Bi hài "thương hiệu" Bún Bò Huế
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-08-10
2016-08-10
Một bát bún bò thơm phưng phức, có
một chút sa tế ớt, sa tế sả hành nổi bên trên, màu nâu sậm rất Huế, vài cọng
hành tươi chần qua nước lèo, một ít bún sợi to bên dưới, một cục giò heo hay
một ít xương bò cộng với một ít chả viên, vài lát bò nạm hay gân bò… Nóng hổi
và thơm phưng phức là tô bún bò Huế nằm bên cạnh dĩa rau sống với rau thơm Huế,
hành ngò, cải mầm, lá tía tô, bắp chuối xắt… có vẻ đầy hấp dẫn với giá dao động
từ hai mươi ngàn đồng đến ba mươi ngàn đồng tùy vào yêu cầu của khách. Và bát
bún bò Huế trở nên ý vị hơn nhiều khi bắt gặp một gánh bún bò Huế giữa đất Sài
Gòn với tấm bảng nhỏ, khiêm tốn, một người không quá già nhưng cũng không còn
trẻ ngồi bên nồi nước nhưn, liên tục chan bún cho khách… Mọi thứ trở nên có ý
nghĩa hơn trong mắt người xa nhà. Thế nhưng đây là câu chuyện bi hài sau khi
chính quyền Thừa Thiên Huế nhúng tay vào bát bún bò!
Cái bi cúa bát bún bò Huế
Nhà thơ Vũ Trong Quang đã viết những
câu thơ trên facebook phản ánh chuyện chính quyền Huế đăng ký thương hiệu Bún
Bò Huế: Bún bò nước Huế âu lo/ Bún bò nước Việt về mô bây giờ/ O tôi nặng gánh
bún bò/ Mần răng xin phép con bò được đây! Có thể nói rằng câu chuyện chính
quyền Huế nhúng tay vào bát bún bò đã dấy lên nhiều nguồn dư luận khác nhau.
Nhưng chung qui thì có vẻ như không có mấy người đồng tình với chuyện này.
Nhưng không lẽ nào bắt người ta đi đăng ký? Rồi một quán bán
nhiều món của nhiều nơi lẽ nào đi khắp các tỉnh để xin phép à? Em thấy nó vô lý
làm sao í!.
- Một chủ quán bún bò Huế ở Hà Nội
- Một chủ quán bún bò Huế ở Hà Nội
Một chủ quán bún bò ở Hà Nội, tên
Linh, chia sẻ: “Em thấy thế cũng vô lý, bởi vì có rất nhiều quán cũng nhỏ mà
thôi, người ta cũng bán bún bò Huế, buôn bán cũng nhỏ thôi. Nhưng không lẽ nào
bắt người ta đi đăng ký? Rồi một quán bán nhiều món của nhiều nơi lẽ nào đi
khắp các tỉnh để xin phép à? Em thấy nó vô lý làm sao í!”.
Chị Linh đặt ra câu hỏi rằng hiện
tại, có rất nhiều thức quà mà các hàng quán tại Việt Nam đang bán đều mang đặc
trưng, hồn vía của vùng miền như: bê thui Cầu Mống, mì Quảng, mì Phú Chiêm, cao
lầu Hội An, phở Hà Nội, phở Bắc Hải, phở Bắc, phở Cồ Bá, bún chả cá Lã Vọng,
bánh đa cua Hải Phòng, thắng cố Lào Cai, cơm lam Tây Bắc, bún chả cá Qui nHơn,
bánh hỏi cháo lòng Bình Định, cháo don Quảng Ngãi, ram don Quảng Ngãi, lẩu mắm
miền Tây, hủ tiếu Nam Vang, bún chả cá Đà Nẵng, bánh tráng cuốn thịt heo Trảng
Bàng… Nói chung là có vô vàn các món ăn luôn đi kèm với địa danh sản sinh ra
nó. Giả sử một cửa hàng bán chừng vài thức quà như vậy, lẽ nào phải chạy đến
các tỉnh để xin giấy phép, xin công thức? Và liệu công thức chuẩn do nhà nước
đa có phù hợp với khẩu vị của khách từng vùng, từng miền?
Chị Linh cũng đặt thêm câu hỏi là
liệu khi nhà cầm quyền Huế nói rằng sẽ đưa ra công thức để đúng khẩu vị của bún
bò Huế thì họ có nghiên cứu gì về ẩm thực chưa? Bởi theo chị, nấu ăn là một sự
sáng tạo đầy tính giao thoa văn hóa. Ví dụ như bún bò Huế vào miền Nam thì phải
ít cay hơn tại Huế và tăng độ ngọt, giảm hương liệu, ngược lại nếu ra Bắc thì
phải giữ độ ngọt vừa, tăng hương liệu và trong nước phải có một ít củ su, củ
đậu… Theo chị, đưa ra một công thức và yêu cầu món đó thì phải đúng hương vị đó
là một sự bóp chết sáng tạo của người nấu ăn, quay trở lại thời mà mọi thứ đều
dựa trên công thức và định nghĩa cứng nhắc.
