Saturday, May 28, 2016

Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ

Quan hệ kinh tế Việt-Mỹ
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-05-24

Chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được dư luận Việt Nam và quốc tế chú ý vì cả lý do an ninh lẫn kinh tế. Hơn hai chục năm sau khi bang giao Việt-Mỹ được tái lập.
Nguyên Lam: Xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Barack Obama cho thấy Hoa Kỳ đã bình thường hóa gần như toàn diện mối quan hệ với Việt Nam, nhưng tiến trình ấy phải qua một giai đoạn kéo dài mất hơn hai chục năm, là điều gì đó khá bất thường, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ vừa bình thường hóa quan hệ mọi mặt với một chế độ bất thường vì chế độ này chưa hề bình thường hóa quan hệ của nó với chính người dân. Về diễn tiến thì có lẽ chúng ta cần nhắc lại vài dấu mốc căn bản sau đây:
Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994, Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Từ đấy, các chính quyền cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, đều tích cực giúp Việt Nam cải thiện kinh tế với cao điểm là năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton cho ký hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt gọi là BTA, bên trong có điều khoản tạm chấp nhận quy chế tối huệ quốc, là mậu dịch bình thường – hay NTR – được tái xét hàng năm. Sau đấy, quy chế NTR trở thành vĩnh viễn và thường trực từ năm 2007 khi Hoa Kỳ thời ông George W. Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do chính thức là nếu cải thiện kinh tế sẽ cải thiện chính trị, nhưng Hà Nội lại gọi đó là "âm mưu diễn biến hoà bình" và chẳng hể cải thiện về chính trị mà bám chặt lấy ách độc tài! Đấy là một lẽ bất thường.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi từ những năm đó, tình hình kinh tế Việt Nam có thay đổi không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ đó, tình hình kinh tế Mỹ-Việt có đổi khác. Tôi xin được nêu vài con số về sự đổi khác nhưng nhấn mạnh rằng đời sống đa số người dân Việt Nam thì vẫn chưa.
Từ 1994 đến cuối năm 2008 là sau khi gia nhập tổ chức WTO, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã từ 50 triệu Mỹ kim tăng đến hơn 12.000 triệu, tức là hơn 12 tỷ, gấp 250 lần. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ qua Việt Nam chỉ tăng từ 172 triệu Mỹ kim lên gần hai tỷ bảy - gấp 15 lần thôi.
Về đại thể, từ 1995 Việt Nam liên tục đạt xuất siêu - là xuất nhiều hơn nhập - với Hoa Kỳ. Kỷ lục là năm ngoái xuất gần 38 tỷ mà nhập có bảy tỷ, xuất siêu gần 31 tỷ Mỹ kim. Tức là Việt Nam có lợi lớn trong quan hệ buôn bán với Mỹ. Vắn tắt thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chính là Hoa Kỳ, khốn nỗi, được xuất siêu bao nhiêu với kinh tế Mỹ thì Việt Nam bị nhập siêu bấy nhiêu với kinh tế Trung Quốc. Thực tế thì kinh tế Việt Nam là vệ tinh của kinh tế Trung Quốc và dần dần khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đều biết điều ấy.
Nếu bảo rằng Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam để tư bản của Mỹ trục lợi nhờ nhân công rẻ của Việt Nam thì người ta lại lầm nữa vì trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Việt Nam có lợi hơn và các doanh nghiệp Mỹ cũng chẳng dẫn đầu trong số đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Chuyện dân chủ
Nguyên Lam: Trở lại mục tiêu ban đầu của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ có thể chủ trương là nếu giúp Việt Nam cải thiện kinh tế thì xã hội cũng sẽ cải thiện về chính trị và tiến dần sang chế độ dân chủ, ông nhận xét như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là một lầm lẫn lớn từ cả hai phía.
