Wednesday, May 13, 2015

Vụ giết Bin Laden: Sự thực ở đâu?



Vụ giết Bin Laden: Sự thực ở đâu?
Anthony Zurcher Phóng viên mảng Bắc Mỹ
Đây là những cáo buộc nghiêm trọng - tấn công trực diện vào câu chuyện hùng tráng phần nào đã làm nên thành công trong chính sách ngoại giao nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama.
Theo tác giả Seymour Hersh, người từng giành giải Pulitzer, vụ bố ráp và giết chết thủ lĩnh al-Qaeda, Osama Bin Laden, chẳng bí mật và cũng chẳng mấy nguy hiểm, chỉ là chiến dịch phối hợp giữa tình báo của quân đội Hoa Kỳ với Pakistan.
Cáo buộc này bị nhiều người ở Hoa Kỳ - và Pakistan cực lực phản đối, và chỉ ra những chỗ mà họ thấy căn cứ không đủ mạnh và những kết luận đáng nghi vấn trong bài bài viết dài của Hersh.
“Nhận xét rằng chiến dịch sát hại Osama bin Laden không phải một điệp vụ đơn phương rõ ràng là sai,” phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Ned Price nói, và nhấn mạnh thêm rằng bài viết tối nghĩa với “những nhận định thiếu chính xác và vô căn cứ”.
Tâm điểm bài viết của Hersh là cáo buộc rằng từ năm 2006, Bin Laden đã nằm dưới quyền kiểm soát của Pakistan, được giữ ở Abbottabad với sự hỗ trợ tài chính từ Ả Rập Saudi.
Hersh nói các quan chức cấp cao của Pakistan chấp thuận cho Hoa Kỳ thực hiện “đột kích” ở căn cứ – trên thực tế, là ám sát – sau khi Hoa Kỳ tìm ra tung tích của Bin Laden qua một nguồn tin tình báo của Pakistan (không phải sau khi thẩm vấn các thành viên al-Qaeda bị giam giữ và điều tra sâu một người đưa tin của Bin Laden, như báo cáo chính thức đưa).
Một thỏa thuận được thông qua lúc đó cho phép Hoa Kỳ thiết lập theo dõi chi tiết khu vực này, lấy các bằng chứng DNA xác nhận danh tính của Bin Laden và thậm chí còn được cấp điệp viên người Pakistan để giúp cho chiến dịch – đổi lấy việc Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho cơ quan tình báo và lãnh đạo của các nước này.
Theo Hersh, Tổng thống Obama đáng ra phải đợi một tuần trước khi thông báo cái chết của Osama Bin Laden
Theo Hersh, một phần của thỏa thuận là Hoa Kỳ sẽ hoãn báo tin cái chết của Bin Laden trong một tuần, và chỉ nói rằng ông ta bị giết trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Afghanistan.
Thế nhưng ông Obama đã phản lại người Pakistan, sau khi một trực thăng của Hoa Kỳ bị rơi trong chiến dịch và tòa Bạch Ốc lo sợ sẽ không thể giữ kín được câu chuyện.
Vì thế mà Tổng thống Obama đã tuyên bố trước toàn dân vào đêm đó, rằng lực lượng đặc biệt của Thủy quân Hoa Kỳ đã thực hiện một vụ tấn công liều lĩnh, dũng cảm dựa trên thông tin tình báo bí mật thu thập được từ nhiều tháng qua mà phía Pakistan không hề biết, trong đó có một vụ đọ súng giết chết Bin Laden và nhiều dân quân khác.
Những ngày sau đó, các chi tiết cụ thể hơn – đôi khi mâu thuẫn nhau và một số chi tiết bị bác bỏ - đã rò rỉ từ Nhà Trắng, khiến các chỉ huy lực lượng đặc nhiệm và quốc phòng Hoa Kỳ giận dữ.
“Câu chuyện của Nhà Trắng có thể đã được ông Lewis Carroll sáng tác ra,” Hersh viết trong số mới nhất của London Review of Books, dẫn tên tác giả truyện Alice ở Xứ Thần tiên.
Bài viết của ông kết thúc bằng lời lên án chính sách ngoại giao của chính quyền Obama.
“Dù sao thì dối trá ở cấp cao vẫn là cách vận hành của chính sách Hoa Kỳ, cùng với các khu mật giam, tấn công bằng máy bay không người lái, đột kích ban đêm của Lực lượng Đặc nhiệm, bỏ qua hệ thống chỉ huy và lọc ra những người có thể sẽ nói không,” ông viết.
Bàn tán về bài viết của Hersh nhanh chóng lan ra, là chủ đề thống trị nhiều cuộc bàn luận chính trị trên mạng xã hội và thường xuyên xuất hiện trên trang mạng của London Review of Books do lượng người truy cập khổng lồ.
Hersh nói ông ý thức được về hậu quả từ bài viết của ông
Nhưng cũng không lâu sau đó, một số đồng nghiệp báo chí của Hersh bắt đầu đặt ra nghi vấn về câu chuyện này, đặc biệt là Max Fischer của Vox và Peter Bergen của CNN. Những chỉ trích được đưa ra chủ yêu xoay quanh các vấn đề:
Nguồn không đáng tin cậy. Phần lớn bài viết của Hersh dựa trên tuyên bố của các quan chức tình báo giấu tên ở Hoa Kỳ và Pakistan, mà không một người nào trong đó trực tiếp tham gia vào chiến dịch. Nguồn tin duy nhất có nêu tên là Asad Durrani, từng phục vụ trong lực lượng tình báo Pakistan từ khoảng hơn hai thập niên trước và cũng chỉ nói rằng “đồng nghiệp cũ” của ông đồng ý với những tuyên bố của Hersh.
Bergen của CNN sau đó liên hệ với Durrani và ông này chỉ trả lời rằng nguồn của Hersh “có thể có lý”.
Tuyên bố mâu thuẫn. Hersh bỏ qua thực tế rằng hai trong số thủy quân tham gia vụ tấn công căn cứ của Bin Laden đã kể lại chi tiết vụ đột kích, trái ngược hẳn với thông tin của ông.
Bergen, người tới khu căn cứ sau vụ bố ráp viết, có chứng cứ cho thấy rõ đã xảy ra đọ súng kéo dài do nơi này “đầy mảnh kính vỡ và ở một số khu vực chi chít lỗ đạn”.
Nhiều kết luận thiếu thực tế. Vì sao người Saudi lại muốn giúp đỡ người từng muốn lật đổ chế độ quân chủ Saudi?
Vì sao, nếu sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với Pakistan là một phần của thỏa thuận, quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan lại lung lay trong những năm sau khi xảy ra vụ bố ráp? Nếu Hoa Kỳ và Pakistan từng hợp tác với nhau, liệu một cuộc đột kích có tổ chức là cách đơn giản duy nhất để đảm bảo Bin Laden sẽ bị giết chết?
Do đây thường chỉ là các thuyết âm mưu, có lẽ chỉ trích sắc nhọn nhất chĩa vào bài viết của ông Hersh là câu chuyện của ông dựa vào lượng lớn các nhân vật hoạt động rất hiệu quả trong lúc vẫn giữ được bí mật chung.
Chiếc trực thăng của Hoa Kỳ rơi gần căn cứ của Bin Laden
Fischer của Vox cáo buộc Hersh – người từng giành giải Pulitzer năm 1970 do lật tẩy vụ thảm sát dân thường người Việt ở Mỹ Lai do lính Mỹ thực hiện – nhờ phơi bày hàng loạt bí mật chỉ dựa trên những chứng cứ mong manh.
Chẳng hạn trong ba năm qua, ông đã viết nhiều bài cáo buộc chính quyền George W Bush huấn luyện dân quân Iran ở Nevada và rằng Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
“Có thể thực sự tồn tại một bóng đen lớn che giấu các âm mưu thâm hiểm, được thực hiện hoàn hảo bởi những bộ óc thiên tài của chính quyền và mạng lưới quốc tế,” Fishcher viết. “Và có thể Hersh và vài cựu quan chức cấp cao giấu tên nào đó là những người duy nhất thực sự thoáng thấy được thế giới này và những bí mật đáng sợ của nó. Hay là vẫn còn có cách giải thích đơn giản hơn.”
Trong khi đó, các nhà bình luận bảo thủ ở Hoa Kỳ, người từ bấy lâu nay vẫn bàn đi bàn lại cáo buộc của Hersh về hành động của Hoa Kỳ trong thời chính quyền Bush, tán dương những ý kiến chỉ trích – trong khi nhấn mạnh những gì họ coi có thể là động cơ thúc đẩy chính.
Obama và các quan chức cấp cao Hoa Kỳ theo dõi vụ đột kích căn cứ của Bin Laden
“Khi Seymour Hersh đưa ra những ý kiến điên cuồng chống lại Obama, bỗng nhiên ông ta trở thành một gã kỳ dị, không phải một chính khách cấp cao nữa,” John Nolte của Breitbart viết. “Với Bush, ông ta chính là ông Vua của truyền thông.”
Trong một phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Hai, Hersh tìm cách phản pháo, nói rằng chính câu chuyện về chiến dịch của Hoa Kỳ là không thể tin được.
“24 hay 25 người đi tới giữa Pakistan, giết chết một tên mà không có không kích hỗ trợ, không bảo vệ, không an ninh, mà không gặp phải vấn đề gì – anh đùa tôi đấy à?” ông nói.
“Nghe này, tôi xin lỗi là điều này đi trái với những gì bạn được nghe,” ông nói thêm. “Tôi đã làm điều này suốt cả đời rồi và tất cả những gì tôi có thể nói là tôi hiểu được hậu quả của nó.”
Twitter vẫn là nơi mà mọi việc được thuật lại một cách nhanh chóng, và cách nói “Whoa if true” ('Ôi nếu mà có thật' - phổ biến trong giới dùng mạng Twitter tiếng Anh) để chỉ cáo buộc nghe có thể rất nghiêm trọng nhưng còn nghi vấn.
Cho tới nay, có vẻ như phản ứng về bài viết của Hersh đã gây ra rất nhiều “whoa” – nhưng cũng cần chú ý tới vế sau không kém, “if true” – nếu đó là sự thật.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/05/150512_seymour_hersh_us_lies_on_bin_laden



No comments:

Post a Comment