Ngồi trong câu lạc bộ Căn Cứ Hành
Quân Bộ Chỉ Huy Liên Đội, Thái nhắp từng ngụm cà phê nóng để thưởng thức mùi
thơm quyến rũ, và hương vị đăng đắng quen thuộc của nó. Gọi là câu lạc bộ
cho oai chứ thực ra đó chỉ là một căn nhà nhỏ, thô sơ, được dựng lên để bán
những đồ ăn khô như mì gói, cà phê, bia, thuốc lá, do người vợ của hạ sĩ quan
quân số Liên Đội đứng bán kiếm thêm chút tiền chi dụng, phụ vào với lương Trung
Sĩ Nhất của chồng, để nuôi sống gia đình với ba đứa con nhỏ. Đây cũng là
nơi ăn uống của sĩ quan và hạ sĩ quan Bộ Chỉ Huy Liên Đội. Chàng đưa mắt
nhìn quanh. Căn Cứ Hành Quân này là một cái đồn cấp Tiểu Đoàn, do Sư Đoàn
25 Bộ Binh bàn giao lại cho đơn vị chàng khoảng một năm trước đây. Đồn
trấn đóng tại một vị trí chiến lược quan trọng nên phải được phòng thủ vững
chắc, vì bằng mọi giá địch quân nhất định phải san bằng chướng ngại vật này.
Trong
cương vị Sĩ Quan Quân Báo Liên Đội, Thái đã áp dụng những điều đã học khi thụ
huấn Khóa Tình Báo tại Trường Quân Báo Cây Mai để thiết lập một hệ thống cảm
tình viên hữu hiệu cung cấp cho chàng những tin tức giá trị. Từ những tin tức đó, Liên Đội đã tổ
chức những cuộc hành quân, hay những cuộc đột kích, phục kích đôi khi do chính
chàng chỉ huy đạt được nhiều kết quả khả quan. Tình hình an ninh ngày
càng sáng sủa hơn.
Đang đưa ký ức lang thang về những
ngày tháng cũ, người hạ sĩ quan trực bước tới, đứng nghiêm chào Thái báo cáo:
- Trình Thiếu Úy ngoài cổng gác báo
có một cô gái đến xin gặp Chuẩn Úy Thảo. Cô ấy nói là em gái của Chuẩn
Úy. Cổng gác đang chờ chỉ thị của Thiếu Úy.
Thái đặt ly cà phê xuống bàn, châm
điếu thuốc, rồi lơ đãng nói:
- Được rồi! Để tao ra xem sao.
Thái lững thững vừa đi vừa nhìn ra
cổng. Một người con gái dáng mảnh mai, ẻo lả, đứng nghiêng nghiêng trong
nắng trên con đường đất nhỏ dẫn vào căn cứ. Mái tóc thề đen huyền, và tà
áo dài trắng thướt tha tung bay trong gió. Bất giác chàng khựng người
trước cảnh tượng tương phản trước mắt. Người thiếu nữ nhỏ bé như bị phong
toả trong vòng vây của chiến tranh. Trước mặt nàng, giữa căn cứ là khẩu
đại liên 50 đen sì sừng sững trên nóc pháo đài chỉ huy, lạnh lùng chĩa mũi súng
ra ngoài như sẵn sàng nhả từng loạt đạn với những tiếng nổ chát chúa từng làm
khiếp đảm quân thù. Gần hơn là dãy bờ đê phòng thủ bằng đất nện cùng
những lô cốt và những công sự chiến đấu cá nhân. Hai bên con đường đất
nhỏ, nơi nàng đang đứng, là bãi đất trống dày đặc mìn bẫy, và những lớp kẽm gai
chĩa những mũi sắt nhọn hoắt ra khắp phía như đe doạ, như sẵn sàng ngăn cản mọi
ý đồ xâm nhập của địch quân. Đằng sau nàng là ba chướng ngại vật khung
gỗ, hình khối tam giác, cuốn đầy kẽm gai được đặt so le dọc theo con đường nhỏ.
Tất cả như yên ắng an lành trong
không gian tĩnh mịch của một ngày cuối Hạ. Nhưng trong cái yên bình giả
tạo đó, ẩn tàng sát khí của chiến tranh, của lửa đạn, của chết chóc, có thể nổ
bùng ra bất cứ lúc nào!
Người con gái đứng đó. Nhỏ bé,
cô đơn, yếu đuối, trong vòng kiềm tỏa của chiến tranh, như thân phận người dân
Việt trước an bài nghiệt ngã của định mệnh.
Ánh nắng chiếu vào mắt nên chàng vẫn
chưa nhìn rõ mặt người con gái. Thái chặc lưỡi tiến lại gần. Chàng
chợt bàng hoàng, thảng thốt, tim đập mạnh. Thái có cảm giác như mình vừa
tìm được cái mình muốn tìm trong nhiều năm nay, dù rằng trước đó vẫn mơ hồ
không biết mình đang đi tìm cái gì. Trước mặt chàng là người con gái trẻ,
đẹp khoảng dưới hai mươi tuổi, khuôn mặt trái soan, trán cao, mũi nhỏ,
thẳng. Cái miệng xinh duyên dáng, môi dưới hơi trề ra như nũng nịu.
Đôi mắt bị cặp kính đen thời thượng, chiếm hết gần một phần tư khuôn mặt, che khuất nên
chàng không nhìn rõ, nhưng chắc là phải đẹp tương xứng với khuôn mặt.
Mải nhìn người con gái, Thái quên cả
chào hỏi. Thấy mình bị nhìn chằm chằm, Uyên Vi, tên người con gái, gỡ cặp
kính đen ra, hất mặt lên ngang bướng nhìn lại Thái. Cái ấn tượng đầu tiên
của Vi là anh chàng khật khùng mang lon Thiếu Úy này trông cũng được, không đến
nỗi nào. Thấy thái độ của Vi, Thái chợt nhận thấy mình hơi đường đột giai
nhân. Chàng mỉm cười tự giới thiệu:
- Chào cô bé. Tôi là Thiếu Úy
Thái. Cô bé muốn gặp ai?
- Chào …chú. Cháu muốn
gặp anh cháu, Chuẩn Úy Thảo.
Tiếng chú thoát ra từ đôi môi nũng
nịu nghe thật ngọt ngào, dễ thương. Nhưng sao Thái thấy nó vô duyên tệ.
Thái nhăn mặt:
- Sao cô bé lại gọi tôi là chú?
Vi lễ phép nói:
- Dạ vì chú là… chú ạ.
Nàng kéo dài tiếng ạ nghe phát ghét.
Thái hỏi:
- Bộ tôi già lắm sao cô bé?
Uyên Vi mở to mắt, giọng ngây thơ:
- Dạ chưa đâu chú. Chú chưa
già lắm đâu. Chú còn trẻ hơn Bố cháu mà!
Thái thở dài nói:
- Nếu biết trước có ngày hôm nay gặp
cô bé, và bị cô bé chê già, thì tôi nhất định ở lỳ trong bụng mẹ, chờ vài năm
sau mới chui ra.
Uyên Vi cười khúc khích thầm nghĩ:
“Anh chàng này cũng mồm mép lắm chứ không cù lần đâu.”
Thái nói tiếp:
- Cô bé bán cho tôi tiếng chú đó đi
được không?
Uyên Vi làm ra vẻ buồn bã, lắc đầu:
- Không được đâu chú ạ! Mẹ
cháu vẫn nói cháu còn dại lắm, đi buôn có ngày mất cả vốn lẫn lãi. Muốn
buôn bán gì phải hỏi mẹ cháu.
Ngừng một chút, Vi reo lên như mới
tìm ra được điều gì thú vị.
- À! Hay là để cháu hỏi mẹ
cháu xem có bán được không chú nhé!
Thái bật cười. Cô bé này đáo
để thật. Đáo để, nghịch ngợm, và thông minh. Rất thông minh.
Thôi tạm chịu thua cô nàng rồi tính sau.
Thái lảng qua chuyện khác.
- Rất tiếc là Chuẩn Úy Thảo được
lệnh đi hành quân sáng nay không có nhà, sớm lắm là đến tối mới về.
- Nhưng anh ấy nhắn về là hôm nay
được ở hậu cứ mà!
- Sáng nay có lệnh hành quân khẩn
cấp đành phải chịu thôi cô bé ạ!
Uyên Vi cười buồn nói:
- Như vậy cháu phải về thôi!
- Cô bé muốn về bây giờ cũng không
được vì ở đây mỗi ngày chỉ có 2 chuyến xe đò về Saigon thôi. Một chuyến
buổi sáng lúc 9 giờ, và một chuyến buổi chiều lúc 5 giờ.
Uyên Vi như muốn khóc:
- Thế phải làm sao bây giờ?
Thái dịu giọng:
- Thôi như thế này nhé. Tôi là
bạn Chuẩn Úy Thảo. Chuẩn Úy Thảo không có nhà, tôi có bổn phận phải tiếp
đãi cô. Bây giờ đã tới giờ ăn trưa. Tôi mời cô vào trong Câu Lạc Bộ để tìm hiểu về cuộc sống của bọn lính tráng chúng tôi rồi dùng bữa
cơm lính với tôi. Sau đó tôi đưa cô đi thăm xóm làng. Bảo đảm là cô
sẽ thấy được nhiều điều thú vị. Đến chiều, tôi sẽ đưa cô ra bến xe.
Uyên Vi chợt nhận ra Thái đã đổi
cách xưng hô. Chàng gọi mình là cô chứ không gọi mình là cô bé nữa.
Phải vậy chứ! Người ta đã mười tám tuổi rồi chứ bộ!
Uyên Vi ngần ngừ một chút rồi gật đầu đi theo Thái. Mái nhà
Câu Lạc Bộ lợp bằng lá dừa nước, vách nhà làm bằng những thân cây nhỏ ghép lại. Trong góc phòng bên trái là một quầy bán hàng trên
đó để vài chai cô ca, vài chai bia, và ba phin cà phê. Trên tường phía
sau quầy là một cái kệ nhỏ để khoảng một chục gói mì ăn liền. Bàn ghế, đồ
đạc trong Câu Lạc Bộ được đóng bằng những mảnh ván từ những thùng đạn pháo binh
xin được của đơn vị bạn. Mũ rừng, băng đạn, giày saut, nón sắt, bi đông
nước..., những vật dụng thân thiết của người lính, được treo rải rác trên tường
để trang trí. Đơn giản và rất lính. Đặc biệt giữa tường, nơi trang
trọng nhất, là tấm ảnh bán thân một người con gái còn rất trẻ, mái tóc thề
buông xoã, vài lọn tóc lòa xòa trước mặt. Đầu nàng hơi cúi xuống, hai
khuỷ tay chống xuống bàn, hai bàn tay chắp lại áp vào má. Giữa hai bàn
tay lủng lẳng sợi dây thẻ bài. Cuối sợi dây, ngang cổ nàng là tấm thẻ bài
với tên, số quân, loại máu của người quân nhân tử trận. Vài giọt nước mắt
long lanh đọng trên khuôn mặt sầu thảm. Một dòng lệ rơi xuống chảy dài
trên cánh tay tròn, nhỏ, phơn phớt lông măng. Hình chụp đen trắng, rất có
hồn khiến người xem cảm nhận ngay được nỗi đau đớn tận cùng của người con
gái. Đau đớn, nhẫn nhục, và cam chịu.
Thái bước lại gần Uyên Vi giọng buồn
buồn:
- Đây là tác phẩm “Tiếc Thương” nổi
tiếng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. Cuộc chiến này đã để lại nhiều
goá-phụ-hai-mươi! Cô gái này còn trẻ lắm. Chắc là chưa tới hai
mươi. Có lẽ nàng đang khóc người yêu vừa tử trận!
Uyên Vi thở dài:
- Buồn quá chú nhỉ?
Thái rót cho nàng một ly cô ca và
nói:
- Cô dùng tạm ly cô ca không đá vậy!
Uyên Vi mỉm cười cảm
ơn.
Thận, người lính phụ trách cơm nước,
mang cơm lên cho hai người. Mâm cơm đơn giản chỉ có một đĩa nhỏ thịt ba
rọi kho, một đĩa cá lòng tong chiên dòn, và một đĩa dưa chua.
Người lính nói:
- Mời Thiếu Úy và…cô dùng bữa.
Nhìn dáng vẻ như “biết hết” của
người lính, Uyên Vi biết anh ta đang nghĩ gì. Nàng chợt đỏ mặt trong khi
Thái thản nhiên nói.
- Mời cô dùng tạm bữa cơm
lính. Các sĩ quan khác đi hành quân hết rồi. Chỉ còn tôi trực ngày hôm
nay thôi. Hôm nay có cô là khách quý nên Thận mới tặng thêm đĩa cá chiên
này đó. Nhờ vậy mà tôi cũng được hưởng ké lộc của cô. Bình thường
chỉ có một món thôi chứ không thịnh soạn như thế này đâu!
Nàng hỏi:
- Sao không góp thêm tiền để ăn uống
cho đầy đủ hơn hả anh?
Uyên Vi chợt đỏ mặt vì nhận thấy
mình vừa gọi Thái là anh. Thái tỉnh bơ như không biết.
