Wednesday, November 12, 2014

XÓT XA-Nguyễn Ngọc Tú



Xót Xa
Nguyn Ngc Tú

Đáp lời mời của Kha, bạn cùng đơn vị và cũng là bạn ăn cùng mâm trong những năm cuối cùng của cuộc đời tù cải tạo, Thái cùng vợ, và con trai từ Dallas đến Los Angeles du lịch một tuần lễ.  Kha cũng đã xin nghỉ phép để tiếp đãi vợ chồng chàng, đưa hai người đi chơi đây đó.  Thiên Kim, vợ chàng, đến thành phố này để họp bạn cùng làm Qũy Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia ngày xưa, và thăm bạn bè.  Do đó, thường thì chỉ có Thái đi với Kha.  Còn hai mẹ con Thiên Kim có những cuộc vui riêng.  Thái không đi chung với vợ, vì chàng muốn Thiên Kim được tự do vui chơi với bạn bè.  Hơn nữa, mục đích chính của chàng trong chuyến đi này là hy vọng tìm được Uyên Vi.  Đã gần hai mươi năm rồi, từ ngày Uyên Vi vượt biên chàng không được tin gì của nàng cả.  Chỉ cần biết được Uyên Vi còn sống và đang hạnh phúc bên chồng là chàng yên tâm, giải tỏa được những ray rứt chất chứa trong lòng đã làm chàng luôn nặng chĩu ưu tư.  Nhớ tới Uyên Vi, Thái thở dài lòng buốt nhói.
Kha nhìn Thái thông cảm nói:
 - Mình đang trên đường đến Thương Xá Phước Lộc Thọ.  Không chừng lần này ông sẽ được gặp Uyên Vi.  Trời không phụ kẻ có lòng đâu Thái ạ!
Thái nhìn bạn thầm cảm ơn.  Kha cũng biết Uyên Vi, biết mối tình nồng thắm giữa hai người.  Chính Kha cũng là người chứng kiến nổi đau khổ tận cùng đã làm Thái suy sụp đến thảm hại sau ngày Uyên Vi vượt biên.  Do đó, ngày nào Kha cũng đưa Thái tới những chỗ đông người Việt để vừa là hướng dẫn viên du lịch, vừa giúp Thái với hy vọng nếu không gặp được Uyên Vi thì may ra gặp người nào đó biết được tin tức của nàng chăng?
Kha nói tiếp:
- Hôm nay Thứ Bảy, Mall rất đông người, vừa dân bản địa, vừa khách du lịch các nơi đổ về.  Mong rằng lần này may mắn sẽ đến với ông.
Thái trả lời:
- Tôi cũng không mong gì hơn.  Nhưng thấy ít hy vọng quá!
 Thái chán nản nói tiếp:
- Lần này mà không gặp nữa, chắc phải đành ôm hận suốt đời thôi!
Kha thở dài.  Chàng cũng là biết rất ít hy vọng vì từ ngày Uyên Vi vượt biển không có một tin tức gì, dù mong manh, về nàng cả.  Nàng còn sống hay đã vùi thây trong biển cả?  Đang sống tại Mỹ hay một quốc gia nào khác?  Thế giới thì rộng lớn mà cơ may lại quá nhỏ, hầu như không có!
Hai người đậu xe rồi thong thả đi về phía Thương Xá.  Thời tiết hôm nay đẹp quá.  Bầu trời trong vắt không một cụm mây.  Ánh nắng chan hòa nhảy múa lung linh trên những bảng hiệu màu sắc chập chờn trong nắng.  Từng cơn gió thoảng qua.  Không khí mát mẻ dễ chịu dù rằng thời tiết đang vào giữa Hè.  Khung cảnh sầm uất, nhộn nhịp của khu thị tứ với những tà áo dài thướt tha tung bay trong gió làm Thái chợt nhớ tới Saigon của những năm tháng xa xưa!  Ôi Saigon!  Saigon đã nuôi dưỡng chàng khôn lớn.  Saigon đã cho chàng những ngọt bùi, những đắng cay của cuộc sống.  Saigon đáng yêu vì đã cho chàng Uyên Vi, cho chàng những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc.  Uyên Vi ơi!  Anh nhớ em quá!  Nhớ em quay quắt, buốt nhói trong tim.  Hãy cho anh gặp em dù chỉ một lần, Vi nhé!
Kiến trúc của Thương Xá Phước Lộc Thọ đơn giản mà mỹ thuật, phảng phất nét Á Đông.  Phía trước là cổng tam quan, mái ngói âm dương đỏ chót cao vượt lên ngạo nghễ trên bốn cột trụ màu trắng.  Phía sau cổng tam quan là một hành lang lát gạch trắng toát sâu đến chân tường bằng kính trong suốt chạy dài hết mặt tiền của khu buôn bán.  Tượng Đức Phật Di Lặc với thân hình mập mạp, cái bụng to hào phóng, và nụ cười dễ dãi, hiền lành cố hữu được đặt ở giữa hành lang.  Ba bức tượng Phước Lộc Thọ bằng đá trắng, biểu tượng cho một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, đứng hàng ngang sau lưng tượng Phật Di Lặc.  Phía trước các bức tượng, một dãy chậu hoa cúc đặt theo hình vòng cung.  Hai bên các bức tượng là hai chậu cây to, cành lá xanh tươi được cắt xén gọn gàng thành những hình tròn to nhỏ chồng chất lên nhau.  Màu  hoàng cúc vàng tươi hợp với màu xanh cây lá, điểm xuyết những nét chấm phá tuyệt vời nổi bật trên nền trắng nhạt của toàn cảnh.  Kiến trúc đẹp mắt mà không cầu kỳ, màu sắc hài hòa khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng thư thái.  Trước cửa Mall, năm bảy thiếu nữ thướt tha trong những tà áo dài rực rỡ đang lao xao vui vẻ chụp hình lưu niệm bên cạnh các pho tượng.
Bên trong Mall, sự sầm uất được thể hiện rõ nét với cảnh tấp nập, bận rộn trong những cửa hàng buôn bán các sản phẩm đủ loại, như một minh chứng hùng hồn về sức sống, sức phát triển nhanh, và mạnh của người Việt tỵ nạn.  Chính giữa Mall là một dọc cửa hàng ăn uống với đủ loại món ăn thuần tuý Việt Nam.  Đi trong Mall, Thái có cảm giác như mình đang sống lại “một thuở Saigon."  Người Việt đã mang theo quê hương khi phải bỏ nước ra đi!  Thái thầm nghĩ.
Kha giải thích:
- Ban đầu, vào năm 1975, số người Việt định cư tại đây không nhiều.  Sau đó vì khí hậu tại Los Angeles này rất tốt, nên nhiều người từ các tiểu bang khác dời xuống đây để sinh sống và lập nghiệp.  Đa số bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng nên họ phải làm việc vất vả để mưu sinh.  Muốn ăn thực phẩm Á Châu phải đến tận China Town rất xa để mua.  Thế mà chỉ ba năm sau, năm 1978, Đại lộ Bolsa này đã thành trung tâm điểm của người Việt tại đây với các cơ sở thương mại đầu tiên như chợ Hoà Bình, nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng Thành Mỹ, rồi đến nhật báo Người Việt.  Nghe nói còn có cả nhạc sống với các ca sĩ nổi tiếng ngày xưa.  Khách có thể vừa thưởng thức văn nghệ vừa…ăn phở!  Sức phát triển của người Việt tại thành phố này đã kéo thêm nhiều người khắp nơi dọn về lập nghiệp.  Và rồi chỉ hơn một thập niên sau, người Việt mình đã hãnh diện vì có một thương xá Phước Lộc Thọ tầm vóc quốc tế với trên dưới 300 gian hàng đủ loại …
Tai Thái chợt ù đi, không còn nghe thấy Kha nói.  Chàng đứng khựng lại, tim như ngừng đập, toàn thân như tê liệt, mắt đăm đăm nhìn vào người phụ nữ trẻ đi ngược chiều.  Có phải Uyên Vi đây không?  Có phải Uyên Vi bằng xương bằng thịt trước mặt chàng không?  Thái muốn kêu tên Uyên Vi nhưng lưỡi như líu lại không thốt lên được.
