"Cung điện cõi
âm" biến mất
Bài 2 Trong Loạt Bài Hành
trình tìm kiếm và điều khó tin về ‘cung điện cõi âm’ dưới lòng đất Hải Dương
Xem lại Kỳ 1: Toà Cung Điện Trong Lòng Đất Của Người Chết
Kỳ 2: "Cung điện cõi âm" biến mất
Ngôi mộ… bí ẩn
Những cuộc trò chuyện
với chuyên gia mộ cổ Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương), thường
được nghe ông kể về một ngôi mộ xây bằng gạch, có tuổi ngót 2.000 năm.
Ông kể rằng, giữa cánh
đồng mênh mông của huyện Kim Thành (Hải Dương), nổi lên một gò đất, trông như
một ngọn đồi. Đào sâu xuống lớp đất đó chừng 4-5m, sẽ hiện ra một công trình mộ
cổ khổng lồ, như một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ dưới lòng đất. Ông Hoành
khẳng định rằng, đây sẽ là ngôi mộ cổ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay và
phát hiện này sẽ gây chấn động không những trong nước mà còn khắp thế giới.
Cũng theo nhận định của ông, nếu ngôi mộ còn nguyên vẹn, thì có thể đào lên
được cả xe tải báu vật.
Tuy nhiên, tôi nhiều
lần gặng hỏi ngôi mộ đó ở đâu, ông Hoành cứ lấp la lấp lửng, không nói rõ. Ông
bảo rằng: “Với trình độ kỹ thuật của nước ta, hiện chưa đủ sức bảo tồn, nên cứ
để lăng mộ nằm yên dưới lòng đất, để sau này con cháu chúng ta, với phương tiện
khoa học hiện đại, nguồn lực tài chính dồi dào, sẽ khai quật nghiên cứu”.
Đã có vài lần, tôi tìm
về Kim Thành (Hải Dương), đến từng xã để dò hỏi, xem xã nào có gò đống khổng lồ
và ngôi mộ Hán như cung điện dưới lòng đất, song chỉ nhận được những cái lắc
đầu của các lãnh đạo xã. Thực ra, họ không biết gì cả, chứ không phải họ giấu
giếm. Mỗi lần đi qua vùng Kim Thành, tôi luôn dõi mắt ra cánh đồng để tìm một
“ngọn núi”. Tuy nhiên, vẫn chẳng biết nó ở đâu. Ngôi mộ cứ ám ảnh tâm trí tôi
mãi.
Sau hơn 30 năm vùi đầu
vào các công trình mộ cổ để khai quật, nghiên cứu, ông Hoành khẳng định với tôi
rằng: “Vùng đất Hải Dương là một nghĩa địa mộ cổ khổng lồ, đào đâu cũng thấy mộ
cổ”. Điều ông Hoành khẳng định thật lạ! Việc tìm ra một ngôi mộ cổ, dù ở đâu
trên đất nước này, cũng là một phát hiện quan trọng, bởi lấy đâu ra lắm mộ như
thế.
Số người chết đi trong
hàng ngàn năm nay thì tính bằng con số hàng triệu, nhưng việc lăng mộ, xương
cốt giữ được trong lòng đất hàng trăm, hàng ngàn năm thì làm gì có nhiều. Chưa
kể, trong những ngôi mộ cổ đó, có rất nhiều cổ vật quý.
Với nền khảo cổ học
thế giới, việc phát hiện ra một ngôi một ngàn tuổi, cũng chấn động lắm. Nhưng
rồi, trong nhiều ngày đi theo ông Hoành “đào mồ cuốc mả”, tôi mới tin rằng,
vùng đất Hải Dương đúng là một “nghĩa địa mổ cổ” khổng lồ. Trong lòng đất còn
ẩn chứa những ngôi mộ cổ cực kỳ hoành tráng, niên đại vô cùng sớm.
