Mô thức Trung Quốc là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-10-30
2018-10-30
Khi lãnh đạo Hà Nội
làm dư luận phẫn nộ với việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo khiến ông quyết định ra
khỏi đảng Cộng sản cùng nhiều trí thức khác thì tại Bắc Kinh, người ta thấy vài
biến động đáng chú ý về mô thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Diễn đàn
Kinh Tế sẽ tìm hiểu chuyện này….
Diễn biến khác lạ
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin chào chuyên gia kinh tếNguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc ban Kiểm tra
Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam bất ngờ công bố việc kỷ luật Giáo sư Chu
Hảo vì những tội danh kỳ lạ khiến dư luận nhiều nơi phẫn nộ và một số chuyên
gia trí thức thuộc các lứa tuổi khác nhau đã quyết định ra khỏi đảng, kể cả ông
Chu Hảo vào hôm Thứ Bảy 27. Người ta nói đến một trào lưu định hướng lại tư
tưởng chỉ đạo quốc gia trong giai đoạn khó khăn này. Đúng lúc đó, và giữa nhiều
khó khăn của lãnh đạo Bắc Kinh, người ta cũng thấy nổi lên một số tiếng nói
khác lạ về tương lai của Trung Quốc. Theo dõi nội tình xứ này từ đã lâu, ông có
thể nào trình bày cho thính giả của chúng ta những diễn biến khác lạ đó không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin nói về bối cảnh gần
xa. Cuối Tháng 11 sẽ có Thượng đỉnh của lãnh đạo nhóm G-20 gồm 20 nền kinh tế
lớn nhất địa cầu tại Buenos Aires của Cộng hòa Argentina. Vào dịp này, các nước
đều theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Tổng bí thư
Tập Cận Bình của Trung Quốc xem trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản
lượng cao nhất thế giới sẽ tăng hay giảm. Thứ hai, trong Tháng 12, Bắc Kinh sẽ
kỷ niệm 40 năm Cải Cách và Cởi Mở của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình sau Hội nghị kỳ Ba
của Ban chấp hành Trung ương khóa 11, vào cuối năm 1978. Việc cải cách đó mới
đưa kinh tế Trung Quốc vào một thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục mà nay đang có chỉ
dấu tàn lụi. Khi ấy, cuộc tranh luận về cải cách kinh tế hay chính trị tất
nhiên xảy ra. Lần này, ta thấy việc tranh luận tại Bắc Kinh có vẻ công khai,
khác hẳn sự bưng bít tại Hà Nội. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng những chuyển
động về tư tưởng thường xảy ra rất chậm cho tới khi có kết quả bất ngờ….
Nguyên Lam: Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa có phương pháp
dẫn vào chuyện rất hấp dẫn để lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Thưa ông, vì sao
ông nói cuộc tranh luận tại Bắc Kinh có vẻ công khai hóa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên Tập Cận Bình đã
tập trung quyền lực đến tối đa, như là một hoàng đế vĩnh viễn sau Đại hội khóa
19 từ cuối năm ngoái. Quan trọng nhất là ông đưa tư tưởng của mình vào Điều lệ
đảng và Hiến pháp như một chân lý chính thức không thể bàn cãi, với dấu hiệu
của nạn sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông, trong khi bành trướng sức mạnh của
Trung Quốc ra mọi nơi. Vậy mà, khi nhắc đến công lao cải cách và cởi mở của
Đặng Tiểu Bình sau 30 năm hoang tưởng của Mao, có người đã nói giọng khác.
- Đó là trưởng nam của
Đặng Tiểu Bình, ông Đặng Phác Phương, nạn nhân bị tật nguyền vì cuộc Cách Mạng
Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại khi bị ném từ cửa sổ xuống đất cách nay 50 năm. Ở tuổi
74, Đặng Phác Phương không chỉ là nhân vật thuộc “Thái tử đảng”, là con cháu
các đại công thần cộng sản Trung Hoa như Tập Cận Bình, ông còn suy ngẫm nhiều
từ những thảm kịch đó và là tiếng nói đáng chú ý. Trong tháng trước, Đặng Phác
Phương đã như nhắc nhở tư tưởng của thân phụ trong một bài phát biểu đầy tính
thực tiễn của Đặng Tiểu Bình.
Đặng Phác Phương nhắc nhở Tập Cận Bình
Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy câu chuyện quả là hấp
dẫn như chính ông Đặng Tiểu Bình hiện hồn về nhắc nhở Tập Cận Bình vậy. Thế
người con trai của Đặng Tiểu Bình đã nói những gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Được bầu làm chủ tịch danh dự của
“Liên Đoàn Những Người Tật Nguyền Trung Hoa”, Đặng Phác Phương có bài phát biểu
sau ba ngày hội nghị củai liên đoàn đặc biệt này. Đặc biệt vì hôm khai mạc có
sự tham dự của bảy Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính Trị, kể cả Tổng bí thư Tập
Cận Bình. Ngày Đặng Phác Phương đọc diễn văn thì bảy vị lãnh đạo đó không có
mặt, nhưng ông vẫn có lời kính trọng dành cho lãnh tụ Tập Cận Bình, rồi nói ra
sự thật khác.
