Sunday, November 4, 2018

TC thú nhận áp lực kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ


TQ thừa nhận áp lực kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
13:50 01/11/2018
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố về tình hình tăng trưởng kinh tế đáng lo ngại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Hôm 31/10, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan quyền lực tối cao gồm 25 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thống nhất về "áp lực đè nén đang gia tăng" lên nền kinh tế với "những thay đổi sâu sắc" đến môi trường bên ngoài, Xinhua đưa tin. 
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phác thảo một bản kế hoạch mới nhằm củng cố nền kinh tế tư nhân và thị trường chứng khoán trong lúc đất nước đang chuẩn bị đối đầu với nhiều đòn tấn công thương mại từ Mỹ.
Theo SCMP, tuyên bố trên là một sự thay đổi đáng chú ý so với tuyên bố được đưa ra cách đây 3 tháng, khi Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ nhắc đến một sự thay đổi "đáng kể". 
Giới quan sát nhận định đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc công khai bày tỏ quan ngại về sự phát triển chậm chạp của nền kinh tế từ khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nổ ra hồi giữa năm.
Lo ngại về tốc độ tăng trưởng
Trong tháng 10, các chỉ số kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc cũng sụt giảm nhiều hơn kỳ vọng, đây được cho là kết quả của việc giảm nhu cầu xuất khẩu, theo số liệu về quản lý thu mua của chính phủ.
Các con số cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong 3 tháng vừa qua đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ. 
Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận quốc gia đang đối mặt với "nhiều khó khăn đối với một số doanh nghiệp và sự xuất hiện của các rủi ro tích lũy trong thời gian dài". 
"Chúng ta cần nhìn nhận tầm quan trọng của tình trạng này và tìm kiếm giải pháp kịp thời", tuyên bố của Bộ Chính trị. "Chúng ta cần tăng cường cải cách và mở cửa nhằm tập trung vào các vấn đề cốt lõi... Chúng ta phải tự giải quyết vấn đề của đất nước và kiên quyết theo đuổi tăng trưởng chất lượng cao". 
Chuyên gia kinh tế Shen Jianguang nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã thay đổi cách nhìn nhận về triển vọng kinh tế đất nước và đang chuẩn bị cho hậu quả lâu dài của cuộc chiến tranh thương mại. 
"Lần này, họ không còn mô tả nền kinh tế là 'ổn định với đà tăng trưởng tốt'", ông Shen nói. 
Tham vọng thống trị về công nghệ AI
Bên cạnh việc đưa ra tuyên bố về tình hình kinh tế giữa cuộc thương chiến với Mỹ, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết họ đã thành lập một "nhóm nghiên cứu" về trí tuệ nhân tạo (AI), với việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc thúc đẩy công nghệ AI "phát triển lành mạnh". 
Ông Tập cho rằng tham vọng "không thay đổi" của Bắc Kinh là phát triển, điều khiển và sử dụng công nghệ AI nhằm làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ trong tương lai, mặc cho các cáo buộc từ Washington cho rằng Trung Quốc "đánh cắp" và áp dụng "nhiều chính sách không công bằng" về sở hữu trí tuệ. 
Bắc Kinh phải đảm bảo việc thống trị "công nghệ cốt lõi của AI" và phải giữ được công nghệ này trong tầm tay, ông Tập nói. 
Các lãnh đạo cũng quyết định tiếp tục thực hiện "chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ cẩn trọng", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc ổn định việc làm, tài chính, thương mại, vốn nước ngoài và đầu tư. 
Tuy nhiên, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng truyền đi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ "kiên định" với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nhưng không đề cập đến khái niệm "kinh tế tư nhân".
Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ nỗ lực "kích thích động lực" đối với thị trường chứng khoán nhằm thúc đẩy "sự phát triển tích cực lâu dài". Trung Quốc sẽ mở cửa chào đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài và "duy trì sự quan tâm hợp pháp của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc". 
Trong một bài phát biểu được đưa ra hồi đầu tháng 10, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence công kích những chính sách thương mại và an ninh của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 
Từ đầu năm, Washington và Bắc Kinh đã liên tục áp thuế nặng nề lên các mặt hàng nhập khẩu của nhau. Hồi tháng 8, Mỹ công bố gói thuế 25% áp đặt lên 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 16 tỷ USD. Đến tháng 9, Washington tiếp tục áp thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thêm thuế 5% và 10% với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. 


No comments:

Post a Comment