Ông Trắng Bà Xanh và hoạt động của tình
báo Trung Quốc (3)
27/10/2018
Đến cuối năm 1993 các
liên minh yểm trợ Trung Quốc này đã thuyết phục được Tổng thống Clinton bớt
cứng rắn trong chính sách đối với Trung Quốc. Các quy định hình phạt trước đây
dần dần được dịu bớt và xóa bỏ, và các cuộc gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạc Ma không
xảy ra nữa. Những người ủng hộ quan điểm này được Bắc Kinh cám ơn, xem như là
“những người bạn của Trung Quốc”. Trong khi đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp các
nhà đối kháng trong nước. Và Hoa Kỳ lại tiếp tục xem Trung Quốc như một đồng
minh.
Mọi sự trở lại bình
thường, ít ra nó trông là vậy. Cho đến gần cuối nhiệm kỳ của Clinton khi máy
bay Hoa Kỳ, lãnh đạo khối NATO, lẽ ra nhắm vào một địa điểm trong thủ đô
Belgrade của Serbia, nhưng năm quả bom JDAM đã rớt trúng phía nam của tòa đại
sứ Trung Quốc tại Belgrade, làm ba người bị chết vào thứ Sáu ngày 7 tháng Năm
năm 1999. Mặc dầu Tổng thống Clinton chính thức xin lỗi rằng đây là một tai nạn
hoàn toàn không cố ý, và xin lỗi không phải một lần, các lãnh đạo Bắc Kinh đều
tin rằng Hoa Kỳ cố tình thực hiện để xem phản ứng của Trung Quốc ra sao. Chỉ
trong vòng vài tiếng sau vụ ném bom này, hàng trăm người Trung Quốc đã tụ tập
trước tòa đại sứ Hoa Kỳ phản đối, kêu gọi trả thù Hoa Kỳ và khối NATO, và ném
đá, trứng và cà chua vào tòa đại sứ. Ngày Chủ Nhật họ ném hai quả bom xăng vào
cửa sổ tòa đại sứ. Không xa tòa đại sứ, các cục bê tông được ném vào cửa sổ
phòng ăn của nơi thường trú của Đại sứ Hoa Kỳ James Sasser, nơi vợ con ông đang
ở. Mãi đến chiều thứ Hai thì chính quyền Bắc Kinh mới chính thức can thiệp với
(bốn) điều kiện.
Vào năm 2001, giới
tình báo Hoa Kỳ đã lấy được biên bản mật của buổi họp Bộ Chính trị Trung Quốc
được triệu tập khẩn cấp sau khi vụ ném bom ở Belgrade xảy ra. Từ Giang Trạch
Dân cho đến tất cả lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc xem hành động này là cố ý
chứ không phải là tai nạn, tin rằng Hoa Kỳ muốn “xác định sức phản ứng của Trung
Quốc đối với các khủng hoảng và xung đột quốc tế và nhất là các biến cố bất
thình lình như thế”.
Điều đáng nói ở đây là
khi sự kiện ném bom này xảy ra, Ts Pillsbury đã liên lạc liền với ông Trắng vì
muốn biết ông nghĩ gì về chuyện này, trước khi có biểu tình tại Tòa Đại sứ Hoa
Kỳ. Ông Trắng cho biết đây là cơ hội không thể bỏ qua để chính quyền Trung Quốc
áp dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan mới mà ông từng trình bày trước đây. Ông
tiên đoán: “Sẽ có nhiều ngày náo động chống Hoa Kỳ sắp tới”. Ông Trắng khẳng
định lãnh đạo Trung Quốc sẽ không nhìn nó như là một tai nạn, mà “Họ sẽ nhìn nó
như là một cảnh báo của Hoa Kỳ và thử nghiệm sự quyết tâm của Trung Quốc”. Lúc
đó Ts Pillsbury nghe ông Trắng thì nghe nhưng tin thì không.
