Monday, November 19, 2018

Tin Vắn Trong Tuần (Nov.17, 2018) - Vũ Linh


Tin Vắn Trong Tuần (Nov.17, 2018)

TIN BẦU CỬ CẬP NHẬT
Vũ Linh
Chuyện khó tin nhưng có thật, cuộc kiểm phiếu bầu cử cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Tại Hạ Viện, vẫn còn vài chục ghế chưa đếm xong tuy việc DC chiếm đa số đã  chắc chắn rồi. Vấn đề là chưa biết rõ DC sẽ có thế đa số tới mức nào.
Tại Thượng Viện, sau hơn cả tuần đếm phiếu, cuối cùng thì trái với tin loan báo trước đây, ứng cử viên DC Kyrsten Sinema đã thắng khít nút. Nghiã là cho đến khi bài này được viết thì phe CH chiếm được 4 ghế của DC trong khi DC chiếm lại được 2 ghế của CH, và kết quả là CH giữ thế đa số 53-47.
Tại Florida, kết quả bầu thống đốc và thượng nghị sĩ đều phải đếm lại vì khác biệt  khít nút trong khi còn khá nhiều phiếu ‘tạm thời’ chưa được tính. Có khoảng 55.000 phiếu cần phải được đếm lại bằng tay từng cái một. Nếu kiểm phiếu mà thấy DC vẫn giữ được ghế thượng nghị sĩ tại Florida thì thế đa số của CH sẽ giảm xuống còn 52/48. Tuy nhiên, ít người nghĩ đếm phiếu sẽ thay đổi kết quả bầu cử, chỉ là chuyện thêm bớt vài trăm hay một hai ngàn phiếu là cùng.
Tại Mississippi, không có ứng viên nào đạt tới 50%, do đó theo luật tiểu bang, hai ứng cử viên được nhiều phiếu nhất –một CH và một DC- sẽ tham gia bầu bán lại ngày 27 tháng 11 này. Trong lần bầu vừa qua, phiếu của phe CH bị chia làm hai vì có tới hai ứng cử viên của CH, bây giờ còn một, CH có hy vọng thắng.
Như đã bàn qua, quan trọng là nắm đa số, cho dù là đa số một phiếu. Tuy nhiên thế đa số mong manh này sẽ khiến TT Trump phải lệ thuộc vào một hai thượng nghị sĩ CH như bà Collins, bà Murkowsky, hay ông Romney.
Những kết quả mới nhất cho thấy tại Thượng Viện, CH thắng không lớn như đã được công bố, trong khi DC thắng tại Hạ Viện lớn hơn. Nghiã là con đường TT Trump đi trong hai năm tới sẽ khó khăn nhiều.
Tại Georgia, bà DC Stacey Abrams cuối cùng đã chịu thua, không chiếm được ghế thống đốc. Bà không nhìn nhận thua và chúc mừng đối thủ của bà như thông lệ, mà tuyên bố bà “không nhìn thấy con đường nào đưa đến chiến thắng cho bà, vì bà là nạn nhân của kỳ thị và gian lận”. Đây chính là thái độ khá tiêu biểu của các chính khách DC: cho dù thua nhưng không chịu nhận thua mà tìm đủ cách dành chiến thắng, không được thì kiếm chuyện đổ thừa, chỉ trích,...
 Không biết có phải vì bầu cử vẫn còn lộn xộn mà thị trường chứng khoán hôm thứ Ba vừa qua đã rớt 600 điểm, xóa hết 500 điểm gia tăng một ngày sau bầu cử. Có phải các doanh gia nghĩ lại kết quả kỹ hơn không? Trước bầu cử, Diễn Đàn này đã nhận định thị trường sẽ rớt mạnh nếu DC chiếm Hạ Viện, ngay sau bầu cử thị trường tăng mạnh vì cho rằng kết quả không tệ cho TT Trump lắm, bây giờ thì thị trường suy nghĩ lại?