Trong một tài liệu
công bố về ngành khảo cổ học Hải Dương, sau khi “kể công” hàng loạt cuộc khai
quật quan trọng, đặc biệt là cuộc khai quật ngôi mộ Hán khổng lồ, rộng cả ngàn
mét vuông ở thôn Vũ Thượng (xã Ái Quốc, Nam Sách), các nhà khoa học đã viết
thêm: “Đây không phải là ngôi mộ lớn nhất thời Bắc thuộc, tại Kim Thành còn một
ngôi mộ 4 cuốn, lớn gấp rưỡi ngôi mộ Vũ Thượng”.
Thông tin khoa học này
lại làm tôi sốt ruột, muốn biết ngôi mộ cổ, có lẽ là vĩ đại nhất Việt Nam đó ở
đâu.
Mãi sau này, không còn
nghiên cứu đào bới mồ mả gì nữa, ông Hoành mới điện thoại cho tôi, tiết lộ địa
chỉ ngôi mộ khổng lồ mà ông và các cán bộ Bảo tàng Hải Dương giấu giếm kỹ lưỡng
hàng chục năm qua. Ý tưởng của ông Hoành là mong muốn cơ quan chức năng, chính
quyền, đoàn thể, nhân dân cùng vào cuộc để bảo vệ ngôi mộ cổ khổng lồ, chứ bỏ
hoang nó giữa cánh đồng, trong hoàn cảnh đồn điền đổi thửa, cơ giới hóa ruộng
nương, cũng không ổn.
Nhận được địa chỉ nơi
có “cung điện” lớn nhất Việt Nam dưới lòng đất, tôi lập tức tìm về Kim Thành,
Hải Dương.
Liên Hòa là xã xa nhất
của huyện Kim Thành, giáp với Hải Phòng. Vùng đất này bị cắt xẻ ngang dọc bởi
các dòng sông chi chít. Người xưa, nhất là giới quan lại giàu có thường chọn
vùng đất nhiều sông ngòi để lập trang ấp, thành quách. Khi đó phương tiện đi
lại chủ yếu là tàu thuyền. Ông Hoành thường nói vui, xưa kia, các con sông như
những xa lộ ngày nay, nên ở cạnh sông sẽ thuận tiện cho việc đi lại.
Theo chỉ dẫn của ông
Tăng Bá Hoành, đến UBND xã Liên Hòa, nhìn về hướng Đông sẽ thấy một gò đất cao
như quả núi, nơi đó, có ngôi mộ Hán khổng lồ.
Theo lời kể của ông
Hoành, cách nay hơn chục năm, trong lần về một ngôi chùa ở xã này để đọc bia đá
chữ Hán thời Trần, ông thấy trước mặt UBND xã có một gò đất rất cao, vượt lên
khỏi ngọn tre. Nhìn gò đất rộng cả ngàn mét vuông ấy, ông Hoành đã nghĩ ngay
đến một ngôi mộ Hán. Ông đã vạch cỏ trèo lên “ngọn đồi” này.
Thuê các thanh niên
trong làng đào thám sát mấy hố nhỏ từ phía đỉnh gò xuống, ông Hoành đã phát
hiện dưới gò đất là một ngôi mộ Hán khổng lồ, có tới 4 vòm cuốn. Ngôi mộ Hán
được coi là lớn nhất không những Hải Dương mà cả Việt Nam là ngôi mộ đã được
khai quật, đang trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương, song ngôi mộ đó chỉ có 3 vòm
cuốn. Ngôi mộ ông Hoành phát hiện ở xã Liên Hòa có tới 4 vòm cuốn, như vậy,
theo kinh nghiệm của ông Hoành, nó sẽ lớn gấp rưỡi ngôi mộ hiện trưng bày ở Bảo
tàng Hải Dương.
