Friday, September 21, 2018

Nhà thơ lãng tử dễ thương Nguyễn Tất Nhiên - Đoàn Dự


Nhà thơ lãng tử dễ thương Nguyễn Tất Nhiên
Đoàn Dự
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, là một nhà thơ được nhiều người Việt Nam yêu thích. Đối với các nhà thơ khác thì người ta hâm mộ, còn đối với Nguyễn Tất Nhiên, người ta yêu thích do thơ của Nhiên rất hay, phóng khoáng, có những nét gần như kỳ lạ nhưng lại rất trẻ, rất hồn nhiên, cứ viết là viết, hễ thích là viết và viết rất gần gũi với cuộc sống con người. Ví dụ: “Người từ trăm năm/ Về ngang sông rộng/ Ta ngoắc mòn tay/ Trùng trùng gió lộng/ Thà như giọt mưa/ Vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa/ Khô trên tượng đá/ Có còn hơn không…” (Trích: Khúc tình buồn. Phạm Duy phổ nhạc và đổi tên thành ‘Thà như giọt mưa’ nhưng xem ra cái tên Khúc tình buồn hay hơn). Ôi, tình yêu mà chỉ có “một khúc” thôi – một khúc ngắn ngủi, nhỏ bé, giống như những giọt mưa rơi trên tượng đá, sau đó khô đi và tác giả tự an ủi: “Có còn hơn không”. Thật dễ hiểu, dễ gần gũi, vì ai cũng đã từng trải qua thứ tình cảm ấy nên thấy yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Thời trẻ tuổi
Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại California, Mỹ, hưởng dương 40 tuổi. Lúc còn là một học sinh với cái tên khai sinh Nguyễn Hoàng Hải, Nhiên theo học tại trường Trung học Công lập Ngô Quyền Biên Hòa từ năm lớp 6 (1963) cho tới năm lớp 12 (1970). Biên Hòa trước 1975 có hai trường trung học lớn, là trường Ngô Quyền (công lập) và trường Khiết Tâm (tư thục, công giáo). Trường Ngô Quyền nay vẫn còn nhưng trường Khiết Tâm đã bị tịch thu ngay sau 30-4 và trở thành trường bán công.
Khi còn là một học sinh trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9), cậu học sinh Nguyễn Hoàng Hải đã làm thơ và thơ rất hay, rất tình cảm, với những ý tưởng đặc biệt nên được bạn bè hâm mộ. Mới học lớp 7 nhưng cậu rủ cậu bạn cùng lớp cũng yêu thơ như mình tên là Đinh Thiên Thọ thành lập thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình và khuyến khích bạn bè hợp tác. Các “tác phẩm” cả thơ lẫn văn trong thi văn đoàn đem quay ronéo rồi chuyền tay nhau đọc. Năm sau, lên lớp 8, mới 14 tuổi (năm 1966), hai “nhà thơ học trò” này chung tiền nhau xuất bản tập thơ đầu tay Nàng thơ trong mắt. Gia đình Nguyễn Hoàng Hải có tiệm may âu phục lớn ngay trong trung tâm thành phố, còn gia đình Đinh Thiên Thọ có tiệm tạp hóa cũng rất khá giả, nên tiền in thơ cũng “lo được”. Đinh Thiên Thọ lấy bút hiệu là Đinh Thiên Phương còn Nguyễn Hoàng Hải lấy bút hiệu Hoài Thi Yên Thi. Như vậy, Đinh Thiên Phương và Hoài Thi Yên Thi là hai nhà thơ “nhí” có tác phẩm xuất bản rất sớm, vào năm 14 tuổi (Đinh Thiên Thọ và Nguyễn Hoàng Hải bằng tuổi nhau).
Trong thời gian này, Hoài Thi Yên Thi (Nguyễn Tất Nhiên) thầm yêu một cô bạn cùng lớp gốc “Bắc kỳ di cư 54” tên là Duyên (Hoài Thi Yên Thi người miền Nam) với những tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng, nhưng không đi đến đâu vì tình yêu thuở học trò thời đó là như vậy, “yêu rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu” chứ không như bây giờ. Tuy nhiên, dù sao thì cô bạn gái cùng lớp tên Duyên cũng là niềm cảm hứng cho nhà thơ Hoài Thi Yên Thi và sau này “chàng” đổi bút hiệu thành Nguyễn Tất Nhiên, sáng tác khá nhiều bài thơ rất có giá trị: “Khúc tình buồn” (Phạm Duy phổ nhạc thành “Thà như giọt mưa”), “Linh mục” (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành “Vì tôi là linh mục”), “Ma sơ” (Pha5m Duy phổ nhạc thành “Em hiền như ma sơ”), “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”,v.v… Người ta tìm được 71 bài đã đăng báo và 3 tập thơ đã xuất bản, trong đó có một tập in ở Mỹ khi Nhiên còn sống.
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc còn rất ít tuổi. Đầu óc Nhiên được mô tả là lúc nào cũng như mơ mộng, suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả trong khi còn đang đi học. Bạn bè thời đó gọi đùa Nhiên là “Hải-ngố” hay “Hải-khùng”. Có câu chuyện do bạn bè kể lại là một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư trong thành phố Biên Hòa, hai tay đút túi quần, cặp mắt mơ mộng nhìn lên trời như không biết đó là ngay giữa ngã tư.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy, hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà “Hải-khùng” vẫn mặc chiếc áo măng-tô mua ở khu Dân sinh dưới Sài Gòn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đạp xe đạp đi theo “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” tên Duyên.
Giai đoạn từ 1971 trở về sau
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công, thơ in ronéo tặng cho các nữ sinh chẳng ai buồn đọc. Hai tập thơ xuất bản, gửi bán trong tiệm sách ở đầu chợ Biên Hòa, để lâu giấy vàng cả ra cũng chẳng ai mua.