Hoa Kỳ có thể cả tin rằng sức mạnh kinh tế thị trường sẽ dẫn tới chuyển hóa chính trị là điều không tất nhiên, vì các chế độ độc tài vẫn có thể áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc để củng cố chế độ, là điều đã thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Cuba. Ngược lại, Hà Nội cho rằng Mỹ có dụng ý chính trị để chuyển hóa chế độ theo kiểu diễn biến hòa bình. Thật ra Hoa Kỳ có nêu khuyến cáo hoặc thậm chí gây áp lực, nhưng chuyển hóa hay không thì vẫn là quyết định của Việt Nam. Hoa Kỳ đã từng có quan hệ khá chặt chẽ với nhiều chế độ độc tài, nếu có thêm một chế độ Hà Nội nữa thì cũng chẳng làm nước Mỹ thay đổi chính sách. Tổng kết lại thì có muốn dân chủ hay không là chuyện của dân Việt Nam, không là một yêu cầu tiên quyết của nước Mỹ.
Nguyên Lam: Trong trường hợp đó, ông giải thích thế nào về nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ trong hiệp ước xây dựng đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên xét kỹ rằng nỗ lực đó có lợi cho Mỹ hay cho Việt Nam?
Nếu muốn gia nhập hệ thống TPP này mà Việt Nam cải thiện quy chế lao động, có công đoàn tự do và tôn trọng nền tảng luật lệ minh bạch thì điều ấy có lợi cho người Việt Nam hơn là cho nước Mỹ. Trong 12 quốc gia thành viên của hệ thống TPP, Việt Nam được đánh giá là có lợi nhất vì sẽ tăng xuất khẩu được hơn 30% và nhờ đó, sản lượng kinh tế được thêm 10% kể từ khi áp dụng cho tới năm 2030.
Ngoài ra còn có hai yếu tố quan trọng khác về phẩm hơn là về lượng. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc phải chuyển hướng với giá nhân công cao hơn và mất lợi thế là công xưởng toàn cầu cho nên giới đầu tư nhắm vào Việt Nam cùng khoảng 18 thị trường khác là giải pháp thay thế. Nếu là thành viên của TPP thì Việt Nam dễ khai thác lợi thế ấy với khả năng sản xuất và cung ứng các ngành dệt sợi, đồ gỗ, đồ da hay sản phẩm gia dụng của công nghiệp nhẹ lẫn hàng điện tử. Thứ hai, vì Trung Quốc không ở trong hệ thống TPP nên đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam ra khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế Trung Quốc.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng Chính quyền Obama muốn qua hiệp ước TPP mà yểm trợ an ninh của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc như nhiều giới chức ngoại giao Mỹ đã nói ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đấy lại là một lầm lẫn khác. Hoa Kỳ đang làm ăn buôn bán với Trung Quốc có hơn một tỷ 350 triệu dân thì chẳng có lý do gì mà huy động 90 triệu người Việt vào chiến tuyến chống Tầu về mặt kinh tế. Tôi thiển nghĩ rằng an ninh của nước Việt, hay nhân quyền và dân chủ của người Việt, phải xuất phát từ Việt Nam, chứ không thể lệ thuộc vào chính sách thất thường của nước Mỹ.
Nhưng Hà Nội cũng chẳng thể quên rằng Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên án nạn vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ của Hà Nội vì dân Mỹ không muốn dân Việt mãi mãi là nạn nhân của một chế độ tồi tệ. Hoa Kỳ là nơi mà “quyền lực mềm” có sức mạnh thực tế, nó không xuất phát từ chính sách quân sự hay kinh tế của Chính quyền Obama mà một cách tự phát từ xã hội dân sự, trong đó có cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Quyền lực đó có thể giúp người ta thấy ra mối nguy của Bắc Kinh và lối ăn nói nước đôi của Hà Nội. Trong 20 năm qua, chính là những nỗ lực tự phát của xã hội Mỹ lẫn các tổ chức thiện nguyện về giáo dục, y tế và văn hóa đã làm xã hội Việt Nam thay đổi nhiều hơn là người ta thường nghĩ.
TPP sẽ tới đâu
