Ai biểu anh là… dân!
09/11/2018
Trân Văn
Thẩm phán Nguyễn Hòa
Bình, Chánh án Tòa án Tối cao, vừa khẳng định với báo giới rằng, sau khi nhận
được hồ sơ vụ án “vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường
bộ”, khiến ông Lê Ngọc Hoàng bị phạt sáu năm tù, Tòa án Tối cao sẽ cùng với các
ngành Kiểm sát, Công an thẩm tra lại vụ án (1)…
Bản án phúc thẩm mà
Tòa án tỉnh Thái Nguyên tuyên hôm 2 tháng 11 đã khiến công chúng Việt Nam sôi
lên vì giận: Ngày 19 tháng 11 năm 2016, chiếc xe container chở 60 tấn sắt do
ông Hoàng điều khiển đụng vào đuôi một chiếc xe loại bảy chỗ trên cao tốc Nội
Bài – Thái Nguyên. Vụ va chạm làm bốn người khách trên xe bảy chỗ thiệt mạng.
Người điều khiển chiếc
xe loại bảy chỗ bị bắt vì say rượu, chở quá số người qui định, cho xe lùi lại
khi đang di chuyển trên đường cao tốc. Ông Hoàng – tuy không chạy quá tốc độ,
không chở quá trọng tải qui định – vẫn bị bắt vì “không giữ tốc độ và khoảng
cách an toàn với xe chạy phía trước”.
Không chỉ giới tài xế,
luật sư mà ngay cả dân chúng cũng nhận ra cáo buộc “không giữ tốc độ và khoảng
cách an toàn với xe chạy phía trước” là vô lý, thậm chí nhiều người cho đó là
“ngu xuẩn” vì không thể nào buộc tài xế phải giữ tốc độ cũng như khoảng cách an
toàn khi xe chạy phía trước đột nhiên lùi lại…
Tuy nhiên ông Hoàng
vẫn bị giam, hồi tháng 5, bị Tòa án huyện Phổ Yên đưa ra xử sơ thẩm và bị phạt
8 tám tù. Bản án sơ thẩm bị giới tài xế, các luật sư, dân chúng chỉ trích kịch
liệt nên phiên xử phúc thẩm bị hoãn tới lần thứ mười mới chính thức xét xử. Dù
ông Hoàng được giảm hai năm tù nhưng sự phẫn nộ của dân chúng không giảm mà
tăng…
Dẫu Luật Hình sự Việt
Nam có định nghĩa về “sự kiện bất ngờ” (trong trường hợp không thể thấy trước
hoặc không bị buộc phải thấy trước về hậu quả của hành vi đang thực hiện thì
không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả) nhưng hệ thống tư pháp từ huyện
đến tỉnh dứt khoát không tha ông Hoàng dù tai nạn rõ ràng là “sự kiện bất
ngờ”...
***
Đúng vào ngày ông
Hoàng bị Tòa án tỉnh Thái Nguyên đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, Công an
tỉnh Bình Phước loan báo không truy cứu trách nhiệm hình sự đồng đội là Thượng
tá Vũ Văn Hải, Phó Công an thị xã Đồng Xoài (2).
Chín giờ tối ngày 29
tháng 10, khi đang lưu thông trên quốc lộ 14 đoạn trước Sở Kế hoạch – Đầu tư
tỉnh Bình Phước, một chiếc xe hơi đột nhiên vọt lên dải phân cách, húc đổ một
cây trồng trên đó, rồi phóng trở lại xuống lòng đường… Sau khi tông vào hai xe
hai bánh gắn máy đang chạy phía trước khiến hai người trọng thương, chiếc xe ấy
tiếp tục lao tới và chỉ ngừng khi leo lên đoạn vỉa hè phía trước trụ sở Hội Chữ
thập đỏ tỉnh Bình Phước.