- Thì góp một phần nhỏ lương tháng
thôi, còn lại…
Uyên Vi ngắt lời:
- Để nuôi vợ con?
Thái cười, gắp thịt kho và dưa chua
tiếp Uyên Vi:
- Vợ con gì. Thân mình còn
chưa xong đâu dám đèo bòng!
Uyên Vi chợt cảm thấy nhẹ
nhõm. Nhưng không biết có thật anh chàng còn độc thân hay không?
Mấy ông lính thì khiếp lắm. Vợ con đùm đề mà vẫn than thở là không ai
đoái hoài tới. Đến khi không còn che giấu được nữa mới cãi bướng là “tôi
nói không ai đoái hoài tới, chứ có nói là chưa vợ đâu!” Biết thế, nhưng
sao Vi vẫn tin tưởng là Thái nói thật. Dù sao cũng phải kín đáo dò la hỏi
anh Thảo mới đựơc.
Thái nói tiếp:
- Phần lớn lương còn lại để mua
rượu.
Uyên Vi nhăn mặt:
- Tại sao ông lính nào cũng uống
rượu hết vậy anh? Vi sợ lắm!
Thái cười buồn:
-
“Đời lính chiến hai thú vui làm bạn,
Rượu
quên sầu và đạn để quyên sinh!"
Uống rượu để quên đi hiện tại nhọc
nhằn, hiểm nguy. Để không nhìn thấy tương lai mù mịt. Và đôi khi để
quên đi nỗi sợ. Rượu cũng làm những người lính chiến thương nhau
hơn. Họ có thể liều cả mạng sống của mình, lăn xả vào lửa đạn chỉ để cướp
xác bạn mang về cho thân nhân chôn cất dù rằng rất nguy hiểm vì Việt Cộng
thường dùng xác lính để làm mồi triệt hạ những đồng đội xông tới cướp xác mang
về, vì họ biết người lính Việt Nam Cộng Hòa rất nặng tình nghĩa. Đôi khi
chỉ vì một xác đồng đội mà một, hai, người khác bị trọng thương hay hy sinh
theo!
- Sao Việt Cộng họ ác vậy anh?
Mà trong cách nói của anh như có vẻ phản chiến?
Thái thở dài:
- Chiến tranh! Anh ghét chiến
tranh, nhưng không phản chiến. Theo anh, đi lính là một bổn phận phải thi
hành. Đành rằng xã hội còn nhiều bất công, nhưng đó là những bất công
chúng ta phải tạm thời chấp nhận, để cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách hơn,
quan trọng hơn. Đó là sự sống còn của miền Nam. Thử nghĩ nếu
ai cũng trốn lính thì đất nước này sẽ ra sao khi rơi vào tay Cộng Sản? Bé
thấy đó, chỉ vỏn vẹn trong gần một tháng chiếm đóng Huế hồi Tết Mậu Thân mà họ
đã gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh, giết hàng ngàn người dân vô tội một cách dã
man bằng cuốc, xẻng, hay bất cứ vật cứng nào mà họ có được. Họ không bắn
vì không muốn tốn đạn, rồi xô các nạn nhân xuống những hố chôn tập thể.
Nhiều người khác bị chôn sống. Một số khác bị trói xỏ xâu bằng dây
kẽm gai dẫn đi khắp phố phường để thị uy trước khi hành quyết! Bé thử
tưởng tượng nỗi đau đớn, thống khổ của các nạn nhân đó trước khi chết như thế
nào?
Uyên Vi nhăn mặt, lập lại câu hỏi
trước đó mà Thái chưa trả lời:
- Sao họ ác vậy anh?
Thái thở dài đáp:
- Theo anh, con người không ai có
tính độc ác, có lòng hận thù bẩm sinh cả. Tính độc ác, lòng hận thù chỉ
có được do môi trường sống, do sự dạy dỗ dưới nhiều hình thức. Lòng hận
thù một khi được khích động đến cao độ, sẽ được thể hiện bằng những hành động
tàn nhẫn, dã man một cách lạnh lùng, thản nhiên, không còn tính người.
Bằng cách này, các lãnh đạo đảng Cộng Sản, vì lợi ích bất chính của mình,
đã chủ trương giáo dục, tuyên truyền, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của những
người dân bản chất hiền lành, những ý tưởng hận thù sắt máu của cái gọi là “đấu
tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” để biến những người dân hiền lành thành
những công cụ giết người không gớm tay, phục vụ một cách mù quáng cho tham vọng
chính trị của họ!
Ngừng một chút, Thái rót thêm cô ca
vào ly của Uyên Vi rồi tiếp:
- Nếu họ chiếm được miền Nam thì bao
nhiêu thảm cảnh khủng khiếp khác sẽ xảy ra? Rồi những người dân vô tội, những
người cần được bảo vệ như Bé sẽ ra sao? Bởi thế anh đã giã từ cuộc sống
an lành của đời sinh viên để gia nhập quân ngũ không chút nuối tiếc. Anh
không anh hùng, nhưng anh khinh những thằng trốn quân dịch. Trốn lính
mà còn quậy phá nữa chứ! Họ thừa can đảm để đâm chém nhau đến thương tật,
hay chết thảm, chỉ vì một cái nhìn mà họ gọi là “nghênh,” nhưng lại không đủ
dũng khí để ra chiến trường! Anh thực sự không hiểu nổi loại người
này!
Nhắp một ngụm nước Thái tiếp:
- Sở dĩ anh chọn binh chủng Địa
Phương Quân ở Tiểu Khu Long An này là vì anh muốn ở gần nhà. Anh còn mẹ
già, cần phải về thăm bà cụ thường xuyên. Mẹ anh đã khổ gần trọn cuộc đời
vì Bố anh mất khi mẹ anh còn rất trẻ, ở độ tuổi ba mươi. Khi ấy anh còn
rất nhỏ, mới một tuổi. Mẹ anh đã ở vậy thủ tiết thờ chồng, môt mình vất
vả nuôi dạy bảy anh chị em anh nên người. Từ một thiếu phụ khuê các, mẹ
anh đã phải lao vào cuộc sống buôn gánh bán bưng cơ cực của người lao động để
nuôi sống các con trong hoàn cảnh bất ổn của chiến tranh Việt-Pháp, và nạn đói
năm Ất Dậu. Bao nhiêu đắng cay tủi nhục. Bao nhiêu gian khổ.
Anh không thể để mẹ anh phải buồn, phải lo lắng thêm nữa!
Uyên Vi lặng người nhìn Thái.
Người thanh niên này bề ngoài trông vô tư, bất cần đời. Nhưng sâu thẳm
trong tâm hồn chàng là cuộc sống nội tâm, một bàu nhiệt huyết với những ray
rứt, ưu tư.
Thái dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn
bằng nhựa đen, đứng dậy nói:
- Thôi bỏ chuyện đó đi không nói
nữa. Anh không muốn làm vẩn đục tâm hồn trong sáng của Bé. Để anh
đưa Bé đi dạo chơi thôn xóm.
Uyên Vi mỉm cười thầm nghĩ: “Anh
chàng cũng bạo nhỉ? Tấn công tới tấp từng bước một. Đang từ cô bé
và tôi. Rồi đến cô và tôi. Bây giờ lại anh và bé.” Bất ngờ
quá nên Vi không biết phản đối cách nào. Vả lại phản đối để làm gì
khi nghe cũng… dễ thương!
Bóng
chàng thanh niên trong bộ quân phục tác chiến vững vàng, tự tin, bên cạnh nàng
thiếu nữ mảnh mai, yểu điệu trong chiếc áo dài tha thướt, song hành trên
con đường đất đỏ. Một cơn gió lướt qua thổi mái tóc và tà áo dài của Uyên Vi ôm lấy lưng Thái như
vòng tay ôm của định mệnh. Vi hơi ngượng với chính mình vì ý tưởng lãng
mạn chợt đến đó.
Thái nhìn Uyên Vi hỏi:
- Gặp nhau từ nãy mà tới giờ anh
chẳng biết gì về Bé cả, ngoài tên Vi.
- Tại anh không hỏi chứ đâu phải tại
Vi.
Rồi nàng tiếp:
- Vi tên là Uyên Vi, Trần Uyên Vi, mười tám tuổi. Nhà có hai anh em. Anh Thảo và Vi.
- Như vậy Bé là con gái út.
Chắc là được cưng lắm đấy!
Vi cười:
- Cưng gì, anh Thảo bắt nạt Vi hoài
à!
Thái cười theo:
- Thế còn Ba Mẹ của Bé?
- Bố Vi là công chức cao cấp Bộ Dân
Vận Chiêu Hồi. Mẹ Vi là giáo sư trung học. Mẹ muốn Vi theo nghề dạy
học, nhưng Vi không chịu vì Vi sợ lắm. Bị học trò bắt nạt chắc Vi khóc
ngay trong lớp học quá. Do đó Vi theo Luật. Đang học năm
thứ nhất.
Thái nheo mắt nhìn Uyên Vi mỉm cười
trêu chọc:
- Giữa chốn pháp đình uy nghiêm,
trước mặt ba tòa quan lớn, nếu cãi không lại người ta, không biết cô luật sư
nhỏ có khóc nhè trước tòa không nhỉ?
Uyên Vi cười dòn:
- Chắc là khóc rồi. Do đó Vi
chỉ học luật thôi, chứ không làm luật sư đâu.
Thái chợt đứng lại, chỉ tay về phía
trước nói:
- Bé nhìn thấy con rạch trước mặt
không? Bên kia con rạch là Xã Long Sơn, bên này là Xã Phước Vân.
Trước kia, ở đây có một cây cầu sắt bắc ngang con rạch gọi là cầu sắt Long
Sơn. Cây cầu này đã bị hủy hoại vì bom đạn. Ngày nay dân chúng hai
bên muốn qua lại phải bơi, hoặc phải đi vòng rất xa.
Vi đưa mắt nhìn. Con rạch khá
rộng, bề ngang khoảng một trăm mét. Hai bên bờ là những hàng dừa nước
xanh rì, rậm rạp. Cầu sắt giờ chỉ còn trơ lại chân cầu rỉ sét, và vài
thanh sắt cong queo nằm cô đơn bên giòng nước đục vô tình hờ hững trôi…
Uyên Vi hỏi Thái:
- Nó là con rạch hả anh? Vi
tưởng nó là con sông chứ!
Thái giải thích:
- Sông thì lớn hơn và chảy ra
biển. Dân trong vùng đặt tên con rạch này là Rạch Đôi Ma.
Vi tròn mắt:
- Rạch Đôi Ma? Tên gì mà nghe
ghê vậy anh?
- Tương truyền rằng trước đây có một
cặp tình nhân vì trắc trở tình duyên nên cùng nhau nhảy xuống rạch tự tử.
Từ đó, như có oan hồn, mỗi năm đều có một cặp nam nữ chết đuối tại con rạch
này. Dân trong xã nói đó là do cặp nam nữ đầu tiên chết tức tưởi nên hiển
linh.
Uyên Vi bĩu môi:
- Hiển linh gì mà bắt người ta chết
theo!
Thái cười nhẹ:
- Để anh chỉ cho Bé xem cái miếu nhỏ
dân trong vùng dựng lên để thờ cặp tình nhân đó.
Uyên Vi theo Thái lần xuống bờ
rạch. Nàng chợt đứng lại:
- Không được đâu anh! Dốc quá,
lại trơn nữa. Vi sợ ngã lắm!
Thái quay người lại đưa tay ra:
- Bé nắm lấy tay anh. Không
ngã đâu!
Vi lắc đầu:
- Thôi! Nhỡ Vi kéo cả anh ngã
theo thì sao?
Thái đắm đuối nhìn vào mắt nàng trìu
mến nói:
- Thì mình cũng sẽ thành đôi ma!
Uyên Vi ngượng ngùng đưa mắt nhìn
lên bầu trời trong xanh. Một phi đội chiến đấu cơ phản lực đang gầm thét,
xé gió bay qua để lại những vệt khói trắng dài tan dần trong nắng.
Trên cành cây to bên kia rạch, một đôi chim nhỏ đang hạnh phúc bên nhau,
vừa ríu rít trò chuyện, vừa cùng nhau tha những cọng rơm về xây dựng tổ
ấm. Uyên Vi thở dài nghĩ đến sự phi lý, sự tàn nhẫn của chiến
tranh. Như hai con chim nhỏ đang sống hạnh phúc kia sẽ ra sao khi chiến tranh
ập đến!
Tiếng Thái chợt vang lên:
- Bé đang nghĩ gì thế?
Vi cười:
- Không, Vi có nghĩ gì đâu.
Uyên Vi chợt nhận thấy đã có những
thay đổi trong tâm hồn nàng. Nàng bắt đầu quan tâm đến chiến tranh, đến
thân phận con người. Điều mà trước đây nàng chưa bao giờ để ý tới.
Thái đưa Uyên Vi rời xa Rạch Đôi Ma,
trở lại con đường đất đỏ, đi về phía xóm làng. Đám mây mỏng đã bay đi
nhường chỗ cho mặt trời chiếu những tia nắng chói chan xuống mặt ao, phản
chiếu lên những cành lá xum xuê bên đường đang xào xạc trong gió, tạo nên những
vệt nắng như đang hân hoan nhảy múa chào mừng người thiếu nữ. Thấy những
giọt mồ hôi lấm tấm đọng trên trán Uyên Vi, Thái lột cái mũ rừng trên đầu, đội
vào cho nàng. Vi nhìn Thái thầm cảm ơn.