Người phụ nữ trẻ như cũng nhận ra chàng.  Nàng sững người lảo đảo, mặt tái nhợt như muốn ngã, đưa tay vịn vào bàn ăn của nhà hàng cạnh đó.  Bàn tay còn lại đưa lên chặn lấy ngực như muốn kềm hãm nhịp đập của con tim.  Nàng ngước mắt nhìn Thái, nước mắt chảy quanh mi, đọng lại thành giọt rơi xuống khuôn mặt phảng phất nỗi buồn.  Thái bước tới dìu Uyên Vi ngồi xuống chiếc ghế tại một bàn trống của một quán ăn cạnh đó thì thào:
- Uyên Vi?  Có thật là em đó không?
Uyên Vi xúc động, nghẹn ngào:
- Thái!  Đúng là anh rồi.  Có phải mình đang mơ không anh?
Thái thì thầm:
- Anh đây!  Thái đây Bé ạ!  Cảm ơn Trời Phật đã cho chúng ta gặp lại nhau!
Uyên Vi nhìn Thái, nước mắt tuôn trào, như mừng vui, như tủi phận.  Thái lấy khăn giấy trên bàn thấm nước mắt cho Uyên Vi.
 Cố nén sự xúc động đang dâng trào, Uyên Vi mỉm cười nói:
- Xin lỗi anh.  Gặp anh bất ngờ quá khiến Vi không kềm được nước mắt.
- Anh hiểu.  Anh cũng thế Uyên Vi ạ!  Tưởng rằng không bao giờ gặp lại em nữa!  Định mệnh khắc nghiệt cuối cùng cũng đã cho chúng ta gặp lại nhau hôm nay.
Uyên Vi nhìn Thái mỉm cười nói:
- Anh vẫn thế tuy già hơn.  Ngày xưa tóc anh nhiều lắm mà sao bây giờ còn ít quá vậy?
Thái mỉm cười:
- Từ ngày em đi, những sợi tóc cũng lần lượt bỏ anh đi theo em.
Uyên Vi nhìn Thái thương cảm.  Nàng biết những ưu tư lo lắng cho an nguy của nàng, cùng với những muộn phiền, nhung nhớ đã làm tóc Thái rụng quá nhiều.  Nàng nhìn Thái quan tâm hỏi:
- Anh còn hút thuốc nhiều không?
Thái trìu mến đáp:
- Chắc Vi còn nhớ hai lý do anh hút thuốc chứ?  Từ ngày em đi anh không còn tìm được niềm vui trong nỗi buồn, cũng như không còn có em bên cạnh nữa nên anh đã bỏ hút từ dạo ấy.
Uyên Vi khẽ mỉm cười, mơ màng hồi tưởng về dĩ vãng...    
“Hôm ấy Thái từ chiến trường trở về thăm nàng.  Hai người sánh bước trên các nẻo đường trung tâm thành phố Saigon, và cuối cùng ngồi nghỉ chân uống nước trong nhà hàng Givral thanh lịch, và thơ mộng.
‘…Uyên Vi nhăn mặt:
- Sao anh hút thuốc nhiều thế?
Thái cười:
- Anh đâu có hút nhiều.  Anh chỉ hút khi buồn, và khi ngồi với Bé thôi.
Uyên Vi tròn mắt:
- Ơ!  Tại sao lại khi ngồi với Bé.
Rồi nàng phụng phịu:
-  Như vậy ngồi với Bé làm anh buồn sao?
Thái cười:
- Không phải đâu!  Anh hút thuốc khi buồn để nỗi buồn của mình hoà theo khói thuốc lắng sâu vào trong tâm hồn, để cảm nhận được hết nỗi buồn man mác, và để thấy được niềm vui trong đó.
- Vui?
- Phải, vui!  Như chiều nay về đơn vị, nhớ Bé anh hút thuốc để thấm thía được hết nỗi buồn xa Bé.  Đồng thời cũng để tận hưởng niềm vui là đã có Bé để nhớ, là đã có Bé trong cuộc đời.”
- Thế còn những nỗi buồn khác?  Không lẽ anh cũng tìm thấy niềm vui trong đó sao?
Thái nhìn sâu vào mắt Uyên Vi dịu dàng nói:
- Từ nay anh chỉ có một nỗi buồn duy nhất là nỗi buồn xa Bé thôi!
Uyên Vi xúc động quay mặt đi, má ửng hồng. Người thanh niên này trông thật phong trần trong bộ đồ trận, nhưng cũng thật dịu dàng, khả ái, và hơi lãng mạn.  Nàng nhủ thầm: “Em cũng thế Thái ạ! Từ nay em cũng chỉ có một nỗi buồn duy nhất như anh thôi!”
Rồi nàng quay lại “tra vấn” tiếp:
- Thế còn khi ngồi với Bé tại sao anh lại hút thuốc?
Giọng Thái trầm ấm:
- Ngồi với Bé anh rất vui!  Nhưng trong cái vui vẫn có nỗi buồn.
- Buồn?
Thái gật đầu:
- Phải.  Nếu anh nhớ không lầm thì thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có câu thơ: “Ôm em trong tay hôm nay, mà đã nhớ em ngày mai.”  Ngồi với Bé bây giờ, nghĩ tới lát nữa đây đã phải xa Bé để trở về đơn vị, không biết bao giờ mới được gặp lại.  Buồn lắm Bé ạ!
Uyên Vi rơm rớm nước mắt:
- Đừng nói nữa anh!  Bé muốn khóc đây!
Thái cười nhẹ:
- Nhưng trong cái buồn đó lại có cái vui.
Uyên Vi cười dòn:
- Chạy theo buồn vui của anh, Bé chóng mặt quá!  Nhưng tại sao lại vui?
- Bởi vì bây giờ chưa phải là ngày mai.  Anh vẫn còn có Bé bên cạnh.’”…
 Uyên Vi cúi mặt nhìn xuống bàn, nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm:
- Vi nhớ chứ.  Làm sao mà quên được hả anh?
Ngẩng đầu lên nhìn Thái, Uyên Vi hỏi:
- Anh ra tù cải tạo bao giờ, và sang Mỹ năm nào vậy?
Khuôn mặt trầm ngâm Thái trả lời:
- Sau bảy năm tù đày, anh được thả về năm 82, và sang Mỹ cuối năm 90 theo chương trình HO.  Từ lúc về đến nay không lúc nào anh không nghĩ tới em, chỉ mong có ngày gặp lại em.  Dò hỏi khắp nơi mà không biết được tin tức gì của em cả, vì những bạn bè thân của em ngày xưa không ai còn ở chỗ cũ nữa.  Sang tới Mỹ, anh đã nhắn tin trên những tờ báo của người Việt, đồng thời nhờ bạn bè tìm kiếm, nhưng vẫn không có hồi âm!  Lòng anh không lúc nào yên.  Không biết em có được an toàn trong cuộc vượt biển chập chùng hung hiểm đó không.  Anh chỉ cầu mong em được an toàn và đang sống hạnh phúc trên một đất nước tự do là anh an tâm.  Bao nhiêu bất hạnh của em, anh nguyện gánh chịu hết.