Nguyên Lam: Cho tới nay thì hình như Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước TPP dù 12 nước đã hoàn tất việc thương thuyết từ ngày năm Tháng 10 năm ngoái và chính thức ký kết vào Tháng Hai vừa qua. Thưa ông, diễn biến của hồ sơ này sẽ là gì trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo đúng thủ tục sau khi ký kết vào Tháng Hai vừa qua, 12 quốc gia sẽ có hai năm cứu xét và phê chuẩn, hạn chót là vào Tháng Năm năm 2018. Từ nay đến đó, từng nước cũng phải cải thiện luật lệ để áp dụng và có quyền yêu cầu điều chỉnh theo quan điểm quyền lợi của mình. Sau cùng, nếu các thành viên có sản lượng kinh tế cao bằng 85% của sản lượng toàn khối thì Hiệp ước đó vẫn thành hình. Điều ấy có nghĩa là nếu hai nền kinh tế giàu nhất khối là Hoa Kỳ và Nhật Bản mà đồng ý thì các nước kia sẽ phải theo.
Nguyên Lam: Thưa ông, trở ngại về phía Việt Nam là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng trở ngại lớn nhất là lãnh đạo Việt Nam thuộc trình độ bán hàng xén mà nghĩ là ta đã lên tới cấp bán hàng bách hóa để rồi sẽ mở siêu thị. Họ nghĩ rằng sẽ lại lừa được thế giới như trong thời chiến tranh - là điều tương đối dễ vì trình độ nhận thức nông cạn của trí thức và chiến lược gia Hoa Kỳ thời ấy - nhưng quên rằng thế giới đã thay đổi.
Trước hết, nói về quan hệ kinh tế Việt-Mỹ từ hai chục năm qua thì dù được các thành phần tả khuynh hay thân cộng nâng đỡ, Hà Nội vẫn chưa vượt qua rào cản của Quốc hội Hoa Kỳ nên chưa tranh thủ được quy chế đặc miễn GSP hay Generalized System of Preferences để bán vào Hoa Kỳ khoảng 5000 sản phẩm khỏi bị thuế quan, gọi là duty free. Lý do chính vẫn là nạn chà đạp nhân quyền, trong khi nhiều xứ nghèo hơn đã được quy chế này.
Quan trọng hơn vậy chính là hồ sơ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Dù Việt Nam được lợi nhất về lý thuyết, về thực tế thì sự tình lại phức tạp hơn, nhất là trong bối cảnh của cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Mỹ. Muốn hưởng mối lợi ấy của TPP thì Việt Nam phải cải cách, là điều các nước mong muốn mà Hà Nội lưỡng lự vì sợ cơ sở mất đỉnh chung bổng lộc. Thứ nữa, dù có cam kết, Hà Nội vẫn giữ quyền bội tín và gặp phản ứng mạnh của xu hướng “chống toàn cầu hóa” và “bảo hộ mậu dịch” trên chiến trường và thị trường quốc tế. Trong khi ấy, vì cuộc tranh cử Tổng thống, cả ba ứng cử viên còn lại của hai đảng lớn đều nói khác và hết tin tưởng gì vào toàn cầu hóa mà lại còn nêu ra chủ trương bảo hộ mậu dịch. Vì vậy, việc Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp ước TPP này là điều xa vời.
Nguyên Lam: Thưa ông, kết cuộc thì liệu Việt Nam có triển vọng tham gia vào Hiệp ước này hay không sau chuyến thăm viếng của Tổng thống Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi đoán rằng Tổng thống Mỹ đã kín đáo gây áp lực rất mạnh với lãnh đạo Hà Nội nhưng cũng chẳng muốn họ bị mất mặt mà công khai nói ra điều ấy, nhất là sau nạn vi phạm nhân quyền quá trắng trợn vừa qua. Nhưng Hà Nội lại chẳng biết rằng vì những nhược điểm nói trên, về cả nhân quyền lẫn bảo vệ môi sinh, mà Việt Nam có thể bị Quốc hội Mỹ gạt ra ngoài TPP như một điều kiện phê chuẩn, với thiệt hại rất cao cho người dân và các doanh nghiệp. Lý do là lãnh đạo Việt Nam vẫn không tuân thủ các cam kết trong khi lại có lợi nhiều nhất nhờ TPP. Đây sẽ là niềm thất vọng cho Tổng thống Barack Obama vì hiệp ước TPP là một di sản ông muốn để lại. Thêm một lần nữa, Hà Nội sẽ lại lỡ cơ hội và người Việt vẫn bị thiệt hại trong khi viễn ảnh khủng hoảng kinh tế vì vụ khủng hoảng môi trường nay đã cận kề.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.


No comments:

Post a Comment