Thursday, September 20, 2018

‘Giáo dục Việt Nam đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia!’


‘Giáo dục Việt Nam đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia!’
Cát Linh, RFA
2018-09-19
Công trình giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại được gọi tên là chương trình Công nghệ Giáo dục với cách đánh vần “vuông, tròn, tam giác” là đề tài được tranh luận rất sôi nổi trong những tuần vừa qua. Rất nhiều ý kiến chỉ trích về chương trình có thời gian thực nghiệm trong suốt 40 năm qua. Động thái này cho thấy người dân trong nước đang thể hiện sự hoang mang về nền giáo dục của nước nhà.
Từ đó, câu hỏi lớn được đặt ra là Giáo dục ở Việt Nam đang ở đâu và đang cần gì?
RFA có dịp trao đổi với Tiến sĩ Nghiêm Thuý Hằng, PGĐ trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và được bà chia sẻ ý kiến về vấn đề này qua thư điện tử như sau.
RFA:  Một công trình giáo dục vốn đã được thực nghiệm trong suốt 40 năm, đến nay mới bùng nổ '1 cơn địa chấn" và những phản biện. Điều này cho thấy sự hoang mang của xã hội, của người dân có chính đáng hay không , liệu họ  có đang thật sự là nạn nhân của công nghệ giáo dục?
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang bàn thảo việc chỉnh sửa luật Giáo dục, thảo luận, trưng cầu ý kiến chuyên gia và ý kiến nhân dân để có quyết định cuối cùng về hai vấn đề cực kỳ thiết thân với hàng chục triệu gia đình Việt Nam, đó là vấn đề tổ chức kỳ thi PTTH, lấy kết quả vào đại học và vấn đề chương trình, sách giáo khoa mới 2020 , không khó hiểu tại sao cuốn sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục lớp 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại  gần đây đã trở thành một chủ đề rất nóng, “một cơn địa chấn” tiếp ngay sau cơn địa chấn gian lận thi cử hiện vẫn chưa hết chấn động và  bàng hoàng trong xã hội , kéo theo  những phản biện trên mạng xã hội và trên báo chí cả trong và ngoài nước từ cả những người trước đây rất ít khi lên tiếng.
Sau 40 năm thực nghiệm, công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại đã phần nào khẳng định được vị thế của mình với tư cách một “ phòng thí nghiệm” đổi mới,  đào tạo sản phẩm con người tự do,  có tư duy khai phóng, “ là chính nó” theo lời của chính GS Đại, không chịu sự áp chế của bố mẹ hay thầy cô. Đây đồng thời cũng là một kênh thử nghiệm những cái mới trong giáo dục của Bộ giáo dục Việt Nam. Chính từ cái nôi ban đầu này đã đào tạo ra một thế hệ học trò tài năng và thành đạt, có những đóng góp nhất định cho xã hội, góp phần khẳng định sự thành công  của mô hình thực nghiệm này trong hoàn cảnh kinh tế xã hội đặc thù từ thập kỷ 70.80, với phân khúc học sinh có bố mẹ phần lớn là những trí thức và quan chức  trong xã hội Việt Nam thời đó. Hay nói cách khác, mô hình này từng được coi là  nhóm học sinh được hưởng ưu đãi và đặc quyền đặc lợi từ mô hình thực nghiệm với các thày cô giỏi, được tuyển chọn rất kỹ từ trường sư phạm, nhiều thày cô đồng thời là cán bộ của Viện Khoa học giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục .
Trong bối cảnh năm 1978, Việt Nam bị bưng bít thông tin và vô cùng khó khăn do bị Mỹ cấm vận, Trung Quốc quay lưng , mô hình công nghệ giáo dục có thể coi là một luồng gió mới tươi mát cho giáo dục đào tạo Việt Nam thời đó. Trong muôn vàn ý kiến phản biện từ phụ huynh và cựu học sinh cũ của trường Thực nghiệm, trong đó có cả một đại biểu quốc hội công khai bênh vực, không khó để nhận thấy phần đông họ đều tỏ ý hài lòng, mến trường mến lớp, nhớ ơn thày cô. Thậm chí ngày nay có nhiều cựu học sinh  lại tiếp tục tín nhiệm gửi con cho trường thực nghiệm hoặc hệ thống CDG hiện vẫn đang sử dụng bộ sách công nghệ giáo dục  của GS Hồ Ngọc Đại. Với bộ phận học sinh trước đây do thày Đại trực tiếp dạy dỗ và quản lý, không có cơ sở để cho rằng họ là nạn nhân của công nghệ giáo dục, trái lại họ là người hưởng lợi và có vẻ rất thỏa mãn, hài lòng.


Một số thày cô từng tham gia dạy thực nghiệm thời kỳ đầu cho công nghệ giáo dục như GS.TS  Nguyễn Minh Thuyết và một số cộng sự đã tham gia làm bộ sách cải cách năm 2000 và  hiện đang được  tham gia làm tổng  chủ biên bộ sách giáo khoa mới với kỳ vọng  góp phần “đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục Việt Nam” . Trước tiên cần sơ bộ khẳng định, việc hiện nay giáo dục Việt Nam có một số đổi mới theo xu thế của Phương Tây  như không chấm điểm tiểu học ,  việc chuyển đổi từ mô hình học Văn kèm theo học làm người trước đây sang mô hình học như một nhà Việt ngữ học, ngôn ngữ  học nhí, có  sách Tiếng Việt riêng, sách tập làm văn riêng, được GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn nhận xét rất hài hước là ‘không giống ông cha vẫn dạy mà giống như dạy cho người ngoài hành tinh” có dấu hiệu  ban đầu là xuất phát  từ thực tiễn  dạy thực nghiệm của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và thành quả nghiên cứu của đội cán bộ giáo dục đi học từ Nga về. Điều này nếu muốn khẳng định có hay không,  chắc cũng cần Bộ giáo dục đứng  nghiên cứu, kiểm chứng thêm mới rõ được. Đây có thể  coi như một lần tổng kết kinh nghiệm thực nghiệm 40 năm, phàm là làm khoa học trăm năm trồng người, nhất định cần phải có tổng kết nghiêm túc, huống hồ mô hình này giờ đã thành đại trà, lan ra tận 800.000 cháu, không thể không nghiên cứu cẩn thận nghiêm túc và trả lời cho bố mẹ các cháu rõ.
Triết lý giáo dục “ Đi học là hạnh phúc”  của GS Hồ Ngọc Đại  nghe có vẻ hấp dẫn, có ai trên đời này từ lớn đến nhỏ không truy cầu hạnh phúc đâu. Triết thuyết “Mỗi buổi sáng  học sinh đi từ nhà  đến trường rồi lại đi từ trường  đến nhà” đã chỉ rõ yếu tố thời gian là tuyến tính, mất là mất không bao giờ quay trở lại, vậy nên cần trân trọng từng giai đoạn phát triển, khai mở đúng lúc phẩm chất và năng lực của trẻ em, triết thuyết này cũng  hoàn toàn phù hợp với đường hướng giáo dục nâng cao phẩm chất năng lực người học hiện nay. Thế nhưng , cái dở chết người của hệ thống này là tính không toàn vẹn, không thành chỉnh thể,  lỗ mỗ đỗ lạc, điển hình kiểu tư duy làm khoa học theo kiểu  tiểu nông,  đánh trống bỏ dùi, thiếu tinh thần khoa học. Tuy rất kính trọng tâm huyết của GS Đại, nhưng  mới thiết kế lên đến được lớp 3  thì làm sao giúp người học tiếp tục leo lên đỉnh cao của lâu đài trí tuệ và cảm xúc. Nó khiến tất cả các học sinh từng đi theo GS Đại tiếp tục phải bò trên những cái thang khác, nhờ những người thày khác mới có tương lai và có hôm nay. Menđen nghiên cứu với đậu Hà Lan, Pieget nghiên cứu ngay với chính ba đứa con của mình, cả hai ông đều phải ghi chép cẩn thận rồi công bố quốc tế, đó mới là tinh thần vì con người và tinh thần khoa học chân chính.