Thấy rằng, đây là
trông trình mộ cổ cực kỳ quý hiếm, hoành tráng, có tuổi ngót 2.000 năm, ông
Hoành đã gặp các lãnh đạo xã và đề nghị họ trông nom, bảo tồn cẩn thận. Vài năm
sau, ông Hoành nghỉ hưu, và thông tin về ngôi mộ cổ đặc biệt lớn này được
chuyển cho lãnh đạo kế cận. Chính vì thế, trong các báo cáo khảo cổ học hàng
năm, công trình mộ cổ khổng lồ này vẫn thường được nhắc đến với ý nghĩa cực kỳ
quan trọng.
Phá “cung điện” để… đắp đường
Tôi đứng trước cửa trụ
sở UBND bỏ hoang cũ kỹ, rêu mốc của xã Liên Hòa và nhìn về phía Đông để tìm một
“ngọn núi”, như lời ông Hoành mô tả. Thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng thấy có đồi
núi, rừng cây, hay tường thành nào cản tầm mắt. Trước mặt tôi, chỉ là một cánh
đồng mênh mông.
Liệu ông Tăng Bá Hoành
nhớ nhầm hướng? Tôi lại lang thang một vòng ra phía Tây, rồi phía Nam, phía Bắc
của trụ sở UBND xã Liên Hòa, cả trụ sở cũ và trụ sở mới, song chỉ thấy đồng lúa
bát ngát, xóm làng bình yên. Tôi gặng hỏi người già, trẻ nhỏ, về một “ngọn núi”
trong địa bàn xã, song ai cũng cười, bảo: “Anh tìm núi làm gì, ở đồng bằng thì
sao tìm được núi?”.
Chỉ cần nhìn bằng mắt
thường, cũng rõ ràng chẳng thấy “ngọn núi” nào. Tôi gọi điện trao đổi qua lại,
song ông Hoành vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng nó ở phía đông của UBND xã
Liên Hòa. Thôi thì cứ lấy cái trụ sở cũ kỹ đó làm mốc, tôi thử cuốc bộ về hướng
Đông.
Đi bộ xuyên qua cánh
đồng chừng 300m, thì gặp một bãi đất trống, rộng bằng cái sân bóng đá cỡ nhỏ.
Một góc bãi đất trống là đống rác bốc mùi hôi thối, góc kia của bãi đất là một
cái hồ lớn, bèo ken đặc, cỏ mọc um tùm, trùm kín.
Đang loay hoay chụp
ảnh bãi đất, thì có một anh nông dân đi qua. Tôi liền chỉ vào bãi đất trống và
cái hồ nước hỏi: “Chỗ này từng có gò đất lớn phải không anh?”. Anh nông dân
giới thiệu họ tên là Lương Văn Nhã rồi gật đầu bảo: “Chỗ này có cái đống to
lắm, cao lắm, vượt cả ngọn tre, nên gọi là Đống Cao. Mấy năm trước dân làng phá
đống lấy đất và gạch để làm đường rồi”.
Nghe anh nông dân
Lương Văn Nhã nói vậy, tôi như chết lặng. Thế là di sản vô cùng quý hiếm, thế
là một “cung điện” khổng lồ, được xác định lớn nhất Việt Nam, mà các nhà khoa
học ở Hải Dương thi thoảng vẫn lôi ra khoe, báo cáo với vẻ tự hào, đã biến mất,
không để lại dấu tích gì.
Nói rồi, anh Nhã dẫn
tôi đến con đường cách đó không xa. Con đường đắp cao vượt khỏi mặt ruộng, rải
bê tông sạch sẽ, mới toanh. Chỉ vào con đường thẳng tắp, nối từ thôn ra đường
liên xã, cắt ngang cánh đồng, anh Nhã bảo: “Dân làng chúng tôi phá Đống Cao lấy
đất và gạch, đắp đủ cho con đường dài mấy trăm mét này đấy!”.
Thấy người lạ hí hoáy
chụp ảnh, ghi chép, dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Tôi hỏi: “Các chú các
bác có biết, dưới cái Đống Cao mà các chú các bác phá mất là cái gì không?”.