Uyên Vi cảm động nói:
- Vi được tàu Na Uy vớt, và định cư tại Na Uy cho tới nay.  Do đó Vi không nhận được tin nhắn của anh!
Thái thở dài buồn bã nói:
- Ở tận Na Uy sao Vi?  Sao xa quá vậy?
- Đây là lần thứ hai Vi tới California.  Lần đầu Vi tới đây một mình với hy vọng gặp được anh tại Thủ Đô Người Việt Tỵ Nạn này.  Lần này Vi tới đây với Bố Mẹ, và gia đình anh Thảo để thăm gia đình chú Vinh mới từ Việt Nam qua định cư.  Vi ngại đi xa lắm.  Hơn nữa Vi cũng mới tới Los Angeles cách nay không lâu.  Nhưng ý nghĩ có thể gặp anh tại thành phố đông người Việt này đã thôi thúc nên Vi quyết định cùng đi với gia đình.  Lần nào đến đây, Vi cũng đến Thương Xá này mấy lần với hy vọng gặp được anh.  Hôm nay Vi lại tới đây để mua CD nhạc Việt mà ở Na Uy rất hiếm.  Nhờ vậy mà mình mới gặp nhau.
Khẽ mỉm cười Uyên Vi nói tiếp:
- Vi chỉ mua nhạc lính ngày xưa thôi.  Nó là món ăn tinh thần của Vi.  Nó giúp Vi sống lại những tháng ngày đáng nhớ thuở ấy.
 Chấm ngón trỏ vào ly nước, vẽ vu vơ trên bàn, Uyên Vi thu hết can đảm, ngập ngừng hỏi:
- Anh lập gia đình rồi?
Thái gật đầu:
- Phải.  Anh đã có gia đình rồi.  Anh cùng Kim và con trai từ Dallas, Texas đến Los Angeles du lịch một tuần lễ.  Kim đến đây để họp mặt với bạn bè đồng nghiệp ngày xưa.  Còn anh đến đây để thăm gia đình Kha, bạn cùng đơn vị, và cũng là bạn tù với anh ngày xưa.  Chắc Vi còn nhớ Kha.  Hôm nay là lần thứ hai Kha đưa anh đến đây.  Mục đích chính của anh là tìm em. Găp được em, anh đã thỏa được nguyện ước từ nhiều năm nay.  Anh không còn mong gì hơn nữa.  Mừng quá Vi ạ!
Uyên Vi chớp chớp mắt cảm động.  Thái vẫn thế.  Vẫn giọng nói ấm áp, dịu dàng đầy chân tình như ngày xưa!  Nàng nghẹn ngào có ngăn dòng nước mắt như muốn trào ra khóe mi.
Cố giữ giọng tự nhiên, Uyên Vi hỏi:
- Kim là ai vậy anh?  Vi có biết không?
-Thiên Kim trạc tuổi Vi, học Đại Học Nông Lâm Súc ở Cường Để ngày xưa.
Uyên Vi tròn mắt:
- Có phải Thiên Kim người nhỏ nhắn, tóc dài, thường đeo kính râm cận to tướng, trông có vẻ ngổ ngáo lắm không?
Đến lượt Thái ngạc nhiên:
- Đúng rồi!  Vi biết Thiên Kim hả?
Uyên Vi cười buồn.  Tưởng ai hóa ra là Thiên Kim mà ngày xưa nàng và Thùy Linh đã diễu cợt với nhau vì tính an phận, đứng bên lề cuộc chiến của Kim.
- Uyên Vi và Thiên Kim từng học cùng lớp Đệ Nhất Trưng Vương ngày xưa.  Quen thôi chứ không thân vì tính tình hai đứa khác nhau.   Ngày xưa nó ghét lính lắm mà sao lại gặp anh, lấy anh kể cũng lạ.
Ngưng một chút, Uyên Vi khẽ nói:
- Thiên Kim có thể là người vợ tốt, nhưng tính tình hơi khô khan, và bảo thủ nên Vi e rằng nó khó có thể là tri kỷ của anh.
Uyên Vi nhẹ nhàng tiếp:
- Vi sợ rằng rồi đây anh sẽ mất dần chất lãng mạn, mơ mộng, và óc khôi hài trong cuộc sống.  Điều mà Vi rất quý ở anh.
Thái trìu mến nhìn Uyên Vi thầm cám ơn.  Vi vẫn như ngày xưa, vẫn tế nhị quan tâm đến Thái từng chi tiết nhỏ.  Thái biết Vi nói như vậy vì nàng hiểu Thái, vẫn còn yêu Thái, chứ không phải có ý dèm pha Thiên Kim, điều mà Uyên Vi không bao giờ làm.
Nhìn vào mắt Uyên Vi, Thái tha thiết hỏi:
- Còn em?  Vi lập gia đình hồi nào?  Được mấy cháu rồi?
Uyên Vi cười buồn, xoè hai bàn tay trên bàn.  Bàn tay vẫn còn trinh nguyên, chưa có chứng tích của một lần vu quy, giọng chùng xuống.  Nhẹ và buồn:
- Bàn tay này đã là của anh.  Nó đã có chủ rồi, không ai có quyền chiếm hữu nó nữa phải không anh?
Thái lặng người choáng váng.  Một cảm giác đắng chát chận ngang cổ họng làm Thái nghẹn thở.  Cảm giác như đau đớn, như nuối tiếc ân hận, như chua xót thương cảm buốt nhói tâm can.  Xung quanh chàng mọi vật như mờ nhạt dần, vụn vỡ, rồi tan biến, chỉ còn hình ảnh Uyên Vi sáng ngời thánh thiện trước mắt.  Thái đau khổ nghẹn ngào, lắp bắp:
- Trời ơi! Uyên Vi.  Sao em lại khổ thân như vậy?  Anh mong mỏi được gặp em để biết em đang sống trong hạnh phúc là anh yên tâm, giải tỏa được những ray rứt, âu lo dằn vặt từ nhiều năm nay.  Không ngờ em lại tự đày ải mình như thế!  Vi có biết là anh đau lòng lắm không?  Thà em mắng anh, trách anh, anh còn thấy dễ chịu hơn.  Anh…anh phải làm sao bây giờ hả Vi? Anh phải làm sao đây Vi ơi!
Đặt hai bàn tay lên tay Thái đang để trên bàn, Uyên Vi dịu dàng nói:
- Đừng như thế anh.   Anh không làm gì lỗi cả.  Ai trong hoàn cảnh anh cũng phải như vậy thôi.  Có trách chăng là trách số phận của những người như chúng ta sinh ra, và lớn lên trong một đất nước nhiều khổ đau, gánh chịu quá nhiều bất hạnh trong thời điểm đen tối nhất của lịch sử.
 Nhắp một ngụm nước Uyên Vi u sầu nói tiếp:
- Chiến tranh đã mang em đến với anh, đã cho chúng ta những ngày tháng hoa mộng.  Nhưng hòa bình lại ngăn cách, chia rẽ, mang sầu khổ đến cho chúng ta.  Sao lại nghịch lý như thế hả anh?
Thái thở dài đáp:
- Chúng ta là những nạn nhân của một nhóm người đầu óc bệnh hoạn du nhập cái chủ nghĩa quái thai hoang tưởng đó gây ra cuộc chiến đẫm máu khiến đất nước tan hoang, nhân lực kiệt quệ.  Sau khi chấm dứt chiến tranh, với bản chất hận thù sắt máu cố hữu của người cộng sản, thêm lòng đố kỵ ganh ghét với cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân miền Nam, họ liên tiếp tạo nên những thảm họa khiến nhiều gia đình phải chia lìa, ly tán.
