Có cần chi cả ngàn tỉ/năm để… nuôi ‘Quốc hội’?
06/11/2018
Về lý thuyết, Quốc hội
là cơ quan đại diện cho “nguyện vọng và ý chí” của 95 triệu người Việt, thay
mặt họ quyết định tất cả những vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia, tương
lai dân tộc: Lập hiến. Lập pháp. Xác lập chính sách cả về đối nội (Qui định
cách thức tổ chức – hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,
bỏ phiếu lựa chọn và bãi nhiệm những cá nhân đứng đầu Quốc hội, Nhà nước, Chính
phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,… Chỉ Quốc hội mới có quyền thành lập, tách – nhập
hay xóa bỏ các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính. Chỉ Quốc hội mới có
quyền đặt định mục tiêu, phê duyệt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng – giảm thuế. Thu – chi – sử dụng ngân sách,… Quốc hội cũng là cơ quan giám
sát hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu điều
chỉnh hoạt động), lẫn về đối ngoại (Phê chuẩn các công ước, hiệp định.
Quyết định chính sách đối ngoại. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên bình diện
quốc gia. Tuyên chiến) (1).
Tuy hệ thống chính
trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ công bố chi phí cho việc vận
hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam là bao nhiêu mỗi năm nhưng cách
nay năm năm, báo chí Việt Nam từng công bố tính toán của một chuyên gia, theo
đó, mỗi khi Quốc hội Việt Nam họp, công khố phải chi chừng một tỉ đồng/ngày.
Vào thời điểm ấy, một số đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 13 từng thừa nhận,
nhiều sinh hoạt của Quốc hội Việt Nam không hiệu quả. Nhiều đại biểu vừa đại
diện cho “nguyện vọng, ý chí” của nhân dân một địa phương, vừa đại diện cho hệ
thống chính trị, hoặc hệ thống công quyền của địa phương đó hay trung ương nên
chuyện đi lại, ăn ở, nhằm bảo đảm việc góp mặt tại tất cả các nơi vừa tốn kém,
vừa không hiệu quả, cuối cùng trở thành hết sức lãng phí, phải tiết kiệm bằng
cách… bớt các sinh hoạt khoáng đại, giảm số ngày họp định kỳ (2). Một tỉ/một
ngày họp tuy đã rất lớn song chắc chắn không phải là con số cuối cùng. Nếu cộng
thêm khoản lương phải trả cho cả các đại biểu Quốc hội lẫn hệ thống tham mưu,
giúp việc và chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ, các
tài sản khác) dành cho Văn phòng Quốc hội và 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổng
chi phí hàng năm cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam có
lẽ không dưới mức ngàn tỉ.
***
Các đại biểu Quốc hội
Việt Nam khóa 14 đang dự kỳ họp thứ sáu. Cuối tuần vừa qua, họ thay mặt nhân
dân chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng
Viện Kiểm sát Tối cao về những chuyện mà ở các kỳ họp trước, họ từng thay mặt
nhân dân xác định là chưa ổn.
Thêm một lần nữa,
nhiều đại biểu Quốc hội đương nhiệm chứng minh, Việt Nam không cần Quốc hội vì
sinh hoạt Quốc hội không có chỗ cho “nguyện vọng, ý chí” của nhân dân. Chẳng
hạn, khi bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu của dân chúng tỉnh Phú Yên tại Quốc
hội, đòi ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo) cho biết, ông sẽ làm
gì để “bảo vệ sự tôn nghiêm của giáo dục” vì “nhân dân nghi ngờ về năng lực,
tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay”, bà Lê Thị Thanh Xuân, đại biểu
của dân chúng tỉnh Đắk Lắk tại Quốc hội, lập tức lên tiếng cảnh cáo bà Hiền và
những đồng viện khác rằng, “tất cả mọi người đều là sản phẩm của nền giáo dục
Việt Nam thành ra bên cạnh các hạn chế, cần có những đánh giá tích cực về ngành
giáo dục để có cái nhìn khách quan, toàn diện” (3).