Điều đáng nói kế tiếp
là ngay cả sau sự kiện này, nó cũng không làm cho lãnh đạo và giới chức Hoa Kỳ
giảm bớt bao nhiêu sự tự mãn và niềm lạc quan vào Trung Quốc. Phần lớn các viên
chức Hoa Kỳ chọn thái độ mặc kệ các chỉ dấu chống Mỹ. Một số các bằng chứng
chống Mỹ của Trung Quốc còn bị ngăn chặn trong chính quyền Hoa Kỳ. Vào thập
niên 1990, trong chuyến viếng thăm một trung tâm thông dịch của CIA tại Reston,
Virginia, Ts Pillsbury có hỏi một thông dịch viên vì sao có quá ít thí dụ về
những phát biểu chống Mỹ của lãnh đạo Trung Quốc trong các bản báo cáo? Hầu hết
các viên chức Mỹ dựa vào các thông dịch này để hiểu được trong đầu lãnh đạo
Trung Quốc nghĩ gì bởi rất ít người có thể đọc và có thể nắm bắt nhiều sắc thái
và ngụ ý quan trọng trong Hán ngữ. Cô thông dịch trả lời rằng bà đã nhận được
mệnh lệnh từ trên là không thông dịch những thứ mang tính chủ nghĩa dân tộc.
Ông bối rối hỏi tại sao thì được cô trả lời rằng “Bộ phận lo về Trung Quốc tại
văn phòng trung ương bảo tôi rằng nó chỉ gây thêm vấn đề đối với thành phần bảo
thủ và những người vận động nhân quyền tả khuynh tại Washington và làm tệ thêm
quan hệ với Trung Quốc”.
Ngay cả với những gì
xảy ra như thế, từ biên bản của Bộ Chính trị đến nhận định từ ông Trắng, Ts
Pillsbury cho biết ông vẫn chưa trở thành người bi quan và hoài nghi về Trung
Quốc. Bởi các nguồn tình báo khác có vẻ ủng hộ cho quan niệm rằng tất cả những
điều tiêu cực rồi sẽ đi qua. Mục tiêu đường dài cần lãnh đạo quốc gia có viễn
kiến để tập trung vào nỗ lực dân chủ hóa Trung Quốc sẽ chắc chắn xảy ra, và
những kẻ diều hâu đang ở tuổi bảy mươi hay tám mươi nên trước sau gì cũng sẽ bị
thay thế bởi giới cải cách ôn hòa hơn. Trong suốt thời gian đó, các hy vọng này
đã được củng cố bởi một trong các điệp viên hàng đầu về Trung Quốc, bà Xanh. Bà
liên tục đảm bảo rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa cho Hoa Kỳ. Các báo cáo
của bà Xanh và việc bà tiếp cận sát với giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tiếp tục ảnh
hưởng viên chức Hoa Kỳ cho đến khi FBI bắt giữ bà vào ngày 9 tháng Tư năm 2003.
Một nguồn CIA từ bên trong Trung Quốc đã tố giác bà. Vụ án này đã bị chánh án Florence
Marie Cooper bác bỏ đơn năm 2005, nhưng sau đó bà bị buộc tội lần nữa, lần này
bị ba năm quản chế. FBI chưa bao giờ công khai các báo cáo của họ về sự báo cáo
giả dối của bà Xanh. Cho đến khi nào FBI công bố điều này thì công chúng không
thể biết được điều gì tệ hại hơn: các bí mật bà cung cấp cho Trung Quốc hay các
bảo đảm bà cung cấp cho Hoa Kỳ.
Vài lời kết
Trong tác phẩm này, Ts
Pillsbury ghi nhận những đánh giá sai lầm của mình và của các cơ quan tình báo
Hoa Kỳ, cũng như của lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ về Trung Quốc.
Không chỉ riêng Tổng thống Bush mà các tổng thống trước và sau ông trên bốn
thập niên qua đều có nhiều nhận định sai lầm. Những gì ông Trắng trình bày sau
này phần lớn được chứng minh là chính xác, từ “giáo dục yêu nước” cho đến “Viện
Khổng Tử” vân vân…, và cách suy nghĩ của lãnh đạo Bắc Kinh. Nhưng giới lãnh đạo
chính trị và tình báo Hoa Kỳ đều phất lờ, đều không muốn tin. Nếu không ghi
nhận và không công khai chia sẻ bài học này cho công chúng thì người dân không
thể biết và do đó không thể kiểm soát được các hành động của chính quyền. Không
ghi nhận thì cũng không cố gắng học hỏi để tìm cách điều chỉnh, cải tiến và tìm
ra các sáng kiến và phương thức làm việc mới hiệu quả hơn.
Qua câu chuyện Mr
White và Ms Green, một chương sách đáng nghiên cứu trong tác phẩm của Ts
Pillsbury, tôi thấy có ba điều đáng suy ngẫm và học hỏi, cho cá nhân và cho đất
nước.