Xót xa nhìn Uyên Vi, Thái nói tiếp:
- Những thiếu nữ như Vi, đến tuổi mộng mơ, phải chọn lựa giữa hai con đường để đi.  Hoặc yêu một người đủ điều kiện hoãn dịch để có thể sống cuộc đời an lành ở hậu phương.  Hoặc chấp nhận cuộc sống bấp bênh đầy bất trắc.  Chấp nhận đau thương đến với mình bất cứ lúc nào khi yêu người lính chiến như trường hợp của Vi và các bạn.  Đó là những người con gái can đảm và đầy nhiệt tâm.
Ngưng một chút, Thái nói tiếp:
- Sở dĩ anh cho rằng họ là những người can đảm và nhiệt tâm bởi vì những người lính các anh còn có đồng đội, còn có vũ khí để chống lại kẻ thù.  Nhưng những người như Vi chẳng có gì cả!  Đồng đội chẳng có, mà vũ khí cũng không.  Chỉ có một mình mình cô đơn, yếu đuối, thụ động chờ đợi kẻ thù là những bất hạnh, những hung tin chợt đến bất cứ lúc nào.  Ngày tiếp nối ngày, âm thầm chờ đợi trong lo sợ, trong nhẫn nhục và cam chịu!  Yên bình một ngày vui được một ngày, không biết ngày hôm sau sẽ ra sao!  Cuộc sống cứ như thế trôi qua trong khắc khoải lo âu theo từng bước chân quân hành của người mình yêu dấu.  Phải can đảm lắm, phải có tình yêu chân thành lắm mới sống căng thẳng như vậy ngày này qua ngày khác được.  Đó là những người rất đáng tôn trọng và vinh danh!
Uyên Vi nhìn Thái bùi ngùi nói:
- Cám ơn anh đã hiểu cho cho bọn Vi.  Những đêm thao thức không ngủ được, Vi đã suy nghĩ rất nhiều về thân phận của những người lính chiến đầy nhiệt huyết ngày xưa.  Họ phải bỏ học, bỏ gia đình, giã từ cuộc sống an lành để dấn thân vào một cuộc chiến đầy hiểm nguy, gian khổ.  Để rồi họ được những gì?  Một hòm gỗ phủ quốc kỳ?  Hay một tấm thân tàn phế trở về là một gánh nặng cho gia đình, cho vợ con?  Hay nếu may mắn còn sống sót nguyên vẹn sau cuộc chiến khốc liệt đó, thì lại lâm vào cảnh tù tội với thân phận của những con vật trong những cái gọi là “trại cải tạo!"
Uyên Vi chân thành nói tiếp:
- Nói như thế không có nghĩa là Vi phủ nhận công lao cũng như sự hy sinh to lớn của các anh.  Vi chỉ muốn nêu lên những ray rứt về thân phận hẩm hiu của tuổi trẻ chúng mình trong biến động đau thương của đất nước.  Tự trong thâm tâm, Vi luôn luôn tôn trọng và biết ơn những người lính.  Vi không bao giờ ân hận về con đường mình đã chọn cả.  Nếu cho sống lại thời đó, Vi cũng sẽ như thế thôi.  Không có một lựa chọn nào khác.
Ngưng một chút để nén xúc động Uyên Vi tiếp:
- Những lần đến thăm nuôi anh, nhìn anh tiều tụy, xác xơ trong bộ đồ vá chằng vá đụp được gọi là tươm tất nhất của anh, Vi đau lòng lắm.  Vi muốn khóc, muốn gào to, muốn thét lên biểu lộ sự phẫn uất của mình.  Nhưng như anh biết đó, Vi không thể làm như thế được.  Hay nói đúng hơn là Vi không dám làm.  Để rồi, khi ra về, nằm trên đống hàng hóa gập ghềnh sát mui xe trên chiếc xe tải chở hàng mà Vi may mắn quá giang được.  Hai tay, hai chân phải giơ lên chống vào trần xe để giữ cho thân mình khỏi bị hất văng lên đập vào mui xe vì những cú sóc tung người khi qua những ổ gà.  Thương anh quá, Vi đã khóc sướt mướt trên suốt quãng đường về nhà.
Thái thương cảm nói:
- Mãi sau này anh mới được biết rõ những khó khăn, cực khổ, đôi khi nguy hiểm của những lần em đến thăm nuôi.  Mỗi lần đi như vậy là mất cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà.  Từ ngoài đường lộ vào tới trại tù phải đi bộ khoảng hai cây số.  Tay xách giỏ đồ thăm nuôi năng chĩu vừa đi vừa nghỉ mãi mới tới nơi.  Rồi lại chờ đợi, có khi tới ba hay bốn giờ chiều mới gặp được người thân tối đa là mười lăm phút.  Đôi khi chỉ có năm phút tùy theo "cảm hứng" của cai tù.  Rồi lại vội vã vừa đi vừa chạy ra đường lộ để kịp thời đón xe về.  May mắn thì quá giang được xe hàng, có khi là xe chở than.  Tuy vất vả nhưng còn hơn phải ở lại ngủ qua đêm ở một nơi hẻo lánh như thế thì chuyện khủng khiếp gì cũng có thể xảy ra.  Nhưng quá giang được xe hàng cũng chưa chắc đã an toàn vì nếu gặp phải người lái xe bất lương thì sao?
Âu yếm nhìn Uyên Vi, Thái bùi ngùi nói tiếp:
- Cứ mỗi lần nghĩ tới điều bất hạnh khủng khiếp nào đó có thể xảy đến cho em, anh lại lạnh toát người.  Hơn nữa, anh thấy rằng ngày về của anh xa vời quá, nếu không nói là vô vọng.  Anh không thể nhẫn tâm nhìn em vất vả, khổ nhọc, và chịu nguy hiểm vì anh.   Anh không thể để tương lai của em bị kéo theo vào vũng lầy đen tối của anh được.  Do đó, đã mấy lần anh lén gửi thư chui ra ngoài cho em, phân tích, giải thích đồng thời hối thúc em tìm cách vượt biên.   Sau cùng anh phải đau lòng quyết định không ra gặp em trong lần thăm nuôi cuối cùng, để em dứt khoát ra đi.  Em biết không Vi.  Phải cố gắng lắm anh mới đủ nghị lực để giữ chân mình lại không ra gặp em.  Lòng đau như cắt.  Thương em quá, muốn khóc mà không khóc được.  Buồn não lòng mà không biết em có hiểu cho anh không?
Uyên Vi rơm rớm nước mắt nói:
- Em hiểu chứ anh.   Em không giận anh, nhưng buồn lắm Thái ạ!  Em đã khóc rất nhiều trước khi vượt biên vì biết rằng nếu ra đi thì mình không còn hy vọng gặp nhau được nữa.  Nhưng một mặt anh khuyên nhủ rồi dứt khoát không ra gặp em.  Một mặt việc Bố trốn cải tạo phong thanh có người biết nên gia đình phải xúc tiến gấp việc vượt biên, mà Bố muốn em phải cùng đi vì không nỡ để em ở lại một mình.  Nếu em không đi, Bố cũng không đi.  Do đó, em không còn lựa chọn nào khác.  Trước khi đi em đã đến chào giã từ bác.  Hai bác cháu đã ôm nhau sướt mướt.