Tuy đại diện cho
“nguyện vọng, ý chí” của nhân dân và bản chất buổi sinh hoạt tại diễn đàn Quốc
hội hôm 30 tháng 10 là thay mặt nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ,
Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởnng Viện kiểm sát Tối cao nhưng với bà Xuân
(nhân vật vừa là đại biểu Quốc hội, đồng thời còn là Phó Giám đốc Sở Giáo dục –
Đào tạo tỉnh Đắc Lắk), thể hiện nguyện vọng, thực hiện ý chí của nhân dân không
quan trọng bằng việc tấn công đồng viện này, cảnh cáo những đồng viện khác để
bảo vệ cả lãnh đạo lẫn ngành của mình!
Tương tự, khi ông Lê
Thanh Vân, đại biểu của dân chúng tỉnh Cà Mau tại Quốc hội, chất vấn ông Lê
Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, rằng tại sao điều tra đã bốn năm
mà vẫn chưa khởi tố vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, xâm hại lợi
ích của 60 triệu nông dân (4), ông Nguyễn Quang Dũng, đại biểu của dân chúng
tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, cảnh cáo ông Vân không được phát biểu như thế vì
“có thể làm cử tri hiểu sai về ngành kiểm sát” (5). Sở dĩ ông Dũng không những không
thay mặt nhân dân chất vấn mà còn bào chữa cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối
cao và ngành kiểm sát vì ngoài việc là đại biểu Quốc hội, ông còn là… Viện
trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam.
Giống như ông Dũng,
ông Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu của dân chúng tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, đã bỏ
trái bóng chất vấn, “đá” ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu của dân chúng tỉnh Bến
Tre tại Quốc hội, kiêm Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì khi
chất vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, ông Nhưỡng đã dẫn hàng loạt số liệu
chứng minh cho nhận định, các cơ quan điều tra của ngành công an đang “vi phạm
pháp luật khủng khiếp”. Bộ trưởng Công an không thèm giải trình bởi đã có ông
Cầu - một đại biểu Quốc hội khác – thay mặt ông Tô Lâm và cả ngành công an,
phản bác ông Nhưỡng, đòi ông Nhưỡng phải “đính chính” vì xúc phạm ngành công an
(6). Thật ra khó trách ông Cầu vì ngoài việc nhận các đãi ngộ dành cho một đại
biểu Quốc hội, ông còn là Giám đốc Công an Nghệ An.
Chuyện “chất vấn” các
thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối
cao của Quốc hội Việt Nam trở thành trò hề, lố bịch đến mức, các cơ quan truyền
thông chính thức phải nhắc nhở, trong những sinh hoạt kiểu đó, các đại biểu
Quốc hội không nên diễn “nhầm vai”, “chất vấn lẫn nhau” (7). Cũng đã có những
đại biểu Quốc hội như ông Trương Trọng Nghĩa, tự thấy thẹn nên khuyến cáo cả
lãnh đạo Quốc hội lẫn các đồng viện, chú ý xây dựng “văn hóa nghị trường”, đặt
lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và nên tôn trọng lẫn nhau.
Cho dù ông Nghĩa đã nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền tranh luận nhưng chúng ta
không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác” (8) – song diễn
biến sau ý kiến chất vấn Bộ trưởng Công an càng ngày càng phức tạp. Đại biểu
Nguyễn Hữu Cầu – đại diện cho dân chúng tỉnh Nghệ An tại Quốc hội đã tạm lui
vào hậu trường, nhường chỗ cho một đại biểu Quốc hội khác, đồng thời cũng là
Giám đốc Công an một tỉnh: Ông Sùng A Hồng - đại diện cho dân chúng tỉnh Điện
Biên tại Quốc hội. Ông Hồng tuyên bố ông Nhưỡng sai, còn ông Nhưỡng tiếp tục
khẳng định, ông đã dự trù sẽ gặp tình huống này nhưng trách nhiệm với nhân dân
lớn hơn trách nhiệm với một ngành nên vẫn chất vấn và dứt khoát không đính
chính, không xin lỗi (9).