Một chủ quán bún bò ở thành phố Đà
Nẵng, tên Trung, tỏ ra bức xúc: “Nó vô lý, mỗi người có một công thức nấu
theo gu ẩm thực vùng miền. Không phải cứ nói bún bò Huế là nấu chung một công
thức, ngay ở Huế khác, ở Sài Gòn khác, Đà Nẵng cũng khác. Nói chung là đây chỉ
là một cái tên ẩm thực vùng miền, không thể nhét cho nó một công thức rồi bắt
người ta đi xin phép. Cách tư duy như vậy là tư duy bún bò chứ không có phải
Huế khỉ gì hết!”.
Ông Trung cho rằng với đà này, hàng
loạt tỉnh đứng ra đăng ký thương hiệu ẩm thực và đưa ra những yêu cầu về bảng
hiệu, giấy phép, nguyên liệu khi nấu… thì sẽ dẫn đến tình trạng người bán sẽ
tìm cách đổi tên quán, đổi tên món để tồn tại hoặc chạy nháo nhào đi xin giấy
phép. Và cả hai trường hợp như vậy hoàn toàn không tốt. Bởi khi tên món phải bị
đổi trớ đi để tránh tình trạng chạy xin giấy phép sẽ dần làm cho tên gốc của
món bị lệch lạc, thậm chí bị xóa hẳn. Trường hợp người ta nháo nhào chạy đi xin
giấy phép sẽ dẫn đến tình trạng cửa quyền chỉ vì cái tên một món ăn và giảm đi
tính sáng tạo của người nấu, món ăn không còn phong phú.
Ông Trung đặc biệt nhấn mạnh đến
những gánh bún bò Huế của những người mẹ Huế đang tha phương cầu thực bằng gánh
bún mỗi sáng. Ông cho rằng những gánh bún này rất đặc biệt bởi không nơi nào
giống nơi nào. Cũng là bún bò Huế nhưng mệ Hoa sẽ nấu khác với mệ Lan và mệ Lan
không bao giờ nấu giống với mệ Phụng… Các mệ Hoa, Lan, Phụng bây giờ kiếm sống
khắp Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, thậm chí tận bên trời Tây. Nếu phải
đăng ký thì các mệ tính làm sao đây?
Cái hài của bát bún bò Huế
Một chủ quán bún bò Huế tại Sài Gòn,
tên Hiệu, chia sẻ: “Cái đó là nó bị điên rồ thì trong này thành phố này ai
đi đăng ký bao giờ?! Quán bún bò Huế cũng giống như phở, canh bún, hủ tiếu mì…
Nó không thể là của riêng ai. Đó là danh từ chung không thể bắt người ta đăng
ký được. Không lẽ anh nói giọng Huế mà anh ra Hà Nội rồi người ta bắt anh phải
đăng ký mới được nói à? Tôi thì nhất định không đăng ký rồi, có cho công an bắt
tôi cũng không đăng ký, vì nó vô lý và khôi hài!”.
Ông Hiệu cho rằng cách làm của chính
quyền Thừa Thiên Huế không hợp lý, thậm chí có chút gì đó khôi hài, tế nhị khó
nói.
Không lẽ anh nói giọng Huế mà anh ra Hà Nội rồi người ta bắt
anh phải đăng ký mới được nói à? Tôi thì nhất định không đăng ký rồi, có cho
công an bắt tôi cũng không đăng ký, vì nó vô lý và khôi hài!
- Một chủ quán bún bò Huế tại Sài Gòn
- Một chủ quán bún bò Huế tại Sài Gòn
Chúng tôi liên lạc với Phó Chủ tịch
ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ để tìm hiểu về vấn đăng
ký thương hiệu. Bởi theo thông tin các báo thì ông Thọ là người ký quyết định
để đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế nhưng không gặp được ông.
Liên lạc với ông Phan Tiến Dũng,
giám đốc sở văn hóa thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế, bởi thương hiệu này
được giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế quản lý. Ông này nói rằng: “Tui
đang họp, cái này bên sở Công thương họ đăng ký nhãn hiệu này và họ tham mưu
mà! Ờ… Tui đang họp, anh chịu khó hỏi bên sở Công thương, vì họ chịu trách
nhiệm mà!”.
Nhưng khi chúng tôi liên lạc với phó
giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Duy Thành thì ông này nói
rằng liên lạc với ông Dũng, bởi hiện ông đã chuyển sang quản lý thị trường.
Cuối cùng, bi hài của bát bún bò Huế
có vẻ như đã đến cao trào khi các giới chức tỉnh này không ai chịu nhận trách
nhiệm về việc đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế. Bát bún bò Huế vô tình trở thành
đứa con chưa kịp sinh mà cha nó đã bỏ trốn giữa đất thần kinh Nam Ai Nam Bình
đậm đà da diết!
No comments:
Post a Comment