‘Tiền hậu bất
nhất’ trong lý do đưa quân đến Đồng Tâm của Bộ Công an
RFA
2020-01-14
2020-01-14
Thứ trưởng Bộ Công an
Lương Tam Quang khi phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14/1/2020, cho
biết, cảnh sát cơ động vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để ‘kịp thời bảo vệ
người dân’ trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
Thứ trưởng Bộ Công an
Lương Tam Quang cho biết, sở dĩ rạng sáng Công an Hà Nội đưa quân vào lập các
chốt an ninh trong xã, vì theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực
Đồng Sênh của xã Đồng Tâm. Tường rào này bắt đầu xây từ khu vực giáp ba xã của
huyện Chương Mỹ, kéo dài tới xã Đồng Tâm.
Ông Quang dẫn nguồn
tin từ Bộ Công an thông báo ‘khi đi đến làm nhiệm vụ cách cổng thôn Hoành
khoảng 50 mét, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao
phóng lợn’. Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm
sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng
2-3 xuống dưới.
Đây là lần thứ 3 Bộ
Công An đưa ra kịch bản khác nhau để nêu lý do đưa lực lượng cảnh sát cơ động,
tấn công vào thôn Hoành, rạng sáng 9/1/2020.
Trả lời RFA hôm 14/1,
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nhận định:
“Tôi gọi đó là khủng
hoảng về truyền thông. Đó là bước khởi đầu để đảng cộng sản Việt Nam và bộ
chính trị phải đối diện cuộc khủng hoảng toàn diện không tránh khỏi. Và có thể
nói, cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện này là tồi tệ nhất trong suốt 45 năm
qua, khởi phát từ Đồng Tâm.”
Theo nhà báo Nguyễn
Ngọc Già, việc Bộ công an đã ra những phát ngôn như vừa nêu, là một cách tiền
hậu bất nhất, điều đó phản ánh một điểm rất dễ thấy, đó là vì họ nói sai sự
thật. Theo ông, một trong những nguyên tắc khi điều tra, đó là luôn luôn là sự
thật, vì khi nói thật thì có nói 100 lần vẫn vậy, vì cốt lõi ở đây đó là nói
láo, nên dẫn đến tình trạng tiền hậu bất nhất.
Luật sư Đặng Đình
Mạnh, dưới góc độ người dân cho rằng, việc chính quyền cố che đậy mọi thông
tin, để độc quyền đưa tin về sự việc Đồng Tâm là không công bằng, và cũng vi
phạm quyền được thông tin của người dân. Ông nói tiếp:
“Lẽ ra những chuyện
như vậy nên để báo chí tham gia một cách hết sức bình thường, khi như vậy thì
mỗi tờ báo sẽ đưa tin theo tin họ thu thập và theo đánh giá của họ, thì công
chúng sẽ biết sự thật là như thế nào. Còn ở đây thì họ lại che đậy hết mọi
thông tin, dẫn đến việc người dân rất hồ nghi tất cả thông tin của phía chính
quyền đưa ra. So với thông tin ban đầu và thông tin hôm nay họ đưa ra, rõ ràng
người dân họ thấy có sự chênh lệch thông tin. Dưới góc độ người dân thì tôi cho
rằng, không thể chấp nhận một sự việc mà chính quyền độc quyền thông tin, theo
hước đảm bảo việc làm của họ là chính đáng và hợp pháp, đẩy sự thất lợi về phía
người dân Đồng Tâm, như vậy là không công bằng.”
Trước đó, vào ngày
10/1, trong thông báo đầu tiên trên cổng thông tin Bộ Công An, cơ quan này nói
dân Đồng Tâm tấn công lực lượng chức năng khi đang xây tường rào sân bay Miếu
Môn. Tuy nhiên, Bộ công an đã sai sót với cách lập luận này, vì việc xây tường
rào lúc 4h sáng là không hợp lý và địa điểm đàn áp dân lại là ở thôn Hoành,
cách tường rào sân bay lên đến 3km.
Anh Trịnh Bá Phương,
một dân oan mất đất, người thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình Đồng
Tâm, nhận định:
“Tôi thấy họ đưa một
số thông tin, như lực lượng công an bảo vệ xây tường rào ở đất tranh chấp Đồng
Tâm, lúc họ lại nói là đến tuần tra thì bị tấn công… họ dựng lên những kịch bản
mà tôi thấy rất sai sự thật. Lúc khác thì họ lại nói đến để cưỡng chế, trong
khi khu đất cưỡng chế cách nhà cụ Kình vài cây số. Cho nên đây thật sự là một
cuộc đàn áp đẫm máu tấn công nhà cụ Kình, chứ không còn là cưỡng chế nữa. Họ
rất mâu thuẫn lời nói.”