***
Đâu chỉ có “chất vấn”.
Còn vô số bằng chứng khác chứng minh Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đại diện
cho “nguyện vọng, ý chí” của nhân dân. Nếu đại diện cho “nguyện vọng, ý chí”
của nhân dân, chắc chắn ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu cho dân chúng tỉnh Sóc
Trăng tại Quốc hội, người được Quốc hội bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế,
sẽ không thách thức dư luận thêm một lần nữa, khi khẳng định, hệ thống công
quyền tỉnh Cần Thơ phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng khi ông Rê đem 100 Mỹ
kim đến đổi tại Tiệm vàng Thảo Lực là đúng, vấn đề duy nhất đáng bận tâm chỉ là
làm sao để có thể “giáo dục nhân dân” hiệu quả hơn về “sự nghiêm minh của pháp
luật” (10). Giờ, bất kể bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã thừa
nhận, qui định pháp luật mà chính quyền Cần Thơ áp dụng là không hợp lý, phải
sửa thì ông Kiên cũng chẳng sao. Nếu giới lãnh đạo Đảng CSVN thấy còn cần ông
Kiên ở Quốc hội, ông sẽ tiếp tục là đại biểu của dân chúng tỉnh nào đó tại Quốc
hội khóa 15 như đã từng đại diện cho họ trong ba khóa vừa qua.
Giống như vậy, nếu các
đại biểu Quốc hội thật sự đại diện cho “nguyện vọng, ý chí” của nhân dân, chắc
chắn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, không khơi khơi nhắc nhở các
đại biểu Quốc hội phải bỏ phiếu tán thành Dự thảo Luật Đặc khu vì đó là chủ
trương của Bộ Chính trị (11). Nhắc nhở bất cận nhân tình, bất kể nhân tâm ấy
chính là nguyên nhân dẫn tới biểu tình bùng phát trên toàn lãnh thổ hồi trung
tuần tháng 6 khiến vài trăm người bị tống giam, phạt tù nhưng bà Ngân chẳng hề
gì vì bà chỉ truyền đạt chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong 496 đại biểu,
đại diện cho 95 triệu dân Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam khóa này, chỉ có hai
là tự ứng cử (Nguyễn Anh Trí, Phạm Anh Dũng) nhưng cả hai đều là đảng viên
CSVN. 494 đại biểu còn lại tuy có 21 “không đảng phái” nhưng tất cả đều do Đảng
CSVN tiến cử. Trừ số chết (bốn), vào tù (bốn – Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,
Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Quốc Khánh), xin “thôi” (ba – Võ Kim Cự, Phan
Thị Mỹ Thanh, Ngô Đức Mạnh), Quốc hội Việt Nam còn 485 đại biểu và số “không
đảng phái” tiếp tục giảm xuống chỉ còn 19. Cũng cần lưu ý rằng trong 466 đại
biểu Quốc hội là đảng viên CSVN có hơn 1/3 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng CSVN để bảo đảm quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của đảng tại cơ quan
đại diện cho “nguyện vọng, ý chí” của toàn dân (12).
Cho đến giờ này, chắc
chẳng còn bao nhiêu người mơ hồ về bản chất và hoạt động của Quốc hội. Bày thêm
một hệ thống mà chẳng mấy người trong số 95 triệu dân tin là thật sự đại diện
cho “ý chí, nguyện vọng” của họ chỉ tăng thêm gánh nặng thuế, phí. Không có
Quốc hội bởi có cũng như không sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ mỗi năm, chắc
chắn sẽ giúp giảm một phần thuế, phí. Chẳng ai mơ sẽ thêm trường học cho trẻ
con, bệnh viện - thuốc men cho người nghèo, phúc lợi cho người già, người tàn
tật, công trình công cộng phục vụ dân sinh nhưng ít nhất gánh đang mang sẽ
không nặng hơn, mức độ oán thán, phẫn nộ sẽ bớt nghiêm trọng hơn.
Chú thích
No comments:
Post a Comment