Monday, October 29, 2018

Cơn tim đập mạnh, choáng váng, hoa mắt, đi xiêu xiêu - Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Cơn tim đập mạnh, choáng váng, hoa mắt, đi xiêu xiêu
25/09/2018
·         Bác sĩ Hồ Văn Hiền
 “Kính chào Bác sĩ,
Tôi tên là Trực, năm nay 72 tuổi, hiện ở Mỹ.
Nói chung sức khỏe tốt. Trong lần khám bệnh hàng năm tháng 8/2018 vừa qua, tất cả đều tốt. Chỉ có thiếu Vitamin D (số đo là 19,9). Và Cholesterol hơi cao: 206, trong đó, Cholesterol xấu là 130; cholesterol tốt là 59. Áp huyết bác sĩ gia đình đo lần mới đây nhất (ngày 10/9/18) là 122/72. Đi thử xương (bone density), xương hơi loãng. Bác sĩ cho tôi uống Vitamin D, loại 50,000 Unit, mỗi tuần uống 1 viên. Tôi mới uống được 1 lần. Bác sĩ cũng cho tôi uống thuốc cao mỡ, nhưng tôi chưa uống.

Tuy nhiên, vài năm trước đây, tôi thỉnh thoảng gặp phải trường hợp này: đang ngồi hay đi loanh quanh ngoài vườn, chẳng làm việc gì nặng, thì đột nhiên, cảm thấy trong người hơi khác, tim đột nhiên đập mạnh, đầu hơi choáng váng, hoa mắt, bước đi hơi xiêu xiêu. Mỗi lần như thế, tôi cố nói thật lớn với bất cứ ai ngồi gần đó hay nếu không, tự nói lớn một mình. Khoảng 1 phút sau thì cảm thấy bình thường trở lại. Hơn một năm trước, tôi gặp trường hợp này, nhưng tôi không quan tâm lắm, vì sau đó, không có vấn đề gì về sức khỏe.
Nhưng mới đây, trong tháng 9 này, chuyện đó xảy ra 2 lần, cách nhau 2 tuần.
Xin Bác sĩ cho biết, đó là triệu chứng của bệnh gì? Và cần phải làm gì?
Cũng xin thưa rõ, tôi tập thể dục đều đặn hàng ngày (từ 20 đến 30 phút), ăn uống điều độ, đã bỏ hút thuốc 30 năm rồi. Nhưng thích uống rượu, mỗi ngày một ly nhỏ rượu đỏ (red wine).

