Saturday, November 10, 2018

Vì sao Bắc Hàn muốn học hỏi kinh tế Việt Nam? - Diễm Thi, RFA


Vì sao Bắc Hàn muốn học hỏi kinh tế Việt Nam?
Diễm Thi, RFA
2018-11-09
Hôm 7/11/2018, Reuters đưa tin Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong Ho sẽ  đến Hà Nội trong ba ngày từ ngày 27 tháng này để học hỏi về mô hình cải cách kinh tế của Việt  Nam. Hãng tin Yonhap xác nhận tin này nhưng Bộ ngoại giao Việt Nam thì vẫn chưa lên tiếng.
Không chọn Trung Quốc mà chọn Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn nói đến chuyện học hỏi kinh nghiệm cải cách kinh tế Việt Nam. Theo báo Asia Nikkei của Nhật ra hôm 24/6/2018, thì trong cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó hai tháng, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có nói rằng ông muốn đưa kinh tế nước nhà phát triển theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.
Thực tế trong suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc được coi là người giám hộ, bảo bọc cho Bắc Hàn, và nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.
Thế tại sao Bắc Hàn lại không chọn học hỏi phát triển kinh tế từ Trung Quốc mà lại chọn học kinh nghiệm cải cách kinh tế của Việt Nam. Lý giải điều này, tờ Asia Nikkei dẫn lời ông Junya Ishii, một nhà phân tích cao cấp tại Sumitomo Corporation Global Research, rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh nên không thích hợp với Bắc Hàn, mà mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ thích hợp hơn.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng việc lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un lại quan tâm đến kinh nghiệm cải cách kinh tế của Việt Nam hơn là kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc là một điểm đặc biệt, nhưng vì Bắc Hàn là một nước cộng sản khép kín nên những nhận định của ông chỉ mang tính cá nhân:
Tôi cho là điều này không phải tùy theo những yếu tố về địa chính trị quốc tế mà có lẽ xuất phát sở thích và cảm tính cá nhân, tức là Kim Jong-un có thể thích Việt Nam hơn Trung Quốc. Chơi với Trung Quốc khó hơn chơi với Việt Nam vì Trung Quốc thủ đoạn quá.
Từ đầu năm 2017 đã có những dấu hiệu cho thấy Kim Jong-un muốn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, trong khi với Việt Nam thì đầu năm nay đã nhấn nhá về chuyện có thể mượn Việt Nam làm địa điểm cho cuộc gặp Kim Jong-un và Donald Trump.
Nhà báo Võ Văn Tạo thì nhận định rằng giữa Bắc Hàn và Trung Quốc có phát sinh mâu thuẫn sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền cai trị đất nước nên Bắc Hàn không học theo Trung Quốc, bên cạnh đó cũng có lý do về kinh tế:
Tôi nghĩ là nó cái gì lấn cấn. Suốt nhiều thập kỷ qua thì Bắc Hàn gần như trong vòng tay bảo bọc của Trung Quốc, là cái đuôi của Trung Quốc. Khi Kim Jong-un lên nắm quyền thì bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn.
Họ thấy kinh tế Việt Nam cũng có một thành tích nhất định nhưng vẫn giữ được cái độc quyền cai trị của đảng cộng sản nên Bắc Hàn muốn đi theo hướng đó.
Ông nói thêm rằng Việt Nam và Bắc Hàn từng có quan hệ buôn bán với nhau nhưng thời điểm đó mọi việc không công khai vì Bắc Hàn không có tiếng tốt trên trường quốc tế. Có lẽ vì thế lãnh đạo Bắc Hàn vẫn tin cậy ở Việt Nam:
Hồi những năm tám mấy chín mươi thì tôi làm bên xuất nhập khẩu, tôi hay giao dịch với bộ phận tham tán thương mại của Bắc Hàn tại Hà Nội để tìm đối tác nhập khẩu xi măng, lúc đó rất hiếm và khó mua.
Việt Nam và Bắc Hàn có quan hệ mua bán với nhau nhưng điều đó gần như ngầm và ít phô trương. Năm 2010 tôi có may mắn được xuống chiếc tàu ngầm huấn luyện Việt Nam mua của Bắc Hàn từ năm 1996 mà không ai biết hết.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Phong trào “Đổi mới” do Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đưa ra vào năm 1986 thực chất là bản sao từ chính sách cải cách và mở cửa kinh tế được Trung Quốc thông qua vào cuối năm 1978 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu, nhưng vẫn giữ quyền cai trị của đảng Cộng sản.
Kinh tế rthị trường theo định hướng xhcn

Từ thập niên 1990, Việt Nam áp dụng cơ chế quản lý kinh tế mang tên Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy đây có phải là điều mà Kim Jong-un muốn học hỏi từ Việt Nam hay không, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói rằng:
Có một điều chắc chắn là nếu Việt Nam truyền đạt về cải cách kinh tế ở Việt Nam thì ông Nguyễn Phú Trọng và các quan chức của ĐCSVN chỉ muốn truyền đạt cái mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng đưa ra một trong những mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa lên chuyện đất đai rằng nếu gọi là kinh tế thị trường thì phải công nhận người dân có quyền sở hữu đất đai, có quyền định đoạt về những giá trị đất đai của mình bằng nhiều hình thức.
Gọi là kinh tế thị trường nhưng lại không chấp nhận sở hữu đất đai tư nhân mà lại cho thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa vào, có nghĩa là sở hữu đất đai toàn dân. Và cái mâu thuẫn đó sinh ra hậu quả ngày nay. Có nghĩa không một quốc gia, một chính phủ hay các định chế tài chính phương Tây nào chấp nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Luật sư Lê Công Định, chuyên tư vấn cho doanh giới nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam, trong một lần trả lời RFA về việc đưa cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” vào sau “kinh tế thị trường” vào năm 2009 đã nói rằng, trong một số ngành được đánh giá là quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia mà Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo, thì điều đó đi ngược với xu thế thị trường. Người tiêu dùng luôn phải trả giá cho điều đó. Ông nêu suy nghĩ:
Về lâu dài, tôi nghĩ nhà nước buộc phải nghĩ lại, bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả lợi ích của Nhà nước nữa.
Chín năm sau, qua một trao đổi với RFA về điều này, ông nhận xét rằng:
Nhà nước vẫn chưa thay đổi suy nghĩ về sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh. Dù chấp nhận kinh tế thị trường nhưng họ vẫn áp đặt sự quản lý cứng nhắc của nhà nước lên thị trường. Tỷ giá VND với ngoại tệ là một ví dụ.
Truyền thông Nam Hàn cho biết lãnh tụ Bắc Hàn Kim Yong Un đã nhiều lần nhắc tới những thành công về mặt kinh tế của Việt Nam.
Các quan chức Hoa Kỳ từng nói nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có thể là một ví dụ cho Bắc Hàn.
Năm 2013, trong một lần được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lúc đó là ông Bùi Quang Vinh trả lời “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”, khi nhiều người hỏi ông thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


No comments:

Post a Comment