Wednesday, November 7, 2018

Viết và vẽ bậy lên di tích lịch sử: Căn bệnh nguy hiểm của người Việt!


Viết và vẽ bậy lên di tích lịch sử: Căn bệnh nguy hiểm của người Việt!
RFA
2018-11-06
Đây có phải là 1 vấn nạn trong văn hoá của người Việt hay không và biện pháp nào để ngăn chặn?
Thể diện quốc gia
Thông báo mới nhất của Ban quản lý văn hoá thuộc di tích thành cổ Yonago hôm thứ Hai 5 tháng 11 cho biết một trong những phiến đá thuộc tòa thành hàng trăm năm tuổi Yonago, tỉnh Tottori , Nhật Bản bị phát hiện có nhiều ký tự tiếng Latinh được vạch lên, trong đó có 1 phiến đá có dòng chữ “A Hào” cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim.
Theo thông báo này, khoảng 4 giờ chiều ngày 26 tháng 10, 1 nhân viên bộ phận văn hoá thành phố này phát hiện các ký tự ‘A’ và ‘Hào’ cùng 2 ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên 1 phiến đá, có chiều dài 70 cm rộng 40 cm. Kết luận ban đầu cho thấy những hình ảnh được tạo ra từ vật nhọn khắc  lên đá. Còn về phía cộng đồng mạng thì cho rằng dòng chữ đó do người Việt Nam tên Hào cố ý viết lên.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - người sáng lập công ty dã ngoại Lửa Việt khẳng định với RFA rằng đây không phải vấn nạn liên quan riêng đến ngành du lịch mà là thể diện quốc gia. Và quan trọng hơn ông cho rằng cần phải nhìn vấn đề ở góc xa hơn và căn cơ hơn.
“Lâu nay chúng ta chỉ hớt cái ngọn thôi. Tôi nghĩ là viết, vẽ bậy là 1 đặc sản văn hoá xấu của người Việt. Hình như là nó được hình thành từ trong nhà trường. Ở trên bàn học trò biết bậy dữ lắm, rồi viết trong sách giáo khoa. Bất cứ cái gì có thể viết lên được là viết.”
Lâu nay chúng ta chỉ hớt cái ngọn thôi. Tôi nghĩ là viết, vẽ bậy là 1 đặc sản văn hoá xấu của người Việt. Hình như là nó được hình thành từ trong nhà trường. Ở trên bàn học trò biết bậy dữ lắm, rồi viết trong sách giáo khoa. Bất cứ cái gì có thể viết lên được là viết. - Ông Nguyễn Văn Mỹ
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, ông chia sẻ việc viết, vẽ bậy lên các khu di tích trong nước đã xảy ra rất nhiều, do chính du khách là người Việt thực hiện. Kể lại 1 sự việc gần đây nhất do chính ông chứng kiến tại khu di tích Rạch Gầm, Tiền Giang, ông nói trên cánh cổng của khu di tích này dày đặt những dòng chữ viết khác nhau với nội dung khác nhau.
“Đây là cái bệnh mà lâu nay mình cho nó là chuyện nhỏ, mà chuyện nhỏ ở Việt Nam thì ở nước ngoài nó to như con khủng long. Những nước có việc bảo tồn tốt như Nhật Bản thì họ cho đó là phỉ báng và xúc phạm lịch sử tổ tiên họ, họ không chấp nhận được.”
Rất nhiều tình trạng tương tự xảy ra ở những khu bảo tồn di tích di sản quốc gia khác mà báo trong nước cũng đã lên tiếng. Báo mạng Pháp Luật hôm thứ Ba 6 tháng 11 cũng đăng tải hình ảnh tại chùa Thiên Mụ, dù bên ngoài có những tấm bảng cảnh báo nhưng đại hồng chung - bảo vật Quốc gia vẫn xuất hiện một số vết viết vẽ bậy lên bề mặt. Tại khu vực bia khắc bài Ngự kiến Thiên Mụ tự của Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) bị khắc, viết chi chít những dòng chữ về tình yêu đôi lứa, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ông gọi đơn giản đây là căn bệnh nguy hiểm của người Việt.