Một, cần ý thức được
rằng tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ thiên
vị, và kể cả lệch lạc.
Nó đến từ môi trường sống, văn hóa, tôn giáo, giáo dục, ý thức hệ, chính trị
v.v…. Nhất là những ảnh hưởng dạy dỗ từ thời còn rất nhỏ. Các ảnh hưởng bởi
những suy nghĩ một chiều và những định kiến và thiên vị từ bé đã đi vào tiềm
thức và sau này tiếp tục chi phối suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta một
cách tự động. Do đó nếu không lưu ý và thách thức các suy nghĩ của mình thì
chính chúng ta sẽ là nạn nhân một cách vô thức.
Hai, các thành phần
bảo thủ, cực đoan, suy nghĩ lắm khi một chiều, đại đa số lại cho mình là đúng
hơn người khác và thượng đẳng (superior) hơn người khác. Chẳng hạn như phe diều
hâu và lãnh đạo chính trị của Trung Quốc. Vì suy nghĩ độc đoán như thế, họ ảo
tưởng rằng chỉ có mình mới đúng nhất, nên coi thường và bác bỏ mọi ý kiến khác.
Vì suy nghĩ đó, bằng mọi giá họ xóa bỏ các dữ kiện lịch sử của Thiên An Môn hay
tất cả những gì bất lợi cho họ, kể cả viết lại lịch sử đảng và các quan hệ
ngoại giao với Hoa Kỳ, chẳng hạn. Họ xóa bỏ cả các tên Hồ Diệu Bang hay Triệu
Tử Dương trong sách giáo khoa, và cấm không được ai nhắc đến. Đó là tại Trung
Quốc. Tại Hoa Kỳ thì một nghiên cứu vào năm 2017 cũng đưa đến kết luận tương
tự. Cuộc nghiên
cứu dành cho người
cấp tiến và bảo thủ về chín vấn đề gây nhiều tranh cãi kết luận rằng những
người cấp tiến hay bảo thủ vừa phải (moderate) thì còn sẵn lòng ghi nhận là có
thể phía bên kia có phần đúng. Trong khi đó thành phần cực đoan của hai phía
đều xác định mình đúng hơn và thượng đẳng hơn. Suy nghĩ một chiều và gạt bỏ các
quan điểm khác một bên mà lại tin tưởng mình đúng nhất mới là điều khó giả
thích. Theo Pew Research Centre thì cử tri Mỹ ngày càng trở nên phân cực hơn
trong 20 năm qua, và số người ôn hòa vào năm 2014 ít hơn năm 1994 đến 20 phần
trăm, trong khi số người cực
đoan cả hai phía Cộng
hòa và Dân chủ tăng lên gấp đôi trong 20 năm này.
Một xã hội mà có nhiều
người cực đoan, dù phía nào đi nữa, và dù chỉ là thiểu số trong tổng số dân
chúng, vẫn dễ đưa đến sự phân hóa trầm trọng, và mọi nỗ lực trao đổi, thảo luận
hay thương lượng tìm giải pháp chung trở nên khó hơn.
Ba, bài học từ hai
điều nói trên là tinh thần lắng nghe đích thực (active or true listening). Bằng
lỗ tai, cặp mắt, trái tim và đầu óc. Xã hội sẽ tốt hơn nếu càng nhiều người
biết lắng nghe và bớt đi tiếng ồn tiếng nhảm. Lãnh đạo chính trị cũng như tất
cả mọi công dân cần lắng nghe và tìm hiểu thông tin và suy luận mọi chiều trong
cuộc sống, ngay cả những gì khó nghe hay khó tin nhất, để từ đó tìm ra được
phần nào sự thật của vấn đề (một cách tương đối, không hề có cái sự thật tuyệt
đối).
Quý bạn đọc nghĩ sao
về vấn đề nêu trên đối với người Việt Nam, trong lẫn ngoài nước?
(Úc Châu, 23/10/2018)
Tài liệu tham khảo:
Bài viết này chủ yếu
dựa vào chương 4: Mr White and Ms Green, trang 84 đến 102, của tác phẩm “Cuộc
chạy đua một trăm năm” của Michael Pillsbury, “The Hundred Year
Marathon”, Henry Holt and
Company, February 2015.
No comments:
Post a Comment