Cho đến khi thơ của Nhiên được một giáo sư trong trường Ngô Quyền (trước năm 75 các thầy cô giáo dạy trung học gọi là giáo sư, dạy tiểu học gọi là giáo viên; sau 75 tất cả đều là giáo viên giống như ngoài Bắc), vốn yêu thơ và biết thơ của Nhiên có giá trị nên gửi tới tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Lúc ấy, hễ có bài đăng trên tạp chí Văn của Trần Phong Giao, tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo hay Bán nguyệt san Thời Nay của Nguyễn Văn Thái v.v… là rất dễ được mọi người chú ý. Các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy thơ của tác giả Nguyễn Tất Nhiên nào đó đăng trên Sáng Tạo rất hay và có ý lạ nên phổ nhạc, từ đó Nguyễn Tất Nhiên bắt đầu nổi tiếng.
Bị… lính chê!
Đầu năm 1972, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ Trường Sĩ quan Thủ Đức, nhưng mới đi trình diện, khám sức khỏe tại Trung tâm Nhập ngũ số 3 đường Tô Hiến Thành thì bị các bác sĩ trong Hội đồng Giám định Y khoa… chê và cho về với lý do “tâm thần không ổn định”.
Đối với anh chàng lãng tử đầu óc luôn luôn để đâu đâu này thì đi lính cũng được, không đi lính cũng được, chẳng sao cả. Nhưng đã đi rồi lại bị cho về vì… đầu óc không bình thường thì cũng hơi mắc cỡ với bạn bè. Do đó, chàng bèn nói dóc rằng chính chàng giả bộ tâm thần, đánh lừa được Hội đồng Giám định nên họ cho về. Giải thích riết rồi… chính chàng cũng tưởng rằng mình có tài “giả điên” thật, nên bèn lấy làm khoái chí lắm, hễ gặp bạn bè là khoe tới khoe lui hoài.
Thế rồi, sau 1975, ai cũng nghèo, Nguyễn Tất Nhiên may mắn xin được một chân làm nhân viên điều hành trong Hợp tác xã xe lam ở bến xe Tam Hiệp, Biên Hòa, đồng lương tuy chẳng bao nhiêu nhưng cũng đỡ phải chơi không. Ngoài ra, Nhiên cũng có một người anh và một người chị ở bên Pháp làm ăn từ trước rất khá giả, luôn luôn gửi quà (tức các thùng hàng, lúc đó chưa được gửi tiền như bây giờ) về giúp đỡ nên gia đình không đến nỗi nào. Không phải lo cho chuyện gia đình, buổi tối buồn tình chàng đi học đàn ghi-ta và học sáng tác âm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nhưng không thành công. Chàng chẳng sáng tác được bản nhạc nào. Cuối năm 1980, gia đình được bảo lãnh sang Pháp, trong đó có Nhiên. Lúc ấy chàng 28 tuổi.
Ba năm sau, có một cô gái tên Lê Minh Thủy từ bên Mỹ đi du lịch Âu châu, sang Pháp. Cô này vẫn hâm mộ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, nhất là qua các bài đã được nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, bèn tìm đến thăm. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi ít lâu sau chàng sang Mỹ làm đám cưới với nàng và ở lại với vợ tại Mỹ, sống ở Quận Cam, California. Năm 1987, theo gợi ý của vợ, chàng gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam tại hải ngoại. Đó là một mối tình đẹp, họ rất yêu nhau và có với nhau hai con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy nhà thơ lãng tử Nguyễn Tất Nhiên chết trong chiếc xe hơi của mình đậu dưới bóng cây trong một sân chùa thuộc California, có lẽ do bị trụy tim bất ngờ.
Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
Đây là những câu thơ được coi là “tiền định” trích trong bài “Giữa trần gian tuyệt vọng” làm năm 1972, lúc Nguyễn Tất Nhiên mới 20 tuổi. Những câu thơ này được khắc trên mộ bia của chàng. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm tại Vườn vĩnh cửu trong nghĩa trang Westminster, phía tây Little Saigon, California. Rất thường xuyên, các du khách Việt đến thăm khu phố Bolsa – Little Saigon có ghé ngang qua thăm mộ thi sĩ.
Theo lời nhà báo Đoàn Thạch Hãn thì bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên là do nhà thơ Du Tử Lê đặt. Ông Hãn kể rằng theo nhà thơ Phạm Chu Sa, “có lần Nhiên bộc bạch rằng bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên là do Du Tử Lê đặt. Nhiên bảo, ngay lần đầu mới gặp, Du Tử Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi. Nhiên hỏi Du Tử Lê: ‘Bạn bè em ai cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?’. Lê đáp: ‘Tất nhiên’. Du Tử Lê nói thêm: ‘Họ Nguyễn hả? Ừ thì lấy luôn là NguyễnTất Nhiên đi’”. Thế là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp của một con người tài hoa bạc mệnh.
Bài thơ dưới đây được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên:
Tình ơi hỡi tình

