Quan ngại của công nhân sau Đại Hội Công Đoàn Việt Nam
XII
RFA
2018-10-01
2018-10-01
Đại hội Công đoàn Việt
Nam lần thứ 12 diễn ra vào hạ tuần tháng 9, trong bối cảnh các hiệp định thương
mại quốc tế mà Việt Nam ký kết hầu như bị ràng buộc với điều khoản thành lập
công đoàn độc lập cho công nhân. Giới công nhân có những quan ngại nào
sau Đại hội Công đoàn lần thứ 12?
Vai trò mờ nhạt
Phát biểu tại Đại hội
Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 với sự có mặt của gần 950 đại biểu, vào sáng ngày
25 tháng 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên thành tích của Công đoàn Việt
Nam, trong nhiệm kỳ Đại hội 11, đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức
hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công
nhân, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, Đài RFA ghi
nhận qua một số các công nhân làm việc trong những nhà máy, hãng xưởng từ Bắc
đến Nam thì đều có nhận xét chung rằng vai trò của Công đoàn tại các công ty
nơi họ làm việc rất mờ nhạt. Anh Hoàng, một công nhân làm việc trong một công
ty sản xuất giày ở Thái Bình cho biết Công đoàn không có bất kỳ hoạt động nào
tương tác với công nhân thường xuyên trong suốt một năm. Anh Hoàng nói với RFA:
“Cứ đến dịp cuối năm
thì Công đoàn có tổ chức gọi là Đại hội thôi. Họ cũng chỉ báo cáo các hoạt động
của Công đoàn trong suốt năm đó, như báo cáo thu chi, thăm hỏi ốm đau bệnh tật,
rồi tổ chức bầu đại diện để đi dự Đại hội Công đoàn khối của cụm công nghiệp.
Đại hội cũng mờ nhạt lắm. Tiếng nói của đoàn viên Công đoàn cũng không có ý
nghĩa gì.”
Nhiều công nhân mà Đài
Á Châu Tự Do trao đổi trong những năm gần đây chia sẻ rằng hầu như họ không có
thông tin nào về Liên đoàn Lao động, một tổ chức đại diện cho họ ở cấp địa
phương và mỗi khi giữa công nhân với chủ doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn, đến
mức không thể giải quyết được dẫn đến đình công tập thể thì Liên đoàn Lao động
mới xuất hiện và thông thường đứng về phía chủ doanh nghiệp, mà không đại diện
cho công nhân để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho họ.
Trước thềm Đại hội
Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra, Báo mạng Người lao động, vào ngày 18
tháng 9, đăng tải bài viết có nhan đề “Ăn cơm chủ thì không thể khởi kiện” của
Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Đặng và
cộng sự gửi đến tòa soạn. Trong bài viết này, Công ty Luật TNHH Đặng nêu lên
vấn đề cán bộ Công đoàn cơ sở nhận lương từ doanh nhiệp và bởi vì sự phụ thuộc
đó mà cán bộ Công đoàn cơ sở e ngại khi phải khởi kiện doanh nghiệp, theo sự ủy
quyền của người lao động.
Cần có Công đoàn độc lập
Hồi trung tuần tháng 7
năm 2018, truyền thông trong nước dẫn số liệu từ kết quả khảo sát của Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam công bố Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu công nhân,
trong đó có 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ cùng với 12,5% có thu nhập
không đủ sống, phải làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Đài RFA còn ghi nhận từ giới
công nhân cho biết rất nhiều quyền lợi của họ không được đảm bảo, như bị chủ
doanh nghiệp ép tăng sản lượng, không cho nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính
sách lương được cải cách không phù hợp…buộc họ phải biểu tình để phản đối vì
Liên đoàn Lao động không can thiệp.
Số liệu thống kê không
chính thức được ghi nhận trong năm 2016, tại Việt Nam có đến 300 cuộc biểu tình
của công nhân. Con số này tăng lên 314 trong năm 2017 và trong 9 tháng của năm
2018, các công nhân khắp Việt Nam vẫn tiếp tục đình công, biểu tình.
Vào chiều ngày 24
tháng 9, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đề nghị Đại hội thảo luận chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” với câu
hỏi đặt ra là ngay sau Đại hội lần thứ 12, Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đồng
hành cùng Chính phủ một cách có hiệu quả?
