Thursday, November 1, 2018

Việt Nam rập khuôn theo Trung Quốc trong quản lý mạng xã hội? - Hòa Ái,


Việt Nam rập khuôn theo Trung Quốc trong quản lý mạng xã hội?
Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-10-31
Thủ tướng Việt Nam vừa chỉ đạo Bộ Thông Tin-Truyền Thông xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Dư luận cho rằng cùng với Luật An ninh mạng, bộ quy tắc ứng xử này là công cụ để nhà cầm quyền đàn áp người dân.
“Không bỏ trống trận địa mạng xã hội”
Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc Hội, tân Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng, vào chiều ngày 31 tháng 10 nhấn mạnh rằng chính quyền và người dân phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội vì mạng xã hội không ảo nữa.
Lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được không ít cư dân mạng tại Việt Nam đón nhận với tinh thần lạc quan. Họ cho rằng người đứng đầu ngành truyền thông của Nhà nước chính thức nhìn nhận mạng xã hội là không ảo, cũng như kêu gọi chính quyền và người dân phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội, hòa nhập vào thế giới phẳng trong thời đại công nghiệp 4.0 là điều tuyệt vời. Nhà báo tự do Sương Quỳnh nêu lên quan điểm của bà về tuyên bố vừa nêu của tân Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông Việt Nam:
“Đó là phương tiện để họ biết được lòng dân như thế nào đối với các lãnh đạo, những chính sách của nhà cầm quyền đưa ra…Đây là thông tin nhanh nhất mà các quan chức có thể năm bắt được ý kiến của người dân một cách thực tế nhất. Các ông như Vũ Đức Đam, Lê Mạnh Hà hay ông Đinh La Thăng đã từng mở tài khoản Facebook để theo dõi thông tin. Làm được như vậy thì tốt. Nhưng tôi cho rằng 15 nhân vật trong Bộ Chính trị và nhất là 500 Đại biểu Quốc hội cần vào mạng xã hội để nghe tiếng nói phản ảnh trung thực của người dân, hơn là những thông tin mù mờ qua các báo cáo và từ hệ thống truyền thông bị kiểm duyệt một chiều.”
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của Đại biểu Đinh Duy Vượt liên quan biện pháp xử lý những thông tin sai sự thật gây bất an cho xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng cần phải dựa vào công nghệ và pháp luật để đảm bảo an toàn thông tin mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông Tin-Truyền Thông đã xây dựng trung tâm quốc gia để đánh giá, phân tích, phân loại thông tin trên mạng xã hội hàng ngày, và sẽ sửa đổi một số quy định của pháp luật để định nghĩa thế nào là thông tin sai bằng pháp luật, cũng như sẽ mạnh tay hơn trong việc yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin.
Bên cạnh đó, truyền thông quốc nội còn đăng tải thông tin vào sáng ngày 30 tháng 10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đọc báo cáo về chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Thông Tin-Truyền Thông phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam như Facebook, Youtube; trong đó các nhà mạng được yêu cầu phải có những giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn sự phát tán những thông tin xấu độc và đẩy mạnh hợp tác với Facebook, Google để ngăn chặn, gỡ bỏ cái thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Công cụ đàn áp

Trước thông tin về thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, một số cư dân mạng nhắc lại cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông Tin-Truyền thông với Báo mạng Vietnamnet.vn, đăng tải hồi trung tuần tháng 8 năm 2017. Trong cuộc phỏng vấn này, giới chức của Bộ Thông Tin-Truyền Thông “cảnh báo” rằng mặc dù mạng xã hội rất tiện ích trong việc biểu đạt quan điểm, nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích và mang lại ích lợi cho xã hội, mà “sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người”. Một làn sóng phản đối mạnh mẽ vì cho rằng lời cảnh báo vừa nêu đã thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước và Đảng lãnh đạo Việt Nam luôn coi truyền thông mạng xã hội như là “đối tượng bất đồng” của chế độ và có thể dọn đường cho một chính sách đối xử không công bằng đối với mạng xã hội trong tương lai.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được thiết lập và Luật An ninh mạng có hiệu lực trong vòng hai tháng nữa sẽ là các công cụ để nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp người dân trong khi họ chỉ thực hiện các quyền được ghi trong Hiến pháp về tự do ngôn luận và tự do thông tin. Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường lên tiếng với RFA:
 “Việt Nam hiện tại học theo mô hình quản lý của Trung Quốc. Có vẻ như là ông Tập Cận Bình thắt chắt quyền tự do ngôn luận như thế nào thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng học theo như vậy ở Việt Nam. Tôi cho rằng với Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, cùng với bộ quy chuẩn về sử dụng mạng xã hội cho thấy quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam bị đe dọa hơn bao giờ hết, dưới thời của ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này chứng tỏ số lượng tù nhân lương tâm sẽ là đông nhất, bắt đầu từ năm tới vì bày tỏ chính kiến, bất đồng quan điểm với chính quyền trên mạng xã hội.”
Theo số liệu của Bộ Thông Tin-Truyền Thông, hiện Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội. Trong khi đó, theo ghi nhận của giới facebooker và blogger tại Việt Nam thì tỉ lệ thuận với sự gia tăng ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội, nhà cầm quyền Việt Nam càng gia tăng bắt bớ và tuyên những bán án tù nặng nề qua các điều luật mà những tổ chức nhân quyền thế giới chỉ trích là mơ hồ như Điều 88, Điều 258, Điều 79…
Một số facebooker và blogger Đài RFA tiếp xúc cho biết mới đây nhất, vụ việc GS. Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật là một tín hiệu mà nhà cầm quyền Việt Nam sẽ xiết chặt hơn nữa trong việc kiểm soát thông tin mạng xã hội và Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn tối tăm trong lãnh vực thông tin truyền thông.


No comments:

Post a Comment