Hai người đi lên một bờ ruông dẫn
vào trong xóm. Bờ ruộng chỉ đủ rộng cho một người, nên Thái đi trước dẫn
đường. Vừa đi chàng vừa giải thích:
- Bây giờ là mùa khô nên ruộng lúa
khô cằn, nứt nẻ, chỉ còn trơ lại gốc rạ. Vào mùa mưa cả một cánh đồng bao
la này phủ đầy những cây lúa màu xanh lá mạ, toả hương thơm nhè nhẹ trong không
gian. Vào lúc đó Bé không thể nào đi trên bờ ruộng dễ dàng như bây giờ
đâu.
Uyên Vi tò mò hỏi:
- Sao vậy anh?
- Bởi vì vào lúc đó những bờ ruộng
này rất trơn trượt, không quen hay bị ngã lắm. Ngày mới ra trường, đi
hành quân qua những bờ ruộng anh bị ngã oành oạch hoài đấy chứ!
Vi đưa mắt nhìn khung cảnh trước
mắt. Bên trái là cánh đồng bát ngát với những bờ ruộng ngang dọc phân
chia cánh đồng thành nhiều ô. Cả cánh đồng bao la nay chỉ còn trơ lại gốc
rạ, thoang thoảng toả mùi hương ngai ngái đặc biệt của miền đồng lúa. Bên
phải cách một thửa ruộng, thấp thoáng vài mái nhà lá ẩn hiện sau những lùm cây
xanh tươi, nổi bật trên bàu trời màu xanh nhạt được tô điểm bằng vài cụm mây
trắng lững lờ trôi. Phong cảnh thiên nhiên, không gian rộng lớn, khoảng
khoát, không khí trong lành, khiến
Uyên Vi cảm thấy thoải mái khi thoát khỏi thành phố chật chội, tù túng.
“Quê hương mình đẹp quá.” Vi thầm nghĩ.
Hai người rẽ vào con đường đất hẹp
dẫn vào trong xóm. Đến trước một con mương nhỏ bề ngang chừng ba thước,
bên dưới là bùn đen nhão nhẹt. Một khúc thân cây tròn bắc ngang làm
cầu. Uyên Vi ngần ngại nói:
- Vi không qua cầu này được đâu, nhỡ
ngã xuống dơ hết quần áo!
Thái bước xuống cầu, quay mặt lại
đối diện với Vi rồi đưa tay ra. Uyên Vi nhìn Thái ngần ngại một chút rồi
nắm lấy tay chàng. Thái đi giật lùi từng bước một, vừa đỡ cho Vi khỏi
ngã, vừa nương theo bước chân của Vi đang dò dẫm từng bước, như một đôi nam nữ
đang dìu nhau trong vũ điệu slow giữa khung cảnh thiên nhiên của đồng quê.
Qua được bên
kia con mương, Uyên Vi thở phào nhẹ nhõm nói:
- May quá qua được rồi! Lúc nãy Vi chỉ
sợ bị ngã xuống sình thôi. Mà
ở đây có nhiều cây cầu này không anh?
Thái gật đầu:
- Đây là vùng sông rạch nên nhiều
cầu này lắm. Nhưng cái cầu này chưa thấm tháp gì đâu. Có những con
rạch lớn hơn, sâu hơn, đầy nước mà cũng chỉ dùng một thân cây bắc ngang làm cầu
thôi. Dân trong vùng quen rồi nên họ đi qua, đi lại rất thoải mái.
Nhất là phụ nữ, họ có thể gánh đôi quang gánh, mà cứ thoăn
thoắt qua cầu như mình đi trên đường bộ vậy. Loại cầu này được gọi là cầu
khỉ.
Vi ngạc nhiên hỏi:
- Cầu khỉ? Nhưng tại sao lại
có cái tên… “khỉ” như vậy anh?
- Anh không biết, nhưng theo anh suy
đoán thì có lẽ vì người đi trên đó cứ phải nghiêng qua nghiêng lại, hai tay
dang ra hai bên, đưa lên, hạ xuống, để giữ thăng bằng, trông giống như con khỉ
nên có tên đó chăng?
Uyên Vi cười dòn, vừa đi vừa giơ hai
tay ra hai bên đưa lên hạ xuống, giả vờ như đang đi trên cầu khỉ.
Thái nói tiếp:
- Nhưng dân trong vùng quen thuộc
với loại cầu này rồi. Họ qua lại rất thoải mái. Do đó tên cầu khỉ
không áp dụng cho họ được, mà chỉ đúng với người thành phố như…Vi thôi!
Vi dẩu môi nói:
- Anh gọi Vi là khỉ hả? Vi
không thèm chơi với anh nữa!
Đắm đuối nhìn Uyên Vi, Thái nói:
- Nhưng đó là mong ước của anh Bé
ạ! Vì anh tuổi Thân.
Suy nghĩ một chút Vi chợt
hiểu. Tuổi Thân là tuổi con khỉ, mà Thái muốn mình là khỉ có nghĩa là…Vi
đỏ mặt quay đi, nhìn bâng quơ vào trong sân một ngôi nhà lá bên đường.
Một chàng gà trống đang dẫn một nàng gà mái và bầy con chim chíp theo
sau. Thái có lối nói chuyện như vậy đó! Người nghe phải suy nghĩ
mới hiểu được. “Nhưng Thái ơi, có còn quá sớm để nói yêu nhau
không?”
Một giọng nói vang lên cắt đứt dòng
tư tưởng của Uyên Vi:
- Chào Thiếu Úy. Mời Thiếu Úy
ghé chơi.
Một người đàn ông chừng hơn năm mươi
tuổi, mặc bộ bà ba trắng, đang đứng trước sân nhà niềm nở chào Thái.
Thái tiến đến chào lại:
- Chào chú Tư. Chú khoẻ không?
Rồi Thái thản nhiên giới thiệu:
- Đây là chú Tư, còn đây là Uyên Vi,
bạn cháu, từ Saigon đến thăm.
Vi chào chú Tư rồi nghĩ thầm: “Đúng
là nhận vơ, người ta tới thăm anh Thảo chứ bộ!”
Chú Tư nói tiếp:
- Đêm qua tui bắt được một con
trút. Để tui biểu xấp nhỏ làm thịt, mình làm vài chung cho ấm bụng, Thiếu
Úy.
Thái từ chối:
- Cám ơn chú Tư, nhưng con phải đưa
cô bạn này ra bến xe. Để lần tới đi chú Tư. Lần tới con không từ
chối đâu!
Chú Tư nói giọng nuối tiếc:
- Lâu lâu mới có thịt trút nhậu chơi
mà không có Thiếu Úy mất vui. Vậy tui để cho nó sống thêm một hai bữa rồi
mình tính nó nhe Thiếu Úy?
- Vậy thì tốt quá. Cám ơn chú
Tư.
Hai người ra khỏi sân nhà chú
Tư. Thái nhìn đồng hồ đeo tay nói:
- Bé mệt rồi. Mà cũng đã bốn
giờ. Để anh đưa Bé ra bến xe.
Uyên Vi gật đầu:
- Phải đấy. Đi bộ không quen,
Vi mệt rồi.
Vài ba nhóm thôn nữ đi ngược chiều
nhìn hai người với ánh mắt tò mò, thì thầm to nhỏ rồi cười khúc khích.
Biết họ đang nói về mình, Uyên Vi hơi ngượng. Để che dấu sự ngượng ngùng,
nàng hỏi Thái:
- Hồi nãy chú Tư nói con trút là con
gì vậy anh? Vi chưa từng nghe qua.
- Thì… nó giống con kỳ đà!
- Kỳ đà? Vi cũng chưa từng
thấy nó. Vậy chứ con kỳ đà nó ra sao?
Thái ỡm ờ:
- Thì… con kỳ đà nó… giống con trút!
Vi bực mình nhìn Thái:
- Thế con kỳ đà và con trút giống
con gì?
Thái tỉnh bơ:
- Thì… hai con đó… giống nhau!
Uyên Vi bật cười lên thành
tiếng. Nàng biết Thái trêu chọc nàng.
Hai người bước lên con lộ đất đỏ, rẽ
trái về hướng bến xe.
Thái cười buồn nói:
- Bé sắp về rồi, buồn quá nên đùa
chơi với Bé cho quên nỗi sầu. Thực ra kỳ đà và trút không liên quan gì
tới nhau cả. Kỳ đà thuộc loài bò sát, còn con trút tuy trông như loài bò
sát nhưng thực ra nó thuộc loài có vú. Thịt trút ăn rất ngon. Mặt
nó giống như mặt chuột. Thân tròn và dài. Đuôi dài. Toàn thân
nó, trừ dưới bụng, được bao bọc bởi một lớp vảy cứng, nhọn phía đầu. Bốn
chân ngắn như chân cá sấu. Mỗi khi gặp nguy hiểm nó cuốn tròn mình lại,
giương vảy lên để tự vệ.
Uyên Vi cười nhẹ nói:
- Theo như anh tả thì nó chẳng có gì
là hấp dẫn cả. Nó có to không anh?
Thái cũng cười:
- Mình nó to bằng bắp đùi.
Chiều dài khoảng từ bốn tấc đến một mét. Món ăn khoái khẩu của nó là kiến
và mối. Muốn bắt kiến thì anh chàng chỉ cần nằm xuống giương vảy lên, chờ
các chú kiến chui vào tìm mồi thì cụp vảy lại. Sau đó cứ mở từng vảy lên
mà đánh chén thôi.
- Thế làm sao chú Tư bắt sống được
nó vậy?
- Cách bắt sống trút rất đơn giản và
thú vị. Người ta chỉ việc xỏ cán cuốc dọc theo bụng, giữa bốn chân của
nó. Bị cán cuốc chạm vào bụng, anh chàng vội quặp chặt lấy. Thế là
chỉ việc hân hoan vác cây cuốc có chú trút bám cứng trên đó lên vai về nhà
thôi!
Uyên Vi ngạc nhiên hỏi:
- Không trói lại à? Nó không
chạy sao anh?
- Cán cuốc rung rung theo nhịp
đi. Anh chàng sợ té, nên cán cuốc càng rung, anh chàng càng quặp chặt nên
không cần phải trói.
Uyên Vi cười dòn thích thú.
Hôm nay, nàng đã nhìn thấy, nghe thấy và biết thêm nhiều điều thú vị.
Dọc theo con lộ đất đỏ, ngược chiều
với hai người, một đoàn quân đang trở về hậu cứ sau một cuộc hành quân.
Quần áo bê bết bùn đất, súng trên vai, họ vừa đi vừa chuyện trò rôm rả dù rằng
nét mệt mỏi vẫn còn đọng trên những khuôn mặt rám nắng.
Thái đưa Vi vào một quán nước bên
đường, nơi chiếc xe đò độc nhất đang chờ khách. Chàng gọi cho Vi một chai
cô ca, mình một ly cà phê đen rồi bảo Uyên Vi.
- Bé ngồi chờ anh. Anh ra dặn
xe đò dành chỗ cho Bé.
Còn lại
một mình trong quán, Vi nhìn ra quang cảnh bên ngoài. Trước cửa
quán nước, giữa con đường đất đỏ, đằng sau chiếc xe đò là một tảng đá khổng lồ
gọi là “Mả Ông Huyện” như Thảo cho biết khi chỉ đường cho Uyên Vi tới
thăm. Cách đó khoảng chừng vài trăm thước, một đơn vị công binh Mỹ đang
nhộn nhịp làm đường. Bụi đỏ bốc lên mù mịt trong tiếng động cơ của các xe cơ giới hạng nặng vang lên ầm ĩ, tạo nên một khung
cảnh đặc biệt của chiến tranh.
Thái trở về bàn sau khi đã trả tiền
xe đò, và dặn người lơ xe dành cho Uyên Vi một chổ tốt.
Uyên Vi nhìn Thái nói:
- Hôm nay nghe anh tâm sự, và tận
mắt nhìn thấy một phần sinh hoạt của những người lính, Vi thấy mình có lỗi vì
đã quá lạnh nhạt, thờ ơ với những hy sinh to lớn của họ. Vi rất ân
hận. Từ nay cái nhìn của Vi về họ, về cuộc chiến này sẽ khác hơn, sẽ
chính xác hơn.
Ánh mắt Thái sáng lên vui mừng,
chàng đưa hai tay ra nắm lấy bàn tay của Uyên Vi đang đặt trên bàn. Giọng
Thái ấm lại:
- Cám ơn Bé. Không phải chỉ có
Bé mới có quan niệm bất công như vậy đâu. Những khi về Saigon thấy thái
độ thờ ơ của dân thành phố đối với lính, với thời cuộc, anh buồn lắm chứ!
Nhưng bây giờ chỉ một mình Bé hiểu cũng đã là quá đủ với anh rồi!
Vi ngượng ngùng rụt tay lại nhìn
quanh xem có ai để ý không.
Thái châm một điếu thuốc rồi tha
thiết nói:
- Bé về rồi anh muốn liên lạc với Bé
thì phải làm sao? Bé cho anh địa chỉ nhé!