Thày thiết kế, trò thi công thì người biết thiết kế vẫn chỉ là thày, nguy hại hơn nữa, chỉ một mình ông Hồ Ngọc Đại thiết kế, không cho các thày cô khác hay bố mẹ can dự vào thiết kế, trò chỉ có thi công thôi, mà  mới thi công được đến tư duy lớp 3, làm được mấy vần thơ non nớt, học được thêm mấy cái cơ số khác ngoài cơ số 10, biết đến ánh xạ thôi thì sau làm nên được trò trống gì đây? Sự thành công nếu có của người học có lẽ nằm nhiều ở môi trường giáo dục và thày cô, thậm chí có thể nằm ở yếu tố gene vì theo nghiên cứu của Mỹ, gene chiếm tới 70% yếu tố thành công của người học, chưa chắc đã nằm ở bản thân công nghệ giáo dục.
Một tác dụng phụ nữa có thể có của công cuộc thực nghiệp và lôi lý thuyết giáo dục của Liên Xô cũ áp dụng vào để cải cách giáo dục Việt Nam , góp phần  khiến giáo dục Việt Nam đi chệch quỹ đạo lành mạnh và tiến bộ trước đó, làm mất đi sức mạnh Việt Nam đến từ triết lý giáo dục tiến bộ ” Học đi đôi với hành” do chủ tich Hồ Chí Minh đề xướng  tại Miền Bắc và triết lý  “Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng” rất được người dân ca ngợi  tại Miền Nam. Đây là một điều thực sự  đáng tiếc, từ đây các cuộc cải cách giáo dục có một số  biểu hiện mất phương hướng, đi chệch đường lối giản tiện dễ học và hiệu quả, hun đúc hồn cốt Việt, tinh thần yêu nước , nhường cơm sẻ áo của người Việt . Chương trình cải cách 2000 tốn rất nhiều tiền của, hơn nữa còn là tiền bóp bụng đi vay nước ngoài,  nhưng  ngày càng bị người dân phàn nàn quá tải, khó học khó nhớ, sinh ra  tệ nạn tái mù chữ, ngồi nhầm lớp diện rộng lên tới 650.000 em trên tổng số 2.000.000 vào thời năm 2006  và vấn nạn học thêm khá nhức nhối xã hội Việt Nam suốt cho đến bây giờ chưa dứt.
Cần ghi nhớ, mỗi học sinh vào trường  thực nghiệm GS Hồ Ngọc Đại đều đo nghiệm cẩn thận, không phải cháu nào cũng có tư duy và năng lực phù hợp,  những cháu bị loại là những cháu có nguy cơ không phù hợp với công nghệ giáo dục, Theo trí nhớ của một bạn có chồng học thực nghiệm kể lại, năm bạn đó học, trường thực nghiệm có 4 lớp, 2 lớp học công nghệ giáo dục, 2 lớp dạy SGK đại trà,  mỗi lớp khoảng 40 bạn, thế nhưng khi bạn rời trường thực nghiệm để lên cấp 3, cả 4 lớp chỉ còn lại vẻn vẹn 27 bạn, như vậy số lượng các bạn chuyển sang trường khác khá nhiều, cần tìm hiểu nguyên nhân chuyển đi mới đánh giá đúng hiệu quả của chương trình công nghệ giáo dục. Theo nhà toán học Phan Hà Dương, những kiến thức đại số mà trường Thực nghiệm dạy cho con cô, con cô đều quên hết chứ không đọng lại được trong đầu.
