Friday, September 14, 2018

Việt Nam có thể thành cường quốc công nghệ thông tin?


Việt Nam có thể thành cường quốc công nghệ thông tin?
RFA
2018-09-13
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố muốn Việt Nam trở thành một cường quốc công nghệ thông tin. Việc này có khả thi trong tình hình hiện tại của Việt Nam?
Đòi hỏi nhiều yếu tố
Làm sao để trở thành một cường quốc công nghệ thông tin? Đây chắc hẳn là mong muốn của nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Nhìn sang Nhật Bản, một nước được thế giới nhìn nhận là quốc gia của khoa học công nghệ, một cường quốc công nghệ thông tin. Những yếu tố nào giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia như vậy? Ngoài việc Nhật Bản là một nước tự do, người Nhật còn có chỉ số thông minh IQ thuộc hàng ‘top’ của thế giới, với số lượng các phát minh cũng thuộc hành đầu thế giới. Và quan trọng hơn cả ở Nhật, công nghệ thông tin được ứng dụng vào hầu hết các ngành nghề, phổ biến trong đời sống và công nghệ thông tin được phổ cập cho cả nước.
Thực chất nhìn cuộc sống đây thì thấy người ta bị hành từ những tờ giấy khai sinh đến việc đăng ký này kia. Người ta mà làm được những việc đấy cho dân thì tôi nghĩ đã tốt lắm rồi.
-Nguyễn Chí Tuyến 
Quay trở lại Việt Nam, tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vào ngày 8 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu Bộ này cần nỗ lực hơn nữa để sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về công nghệ thông tin?
Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố một số kết quả mà bộ này đạt được. Theo đó, gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới. Mạng internet di động 3G, 4G đã phủ sóng tới 99,5% dân số.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo ông Hùng, Việt Nam hiện có hơn 28 ngàn công ty công nghệ thông tin, với 900 ngàn lao động, tăng trưởng trên 20% mỗi năm trong hơn 10 năm qua.
Liệu những số liệu vừa nêu có đủ giúp đưa Việt Nam trở thành  một cường quốc công nghệ thông tin như mong đợi của ông thủ tướng?
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nhận định:
“Tôi nghĩ cái đấy mà ông Phúc và ông quyền bộ trưởng Bộ truyền thông thông tin là ông Hùng bên Viettel sang là người ta chỉ nói những từ sáo ngữ thôi, tức là những từ ngữ sáo rỗng thôi. Chứ thực chất nhìn cuộc sống đây thì thấy người ta bị hành từ những tờ giấy khai sinh đến việc đăng ký này kia. Người ta mà làm được những việc đấy cho dân thì tôi nghĩ đã tốt lắm rồi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ cái quyết tâm đấy (đưa Việt Nam thành cường quốc về công nghệ thông tin) là có cơ sở, bởi vì ngay công ty BKAV của chúng tôi cũng có thể nói là một ví dụ. Như trong lĩnh vực an ninh mạng thì BKAV trong mười mấy năm nay đã làm. Phần mềm diệt virus của BKAV có thể cạnh tranh với các phần mềm thuộc top hàng đầu thế giới hiện nay. Còn nếu tính thị trường trong nước thì BKAV đang có thị phần lớn hơn đối với sản phẩm đó, hay smartphone.”
Tuy nhiên ông Nguyễn Tử Quảng cũng cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông trong chính phủ điện tử còn nhiều yếu kém:
“Về bản chất thì các giải pháp công nghệ thông tin cho chính phủ điện tử thì các doanh nghiệp trong nước cũng đã sẵn sàng. Đúng là trước đây việc triển khai là chưa hiệu quả, cách tổ chức chưa hệ thống.”
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc thì lại cho rằng, muốn trở thành một cường quốc công nghệ thông tin đòi hỏi rất nhiều yếu tố và thời gian, ông nói tiếp:
“Cái này nó có nhiều khía cạnh trong đó, nó không chỉ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, mà nó còn liên quan đến pháp luật và tư duy của người Việt trong nước, chứ không phải ông Thủ tướng ổng muốn tuyên bố cái gì thì nó có cái đó. Nếu chỉ xét về mặt thông tin và viễn thông thì Việt Nam rõ ràng đã khác cách đây mười mấy năm rất nhiều: họ đã có cáp quang, họ có mạng internet di động 3G 4G… Nhưng những thứ đó có sự tản mạn trong đó và nó không có một chính sách nhất quán, thì không thể nào nó có thể phát triển công nghệ thông tin như một công tắc ON OFF được.”
Tự cho là vững vàng?
Theo Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam - VNCERT, chỉ trong năm 2017, Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 10 ngàn vụ tấn công mạng, gây thất thoát 12,3 ngàn tỷ đồng. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi theo VNCERT có đến hơn 40% hệ thống website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng.
Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vào cuối năm 2017 có đưa kết quả khảo sát về an ninh mạng của các quốc gia, Việt Nam chỉ xếp hạng 100, ngang bằng Afghanistan và xếp sau cả Myanmar. Theo kết quả này, Singapore là nước có chỉ số an ninh mạng hàng đầu thế giới. Vị trí thứ 2 thuộc về Mỹ và các nước Úc, Pháp, Canada cũng nằm trong nhóm dẫn đầu.
Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, Việt Nam đã tự đặt mình vô một vị trí tự cho là vững vàng:
“Theo mình thấy về phát triển phần mềm thì Việt Nam mình chỉ dừng lại ở gia công chứ chẳng có gì bức phá một cách đáng kể. Còn về vấn đề bị tấn công an ninh mạng, vì do chính quyền đã không đầu tư đúng mức cho vấn đề bảo vệ an ninh mạng quốc gia, nên nó mới xảy ra như vậy. Họ không có đầu tư chất xám, họ không đầu tư công nghệ, không có những chính sách, đường hướng rõ ràng và cụ thể. Cái này một lần nữa mình xác định rõ ràng là cái luật an ninh mạng là để dùng đối phó với người dân trong nước, chứ không phải để đối phó với hiểm họa tấn công mạng từ bên ngoài.”
Họ thấy chuyện gì họ cũng có thể dính vô luật an ninh mạng thì làm sao họ có thể có tự do để sáng tạo và phát triển được. Thì làm sao mở cửa để phát triển để đi tới cái chuyện là biến thành một quốc gia về công nghệ thông tin.
-Hoàng Ngọc Diêu
Quốc hội Việt Nam vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu tán thành; bất chấp mọi kêu gọi và phản đối dự luật này.
Trong luật an ninh mạng này, có điều khoản quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt ít nhất một máy chủ tại Việt Nam. Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, việc đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ làm tăng kinh phí của các nhà cung cấp dịch vụ, nhưng đây là điều cần thiết nhằm đáp ứng những yêu cầu về an ninh mạng cho Việt Nam.
Luật an ninh mạng này đến đầu năm 2019 sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó đưa ra nhiều quy định từ việc cấm người dùng phát tán tài liệu bị cho là kích động biểu tình đến các tài liệu bị mà cơ quan chức năng nói là xúc phạm quốc kỳ hay lãnh đạo, lãnh tụ của Việt Nam… Nếu bài viết vi phạm sẽ bị Google và Facebook gỡ xuống trong vòng 24 giờ.
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu cho rằng luật an ninh mạng vừa thông qua đã cản trở sự phát triển rất nhiều:
“Rào cản tâm lý cho người trong nước là tự nhiên họ sẽ e dè, họ thấy cái luật an ninh mạng như cái thòng lòng treo lơ lửng trước mặt họ. Họ thấy chuyện gì họ cũng có thể dính vô luật an ninh mạng thì làm sao họ có thể có tự do để sáng tạo và phát triển được. Làm sao mở cửa để phát triển để đi tới cái chuyện là biến thành một quốc gia về công nghệ thông tin.”

No comments:

Post a Comment