NƯỚC
ĐÃ MẤT HAY CHƯA?
Rủ nhau phá sạch gông cùm
Tự do đốt
lửa dâng ngùn
ngụt cao
(Thơ
Hà Thượng Nhân)
Sau 30/4/1975, tôi gặp
một người bạn, tên T., cựu giáo sư Triết bị động viên cùng khóa Thủ Đức, và hỏi
có nên đi trình diện cải tạo không. Anh ta hồ hởi ra mặt:
- Nên lắm chứ! Không sao đâu. Họ là Cộng sản nhưng là Việt Nam.
Hai năm sau, tình cờ gặp lại nhau trên một con đường rừng tại Hoàng Liên Sơn,
vai đứa nào cũng oằn xuống vì bó nứa to tổ bố. T. lắc đầu, miệng cười méo xệch,
rồi bỏ nhỏ vào tai tôi:
- Tao xin cải chính một
điều.
- ?
- ĐM, chúng nó là Việt
Nam nhưng là Cộng sản.
Đây
là một chuyện vui đọc được trên mạng mà không thấy ghi tác giả. Chuyện có thể
thật mà cũng có thể không thật. Tuy nhiên nếu nhìn lại những gì xảy ra ở miền
Nam VN 40 năm qua - nhứt là từ năm 1975 tới 1985 - thì người đọc thấy khó mà
nghĩ đó là chuyện đùa hay chuyện bịa. Câu chuyện cho thấy cái mất mát đầu tiên
của người Việt miền Nam: mất niềm tin vào chính đồng bào mình. Nỗi mất mát đó
thể hiện dưới nhiều hình thức. Tất cả đều đã được nói tới quá nhiều lần cho nên
nếu cần nhắc lại ở đây thì có lẽ chỉ nên sơ lược.
Mất
thân tình với ngay chính những người trong gia đình mình: Cuộc phân ly sau hiệp
định Genève 1954 đưa nhiều gia đình đến chỗ bị chia cắt gần 21 năm cho nên ngay
sau khi phe CS chiếm được miền Nam, rất nhiều người ngoài Bắc đã kéo vào thăm
thân nhân. Họ mang theo vài lạng gạo, đôi ba chiếc áo cũ và - thậm chí vài cái
bát sành sứt mẻ - để làm quà cho thân nhân mà họ tin là đã bị chế độ Mỹ Ngụy bóc
lột đến tận xương tủy đến nỗi đói khổ vì chẳng những không có cái ăn mà khi mày
mò kiếm được thức ăn thì đã phải ăn bằng mủng dừa - vỏ của nửa quả dừa khô mà
dân quê thường dùng làm gáo múc nước - vì chẳng có được một cái bát ăn lành lặn.
Những gì bắt gặp trong nhà người thân của họ ở miền Nam đã được mô tả bằng những hình ảnh mà mức độ khôi hài dường
như vượt quá những hài kịch Tàu Nga mà họ đã có lần được xem. Và rồi thay vì
trao cho thân nhân những món quà của họ, họ đã thèm thuồng xin xỏ, kỳ kéo và dĩ nhiên đều đã khuân về tất
cả những gì họ có thể khuân. Trước là từ những người trong gia đình (Nam nhận Họ,
Bắc nhận Hàng) và tiếp đó là từ những người chẳng hề có một chút máu mủ với họ (mượn
oai kẻ thắng để chiếm đoạt). Cuối cùng thì họ khuân về Bắc tất cả những gì họ
có thể đặt tay lên, hay để mắt tới. "Khuân về" trở thành một mục đích
thiết thực hơn bao giờ hết sau mấy mươi năm nỗ lực giải phóng miền Nam. Mục
đích đó tiến lên hàng một chính sách gọi là "4 Vê"- nghĩa là
"Vào, Vơ, Vét' Về" . Và hậu quả không thể tránh được là nó đã làm dân
Nam mất hết, chẳng những thân tình trong gia đình, mà cả niềm tin vào những người
đã sống quá lâu với CS và đã bị đầu độc đến độ vô phương cứu chữa. Đó là nỗi mất
mát sơ khởi, nhưng in hằn, của dân miền Nam đối với người miền Bắc.
