Trump đúng khi muốn chấm dứt
quyền công dân dựa trên nơi sinh?
Tân Bình
“Quyền công dân dựa trên nơi sinh”, “những đứa bé mỏ neo”
(*) đang trở thành chủ đề nóng trên báo chí Mỹ và các cuộc tranh luận
trước bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Mới đây, luật sư, nhà bình luận chính trị theo quan điểm bảo thủ
Ann Coulter đã có bài bình luận trên trang tin Breitbart lý giải rõ ràng về chủ
đề này và qua đó ủng hộ Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh không công
nhận quyền công dân mặc định cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ trong các gia
đình nhập cư bất hợp pháp.
Bà Ann Coulter nói rằng Tổng thống Trump có thể dùng lệnh hành
pháp để chấm dứt quyền công dân của “những đứa bé mỏ neo” với lý do đơn giản
rằng Tối cao Pháp viện hoặc Quốc hội Mỹ chưa bao giờ trao quyền như vậy. Đó chỉ
là điều mà mọi người tin là đúng.
Theo bà Ann Coulter, thật vô lý khi mọi người có thể tưởng tượng
được rằng việc cấp quốc tịch cho trẻ em của những người nhập cư bất hợp pháp
thực sự được quy định trong Hiếp pháp Mỹ. Điều này cũng giống như cáo buộc ai
đó cướp của một người vô gia cư.
Tối cao Pháp viện đã nhiều lần tuyên bố rằng “đối tượng chính”
của điều khoản quốc tịch trong Tu chính án 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ “là để giải
quyết vấn đề… đối với quyền công dân của những người nô lệ được tự do”, biến họ
trở thành “công dân của nước Mỹ và của tiểu bang mà họ cư trú”.
Đảng Dân chủ, truyền
thông cánh tả và cả Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan dường như đã quên cuộc Nội chiến
Mỹ. Họ cho rằng, ngay lập tức sau cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ đó, người
Mỹ đã cùng đứng lên và yêu cầu rằng trẻ em của những người di cư bất hợp pháp
phải được trao quyền công dân Mỹ.
Bà Ann Coulter khẳng định rằng các tu chính án được bổ
túc vào Hiến pháp Mỹ (13, 14 và 15) sau cuộc Nội chiến không phải nhằm mục
đích trao quyền công dân cho những đứa trẻ của những bà mẹ Trung cộng bay tới
và sinh con tại các bệnh viện phụ sản ở California hay những phụ nữ Mỹ Latinh
đang mang bầu vượt biên trái phép qua biên giới vào Mỹ trên những chiếc xe tải
dài. Đó chỉ là những kịch bản tự tạo. Đó không phải là sự thật. Hiến pháp Mỹ
không trao quyền công dân như vậy.
Bà Ann Coulter viện dẫn Tòa án đã giải thích đi, giải thích lại
rằng: “Không ai có thể không bị ấn tượng với một mục đích tràn ngập được tìm
thấy trong (Tu chính án 13, 14 và 15), nằm ở nền tảng của mỗi cái, và không có
cái nào trong số đó mà không được đề xuất tới việc bảo vệ quyền của những người
nô lệ được tự do, sự an toàn và sự thành lập vững chắc của sự tự do đó, và sự
bảo vệ dành cho người tự do và là công dân mới vừa thoát ra từ những áp bức của
những người trước đây đã thực thi quyền thống trị không giới hạn đối với họ”.
Đó là lý do tại sao Tu chính án 14 đề cập tới những người “nằm
dưới quyền bảo vệ pháp lý” của nước Mỹ “và của tiểu bang nơi họ cư trú”. Người
Mỹ gốc Phi đã cư trú tại Mỹ nhiều thế hệ. Lý do duy nhất họ chưa được cấp quốc
tịch Mỹ trước khi có Tu chính án 14 là vì họ là nô lệ và cuộc Nội chiến xảy ra
chỉ là để chấm dứt thực trạng đó. Tu chính án 14 ra đời là để cấp quyền
công dân cho người nô lệ da đen vừa được tự do.