CH BẦU LÃNH TỤ
Khối CH đã chính thức bầu lại dân biểu Kevin McCarthy làm lãnh tụ khối CH, qua năm tới sẽ là khối thiểu số tại Hạ Viện.
Ông McCarthy là đương kim chủ tch Hạ Viện sau khi DB Paul Ryan từ chức năm 2014. Ông là dân biểu đại diện khu vực thành phố Bakersfield, tiểu bang Cali (trên xa lộ 5 từ Los Angeles đi San Francisco) từ 2007. Trước đó, ông đã là dân biểu tiểu bang tại quốc hội Cali từ 2002.
Ông McCarthy thuộc thành phần bảo thủ kiên trì, đúng sách vở, chống phá thai, cổ võ việc thu hồi và thay thế Obamacare, không ân xá di dân lậu, không chấp nhận hôn nhân đồng tính,…
Ông McCarthy là một trong những dân biểu CH đầu tiên tích cực ủng hộ ứng cử viên Trump trong cuộc bầu tổng thống năm 2016. Các chuyên gia tin rằng TT Trump đã có một đồng minh đáng tin hơn ông Paul Ryan trước đây tại Hạ Viện. Ông McCarthy đã lên tiếng cảnh cáo ông sẽ không ngồi yên để khối DC biến Hạ Viện thành một cơ chế chỉ biết điều tra TT Trump mà không biết làm gì khác hơn.

ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ BỘ TƯ PHÁP
Muốn biết thái độ của DC trong tương lai? Không có gì khó cả: chưa chi thì DC đã ra tay rồi. Một ngày sau khi TT Trump sa thải bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và bổ nhiệm cựu công tố liên bang Matthew Whitaker xử lý trong khi chờ đợi bổ nhiệm bộ trưởng chính thức và thường trực, phe DC đã nhao nhao tấn công ông Whitaker ngay tức khắc, cho ông này không khả năng, cho là bổ nhiệm kiểu này vi phạm Hiến Pháp, đòi ông này phải công khai thề không được đụng vào công tố Mueller,... Phe DC cũng tố cáo ông Whitaker không được Thượng Viện phê chuẩn, nên không có quyền làm gì hết, và đúng ra TT Trump phải nâng ông Thứ Trưởng Rosenstein lên bộ trưởng.
Thứ nhất, ông Whitaker chỉ là xử lý không có đầy đủ quyền hành của một bộ trưởng mà chỉ mang tính xử lý thường vụ hành chánh. Thứ nhì, ông Rosenstein có lẽ cũng đang chờ giấy báo cho về hưu non, tuy cũng có triển vọng được nâng lên bộ trưởng thật, chỉ có ông Trump biết. Thứ ba, việc bổ nhiệm ai làm gì là quyền của tổng thống, không đến phiên phe đối lập khuyến cáo nên chọn ai. Thứ tư, các luật sư của bộ Tư Pháp đã chính thức xác nhận việc bổ nhiệm ông Whitaker hoàn toàn hợp pháp và hợp hiến.
 Đủ kiểu tấn công cho dù ông này chưa tới bàn làm việc, chưa làm hay nói bất cứ chuyện gì. Lố bịch đến độ báo ‘phe ta’ New York Times cũng phải lên tiếng, viết ông Whitaker khả năng yếu kém hay không chưa ai biết, nhưng chắc chắn việc bổ nhiệm ông chẳng có vi phạm Hiến Pháp gì hết. 
‘Phe ta’ ồn ào đòi ông Whitaker không được dính dáng vào vụ điều tra của công tố Mueller. Ở đây phải nhắc lại câu chuyện của bộ trưởng Sessions. Ngay khi giám đốc FBI, Comey bắt đầu điều tra về vụ ban vận động tranh cử của ông Trump có liên lạc với Nga –khi đó chưa ai nói chuyện ‘thông đồng’- thì ông Sessions đã mau mắn tự ý tuyên bố tránh không dính dáng đến chuyện này, trao quyền cho ông thứ trưởng Rosenstein. Trên nguyên tắc, các quan chức bộ Tư Pháp hay các quan tòa thường tự ý rút ra khỏi những vụ kiện tụng trong đó có thể có mâu thuẫn hay xung khắc quyền lợi cá nhân khiến họ mất tính khách quan và công bằng. Ông Sessions nại cớ ông là thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ ông Trump mạnh nhất nên có thể sẽ bị dị nghị là không công tâm, sẽ bảo vệ TT Trump, do đó rút lui, không dính dáng đến điều tra của ông Comey.
Việc làm của ông Sessions bị TT Trump đả kích mạnh vì ngay sau đó, ông Rosenstein đã bổ nhiệm công tố Mueller để điều tra. TT Trump cho rằng ông Sessions đã rút lui quá nhanh mà không tham khảo ý kiến hay xin phép tổng thống, đã không lo bảo vệ tổng thống.
Dù sao thì người ta cũng hiểu được phần nào quyết định của ông Sessions. Nhưng việc phe DC đòi ông Whitaker cũng không được dính dáng là điều vô lý. Công tố Mueller là viên chức của bộ Tư Pháp, ông Whitaker là bộ trưởng (tuy xử lý) bộ Tư Pháp, tại sao lại phải rút ra?