Xin cám ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Trước hết tôi xin nói rõ là tôi không có tham vọng định bịnh cho quý vị đặt câu hỏi. Chỉ xin đưa ra một số nhận xét có tính cách thông tin mà thôi:
1) Áp huyết thấp (hypotension), thường được định nghĩa như là áp suất kỳ thu tâm = hoặc < 90mm thuỷ ngân (systolic pressure = or <90 mmHg), áp suất trương tâm= hoặc < 60 mmHg (diastolic pressure = or <60 mm Hg). tuy nhiên cũng tùy theo bịnh nhân, tuổi bịnh nhân, áp huyết thông thường của người đó. Có nhiều nguyên nhân, giản dị như bịnh nhân thiếu nước, bị xúc động, ngâm nước nóng quá lâu (mạch máu giãn nở), có thai, ít vận động. Phức tạp hơn ví dụ bịnh nhân thiếu máu (anemia, bần huyết, lượng hồng cầu quá thấp), chảy máu đâu đó (ví dụ rong kinh, chảy máu bao tử, ruột), hay suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism), nang thượng thận (adrenal glands, bịnh Addison: đi đôi với da sẫm màu [hyperpigmentation], các vùng niêm mạc như miệng cũng đen hơn bình thường), nhiễm trùng máu, phản ứng thuốc, dị ứng, phản vệ (anaphylaxis=huyết áp hạ nhanh, shock kèm theo khó thở, nổi mẩn ngoài da). Cũng nên nêu rõ áp huyết thấp (hypotension) và thiếu máu (anemia) là hai bịnh khác nhau, mặc dù thiếu máu có thể gây ra áp huyết thấp, chóng mặt, xỉu.
Nói chung chúng ta không muốn áp huyết cao, và áp suất thấp là mục đích của chữa trị bịnh cao áp huyết. Tuy nhiên, nếu áp huyết thấp kèm theo các chứng như chóng mặt, muốn xỉu, mờ mắt, ói, tay chân lạnh, xanh xao, thở khó hay yếu, chán nản, trầm cảm (depression), nên đi khám bác sĩ.
2) Bịnh nhân ăn uống thất thường, người già ăn không ngon miệng, không muốn ăn, có thể làm đường trong máu xuống thấp (hypoglycemia). Ăn những món rất ngọt (như bánh ngọt, chè, cháo, cà phê pha sữa đặc có đường) đi nhanh vào ruột non đường được hấp thụ,có thể làm đường máu tăng nhanh, cơ thể sản xuất insulin để kéo mức đường thấp xuống, do phản ứng quá độ, mức đường có thể tụt xuống quá nhanh một thời gian. Một đến 3 giờ sau khi ăn uống, làm chóng mặt, lạnh tay chân, tim đập nhanh, muốn xỉu ("late dumping syndrome"/hội chứng "trút" đường vào máu trễ). Phân biệt với "dumping syndrome' thường, với triệu chứng tương tự, với tiêu chảy,đau bụng nhưng xảy ra 10-30 phút sau khi ăn uống, hay nhanh hơn, ở người từng bị phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hay thu hẹp dạ dày để sụt cân.
3) TIA (Transient Ischemic Attack), tạm giải nghĩa giản dị là những cơn óc thiếu máu một cách thoáng qua, nghĩa là triệu chứng thần kinh nhẹ thôi, và đảo ngược nhanh chóng [<24 h]; còn gọi là mini-strokes. Triệu chứng có thể là: mờ mắt, nhức đầu, chóng mặt, ù tai, trầm cảm. Bác sĩ có thể dùng các phương tiện hình ảnh để khảo sát bộ óc và các mạch máu liên hệ (angiography): MRI, MRA (magnetic resonance arteriography), CT, siêu âm (sonography).
Thường mạch máu bị nghẽn là động mạch carotid ở cổ đem máu vào óc, phụ trách phần trước của não bộ. Một số trường hợp máu vào bộ óc phía sau không đủ do động mạch từ xương sống (vertebral arteries) vào đáy não bị nghẽn (vertebrobasilar insufficiency). Vùng sau của não bộ quan trọng cho ý thức về thăng bằng cho nên triệu chứng quan trọng nhất là chóng mặt, cảm giác xoay quanh. Lúc bịnh nhân quay đầu, vì động mạch xương sống có thể bị nghẽn ở vị trí này, máu lên đầu không đủ, làm cho bịnh nhân chóng mặt, nhìn một vật thành hai, yếu các cơ 4 đầu ở đùi, khuỵu xuống và có thể té. Các triệu chứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (nôi trong 24 giờ).
Bác sĩ có thể dùng aspirin để làm tiểu cầu (platelets) bớt co cụm, dính lại và giải phẫu bóc các plaque xơ vữa trong động mạch carotid bị nghẽn 70-99% (CEA), (carotid endarterectomy). Nếu không chữa được bằng thuốc, người ta chữa những trường hợp này bằng cách nối một động mạch lành mạnh ngoài da đầu vào óc để nuôi phần óc bị thiếu máu ( micro revascularization procedures).