Ánh mắt Uyên Vi chợt sáng lên niềm hãnh diện, khẽ nói:
- Ngày hôm đó, Bác đã cho phép em gọi bác là Mẹ anh ạ.  Chỉ tiếc rằng sau khi tàu của Vi được tàu Na Uy vớt, và cho phép gia đình Vi được định cư tại đất nước an lành đó, Vi biên thư về thăm Mẹ để nối lại liên lạc mấy lần nhưng không hiểu vì sao Vi không nhận được hồi âm!
Thái thở dài:
- Đúng là số phận nghiệt ngã đã cố tình ngăn cách chúng ta!  Bởi vì, theo Mẹ kể lại thì ít lâu sau khi em đến chào tạm biệt, Ủy Ban Phường cho người tới gặp Mẹ, yêu cầu hoặc Mẹ phải dọn đi vùng kinh tế mới, hoặc dọn đến một nơi họ chỉ định sống ghép hộ với một gia đình khác.  Họ bảo rằng vì anh nhiều nợ máu với “nhân dân”, đáng lẽ phải dọn đi vùng kinh tế mới từ ngay ngày đầu “giải phóng,"nhưng vì chính sách “nhân đạo” của nhà nước, nên Mẹ được cho tạm trú trong nhà của Mẹ tới nay là quá đủ rồi.  Đã đến lúc phải trả lại nhà cho “nhân dân."  Sau đó, mấy lần Mẹ đến nhà cũ xin lại thư từ của Mẹ được gửi tới sau ngày Mẹ dọn đi.  Nhưng chủ nhà mới, một cán bộ cao cấp từ ngoài Bắc chuyển vô, từ chối với thái độ thù nghịch không cần che dấu.  Do đó mới mất liên lạc với em.
Uyên Vi u sầu nói:
- Đinh mệnh!  Trước đây Vi không tin vào số phận, nay bắt buộc phải tin.  Anh biết không, sau khi tạm ổn định cuộc sống tại Na Uy, Vi đã liên lạc thư từ với Mẹ, với các bạn bè còn lại ở Việt Nam, nhờ họ dò hỏi tin tức của anh, nhưng không có kết quả.  Sau đó Vi chợt nhớ đến chị cả của anh, chị An ở Hòa Hưng, mà anh đã đưa Vi tới chơi vài lần.  Nhưng vì lần nào anh cũng chở Vi tới nên Vi vô tâm không nhớ địa chỉ cũng như đường vào trong hẻm nhà chị.  Do đó bạn Vi không tìm ra nhà được.  Điều này đã làm Vi ray rứt tự trách mình vô ý khiến mất đi nguồn hy vọng cuối cùng để biết được tin tức của anh, đến nỗi nhiều đêm buồn quá không ngủ được, Vi cứ khóc mãi.  Đang trong cơn tuyệt vọng, thì được tin chính phủ Mỹ can thiệp để chính quyền Cộng Sản thả tù cải tạo và cho họ định cư tại Mỹ.  Tin này đã làm Vi hồi sinh.  Từ đó hàng ngày Vi theo dõi các buổi phát thanh của đài VOABBC để biết thêm tin tức tỵ nạn của những người tù cải tạo.  Đồng thời nhờ anh Thảo liên lạc với các bạn bè cùng đơn vị với anh và anh Thảo ngày xưa hiện đang ở trong nước, cũng như tại Mỹ và Canada, dò hỏi tin tức của anh. 
Uyên Vi thở dài nói tiếp:
- Trong khi hy vọng lên cao, thì anh Thảo được một người bạn cùng đơn vị cho biết nghe nói anh đã chết trong một lần vượt ngục không thành.  Tin này đã làm Vi suy sụp hoàn toàn, đau khổ không còn muốn sống nữa.  Vi đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ lập gia đình để trọn tình với anh.  May mắn thay, ít lâu sau tình cờ anh Thảo được một người bạn khác cũng cùng đơn vị ngày xưa cho hay đã gặp anh đang làm việc tại nhà hàng Ryan’s Steak HouseHouston-Texas.  Anh ấy xác nhận đúng là anh vì hai người đã nói chuyện với nhau.
Thái à lên một tiếng, ngắt lời Uyên Vi:
- Đó là Hiển.  Vì lúc đó anh đang bận nên chỉ nói chuyện với Hiển được vài câu thôi.  Hơn nữa anh và Hiển chỉ quen sơ thôi chứ không thân nhau.  Do đó không có nhiều chuyện cần nói. 
Uyên Vi sôi nổi nói tiếp:
- Được tin này Vi mừng quá, nhờ anh Thảo hối thúc người bạn đến gặp anh, cho anh số phone và địa chỉ của Vi, đồng thời xin địa chỉ của anh để liên lạc.  Vi đã hồi hộp mong đợi từng giờ, từng phút trong hy vọng.   Để rồi buồn đau thất vọng não nề lại đến với Vi khi người bạn cho biết đã đến nhà hàng tìm anh, nhưng trước đó anh đã xin nghỉ việc, vì dọn nhà đi xa.  Anh ấy đã cố gắng dò hỏi, nhưng không ai biết anh dọn đi đâu!  Lần này tuy thất vọng nhưng được biết anh đã ra khỏi cảnh tù đày và đang sống tại Mỹ cũng đã an ủi Vi rất nhiều.  Ngay sau đó, Vi thu xếp để bay đến Los Angeles một tuần với hy vọng gặp được anh, vì Vi nghĩ thành phố này là nơi đông người Việt tỵ nạn nhất.  Có thể anh đã dọn về đây sau khi thôi việc ở Houston chăng? 
Xoay xoay ly nước trên bàn, Uyên Vi buồn bã nói:
- Tuyệt vọng rồi hy vọng, rồi thất vọng, rồi lại hy vọng cứ luân phiên đến với Vi nên Vi cứ chờ đợi, chờ đợi mãi cho tới ngày hôm nay!
“Vi cứ chờ đợi, chờ đợi mãi cho tới ngày hôm nay!”  Giọng nói của Uyên Vi đều đều bình thản, mà Thái nghe đau đớn buốt nhói tâm can.  “Chờ đợi mãi để rồi em mất hết tuổi Xuân, chịu cô đơn suốt đời vì anh sao Vi?”  Mặt nhăn lại vì đau khổ, Thái nghẹn ngào nói:
-  Anh xin lỗi Vi.  Anh có lỗi với em nhiều quá.  Hãy tha lỗi cho anh.  Nếu có kiếp sau, anh nguyện sẽ chuộc lại lỗi lầm này!  
 Uyên Vi an ủi:
- Dù sao chuyện cũng đã qua rồi.  Vi chỉ muốn kể cho anh nghe thôi, chứ không có ý phiền trách gì cả.  Anh đừng bận tâm.
Ngưng một chút, Uyên Vi chợt hỏi:
- Nãy giờ gặp anh mừng quá nên chưa kịp hỏi thăm Mẹ.  Vi thật đáng trách.  Mẹ có khỏe không anh?
Thái buồn bã nói:
- Mẹ mất rồi Vi ạ!
Uyên Vi giật mình, thảng thốt kêu lên:
- Mẹ mất rồi sao anh?
Nước mắt trào ra khóe mi, Vi nghẹn ngào nói tiếp:
- Vi không thể nào quên được Mẹ.  Một người đàn bà bao dung, hiền đức.  Mẹ mất hồi nào và tại sao?