Uyên Vi ngần ngại nói:
- Vi chưa bao giờ thư từ với ai
cả. Mẹ biết Mẹ mắng chết!
Nhìn thấy bộ mặt thiểu não của Thái,
Uyên Vi cười:
- Thôi Vi cũng liều. Mẹ mắng
đành chịu thôi!
Nàng hý hoáy viết địa chỉ nhà mình
trên một mảnh giấy nhỏ đưa cho Thái cất vào túi áo trận.
Thái nhấp một ngụm cà phê, rồi như
chợt nhớ ra điều gì, chàng nói:
- Bé này!
Vi ngửng lên nhìn Thái:
- Dạ?
Tiếng “dạ” ngọt ngào, nhẹ như gió
thoảng.
- Nhà Bé có gần bến xe đò không?
- Cũng không gần lắm đâu anh.
Nhưng anh hỏi để làm gì vậy? Chắc Mẹ không cho phép Vi đến thăm…anh Thảo
nữa đâu!
Thái cười:
- Không phải vậy đâu. Bé đến
thăm anh…Thảo mà anh không có nhà, chắc anh buồn lắm. Sở dĩ anh hỏi vậy
vì anh nghĩ nếu Bé gửi thư cho anh theo hệ thống quân bưu thì thư chưa đến nơi,
cái cổ của anh đã dài ngoằng ra như hươu cao cổ vì ngóng đợi rồi!
Vi cười hinh hích ngoẹo cổ nhìn Thái
nói:
- Để Vi tưởng tượng xem nếu anh có
cái cổ hươu đó thì dung nhan như thế nào nhỉ? Chắc cũng không đến nỗi đẹp
lắm đâu!
Thái cũng cười nói:
- Không đẹp cũng được đi. Cái
trở ngại chính là nếu anh ăn cơm chiều nay thì đến trưa hôm sau mới no vì con
đường dẫn đồ ăn từ miệng tới bao tử xa xôi diệu vợi quá. Mà anh thì xấu
đói chắc không chịu nổi đâu. Để anh khỏi mang cái cổ dài thoòng đó, mình
sẽ gửi thư cho nhau qua người lơ xe đò. Như vậy nhanh hơn nhiều, vì có
thể nhận được thư nhau trong ngày. Bé nhớ mặt anh lơ và hỏi kỹ giờ giấc
anh ta có mặt tại bến xe nhé! Anh sẽ dặn anh ta.
Vi gật đầu đồng ý vì nàng thấy biện
pháp này rất tốt.
Uyên Vi vừa nâng ly cô ca lên uống
thì giọng hát ray rứt của Thanh Tuyền từ trong chiếc cassette cũ đặt trên quầy
bán hàng réo rắt vang lên:
“Chỉ
còn gần nhau một giây phút thôi,
Một
giây nữa thôi là xa nhau rồi…”
Vi đưa mắt nhìn Thái, bắt gặp ánh
mắt Thái đang tha thiết nhìn mình. Nàng đỏ mặt quay đi.
Vừa lúc đó người lơ xe đò chạy
vào nói:
- Xe sắp chạy rồi, mời bà Thiếu Úy
lên xe!
Uyên Vi toan cải chính thì anh lơ xe
đã chạy ra khỏi quán.
Nàng quắc mắt nhìn Thái toan chất
vấn, thì Thái cười tỉnh bơ nói:
- Đừng trách nó. Bé đang đội
cái mũ có lon Thiếu Úy thì nó phải gọi Bé là bà Thiếu Úy chứ gọi là gì bây giờ!
Chợt nhớ ra mình vẫn còn đang đội
cái mũ rừng, Uyên Vi cười xòa lột mũ trả lại Thái và nói:
- Tha cho anh đó!
Nàng biết anh lơ xe gọi thế vì thấy
hai người thân mật ngồi thì thầm bên nhau nên lầm tưởng là vợ chồng, chứ chả
phải vì cái mũ như Thái vừa chống chế.
Ra tới xe đò, Uyên Vi nhìn Thái nói:
- Anh giữ sức khoẻ. Đừng uống
rượu nhiều anh nhé!
Rồi nàng hạ giọng:
- Thôi… Bé về… Bé sẽ viết thư
cho anh.
Rồi nàng đỏ mặt quay ngoắt đi, vội
vã bước lên xe như chạy trốn.
Chiếc xe lăn bánh đưa Vi xa dần cuốn
theo làn bụi đỏ từ từ bốc lên cao. Uyên Vi nhìn Thái đứng giữa con đường
đất đỏ, hai chân hơi dạng ra, hai bàn tay nắm lại chống nạnh nhìn theo.
Hình ảnh Thái xa dần, mờ nhạt, rồi mất hẳn trong làn bụi đỏ. Uyên Vi thở
dài: “Tạm biệt Thái. Cám ơn anh đã cho Bé một ngày khó quên.”
Tối hôm đó, kết thúc trang nhật ký
nàng viết: “… hôm nay là ngày đầu tiên, và cũng là ngày cuối cùng của một người
chú, chú Thái. Và hôm nay cũng là ngày đầu tiên của Bé Uyên Vi.”
Nàng bước lên giường, ôm cuốn nhật
ký vào ngực, chìm dần vào giấc ngủ dịu êm.
2- Thuỳ Linh và Nguyễn Hoàng
Thùy Linh ngoẹo cổ nhìn Uyên Vi hỏi:
- Trước đây mày có bao giờ quan tâm
đến lính đâu, mà sao bây giờ lại hỏi tao như vậy?
Rồi nàng gật gù nhìn Uyên Vi như dò
xét:
- À! Như vậy là đã có điều gì
thay đổi trong cái đầu cứng của mày rồi. Để tao đoán xem.
Đột nhiên nàng reo lên:
- Đúng rồi! Hôm qua đi thăm
anh Thảo. Hôm nay lại hỏi tao câu đó. Như vậy tao dám đoan chắc là
mày đã gặp “chàng” rồi đúng không?
Uyên Vi chưa kịp trả lời, Thùy Linh
đã vênh mặt lên, đập bàn quát:
- Hay cho cái con nhỏ to gan
này! Giỏi cho cái con nhỏ gan to kia! Ngươi ăn phải tim hùm mật gấu
hay sao mà dám cả gan “cua” một anh “chiến sĩ thương mến của Dạ Lan" (1). Khôn hồn thì hãy thú tội trước bình minh. Đừng đợi bản chức phải dùng cực
hình ngắt véo, giựt tóc, thọt lét, để tra khảo. Ngươi phải cung khai hết
ngọn ngành từ đầu đến cuối. Ngươi đã tấn công chàng chiến sĩ hiền lành,
yếu đuối, vô phương tự vệ, với vũ khí hớp hồn của nhà ngươi như thế nào?
Uyên Vi vờ sợ sệt, khúm núm thưa:
- Bẩm quan lớn, oan cho con
quá! Con cắn rơm cắn cỏ, cúi xin quan lớn đèn trời soi xét. Quả
thực con chưa kịp giở vũ khí ra thì chàng đã bị hạ gục mất rồi!
Đôi bạn cùng cười vang. Uyên
Vi choàng tay ôm vai Thùy Linh nói:
- Mày chuyển từ Tân Nhạc qua Cải
Lương Hồ Quảng từ lúc nào vậy? Thôi để lát nữa tao sẽ kể chuyện tao cho
mày nghe. Bây giờ trả lời câu hỏi của tao đi. Tại sao mày yêu lính?
Đưa tay sửa lại cành hoa trên bàn,
Thùy Linh trả lời:
- Như mày biết đó, trước đây tao
cũng như mày, có bao giờ quan tâm đến tình hình chiến sự đâu. Chỉ biết đi
học rồi đi chơi với bạn bè. Cho tới một hôm, tình cờ nghe một phóng sự
chiến trường qua Đài Phát Thanh Quân Đội, kể lại một tiền đồn hẻo lánh do một
Đại Đội Địa Phương Quân trấn giữ bị quân Việt Cộng đông gấp nhiều lần, dùng
chiến thuật biển người tràn ngập. Thấy không thể cứu vãn được tình
thế, Trung úy Việt, Đại Đội Trưởng Đại Đội phòng thủ, đã xin pháo binh
bắn ngay trên đầu quân mình để cùng chết với địch quân.
Khẽ thở dài, Thùy Linh tiếp:
- Đơn vị của Việt đã anh dũng chống
trả quyết liệt những đợt tấn công của địch quân trong nhiều tiếng đồng
hồ. Nhưng vì sự chênh lệch quá lớn về quân số, cũng như hỏa lực, mà lợi
thế nghiêng về phía địch quân, nên sức kháng cự yếu dần. Đồng đội của
chàng lần lượt thay phiên nhau gục xuống. Khi thấy phòng tuyến cuối cùng không
thể giữ vững được nữa, nguy cơ căn cứ bị tràn ngập không thể tránh khỏi.
Tình thế hiểm nghèo đến mức tuyệt vọng, chàng đã phải đưa ra quyết định đau
lòng, nhưng không kém phần can đảm, là yêu cầu pháo binh bắn ngay vào vị trí
đóng quân của mình để hai bên cùng chết. Trong giây phút ngắn ngủi cuối
cùng của cuộc đời, Việt đã nhờ bạn bè ở hậu cứ chuyển lời vĩnh biệt đến người
vợ hiền và đứa con thơ, với lời xin lỗi vì chàng không thể cùng nàng sánh vai
đi đến cuối cuộc đời như đã nguyện ước. Chàng cũng bày tỏ niềm đau đớn,
xót xa vì chưa một lần được nhìn thấy mặt đứa con yêu từ thuở lọt lòng!
Giọng nói gấp gáp, nhưng vẫn bình tĩnh, hàm chứa những luyến tiếc, ân hận, xúc động đến nghẹn ngào. Trăn trối xong, chàng dùng súng lục tự kết
liễu đời mình bằng một viên đạn xuyên qua thái dương. Người Trung Úy mang
tên Việt đã oai hùng gục chết trong lòng đất mẹ Việt Nam để bảo vệ quê
hương. Máu và óc của chàng văng ra tung toé. Máu đọng thành vũng,
thấm đỏ mảnh đất mà chàng và đồng đội đã hy sinh mạng sống, cũng như hạnh phúc
của riêng mình để gìn giữ. Có lẽ do sức mạnh của tình yêu mà bàn tay trái
của Việt vẫn còn áp chặt vào ngực tấm hình người vợ trẻ xinh xắn, đang bồng bé
gái nhỏ kháu khỉnh dễ thương, đôi mắt ngây thơ, tròn, to, mở rộng như đang
trông ngóng người cha trở về. Trước phút tử biệt, Việt muốn ôm trọn hình
ảnh thương yêu của vợ con mang về bên kia thế giới!
Ngưng một chút để cơn xúc động lắng
xuống, Thùy Linh nói tiếp:
- Bài tường thuật rất chi tiết, rất
cảm động chứ không sơ sài, đơn giản như tao vừa kể cho mày, đã làm tao bật
khóc. Từ đó tao thường theo dõi thời sự qua báo chí, và đài phát
thanh. Nhờ đó tao hiểu được phần nào cuộc sống gian khổ, những thiệt
thòi, và những hy sinh cao cả mà những người lính đang âm thầm gánh chịu.
Nhưng bù lại, họ được gì ngoài sự thờ ơ, lạnh nhạt của những người đang được họ
xả thân bảo vệ? Từ đó tao có cái nhìn khác hẳn về những người lính.
Uyên Vi nhìn Thùy Linh gật đầu biểu
đồng tình hỏi:
- Rồi từ đó mày tuyên bố là chỉ yêu
lính? “Phi quân phục bất thành phu phụ?”
- Đúng. Mặc dù lúc đó tao vẫn
chưa có ai, nhưng lời tuyên bố đó đã làm nhiều chàng thất vọng. Biết làm
sao được. Đồng ý họ là những người đàng hoàng, học giỏi, là tương lai của
đất nước. Nhưng… tao vẫn thấy trong họ thiếu một cái gì đó mà tao nghĩ
không ra.
Thùy Linh vén lọn tóc loà xòa trước
mặt ra sau vành tai rồi tiếp:
- Ví thử tao yêu một trong những
người này thì cuộc sống thật bình lặng đến chán ngấy. Gặp nhau nói chuyện
yêu đương, chuyện ngoài đường. Rồi giận hờn vu vơ. Rồi đám cưới,
sống cuộc đời sáng xách ô đi, tối xách về thật tẻ nhạt!
Uyên Vi hỏi:
- Thế còn với Hoàng thì sao?
- Thời gian gặp nhau rất hiếm, rất
quý, đâu có chỗ cho giận hờn hiện diện. Phải trân trọng từng giờ, từng
phút bên nhau. Phải tận hưởng từng giây của hạnh phúc ngắn ngủi đó.
Rồi những mong nhớ đợi chờ, những khắc khoải lo âu theo tình hình chiến sự
khiến tình yêu thật mong manh nên càng thắm thiết, nồng nàn hơn. Cuộc
sống vì thế đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn.