Với mô hình xuất phát điểm là thực nghiệm, sau đó thí điểm dạy cho các cháu dân tộc thiểu số, việc chương trình được chuyên gia nhận xét đánh giá là “ không phù hợp lứa tuổi”, “trái với nguyên tắc dạy hoc tiếng mẹ đẻ, có những quan niệm lệch lạc như “ chân không về nghĩa” mà Bộ Giáo dục- Đào tạo, cụ thể là các ông nguyên thứ trưởng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển và sau này là ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký phê duyệt cho  đưa ra sử dụng đại trà  ồ ạt tại nhiều tỉnh thành dưới hình thức “ tự nguyện” qua các Sở, Phòng giáo dục là việc làm rất không thận trọng, nếu không nói là rất tắc trách và đáng trách. Với đội ngũ giáo viên chất lượng chưa cao, dạy nhiều khái niệm, thuật ngữ chưa chính xác, lại không công khai minh bạch trong việc bán sách với giá đắt hơn nhiều so với chương trình phổ thông ,  điều này là tước mất quyền tự quyết của bố mẹ các cháu và có thể gây ra rủi ro cho nhiều cháu trong số 800.000 cháu đang theo học, một con số không hề nhỏ. Việc  bỏ tiền túi ra “ lách luật” nếu có của Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là việc làm “ chưa đúng qui trình”  và tắc trách của quan chức Bộ giáo dục. Có thể nói trong điều kiện thầy cô không bảo đảm nghiệp vụ, không ít trong số này có thể tiềm tàng rủi ro và trở thành nạn nhân của Công nghệ giáo dục.
RFA:  Theo Tiến sĩ, câu chuyện "tròn, vuông, tam giác" đã thể hiện một thực tế như thế nào về bản chất của nền giáo dục sau 40 năm thực nghiệm ?
Ở đây cần phân biệt rạch ròi mô hình công nghệ giáo dục của  GS.TS Hồ Ngọc Đại trên tư cách cá nhân một nhà khoa học làm thực nghiệm giáo dục trên con người  với mục đích đào tạo ra con người mới, là chính nó, không bị áp đặt từ bố mẹ hay thầy cô với công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam 40 năm qua. Hai tiến trình này song song đồng hành với nhau nhưng đặt nền tảng trên những lý thuyết nền và mô hình giáo dục rất khác nhau, không nên đánh đồng hay lẫn lộn với nhau, cũng không dùng cái nọ để đánh giá hay chỉ trích bản chất của cái kia, không râu ông nọ cắm cằm bà kia được.
Các chuyên gia và dư luận chỉ ra rằng các hình vuông, hình tròn, tam giác trong sách bắt nguồn từ mô hình Elconin dạy cho trẻ có khó khăn trong nhận diện ngôn ngữ hoặc có thể dùng cho trẻ câm điếc.  Điều này có thể khiến một số người dị ứng, không thích, nhưng nhìn bằng con mắt của các nhà ngôn ngữ học, ký hiệu học thì thấy nó “ vẽ rắn thêm chân”, “phù phiếm”, không cần thiết do tiếng là đơn vị hiển nhiên trong Tiếng Việt, trẻ nào cũng nhận thức được. Nếu nói đây là phương pháp để dạy trẻ đọc thơ lục bát và các thể thơ khác, dạy trẻ tập đếm số tiếng, tăng thêm hứng thú học tập của trẻ thì cũng không sao. Điều đáng nói ở đây là tính chưa chặt chẽ, nghiêm túc trong tư duy khoa học,  các hình tròn, hình vuông, hình tam giác như các “vật thật” này được dùng lẫn lộn với nhau, chưa rõ lý do tại sao những câu  thơ này dùng hình tròn biểu đạt, câu khác lại do tam giác biểu đạt. Công nghệ giáo dục chú trọng  dạy trẻ tư duy độc lập, nhưng tư duy với hình khối kiểu này là tư duy tùy tiện ngẫu hứng, chưa phải tư duy khoa học thật sự.  