Trả lời câu hỏi của
RFA rằng công đoàn tại Việt Nam phải như thế nào thì mới có sự kết nối chặt chẽ
với công nhân cũng như đại diện cho công nhân được hiệu quả, anh Nam, một công
nhân làm việc ở khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm cá
nhân:
“Theo suy nghĩ của Nam
thì Nam cho rằng để gắn kết được sự liên hệ giữa công đoàn và công nhân thì
việc cần thiết nhất bây giờ là cần phải có công đoàn độc lập, tách riêng quyền
lợi với công ty và hoàn toàn không gắn kết với công ty; đặc biệt là chức vụ bởi
vì chức vụ gắn liền với lương bổng và các quyền lợi khác. Một khi đã gắn quyền
lợi với bổng lộc rồi thì hẳn nhiên cán bộ công đòan sẽ thiên về lợi ích cá nhân
hơn so với lợi ích chung của những người công nhân.”
Không chỉ một mình anh
Nam và nhiều công nhân tại Việt Nam mong muốn và trông đợi các tổ chức công
đoàn được Chính phủ Hà Nội cho phép thành lập và hoạt động hợp pháp, mà các chính
phủ trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam cần có
công đoàn độc lậpvà cải thiện nhân quyền khi tham gia vào Hiệp định Đối tác
Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự
do Châu Âu-Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi
tắt là Lao động Việt), một tổ chức công đoàn độc lập nhận định Đảng lãnh đạo và
Nhà nước Việt Nam sẽ không làm như vậy:
“Tôi thấy rằng việc
Đảng Cộng sản sẽ cho thành lập công đoàn độc lập thì chuyện đó rất là xa vời và
chắc chắn rằng nếu như chế độ, thể chế này còn thì sẽ không bao giờ có công
đoàn độc lập theo đúng nghĩa của nó. Và, những người đang làm trong công đoàn
độc lập như tôi thì đang rất lo lắng vì đang suy nghĩ đến một trường hợp xảy ra;
đó là Nhà nước Việt Nam có thể dựng lên những công đoàn độc lập trá hình để lừa
bịp dư luận. Bây giờ nếu họ muốn có công đoàn độc lập thật sự cho công nhân thì
họ giải tán Tổng Liên đoàn Lao động, để cho các công nhân tự bầu lên công đoàn
của mình và Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật thôi.”
Quan ngại của công nhân
Đại hội Công đoàn Việt
Nam lần thứ 12, diễn ra trong ba ngày 24, 25 và 26 tháng 9 được truyền thông
quốc nội loan tải là thành công tốt đẹp và Công đoàn Việt Nam vẫn tiếp tục vai
trò là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động và nhiều quan
hệ pháp luật khác với tiêu chí hoạt động đảm bảo tính độc lập tương đối đặt
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận xét về Đại hội
Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, ông Đoàn Huy Chương, thành viên của tổ chức Công
đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt lên tiếng:
“Nói về những lời hứa
của Công đoàn Nhà nước, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì họ hứa
bao nhiêu năm nay rồi, mỗi năm họ đều hứa nhưng thực chất thì càng ngày cuộc
sống của người lao động càng tệ hơn, chứ không có dấu hiệu tốt hơn. Bởi vì, vật
giá leo thang và quyền lợi của người lao động cũng không được bảo vệ.”
Không ít công nhân ở
Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ rất lo lắng về sau, mỗi khi họ thực
hiện quyền biểu tình, được ghi trong Hiếp pháp để cất lên tiếng nói cho quyền
lợi căn bản của đời sống người công nhân nhưng lại bị quy chụp qua lời phát
biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn lần thứ 12 rằng một
bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo
nhiều về đến vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống trước mắt, ít quan tâm vấn đề cơ
bản lâu dài và tuyệt đối không để lòng yêu nước chân chính của công nhân bị các
thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo biểu tình…Rất nhiều công nhân cho
biết trước mắt Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền thông tin và quyền tự do ngôn
luận của công nhân theo luật định, qua ban hành mới nhất của Bộ Thông
tin-Truyền thông yêu cầu Công đoàn ở các khu công nghiệp và chính quyền địa
phương nơi có các khu công nghiệp lập ra những trang mạng để quản lý thông tin
truyền thông của giới công nhân.
No comments:
Post a Comment