 Thái buồn rầu kể:
- Sau bảy năm tù, anh được về năm 82.  Thời thế và những bất hạnh xảy đến, và nhất là vì thương anh phải chịu cảnh tù đày, nên sức khỏe của Mẹ càng ngày càng giảm sút.   Anh về được hai năm thì Mẹ mất trong một cơn nhồi máu cơ tim và ra đi vĩnh viễn hai ngày sau đó.  Điều anh được an ủi nhất là Mẹ ra đi rất nhẹ nhàng, và anh cũng đã may mắn được ở bên cạnh săn sóc Mẹ trong hai năm cuối cùng đó.   Thái nhìn Uyên Vi tha thiết hỏi:
- Vi kể cho anh nghe từ lúc vượt biển đến giờ em như thế nào?
- Gia đình Vi may mắn chỉ đi một chuyến là thoát.  Như vậy không có nghĩa là chuyến đi hoàn toàn êm đẹp đâu anh.  Những nguy hiểm của một con tàu nhỏ bé mong manh giữa đại dương bao la, trong phong ba bão táp của biển cả, cùng những nguy hiểm của cướp bóc, nhiều người đã tường thuật trên báo chí, chắc anh đã biết nên Vi không cần phải kể chi tiết.  Đại khái là tàu của bọn Vi bị tàu “Quốc Doanh Đánh Cá Côn Đảo” cướp hai lần.  Một lần bị tàu công an chận bắt lục soát và lấy bất cứ thứ gì có chút giá trị còn lại.  May mắn họ lại thả cho đi.  Rồi bão tố, đói khát.  Tàu của Vi lênh đênh trên biển hơn một tuần thì máy tàu bị hỏng, lương thực, nước uống cạn khô.  Đang trong cơn tuyệt vọng khiến cả tàu hoảng loạn đến cao độ thì may mắn được tàu Na Uy vớt, và cho cả gia đình Vi cư trú tại Na Uy cho tới nay.  Vi đang sống chung với Bố Mẹ.  Anh Thảo đã có gia đình với hai con nhỏ một trai một gái ở cùng một thành phố.  Tới Na Uy, Vi được học bổng theo học Đại Học và tốt nghiệp Computer Science rồi đi làm cho tới hôm nay. 
Đưa tay vén lọn tóc lòa xòa trước mặt ra sau tai Uyên Vi nói tiếp:
- Anh biết không.  Lênh đênh trên con thuyền nhỏ giữa biển cả trong cơn cuồng nộ của bão tố, của đại dương, chiếc thuyền thật nhỏ bé mong manh bị hất lên, dập xuống, nghiêng ngả như có thể bị vỡ tan bất cứ lúc nào.  Ôm Mẹ trong tay, nhưng thật sự lúc đó lòng Vi thật bình thản, bởi vì khi bước chân xuống tàu, Vi coi như mình đã chết.  Vi chỉ lo nước biển sẽ làm ướt hết bốn mươi hai lá thư anh viết cho Vi trong suốt những năm tháng mình yêu nhau.  Vi buồn cười quá anh nhỉ?  Nhưng thực sự đó là những kỷ vật quý báu nhất của anh còn sót lại sau bao biến cố, mà bằng mọi giá Vi phải mang theo và gìn giữ cho tới ngày hôm nay.
Thái nhìn Vi nghẹn ngào nói:
- Trời ơi!  Anh biết làm sao để đáp lại tình yêu của em bây giờ hả Vi?
- Anh không phải làm gì cả!  Đó là Vi tự nguyện thôi.  Thực ra những lá thư đó là nguồn an ủi giúp Vi thêm can đảm để sống.  Những lúc tinh thần sa sút, Vi lại lấy thơ anh ra đọc.  Mặc dù Vi đã thuộc lòng từng chữ, từng câu, từng dấu chấm phẩy trong mỗi lá thư của anh, nhưng Vi vẫn cần đọc nó, cần nhìn chữ viết của anh để có cảm giác như có anh bên cạnh, đang thì thầm  bên tai những lời yêu thương tha thiết…
Đôi mắt mơ màng hướng về dĩ vãng, Uyên Vi nói nhỏ, buồn như một tiếng thở dài:
-…như ngày xưa!
Thái đau đớn thảng thốt kêu lên:
- Anh…
 Không để Thái dứt lời, Uyên Vi dịu dàng nói tiếp:
- Vi hiểu anh.  Anh không cần phải nói ra đâu!  Để Vi kể cho anh những điều Vi ấp ủ từ bao lâu nay, chỉ mong được tâm sự với anh một lần rồi thôi.  Khởi đầu Vi muốn giữ những lá thư đó để sau này lót vào trong cái gối chặn người cho con chúng mình, để nó khỏi giật mình vì được ấp ủ trong mối tình nồng thắm của Bố Mẹ.  Bây giờ thì Vi dùng những lá thư đó để sống lại những ngày hạnh phúc đã qua, và để nhờ nó đưa Vi vào những giấc mộng đẹp của những tháng ngày xưa cũ.
Thái xót xa nhìn Uyên Vi xúc động nói:
- Cám ơn Uyên Vi.  Anh thật hổ thẹn vì không xứng đáng với tình yêu trong sáng và cao thượng của em!
Tha thiết nhìn Uyên Vi, Thái nói tiếp:
- Na Uy xa xôi quá, lại lạnh lẽo nữa.  Vi có ý định chuyển về sinh sống tại Mỹ không?  Thí dụ như California chẳng hạn.  Ở đây thời tiết rất thích hợp với người Việt.  Hơn nữa, về đây đông người Việt có thể giúp Vi quên đi những buồn đau của quá khứ chăng?
Uyên Vi cười buồn, lắc đầu đáp:
- Na Uy tuy lạnh nhưng khung cảnh hiền hòa, an bình, thích hợp với Vi hơn.  Ngoài ra, ở đó ít người Việt nên ít gợi nhớ cho Vi những kỷ niệm đã làm Vi nhức nhối mỗi khi nghĩ đến.
Khẽ thở dài, Uyên Vi nói tiếp:
-  Càng đông người, Vi càng cảm thấy lạc lõng, cô đơn!
Không thuyết phục được Uyên Vi, Thái buồn bã hỏi:
- Vi tới California  từ bao giờ và khi nào em lại trở về Na Uy?
- Gia đình Vi tới đây Thứ Bảy tuần trước.  Ngày mai Chủ Nhật sẽ trở về Na Uy trong chuyến bay sáng sớm. 
Thái thẫn thờ nói:
- Ngày mai em đã đi rồi sao?  Buồn quá Vi ơi!  Em về Na Uy rồi biết bao giờ mình mới gặp lại nhau?  Sáng mai anh đến tiễn Vi ra phi trường nhé?
Uyên Vi khẽ lắc đầu nói:
- Đừng anh.  Tiễn đưa rồi cũng phải chia tay.  Lưu luyến mãi càng thêm chua xót.  Xin anh cứ để cho Vi thanh thản ra đi.
Thái tha thiết cầu khẩn:
- Ít nhất Vi cũng phải cho anh số điên thoại, hay địa chỉ để mình còn liên lạc với nhau chứ?
Uyên Vi buồn bã nói:
- Để làm gì hả anh?  Để mình có thể là anh em tốt của nhau?  Hay để mình có thể là bạn trân quý của nhau chăng?
Uyên Vi ngậm ngùi nói tiếp:
- Anh biết đó không phải là những điều Vi muốn.  Hơn nữa…hơn nữa anh còn Thiên Kim.  Còn gia đình mà anh có bổn phận phải gây dựng.  Tiếp tục liên lạc với nhau, Vi sợ rằng mình sẽ phạm phải những lỗi lầm đáng tiếc.  Thà cứ như vậy đi anh.  Dù sao Vi cũng cám ơn anh đã cho Vi sống lại những khoảnh khắc đáng nhớ.  Được gặp anh nói chuyện với anh từ nãy tới giờ đã là quá đủ với Uyên Vi rồi.  Bây giờ Vi phải đi vì có hẹn với cô chú Vinh. 
