Đồng
Tâm: Các câu hỏi về thông tin vụ chết bốn người Bộ Công an nêu ra
·
6 giờ trước
Dư luận lên tiếng về các thông tin được cho là mâu thuẫn và
thiếu hợp lý trong vụ chính quyền ở Hà Nội đưa quân đến xã Đồng Tâm ngày 9/1.
Ngày 14/1, Bộ Công an chính thức trả lời báo chí Việt Nam về vụ
'đưa lực lượng vào Đồng Tâm' rạng sáng 9/1.
Nhưng dường như các thông tin được công bố không làm thỏa mãn dư
luận.
Bộ Công an bị 'bất
ngờ" dù biết có 'kế hoạch khủng bố'?
Theo truyền thông nhà nước, ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ
Công an Việt Nam, cho hay lực lượng của Bộ này vào Đồng Tâm không phải để đi
'tuần tra' mà là để 'lập chốt an ninh ở cổng thôn Hoành" nhằm 'bảo vệ công
trình từ xa'.
Ông này cũng cho biết 'qua trinh sát', biết được nhóm Đồng Thuận
của ông Lê Đình Kình có ý đồ khủng bố, đe dọa giết cán bộ xã, có kế hoạch bắt
cóc người già, trẻ em.
Thế nhưng lời khai của nhóm Đồng thuận do Đài truyền hình Việt
Nam phát đi không có chi tiết nào liên quan đến ý đồ khủng bố như trên.
Bên cạnh đó, dư luận đặt câu hỏi là nếu đã nắm được kế hoạch
'khủng bố' của dân làng từ trước, thì tại sao công an không tổ chức khám xét,
khởi tố vụ án, lệnh bắt khẩn cấp, có phê chuẩn của Viện Kiểm sát theo đúng
trình tự, quy định của pháp luật.
Ông Quang nói khi lực lượng 'đang triển khai các chốt' thì bị
'các lực lượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt'.
Sau đó do các đối tượng 'rút về nhà mấy ông Lê Đình Kình và nhà ông Lê Đình
Công gần đó, tiếp tục tấn công từ trong nhà ra" nên 'lực lượng chức năng
triển khai phương án vây bắt' do 'đây là phạm tội quả tang'.
Nghĩa là, lực lượng công an đã ở vào thế 'bị động', bị bất ngờ,
bị tấn công trước nên mới tấn công lại. Như vậy là dù nắm được trước 'kế hoạch
khủng bố', Bộ Công an không hề có kế hoạch để ngăn chặn hay phản ứng.
Ba chiến sỹ cùng rơi
xuống giếng trời?
Ông Lương Tam Quang cũng lần đầu cho biết chi tiết về nguyên
nhân ba cảnh sát thiệt mạng. Ông nói trong 'truy đuổi các đối tượng chạy thì
ngã xuống giếng trời giữa hai gian nhà, sâu khoảng 4 m. Và 'Khi thấy lực lượng
ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa".
Dư luận đặt câu hỏi là cái giếng trời bé tí, làm sao ba người có
thể cùng ngã xuống một lúc? Nếu các chiến sỹ nhảy qua giếng trời này để trèo
vào cửa sổ của nhà liền kề, thì cửa số đó cũng không rộng đủ để ba người trèo
và nhảy qua một lúc. Nếu từng người nhảy, thì người trước rơi, không lẽ người
sau không biết để tránh?
Đài Truyền hình Việt Nam dẫn lời khai rằng ông Lê Đình Chức chỉ
đạo phóng lửa đốt các chiến sỹ bị rơi, nhưng ông Quang lại nói là do Lê Đình
Doanh đổ xăng vào chậu đưa cho Lê Đình Chức đổ xuống hố rồi châm lửa...
Ngoài ra, tại sao Bộ Công an có thể biết được ai là người chỉ
đạo tưới xăng trong bối cảnh đêm tối hỗn loạn, súng nổ, đạn cay nhả khói mù mịt
lúc đó? Liệu gia đình ông Lê Đình Kình có kịp thời gian để chỉ đạo nhau tưới
xăng?
Cái chết của ông Lê Đình
Kình chưa được làm rõ
Ngoài ra, còn nhiều thông tin khác mà dư luận trên mạng xã hội
cho rằng Bộ Công an chưa làm rõ, như ông Lê Đình Kình bị bắn chết ở đâu? Trong
nhà ông hay ở đồng Sênh - nơi quân đội đang xây tường rào và bị 'tấn công''?
Ông chết trước hay sau khi ba cảnh sát bị tưới xăng?
Bộ Công an cũng không nói vì sao ông Kình chết, mà chỉ đưa tin
là khi tiến vào, trong tay ông Kình đang cầm quả lựu đạn (ý là ông chuẩn bị ném
về phía lực lượng chức năng nên phải bắn hạ ông?).
Câu hỏi đặt ra là ông Kình, một cụ già 84 tuổi, thương tật ở
chân, phải ngồi xe lăn, có phải đối tượng nguy hiểm nhất của nhóm 'khủng bố'
trong buộc bố ráp rạng sáng 9/1 để phải bị bắn hạ?
Dư luận cũng tìm ra là ảnh chụp tang vật là 7 quả lựu đạn nhưng
tướng Quang lại nói thu giữ tổng cộng 8 quả. Thế một quả nữa đâu?
Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng Bộ Công an Việt Nam đã
không 'chuẩn bị kỹ kịch bản truyền thông' cho vụ này, mà chỉ phản ứng và điều
chỉnh mỗi khi dư luận nêu nghi vấn về những chi tiết đã đưa.
No comments:
Post a Comment