Khi ‘bùa Đảng’ hết ‘linh’
02/11/2018
Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong
nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt.
Bỏ thời gian và kiên
nhẫn đọc hàng chục bài viết trên các trang thuộc hệ thống tuyên truyền Đảng, từ
tạp chí Ban tuyên giáo Trung ương (tuyengiao.vn), Ủy ban kiểm tra Trung ương
(ubkttw.vn), Tạp chí Cộng Sản (tapchicongsan.org.vn), đến các bài viết trên báo
Nhân Dân, mới thấy được sự “khổ tâm” của Đảng như thế nào, trước hiện tượng
“diễn biến hòa bình” xảy ra “phức tạp” và “gay gắt” trong hàng ngũ Đảng. Tình
trạng Đảng mất “nguồn cán bộ” hay chính xác hơn là có một cuộc “tháo chạy” âm
thầm khỏi Đảng thật ra đã diễn ra từ nhiều năm nay…
“Gần đây, dư luận trong
đảng và nhân dân tại nhiều địa phương băn khoăn, thậm chí bất bình về hiện
tượng một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa bàn
cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh
người đảng viên, cũng như uy tín của Đảng và phần nào thể hiện sự suy thoái về
chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết TW4, khóa XII đã
chỉ rõ. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng này ngày càng phổ biến tại nhiều nơi” –
đây là đoạn trích bài viết trên trang tin Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)
ngày 31-10-2017. Trước đó, một ghi nhận “đau lòng” cũng đã đăng trong Sổ
tay xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát hành tháng
2-2014, rằng: “Gần đây, có một số đảng viên tuyên bố “bỏ Đảng”, “công khai ra
khỏi Đảng”… Điểm chung của họ là công bố việc ra khỏi Đảng trên các trang mạng,
tự xem mình không còn là đảng viên trước khi được cấp ủy có thẩm quyền quyết
định… Họ không chỉ phủ định mục tiêu, lý tưởng của mình khi đứng vào hàng ngũ
của Đảng mà còn phủ định sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một sự phản bội”.
Như vậy là “sự phản
bội” đã diễn ra từ lâu, âm thầm làm Đảng suy yếu, bởi những đối tượng “suy
thoái đạo đức”, “biến chất”, mang tư tưởng “diễn biến hòa bình” và “tự chuyển
hóa” trong hàng ngũ đảng viên. Có điều, chỉ thấy Đảng than thở, oán trách, đổ
thừa, giận lẫy và thậm chí cay cú nhưng không thấy Đảng “phê và tự phê”, cũng như
thẳng thắn nhìn nhận và đặt ra câu hỏi rằng tại sao Đảng trở nên mất sức hấp
dẫn và không chỉ bị “quần chúng” xa rời mà cả đảng viên cũng ngoảnh mặt thề một
đi không trở lại, mà “trong số những đảng viên sau khi nghỉ hưu bỏ sinh hoạt
Đảng có cả một số đồng chí nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp vụ, cấp sở ở các cơ
quan trung ương và địa phương” – theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ
Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương (VOV, 31-10-2017).
“Lá bùa Đảng” - tấm
thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực. Muốn thăng
quan tiến chức phải có “bùa Đảng”. Điều này vẫn còn đúng nhưng “bùa Đảng” ngày
càng mất thiêng, đến mức bây giờ ít đảng viên nào dám khoe mình đang thủ thẻ
đảng. Một thời, vào Đảng là niềm tự hào và hãnh diện (người viết bài này từng
nghe không ít câu chuyện về nhân vật này hay nhân vật kia trong làng báo đã ôm
lá cờ Đảng khóc rưng rức trong buổi lễ kết nạp Đảng). Muốn vào Đảng không dễ:
phải bị xét lý lịch gay gắt, được hai đảng viên chính thức giới thiệu, và phải
có “đơn tự nguyện xin vào Đảng” – nêu rõ “động cơ đúng đắn” vào Đảng; có “giác
ngộ” chính trị; phải tán thành quan điểm, đường lối xây dựng CNXH; không ủng hộ
đa nguyên, đa đảng; không phủ định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
và còn phải là “người ưu tú” và được “nhân dân tín nhiệm”… Sau khi được giới
thiệu, đối tượng còn phải trải qua thời kỳ thử thách để “rèn luyện”, “tu dưỡng
đạo đức cách mạng”…
Những điều này trong
thực tế chỉ tồn tại trên lý thuyết. Đảng đang tuyển mộ khá thoải mái cho “đầu
vào”. Lực lượng nòng cốt của Đảng vẫn là đoàn viên, công an, quân đội, viên
chức chính quyền cơ sở nhưng việc phát triển xây dựng Đảng cũng đang nhắm vào
số lượng hơn là giới hạn trong thành phần “người ưu tú”.