Theo lời các nhân
chứng, công an đến gần như lập tức, khi người lái chiếc xe gây tai nạn bước ra
khỏi xe, ông ta loạng chạng như đang say và được công an đưa đi ngay lập tức và
công an tiếp tục đổ đến, phong tỏa kín hiện trường (3).
Ngày hôm sau, Công an
tỉnh Bình Phước chính thức xác nhận, thủ phạm gây ra vụ tai nạn vừa kể là
Thượng tá Hải nhưng từ chối cho biết, khi gây tai nạn, ông Hải có say hay không
và một mực khẳng định, Viện Kiểm sát giám sát chuyện điều tra tai nạn hết sức
chặt chẽ.
Hôm sau nữa, Ủy ban An
toàn Giao thông Quốc gia yêu cầu Chủ tịch tỉnh Bình Phước chỉ đạo điều tra
nguyên nhân, xử lý Thượng tá Hải nghiêm minh. Ngày 1 tháng 11, Công an tỉnh
Bình Phước loan báo ông Hải không say, tai nạn là do bánh trước bể, xe mất lái
đâm vào gốc cây, túi khí bung ra đập vào mặt và đó là lý do khiến ông Hải
choáng - loạng choạng, dẫn tới ngộ nhận là ông say (4).
Hai nạn nhân trong vụ
tai nạn do Thượng tá Hải gây ra may mắn chỉ trọng thương, không mất mạng, song
ngay cả khi họ uổng mạng, chắc chắn ông Thượng tá, Phó Công an thị xã Đồng Xoài
vẫn vô sự bởi “xe bị bể bánh trước” là “sự kiện bất ngờ”!
Đáng tiếc là báo chí
Việt Nam đã bỏ qua, không chất vấn cả Công an lẫn Viện Kiểm sát tỉnh Bình Phước
về yếu tố đáng ngờ mà cả hai cơ quan này cùng lờ đi: Chiếc xe hơi do Thượng tá
Hải điều khiển đã di chuyển với tốc độ là bao nhiêu km/h?
Nếu dùng Google Map để
xác định khoảng cách từ trụ sở Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Phước đến trụ sở
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước, ai cũng có thể thấy đó là 1,3 km. Cứ cho là
bánh xe bị bể trước tai nạn, liệu sau đó, một chiếc xe di chuyển với vận tốc 60
km/h, bánh trước đã vô dụng, có thể leo lên dải phân cách - húc đổ cây – phóng
trở lại xuống lòng đường – tiếp tục vọt tới - húc văng hai xe hai bánh gắn máy
– leo lên lề đường cách điểm “mất lái” tới 1,3 km?
Không thể dùng “sự
kiện bất ngờ” để miễn trừ trách nhiệm cho những tài xế chạy quá tốc độ gây tai
nạn nên khi thông báo về vụ tai nạn mà Thượng tá Hải gây ra, đại diện Công an
tỉnh Bình Phước không đề cập đến tốc độ, thậm chí tránh cả việc cung cấp thêm
chi tiết liên quan tới “bánh… bể” (bánh bên nào – trái hay phải, hoặc cả hai)
(5).
Trong vụ tai nạn giao
thông xảy ra ngày 19 tháng 11 năm 2016 ở Thái Nguyên, hệ thống tư pháp tỉnh này
gạt “sự kiện bất ngờ” sang một bên, nên ông Hoàng lẽ ra vô tội thì trở thành bị
án. Còn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 29 tháng 10 năm 2018 ở Bình
Phước, hệ thống tư pháp tỉnh này khai thác tối đa “sự kiện bất ngờ” một cách
đáng ngờ để ông Hải, lẽ ra bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì… vô sự.
Vì sao các cơ quan bảo
vệ pháp luật tại Việt Nam vận dụng pháp luật theo hai hướng khác nhau: Một cần
tha vẫn buộc và một đáng buộc vẫn tha? Muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nên
tham chiếu thêm về cách xử lý nhiều vụ tai nạn giao thông khác…
***
Vụ tai nạn giao thông
xảy ra vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, tại khu vực xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc,
tỉnh Thừa Thiên – Huế, tuy nghiêm trọng nhưng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế,
không khởi tố - điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai.