Uyên Vi “lục vấn” tiếp:
- Thế mày và Hoàng quen nhau như thế
nào? Có phải nàng đã gặp chàng khi cùng ban nhạc đến hát cho đơn vị chàng trong
một ngày mưa rơi tuyết đổ, mưa gió bão bùng, sấm chớp đì đùng không?
Thùy Linh bật cười:
- Tao chưa có dịp đến hát cho đơn vị
của Hoàng dù rất muốn. Tao gặp Hoàng trong một hoàn cảnh chẳng dính dáng
gì đến văn nghệ cả.
Rồi mơ màng thả hồn về dĩ vãng, Thùy
Linh bắt đầu kể:
“Nhà
Thùy Linh là một quán ăn nhỏ ở Long Thành trên Quốc Lộ 1, giữa đường từ Saigon
đi Vũng Tàu. Sau khi thi đậu Tú Tài 2, nàng về Saigon ở nhờ nhà người chú
để theo học Đại Học Luật Khoa cùng lớp với Uyên Vi. Nàng và Uyên Vi quen
nhau từ đó. Tuy mới quen, nhưng hai người hợp tính nên rất thân
nhau. Ngoài ra Thùy Linh còn là ca sĩ tài tử trong một ban nhạc tài tử,
gồm toàn sinh viên, học sinh chuyên đi đến những đơn vị quân đội ở vành đai
Saigon hát giúp vui cho lính. Tình nguyện thôi chứ không nhận thù lao.
Mỗi
cuối tuần, nếu không bận, Thùy Linh đáp xe đò về Long Thành để thăm mẹ, và để
phụ giúp mẹ buôn bán. Nàng có thói quen mỗi lần về Long Thành chỉ mặc áo
màu tím chứ không dùng màu khác. Rồi một ngày nọ, Thùy Linh để ý thấy một
chàng Thiếu Úy thường hay đến quán của mẹ nàng ăn cơm. Điều khiến nàng
chú ý là luôn luôn trước mặt chàng, bên ghế đối diện, một cái chén ăn cơm, và
một đôi đũa để ngay ngắn như thể đang chờ đợi một người nào đó. Nhưng
chẳng bao giờ thấy có ai đến ngồi ăn cùng chàng cả. Lúc nào cũng chỉ có
một mình chàng cô đơn ngồi ăn với khuôn mặt trầm tư. Nàng tò mò hỏi Mẹ
thì Mẹ cũng không biết, chỉ biết là đơn vị của chàng mới chuyển tới. Chàng
thường hay ăn cơm tại đây, và chỉ yêu cầu dọn thêm một cái chén, và một đôi đũa
vào những ngày cuối tuần mà thôi.
Trí
tò mò thúc đẩy, một hôm thấy người Thiếu Úy bước vào quán, Thùy Linh dọn cơm ra
cho chàng cùng với cái chén và đôi đũa cho “người khách vô hình” như thường
lệ. Nàng gợi chuyện:
-
Hình như Thiếu Úy đang chờ ai cùng dùng bữa thì phải?
Hoàng,
tên người Thiếu Úy, gật đầu nói:
-
Phải. Cô đoán thử xem tôi chờ ai?
-
Thiếu Úy đang nhớ đến một người bạn thân đã hy sinh?
Hoàng
lắc đầu buồn bã nói:
-
Tôi đang chờ một người mà tôi cũng chưa biết là ai, và cũng không biết phải chờ
đến bao giờ!
Thùy
Linh nhìn Hoàng chăm chú. Không biết anh chàng này có… “chạm điện” hay
không?
-
Như vậy Thiếu Úy sẽ phải chờ suốt đời hay sao?
Hoàng
thở dài:
-
Đành vậy thôi! Trừ phi…
Thùy
Linh hỏi lại:
-
Trừ phi?
Nhìn
sâu vào mắt Thùy Linh, Hoàng nhẹ nhàng nói:
-
Trừ phi cô chịu ngồi xuống ghế đối diện, trước cái chén và đôi đũa đang mỏi mòn
chờ đợi kia.
Thùy
Linh đỏ mặt bước vào trong bếp. Nàng nhớ lại mẹ nàng đã cho biết là anh
chàng chỉ yêu cầu dọn thêm chén, đũa vào những ngày cuối tuần, đó là những ngày
Thùy Linh về thăm mẹ, mà thôi. Như vậy chàng đã để ý tới nàng mà nàng vô tình
không biết! Trong cuộc đời sinh viên, cũng như trong những lần đi hát, dĩ
nhiên đã có rất nhiều người tán tỉnh nàng. Nhưng chưa ai có lối tán lạ
lùng, và độc đáo như chàng Thiếu Úy dáng thư sinh với cặp kính trắng gọng đen
này.
Thời
gian trôi qua, Thùy Linh thường hay đứng nói chuyện với Hoàng trong những lần
chàng đến ăn cơm. Thế rồi tình yêu thầm lặng nảy nở giữa hai người như
một điều tất yếu. Để rồi một hôm nàng dọn cơm ra cho Hoàng mà không đem
theo cái chén và đôi đũa dành cho “người khách vô hình” như thường lệ.
Thay vào đó, nàng ngồi xuống ghế đối diện, nhìn chàng mỉm cười. Ánh mắt
Hoàng sáng lên niềm vui mừng. Chàng thì thầm nói:
-
Người anh chờ đợi từ bao lâu nay đã đến rồi! Cám ơn Thùy Linh. Cám
ơn em nhiều lắm.
Rồi
Hoàng cao hứng khẽ đọc mấy câu thơ cho Thùy Linh nghe:
- Trời Long Thành ngát thơm mùi lụa tím,
Em hiện về rực sáng giữa rừng sim.
Hoàng Thùy Linh gọi hoài môi ngọt lịm.
Cho tơ trời vương vấn mắt thuyền quyên!”
Thùy
Linh chớp chớp mắt cảm động. Qua chiếc áo tím đơn giản, Hoàng đã
lãng mạn nhìn thấy cả một rừng sim thơ mộng với khuôn mặt nàng toả sáng trong
đó.
-
Thơ hay quá! Anh làm hả?
Hoàng
cười:
-
Anh không có tài làm thơ nên phải mượn thơ Linh Phương sửa đổi đôi chút cho hợp
với hoàn cảnh để nói lên tâm trạng của mình thôi. Mong rằng nhà thơ Linh
Phương không trách.
-
Linh Phương? Linh Phương! Tên nghe quen quá!
-
Linh Phương là tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
đang nổi tiếng hiện nay.
Thùy
Linh chợt nhớ ra. Nàng à lên một tiếng rồi nói:
-
Đúng rồi. Bài hát này rất hay nhưng Linh không thích vì buồn thảm quá,
phũ phàng quá, dễ làm nản lòng chinh nhân. Chẳng bao giờ Linh hát bài đó
cả, dù được yêu cầu.
Rồi
từ đó, thỉnh thoảng nàng xin phép mẹ để cùng Hoàng dạo chơi trong quận.
Có một lần hai người đi trên con đường đất nhỏ vào một buổi chiều giữa
Thu. Hai bên đường những bụi cây dại trổ hoa vàng rực rỡ. Xa xa,
nổi bật lên sau rặng cây xanh rì trước mặt, là cả một chân trời màu tím thẫm.
Trìu mến nhìn Thuỳ Linh, Hoàng khe khẽ hát:
‘ Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím.
Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn,
Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta,
Như ánh sao cao vút cao xa trần gian.’
Thùy
Linh xúc động nhìn Hoàng. Đây là một trong những bài hát hay mà Thùy Linh
rất yêu thích. Chiều nay, bên cạnh người yêu trong khung cảnh thơ mộng
này, lời hát như ru hồn thấm sâu vào lòng nàng.
Thùy
Linh nhẹ nhàng nói:
-
Lần nào đi trình diễn Linh cũng được nhiều người yêu cầu hát bài này.
Nhưng từ nay em sẽ tìm cách từ chối, hay nhờ người khác hát.
Trìu
mến nhìn Hoàng, giọng nàng nhẹ như hơi thở:
-
Em sẽ chỉ hát bài này cho mình anh thôi. Bây giờ và mãi mãi về sau.
Thùy
Linh cười buồn dịu dàng nói tiếp:
-
Dù sau này cuộc tình của chúng ta có kết thúc buồn như đoạn cuối của bài hát,
em cũng sẽ dành bài hát này cho riêng anh. Cũng sẽ như thế
thôi! Nhất định cũng sẽ như thế thôi!
Hoàng
đứng lại, nắm lấy hai tay Thùy Linh xúc động nói:
-
Cám ơn Thùy Linh. Cám ơn ân tình của em dành cho anh. Anh coi đó
như một lời hẹn ước. Anh…Anh không biết nói gì trong lúc này Thùy Linh
ạ! Anh vụng về quá. Anh chỉ biết hứa chắc với em rằng chuyện tình
của chúng ta sẽ không kết thúc buồn như bài hát đâu. Trừ phi…
Thùy
Linh đưa ngón tay chận ngang miệng Hoàng không cho chàng nói tiếp. Nàng
thì thầm:
-
Đừng anh. Đừng nói ra, em sợ lắm!
Thế
rồi tuần sau, khi Thùy Linh về đến Long Thành trong tâm trạng rộn rã, thì Mẹ
trao cho nàng lá thơ của Hoàng. Ngoài những nhung nhớ thiết tha, Hoàng
buồn bã báo tin đơn vị chàng đã hoàn tất công tác yểm trợ ở đây nên được lệnh
di chuyển đến một địa điểm khác rất xa. Chàng từ biệt Thùy Linh và hứa sẽ
đều đặn viết thơ thăm nàng.
Thùy
Linh choáng váng. Nàng biết điều này thế nào rồi cũng phải đến.
Nhưng nó đến bất ngờ quá! Đến không đúng lúc, khiến nàng bị xúc động
mạnh. Thùy Linh cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Nàng thở
dài buồn bã, thẫn thờ nhìn bàn ghế, nơi Hoàng vẫn thường ngồi ăn cơm, như nhìn
những kỷ niệm dấu yêu.
“Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.”
Mẹ
nàng nhìn nàng thương cảm. Bà rất cảm thông với Thùy Linh. Yêu lính
phải chấp nhận những bất hạnh, những chia xa. Thương con, nhưng bà không
biết nói gì để an ủi Thùy Linh.
‘Hoàng
ơi! Anh đến với em như một cơn lốc, để rồi vụt bay đi cuốn theo tất cả, chỉ
để lại những nhớ thương ngút ngàn, những hụt hẫng trong em.’
Thế
rồi nỗi buồn của nàng cũng vơi dần theo thời gian, và nhất là nhờ những lá thư
tình thắm thiết của Hoàng đều đặn gửi về. Nhưng từ dạo ấy nàng không còn
mặc áo tím mỗi khi về Long Thành nữa. Vì mặc dù áo vẫn còn thơm mùi lụa
tím, nhưng Hoàng ơi, mặc để làm gì khi đã vắng bóng anh!”
Thùy Linh ngưng kể. Đôi bạn
cùng lặng người vì xúc động.
Một lúc sau Thùy Linh nói tiếp:
- Còn sau đó như thế nào thì mày đã
biết rồi đó.
Uyên Vi ôm vai bạn thương cảm nói:
- Chuyện của mày hơi buồn, nhưng
lãng mạn, và đẹp quá nhỏ ạ.
Rồi nàng nói với Thùy Linh mà như
nói với chính mình:
- Yêu lính phải chấp nhận xa cách vì
“làm người yêu lính chiến mấy ai gần nhau.”
Thùy Linh cười buồn:
- Mỗi lần nghe câu này tao thấy thật
thấm thía.
Uyên Vi nói:
- Bây giờ đến lượt tao thú tội trước bình minh.
Thế rồi nàng thuật lại tỉ mỉ chuyện
gặp Thái cho Thùy Linh nghe.
Thùy Linh nắm tay bạn nói:
- Chuyện tình của mày khởi đầu nên
thơ quá, thơ mộng quá “Bé Vi của người ta” ạ!
Rồi nàng thở dài tiếp:
- Mày còn được cái may mắn là biết
chỗ Thái đóng quân, và có thể đến thăm chàng nếu muốn, chứ không như tao…
Chú thích:
(1)
Chương
trình Dạ Lan do xướng ngôn viên Xuân Lan của đài phát
thanh quân đội phụ trách gửi đến các chiến sĩ tiền tuyến hằng
đêm từ 7:00 giờ tới 9:00 giờ. Giọng Bắc nhẹ nhàng, ngọt ngào và quyến rũ qua hơi thở hằng đêm gửi “các anh chiến sĩ
thương mến của Dạ Lan” của người “em gái hậu
phương” đã làm xao xuyến nhiều chiến sĩ ngoài tiền
đồn heo hút.
Xem
thêm để biết về chương trình Dạ Lan và số phận Xuân Lan, người phụ
trách chương trình sau1975 tại đây:
Click>>
https://nguyenngoctusg.blogspot.com/2018/11/da-lan-nguoi-em-gai-hau-phuong-nguyen.html
3- Tái Ngộ
Uyên Vi dắt xe Honda Dame ra khỏi
sân trường Đại Học Luật Khoa. Vừa ngồi lên xe toan nổ máy thì nghe tiếng
gọi tên mình. Nàng ngơ ngác nhìn lên thấy Thái đang đứng cạnh gốc cây bên
kia đường, trong bộ quân phục còn vương bụi đất đỏ, bên cạnh chiếc Honda SS 50
màu đen. Uyên Vi lặng người xúc động. Niềm vui chợt đến quá bất ngờ
khiến nàng như tê liệt, đứng sững nhìn Thái.
