Toàn
cầu hóa đang cáo chung?
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-09-18
2018-09-18
Việc Chính quyền Hoa
Kỳ vừa tung ra đợt áp thuế thứ ba trong trận thương chiến với Trung Quốc khiến
nhiều người bình luận về hậu quả. Nhưng mục Điễn đàn Kinh tế lại nhìn vào
nguyên nhân và nêu câu hỏi về hiện tượng toàn cầu hóa.
Thương chiến Mỹ-Trung
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chiều Thứ Hai
17 vừa qua, Chinh quyền Mỹ đã công bố một quyết định áp thuế nữa trên một lượng
hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la. Ông nghĩ sao
về quyết định này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, chiến tranh thương mại hay
thương chiến giữa hai nước mới chỉ bắt đầu. Thứ hai, khi dự đoán về hậu quả,
giới kinh tế cứ bị ý thức hệ chi phối nên có thể tính sai. Thứ ba, trận thương
chiến chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó. Và nếu suy ngẫm cho
kỹ, có lẽ người ta phải kết luận rằng hiện tượng toàn cầu hóa đang chấm dứt
trước mắt chúng ta. Đề tài này rất phức tạp rắc rối nên tôi sẽ cố gắng trình
bày thật chậm, có khi qua vài kỳ.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với
phương pháp hay khảo hướng lý luận của ông với khá nhiều nghịch lý nên Nguyên
Lam xin đề nghị ông trình bày cho những lập luận này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, trận thương chiến mới chỉ
bắt đầu và sẽ không dứt. Sau hai đợt áp thuế đầu tiên trên 34 tỷ rồi 16 tỷ hàng
hóa của Trung Quốc, Hoa Kỳ áp thuế đợt ba, nhưng qua hai bước, là 10% từ hôm 24
này cho tới cuối năm, sau đó là 25% từ đầu năm tới. Danh mục 6000 ngàn mặt hàng
của Tầu bị áp thuế có một số thay đổi căn cứ trên yều cầu của doanh nhiệp Hoa
Kỳ. Trong khi đó, ông Trump còn nói đến biện pháp tăng thuế trên một lượng hàng
hóa của Trung Quốc trị giá tới 260 tỷ đô la nữa. Có nhiều lý do giải thích diễn
biến này.
- Thứ nhất, Hoa Kỳ
không chỉ áp thuế để điều chỉnh thất quân bình mậu dịch, nôm na là nạn nhập
siêu khi Mỹ mua nhiều hơn bán cho Tầu mà muốn gây áp lực để Bắc Kinh phải cải
cách hệ thống kinh tế chính trị của họ. Cụ thể là phải tháo gỡ chế độ bảo hộ
nội địa là bảo về các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc; là chấm dứt vai trò
chủ đạo của hệ thống doanh nghiệp nhà nước; là bãi bỏ chế độ cưỡng bách chuyển
giao công nghệ, thậm chí ăn cắp công nghệ cao cấp của Hoa Kỳ qua việc không
chấp hành luật lệ bảo vệ tác quyền.
- Lý do thứ hai là cho
thấy Hoa Kỳ không sợ đòn trả đũa của Bắc Kinh, như tác động vào các địa phương
bỏ phiếu cho Chính quyền Donald Trump và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa
nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11 tới đây và vào cuộc Tổng tuyển cử năm 2020. Hoa
Kỳ không sợ biện pháp trả đũa này vì tình hình kinh tế khả quan hơn mọi dự đoán
trước đây và vì một số doanh nhiệp Mỹ cũng đã thấy ra gian ý của Bắc Kinh khi
bị gây khó khăn ở tại Trung Quốc.
- Lý do thứ ba nằm
ngoài lĩnh vực kinh tế, là Hoa Kỳ muốn ngăn chặn và đẩy lui đà bành trướng lẫn
tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên nhiều khu vực địa dư khi chính kinh tế của
Trung Quốc cũng có bao khó khăn nội tại. Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng trận thương
chiến sẽ không dứt mà còn kéo dài nhiều năm.