Lâu rồi…, không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian.
Em về, dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau?

* * *
Lâu rồi…, lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian.
Em đi, tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo.

* * *
Lâu rồi…, không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tàn xiêu đổ đời.
Hôm em êm ả điệu ngồi,
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.

“Người xưa” lên tiếng
Trong số những bài thơ Nguyễn Tất Nhiên để lại, người con gái tên Duyên có một vị trí đặc biệt. Trong “Khúc tình buồn”, Nguyễn Tất Nhiên đã thấy “Người từ trăm năm về qua sông rộng. Ta ngoắc mòn tay (nhưng chỉ thấy) trùng trùng gió lộng”. Anh yêu người con gái ấy song không thể đến gần, bởi vì người đó cứ xa cách muôn trùng. Anh yêu, cuồng nhiệt, bỏng cháy mà không được đáp lại nên điều ước thật… điên: “Thà như giọt mưa/ Vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa/ Khô trên tượng đá/ Có còn hơn không”. Sau này, một người bạn của Nguyễn Tất Nhiên kể lại là đã hỏi tại sao lại “thà như giọt mưa” thì anh trả lời hết sức cắc cớ: “Ai biểu Duyên không yêu tôi thì tôi làm giọt mưa… vỡ trên vai nàng”.
Người con gái xứ Bắc tên Duyên đã đi vào thơ Nguyễn Tất Nhiên là ai? Bóng hồng ấy có sức hút mãnh liệt thế nào khiến nhà thơ đắm say, si tình, điều đó gợi ra trí tò mò của người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên… Chính từ thắc mắc ấy, nhà báo Hà Đình Nguyên đã bỏ công ra truy tìm nguyên mẫu trong hàng chục năm ròng rã từ nhiều nguồn tin, bằng các mối quan hệ và bằng cả cơ duyên.
Trong một lần tâm sự với nhà thơ Lê Minh Quốc, anh thành thật nói rằng mấy chục năm nay đã cố tìm tòi về người đẹp tên Duyên trong các bài thơ nhưng “bó tay”. Lê Minh Quốc lục trong trí nhớ và giới thiệu Hà Đình Nguyên tìm gặp nhà báo Lưu Đình Triều, người học cùng trường Ngô Quyền thuở trung học với người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Qua trí nhớ của người bạn của Nguyễn Tất Nhiên, cô gái tên Duyên cũng hé mở. Theo Lưu Đình Triều, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải sinh năm 1952, sau mới lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Còn cô Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên dân “Bắc Kỳ”, gia đình di cư vào Nam năm 54. Tình yêu của Hải dành cho Duyên cả trường Ngô Quyền ai cũng biết. Ngoải ra, Duyên còn là nguồn cảm hứng, là nguyên mẫu cho nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên khi anh ở độ tuổi đôi mươi.
Những tưởng Nguyễn Tất Nhiên sẽ chiếm được trái tim “người đẹp” khi tên cô ngân vang cùng nhạc Phạm Duy trong lòng bao nhiêu người yêu mến. Thế nhưng, người đẹp tên Duyên và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên vẫn đường hai lối rẽ. Sau này, họ cùng sống ở Mỹ nhưng không biết có cơ hội nào gặp lại nhau không, vì một người ở Michigan, một người ở California.
 