Người dân nơi đây, từ cụ già cho đến đứa trẻ đều không biết là cái gì. Người
thì bảo đấy là cái… lò gạch để hoang, người thì bảo hầm tránh bom, hầm đánh
giặc. Không một ai biết đó là một ngôi mộ Hán khổng lồ 2.000 năm tuổi.
Cụ Phí Văn Đông bảo:
“Từ hồi bé xíu tôi đã thấy cái gò đống này rồi. Các cụ đời trước cũng không
biết nó là cái gì. Hồi đánh Pháp, ông Nguyễn Đức Đạo và mấy cụ trong làng đào
hầm trên Đống Cao để trú ẩn, thấy nhiều gạch lắm, đúng là nó xếp vòm như cái
hang, như cái cống bắc qua mương nước”. Nghe cụ Đông mô tả thế, thì đúng là mộ
Hán rồi.
Anh Nhã kể thêm:
“Khoảng cuối năm 2004, chúng tôi thấy rất nhiều người lạ kéo đến đào Đống Cao.
Có cả dân quân bảo vệ đứng bao quanh không cho ai vào xem. Khi họ kéo đi, chúng
tôi tìm vào, thấy đào bới tanh bành. Chúng tôi cũng không hiểu họ đào bới cái
đống này làm gì, nhưng thấy lộ rõ mấy cái đường hầm ra ngoài”.
Khi tôi đang trò
chuyện, tìm hiểu, thì một số bà, một số chị ghé vào nói thêm: “Nghe nói, họ đào
được nhiều của lắm, đánh cả ôtô về chở đi cơ!”. Kiểu đồn đại đào được nhiều
châu báu ở những ngôi mộ cổ thì đâu cũng có, nên không đáng tin.
Theo người dân nơi
đây, một thời gian sau khi Đống Cao bị đào bới, nhân dân quyết định làm con
đường liên thôn. Không biết lấy đất ở đâu, mà Đống Cao thì lù lù ngay cạnh, nên
họ kéo vào đào đất, móc gạch đắp đường. Mấy chiếc công nông được trưng tập, chở
gạch và đất suốt ngày từ Đống Cao rải ra đường.
Anh Nhã kể thêm:
“Không hiểu sao người ta chôn lắm gạch dưới cái đống ấy thế? Có lẽ phải đến cả
trăm chuyến công nông chở mới hết gạch. Số gạch và đất đủ để đắp con đường dài
mấy trăm mét cơ mà”.
Tôi trông con đường
bêtông mới toe, thẳng tắp, cao vượt khỏi mặt ruộng và trông cái bãi hoang rộng
mênh mông từng có gò đống, cũng mường tượng ra ngôi mộ này lớn đến cỡ nào.
Nếu thực sự đây là
ngôi mộ Hán, là “cung điện dưới lòng đất”, thì chắc chắn phải có gạch múi bưởi
và gạch lớn bản, có vân ở cạnh. Tôi lò dò bới đất ven đường, chỗ không rải
bêtông. Đúng như dự đoán, tôi bới lên được rất nhiều mẩu gạch có hoa văn, là
dạng gạch dùng để xây mộ từ thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 4.
Bọn trẻ thấy tôi săm
soi tìm gạch, cũng chạy đi đào bới, tìm kiếm giúp. Dọc bờ mương, bờ ao, ven con
đường đều xuất hiện những viên gạch thời Bắc thuộc.
Thế là hết. Một công
trình vĩ đại cổ xưa, tồn tại trải gần 2 ngàn năm, đã biến mất trong chớp mắt,
bởi sự thiếu hiểu biết, bởi sự vô ý thức của con người.
Đau lòng hơn, khi ngôi
mộ đã bị phá hủy hoàn toàn, giữa thanh thiên bạch nhật, suốt nhiều ngày trời,
từ mấy năm nay rồi, mà ở cách đó chỉ vài chục km, các nhà khoa học, các nhà
chức trách, vẫn chưa hề hay biết, vẫn báo cáo về sự tồn tại của một công trình mộ
cổ kỳ vĩ, lớn nhất từ trước đến nay.