Kinh tế và ý thức hệ
Nguyên Lam: Qua bước thứ hai, Nguyên Lam xin đề nghị
ông giải thích cho tại sao ông nói rằng giới kinh tế đôi khi dự báo sai
về hậu quả chỉ vì họ bị ý thức hệ chi phối. Chẳng hóa ra giới kinh tế cũng có
thể thiếu khách quan?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện này không sai! Khi nói Mỹ sẽ áp
thuế thêm 10% trên một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhiều kinh tế gia dự
đoán hay tri hô sai rằng giới tiêu thụ các mặt hàng đó sẽ phải trả giá
đắt hơn 10%! Sự thật ít khi xảy ra như vậy vì mỗi mặt hàng lại có sự vận hành
khác chứ không đồng dạng. Và thuế cao sẽ dẫn tới ba kịch bản. Một là sản phẩm
có thể đắt hơn 10%, hai là nhà tiêu thụ có thể mua ít hơn; ba là doanh nghiệp
nhập khẩu có thể ít lời hơn nên sẽ tính toán lại về sự lợi hại. Vì vậy, việc áp
thuế không nhất thiết là làm giới tiêu thụ bị nghèo đi. Những nhà kinh tế muốn
bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cứ chỉ nói về hậu quả
này để dọa nạt dư luận.
- Họ quên hoặc cố tình
quên rằng các doanh nghiệp nhập khẩu hay sử dụng hàng của Trung Quốc trong tiến
trình sản xuất để bán cho dân Mỹ cũng biết tính. Họ có thể chịu một phần thiệt
lại, doanh lợi bị giảm, hầu giới tiêu thụ vẫn mua số lượng cũ với giá xưa, nhất
là nếu mặt hàng đó là loại có giá trị, điển hình là đồng hồ cao cấp. Biện pháp
áp thuế chỉ chuyển nguồn lợi từ phía Trung Quốc về Hoa Kỳ làm các doanh nghiệp
Mỹ phải tìm chiến lược khác hơn là đầu tư và tạo ra việc làm cho lao động Trung
Quốc mà gây thiệt hại cho Mỹ.
Nguyên Lam: Câu chuyện này quả là phức tạp chứ không
dễ hiểu. Nguyên Lam xin trở lại điểm thứ ba ông trình bày hồi nãy. Rằng “trận
thương chiến này chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó.” Xin ông
khai triển thêm cho thính giả của chúng ta về những chuyện bất thường này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ mấy chục năm qua, quốc gia nào cũng
đề cao tự do thương mại, kể cả một nước ăn gian theo diện chính sách như Trung
Quốc hay các nước dân chủ tiên tiến theo quy luật thị trường như Âu-Mỹ-Nhật. Dù
đề cao như vậy, xứ nào cũng ngầm bảo vệ một số khu vực nội địa của mình, vì lý
do này hay lý do khác. Đấy là một chuyện bất thường mà nhiều nhà kinh tế chẳng
nói ra có khi còn tìm lý do biện hộ cho chế độ bảo hộ mậu dịch trá hình. Trong
trò gian đó thì bất lương nhất là các kinh tế gia Trung Quốc.
- Bất thường nghiêm
trọng hơn thế là các nước đều tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương thấp vì vậy, họ
khai tử toàn cầu hóa mà cứ nói là bảo vệ tự do mậu dịch!
Tăng trưởng cao nhờ lương thấp
Nguyên Lam: Có lẽ ông đang đi vào điểm chính
của đề tài hôm nay. Thưa ông, thế nào là “tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương
thấp”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong khi lãnh đạo xứ nào cũng nói đến
nhu cầu bảo vệ dân nghèo, họ đều áp dụng chung một chiến lược là tìm cách sản
xuất cho nhiều cho rẻ để đạt mức tăng trưởng cao. Hậu quả bất thường và trái
ngược của toàn cầu hóa là các nước tìm những nơi có nhân công rẻ nhất để sản
xuất và các nước nghèo thì ép lương của giới lao động để thu hút đầu tư từ các
nước giàu hơn.
- Nhưng trong đà hồ
hởi về toàn cầu hóa, người ta không thấy ra sự thật kinh tế là lương rẻ lại
đánh sụt số cầu. Số cầu là nhu cầu tiêu thụ của con người, nếu lợi tức giảm vì
lương thấp hay lương sụt thì số cầu đó cũng giảm. Kinh tế gọi số cầu đó là
“tổng cầu”, hoặc “aggregate demand”. Chiến lược sản xuất cho nhiều và rẻ dẫn
tới sự giảm sút của tổng cầu, nhưng một thiểu số lại chiếm lợi nhiều hơn chính
là nhờ việc mua bán hay xuất nhập bất thường như vậy. Hãy tưởng tượng đến một
cái bánh nhỏ hơn mà thiểu số mua qua bán lại thì chiếm phần lớn hơn.
- Thí dụ cụ thể như
tại Việt Nam, giới đầu tư ngoại quốc đem tiền vào tìm nhân công rẻ lại được nhà
nước Việt Nam ưu đãi cũng vì chiến lược kinh tế dại dột ấy. Giới đầu tư thì
giàu to và rút tiền lời về nước, còn Việt Nam được tiếng xuất nhập khẩu cao nhất
mà lao động Việt Nam chẳng có miếng nào! Nếu giới đầu tư lại là của Trung Quốc
thì ta thấy ra tai họa nhiều mặt. Đó là “toàn cầu hóa... dại”.
