Thursday, November 8, 2018

Tình Yêu Thời Chinh Chiến - Phạm Gia Đại


Tình Yêu Thời Chinh Chiến

Nhạc sỹ Lê Thương sáng tác không nhiều nhưng đã để lại trong lòng khán thính giả những người ái mộ ông một cảm tình không bao giờ phai về những nhạc phẩm tiền chiến mà ông đã sáng tác. Ông là một trong các nhạc sỹ tiên phong trong làng tân nhạc Việt Nam với trên ba mươi tác phẩm trải dài từ nhạc tiền chiến qua nhạc thiếu nhi và dân gian đến hài hước.

Có nhiều bản nhạc tiền chiến, nhạc dân gian và nhạc dành cho thiếu nhi chúng ta từng hát nhiều lần trong thập niên 50 và 60 mà không biết ông là tác giả như: Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Tiếng Đàn Đêm Khuya, Một Ngày Xanh, Tiếng Thu (phổ thơ của Lưu Trọng Lư), Lòng Mẹ Việt Nam hay Bà Tư Bán Hàng (nói về một bà mẹ có các con đi kháng chiến: Bà Tư bán hàng có bốn người con...), Học Sinh Hành Khúc, hay Con Mèo Trèo Cây Cau (Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà...), Ông Nỉnh Ông Nang (ông Nỉnh ông Nang ông ra đầu làng ông gặp ông Ninh...), Chú Cuội. (Bóng trăng trắng ngà, Có cây đa to, Có thằng Cuội già, Ôm một mối mơ...)

Nhưng đặc biệt và nổi tiếng nhất trong các sáng tác của ông là tác phẩm trường ca Hòn Vọng Phu I, II, và III trong đó có Ai Xuôi Vạn Lý nói lên những thời chinh chiến ngày xưa khi người chồng phải ra trận theo lệnh Vua bỏ lại người vợ ở nhà mòn mỏi chờ mong. Gói ghém tấm lòng trung trinh của nguời vợ là hình ảnh của người vọng phu bế con nhiều năm tháng đoạn trường chờ tin chồng vẫn biệt tăm ngoài biên ải. Mỗi khi nghe Hòn Vọng Phu, chúng ta lại bồi hồi hình dung tới hình ảnh hòn vọng phu đó. Những lời ca như xoáy vào tâm can:

“Lệnh Vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường.” 

“Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ người chồng đi đã bao năm chưa thấy về.” 

“Nơi phía Nam giữa núi mờ, ai bế con mãi đứng chờ, như nước non xưa đến giờ...” 

https://hung-viet.org/images/file/GYRD3Tdj0wgBACdn/nhacsilethuong.jpg
Lê Thương


Lê Thương là một nhạc sỹ tài hoa đã cảm thương hoàn cảnh chiến tranh gây bao tang thương đổ nát trên quê hương Việt Nam từ ngàn xưa trong đó có tình nghĩa vợ chồng bị chia cắt và tấm lòng son sắt của người vợ nên ông đã viết thành một đại tác phẩm vẫn còn được yêu mến qua trên sáu thập niên là Hòn Vọng Phu. Nhưng có điều ông không ngờ rằng Hòn Vọng Phú ấy cũng ứng vào cuộc chiến tranh Quốc-Cộng trong thập niên 60 và 70 tại miền Nam, với hàng ngàn thanh niên nhập ngũ tòng quân ra chiến trường để lại người vợ ở lại hậu phương, hay vội vã chít khăn tang không bao lâu sau ngày cưới.

Sáng tác Hòn Vọng Phu, ông cũng không thể hình dung ra được một miền Nam, khi mất vào tay Cộng Sản tháng Tư 1975, sẽ như thế nào với hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH bị giam giữ lưu đầy nhiều năm trong các trại giam tập trung của Cộng Sản, từ ngày đó cho đến đầu thập niên 90. Hình ảnh Hòn Vọng Phu lại hiện ra rõ hơn bao giờ hết với hình ảnh của người vợ chờ đợi người chồng bị đầy ải đưa đi biệt tăm trong nhiều năm không biết sống chết ra sao trong các trại tập trung mọc lên như nấm ngay trên quê hương Việt. Hòn Vọng Phu ngày trước và Hòn Vọng Phu ngày nay tuy có phần khác nhau về thời gian và không gian nhưng vẫn mang chung một niềm đau chôn kín của tình vợ chồng ly tan, và cùng tôn vinh sự thủy chung của tấm lòng người vợ.