Điều 21 trong chương V
(“Tổ chức cơ sở Đảng”) trong Điều lệ Đảng ghi: “Tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ
sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị cơ sở”. Nói cách
khác, Đảng phải phát triển từ cơ sở đi lên. Cơ sở phải mạnh thì cơ cấu tổ chức
Đảng mới cứng. Điều này được thực hiện ở cấp cơ sở bằng các chiến dịch “thi
đua”. Cơ sở nào tổ chức “tuyển mộ” càng nhiều thì càng được đánh giá “cơ sở chi
bộ có chất lượng sinh hoạt Đảng tốt”. Đảng viên nào càng giới thiệu được nhiều
“nhân tố mới” thì càng được “điểm” cao và có cơ hội thăng tiến.
Riêng Sài Gòn, có lẽ
không ít người trong giới báo chí không biết các chiến dịch xây dựng “hạt nhân
chính trị cơ sở” bằng việc tuyển nhân viên bảo vệ, nhân viên giữ xe, nhân viên
căntin… (tại cơ quan nhà nước) vào Đảng. Xây dựng “đảng bộ vững mạnh” bằng việc
tuyển “vét” đã trở nên “khốc liệt” trước cơn sốt đoạn tuyệt rời bỏ Đảng hoặc bỏ
sinh hoạt Đảng. Một trong những thời điểm mà Sài Gòn chứng kiến sự bùng nổ “háo
hức” gửi “đơn tình nguyện” vào Đảng nhiều nhất là giai đoạn mà Trường Cán bộ
TP.HCM (sau đổi thành “Học viện cán bộ TP.HCM”) nằm dưới sự điều hành của “Nhà
giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ” Trương Thị Hiền. Cho đến trước khi bà Hiền
nghỉ hưu cuối năm 2014, “năm nào trường cũng nhận được cờ thi đua của Chính phủ
cũng như UBND TP”. Dưới thời bà Hiền, gần như không cơ quan nhà nước nào ở Sài
Gòn, đặc biệt báo chí-truyền hình, dám chống lại yêu cầu đưa cán bộ-nhân viên
đến Trường Cán bộ để “tập huấn” về việc “xây dựng phát triển cơ sở Đảng”, với
việc “đào tạo, bồi dưỡng” đội ngũ đảng viên mới, trong đó có cả nhân viên bảo
vệ, nhân viên gửi xe, nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn phòng…! Khó có thể phớt
lờ yêu cầu của “đồng chí” Hiền, vì chồng của “đồng chí” ấy là một người “hét ra
lửa, xịt ra khói” thời điểm đó: bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
Tờ Tuyên
Giáo (23-10-2018) đã viết về cái gọi là “sự sống còn của Đảng”, trước
“tình hình mới”, “vận hội mới” và “khó khăn mới”. Bài báo đã phân tích về nguy
cơ suy thoái của không ít đảng viên. Bài báo cũng nhắc lại Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Bài báo cũng cho thấy Bộ Chính trị đã… tỉ
mỉ “đếm” được 27 biểu hiện suy thoái, “trong đó, có 9 biểu hiện suy thoái về tư
tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”… Giải pháp của Đảng là gì?
Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận
chính trị; đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng
cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng,
phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Ba là, gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính
trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh
đốn Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ
các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ”…
Bốn là, chủ động phòng, chống nguy cơ “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...
Năm là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ
máy Đảng và Nhà nước…
Các giải pháp này liệu
có thể cứu Đảng? Liệu có thể cứu được con tàu trong khi ngày càng có nhiều thủy
thủ nhảy ra khỏi, trước khi nó đắm vỡ bục ra bởi va vào chính tảng băng ý thức
hệ chính trị khô cằn và lạc hậu? Bằng vào các bài viết báo động liên tục về
nguy cơ suy thoái nội bộ, có thể thấy Đảng đang quan tâm đến sự sống chết của
Đảng còn hơn sự sống còn quốc gia. Đảng đang rất cuống cuồng. “Bùa Đảng” đã hết
“linh”. Niềm tin cho Đảng đã cạn. Không ai còn nghĩ con tàu cũ nát “kiên định
đường lối Marx-Lenin” này có thể về được đến cái đích tưởng tượng của nó.
No comments:
Post a Comment