Thái bước vội đến bên Uyên Vi, nhẹ
nhàng nói:
- May quá, anh chỉ sợ không gặp Bé.
Uyên Vi như chợt tỉnh cơn mê:
- Anh! Tạ ơn Trời Phật, anh về
rồi! Anh về lúc nào vậy?
- Anh về sáng nay. Về thăm mẹ
rồi chạy ngay tới đây, chỉ sợ không gặp Bé. Chiều nay anh đã phải trở về
đơn vị rồi!
Uyên Vi cười buồn:
- Chiều nay anh đã phải đi rồi
sao? Buồn nhỉ?
Rồi nàng nói tiếp:
- Vi đọc báo thấy có chiến trận lớn
trong vùng của anh. Vi sốt ruột quá vì không được tin tức gì của anh, và
của anh Thảo cả. Cứ sau buổi học là Vi chạy ra bến xe đò để tìm anh lơ xe
hỏi thăm nhưng cũng không thấy anh ấy. Người ta nói vì có đánh nhau nên
giao thông bị gián đoạn, xe đò không chạy được.
Nàng nhìn xuống đất thở dài, mắt
rươm rướm lệ, nhỏ nhẹ nói:
- Vi lo quá, lòng như lửa đốt mà
không biết làm sao! Mất ngủ mấy ngày nay, mà cứ hễ chợp mắt lại mơ thấy
ác mộng!
Thái thương cảm nắm lấy hai bàn tay
Uyên Vi:
- Bé yên tâm. Không có gì là
ghê gớm lắm đâu. Mấy ông nhà báo chỉ phóng đại lên mà thôi! Bé thấy
đó, anh đã về đây với Bé nguyên vẹn hình hài mà. Anh Thảo cũng nhờ anh
báo tin cho gia đình biết là anh ấy vẫn bình an.
Uyên Vi biết Thái nói cho nàng an lòng
chứ thực sự chiến trường rất khốc liệt. Để trấn an Uyên Vi, Thái tiết lộ:
- Thầy tử vi của anh cho biết anh sẽ
không chết vì súng đạn đâu, mà chỉ chết đuối thôi.
Uyên Vi hoảng hốt kêu lên:
- Chết. Như vậy anh phải tránh
xa Rạch Đôi Ma. Đừng lại gần đó anh nhé!
Thái cười:
- Anh đến đó một mình, hay với lính
thì ma nào bắt anh. Chỉ sợ là lúc đi với Bé thôi!
Uyên Vi thẹn thùng quay mặt đi.
Thái đắm đuối nhìn sâu vào mắt nàng
dịu dàng nói:
- Anh đang chết đuối trong đôi mắt
giai nhân đây Bé ạ!
Uyên Vi hứ lên một tiếng, nguýt Thái
một cái dài:
- Anh chỉ…
Thái nói:
- Thôi chúng mình đi ăn rồi dạo phố
Saigon, Bé nhé. Lâu lắm anh chưa được hưởng cái thú này.
Hai người chạy xe đến tiệm ăn Sing
Sing trên đường Phan Đình Phùng. Thái thích tiệm ăn này vì khung cảnh kín
đáo, lịch sự, và yên tĩnh của nó. Ngoài ra các món ăn cũng không
tệ. Vừa ăn Uyên Vi vừa dò hỏi về tình hình chiến trận vừa qua, nhưng lần
nào Thái cũng khăng khăng khẳng định đó chỉ là những cuộc chạm súng nhỏ như vẫn
thường xảy ra mà thôi! Uyên Vi cảm động vì biết Thái không muốn nàng lo
lắng.
Gửi xe tại chợ Bến Thành, Uyên Vi và
Thái sánh vai nhau, vừa nói chuyện, vừa tản bộ trên các đường phố Saigon.
Vẫn những con đường đó, vẫn những dòng người đó, vẫn những cảnh vật đó, mà sao
hôm nay Uyên Vi thấy nó vui, đẹp, và tưng bừng hơn hẳn mọi ngày. Trời đã
vào cuối Thu nên không còn cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè nhiệt
đới. Tới góc đường Tự Do và Lê Lợi, Thái dừng lại nói:
- Đi bộ nãy giờ chắc Bé mệt
rồi! Thôi mình vào đây uống nước nghỉ ngơi một chút Bé nhé?
Nhà hàng
kiến trúc đẹp, lạ mắt. Chung quanh là những cửa
kính lớn để khách ngồi bên trong có thể thưởng thức khung cảnh nhộn nhịp bên
ngoài. Phía trên cửa ra vào là mái hiên vòm cong hình cánh cung sơn
màu vàng nhạt. Bề mặt của cạnh hình cánh cung màu xanh nước biển đậm, nổi
bật hàng chữ trắng Restaurant-Givral-Restaurant.
Trong quán chỉ có khoảng năm bảy
người khách đang uống nước. Thái gọi cho Uyên Vi một chai cô ca và một
đĩa bánh ngọt, cho chàng một ly cà phê đen.
Uyên Vi nói:
- Nghe nói về tiệm này đã lâu.
Đây là lần đầu tiên Vi vào đây. Đi với bạn thì tụi Vi chỉ thích đến Thạch
Chè Hiển Khánh thôi. Nhà hàng này đẹp và lịch sự quá
anh nhỉ?
Thái biểu đồng tình:
- Phải rồi. Anh thích khung
cảnh ở đây hơn ở hai nhà hàng kia. Mình đến trái giờ nên không được đông
như thường lệ.
Uyên Vi hỏi tiếp:
- Hai nhà hàng kia là những nhà hàng
nào?
- Có tất cả ba nhà hàng bán đồ ăn
thức uống tương tự nhau, cùng trên con đường Tự Do này là La Pagode, Givral,
rồi tới Brodard. Cả ba nhà hàng cùng ở trên một con đường như cùng trên
một trục. Tùy theo quan niệm của mỗi người mà trục này mang nhiều tên
khác nhau. Tụi anh gọi đây là “trục hẹn hò”. Một số khác đặt tên là
“trục cà phê”. Nhóm khác lại gọi là “trục văn hoá”.
Uyên Vi hỏi:
- Trục văn hoá? Nó có dính
dáng gì đến văn hoá đâu?
- Gọi là trục văn hoá vì mỗi nhà
hàng có một loại khách thường trực khác nhau. Hình như tên “trục văn hoá”
là do các ông nhà văn đặt ra.
Uyên Vi cười, nói đùa:
- Các ông ấy cũng phân chia giai cấp
nhỉ?
Thái cũng cười:
- Thường trực ở La Pagode là các văn
nghệ sĩ như những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ…Nghe nói thi sĩ Nguyên Sa
Trần Bích Lan, thầy dạy Triết của anh ở Chu Văn An ngày xưa cũng thường trực
tại nhà hàng này.
Uyên Vi ngắt lời:
- Vi rất thích thơ Nguyên Sa.
Những bài thơ tình của ông thật tuyệt vời, thật lãng mạn.
Thái cười:
- Anh cũng vậy, cũng rất yêu thơ
Nguyên Sa. Nhưng nhiều bài thơ tự do của ông, anh đọc mà chả hiểu gì cả!
Uyên Vi cũng cười:
- Triết gia làm thơ mà!
Thái nói tiếp:
- Còn nhà hàng Givral này, nơi chúng
ta đang ngồi đây, được các phóng viên yêu thích vì nó ở trước trụ sở Hạ Viện,
nên mỗi buổi sáng các ông bà nghị sĩ quốc hội thường đến đây ăn sáng, kéo theo đám phóng
viên bu theo để săn những tin tức xì ra từ các ông dân cử. Tin thật cũng
có, mà tin vịt cồ cũng có. Ngoài ra, giới trẻ cũng thích đến đây hơn hai
nhà hàng kia.
Người bán hàng mang bánh, và nước
giải khát ra cho hai người. Thái mời Uyên Vi:
- Bánh ngọt ở đây nổi tiếng
lắm. Bé ăn thử xem.
Rồi chàng nói tiếp:
- Cuối cùng là nhà hàng Brodard ở
góc đường Tự Do và Nguyễn Thiệp, đối diện với vũ trường Tự Do. Vì thế mà theo nhà văn Văn Quang, phần đông khách của Brodard là những người lấy đêm làm ngày đêm như các vũ nữ, nhạc sĩ, ca sĩ, và dân chợi về đêm. Do đó nhà
hàng đông khách vào những giờ gần trưa và tối khuya để phục vụ điểm tâm và bữa tối cho loại khách này.
Uyên Vi mỉm cười nói:
- Như vậy các ông nhà văn gọi đây là
trục văn hóa nghe cũng có lý anh nhỉ?
Thái cũng mỉm cười, gật đầu đồng
ý.
Chàng lấy bao thuốc từ túi áo trận,
gõ gõ lấy ra một điếu, châm lửa hút.
Uyên Vi nhăn mặt:
- Sao anh hút thuốc nhiều thế?”
Thái cười:
- Anh đâu có hút nhiều. Anh
chỉ hút khi buồn, và khi ngồi với Bé thôi.
Uyên Vi tròn mắt:
- Ơ! Tại sao lại khi ngồi với
Bé.
Rồi nàng phụng phịu:
- Như vậy ngồi với Bé làm anh buồn
sao?
Thái cười:
- Không phải đâu! Anh hút
thuốc khi buồn để nỗi buồn của mình hoà theo khói thuốc lắng sâu vào trong tâm
hồn, để cảm nhận được hết nỗi buồn man mác, và để thấy được niềm vui trong đó.
- Vui?
- Phải, vui! Như chiều nay về
đơn vị, nhớ Bé anh hút thuốc để thấm thía được hết nỗi buồn xa Bé. Đồng
thời cũng để tận hưởng niềm vui là đã có Bé để nhớ, là đã có Bé trong cuộc đời.
- Thế còn những nỗi buồn khác?
Không lẽ anh cũng tìm thấy niềm vui trong đó sao?
Thái nhìn sâu vào mắt Uyên Vi dịu
dàng nói:
- Từ nay anh chỉ có một nỗi buồn duy
nhất là nỗi buồn xa Bé thôi!
Uyên Vi xúc động quay mặt đi, má ửng
hồng. Người thanh niên này trông thật phong trần trong bộ đồ trận, nhưng cũng
thật dịu dàng, khả ái, và hơi lãng mạn. Nàng nhủ thầm: “Em cũng thế Thái
ạ! Từ nay em cũng chỉ có một nỗi buồn duy nhất như anh thôi!”
Rồi nàng quay lại “tra vấn” tiếp:
- Thế còn khi ngồi với Bé tại sao
anh lại hút thuốc?
Giọng Thái trầm ấm:
- Ngồi với Bé anh rất vui!
Nhưng trong cái vui vẫn có nỗi buồn.
- Buồn?
- Phải. Nếu anh nhớ không lầm
thì thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có câu thơ: “Ôm em trong tay hôm nay, mà đã nhớ em
ngày mai.” Ngồi với Bé bây giờ, nghĩ tới lát nữa đây đã phải xa Bé để trở
về đơn vị, không biết bao giờ mới được gặp lại. Buồn lắm Bé ạ!
Uyên Vi rơm rớm nước mắt:
- Đừng nói nữa anh! Bé muốn
khóc đây!
Thái cười nhẹ:
- Nhưng trong cái buồn đó lại có cái
vui.
Uyên Vi cười dòn:
- Chạy theo buồn vui của anh Bé
chóng mặt quá! Nhưng tại sao lại vui?
- Bởi vì hôm nay chưa phải là ngày
mai. Anh vẫn còn có Bé bên cạnh.
Uyên Vi xúc động thật sự. Cách
nói chuyện ấm áp, êm dịu của Thái, có cái gì đó lôi cuốn. Đơn giản mà
chân thành. Lãng mạn mà thực tế. Vi không nghĩ là Thái “tán”
Vi. Mà “tán” cũng được thôi, nếu lời “tán” đó xuất phát từ con tim, từ
cảm nghĩ chân thật của mình. Bên trong cái vỏ ngoài cứng cỏi, võ biền của
Thái, là một tâm hồn đa cảm, khát vọng yêu đương. Muốn yêu và muốn được
yêu. Danh xưng Bé mà Thái dành cho nàng gói ghém biết bao nhiêu trìu mến,
thiết tha, và hàm ý bảo bọc, che chở trong đó.
Lần đầu tiên gặp Thái, Vi rất bực
mình vì Thái gọi mình là cô bé. Người gì mà vô duyên, hết nhìn người ta
chằm chằm rồi còn gọi người ta là cô bé nữa chứ! Do đó Vi đã “trả đũa”
bằng cách “nghênh” Thái và gọi chàng là “chú” để chọc tức. Nhưng rồi qua
những lần nói chuyện với Thái, tình cảm của nàng đối với Thái dần dần thay
đổi. Uyên Vi cảm nhận được con người thật của Thái. Dễ mến, và đáng
tin cậy. Do đó nàng không phản đối khi Thái đổi cách xưng hô từ “tôi và
cô” sang “anh và bé”. Không những thế, chính nàng cũng chủ động gọi Thái
là anh và xưng tên, để rồi trước khi lên xe đò về Saigon nàng đã xưng “Bé” với
Thái, vì nàng rất yêu danh xưng ngọt ngào, âu yếm này.