Hôm ấy, trên đường từ
Huế về Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Vinh, người lái chiếc xe hơi mang biển kiểm
soát số 43A – 267.75 đã đâm vào đuôi một chiếc xe vận tải đang đậu bên vệ đường
khiến chiếc xe của ông Vinh lật ngửa. Vụ tai nạn do ông Vinh gây ra đã khiến vợ
ông thiệt mạng, ông và một cặp vợ chồng khác cùng ngồi trên xe bị thương (5).
Ai cũng biết những tai
nạn kiểu như vừa kể là do người lái xe chạy quá tốc độ và về nguyên tắc, bất kể
nạn nhân là ai, người lái xe cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “vi phạm
quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ” gây ra hậu quả nghiêm
trọng (có người thiệt mạng). Tuy nhiên ông Vinh vô sự.
Thậm chí ông Lê Quang
Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng, không giấu diếm sự
bực bội khi báo giới bu vào hỏi han chuyện ông Phó Giám đốc sở này gặp nạn nên
nhấn mạnh, sức khỏe ông Vinh bình thường, ông Vinh không có thương tích nào nên
không phải nằm bệnh viện như một số tờ báo loan tin. Ông Vinh không đi làm vì
phải lo chôn cất vợ (6). Thế thôi!
Cũng lái xe, cũng có
người thân thiệt mạng nhưng bà Phan Thúy Hằng, 50 tuổi, ngụ tại huyện Bến Lức,
tỉnh Long An, kiếm sống bằng giúp việc nhà cho một gia đình ở Gò Vấp, TP.HCM,
không may mắn như ông Vinh…
Vào ngày 12 tháng 4
năm 2016, bà Hằng chở một người bạn gái từ TP.HCM về thăm mẹ của bà ở Bến Lức.
Đến nơi, bà Hằng băng qua đường (tỉnh lộ 832) rồi tấp vào lề. Trong lúc bà Hằng
và bà Thúy chuẩn bị xuống xe để dắt vào nhà thì ông Hà Tấn Phong, 40 tuổi, điều
khiển một xe hai bánh gắn máy khác đâm thẳng vào họ…
Nhiều nhân chứng khẳng
định, họ tận mắt chứng kiến ông Phong chạy với tốc độ rất cao, đâm thẳng vào xe
của bà Hằng, khi đó đã dừng sát lề. Cú va chạm mạnh đến mức bà Thúy bị hất văng
ra giữa đường, bà Hằng gục xuống tại chỗ và bị chiếc xe hai bánh gắn máy đè lên
người. Riêng ông Phong thì qườ quạng nhưng không phải do tác động của tai nạn
mà vì quá say!
Sau tai nạn, cả bà
Hằng và bạn bà cùng bất tỉnh. Năm ngày sau bạn bà Hằng tắt thở, bà Hằng hôn mê
hai ngày và nằm liệt một chỗ trong 21 ngày.
Luật pháp Việt Nam cấm
người có nồng độ cồn trong máu quá 0,25mg/1 lít khí thở điều khiển phương tiện
giao thông. Những biên bản được lập sau khi xảy ra tai nạn ghi nhận nồng độ cồn
trong máu của ông Phong là 0,679mg/1 lít khí thở, gấp gần bốn lần mức cho phép.
Cũng vì vậy, ông Phong tự tìm đến gia đình bạn bà Hằng và bà Hằng xin bãi nại.
Ông Phong đã đưa cho thân nhân bạn bà Hằng 50 triệu đồng để lo ma chay, đưa cho
bà Hằng 15 triệu đồng để trả tiền điều trị. Bà Hằng kể rằng cả bà lẫn gia đình
bạn của bà đều tin rằng, tai nạn là vận mạng, chưa kể họ không muốn đẩy một
người cũng có gia đình vào tù nên cùng ký giấy bãi nại.