Sách dùng màu giống nhau để dạy cho trẻ những tiếng có nghĩa giống nhau, nhưng ngược lại, nhiều chữ khác có nghĩa khác nhau lại có dùng một màu. Hệ thống ngôn ngữ vốn là vật thay thế cho hiện thực khác quan, nhưng thôi cứ tạm coi ngôn ngữ là tín hiệu , là vật thật còn chữ là vật thay thế thì các hình vuông, hình tròn tam giác này chưa thể hiện được  sự khu biệt giữa các ký hiệu ngôn ngữ khác nhau. Nếu trẻ hỏi tại sao thì rất khó giải thích tại sao câu thơ này dùng toàn hình vuông, câu thơ khác lại toàn hình tam giác, tại sao nhiều chữ nghĩa khác nhau mà màu lại  giống nhau, các ông bố bà mẹ thấy hoang mang là chính đáng. Cách làm thiếu khoa học này có thể có nguy cơ  làm hủy hoại tư duy logic về sự tương đồng và khác biệt, về tính tầng bậc của trẻ. Trong ngữ âm học, âm tiết phải khác với âm vị, một chữ cái phải khác với một từ ở trong tiếng Việt, nhưng sách của thày Đại không phân biệt âm (đâu?) là âm tiết, đâu là âm vị, cho chung vào một rọ là âm, chưa kể trang 79 tập 2 dạy sai kiến thức ngữ âm tiếng Việt cơ bản. Sách dùng mô hình giải thích ua trong cua  là nguyên âm đôi, nhưng không thể hiện đúng âm trị của nguyên âm đôi này trong mô hình dạy cho trẻ. Nghiêm trọng hơn nữa sách còn dạy sai cách đọc, dạy trẻ ua trong cua đọc là /ua/ ( /ua / không phải nguyên âm đôi, đúng ra đây là nguyên âm đôi /uo/)  . Cũng trang 79, sách dạy ua trong qua là hai âm khác nhau, không phải nguyên âm đôi, nhưng ghi sai âm trị, dạy cho trẻ ua trong qua đọc là /oa/. Kỳ thực đây là hiện tượng lẫn chữ viết với âm vị, từ đó ghi sai âm vị,  đúng ra  giải thuyết âm vị học hợp hệ với chữ quốc ngữ cho đây là chữ qu, là một âm vị độc lập, khi đọc có nét tròn môi, ký kiệu ghi âm âm vị học là / kw/, người miền Bắc có thể không nhạy cảm với âm này, nhưng người miền Nam thì phân biệt rất rõ, đánh chết nhiều người cũng không thể đồng ý qu đọc thành cờ , hơn nữa q không bao giờ đi một mình, chữ quốc ngữ không có ký tự q đi một mình, chỉ có ký tự qu.   Kỳ lạ là mấy chục năm, những học sinh học thực nghiệm và các phụ huynh không ai để tâm đến việc lộn xộn, tùy tiện, thiếu logic khoa học  này  ngay từ những  bài học đầu tiên hoặc để ý đến những lỗi sai này. Thật sự không chỉ cha mẹ không hiểu gì mà các nhà ngôn ngữ học, ngữ nghĩa học cũng “ không hiểu gì” về trật tự của các hình vuông, tròn, tam giác và tại sao khi thì có màu, khi thì không.

Việc 3 chữ c/k/qu đều đọc là cờ/k/ hàm ẩn  nguy cơ rối loạn chuẩn chính âm. Hiện tại Việt nam về cơ bản  đã hình thành chuẩn chính tả trong nhà trường nhưng vẫn chưa qui định chuẩn chính âm. Trên thực tế, chữ quốc ngữ là công cụ siêu phương ngữ ghi âm tiếng Việt toàn dân, thống nhất cho cả 3 miền, thể hiện sự đối lập âm vị học giữa các phụ âm, nguyên âm, vần và thanh điệu tiếng Việt. Sau này, khi điều kiện cho phép, giải thuyết âm vị học đằng sau chữ quốc ngữ sẽ chính là chuẩn chính âm của Việt Nam, là thứ mang hồn núi sông ngàn năm và thiêng liêng với mỗi người Việt.