Hai người yên lặng ngồi bên nhau
lòng ấm áp. Một lúc sau, Thái nhìn đồng hồ đeo tay rồi buồn bã nói:
- Đã tới giờ anh phải đi. Để
anh đưa Bé về nhà, rồi anh về thăm mẹ một lúc nữa, trước khi trở về đơn vị.
Uyên Vi không trả lời, cúi nhìn
xuống đất cố ngăn nỗi buồn, theo Thái trở lại chỗ gửi xe.
4- Quỳnh Như và Trần Khải
Uyên Vi lầm lũi rảo bước trên đường
Tự Do. Cơn gió đầu Đông mang cái se lạnh tràn vào thành phố.
Mưa cuối mùa từng sợi nhỏ mong manh như tơ trời, nhẹ rơi phủ đầy mái tóc Uyên
Vi. Bàu trời xám nhạt bao trùm lên thành phố Saigon một màu sắc u ám, ảm
đạm. Hơn một tháng trước, cũng trên con đường này, vào một buổi trưa nắng
đẹp, hai người đã sánh bước bên nhau lòng rộn rã. Thế mà Thái ơi!
Giờ đây chỉ còn mình em lẻ bóng trên con đường kỷ niệm. Giờ này anh đang
ở đâu? Có nhớ đến Bé Vi của anh không? Tóc em ướt sao anh không về
ve vuốt cho khô tóc em? Sao anh không về để em thêm hồng đôi má đang phai
nhạt vì nhớ anh?
- Uyên Vi.
Nàng giật mình đưa mắt nhìn.
Thùy Linh đang ngồi trong quán nước bên đường vẫy gọi. Uyên Vi mừng rỡ
tiến đến bên bạn. Thấy trên bàn ở ghế đối diện Thùy Linh một tách cà phê
đen, một bao thuốc Pallmall, và một bật lửa zippo đặt trên bao thuốc, Uyên Vi
hỏi:
- Mày ngồi với ai vậy? Hoàng
về phép à?
Thùy Linh cười:
- Ngồi với ai đâu. Lần Hoàng
về phép trước đây, tụi tao đã ngồi trong quán này, cũng tại bàn này, nên
tao...
Uyên Vi cười:
- Nên mày “dựng lại hiện trường” để
tưởng tượng có chàng bên cạnh phải không?
Thùy Linh cũng cười:
- Ừ, nhưng vẫn thấy trống vắng, nhỏ
ạ!
Rồi nàng khe khẽ hát: “…Bên chai cô
ca đắng nghe thèm khói thuốc hôn môi…”
Uyên Vi hỏi:
- Mày hát bài gì vậy? Giai
điệu nghe quen quá!
- Tao cũng không nhớ. Chỉ nhớ
loáng thoáng lời hát như vậy mà không biết có đúng không.
Nhớ tới Hoàng, nàng tiếp:
- Sửa lời ca cho hợp với hoàn cảnh
ấy mà!
Cả hai cùng cười. Chợt Thùy Linh
hỏi:
- Uyên Vi này, mày biết tin Khải
chưa?
- Khải nào? Có phải Khải phi
công trực thăng, bồ Quỳnh Như không?
Thùy Linh gật đầu nói:
- Phải! Khải mới tử trận rồi!
Uyên Vi giật bắn người, suýt nữa làm
đổ ly kem, hoảng hốt hỏi:
- Sao? Chết rồi? Sao bất
ngờ quá vậy?
- Chết rồi. Mới có tin
báo. Ngày mai mới đưa xác về nhà để làm hội tang
Rồi nàng kể tiếp:
- Khải chết trong phi vụ giải cứu
một toán biệt kích đang bị Công quân săn đuổi ở Mật Khu Hố Bò. Đang hạ
cánh xuống để bốc họ, thì trực thăng của Khải bị một trái B.40 bắn trúng, bốc
cháy trước khi rơi xuống đất. Cả phi hành đoàn không một ai sống
sót. Cũng may nhờ sự dũng cảm, cũng như hỏa lực hùng hậu của trực
thăng võ trang hộ tống, nên mới đem xác Khải và phi hành đoàn, cùng giải cứu
toán biệt kích về căn cứ được.
Uyên Vi hỏi dồn:
- Thế còn Quỳnh Như? Nó ra
sao? Liệu có chịu đựng nổi nỗi đau này không?
Thùy Linh chép miệng nói:
- Tội nghiệp con nhỏ!
Rồi với giọng trầm buồn nàng kể:
“Vừa
nghe tin Khải tử trận, Quỳnh Như vội vã lấy xe Honda phóng như bay đến nhà
Khải. Trời mưa như trút nước, nhưng Quỳnh Như vẫn không giảm tốc
độ. Vừa lái xe, nàng vừa nhớ đến Khải. Nhớ đến những kỷ niệm êm ái
từ thuở mới gặp nhau. Nhớ những lần Khải đến trường đón nàng khi tan học.
Đôi tình nhân tay trong tay âu yếm dạo bước, trước những cặp mắt vừa ghen tỵ,
vừa ngưỡng mộ của bạn bè cùng trang lứa. Thế mà giờ đây âm dương đôi ngả,
nàng sẽ không bao giờ còn gặp lại Khải nữa. Tất cả mộng ước về tương lai
tươi đẹp bất chợt tan thành mây khói trước ác nghiệt của số phận! Nghĩ
đến đây nàng bật khóc. Nước mắt dàn dụa hoà với nước mưa, ướt đẫm khuôn
mặt còn tươi trẻ, nhưng đã hằn lên những nét khổ đau của một kiếp người!
Dựng
xe trước nhà Khải, Quỳnh Như nhanh bước vào phòng khách. Ông Bà Phán, Bố
Mẹ Khải, đang ngồi trên ghế salon sụt sùi khóc thương người con trai bạc
phước. Thấy Quỳnh Như bước vào, người ướt đẫm nước mưa, mối thương tâm
vừa tạm lắng xuống, giờ đây lại bùng lên mạnh mẽ. Hai ông bà cùng oà lên
khóc nức nở. Bà Phán nghẹn ngào hỏi:
-
Con đã biết tin rồi phải không?
Quỳnh
Như trả lời trong nước mắt:
-
Vâng, con vừa nghe tin vội chạy tới đây ngay.
Nhìn
Quỳnh Như, nhớ tới Khải. Bà lại mếu máo kể lể:
-
Tội nghiệp con quá Khải ơi!
Ba
người lại bật khóc sướt mướt.
Một
lúc sau, cố dằn cơn đau buồn xuống, Quỳnh Như bước tới, quỳ xuống trước mặt bà
Phán nghẹn ngào nói:
-
Thưa hai bác. Con và Khải yêu nhau đã lâu như hai bác đã biết. Tuy
chúng con chưa dám vượt vòng lễ giáo, nhưng con luôn luôn xem như mình đã là vợ
của Khải, dù sau này có thế nào chăng nữa.
Quỳnh
Như ngưng lại, cố nén xúc động nói trong tiếng nấc:
-
Bởi vậy, con xin hai bác cho con được làm bổn phận của một người vợ, để phụ hai
bác lo tang lễ cho Khải, đưa Khải tới nơi yên nghỉ cuối cùng.
Mặc
dù vẫn còn xúc động, nhưng nàng cố gắng nói tiếp, như sợ rằng nếu ngưng lại
nàng sẽ khóc ngất lên, không còn tiếp tục được nữa:
-
Con xin phép được mặc tang phục của người vợ trong tang lễ của Khải. Sau
đó…sau đó con xin phép đươc tới lui chăm sóc, an ủi hai bác thay cho
Khải. Con xin hai bác chấp thuận cho.
Ông
Bà Phán mắt đẫm lệ nhìn nhau. Sau cùng ông Phán nói:
-
Chuyện đã như thế, mà Khải nó cũng không còn nữa, hai bác không thể từ chối
lòng thành của con. Thôi thế này nhé. Tùy con, con muốn dự tang lể
như một người bạn gái của Khải, hay với tư cách một người vợ cũng được.
Nhưng con còn trẻ, tương lai còn dài. Bác nói thật đó, nếu con nhận là vợ
Khải sẽ có nhiều bất lợi cho con về sau, chứ hai bác chả có gì để mất cả.
Bác rất thương con, đây là những lời chân tình của Bác, mong con sẽ suy nghĩ
lại.
Quỳnh
Như nghẹn ngào nói trong tiếng nấc:
-
Cám ơn hai bác đã thuận cho lời thỉnh cầu của con.
Rồi
nàng sụt sùi nói nhỏ, nhưng cương quyết:
-
Ý con đã quyết. Con sẽ không bao giờ ân hận.
Bà
Phán cầm hai tay nàng mếu máo nói:
-
Con đã quyết định như vậy hai bác cũng không biết nói gi. Thôi như thế
này nhé. Con có thể gọi hai bác là Bố Mẹ như Khải vẫn từng gọi, nếu con
muốn. Con có thể đến thăm hai bác bất cứ lúc nào. Hai bác rất vui
lòng. Còn tương lai của con, toàn quyền con quyết định, không có một ràng
buộc nào về phía hai bác cả. Bất cứ lúc nào con muốn…Con hiểu ý hai bác
chứ?
Quỳnh
Như gục đầu xuống đùi bà Phán nước mắt tuôn trào:
-
Vâng, thưa Bố Mẹ.”
Thùy Linh ngưng kể, cố dằn cơn xúc
động xuống, nói tiếp:
- Lễ động quan vào chiều Thứ Bảy,
lúc bốn giờ. An táng ở nghĩa trang Phước Hoà, Gò Vấp.
Uyên Vi buồn bã nói:
- Thứ Bảy tao sẽ đón mày lúc ba giờ
rưỡi. Chúng mình đi một xe thôi. Đến đó một chút là bắt đầu đưa đám
là vừa. Mày biết đấy, tao sợ đám tang lắm nên không muốn tới sớm.
X
XX
Khi Uyên Vi và Thùy Linh đến nơi thì
nhà Khải đã đầy người đến tiễn đưa người quá cố. Linh cửu phủ quốc kỳ
được quàn trong phòng khách. Đầu quan tài hướng ra ngoài cửa. Hai
sĩ quan trong bộ đồ bay, đầu đội mũ calot, hông đeo súng ngắn, đứng nghiêm bất
động như hai pho tượng hai bên quan tài. Một cái bàn thấp được đặt phía
trước. Trên mặt bàn là khung ảnh Đức Phật Thích Ca với khuôn mặt hiền từ
độ lượng, như lúc nào cũng sẵn sàng phổ độ chúng sinh. Thấp hơn là di ảnh
Khải đang tươi cười trong bộ đồ bay bên cạnh chiếc trực thăng. Hai bên
hai cây nến trắng đang leo lét cháy. Trước bức hình là huy chương Anh
Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu và cặp lon Trung Úy chàng được truy tặng sau
khi đã hy sinh. Kế đó là đĩa hoa quả, và một bát nhang đang tỏa khói
hương nghi ngút.
Bốn nhà sư đang ngồi xếp bằng trước
bàn thờ vừa gõ mõ, vừa tụng kinh. Ông bà Phán, và Quỳnh Như quỳ phía sau
thành kính nhẩm theo các nhà sư những câu kinh siêu độ. Quỳnh Như không
khóc nhưng đôi mắt thâm đen, khuôn mặt bơ phờ, tiều tụy thể hiện sự đau khổ tột
cùng. Hôm qua, trong khi tẩm liệm xác Khải, nàng đã ngất xỉu vì mối
thương tâm đã vượt quá mức chịu đựng, khiến ông bà Phán lại là người săn sóc
nàng, thay vì ý nguyện của nàng là chăm sóc ông bà Phán trong lúc bối rối này.
Khói nhang nghi ngút bay lên không
gian, quyện vào nhau, rồi lại tỏa ra, kết thành một hình ảnh mơ hồ, như thể một
oan hồn chưa muốn siêu thoát vì còn vương vấn nợ trần, đang đau khổ trong vô
vọng, cố gắng níu kéo để mong được ở lại dương thế với những người thương yêu!
X
XX
Quỳnh Như cầm một hòn đất liệng
xuống huyệt, mở đầu cho mọi người nối tiếp nhau ném từng nắm đất xuống để vĩnh
biệt người quá cố. Hai nhân viên nhà đòn xúc đất đổ xuống. Bà Phán
khóc ngất lên từng chập theo từng xẻng đất đổ xuống. Bà kêu khóc, kể lể,
than van. Khi đất gần che kín nắp quan tài thì bà càng khóc to hơn, càng
kêu gào thảm thiết hơn, như thể bà sợ những nhát xẻng cuối cùng che lấp quan
tài, sẽ che lấp vĩnh viễn mối liên lạc giữa bà và người con trai. Bà lăn
lộn, vùng vẫy cố thoát khỏi những vòng tay đang kềm giữ, để nhào xuống huyệt ôm
lấy quan tài, không cho người con yêu quý rời xa bà nữa! Tiếng khóc não
nùng như xé ruột gan của bà thấu tới trời xanh. Như cảm thông với nỗi đau
khổ của người mẹ mất con, từng cơn gió ù ù thổi tới, mây đen kéo về làm u ám cả
bầu trời vốn dĩ đang sầu thảm vì những tiếng khóc than. Từng xẻng đất vẫn lạnh
lùng tàn nhẫn đổ xuống dần dần che khuất quan tài, lấp đầy huyệt thành một mô đất
cao. Bà Phán kiệt sức, lả người trong tiếng nấc nghẹn ngào, không còn lăn
lộn, kêu khóc được nữa.