Thế nhưng chuyện không
ngừng ở đó. Ba tháng sau ngày xảy ra tai nạn, Công an huyện Bến Lức giao cho bà
Hằng quyết định khởi tố vụ án, xác định bà Hằng là… bị can. Bất kể lời khai của
các nhân chứng, cả công an lẫn Viện Kiểm sát huyện Bến Lức cùng lập luận, tai
nạn xảy ra là do bà Hằng băng qua đường không an toàn khiến bạn của bà thiệt
mạng. Ông Phong được hệ thống tư pháp xem là vô can. Chuyện ông Phong say rượu
lái xe, tông vào bà Hằng và bạn của bà được xác định là chỉ cần xử phạt hành
chính!
Tháng 12 năm 2016, bà
Hằng bị Tòa án huyện Bến Lức phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì “vi
phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ” gây hậu quả nghiêm
trọng. Bà Hằng kháng cáo, báo giới, nhiều luật sư phản đối khi nạn nhân bị phạt
tù còn thủ phạm thì chỉ xử phạt hành chính nhưng vô hiệu (7).
***
Chẳng phải bây giờ mà
trước giờ, cách vận dụng luật pháp của hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam đã
hết sức ngược ngạo: Nương nhẹ với kẻ có quyền, người có tiền, quan hệ xã hội
rộng rãi và trừng trị thẳng tay người nghèo, thấp cổ, bé họng, kể cả khi rõ
ràng là họ vô tội nhằm răn đe, giáo dục đám đông về sự… nghiêm minh của pháp
chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan bảo vệ
pháp chế xã hội chủ nghĩa xét rằng, những cá nhân như ông Lãnh Đức Dũng, Bí thư
huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vốn là thành viên trong một gia đình có công với
cách mạng, bản thân được Đảng CSVN khen ngợi nhiều lần, nên chỉ phạt ông Dũng
ba năm tù cho hưởng án treo, khi ông say rượu lái xe, cán chết tại chỗ ba
người, một trong ba chỉ mới hưởng dương một năm (8).
Xử lý hình sự đòi hỏi
nhất quán nên các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đã miễn trách nhiệm
hình sự cho ông Trần Quang Hiền, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, khi
say rượu lái xe, cán chết một thiếu nữ thì tất nhiên, sẽ miễn trách nhiệm hình
sự cho ông Mai Nam Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn
Lâm Đồng, cũng say rượu lái xe cán chết một người và biến ba người trở thành
tàn phế vĩnh viễn? (9)
Để… cân bằng, các cơ
quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể tha những Lê Ngọc Hoàng, Phan
Thúy Hằng, kể cả trẻ con như Đỗ Quang Thiện (một học sinh ngụ tại thành phố
Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk, đỡ một cụ ông bị đột quỵ giữa đường rồi đưa vào
bệnh viện cấp cứu, tuy Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk xác nhận, cụ ông bị liệt
nửa người bên trái là do xuất huyết não vì tăng huyết áp hoặc vỡ mạch máu dị
dạng – chứng bệnh nội khoa không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể
đột quỵ xuất hiện làm bệnh nhân té, trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu
thông trên đường nhưng Thiện vẫn bị khởi tố, bị phạt tù, do Thiện và gia đình
dám… kháng cáo kêu oan, Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tăng hình phạt từ 6 tháng tù lên
9 tháng tù, chuyển án treo thành án giam ra ra lệnh cho Công an tỉnh Đắk Lắk
xông vào trường bắt Thiện thi hành án ngay giữa giờ học) (10).
Chẳng riêng khía cạnh
giao thông, sự nhất quán trong đường lối xử lý hình sự đồng chí, đồng đội, đồng
hội, đồng thuyền với thường dân cũng đã được thể hiện một cách công khai ở tất
cả các khía cạnh khác. Cun cút làm ăn, cam chịu nghèo khó chưa chắc đã được yên
thân, cho dù bạn không sai nhưng các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa
đã chọn thì bạn phải chịu.
Chú thích
No comments:
Post a Comment