Như
câu chuyện đầu bài cho thấy, nhiều người vẫn tin - và vì thế mà đã có người
không bỏ chạy dù có cơ hội - rằng thanh bình trở lại thì chế độ mới, vốn cũng
là đồng bào đồng chủng, không thể đối xử tàn tệ với người dân mà vốn dĩ chỉ
mong yên ổn làm ăn, hoặc giả có bị buộc phải nhập ngũ đối đầu với Bắc quân thì
cũng chỉ vì hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ bất khả kháng. Nhưng những gì mà "bên
thắng cuộc" đã làm sau ngày 30/4/1975 thì đều vượt ra ngoài mọi tưởng tượng
của dân miền Nam. Hậu quả là ngưởi thuộc "bên thua cuộc" đã bị gạt đến
chẳng còn đồng xu dính túi sau 3 lần đổi tiền, đã bị tước đoạt tất cả những quyền
tự do căn bản nhất của con người, đã bị bịp để rốt cuộc cả triệu quân nhân, cán
bộ, công chức, nhà văn, nhà báo ... đã bị lưu đày ngay trên quê hương mình, chịu
đủ loại nhục nhằn, hành hạ, tra tấn, giết chóc (ước tính có đến từ 50 ngàn đến
65 ngàn người đã chết, hoặc bị giết trong những trại tù gọi là "cải tạo"),
đã bị cấm giữ ngay cả những tác phẩm văn học qua việc tịch thu mọi ấn loát phẩm
của miền Nam rồi mang đốt chẳng khác chiến dịch "phần thư khanh nho"
mà Thừa Tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng đã cho thi hành sau khi thống nhất nước
Tàu. Những bịp bợm, lường gạt, dối trá, tàn ác của giới lãnh đạo CS đã làm dân
miền Nam chịu thêm một mất mát lên đến hàng một thảm nạn đối với nhiều người:
đó là mất hết niềm tin vào chế độ mới.
Ngày
30 tháng tư 40 năm trước, xem như thế, chỉ là ngày khởi đầu cho một thời kỳ có
thể nói là bi đát nhất trong dòng sống của bao nhiêu triệu triệu người Nam. Không
kể đến con số chưa đầy 150 ngàn người, nhờ ý thức thế nào là CS, nên đã vượt
thoát bằng mọi giá ra khỏi quê hương mình ngay trong thời gian đầu thì tổng cộng
con số người bỏ nước ra đi trong 10 năm sau đó có thể đã lên tới cả triệu người
theo ước tính. Con số ước tính nầy dĩ nhiên đã không kể đến những người bỏ mạng
trên biển cả và những phụ nữ chẳng may bị cướp biển cưỡng hiếp rồi bắt theo để
mang bán vào các động mại dâm, mà tổng cộng có thể là gấp đôi số những người đến
nơi bình yên. Nhiều tác phẩm đã được ấn hành, kể lại những cuộc hành trình mà
trong đó cái giá phải trả của những người tị nạn mệnh danh là "thuyền
nhân" hoặc "bộ nhân" lên cao đến mức nào. Xương máu họ đã phải đổ
thêm một lần nữa và lần nầy thì xem chừng đã cao, nếu không hơn thì cũng không
kém cái giá máu xương đã phải trả trong 15 năm chiến tranh. Thê thảm và mai mỉa
nhất là cả triệu người Nam đó đã mất mạng khi tiếng bom đạn đã bặt trên quê
hương mình. Con số người chết trên đường vượt thoát như thế coi như tương đương
với số người chết trong nạn đói kinh hoàng hồi năm Ất Dậu khi Việt Nam bị quân
Nhật chiếm đóng.
