Mẹ Việt sinh con lấy quốc tịch:
Trào lưu đi Mỹ của 'đại gia'
đầy nguy hiểm
Muốn con có quốc tịch Mỹ để thuận lợi du học, định cư sau này,
nhiều bà mẹ đã bay xa vạn dặm “vượt cạn”. Sang Mỹ sinh con đang là xu thế dù
rất “âm thầm nhưng rầm rộ” trong giới có điều kiện, khá giả ở Việt Nam.
“Nhét túi” ít nhất 35.000
USD để ở Mỹ sinh con
Sau 4 tháng bôn ba nơi đất khách, chị N.M.C. (28 tuổi, ngụ Q.3,
TP.HCM) về nước với cậu con trai mới sinh mang quốc tịch Mỹ.
“Có quốc tịch Mỹ, gia đình mình sẽ không phải lo lắng về con
đường du học và định cư ở Mỹ cho con sau này”, chị C. giải thích về lựa chọn
của mình.
Hiện nay, càng có nhiều người sang Mỹ du lịch lúc đang có bầu và
ở lại sinh con để con có quốc tịch Mỹ. Không chỉ bởi điều kiện y tế tốt mà điều
cốt lõi là Hiến pháp Mỹ công nhận mọi em bé, bất kể ba mẹ là ai, sinh ra trên
lãnh thổ Mỹ đều hiển nhiên có quốc tịch Mỹ.
Chính vì thế, sang Mỹ sinh con để con có quốc tịch Mỹ đang là xu
thế “âm thầm nhưng rầm rộ” trong giới có điều kiện, khá giả ở Việt Nam. Một
cuộc “vượt cạn” ngoại quốc ấy cũng lắm kỳ công và đòi hỏi điều kiện kinh tế.
Như chị C., kế hoạch “di cư” con sang Mỹ đã được gia đình chị
xác định ngay khi vợ chồng có kế hoạch sinh con. Chị đã xin visa du lịch Mỹ từ
khi hai vợ chồng lên “chiến dịch” có bầu. Khi mang thai được 6 tháng, chị C.
qua Mỹ và sinh con ở đây.
“Vì Mỹ chỉ cho phép ở lại 3 tháng mỗi lần nhập cảnh với visa du
lịch nên vừa sinh xong một tuần mình lại đi qua Canada. Một tháng sau, mẹ con
cứng cáp rồi mới bay về Việt Nam”, chị C. kể.
Trong khi đó, cũng sinh con ở Mỹ để con có quốc tịch xứ cờ hoa
nhưng chị H.B.T. (ngụ Hà Nội) lại có hoàn cảnh khác. Chồng chị xin du học bên
Mỹ. Chị sau đó qua thăm và chăm sóc chồng. Chị sinh con ở Mỹ. Thế là con của
hai vợ chồng hiển nhiên có quốc tịch Mỹ.
Trong khi đó, chị T.T.V. (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho
biết trường hợp của chị là đã có thẻ thường trú của Mỹ. Tuy nhiên, khi sinh bé
đầu, chị V. chưa đủ điều kiện để có quốc tịch Mỹ nên chị phải qua Mỹ sinh để
lấy quốc tịch Mỹ cho con.
Theo tính toán của chị V., để đi Mỹ sinh thì ít nhất phải “nhét
túi” khoảng 35.000 USD. Với viện phí sinh thường khoảng 20.000 USD, nếu sinh mổ
thì mức viện phí lên đến hơn 30.000 USD. Thêm vào đó là chi phí khám thai trong
thời gian thai kỳ ở Mỹ. Như chị V. thăm khám thai từ lúc 15 tuần đến 36 tuần là
khoảng 1.000-1.500 USD. Còn lại là chi phí ăn ở trong thời gian ở Mỹ.
Đó là chưa kể khoản chi phí để lo visa, các loại thủ tục nhập
cảnh trước đó và vé máy bay.
Một mình “vượt cạn”
Chị B.M.T. (29 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cũng là một trong số những
người mẹ ra nước ngoài sinh con để con có quốc tịch nước ấy. Đất nước chị T.
đến lại là Canada bởi chị đã có thẻ thường trú nhân và nếu con được sinh ở đây
sẽ được xét quốc tịch.
“Trên chuyến bay đến Canada để đi sinh đó mình cảm thấy rất lo
lắng và đơn độc vì bụng mang dạ chữa đi một mình. Ông xã và mẹ mình rớt visa.
Qua đó, mình ở nhà cậu và hầu như phải tự thân vận động tất cả trong thời gian
chờ sinh và sau sinh. Lúc đó, mình luôn cầu mong cho mọi chuyện thuận lợi. May
mắn là hệ thống chăm sóc y tế của Canada cho mẹ và em bé rất tốt”, chị T. kể.
