Về cội, về cùng cát bụi
23.07.2016
Cuối tuần đọc báo tiếng Việt ở
California thường thấy có đăng cáo phó, phân ưu. Đây là một nét đặc trưng của
truyền thông Việt, đúng ra là của truyền thông Việt Nam Cộng hòa, vì ở miền Bắc
Việt Nam trước đây, và sau ngày thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản, chỉ
có các quan chức cao cấp của nhà nước khi qua đời mới được báo của đảng đăng
cáo phó kèm chương trình tang lễ.
Đọc kỹ những cáo phó tôi thấy bây
giờ nhiều người Việt qua đời được đem đi hỏa thiêu, và trong số những nhà quàn
được nhiều người Việt ở California biết đến có Peeks Funeral Home ở Quận Cam và
nhà quàn Oak Hill trên San Jose. Tại hai nơi đó cũng có nghĩa trang với những
khu dành riêng cho người Việt để sống chết có nhau trong tình đồng hương.
Trong nếp sống Mỹ, sau khi chết,
theo nguyện ước của người quá cố thì thân xác có thể được bảo quản như ướp xác,
được chôn vào lòng đất, được hỏa táng hay có khi được hiến cho các trung tâm y
khoa để nghiên cứu.
Báo tiếng Anh cũng có đăng cáo phó
về người chết, trong những cột báo nhỏ, nhưng ít khi nhắc đến việc người quá cố
được chôn cất ra sao, ở đâu.
Ngày mới qua Mỹ, nhà thơ Du Tử Lê
viết bài thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” và bài thơ đã được nhạc
sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc mang cùng tên. Lúc đó nghe qua tưởng lạ,
nhưng đối với người Mỹ khi qua đời được hỏa thiêu và tro than đem rải ra biển
là chuyện bình thường. Tro bụi lại trở về cùng bụi tro, như trong Thánh kinh
Ki-tô giáo đã nói về con người xác phàm.
Lời thơ của Du Tử Lê mang mang nỗi
đau cuộc sống lưu vong cùng niềm mơ ước được trở về quê cũ mà chưa được toại
nguyện, vì đường qui cố hương khi đó còn quá xa xăm mờ mịt.
Vì muốn được trở lại quê nhà nên chỉ
còn một cách như thế. Sau khi chết đem tro cốt thả trôi ra biển, cho sóng đẩy
đưa rồi cũng cập bến cũ, nhập lại với hồn xưa, còn hơn nằm lại nơi đất khách
quê người cô quạnh.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến
Hồn không đi sao trở lại quê nhà …
Nỗi lòng của nhà thơ, sự chết và
biển cả, lại như điều tiên liệu cho sinh mệnh hàng trăm nghìn người Việt sau
ngày 30 tháng Tư 1975 đã phải gửi thân xác vào lòng biển cả, không phải để được
trở về mà chạy trốn.
Suốt hai thập niên kể từ tháng Tư
oan nghiệt đó, biết bao xác người Việt đã nổi trôi trên biển, còn hồn vật vờ
không đến được bến bờ. Chết trên đường tị nạn vào tháng Tư trên biển ở Đà Nẵng,
ở Nha Trang, trên sông Sài Gòn vào cuối tháng Tư nghiệt ngã ấy.
Cho đến nhiều năm sau, xác người
Việt vẫn nổi trôi trên biển. Năm 1988 một con tàu nhỏ rời bỏ Việt Nam ra đi với
110 người. Khi cập bến chỉ còn một nửa vì bị lạc phương hướng, thuyền nhân lần
lượt chết khát, chết đói. Nhiều người được thủy táng, có thuyền nhân đã phải ăn
thịt người để sống sót. Câu chuyện đau thương đó được đạo diễn Nguyễn Đức ghi
lại trong phim Bolinao 52.
Đoạn đường thương đau giờ đã qua. Ra
đi rồi cũng có ngày về cội vì giờ đây đường về đã thênh thang mở lối.
Nhưng được về cội có phải là sẽ
chết, được chôn dưới gốc đa đầu làng, được an nghỉ bên cạnh mộ phần tổ tiên?
Nhiều người Việt cao tuổi ở Mỹ rồi
cũng sẽ dần bước qua bến bờ tử sinh. Nhưng không biết có bao nhiêu người muốn
được đem thân xác về chôn cất ở quê xưa? Đọc những trang cáo phó trên báo, tôi
nghĩ là không nhiều.
Hồi đầu thập niên 1990, một người
tôi quen có mẹ qua đời, và ước nguyện của cụ bà là được chôn cất ở Việt Nam.
Khi đó chưa có bang giao hai nước nên thủ tục giấy tờ còn nhiều rắc rối, nhưng
cuối cùng gia đình cũng thực hiện được điều trăng trối của người quá cố. Khi
quan tài đưa cụ bà về đến Sài Gòn, báo chí đều đưa tin vì đó là một sự kiện lạ.
Nếu chôn cất ở Mỹ, tổn phí ma chay cũng bằng với giá đem quan tài về nước.
Quan niệm “về cội” có trong văn hóa
Việt từ nhiều đời qua, như trong câu nói “lá rụng về cội”. Như nhà thơ Nguyễn
Chí Thiện từng mơ ước: “về với miếu đường / mồ mả gia tiên”, nhưng rồi ông đã
mất ở Mỹ, được hỏa thiêu và tro than gửi trong một nghĩa trang ở Quận Cam.
Nhiều lãnh đạo của Việt Nam Cộng hòa
qua đời ở nước ngoài cũng gửi nắm xương tàn nơi đất khách, từ Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu, Đại tướng Dương Văn Minh, Đại tướng Cao Văn Viên, Đại tướng Nguyễn
Khánh, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu tướng
Bùi Đình Đạm đến Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh.
Chỉ có Trung tướng Ngô Quang Trưởng
sau khi qua đời ở Mỹ, xác được hỏa thiêu và gia đình đã mang tro than về rải
trên quê hương Việt Nam.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã có khoảng
thời gian về với cội nguồn, tưởng sẽ được mồ yên mả đẹp nơi quê nhà nhưng ông
qua đời ở Malaysia, được hỏa thiêu và tro cốt được đem về Mỹ gửi trong một ngôi
chùa ở nam California.
Tôi biết một vài gia đình ở Mỹ đã
đem tro than của người thân về gửi trong các chùa, nhà thờ trong nước.
Trong hơn 40 năm qua, người Việt ra
nước ngoài sinh sống đã lên đến vài triệu, trong số đó có bao nhiêu người bây
giờ muốn thực sự về cội để được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
Đó là ca từ nhạc Trịnh mà nhiều
người thường nghĩ đến khi dự đám tang. Cát bụi ở đâu cũng chỉ là cát bụi. Chết
đi, thân xác con người dù ở đâu thì cũng trở về cùng cát bụi. Còn hồn về đâu
nào ai biết được.
No comments:
Post a Comment