng lặng nhìn theo Cẩm đang gục
đầu, thất thểu bước đi trong nắng. Mắt
vương buồn, ông khẽ lắc đầu thở dài.
Bonaire, Tháng Chín
2014
Nguyễn Ngọc Tú
Mời xem những truyện tình thời chinh chiến khác của cùng người viết:
-
-
No comments:
Post a Comment