Luật Việt Nam chưa nghiêm
Tờ Nhật báo Mainichi cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng vẽ bậy tại khu di tích thành cổ Yonago. Đại diện của Ban quản lý thành cổ khẳng định đang tham vấn thêm về việc vi phạm luật Bảo tồn di sản văn hoá đối với trường hợp này.
Nhiều bài báo trong nước cũng cho đăng tải câu chuyện này. Đối với cộng đồng mạng Việt Nam, sự phẫn nộ và bất bình thể hiện rất rõ sau khi sự việc được loan báo. Một độc giả ký tên Toannado bình luận:
“Sáng nay báo Nhật 日本毎日 thông báo đã tìm ra nghi phạm viết bậy lên tường, có thể xử phạt đến hơn 200tr tiền Việt Nam và phạt cải tạo 6 tháng trở lên. Rồi trục xuất về nước, quá nhục cho một sinh viên duc học đầu đầy chữ!”
Một độc giả ký tên Khang Man nhận định về dòng chữ khắc trên phiến đá khu di tích thành cổ Yonago:
“Chữ HAO thì khó biết ai viết nhưng có cả dấu huyền và chứ A nữa thì có thể là A Hào = Anh Hào, trái tim nữa chứ, tôi chạy ngang thấy mấy em học sinh mặc áo dài ngồi xe đạp điện vẽ bậy lên nhà thờ Đức Bà hoài, không biết tôn trọng di tích lịch sự.”
Chữ HAO thì khó biết ai viết nhưng có cả dấu huyền và chứ A nữa thì có thể là A Hào = Anh Hào, trái tim nữa chứ, tôi chạy ngang thấy mấy em học sinh mặc áo dài ngồi xe đạp điện vẽ bậy lên nhà thờ Đức Bà hoài, không biết tôn trọng di tích lịch sự. - Một độc giả
Một độc giả khác ký tên Angel lên tiếng về vấn nạn này xảy ra trong nước:
“Ở trong nước, vô quán karaoke, trên cây, trên tường, bất cứ điạ điểm nào, ý thức cũng kém, mình thấy khắc đầy luôn, thích viết chữ thì về nhà lấy tập ra viết, ra vẽ, chào thua ý thức kém, từ giao thông, ăn uống, tới mọi thứ.”
Với những tình trạng được các độc giả nêu lên như thế, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, sự lên án, kêu gọi ngừng hành động không còn thích hợp, mà phải có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.
“Luật pháp Việt Nam có qui định khá nặng. Tức là viết vẽ bậy lên các công trình có giá trị 50 triệu thì có thể phạt đến 30 triệu. Như vậy với các công trình vô hạn thì hình phạt rất nặng. Nhưng hình như là chưa phạt ai.
Ở Việt Nam có cả 1 rừng luật, luật gì cũng có, nhưng người ta xử theo luật rừng. Nghĩa là năn nỉ, cãi chày cãi cối không chịu thực hiện. Rồi thậm chí thông cảm, chia đôi tiền phạt.
Tại sao những chuyện đó ở nước khác không có mà Việt Nam lại có?”
Câu trả lời của ông là không phải vì người Việt xấu xí kém văn minh hơn các quốc gia khác, mà vì do luật pháp Việt Nam chưa nghiêm và nhà nước chưa nêu gương.
Do đó 1 lần nữa ông khẳng định không nên kêu gọi hô hào thêm nữa. Mà cần thiết và hữu hiệu là tăng cường xử thật nặng những trường hợp viết, vẽ bậy lên di tích di sản quốc gia.
Báo mạng MSN tiếng Việt cho biết ông Toshio Kosaka - giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ trả lời tờ Jakarta Shimbun rằng theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.


No comments:

Post a Comment