Có
phải những người Nam liều mạng ra đi đó không ý thức được những hiểm nguy chờ
đón họ trên biển hay trên những đường rừng băng ngang Campuchia? - Có, họ thừa
biết. Có phải những người Nam liều mạng bỏ nước ra đi đó nuôi ảo tưởng sẽ giành
được phần "bơ thừa sữa cặn" của Mỹ và các nước Âu Châu nếu họ đến nơi
an toàn. - Không, họ không nghĩ đến những cặn thừa đó mặc dầu cái ăn đã phải là
một động cơ buộc họ phải vượt thoát bởi vì họ đã triền miên chịu đói khi không
làm sao tìm được phương tiện mưu sinh dưới những kẹp kềm và kỳ thị mà chế độ mới
đã áp đặt đối với họ. Điều mà người Nam VN tị nạn CS thật sự nghĩ đến khi bán mạng
bỏ đi là những quyền tự do mà họ đã bị cướp mất sau ngày 30 tháng tư: tự do mưu
sinh, tự do buôn bán, tự do canh tác, tự do có tài sản riêng, tự do ăn nói, tự
do học hành, tự do tụ họp, tự do thờ phượng, tự do thừa hưởng những phương tiện
y tế công cộng, tự do phản đối khi bị bóc lột, kỳ thị và đàn áp. Tất cả những
"quyền" kể lại ở đây đều là những quyền căn bản mà mọi công dân ở mọi
nước dân chủ tự do đều phải được hưởng. Đấy cũng chính là những quyền tự do căn
bản mà dân Nam đã được hưởng cho đến lúc cộng quân vào rửa chân trong bồn nước
trước Dinh Độc Lập ở Saigon. Chính những mất mát quyền và lợi mà dân Nam nhớ là
họ đã từng đương nhiên thụ hưởng suốt 21 năm mới là những yếu tố khiến đa số
dân Nam gọi 30/4/1975 là ngày mất nước. Nước, ở đây, được hiểu là chế độ - mặc
dầu chưa hoàn hảo - đã dành cho họ những quyền sống căn bản mà nay không còn nằm
trong tay họ nữa. Người Nam thật sự đã nuối tiếc chế độ đó. Nuối tiếc những
ngày cũ, nhiều khi chỉ là những nuối tiếc vụn vặt tỉ như những buổi lang thang
cà phê cà pháo với nhau rồi mạnh miệng phê phán, mắng mỏ, chửi bới bất cứ gì họ
không thích - nạn tham nhũng chẳng hạn - hay ngay cả những nhân vật lãnh đạo bị
cho là những phần tử mục nước sâu dân, ngay cả ông Tổng Thống chẳng hạn. Cái
"nước" đối với họ, là như thế. Và cái "nước" đó, bây giờ đã
mất. Đã thực sự mất. Và sẽ tiếp tục mất, ngày nào mà Đảng CS vẫn còn nắm quyền
sinh sát ở VN.
Điều
có vẻ hơi trớ trêu là ngay trong hàng ngũ những người từng liều mình chạy nạn
CS, đã may mắn thoát ra khỏi "nước" sau" ngày mất nước", lại
có người mà bây giờ bỗng dưng phản bác, bảo rằng "gọi 30 tháng tư là ngày
mất nước là sai". Bằng giọng nói đáng cho là khinh khỉnh, họ khẳng định
"Mình có mất nước bao giờ đâu, dãy đất hình chữ S vẫn nằm ở bờ tây biển
Thái Bình và trên đó vẫn còn 90 triệu dân VN sinh sống. Lãnh thổ còn đó, dân vẫn
có đó, thì sao lại là mất nước?". Không ai chối cãi sự thật họ nêu. Nhưng
nghe vậy thì người VN tị nạn CS - bây giờ đã lên tới hơn 3 triệu người sinh sống
ngoài nước chớ chẳng ít - có lẽ sẽ không dằn được một nụ cười khảy. Bởi vì sự
thật theo lập luận của những học giả đó, tuy hiển nhiên nhưng chẳng thể thuyết
phục. Người Uyghurs đã không bị thuyết phục khi có người bảo họ rằng nước họ,
mà nay được gọi là tỉnh Tân Cương, chưa hề mất, bởi nó vẫn còn nguyên đó và dân
Uyghurs vẫn còn sống ở đó. Người Tây Tạng, người Mãn Châu, người Mông Cổ cũng
không ai bị thuyết phục kiểu đó. Suy cho cùng thì sự thật tuy đương nhiên, tuy
không ai cãi chối được mà đã có người cựu tị nạn CS đưa ra, chẳng những không
có tính thuyết phục mà còn buồn cười nữa. Đối với họ thì chắc phải đợi đến khi
các tầng thạch địa cài lên nhau, ủi sập và nghiền nát cả dãy đất hình chữ S xuống
đáy đại dương trước khi tuyệt diệt cả khối dân Việt sống trên đó thì ngày ấy mới
nên được chính danh gọi là "ngày mất nước"?. Người Pháp có một cụm từ
rất hay để mô tả loại sự thật nầy. Họ gọi đó là "Vérité de La Palice"
và họ vẫn tức cười vì cái sự thật đó đến cả 600 năm nay.
Nguyễn Thiên Ân (28/4/2015)
No comments:
Post a Comment