Những biện pháp giảm thiểu các yếu tố cơ nguy như giảm huyết áp nếu quá cao, dùng thuốc statin giảm cholesterol trong máu, giảm cơ năng làm đông máu của tiểu cầu bằng aspirin, thay đổi nếp sống cho lành mạnh hơn (lifestyle modification) như vận động nhiều hơn, tránh ngồi một chỗ, bỏ thuốc lá.
Những người bị thiếu máu não bộ do các động mạch ở cổ bị xơ vữa (atherosclerosis) cần cẩn thận lúc đi làm tóc ngưỡng cỗ gội đầu (Beauty Parlour Syndrome; BPS), lúc ngắm nhìn một vật gì trên cao ( Golden Gate Bridge Syndrome) , tập yoga; ngưỡng cổ ra nhiều quá có thể làm trở ngại cho máu lưu thông trong các mạch cổ nếu chúng đã từng bị hư hại sẵn.
4) Bịnh chóng mặt (vertigo, dizziness) có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân có thể do một rối loạn của bộ phận tai trong (inner ear), phụ trách về các cảm nhận về vị trí đầu và cơ thể, thay đổi về gia tốc (acceleration), hay về trọng lượng, sức hút của quả đất (gravity, lực hấp dẫn). Nguyên nhân cũng có thể do rối loạn ở não bộ, là nơi tiếp nhận và xử lý cuối cùng của các tín hiệu từ tai trong vào. (ví dụ, chóng mặt là một trong những triệu chứng đầu tiên của bịnh Parkinson). Phân biệt các nguyên nhân khác nhau rất khó, bác sĩ tai mũi họng và bác sĩ thần kinh (neurologist) cần thu thập nhiều dữ kiện và nhiều khi không kết luận được dứt khoát.
5) Bịnh chóng mặt từng cơn kéo dài hàng tuần có thể là một triệu chứng của bịnh đau đầu migraine (mà chúng ta gọi là bịnh nhức đầu một bên, nhưng không phải luôn luôn như vậy) Migraine có thể biểu hiện nhiều cách khác nhau, có lúc khó phân biệt với tai biến mạch máu não (stroke). Migraine có thể được báo trước bằng những âm thanh , mùi vị và ánh sáng (như sáng chớp), hay có khi bằng những ảo giác gọi là aura (theo nghĩa thường ngoài y khoa, “aura” có nghĩa là hào quang).
6) Chứng chóng mặt cũng có thể do một rối loạn ở tai trong gọi là bịnh Ménière (Meniere’s disease), gồm những triệu chứng sau đây:
a) Chóng mặt xoay vòng vòng (rotational vertigo), thường trong vài phút hay vài giờ, nhưng có thể kéo dài vài ngày, vài tuần.
b) Giảm thính giác lúc nhiều lúc ít (fluctuating hearing loss), âm thanh bị biến dạng, hay nhạy cảm quá mức với tiếng động (hypersensitivity to noises)
c) Nghe những âm thanh bất bình thường trong tai (tinnitus)
d) Cảm giác nặng, áp suất trong tai (một hay 2 bên) (sensation of fullness or pressure).
7) Những triệu chứng như chóng mặt , nhức đầu, tay chân co rút, ù tai, mệt mỏi (“co giật các cơ tay, chân, mắt ... tôi cũng bị đau vai gáy” ) có thể dính líu tới bịnh trầm cảm (depression).
8) Bịnh nhân có bịnh tim hay triệu chứng tim trong quá khứ hay không, hay trong gia đình?
Các triệu chứng có thể do một rối loạn nào đó của nhịp tim(arrhythmia). Có thể bs đã đo tâm điện đồ (ECG). Nếu ECG bình thường, vẫn còn khả năng tim gây ra các triệu chứng.
Có thể bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu với bs chuyên về tim mạch (cardiologist) và bịnh nhân được đo tim trong lúc đang exercise, ví dụ chạy trên treadmill, xem lúc mức dùng sức lực nhiều, nhu cầu máu vào nuôi tim có được đáp ứng đầy đủ không, có rối loạn trong ECG hay không (stress test). BS chuyên tim mạch cũng có thể cho bịnh nhân mang một máy theo dõi ECG trong thời gian vài ngày hay cả tháng; máy thu lại các dữ kiện về tim lúc người bịnh đang ở những tư thế, hoạt động khác nhau (ngủ, làm việc, tập thể dục, ăn..); nếu có hiện tượng bất thường bs có thể liên hệ với hoạt động nào, thời điểm nào (Holter monitoring).

Nói tóm lại, cần một bác sĩ riêng để nghiên cứu hồ sơ tường tận. Nếu cần nhờ các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh , bác sĩ tai mũi họng, và bác sĩ chuyên về tim mạch, bác sĩ thần kinh (neurologist). Nói chung, chữa huyết áp cao (nếu có), hạ mức cholesterol và mỡ trong máu. Nếu bác sĩ thấy có ích dùng aspirin để giảm khả năng máu đóng cục. Vận động cơ thể, bỏ thuốc lá, bỏ hay giảm rượu, sinh hoạt nhiều hơn với gia đình, cọng đồng có thể đem lại tình trạng sức khỏe tốt hơn.
Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền 


No comments:

Post a Comment