Và cụ thể hơn nữa, vô
trách nhiệm hơn nữa, là một số lãnh đạo địa phương. Họ đã biết dưới lòng Đống
Cao kia, là một ngôi mộ Hán khổng lồ, là một di sản có một không hai (bởi các
nhà khoa học đã cảnh báo, đã dặn dò) nhưng họ vẫn làm ngơ, hoặc có thể đã tiếp
tay trong việc phá hủy hoàn toàn di sản quý giá.
Theo nhà khảo cổ Tăng
Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, người từng trực tiếp khai quật
hàng trăm ngôi mộ ngàn tuổi, ngoài những nhân vật và sự kiện được ghi trong
quốc sử, dã sử, trong thần tích, các bi ký tại các đền, miếu, thì lịch sử
hiện hữu rõ ràng, cụ thể và sống động nhất chính là trong các ngôi mộ còn tồn
tại đến bây giờ. Nghiên cứu những ngôi mộ, sẽ thấy được cả đời sống xã hội con
người thời xưa, do đó, những ngôi mộ chính là kho tàng di sản cực kỳ to lớn.
Ông Hoành cho biết,
vài chục năm trước, trên khắp các cánh đồng ở Hải Dương, đặc biệt là vùng Nam
Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang... có thể gặp
hàng nghìn gò đống lớn nhỏ. Giữa vùng đồng bằng sông nước, những gò đống ấy
không phải do thiên tạo, mà do con người tạo nên trong lịch sử. Qua nghiên cứu
mấy chục năm, ông Hoành xác định, dưới những gò đống ấy, phần lớn là những ngôi
mộ xây theo kiểu Hán, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ IX.
Những ngôi mộ đều rất
lớn, có diện tích mộ phần hàng nghìn mét vuông. Gần hai nghìn năm dãi dầu mưa
nắng mà các gò đống vẫn còn cao tới 5-6m, thậm chí cả chục mét, chứng tỏ xưa
kia, các gò đống này đều to như quả núi.
Điều đặc biệt, trong
các hầm mộ vòm cuốn xây bằng gạch, hoặc dựng bằng gỗ, rộng hàng trăm mét vuông,
thường chứa vô số đồ tùy táng bằng gốm thô và đồ đồng. Những ngôi mộ của quan
lớn, giàu có xa hoa có thể có hàng tấn cổ vật. Bản thân ông Hoành đã từng khai
quật được hàng chục kg tiền đồng, nhất là tiền Ngũ thù thời Đông Hán.
Để xây đắp được những
ngôi mộ này, người ta phải chuẩn bị hàng chục, thậm chí hàng trăm khối gạch
lớn, đào đắp hàng vạn, đến cả triệu khối đất cho một ngôi mộ. Ta cứ tưởng
tượng, việc xây dựng thành đắp lũy xưa kia khổ cực, khó nhọc thế nào, thì đắp
mộ cho quan lại người Hán cũng thế.
Khai quật những ngôi
mộ này, các nhà khảo cổ học có thể thấy rõ tình hình kinh tế xã hội, văn hóa
đương thời đầu công nguyên một cách chính xác. Tất cả các kỹ thuật, công sức
xây dựng đều do người Việt làm ra, do đó, nó là sản phẩm của lịch sử một thời.
Trải qua hàng nghìn
năm, những ngôi mộ nói trên vẫn tồn tại nhờ tín ngưỡng và tinh thần tôn trọng
lịch sử. Do đó, ngày nay, khi đất nước chúng ta có nhiều điều kiện hơn lịch sử,
lẽ ra phải bảo tồn tốt hơn, nhưng thật không ngờ, chỉ vài chục năm nay, hàng
trăm, thậm chí cả ngàn ngôi mộ cổ, khổng lồ và đẹp đẽ như những “cung điện
trong lòng đất” ở Hải Dương đã bị huỷ hoại.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
No comments:
Post a Comment