Sau khi Hiệp Định Genève ký kết ngày 20-7-1954, hàng triệu người dân miền Bắc đã phải bỏ quê hương xứ sở để lánh nạn Cộng Sản vào trong Nam xây dựng lại cuộc đời mới. Gia đình bố mẹ và các anh em tôi cũng nằm trong làn sóng người di cư thủa đó. Miền Nam đất lành chim đậu đã trở thành một quốc gia phát triển và thịnh vượng, và những cuộc tình Bắc duyên Nam cũng thăng hoa.

Tôi có người anh cả tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt khóa 20. Trong thời gian phục vụ tại Sư Đoàn 5 BB tại Bình Dương và trong một buổi tiệc khao quân của đại đội trinh sát chiến thắng từ Ấp Ba trở về đánh tan một mật khu của VC, anh đã gặp một thôn nữ miệt Lái Thiêu đến tham dự tiệc khao quân đó. Tình yêu đã nẩy nở nhanh chóng giữa trai tài gái sắc và hai người đã đẹp duyên cầm sắt. Nhưng chính chị cũng không ngờ rằng sau khi mất miền Nam tháng Tư năm 1975, chị đã trở thành người vọng phu chờ chồng bị Cộng Sản lưu đầy trong suốt mươi năm mới được đoàn tụ.

Tôi cũng có người bạn sau nhiều năm trong trại tập trung, người vợ ở nhà tuyệt vọng trong mòn mỏi chờ mong đã quyết định ra vượt biên một mình để tìm tự do và không ai nghe tin gì về chị nữa ngoài tin đồn loan về rằng cả tầu đã bị hải tặc Thái Lan giết hại.

Tôi cũng có người bạn đồng nghiệp ở Sài gòn ngày trước, khi anh tìm được tình yêu đầu đời của mình tại một trường nữ trung học công lập thì cũng là lúc mà vận nước suy tàn và anh phải vào trại tập trung. Một đám cưới đơn sơ kết tình vợ chồng vào buổi trưa thì buổi chiều anh phải vào trại giam, và chị cũng trở thành người vọng phu gần một thập niên để nhìn thấy người chồng trở về trong thân xác tàn tạ.

Tôi cũng có người bạn tù trong những năm lưu đầy phương Bắc. Anh đã gặp tình yêu thật đẹp như bông hồng đỏ thắm rực rỡ dưới ánh nắng ban mai khi chị đi thăm người anh trai cũng bị giam trong cùng trại với anh bạn tôi. Chị đã chờ đợi trong nhiều năm để đón anh thoát ngục tù trở về nên duyên chồng vợ. Như hàng triệu người dân miền Nam không chấp nhận chế độ Cộng Sản, anh đã quyết định vượt biên trước một mình để dọn đường cho chị qua sau, nhưng chị không ngờ rằng kể từ ngày đó là ngày biệt ly, chị chẳng bao giờ còn gặp lại người chồng thương yêu của mình nữa vì con tầu anh ra khơi đã bị hải tặc Mã Lai sát hại.

Tôi cũng có người anh trai, thủ khoa khóa 13 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Tháng Giêng năm 1975 đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ và tháng Ba năm 75, chị và hai cháu đã qua được Mỹ theo chương trình di tản của cơ quan DAO. Anh chị đã đoàn tụ, hạnh phúc và thành đạt trên xứ người. Nhưng anh chỉ là một trong số nhỏ chưa đến một phần trăm những người đã may mắn di tản được trước khi Sài Gòn sụp đổ, trong khi còn lại hơn chín mươi chín phần trăm dân miền Nam đã phải sống trong màn đen tăm tối sau ngày mất nước.

Năm nay kỷ niệm đúng bẩy thập niên ngày một triệu người miền Bắc di cư vào Nam để mở đầu cho một kỷ nguyên VNCH ấm no hạnh phúc và nhân bản kéo dài được trên hai thập niên. Xin chúc mừng cho tất cả những ai đã thoát khỏi được chế độ Cộng Sản và đến được bến bờ Tự Do bình yên. Cũng xin thành kính thắp một nén hương lòng kính dâng lên hàng triệu dân quân cán chính VNCH đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia hay đã thiệt mạng trên đường đi tìm Tự Do và Nhân Bản.

Nhìn lại biến cố đau thương mất miền Bắc năm 1954 và mất cả miền Nam năm 1975, âu đó là điều đã an bài? Mất cả nước nhưng lại có một cộng đồng người Việt vững mạnh tài trí gần bốn triệu người tại hải ngoại đang sinh sống trên khắp thế giới, như một quốc gia ở ngoài quốc gia, cũng là Tiền Định?

Phạm Gia Đại

Nguồn Biệt Động Quân


No comments:

Post a Comment