Để chứng minh cho lập luận rằng Tu chính án 14 chỉ là để cấp
quyền công dân cho nô lệ tự do, bà Ann Coulter đã đưa ra dẫn chứng rằng tu
chính án này thậm chí không dùng làm căn cứ để cấp quyền công dân cho người thổ
dân da đỏ sinh ra trên đất nước Mỹ. 16 năm sau khi Tu chính án 14 được ban hành, Tối
cao Pháp viện đã ra phán quyết một người da đỏ có tên John Elk không phải là
công dân Mỹ mặc dù người này sinh ra trong biên giới nước Mỹ.
Thay vào việc căn cứ theo Tu chính án 14, Quốc hội Mỹ đã phải
thông qua một đạo luật riêng để cấp quyền công dân cho người thổ dân da đỏ và
luật này được ban hành sau khi Tu chính án 14 đã được thông qua hơn nửa thế kỷ.
Đạo luật đó có tên gọi “Đạo luật Quốc tịch Người Da đỏ năm 1924”.
Ngày nay, việc áp dụng Tu chính án 14 cũng có một số ngoại lệ
như trẻ em của các viên chức ngoại giao dù sinh ra trên đất Mỹ cũng không được
mặc định cấp quốc tịch Mỹ.
Bà Ann Coulter nhận định rằng Tổng thống Trump, khác với những
người chỉ trích ông, tôn trọng lịch sử người da đen bằng việc công nhận rằng
toàn bộ mục đích của các tu chính án bổ túc ngay sau Nội chiến là để bảo
vệ quyền của người nô lệ đã được tự do.
Nhưng cánh tả đã chán nhắc tới người da đen. Nếu họ bắt đầu dấy
lên các vấn đề về “nhân quyền”, họ chắc chắn sẽ đề cập tới người chuyển giới,
phụ nữ nạo phá thai hoặc người nhập cư bất hợp pháp. Những người cánh tả cấp
tiến này có thể đã quên mất rằng những người lập quốc Mỹ khi tới lục địa này
phần lớn đều mang thân phận nô lệ, vì thế, đó là lý do duy nhất để họ xây dựng
các luật về nhân quyền, bà Ann Coulter lập luận và khẳng định rằng “thật là một
sự đòi hỏi táo bạo ngoạn mục để sử dụng các tu chính án ngay sau Nội chiến nhằm
mang tới Mỹ lao động nước ngoài giá rẻ, qua đó làm giảm lương của người Mỹ gốc
Phi – những người là đối tượng chính mà các tu chính án đó, trong đó có Tu
chính án 14 bảo vệ”.
Ngay cả việc cấp quốc tịch cho trẻ em sinh tại Mỹ của những
người nhập cư hợp pháp cũng là vấn đề đủ gây tranh cãi. Nhưng ít nhất Tối
cao Pháp viện cũng đã từng ra phán quyết về trường hợp này. Án lệ U.S. v. Wong
Kim Ark (Hoàng Kim Đức) năm 1898 đã cấp quyền công dân cho một người Trung cộng
là con của cha mẹ là người Trung cộng nhập cư hợp pháp vào Mỹ.