- Rằng chỉ có thực
tiễn mới kiểm nghiệm được chân lý nên chính quyền phải giữ cái đầu tỉnh táo và
biết vị trí của mình trong quan hệ ngoại giao và phô trương quân sự. Ông nhắc đến
tôn chỉ “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình là nên khiêm nhượng với quốc
tế chứ đừng sớm đòi lãnh đạo thiên hạ vì ưu tiên của Trung Quốc ngày nay là
giải quyết các vấn đề nan giải ở bên trong.
- Đáng chú ý hơn thế,
Đặng Phác Phương nhắc lại lượng định của thân phụ rằng “củng cố và phát triển
Trung Quốc sẽ cần vài chục thế hệ”. Sau nhiều biến động, từ năm 1992, Đặng Tiểu
Bình nói mãi tới việc cần “vài chục thế hệ” vì tiến trình phát triển sẽ lâu
dài, khó khăn, rắc rối và phức tạp. Nhưng, Đặng Phác Phương cũng nhấn mạnh hai
yếu tố quan trọng, rằng không thể đảo ngược việc cải cách từ 40 năm trước, và
rằng Trung Quốc nên có thái độ hợp tác để cùng có lợi trong môi trường quốc tế.
Đấy là một phê phán tế nhị chính sách của họ Tập hiện nay.
Nguyên Lam: Câu chuyện quả ly kỳ vì con trai của công
trình sư đã tạo ra những thay đổi tại Trung Quốc từ 40 năm qua là Đặng Tiểu
Bình lại có vẻ như răn bảo người đang lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Ông giải
thích chuyện này như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ Tập Cận Bình có triệu
chứng vĩ cuồng hay tự mê sau khi tập trung tối đa quyền lực để giải quyết các
vấn đề của Trung Quốc mà ông ta gọi là “những mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên
mới” nhưng chẳng xong vì các vấn đề ấy quá lớn. Vì vậy, những người trong cuộc mới
lên tiếng.
- Với vai vế là con
trai đệ nhất công thần và còn hơn Tập Cận Bình trên 10 tuổi, Đặng Phác Phương
sợ công lao của thân phụ bị mai một và xứ sở gặp loạn nên có vẻ nhắc nhở rằng
trong nền dân chủ tập trung thì cũng nên nhớ đến yếu tố dân chủ và phải kiểm
nghiệm chân lý từ thực tiễn. Cái hiện tượng “độc quyền chân lý” của một chế độ
toàn trị có thể đang rung chuyển nên từ vài tháng nay họ bắt đầu nói về tư
tưởng. Khi đó, ta sẽ nhắc đến biến cố thứ hai cũng vừa mới xảy ra…
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua phần hai của chương
trình hồi hộp ngày hôm nay, thưa ông biến cố thứ hai đó là gì?
Ý kiến của kinh tế gia Trương Duy Nghinh
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc có Đại học Bắc Kinh, xưa
kia được gọi là Quốc Tử Giám, nay là lò đào tạo nhân tài cho chế độ, còn có uy
tín hơn Đại học Thanh Hoa. Hai tuần trước, một giáo sư của Đại học là ông
Trương Duy Nghinh (Zhang Weiying), từng là Khoa trưởng Phân khoa Quản trị Quang
Hoa của Đại học này có bài tham luận được đưa lên trang nhà của Đại học làm dư
luận chú ý.
- Sinh năm 1959, đã
học trong nước rồi tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford, dưới sự hướng
dẫn của một giáo sư kinh tế người Anh, sau này đoạt giải Nobel kinh tế, ông
Trương Duy Nghinh chủ trương kinh tế tự do theo trường phái Áo quốc hay “Austrian
School”, và được giới kinh tế chú ý từ cả chục năm trước.
Kinh tế gia Trương Duy
Nghinh cho rằng dùng mô thức Trung Quốc làm cơ sở thẩm định thành tựu kinh tế
trong 40 năm qua là sai lầm và nguy hiểm vì dẫn tới mâu thuẫn xung đột.