TT TRUMP LÀM SÁNG TỎ LUẬT TỴ NẠN
Bộ Tư Pháp, cùng với bộ An Ninh Lãnh Thổ, đã ra công văn, được củng cố bởi sắc lệnh của TT Tump, làm sáng tỏ vấn đề xin tỵ nạn –asylum- tại Mỹ. Ngoài những lý do chính đáng như an toàn cá nhân và gia đình bị đe dọa bởi sự đàn áp chính trị, tôn giáo hay băng đảng, hay ngay cả bạo lực trong gia đình, thì người đưa đơn xin tỵ nạn cũng phải ở trong tình trạng hợp pháp. Nếu đã ở trong lãnh thổ Mỹ thì sự hiện diện này phải có giấy tờ hợp pháp chứ di dân lậu không giấy tờ -undocumented- sẽ không được chấp nhận. Nếu chưa vào đất Mỹ thì cũng phải nộp đơn xin chính thức trước khi vào đất Mỹ, bị tạm giữ trong khi chờ quyết định của tòa di dân.
Luật này đã có từ lâu nhưng không được áp dụng triệt để. Các chuyên gia cho rằng sắc lệnh mới này thế nào cũng bị thưa kiện và sẽ không ai lấy làm lạ nếu các quan tòa cấp tiến do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm sẽ bác bỏ. Nhưng cũng sẽ không có ai ngạc nhiên khi chính quyền Trump quyết định kháng cáo lên tới Tối Cao Pháp Viện.