Đến ngày 12/1, qua
nhiều kênh thông tin, cơ quan chức năng lại cho rằng dân Đồng Tâm phá tường rào
sân bay Miếu Môn, sau đó chạy vào thôn Hoành. Kịch bản này ngay lập tức bị dư
luận phát hiện là không thấy hiện trường vụ phá hoại tường rào. Ngoài ra, người
dân Đồng Tâm xưa nay luôn ủng hộ quân đội xây tường rào này, vì tách bạch với
khu đất 59 hecta đang tranh chấp.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
đưa ra ý kiến về mặt pháp lý:
“Về phương diện pháp
lý thì một đồng nghiệp của tôi là luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng là người trợ giúp
pháp lý cho người dân Đồng Tâm, phát biểu rằng mà tôi muốn chia sẻ quan điểm
của anh ấy, anh ấy cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để đưa quân xuống khu
vực Đồng Tâm. Vì nếu cưỡng chế thì phải có quyết định cưỡng chế, hay đưa quân
bắt người thì phải có quyết định bắt người, hay khám xét nhà ở. Ngay cả ông
trung tướng Quang cũng đã nhìn nhận, khi đưa quân xuống thì hoàn toàn không có
lệnh bắt giữ người, không có lệnh khám xét nhà.”
Theo Luật sư Đặng Đình
Mạnh, trong khi việc lấn cấn giữa chính quyền và người dân là tranh chấp đất
đai, thì giải quyết tranh chấp phải ở đất đai, vì thế việc kéo lực lượng vũ
trang tới nhà dân, tức là khu vực không có tranh chấp, tự tiện xông vào với các
đơn vị vũ trang có vũ khí, thì rõ ràng đây là hành vi trấn áp dân bất hợp pháp.
Trả lời RFA hôm 14/1,
Luật sư Ngô Anh Tuấn, nói:
“Tôi cũng vừa đọc tin
đó, tôi cũng hơi bất ngờ việc người ta đưa lý do (đưa quân xuống Đồng Tâm).
Trong các vụ án thì cũng có trường hợp người ta đưa thông tin không đúng, để
khỏi ảnh hưởng điều tra, tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi nghĩ đây là một
cách chữa cháy.”
Cũng tại Hội nghị giao
ban báo chí hôm 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết,
trong nửa tiếng trấn áp, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 30 người, thu 8 lựu
đạn tại hiện trường, 38 chai bom xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo
sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa. Ông Kình ném một quả lựu
đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác.
Nhà báo Nguyễn Ngọc
Già, nhận xét thêm:
“Họ đã không có một kế
hoạch thống nhất, mặc dù đây phải gọi là mưu đồ để hãm hại dân Đồng Tâm. Bởi vì
tôi tin rằng, khởi phát một cái việc quá lớn như vậy đối với một nhân vật như
ông Lê Đình Kình thì Bộ chính trị chắc chắn phải lưu tâm. Điều này cho thấy Bộ
chính trị không có sự thống nhất. Phản ánh việc bất nhất này, là ngay lập tức
sau khi tấn công người dân tàn nhẫn và man rợ như vậy, ông Nguyễn Phú Trong đã
ký ngay tặng thưởng huy chương chiến công hạng nhất. Tôi không tin rằng chuyện
này do ông Trọng chủ động mà gần như là hình thức bù nhìn rồi, tức là nó phản
ánh giai đoạn của thời phong kiến suy tàn. ”
Xin được nhắc lại,
tranh chấp đất ở Đồng Tâm bùng nổ vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm,
huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn
Hoành. Khi đó, người dân Đồng Tâm đã gây chấn động dư luận vì bắt giữ 38 cảnh
sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền
thành phố Hà Nội.
Sau một thời gian tạm
lắng, thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội liên tục có những động thái mà theo
người dân Đồng Tâm là toan tính cướp đất của dân như, công bố bản đồ Đồng Tâm
không rõ nguồn gốc, bôi nhọ người lãnh đạo tinh thần của dân Đồng Tâm, đem quân
đội xuống địa phương…
Gần nhất, vào chiều
ngày 4/1/2020, cơ quan chức năng đã huy động một lực lượng quân đội cùng vũ
khí, súng ống, thiết bị các loại, bao gồm cả vũ khí đàn áp bằng âm thanh có tên
Long Range Acoustic Device (LRAD) đến xã Đồng Tâm.
Và cho đến lúc này,
chắc nhiều người chưa hết bàng hoàng về vụ vào sáng sớm ngày 9/1, chính quyền
Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng
Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối.
Ông Lê Đình Kình,
người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm,
đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động vào sáng
sớm ngày 9/1/2020.
No comments:
Post a Comment