- Bài tiểu luận của
ông hôm 14 Tháng 10 làm chấn động dư luận vì đả kích mô thức Trung Quốc sẽ tất
yếu dẫn tới đối đầu với thế giới Tây phương. Ông cho rằng dùng mô thức này làm
cơ sở thẩm định thành tựu kinh tế trong 40 năm qua là sai lầm và nguy hiểm vì
dẫn tới mâu thuẫn xung đột. Nói cho dễ hiểu, kinh tế gia này phủ nhận giá trị
của mô thức Trung Quốc đang được Bắc Kinh đề cao!
Nguyên Lam: Câu chuyện càng ngày càng lạ vì tại sao
một giáo sư kinh tế lại đưa ra một quan điểm trái chiều hay chệch hướng như vậy
với tư tưởng của đảng? Ông nhận xét thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thực tế thì cái “mô thức Trung Quốc”,
mà Việt Nam coi như mẫu mực, dựa trên quyền lực của một đảng, một khu vực quốc
doanh to lớn và một chiến lược công nghiệp gọi là sáng suốt nhưng phương hại cho
tương lai xứ sở. Nói cho dễ hiểu theo luận điểm Tập Cận Bình thì mô thức gọi là
“xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” là một tai họa cho Trung Quốc. Giáo sư
Trương Duy Nghinh vừa viết như vậy nên mới là điều khá bất thường.
Nguyên Lam: Thuần về kinh tế chính trị học, ông nghĩ
sao về luận cứ vừa được một giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh đưa ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dưới thời lãnh đạo của Mao Trạch Đông
từ năm 1949, Trung Quốc đã trải qua 30 năm suy thoái và khủng hoảng, kể cả Bước
Nhảy Vọt Vĩ Đại hay Đại Dược Tiến làm gần 40 triệu người chết đói dù không bị
mất mùa, và 10 năm biến động chính trị của các Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại
cho tới khi Mao chết năm 1976. Trung Quốc chỉ bắt đầu có mức tăng trưởng rất
cao sau khi họ Đặng cải cách đúng 40 năm trước. Làm sao giải thích hiện tượng
đó? Rồi làm sao giải thích là ngày nay kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy
sụp?
- Một là nhờ Đặng Tiểu
Bình đã tháo gỡ các rào cản cho sản xuất kinh tế, kể cả chủ nghĩa hoang tưởng
và chế độ tập trung quản lý bằng kế hoạch của Mao. Hai là vì Trung Quốc áp dụng
kinh nghiệm của các nước tiên tiến, như Hoa Kỳ, Nhật Bản rồi Nam Hàn là nương
theo quy luật thị trường tự do và giảm sự can thiệp chính trị vào kinh tế. Ba
là nhờ Trung Quốc tìm ra mô hình riêng gọi là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc
Trung Hoa”. Cách giải thích thứ ba trở thành lý luận chính thức của đảng và
ngày nay được Tổng bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh. Ông Trương Duy Nghinh thì đả
kích cái chân lý giả trá đó.
Nguyên Lam: Ông vừa nói là làm sao giải thích việc
kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy sụp, xin ông khai triển thêm cái ý này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi đà tăng trưởng hết còn là 10% một
năm như trong mươi năm đầu, đang giảm dần và nay chỉ còn 6-7% thì cách giải
thích nào trong ba luận cứ kể trên là hợp lý nhất? Nếu chỉ là nhờ tháo gỡ các
rào cản thời Mao thì thời nay chính quyền Bắc Kinh khó làm gì hơn mà phải tìm
chiến lược mới, chứ không thể quay về chủ nghĩa Mao. Nếu là do áp dụng quy luật
tự do kinh tế như các nước tiên tiến, thì thời nay nên gia tăng mức độ tự do ấy
mới có phát triển chứ không thể lui về hướng cũ là gia tăng vai trò quản lý của
nhà nước. Và nếu cách giải thích thứ ba về mô thức Trung Quốc, là chân lý của
đảng và nhà nước thì người ta chẳng thể làm gì thêm và tương lai Trung Quốc tụt
về sau lưng.
- Cùng với diễn văn
của Đặng Phác Phương, bài phát biểu của kinh tế gia Trương Duy Nghinh cho thấy
phần nào cuộc tranh luận về tư tưởng trong tầng lớp lãnh đạo ngày nay tại Trung
Quốc. Ta thấy Bắc Kinh không cho phổ biến rộng rãi nhưng cũng chẳng có biện
pháp kỷ luật lối phát biểu gọi là chệch hướng đó. Đấy là chi tiết đáng nhớ vì
có người công khai hạ bệ “mô thức Trung Quốc” và có người nói là phải khiêm
nhường và kiên nhẫn vì sẽ cần vài chục thế hệ nữa thì mới vượt qua những khó
khăn hiện nay. So sánh với thái độ của Hà Nội trong vụ Chu Hảo, ta thấy ngay là
Việt Nam vẫn còn tụt hậu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích ly
kỳ của tuần này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau
No comments:
Post a Comment