TT TRUMP VÀ CNN
Một câu chuyện khá ý nghiã: ngay sau khi DC chiếm được Hạ Viện, trong cuộc họp báo đầu tiên của TT Trump, anh nhà báo Jim Acosta của CNN, tự tin vì ‘chiến thắng’ này, đã ngang nhiên tranh cãi với TT Trump, một chuyện chưa từng xẩy ra trong lịch sử các cuộc họp báo với tổng thống. Từ trước đến nay, dù sao thì các nhà báo vẫn phải tôn trọng, kính nể tổng thống. Trong cuộc họp báo này, anh Acosta biểu diễn tính phách lối, không phải đặt câu hỏi lên tổng thống nữa, mà là công khai chất vấn rồi chỉ trích chính sách di dân của TT Trump. Đây không thể nào là việc một nhà báo có thể làm trong một cuộc họp báo của tổng thống. Họp bảo là để nhà báo đặt câu hỏi lên tổng thống, không phải là để nhà báo lợi dụng đả kích tổng thống.
Đưa đến việc mà TTDC làm rùm beng là anh ta bị tước lấy micro và bắt ngồi xuống. Sau đó anh bị rút thẻ nhà báo Tòa Bạch Ốc, không được vào đó nữa. CNN đã đệ đơn kiện TT Trump vì cho rằng Tòa Bạch Ốc vi phạm tu chánh án bảo đảm quyền tự do ngôn luận.
Một quan tòa liên bang đã phán bắt Tòa Bạch Ốc phải trả thẻ lại cho anh Acosta vì việc rút thẻ này đã không được làm đúng thủ tục. Quan tòa xác nhận anh Acosta có quyền tự do đặt câu hỏi, nhưng ông phán Tòa Bạch Ốc không bắt buộc phải cho anh đặt câu hỏi trong những lần họp báo tới. Đây chỉ là phán quyết tạm thời trong khi chờ đợi tòa cứu xét toàn bộ vấn đề trong ít ngày tới.
Ở đây chỉ là chuyện anh Acosta không được cấp giấy phép tham dự họp báo tại Tòa Bạch Ốc thôi chứ không ai cấm anh viết báo hay nói gì trên CNN, tức là không đụng chạm gì đến quyền tự do ngôn luận của anh như CNN đang cho hô hoán. Ta đừng quên chỉ riêng CNN đã có tới hơn 50 nhà báo, phóng viên được cấp giấy phép này ngoài anh Acosta ra.
Nhà báo lão thành Bob Woodward, tác giả nhiều sách trong đó có cuốn mới nhất bôi bác TT Trump không nương tay, cũng phải than vãn TTDC đã quá xúc động, đi quá xa trong việc chống TT Trump.
Tòa Bạch Ốc cho biết sắp ra quy luật rõ ràng về thủ tục sinh hoạt trong các cuộc họp báo trong Tòa Bạch Ốc hay khi đặt câu hỏi với tổng thống.
Trong một tin liên hệ đến TTDC, tổ chức MacLaughlin & Associates vừa làm thăm dò cho thấy gần một nửa dân Mỹ (48%) cho rằng TTDC không công bằng, đánh TT Trump quá lố, trong khi chỉ có 10% nghĩ TT Trump không công bằng đối với TTDC.

LS AVENATTI BỊ BẮT
Luật sư Avenatti của cô đào đóng phim sex Stormy Daniels đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội đả thương bà vợ. Hai vợ chồng đang trong giai đoạn chờ ly dị.
Tin báo mạng The Daily Caller không cho biết tại sao hai người lại gặp lại nhau, cãi vã đi đến tình trạng ông Avenatti ‘động thủ’ đánh bà vợ. Các báo tìm cách lấy thêm tin cũng như phỏng vấn ông Avenatti, nhưng thất bại.
Anh này cũng đang thả bong bóng thăm dò để ra tranh cử tổng thống năm 2020. Chỉ là chuyện ruồi bu để đánh bóng tên tuổi, muốn thấy tên mình trên mặt báo thôi, đảng DC coi vậy chứ chưa đến độ hết người hoàn toàn, phải đưa tên luất sư quái chiêu  này ra.