Thái biết tính Uyên Vi.  Khi nàng đã quyết định thì dù năn nỉ cách mấy cũng chỉ là vô ích.  Thái nghẹn ngào nói:
- Anh xin lỗi Vi.  Anh…anh rối trí quá.  Anh thật không biết nói gì trong lúc này Uyên Vi ạ!
- Vi hiểu anh.  Anh không có lỗi gì cả!  Nhìn vào mắt anh, Vi biết là Vi vẫn còn chỗ đứng trong anh.  Điều đó quá đủ với Vi rồi!  Vi rất cám ơn anh.  Vi cũng cám ơn anh không tiếp tục gọi Vi là Bé nữa.  Bởi vì Vi rất yêu danh xưng ấy.  Nó gợi nhớ cho Vi biết bao kỷ niệm êm đẹp, bao nhiêu dấu ái của một thuở yêu nhau.  Nếu anh tiếp tục gọi Vi là Bé nữa chắc Vi không đứng vững được từ nãy đến giờ đâu.
Giọng tràn đầy xúc động Thái buồn rầu nói:
- Thưc ra lúc nãy, vừa gặp Vi, anh đã gọi như thế.  Nhưng sau đó anh nghĩ cả anh lẫn Vi đều đã yên phận.  Nếu tiếp tục gọi như vậy sẽ là một xúc phạm lớn đối với em.  Nhưng mà, em biết không Vi, dù thế nào chăng nữa, em vẫn luôn luôn là Bé Vi của anh.  Trước đây, bây giờ, và mãi mãi về sau cũng sẽ như thế thôi!
Vi gượng cười, che dấu nỗi buồn:
- Cám ơn anh, nhưng bây giờ Vi đã già rồi không còn là Bé Vi của anh ngày xưa nữa đâu.  Vi năm nay đã bốn mươi hai tuổi rồi.  Còn anh đã năm mươi mốt.  Thời gian qua nhanh quá anh nhỉ.
Thái thẫn thờ nói:
- Thời gian trôi qua nhanh thật với biết bao biến đổi thăng trầm.  Mình xa nhau cũng đã gần hai mươi năm!  Từ một cô gái ngây thơ, yêu đời, nay em đã vào tuổi trung niên với những ưu tư khắc khoải, ray rứt, dằn vặt vì những bất hạnh trong cuộc sống tình cảm.  Rồi đây khi Bố Mẹ em khuất bóng, một mình em cô đơn, trơ trọi trên cõi đời này, em sẽ ra sao hả Vi.  Ai sẽ chăm sóc em mỗi khi em đau ốm?  Ai sẽ an ủi em những khi em tuyệt vọng?  Ai sẽ cùng em chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời?  Anh thương em quá Vi ơi!  Càng thương em, anh càng giận anh, hận cuộc đời.  Giận anh vì anh bất lực không làm gì cho em được cả.  Hận đời đã mang em đến với anh, đã cho anh những năm tháng tuyệt diễm, để rồi anh mang sầu khổ đến cho em.   Anh nợ em quá nhiều Vi ạ!  Anh phải làm sao đây.  Anh phải làm sao đây hả Vi?
Uyên Vi cố lấy giọng bình thản:
- Anh không phải làm gì cả!  Vi hiểu anh.  Bây giờ Vi phải về vì có hẹn với Cô Chú Vinh dự bữa tiệc tiễn đưa trước khi gia đình Vi rời Cali.  Vi chỉ xin anh một điều.  Anh cứ ngồi đây đừng theo Vi ra ngoài.  Bịn rịn càng thêm đau lòng mà chẳng giải quyết được gì cả!  Hứa với em đi Thái.
Thái đau đớn nhìn Uyên Vi, miễn cưỡng gật đầu:
- Anh hiểu.
Hai người đứng lặng nhìn nhau lòng tê tái.  Ánh mắt như xót xa cay đắng, như ai oán nuối tiếc, như muốn thu hết hình ảnh cuối cùng của người yêu vào tâm khảm.  Thời gian trôi qua, cả hai như quên hết ngoại cảnh, quên hết thực tại phũ phàng, đắm mình vào dĩ vãng tuyệt vời của những ngày tháng có nhau.  Ánh mắt nhìn nhau trở nên dịu dàng, trìu mến, chan chứa yêu thương.  Ánh mắt như quyện lấy nhau trong niềm hạnh phúc chợt đến, dìu nhau bay bổng lên cao, ngược dòng thời gian trở về quá khứ dịu êm của một thời luyến ái.  Cảnh vật chung quanh như mờ nhạt dần rồi mất hẳn, nhường chỗ cho những ngày tháng thơ mộng cũ hiện về trong tâm trí.  Họ thấy mình đang sánh đôi bên nhau trên con đường đất đỏ Xã Phước Vân ngày đầu tiên hai người gặp nhau.  Thấy mình đang đứng trước rạch Đôi Ma huyền bí với huyền thoại của những chuyện tình dang dở.  Thấy Thái đang nắm tay Uyên Vi dìu qua cầu khỉ nơi Thái đóng quân.  Thấy Uyên Vi tung tăng, vui vẻ như con chim nhỏ hạnh phúc bên Thái trên đường Tự Do nhộn nhịp, rực rỡ muôn màu của những ngày tháng cũ.  Thấy Uyên Vi đắm đuối, ngộp thở trong vòng tay Thái lần đầu hai người hôn nhau.  Rồi như trong cơn mộng du Thái mở rộng vòng tay bước tới định ôm lấy Uyên Vi, ôm hết thương yêu nhung nhớ vào lòng.  Giật mình tỉnh giấc chiêm bao, Uyên Vi bước lui lại, đau khổ nghẹn ngào nói:
- Đừng anh!  Vi xin anh.
Rồi nàng quay phắt đi, mắt nhòa lệ, bước vội ra cửa như chạy trốn.  Thái định chạy theo, nhưng chợt nhớ tới tính tình cương quyết đến bướng bỉnh của Uyên Vi. Hơn nữa, tự trong thâm tâm Thái cũng biết cuộc tình của hai người đã hoàn toàn bế tắc nên dừng lại.  Rồi như kiệt sức, chàng ngồi phệt xuống ghế, gục mặt xuống bàn, lòng cay đắng, xót xa…
Uyên Vi cắn chặt môi để cố ngăn hai hàng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt sầu thảm, chạy vào trong xe.  Bao năm tháng trôi qua, nàng chỉ cầu mong gặp lại Thái một lần để biết chàng đã an lành ra khỏi ngục tù là nàng mãn nguyện, vui vẻ sống quãng đời còn lại.  Nhưng Uyên Vi không ngờ rằng, sâu thẳm trong tiềm thức, nàng vẫn nuôi một tia hy vọng mong manh là Thái vẫn còn độc thân.  Để rồi khi biết Thái đã lập gia đình, nàng đã hụt hẫng, choáng váng, thất vọng não nề.  Thôi như thế là hết!  Hết thật rồi!  Phải cố gắng lắm Uyên Vi mới đủ nghị lực để giữ bình tĩnh nói chuyện với Thái cho tới phút cuối.  Nghĩ tới đây, Uyên Vi thấy tủi cho số phận không may của nàng.  Bao nhiêu ưu phiền chất chứa.  Bao nhiêu cay đắng tủi hờn, cùng những xót xa nuối tiếc, với bao thương nhớ đợi chờ tích tụ lại, bị dồn nén từ nhiều năm nay, giờ đây như sóng biển trong cơn địa chấn, đợt này tiếp nối đợt khác cuồn cuộn dâng lên, tuôn tràn ra khóe mi.  Uyên Vi bật lên tiếng khóc, úp hai bàn tay vào mặt, gục đầu xuống tay lái mặc cho những giọt nước mắt như những oán trách tủi hờn tuôn tràn xuống khuôn mặt hằn nét khổ đau của một đời bạc phước.  Đôi bờ vai nhỏ rung lên từng chập theo từng tiếng nấc nghẹn ngào như những lời thở than ai oán…
Kha bước đến bên cạnh Thái đặt tay lên vai bạn.  Thái ngước mắt lên nhìn Kha nghẹn ngào nói như muốn khóc
- Vi đi rồi Kha ơi!