Nguyên Lam: Ông đã nói rằng đề tài kỳ này khó hiểu
nhưng Nguyên Lam là chẳng ngờ nó lại rắc rối tới mức đó vì nhân danh toàn cầu
hóa nhiều quốc gia cũng theo đuổi chiến lược này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, khoa kinh tế gọi hiện tượng
này là “bần cùng hóa người láng giềng”. Nếu xứ nào cũng cạnh tranh nhờ nhân
công rẻ và lương bổng thấp thì mọi người đều bị nghèo đi. Các biện pháp lý
thuyết về tự do thương mại như hạ thuế quan hay hạn ngạch đến mức tối thiểu
cũng chỉ phục vụ chiến lược đó mà thôi vì thuế rẻ mua nhiều lại là mua từ nơi
sản xuất rẻ hơn cả.
- Quốc gia duy nhất
gặp hoàn cảnh bất thường là không thể áp dụng chiến lược “bần cùng hóa người
láng giềng” chính là Hoa Kỳ vì không thể có thặng dư cán cân thương mại là được
xuất siêu, trong khi thị trường tư bản vẫn được tự do. Vì vậy, khu vực chế biến
của Hoa Kỳ bị rút ruột khi doanh nghiệp Mỹ đầu tư kiếm lời ở xứ khác nhờ nhân
công rẻ và nhiều tiểu bang bị kẹt giữa các tiểu bang duyên hải cứ lao vào toàn
cầu hóa với các tổ hợp giàu có nhất. Chính vì vậy, Donald Trump mới đắc cử năm
2016. Ông ta chỉ là triệu chứng phản ảnh những bất lợi cho một thành phần quần
chúng Mỹ mà thôi, chứ ông không gây ra tình trạng khủng hoảng ngày nay như
nhiều người vẫn tố cáo.
Nguyên Lam: Nếu vậy thưa ông, rồi đây thì tình hình
sẽ biến chuyển ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trở lại chuyện thương chiến Mỹ-Hoa,
thời điểm này là bất lợi cho Bắc Kinh. Trước hết thì họ khó trả đũa vì hết đũa
để trả khi chỉ nhập chừng 185 tỷ từ Hoa Kỳ mà có thể bị áp thuế tới 50 tỷ rồi
200 tỷ và có thể 260 tỷ nữa, tức là còn cao hơn số xuất khẩu của họ vào Mỹ
trong năm ngoái là 505 tỷ.
- Thứ nữa, Trung Quốc
rơi vào cảnh chưa giàu đã già vì dân số bị lão hóa và lực lượng lao động sẽ
sụt. Thứ ba, trong nội bộ thì dị biệt về lợi tức và nhận thức chỉ tăng chứ
không giảm và là bài toán chính trị cho lãnh đạo Bắc Kinh. Thứ tư, khác với Hoa
Kỳ là quốc gia có tiềm năng sáng tạo rất cao và đang bước lên bậc thang dịch vụ
thay cho chế biến, Trung Quốc có nền văn hóa triệt tiêu sáng tạo vì không cho
ai nghĩ khác hay nói khác với chân lý độc quyền của đảng. Sau cùng, xứ này
không thể có đà tăng trưởng cao như trước và đang chìm trong một núi nợ dễ sụp
đổ. Thương chiến kéo dài thì Bắc Kinh sẽ phải tăng chi và bơm tiền để kích
thích kinh tế nên sẽ còn mắc nợ nhiều hơn.
Nguyên Lam: Thế còn chuyện toàn cầu hóa, thưa ông,
tình hình rồi sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là tình hình sẽ này một tệ hơn
cho tới khi các nước đành nói thật và không chơi trò gian nữa, là điều có xác
suất rất thấp, tức là khó xảy ra. Kịch bản ở giữa là các nước đều sẽ thi đua áp
thuế và hạn chế tự do vận chuyển tư bản cho tới khi bế tắc thì sẽ rà soát lại
thực chất của toàn cầu hóa. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan
rã, người ta nói đến “Thế giới Nhất thể hóa” là các nước tự do buôn bán với
nhau trong một tập thể hợp nhất. Từ đó mới có trào lưu toàn cầu hóa. Trào lưu
đó đang chấm dứt trước mắt chúng ta cho tới khi các nước nói thật và tìm ra một
trật tự khác. Trật tự đó không thể là do Bắc Kinh lập ra vì khi đó, Trung Quốc
đã lâm họa với những bế tắc bên trong.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ
này.
No comments:
Post a Comment