ƯU TIÊN MỚI CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
Nếu quý vị nghĩ rằng ưu tiên của đảng DC sau khi chiếm được Hạ Viện là ra luật cứu Obamacare, cứu di dân lậu, hay tăng thuế ‘nhà giàu’, hay tăng trợ cấp, hay những chuyện lớn nào khác, thì quý vị vẫn chưa biết gì về đảng DC. Bà Nancy Pelosi, người có triển vọng làm chủ tịch Hạ Viện, đã cho biết ưu tiên số một của bà là bắt TT Trump phải công khai hóa giấy khai thuế của ông ta ra. Thế mới thấy DC chỉ biết bới rác tấn công tổng thống chứ chẳng có chương trình kinh bang tế thế ghê gớm gì.
Câu hỏi cho quý vị nào chú tâm vào giấy khai thuế của TT Trump: công bố giấy khai thuế có tác động như tnế nào đến công ăn việc làm đến cuộc sống hàng ngày của quý vị, đến độ đảng DC phải coi đó là ưu tư hàng đầu của Hạ Viện?
Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị đã tỏ ý lo ngại việc này sẽ có hậu quả tai hại cho đảng DC.
Thứ nhất là TT Trump sẽ không ngoan ngoãn trình hết giấy khai thuế, trái lại, sẽ chống đỡ, đến độ mọi việc có thể lên tới tòa đủ cấp, thậm chí lên tới TCPV không chừng, sẽ chứng tỏ cho cả nước thấy sự nhỏ mọn của đảng DC. Hơn nữa, luật Mỹ tuy cho phép quốc hội đòi Sở Thuế IRS cho coi giấy khai thuế của bất cứ ai, nhưng cũng phải có lý do chính đáng, chứ đòi coi giấy thuế để có cớ đánh tổng thống không phải là lý do chính đáng. Cũng không có luật nào bắt tổng thống phải công khai hóa giấy khai thuế cá nhân.
Thứ hai, nguy hại hơn, là có thể sau khi DC thắng tại tòa, giấy khai thuế của TT Trump bị công khai hóa, nhưng trong đó, chẳng ai tìm ra được tội nào của ông Trump hết, mà lại thấy ông đã đóng cả chục triệu thuế. Như vậy chỉ khiến DC mất mặt vì hố to.
Chuyện này không phải là không thể xẩy ra. Trước đây, TTDC đã tìm ra được một một giấy khai thuế cũ của TT Trump, ồn ào khoe trên TV, xúm lại truy lùng tin xấu. Để rồi bị hố to khi chẳng những không tìm ra tội gì mà lại còn có dịp cho thiên hạ thấy năm đó, ông doanh gia Trump đã đóng tới 35 triệu đô tiền thuế, hơn xa tổng cộng số tiền thuế cả ba ông tổng thống DC Carter, Clinton và Obama đã đóng. Chưa kể việc truy cứu giấy khai thuế của ông Trump không dễ chút nào. Gọi là ‘giấy’ khai thuế, nhưng thực sự đó là những hồ sơ dầy cỡ cả ngàn trang, với những chi tiết giao dịch kinh doanh giữa khoảng 500 công ty lớn nhỏ của ông Trump, mà ít ai hiểu được. Phe DC khai thác được gì không ai biết, chỉ biết các đối thủ kinh doanh của tổ hợp Trump Organization sẽ nghiên cứu rất kỹ vì lý do cạnh tranh.
Mặt khác, nhiều dân biểu DC lo sợ việc đánh TT Trump quá hung hăng sẽ không giúp thực hiện chuyện gì hết vì chắc chắn sẽ có đại chiến với đảng CH, không còn hợp tác làm được bất cứ chuyện gì nữa, và họ sẽ phải trực diện cử tri hai năm nữa với hai bàn tay trắng.

BẮC HÀN THẢ CÔNG DÂN MỸ.
Một công dân Mỹ, anh Bruce Byron Lowrance, đã được chính quyền Bắc Hàn ‘trục xuất’ về Mỹ. Anh này bị bắt khi vượt biên giới trái phép từ Trung Cộng qua Bắc Hàn cách đây đúng một tháng. Anh này ‘thú nhận là gián điệp’ của Mỹ.
Thay vì bị bắt, tra tấn hơn cả năm trời đến gần chết mới cho về như trường hợp anh Otto Warmbier dưới thời TT Obama, anh Lowrance đã không bị tuyên án gì, mà chỉ bị trục xuất về Mỹ ngay.
Thái độ của Cậu Ấm Ủn đối với dân Mỹ bị bắt dưới thời TT Obama và TT Trump hiển nhiên khác nhau rất xa, mọi người đều nhìn thấy.


No comments:

Post a Comment