Quỳnh Như đứng bất động trước ngôi
mộ phủ đầy những vòng hoa phúng điếu. Cánh tay trái nàng khoanh trước
ngực, cánh tay phải áp sát vào ngực, bàn tay đưa lên áp vào má, nhìn đăm đăm
không chớp mắt vào ngôi mộ mới đắp. “Khải ơi! Hãy yên nghỉ anh nhé! Từ nay, em không còn phải chờ đợi trong lo sợ mỗi khi anh đi hành
quân nữa Khải ạ! Em không khóc đâu. Anh đã dặn em không được khóc mà. Phải không anh?”
Thời gian trôi qua không biết bao
nhiêu lâu. Phần lớn khách đã ra về. Một số ít thân nhân còn ở lại
chờ Quỳnh Như. Họ không muốn làm kinh động vì tôn trọng nỗi khổ đau của
nàng. Mây đen vẫn kéo tới, vài tia chớp loé sáng phía chân trời tạo nên
những vệt sáng ngoằn ngoèo như muốn xé rách bầu trời âm u, báo hiệu một cơn mưa
lớn sắp đến. Quỳnh Như vẫn đứng đó. Bất động. Nhỏ bé, nhưng kiên
cường bất khuất trước cơn thịnh nộ của đất trời. Mong manh, nhưng bướng
bỉnh đương đầu với những cay nghiệt của số phận. Tà áo tang trắng của
người sương phụ phất phơ trong gió, chập chờn ẩn hiện trong khung cảnh tranh
tối tranh sáng như một hồn ma vất vưởng, vật vờ trong bóng đêm tìm nơi nương
tựa, khiến không khí âm u của bãi tha ma càng thêm lạnh lẽo, ma quái đến rợn
người. Gió giật từng cơn, khua động cành lá xào xạc. Gió thốc từng
hồi, luồn qua những khe đá, rít lên từng chập như những tiếng rú thảm thiết của
các oan hồn vọng về từ cõi u linh…
Uyên Vi bật khóc, gục đầu vào vai
Thùy Linh nước mắt dàn dụa. Một tay Thùy Linh ôm Uyên Vi, một tay xoa
lưng, để làm dịu bớt cơn xúc động đang dâng cao trong lòng bạn, trong khi chính
nàng cũng không cầm được nước mắt.
Một lúc sau, Thùy Linh nghẹn ngào
nói:
- Mày xúc động quá rồi nhỏ ạ.
Để tao đưa mày về.
Chú thích:
Nhân
vật Quỳnh Như tên thật là T. có người yêu là thiếu úy H. Sư Đoàn 5 Bộ Binh tử
trận Bình Giả (Phước Tuy) năm 1965.
Câu
chuyện Quỳnh Như mặc chiếc áo dài vấy mực đỏ đứng bất động trước ngôi mộ người
yêu tác giả đã được chứng kiến khi còn là một sinh viên. Hình ảnh đẹp mà đau
thương não lòng đó đã in sâu vào tâm khảm của người viết với ý nguyện sẽ ghi
lại câu chuyện này. Tâm nguyện này mãi gần 50 năm sau người viết mới thực hiện
được.
5- Những Người Yêu Lính
Vừa thấy mặt Uyên Vi, Thùy Linh hỏi
ngay:
- Quỳnh Như ra sao rồi?
Uyên Vi thương cảm nói:
- Nó bị cú “sốc” này nặng quá, vượt
xa mức chịu đựng của nó. Đã vậy còn bị dầm mưa đêm hôm đó nữa chứ!
Nghe nói nó cứ đứng bất động trong mưa gió như vậy đó. Mọi người khuyên
can thế nào nó cũng không nhúc nhích. Cho đến khi cả tinh thần lẫn thể
xác kiệt quệ không còn đứng vững được nữa ngất xỉu, mọi người mới đưa nó về nhà
được!
Thùy Linh thở dài:
- Tội nghiệp! Nếu nó khóc được
thì đỡ đau khổ hơn. Nhưng nó bị ngất xỉu cũng là cái may. Nếu không
tao sợ nó phát điên lên mất.
- Tao còn
nghe mẹ nó kể lại là hôm đó trước khi đi học, nó mở nắp bút máy đỏ xem có còn
mực không. Đột nhiên không biết tại sao, tự nhiên nó giật bắn người làm mực văng ra lốm đốm đầy chiếc áo dài. Đối chiếu lại
thấy trùng hợp với ngày giờ Khải tử trận. Do đó, nó đã mặc chiếc áo trắng
loang lổ màu máu đó trong hôm đám tang đưa Khải đến nơi an nghỉ cuối
cùng. Hôm qua tao đến nhà nó, nhưng mẹ nó cho biết mấy ngày nay nó chỉ ở
trong phòng, không tiếp xúc vớí ai cả.
Thùy Linh chép miệng:
- Buồn quá! Rồi đổi đề tài:
- Hồi này mày có nhận được thư của
Thái thường xuyên không?
Uyên Vi thở dài:
- Cũng không thường xuyên lắm.
Nghe nói tình hình càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Còn mày?
Thùy Linh buồn bã:
- Cũng thưa thớt lắm. Tao thấy
báo chí nói là cứ mỗi lần sắp tới bầu cử Tổng Thống Mỹ là phía Việt Cộng lại mở
những cuộc tấn công mạnh ở khắp nơi để làm áp lực. Do đó Hoàng cũng phải
đi hành quân thường xuyên hơn, dài hạn hơn.
Uyên Vi yên lặng bâng khuâng nhìn ra
cửa sổ. Trên mái hiên cửa sổ căn nhà bên cạnh một đôi chim đang âu yếm bên
nhau. Nhớ đến đôi chim ở Rạch Đôi Ma ngày nọ. Nhớ đến Thái, nàng
thở dài hỏi bạn:
- Mày biết tại sao hôm ở nghĩa trang
tao khóc ướt đẫm cả vai áo mày không?
- Tại mày xúc động quá.
Uyên Vi nói giọng buồn buồn:
- Chứng kiến nỗi bất hạnh của Quỳnh
Như. Nhìn thấy nỗi thương tâm tột cùng của nó khi đứng bất động như tượng
đá trước ngôi mộ, trong khung cảnh âm u, ảm đạm ngày hôm đó. Tao thương
nó quá, rồi lại nghĩ tới mày, tới chính tao, tới bức ảnh “Tiếc Thương,” tới
những “goá-phụ-hai-mươi.” Tao buồn và lo sợ quá nên không cầm được nước
mắt!
Thùy Linh thở dài, nhưng rồi khuôn
mặt lộ ngay vẻ cương quyết:
- Tao đã quyết định. Dù kết
cuộc bi thảm như thế nào, tao cũng chấp nhận!
Đôi bạn im lặng một lúc, Thùy Linh
nói:
- Lúc nãy mày nhắc tới những góa phụ
hai mươi, tao chợt nảy ra một ý tưởng. Tại sao mình không tập hợp những
người như mình lại thành một khối, như một hội chẳng hạn?
Uyên Vi hỏi:
- Để làm gì?
- Để mọi người biết là có rất nhiều
người yêu lính, và cũng là để cho những người lính thấy rằng họ không cô đơn,
không bị bỏ rơi, vẫn còn có nhiều người quan tâm tới họ.
Uyên Vi cười nhẹ:
- Ý kiến hay đó. Mày đã có kế hoạch hay chương trình gì chưa?
- Bây giờ chưa có chi tiết cụ
thể. Nhưng đại khái mình sẽ tập hợp những đứa bạn thân có người yêu là
lính để bàn thêm chi tiết. Quỳnh Như chắc không đến được, nhưng tao biết
nó sẽ bằng lòng với quyết định của chúng mình. Tao sẽ nói với nó
sau. Để xem còn ai nữa. À, có rồi. Hoàng Yến.
Người yêu của nó cũng là lính.
Uyên Vi đồng ý:
- Hoàng Yến bên Văn Khoa. Nó ở
gần nhà tao. Để tao báo cho nó.
Thùy Linh chợt hỏi:
- Còn Thiên Kim, mày thấy thế nào?
Uyên Vi nhíu mày:
- Thiên Kim nào?
- Con nhỏ người mảnh dẻ, tóc dài quá
vai, lúc nào cũng đeo kính râm màu nâu to tướng, trông ngổ ngáo lắm. Mình
gặp nó đi với mấy đứa bạn ở Thạch Chè Hiển Khánh tuần trước đó. Mày nói
nó đang học Đại Học Nông Nghiệp.
Uyên Vi à lên một tiếng rồi nói:
- Tao nhớ ra rồi. Nó đeo kính
cận đấy. Nó từ Nguyễn Bá Tòng chuyển qua Trưng Vương học cùng lớp với tao
năm ngoái. Trông ngổ ngáo vậy chứ an phận lắm, không muốn phiêu lưu tình
cảm đâu. Mộng ước của nó là thi đậu điểm cao, ra trường, có việc làm tốt,
lương cao, rồi lấy chồng đẻ năm bảy đứa con, sống cuộc đời công chức là đủ thỏa
nguyện rồi! Nghe nói nó đang cặp bồ với một anh chàng cùng lớp trông cũng
hippy lắm.
Thùy Linh nhận xét:
- Muốn an phận mà lại thích
hippy. Có mâu thuẫn không nhỉ? Theo tao nó nên kiếm một anh chàng
con cầu tự, mặt búng ra sữa, đang học bác sĩ là thích hợp nhất. Có thể
kết hợp thành đôi “tiên đồng ngọc nữ” không chừng!
Uyên Vi khúc khích cười:
- Con cầu tự chắc hẳn là được bố mẹ
cưng chiều hết mực. Nó mà lấy anh chàng đó thì nội cái việc hết bố chồng
đến mẹ chồng để ý, theo dõi, rình rập xem cô con dâu chiều chuộng cậu con trai
quý tử của mình như thế nào, để rồi vạch lá tìm sâu, bẻ hành bẻ tỏi, đay
nghiến, nhiếc móc, thì chẳng mấy chốc cuộc đời nó tàn trong an phận thủ
thường! Khi đó ngọc nữ sẽ lột xác thành cô bé lọ lem vì vất vả phục vụ
tiên đồng đến nỗi đầu bù tóc rối, mắt mũi kèm nhèm, quần áo lôi thôi lếch
thếch, mặt mày hoang mang ngơ ngác!
Thùy Linh bồi thêm:
- Đằng sau là một đàn con bảy đứa
nheo nhóc, nhếch nhác, bám theo!
Đôi bạn phá lên cười ngặt nghẽo.
Dứt tiếng cười, Uyên Vi quay trở đề
tài đang thảo luận:
- Tao tìm được một hội viên nữa
rồi. Linh Hà.
Thùy Linh hỏi:
- Linh Hà nào?
- Mày không biết Linh Hà đâu.
Nó bên Sư Phạm. Chuyện của nó buồn lắm.
Rồi nàng kể:
- Nó và Dũng, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, yêu
nhau gần một năm thì Mẹ nó biết. Bà không bằng lòng vì quá thương con,
không muốn con mình phải khổ vì cuộc sống bấp bênh của một người vợ lính, và
nhất là có thể phải chịu cảnh góa bụa sớm. Thêm vào đó, người bạn của bà
có một cậu con trai độc nhất đang học y khoa, si mê con nhỏ như điếu đổ.
Do đó bà nhất định ngăn cách nó và Dũng, để nó ưng chịu lấy chàng bác sĩ tương
lai. Bà làm đủ mọi cách để ngăn cản, kể cả đe doạ tự tử! Mà không
phải chỉ đe dọa suông! Bà ấy đã tự tử thật, và phải đưa đi nhà thương cấp
cứu. Tới nước này thì nó đành phải chịu thua! Phải đau đớn chia tay
Dũng.
Ngưng lại một chút, Uyên Vi nói
tiếp:
- Nó đến gặp Dũng, khi Tiểu Đoàn của
Dũng được về dưỡng quân tại Bình Dương, để nói lời vĩnh biệt. Hai đứa nằm
ôm nhau khóc sướt mướt từ lúc gặp nhau cho cho tới giờ nó phải đáp chuyến xe đò
chót về Saigon. Nó còn bạo gan ngỏ ý muốn trao cho Dũng đời con gái của
nó trước khi chia tay, điều Dũng thường đòi hỏi nhưng nó vẫn cố giữ cho đến
ngày hai đứa cưới nhau!
Thùy Linh thở dài:
- Buồn quá! Tình yêu thời chinh chiến thường gặp nhiều trắc trở đau thương. Chuyện tình của Linh Hà khiến tao nhớ đến bài thơ đã làm tao xúc động:
No comments:
Post a Comment