Wong Kim Ark sinh ra ở Mỹ nhưng bị không cho
vào lại Mỹ sau khi về thăm Trung cộng
Ông Hoàng Kim Đức trong vụ án nổi tiếng nêu trên sinh ra tại San
Francisco khoảng năm 1871, là con của một cặp vợ chồng người Trung cộng sống
hợp pháp tại Mỹ. Trong một chuyến đi ra nước ngoài và khi trở về người ta đã từ
chối không cho ông Hoàng nhập cảnh Mỹ dựa vào một đạo luật nhằm hạn chế di dân
đến từ Trung cộng và ngăn cấm di dân Trung cộng trở thành công dân Mỹ, có tên
gọi Đạo luật Loại trừ người Trung cộng (Chinese Exclusion Act). Ông Hoàng kiện
chính phủ Mỹ đã từ chối quyền công dân của ông và Tối cao Pháp viện đã đứng về
phía ông, căn cứ vào hoàn cảnh khi ông được sinh ra là con của cha mẹ là người
ngoại quốc nhưng sinh sống như thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Toà giải thích về ý
nghĩa của một đoạn ngắn trong điều khoản quyền công dân và nói rằng một người
sinh ra tại Hoa Kỳ là người được “nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý” (subject to
jurisdiction thereof) và đương nhiên được hưởng quyền công dân.
Vụ án Hoàng Kim Đức kiện chính phủ Mỹ nêu trên là hoàn toàn khác
với việc cho rằng một người nhập cư bất hợp pháp, phải bị trục xuất khỏi nước
Mỹ, có thể sinh con tại Mỹ và mặc định được tuyên bố trở thành cha mẹ của một
“công dân Mỹ”.
Theo bà Ann Coulter, khái niệm không thực tế này là do thẩm phán
cánh tả cấp tiến William Brennan đưa vào một ghi chú chân trang trong một vụ án
năm 1982. Ghi chú đó không phải là một phán quyết của tòa, đó chỉ là một nhận
xét ngoài lề không có ý nghĩa pháp lý.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cánh tả đã bám cứng vào ghi chú của
thẩm phán Brennan và buộc mọi người tin rằng ‘những đứa bé mỏ neo’ là một phần
trong di sản hiến pháp vĩ đại của nước Mỹ, có từ thời James Madison soạn thảo.
Tối cao Pháp viện chưa bao giờ công nhận những đứa trẻ con của
người nhập cư bất hợp pháp là công dân Mỹ. Quốc hội chưa bao giờ xem xét và
quyết định trao quyền như vậy. Đó chỉ là quyền không có thật, được viện dẫn
xung quanh ghi chú 1982 của thẩm phán Brennan.
Luật sư, nhà bình luận Ann Coulter cho rằng rõ ràng sẽ là tốt
hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua luật tuyên bố rõ trẻ em của người nhập cư bất hợp
pháp không phải là công dân Mỹ. Ông Trump sẽ không là tổng thống Mỹ mãi mãi và
lệnh hành pháp của tổng thống có thể dễ dàng bị người kế nhiệm đảo ngược. Nhưng
cho tới khi Quốc hội ban hành luật, vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ không
bắt buộc phải tiếp tục tuân thủ vô lý một điều mà hoàn toàn không có cơ sở pháp
lý.
“Người ta thường nói rằng báo chí là bản thảo đầu tiên của lịch
sử. Bây giờ như chúng ta thấy, tin tức giả là bản thảo đầu tiên của lịch sử
giả”, bà Ann Coulter kết luận, ám chỉ đến các tin tức của truyền thông
cánh tả chỉ trích Tổng thống Trump có ý định ban hành lệnh hành pháp chấm dứt
quyền công dân mặc định của trẻ em có cha mẹ là di dân bất hợp pháp.
Ghi chú: (*) ‘đứa bé
mỏ neo’ là thuật ngữ ông Trump sử dụng trong chiến dịch tranh cử để nói tới
những đứa bé được sinh ra ở Mỹ bởi người mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ là di dân không
có giấy tờ hợp lệ, thậm chí khi người di dân đó đã sinh sống ở Mỹ trong nhiều
năm. Những di dân bất hợp pháp đã lợi dụng những đứa bé như là “mỏ neo” để được
ở lại Mỹ và tránh bị trục xuất trả về nguyên quán cũng như được dễ dàng trở
thành công dân Mỹ hơn trong tương lai.
Tân Bình
No comments:
Post a Comment