RFA:  Điều cần thiết nhất và tối ưu nhất để thực hiện 1 công cuộc cải cách giáo dục cho hiện tại?
Điều cần thiết nhất và tối ưu nhất để thực hiện một công cuộc cải cách giáo dục cho hiện tại, phù hợp với bối cảnh hiện tại là cần thực sự  phân tầng , phân cấp quản lý giáo dục kèm theo cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính giáo dục.  Việt Nam chuyển đổi thể chế từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống tài chính cho giáo dục vẫn giữ nguyên như thời quan liêu bao cấp trong khi đất nước láng giềng Trung Quốc đã thay đổi nhanh và mạnh, cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính cho giáo dục từ mấy chục năm trước, có thế họ mới thực sự giải được bài toán cho phát triển. Với thực trạng Bộ Giáo dục chỉ nắm được 5% ngân sách giáo dục, Bộ Giáo dục có chưa tới trăm con người nhưng có đến mười mấy đội dự án như hiện nay thì tư duy tiểu nông ham cái lợi nhỏ, buông lỏng kỷ cương thi cử quốc gia, đưa trách nhiệm về địa phương, gạt nhiệm vụ quản lý nhà nước đi để làm dự án sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tình hình Việt Nam hiện nay đang rất cần một  nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia, tốt nhất là ông Thủ tướng, Phó Thủ tướng,  ông Tổng Bí thư hoặc bà Chủ tịch quốc hội đương nhiệm, những người có có đủ uy tín và uy lực cầm chich, đại diện được cho ý chí xã hội,  huy động  toàn bộ sức mạnh của thể chế nhà nước Cộng hòa của dân, do dân và vì dân cho công cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Muốn thực sự cải cách phải kiên định mục tiêu,  có cải cách tổng thể, phải có cá nhân đứng đầu, tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm, có kế hoạch và tài chính hùng hậu kèm theo, quan trọng nhất là phải có cái tâm trong sáng, có chính kiến, định hướng rõ ràng và phải “ biết lắng nghe”. Cải cách nên bắt đầu từ khu vực đại học với những triết lý từng làm nên sức mạnh Việt: “ học phải đi đôi với hành”  , đại học nghiên cứu phải gắn với nghiên cứu phát triển, gắn với doanh nghiệp, chịu trách nhiệm đầu tầu cho phát triển và tư vấn chính sách quốc gia. Khối Đại học sư phạm cần thay máu toàn bộ, sư phạm cũng phải gắn với khoa học cơ bản, với nghiên cứu bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Các thày cô đi dạy cần được nâng lương để đảm bảo cuộc sống , yên tâm giảng dạy. Tối ưu nhất thì là như vậy, nhưng nhìn tình hình thực tế thì nhiều người vẫn đang hoang mang, không biết vận nước đã đến chưa.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng những vấn đề về chuẩn chính âm chính tả tiếng  Việt vẫn chưa hết nhạy cảm, những vấn đề cải cách thể chế vẫn đặt ra nóng hổi. Hiện tại, cải cách kinh tế, cải cách giáo dục, cải cách thể chế khoa học ký thuật đều là những vấn đề đặt ra nóng hổi trong thực tế xã hội hiện nay.
Kết thúc buổi trao đổi, TS Nghiêm Thuý Hằng có chia sẻ thêm với chúng tôi là, chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng những vấn đề về chuẩn chính âm chính tả tiếng Việt vẫn chưa hết nhạy cảm, những vấn đề cải cách thể chế vẫn đặt ra nóng hổi.
Hiện tại thì theo bà, cải cách kinh tế, cải cách giáo dục, cải cách thể chế khoa học ký thuật đều là những vấn đề đặt ra nóng hổi trong thực tế xã hội hiện nay. Hơn lúc nào hết, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất nên củng cố khối đại đoàn kết toàn dân phục vụ cho phát triển, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng qua”.

No comments:

Post a Comment