Kha nhìn Thái thương cảm nói:
- Thấy ông và Uyên Vi gặp nhau nên tôi vội tránh đi để hai người được tự nhiên.  Vừa rồi thấy Uyên Vi ôm mặt chạy ra cửa, nên tôi trở lại với ông.
Thái đau khổ nói:
-  Mình sẽ không bao giờ được gặp Uyên Vi nữa.
Rồi Thái buồn rầu kể cho Kha nghe cuộc gặp gỡ Uyên Vi vừa qua, rồi hỏi:
- Theo ông tôi phải làm gì bây giờ hả Kha?
Khẽ thở dài, Kha an ủi:
- Ở vào trường hợp ông, tôi cũng không biết giải quyết thế nào cho trọn vẹn cả.  Nhưng tôi nghĩ Uyên Vi quyết định như vậy tuy đau lòng, nhưng hợp lý.  Hơn nữa, xa nhau êm đẹp như vậy, sau này còn có cái gì để nhớ, còn giữ được những hình ảnh đẹp của nhau.  Chứ nếu lấy nhau rồi, tôi e rằng thời gian cũng như những áp lực của cuộc sống sẽ hủy hoại tất cả Thái ạ.
X
XX
Thiên Kim nhìn Thái hỏi:
- Hôm nay anh và anh Kha đi chơi những đâu vậy?  Có gì vui không anh?
Thái lắc đầu:
- Thì cũng lang thang ngắm cảnh thôi, chứ không có gì lạ cả.
- Anh có gặp ai quen không?
Thái lúng túng:
- Ờ, thì cũng có gặp một người quen ngày xưa.
Đưa tay sửa lại khung ảnh treo trên tường cho ngay ngắn, Thiên Kim nhận xét:
- Kim nghĩ chắc người này phải quen thân lắm nên anh cứ thẫn thờ từ lúc về tới giờ.  Ngay cả trong lúc ăn cơm mà anh cứ như người mất hồn, đến nỗi chị Kha hỏi chuyện mà anh cứ ầm ừ trả lời đâu đâu ấy.
Nàng quay lại nhìn thẳng vào mắt Thái:
- Có phải anh đã gặp Uyên Vi không?
Thái giật mình hỏi:
- Kim biết Uyên Vi?
Thiên Kim thở dài:
- Thực ra khi chưa lấy nhau, Kim không biết liên hệ giữa anh và Uyên Vi.  Chỉ sau này, khi sống với nhau rồi, nhiều đêm anh nằm mơ gọi tên Uyên Vi.  Lúc ấy khuôn mặt anh hằn lên những nét khổ đau.  Và rồi cả ngày hôm đó anh cứ thẫn thờ như người mất hồn.  Điều đó gợi nhớ cho Kim chuyện tình giữa Uyên Vi và chàng Thiếu Úy Thái đã được loan truyền trong giới sinh viên thời đó.  Nhất là từ sau ngày Uyên Vi và Thùy Linh tổ chức buổi ca nhạc quảng bá hội “Những Người Yêu Lính” thì nhiều người biết hơn.  Đã mấy lần Kim gợi ý cho anh tâm sự, để Kim có cơ hội san sẻ cũng như an ủi anh.  Nhưng anh cứ lảng tránh nên Kim không biết làm thế nào.
Thái nắm lấy hai tay Kim:
- Xin lỗi Kim.  Không phải anh muốn giấu, nhưng thực sự là anh không muốn Kim bận lòng mà thôi.
Thế rồi Thái tuần tự kể lại cho Kim nghe chuyện tình giữa chàng và Uyên Vi cùng buổi gặp gỡ Uyên Vi ngày hôm nay.  Dứt câu chuyện Thái hỏi:
- Kim có giận anh không?
Thiên Kim mỉm cười:
- Chuyện tình cảm của anh trước khi gặp Kim là những kỷ niệm của riêng anh.  Kim tôn trọng những riêng tư đó.  Đó là những kỷ niệm đẹp cần phải gìn giữ Thái ạ!  Hơn nữa, Kim quý anh ở chỗ thủy chung, chứ nếu anh là một lãng tử bạc bẽo thì Kim đã không coi trọng anh đâu.
Nhìn Thái thông cảm, Kim nhỏ nhẹ nói tiếp:
- Chỉ tiếc là Uyên Vi quá cứng rắn không chịu nối lại liên lạc với chúng ta.  Nếu không, biết đâu chúng mình có thể giúp Uyên Vi thoát khỏi những u sầu vây kín và cảm thấy bớt cô đơn anh nhỉ?
Thái nhìn Thiên Kim thầm cảm ơn.  Nhưng Thái hiểu Uyên Vi.  Bên trong cái vỏ ngoài dịu dàng, mong manh đó là cả một tâm hồn cứng rắn, và cao ngạo.  Uyên Vi không bao giờ chập nhận sự thương hại của bất cứ ai.
Khẽ thở dài Thái nói:
-Một người như Uyên Vi thừa điều kiện để được hưởng một cuộc sống an lành, và hạnh phúc.  Nhưng tại sao những khổ đau, bất hạnh cứ luôn đến với nàng như vậy?  Có phải tại anh không Kim.  Nói cho anh biết đi, có phải tại anh không Kim?
Ái ngại nhìn Thái, Thiên Kim trả lời:
- Cuộc chiến điêu linh và dai dẳng đó đã để lại biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương mà hệ lụy của nó còn kéo dài cho tới ngày hôm nay, để thế hệ chúng ta vẫn phải tiếp tục gánh chịu.  Anh và Uyên Vi cũng như nhiều người khác chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến bi thảm đó mà thôi.  Anh không có lỗi gì cả, bởi vì mỗi người trong chúng ta chỉ là một cơ phận nhỏ bé trong guồng máy khổng lồ, mà dù muốn dù không chúng ta bắt buộc phải chuyển động theo, không cưỡng lại được.  Điều duy nhất mình có thể làm được bây giờ là cầu nguyện cho Uyên Vi.  Cầu nguyện cho một kiếp hồng nhan đã quá nhiều truân chuyên vượt qua những buồn đau dĩ vãng, tìm được sự bình an trong tâm hồn.
Đưa mắt nhìn xa xăm, như đang hướng về Na Uy, quốc gia lạnh lẽo, xa lạ mà giờ như đã trở thành thân thiết vì nơi đó đang có Uyên Vi, Thái thẫn thờ đáp:
- Phải, chúng ta hãy cầu nguyện cho Uyên Vi. 


Bonaire, Tháng Ba 2014
Nguyễn Ngọc Tú


Mời xem cuộc tình lãng mạn của Phạm Thái và Uyên Vi trong thời chiến tranh khốc liệt:
Click ==> TìnhThời Chinh Chiến  

Và các câu chuyện tình đẹp khác của cùng tác giả:
Click>> Lưới Nhn-Nguyn Ngc Tú





No comments:

Post a Comment