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào hiện nay vẫn sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Sau này, qua những người bạn của Nguyễn Tất Nhiên, cô đã nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò: “Tụi này học chung cùng lớp với nhau từ năm đệ tứ. Nhưng lúc đó tôi ngây thơ, chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản đặc biệt. Một bản của Nhiên, một bản tặng tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành tập thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không. Tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ”.
Trong tập thơ Thiên Thai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó. “Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một tập thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu rằng mình là bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm” – người con gái tên Duyên chia sẻ.
Mới hay, tình yêu đơn phương, hay tình dang dở khiến người ta nghĩ đến nhau nhiều. Những vần thơ đã sống cùng thời gian, và người con gái tên Duyên thành biểu tượng thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Những bài thơ đã làm cho cái tên Duyên trở nên nổi tiếng và ý nghĩa. Cái ý nghĩa gắn với một tình yêu cuồng si của một tài thơ điên, phận mỏng.
Nguyễn Tất Nhiên yêu và chẳng ngại ngùng khi gọi tên người mình yêu trong thi ca. Trong bài “Duyên của tình ta con gái Bắc”, anh viết: “Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc/ Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền/ Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang/ Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt/ Nếu vì em mà ta phải điên tình/ Cơn giận giữ đã tận cùng mê muội/ Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài luôn yếu đuối…”

Đoàn Dự ghi chép
***

Đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên

Vĩnh Hảo

Anh nổi tiếng rất sớm. Vì thơ anh đi sớm hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ, và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, chiến tranh, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng... Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ, mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt; vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ, và được đón nhận nồng nhiệt. Bắt được giọng thơ tươi rói và đầy sức thu hút của anh, một nhạc sĩ tài danh phổ ngay thơ của anh thành nhạc, làm rung động bao trái tim cuồng nhiệt yêu đương thời chiến loạn. Vậy rồi thơ anh cất lên thành cơn sóng lớn, vượt bờ. Không ai mà chẳng biết thơ anh, không ai mà không hát nhạc phổ thơ của anh.
Hãy đọc một số bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc mà ai cũng biết; và nên nhớ rằng lúc ấy, Nguyễn Tất Nhiên chỉ mới xấp xỉ ở tuổi hai mươi, để thấy cái tài hoa dị thường của anh:


Khúc Buồn Tình

Người từ trăm năm
về ngang sông rộng
ta ngoắc mòn tay
...trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)……
người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
(1970)

Trong tình yêu, thơ anh táo bạo vay mượn những hình ảnh thánh thiện để ví von mình, ví von người tình. Có thể nói lối vay mượn này là bước khai phá có một không hai của anh vào thời ấy, khiến thơ anh càng thêm phần đặc dị, ngời sáng, mà lại gần gũi biết bao với tâm tình giới trẻ.