Chị chọn sinh ở Canada vì có nhà cậu ở đây, ngoài ra khi cha mẹ
có thẻ thường trú thì em bé sinh ra trên lãnh thổ nước này được quốc tịch
Canada. Đồng thời, yên tâm con mình làm công dân Canada sẽ được hưởng các chính
sách về giáo dục tại đây sau này.
Tự thân vận động là điều hầu như các bà mẹ phải chịu chấp nhận
khi chọn sinh con ở “đất khách” vì tất nhiên sẽ không có người thân chăm sóc,
phụ giúp.
“Sinh con ở Mỹ chỉ cực mỗi một việc là ít người phụ, may mắn thì
có bà ngoại đi chung qua rồi phụ mình, chứ việc kiếm và thuê vú em là rất khó
và mắc. Ở VN thì có nhiều người hơn”, chị T.T.V. (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận,
TP.HCM), chia sẻ về chuyến “vượt cạn” ngàn dặm của mình.
Dù có nhiều điều phải đối mặt khi dám một mình 'vượt cạn' nơi
đất khách quê người nhưng ít thai phụ hiểu rõ rằng: những trường hợp sinh được
trên máy bay là cực kỳ hiếm và may mắn. Bay xa trong những tháng cuối của thai
kỳ là sự mạo hiểm đáng sợ của thai phụ.
Rất nguy hiểm
Theo Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Sản M, Bệnh
viện Từ Dũ (TP.HCM), mang thai là thời gian người phụ nữ cần được chăm sóc,
nghỉ ngơi cẩn thận và chu đáo. Trong đó, ba tháng đầu là giai đoạn nhạy cảm
nhất, cần được an dưỡng vì giai đoạn này thai chưa ổn định. “Ngay cả không làm
gì hết cũng có khả năng sẩy thai”, bác sĩ Hà nói.
Bác sĩ Hà cho biết: Mang thai trên 28 tuần, thai phụ không được
đi máy bay xa. Mang thai trên 36 tuần, thai phụ không được đi tàu lửa. Khoảng
14-28 tuần là giai đoạn ổn định của thai kỳ, thai phụ có thể đi chơi, du lịch.
“Nói như vậy không có nghĩa là có thể bay lượn lung tung trên
trời, an toàn để đi những chuyến bay dài dù trong giai đoạn thai kỳ cho phép”,
bác sĩ Hà khuyến cáo.
Theo bác sĩ, khi đi máy bay, việc thay đổi áp suất có thể gây
ảnh hưởng đến thai nhi. Ngay người bình thường, khi máy bay cất cánh, hạ cánh
còn cảm giác ù, đau tai do sự thay đổi này. Việc thay đổi áp suất, khi máy bay
cất cánh, hạ cánh có thể làm rối loạn tuần hoàn nhau thai; gây nguy cơ chuyển
dạ sinh non và nguy cơ băng huyết sau sinh khi chuyển dạ sinh con trên máy bay.
“Bản thân sinh non đã là một tình trạng rất nguy hiểm mà sinh
non trên máy bay nữa thì còn nguy hiểm gấp bội, đe dọa sức khỏe bà mẹ và em bé.
Kèm theo đó là nguy cơ băng huyết sau sinh. Trên máy bay không thể có những
phương tiện cần thiết phục vụ, cấp cứu khi sinh nở, chăm sóc bà mẹ và bé”, bác
sĩ Hà đánh giá.
Chưa kể, ở những chuyến bay xa, việc ngồi lâu, tư thế không
thoải mái cũng gây mệt mỏi cho thai phụ. Việc đến một nơi xa lạ, thay đổi múi
giờ, môi trường sống, thói quen sinh hoạt cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai
phụ và thai nhi. “Nguy cơ bị thai lưu là có”, bác sĩ Thu Hà nhận định.
Theo bác sĩ Hà: “Những ca sinh nở thành công trên máy bay là rất
hiếm và may mắn. Sinh nở là việc rất nguy hiểm, cần nhiều sự hỗ trợ mà điều
kiện trên máy bay là không thể đảm bảo cho sản phụ và thai nhi an toàn, cũng
như không có phương tiện để xử lý các tình huống có thể xảy ra khi sinh nở.
Thai phụ cần phải kiểm tra và hỏi ý kiến bác sĩ về sức khỏe của
mẹ và cả em bé khi cần thiết đi máy bay. Chỉ đi khi bác sĩ đánh giá sức khỏe
cho phép và tuân theo các khuyến cáo, lời khuyên của bác sĩ.
No comments:
Post a Comment