Saturday, October 6, 2018

Hợp nhất hai chức danh có đúng theo nguyện vọng của người dân?


Hợp nhất hai chức danh có đúng theo nguyện vọng của người dân?
RFA
2018-10-05
Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra hôm 3/10, 100% đại biểu đồng thuận giới thiệu ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ Tịch nước thay thế cho ông Trần Đại Quang vừa đột ngột qua đời.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định với báo chí rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng giới thiệu ứng cử chức Chủ tịch nước là đúng theo quy định của Hiến pháp cũng như nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Nhà báo Đoàn Bảo Châu chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng anh hoàn toàn ủng hộ sự nhất thể hóa này. Anh nhấn mạnh trong bài viết của mình:
"Tôi ủng hộ nhất thể hoá bởi sự thay đổi này có nghĩa là sẽ bớt đi được một vị trí to đùng, hữu danh vô thực. Cứ tưởng tượng mà xem, để đi cùng với một chức danh như vậy thì cả một bộ máy phục vụ riêng Chủ Tịch Nước sẽ đi theo, chi phí sẽ đội lên biết bao nhiêu mà đất nước thì đang nghèo, nợ công tăng vù vù, sự tiết kiệm là điều cần thiết Trong quan hệ ngoại giao với các nước, các thủ tục cũng bớt rườm rà, kế hoạch viếng thăm, bàn bạc và kí kết việc gì đấy được lập ra cũng mạch lạc, hiệu quả hơn.”
Một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng có cùng quan điểm như vậy. Họ đồng ý và ủng hộ hoàn toàn vì cho rằng với việc sát nhập hai chức vụ như vậy thì việc tập trung quyền lực sẽ được thống nhất hơn.
Ông Vũ Tùng một người dân hiện đang sống tại Hà Nội cho RFA biết: “Hiện nay có một suy nghĩ nếu tập trung quyền lực như thế có thể dẫn tới độc quyền không nhưng tôi nghĩ điều đó không lo vì đảng ta lãnh đạo là tập thể lãnh đạo chứ không phải tập trung quyền lực chỉ mọt người. Đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là thực hiện theo nghị quyết chung của Đảng chứ không phải nghị quyết của đồng chí đưa ra nên không có chuyện độc quyền được nên tôi thấy yên tâm về vấn đề này.”
Một người dân khác là ông Trần Đình Thành cũng có ý kiến cho rằng ông hoàn toàn đồng ý về điều này: “Cái đấy riêng cá nhân tôi thì hoàn toàn đồng ý và nhất chí cao, bởi vì việc hợp nhất này nó theo tình hình chung của thế giới. Cái thứ hai về vấn đề ngoại giao thì nó rất là đồng bộ và rất phù hợp tình hình hiện tại của đất nước.”
Ý kiến trái chiều
Một số nhà báo mà RFA tiếp xúc cho rằng nếu theo Hiến pháp thì việc Tổng Bí thư ứng cử chức Chủ tịch nước hoàn toàn đúng, nhưng về nguyện vọng của người dân thì cần phải được xem xét lại.
Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang Một Góc Nhìn Khác khẳng định: “Cái đó nói đúng hiến pháp thì đúng thật bởi vì nguyên tắc bầu Chủ tịch nước, cứ là đại biểu Quốc hội được Quốc hội ứng cử ra thì coi như là anh trở thành ứng viên. Bên đảng người ta giới thiệu ra miễn người đó là đại biểu quốc hội thì họ đủ quyền ứng viên vị trí Chủ tịch nước. Nhưng còn nói hợp lòng dân không thì khái niệm lòng dân ở đây như thế nào bởi vì hợp lòng dân không thì phải trưng cầu dân ý, nhưng ở đây không có trưng cầu dân ý mà chỉ nói trong nội bộ đảng. Ngay cả trong nội bộ đảng chắc gì 100% tất cả các đảng viên đồng thuận chứ đừng nói lòng dân ý dân ở đây.”
Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ rằng, ông chưa biết rõ trong Hiến pháp có quy định rõ điều luật đó hay không nên không có nhận định được điều đó đúng hay sai, nhưng phù hợp nguyện vọng của người dân thì ông phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết:

“Tôi cực lực phản đối điều đó bởi vì nó hoàn toàn không đúng tí nào hết, không có cơ sở nào để nói cái đó cả, dù là hình thức giả dối đi chăng nữa thì cũng phải có thăm dò xã hội hoặc trưng cầu dân ý gì đó, có kết quả công bố rõ ràng, chả làm cái động tác đó mà cứ khơi khơi nói lòng dân là không được.”

Đồng quan điểm với nhà báo Võ Văn Tạo, nhà hoạt động Lã Việt Dũng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cho rằng anh hoàn toàn không đồng ý với điều đó.
“Tôi cho rằng đó là một tuyên bố hàm hồ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bởi vì họ nói sự đồng thuận của người dân và cử tri thì rất nhiều người không đồng ý, ngay cả trong nhà tôi nói chuyện với nhau nói là sao ông Trọng ổng tham thế, đã là Tổng Bí thư rồi giờ muốn làm Chủ Tịch nước nữa.”
Anh Dũng cho biết thêm: “Tôi chưa thấy một đất nước nào có dân chủ mà có một người được bầu 100% cả, dù là tiên là phật hay là thánh sống đi chăng nữa thì cái tỉ lệ cũng không thể 100% được và nó chỉ xảy ra ở những nước độc tài như thế rất đáng buồn cho sự dân chủ hóa của đất nước.”
Những ý kiến khác
Ngoài những ý kiến đồng thuận và không đồng thuận của các nhà báo, giới hoạt động và một số người dân còn có một số ý kiến khác cho rằng họ không biết gì về chính trị cũng như người đứng đầu nhà nước như thế nào nên ai sao thì họ làm như vậy.
Một anh thanh niên trẻ từ Sài Gòn giấu tên chia sẻ: “Cái đó chính trị thì mình không biết nhưng mà thoải mái cho người dân làm ăn buôn bán kiếm tiền là được rồi. Dân giàu nước mới mạnh được, chứ dân không giàu sao nước mạnh được. Còn nếu ổng nắm quyền nhiều quá thì dân người ta lên người ta phản động thôi là chuyện bình thường nếu ổng làm cái gì đó sai.”
Môt người dân bán hàng nước tại khu vực quận 3 chia sẻ rằng bà không biết người được bầu là ai và bà theo đám đông: “Giờ người ta sao thì cô vậy chứ đồng tình hay không đồng tình cô đâu biết được, cô đâu biết ông đó như thế nào đâu mà đồng tình hay không cứ đồng tình đi cứ cho ổng lên ổng làm đi. Chứ mình cũng là dân chứ biết mấy ổng như thế nào đâu mà ủng hộ với không ủng hộ, cứ người ta sao mình như vậy.”
Dù có những ý kiến khác nhau về việc Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhưng tất cả đều có chung ý kiến rằng họ mong chờ kết quả thực sự từ việc làm của nhà lãnh đạo sắp tới hơn cả.


No comments:

Post a Comment