Ma Soeur
đưa em về dưới mưa
nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa?
tay ta từng ngón tay
vuốt lưng em tóc dài
những trưa ngồi quán vắng
chia nhau tình-phôi-thai
xa nhau mà không hay
(hỡi em cười vô tội
đeo thánh giá huy hoàng
hỡi ta nhiều sám hối
tính nết vẫn hoang đàng!)
em hiền như "ma sœur"
vết thương ta bốn mùa
trái tim ta làm mủ
"ma soeur" này "ma soeur"!
(1971)

Linh Mục

vì tôi là linh mục
không mặc áo nhà giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!

tín đồ là người tình
người tình là ác quỷ
ác quỷ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
thiêu hủy lầu chuông tôi
(vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian!)
(1970)

Đụng chạm, lôi kéo những biểu tượng linh thiêng, đưa vào thơ và đưa vào tình yêu đời thường. Vậy mà anh chẳng làm mất lòng ai. Người ta vẫn cứ thích thú ca hát lời thơ của anh:

Hai năm tình lận đận
hai năm tình lận đận
hai đứa cùng xanh xao
mùa đông, hai đứa lạnh
hơi thở dài như nhau (?)
hai năm tình lận đận
hai đứa cùng hư hao
(em không còn thắt bính
nuôi dưỡng thời ngây thơ
anh không còn luýnh quýnh
giữa sân trường trao thư!)
hai năm tình lận đận
hai đứa đành xa nhau
(1972)


Anh thoát ra khỏi những hình ảnh và ngôn ngữ thơ chắt lọc, sang cả quí phái của nền thơ truyền thống. Thơ anh, không cứ là trăng là gió, là bến nước, bờ mây, tóc thề và áo dài bay tha thướt, mái tranh, cây đa hay gốc chuối... (như thể là người thơ cứ suốt đời ở nhà quê, cảnh cũ!) mà thay vào đó là những hình ảnh rất thực của thị thành với "tóc demi garçon", tóc bính, cột điện, với xe đạp, cà phê, cà phê đá, rạp cải lương, nhà ga và toa tàu, mùa thi với văn bằng... Tự ví mình như là một gã ngông cuồng, là người phá phách, là người vô đạo, là sa-tăng ác quỷ... nhưng trên thực tế thì anh rất hiền, và trong tình yêu, thường là người thua cuộc, hoặc tự nguyện chịu thua cuộc. Trách người chỉ là trách nhẹ nhàng. Còn lại là trách mình.
Thơ tình của anh vì vậy mà phổ cập, mà thành của chung. Ai đọc cũng thấy, cũng nghe được nhân dáng và kinh nghiệm của chính mình trong ấy. Từ thứ tình yêu reo vui, nhảy múa theo nhịp chân của "cô Bắc-kỳ nho nhỏ" cho đến tình yêu của người tuyệt vọng... anh nói thay mọi người bằng thánh ca của tình yêu.
Nhưng đặc biệt là lúc khổ đau vì tình, thơ anh chùng xuống, gãy đổ, nát tan... và quả là anh đã đi thật sớm, trước thế hệ của anh, trong sự cảm nhận cũng như lối biểu đạt về tình yêu:

Thiên thu
sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu!
(.)
sao thiên thu không là lãng quên?
nên tình xưa còn cháy âm thầm
tôi đứng như căn nhà nám lửa
và những người thân trốn chạy vội vàng!
(1970)

Trong thơ lục bát, anh vẫn theo vần nhịp cũ nhưng lối diễn đạt rất là thảnh thơi, thoải mái, tự nhiên như nói chuyện. Đây, vần lục bát của hơn 30 năm trước:

Nên thời gian ấy ngùi trông
giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa
hơi tàn tro ấm lần đưa
ba năm khơi lại cũng vừa đủ đau!
sớm, trưa, chiều, tối, ra, vào
người chưa yên nỗi thầm xao xác lòng
nên thời gian ấy ngùi trông
khô như hạt bụi trưa ngừng ngập bay...
(1970)

Hôm nay
khi không tình não nùng buồn
gót chân ai bỏ con đường nhớ nhung
gót chân ai nhẹ vô cùng
dẫm lên xác-lá-tôi từng tiếng kêu
gót chân ai bước, nhẹ hều
bước qua tôi, bước, hư nhiều thói quen!
(1974)

Đó là Nguyễn Tất Nhiên của tuổi hai mươi, với TÌNH qua tập Thơ Nguyễn Tất Nhiên; và bây giờ hãy đọc Nguyễn Tất Nhiên với TÂM qua Tâm Dung. Tập trước được xuất bản năm 1980 (gom lại những bài thơ cũ trước năm 1975 và một số ít cuối thập niên 70) khi anh mới vượt biên ra hải ngoại; tập sau được xuất bản 9 năm sau đó. Tựa tập thơ là Tâm Dung, bao gồm nhiều bài thơ bắt đầu bằng chữ TÂM (như Tâm khai, Tâm sân, Tâm hoa, Tâm xuân, Tâm hồng, Tâm hương, Tâm mưa, Tâm sương, Tâm ca, Tâm cảm...) được chính tác giả mở đầu bằng một đoạn rất thâm trầm về tư tưởng Phật giáo, khiến người đọc có cảm tưởng là sẽ được đọc một tác phẩm về Thiền vậy.
Nhưng không. Dù mào đầu như thế, dù chọn lựa chủ đề và tựa đề như thế, thơ anh vẫn cứ là thơ, không phải là tập giáo nghĩa khô khan, cứng nhắc. Chỉ khác là anh đã chững chạc hơn (dĩ nhiên!), bớt bông đùa hơn, và trải đều lên những trang thơ là cõi lòng bát ngát của anh.

Tâm nguyệt
từ gót sen hài em hút dấu
sầu tôi như lá thẫn thờ bay
ví dù lá ngập đường em bước
lá cũng xin đừng bận gót ai...
từ mắt chia lòng sông cách núi
sầu tôi như bụi khắp không gian
ví dù bụi ố hoen màu trắng
bụi cũng xin đừng vương mắt xanh...
(06/01/1989)

Tâm duyên
mùa hạ anh ra đường
thấy mới tinh tất cả
thấy nắng nôi dịu dàng
đang vuốt ve cây cỏ
thấy cây cỏ dễ thương
đang làm duyên, tóc xõa
thấy lửa trời nung ngon
chín bòn bon sự sống
thấy sự sống nhịp nhàng
theo đỏ, vàng, xanh, đỏ...
thấy phố xá từ tâm
đèn cười hoa ba đóa...
(17/01/89)
Rõ ràng là anh đã học ở đâu, từ những vật vô tri, từ người tình, từ cuộc đời, từ nỗi buồn đau, từ cơn thất chí, từ niềm tuyệt vọng, từ cơn bệnh tưởng, từ một nền đạo lý hun đúc tâm anh, hay từ tất cả những thứ trên: đức khiêm nhẫn và lòng tha thứ, chịu đựng vô cùng:

Tịnh khúc
buồn ơi...
tôi bỏ tôi rời rã
bất lực làm sao trước cuộc đời
ừ nhỉ, trước giờ tôi chiến đấu
cho niềm bất lực buổi hôm nay!
ừ nhỉ, bây giờ tôi mới biết
ghế bàn nên kính trọng như thầy
bàn ghế dạy tôi điều nhẫn nhục
dạy tôi bình thản thứ tha đời
(13/01/89)
Điều anh học được, làm được, cũng cho ta học được. Một tấm lòng khiêm cung, khiêm nhẫn. Một tấm lòng bao dung, tha thứ, và trên hết, vẫn tiếp tục yêu thương con người, yêu thương cuộc đời.
Sau đây là bài Tâm Dung, bài thơ được lấy đặt tên chung cho tập thơ. Bài thơ được đặt ở cuối tập. Không rõ sau bài này, Nguyễn Tất Nhiên còn những bài khác chăng. Nhưng đọc xong bài này, tôi nghĩ đời thơ của anh đến ngang đây cũng quá đủ rồi. Không cần phải thêm một bài nào nữa. Đây không phải là một bài thơ tuyệt tác của nền văn học nước nhà, mà là lời tỏ tình tuyệt vời của một tín đồ thuần thành của tình yêu, suốt đời chỉ tận tụy yêu, và tụng đọc bài kinh yêu. Sau đây là vài trích đoạn:
Tâm dung
1. có thể nào trẻ thơ sống bên ngoài lòng mẹ? có thể nào anh sống ngoài tầm mắt em?
(...)
5. tình yêu sao mà đau khổ với khổ đau, toại nguyện phải chăng là hạnh phúc? em lý lẽ gần nhau tình sẽ chết, vậy người ta sinh ra, sống, để làm chi?
6. anh cô đơn ca hát vu vơ lời gì vô ý chỗ đám đông nơi con người dễ dàng phỉ báng kẻ điên khùng, ấy chết, anh chẳng thể viện lý do cuộc sống vắng em, dù em sẽ tin, nhưng thảm trải dưới chân có lời nào giải thích? dưới chân tình yêu, anh xin thành khẩn hứa chịu đựng ngang nhau hết thảy kẻ thân, thù.
(19/01/89)
Sau đó không thấy thơ Nguyễn Tất Nhiên nữa. Rồi một hôm, nghe tin anh mất. Trên chiếc xe cũ, đậu dưới bóng cây, trong vườn một ngôi chùa. Đời anh, lúc nào cũng đi sớm hơn kẻ khác. Đời không ruồng bỏ anh, cũng chẳng người tình nào ruồng bỏ anh (không ai có thể ruồng bỏ một người đáng yêu như thế! mà cũng chẳng ai có thể ruồng bỏ được một gã yêu tha thiết, yêu miệt mài, yêu thủy chung suốt đời như thế!). Chỉ có anh, tự ý đi thật sớm, rời bỏ cuộc đời, để lại một cõi thơ bát ngát. Không cần phải tội nghiệp cho anh, và đừng tưởng anh khổ đau cùng tận! Anh là kẻ hạnh phúc vô cùng tận với tình yêu bất diệt và tấm lòng bao dung hiếm có. Và thơ anh, đã hóa thân khắp nơi khắp chốn: là ngọn cỏ mềm, là gió mơn man, là dòng sông êm, là bàn ghế lặng thinh, là đất trời mênh mang vô hạn... Nơi đó, có đủ hương vị của tình yêu cũng như những hỉ, nộ, ái, ố... bình thường của một con người, dù là con người thi sĩ, hay văn sĩ. Nhưng tất cả đều được dung chứa trong một cõi lòng thật rộng.
Có thể nói, giới hạn giữa sống-chết, qua Tâm Dung ấy, không còn nữa.

***

Nhạc sĩ Phạm Duy nói về việc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên
  Saigon 1972. Ðây là lúc những khổ đau của Tết Mậu Thân chưa kịp phai mờ trong đời sống của mọi người thì xẩy ra những nhức nhối của mùa hè đỏ lửa… Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ…
Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hoà bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc thì sẽ cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung (Duy Quang) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần “lăng xê”.
Sau khi tôi phổ bài Thà là Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Ðá, Nguyễn Tất Nhiên cung cấp cho tôi thêm nhiều bài thơ để tôi biến thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Ðận… Những tên bài hát phần nhiều do tôi đặt ra, chẳng hạn CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ được rút ra từ bài thơ mang tên ÐÁM ÐÔNG.
Ði qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, có nhiều máu điên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên… cả ba vị đều đã từng là thượng khách của DƯỠNG TRÍ VIỆN BIÊN HOÀ, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó (Cũng cần ghi thêm : Giám Ðốc của dưỡng trí viện này là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc, bạn tôi).

Phạm Duy

                                                                       



No comments:

Post a Comment