Wednesday, September 12, 2018

Dự Án Forest City (Mã Lai) Bị Trở Ngại vì Rạn Nứt giữa TC và các Nước Láng Giềng


Dự Án Xây Cất Thành Phố Rừng – Forest City- Ở Mã Lai Bị Trở Ngại Vì Rạn Nứt Giữa Trung Cộng và Những Nước Láng Giềng.
 FOREST CITY,  Mã Lai Á:  Vào một buổi sáng gần đây, công nhân vội vàng dọn dẹp sạch sẽ xung quanh mô hình trưng bầy Thành Phố Rừng –Forest City- mà các nhà phát triển địa ốc dự tính xây dựng trong tương lai: Những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại, công viên, và cả một sân đánh golf tầm vóc quốc tế do jack Nicklaus họa kiểu.

Nhiều chuyến xe buýt chở từng đòan du khách người Hoa từ Trung cộng sang để xem khắp nơi trong phòng trưng bầy. Tất cả những việc làm này đều nhằm quảng cáo cho việc phát triển một thành phố mới với khoảng 700,000 dân được xây dựng ngay giữa đồn điền rừng tràm (cây palm) nằm dọc theo duyên hải phía bắc Singapore. Thành phố được quảng cáo là “viên ngọc giữa đại dương.”.

Nhưng tiếc thay có một yếu tố quan trọng mà người ta không để ý đến khi xây cất Thành phố Rừng với rất nhiều hứa hẹn. Đó là sự phản đối của chính quyền mới ở Mãi Lai

Tân chính phủ Mã Lai Á do một vị chính khách lão thành, ông Mahathir Mohamad đã cấp tốc ngăn chặn dự án này, ông đòi phải sửa đổi qui tắc của những dự án phát triển do Trung Cộng đang làm trên đất nước của ông. Ông ra lệnh ngưng ngay lập tức một số dự án, chẳng hạn như dự án xây dựng đường rầy xe lửa trị giá $20 tỉ đô la và hai dự án xây ống dẫn khí đốt trị giá $2.3 tỉ đô la.

Riêng đối với dự án xây Thành Phố Rừng- Forest City trị giá $100 tỉ đô la, quyết định của Thủ tướng  Mahathir Mohamad có nghĩa là cấm bán đất đai của dựa án cho người ngoại quốc, và quyết định đó giết chết ước vọng của nhà đầu tư địa ốc. Họ dự tính bán dự án cho khách từ Trung cộng sang mua.

Một loạt những quyết định cứng rắn của vị chính khách lão thành Mahathir, 93 tuổi, có lẽ là một cái tát rất mạnh vào ý đồ phát triền kinh tế của Trung cộng ở  khu vực Á châu Thái Bình Dương, và khu vực xa hơn.

Bắc Kinh gọi đó là Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ- The Belt and Road Initiative. Những người chống đối kế hoạch, như ông Mahathir, thì gọi đó là âm mưu của Trung Cộng muốn trở thành “anh lớn”, hay siêu cường kinh tế trong vùng, và họ muốn gián tiếp gây ảnh hưởng, sức ép cho những hoạt động chính trị ở các nước trong vùng qua việc chi tiêu tiền vào những dự án phát triển kinh tế. Ngoài ra, người ta còn có những lo sợ về lâu dài rằng những dự án do Trung Cộng tài trợ sẽ khiến cho những nước này phải ôm nhiều món nợ khổng lồ kéo dài hàng chục năm. Họ bị mắc kẹt vào việc bảo trì những hải cảng, đường rầy xe lửa và nhiều dự án khác mà nhiều người gọi đó là những dự án nằm trênCon Đường Tơ Lụa của Bắc Kinh.

Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi tháng Tám vừa qua, Thủ tướng Mahathir nói: “Bạn không muốn xảy ra tình trạng chủ nghĩa thực dân kiểu mới xảy ra vì các nước nghèo không thể cạnh tranh được với những nước giàu.”.

Sự thay đổi thái độ của Mã Lai Á đặc biệt khiến cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh phải lo âu, bối rối.

Mã Lai Á nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, và là một nước giầu tài nguyên thuận tiện cho ý đồ mở con đường mậu dịch mới của Trung Cộng. Trung cộng không thể làm mạnh đối với Mã lai được, vì Mã Lai là một đối tác lớn nhất của Trung Cộng về mậu dịch ở Á châu.

Thủ tướng Mahathir đã công khai tuyên bố chính sách của ông trong cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường khi ông đến thăm Bắc Kinh.

Chỉ vài ngày sau khi đi Bắc Kinh về, ông để cập về việc phát triển thành phố Rừng- Forest City. Ông cấm không cho một người ngoại quốc nào được sống ở đó, kể cả những toán thợ xây cất đang cố gắng hoàn tất cho xong những cao ốc dùng làm nhà ở để người mua có thể dọn vào cuối năm nay.

Đây là một nhát dao khá nặng nặng đâm vào công ty Country Garden Pacific View, một công ty phát triển địa ốc lớn nhất ở Trung Cộng. Cho đến nay, khoảng 80% người mua những căn hộ, trong số 18,000 đơn vị gia cư xây cất, đều là người Trung Hoa. Giấy quảng cáo về những căn hộ trong Forest City được gửi đi nhiều nơi ở Trung Cộng để chiêu dụ khách hàng đến mua.

Trên hòn đảo nhân tạo trưng đầy những bảng hiệu viết bằng tiếng Hoa. Một trường học tư thục quốc tế, có bản doanh ở Minnesota được xây cất, dạy bằng hai thứ tiếng: Anh ngữ và Quan Thoại.

Bộ trưởng Tài Chánh Mã Lai, ông Lim Guan Eng nhận xét như sau: “Dự án thật là lớn lao, tương đương với việc xây cất một thành phố Trung Hoa khổng lồ trên đất Mã lai. Điều đó khiến người ta phải đặt vấn đề không những về chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng tôi, mà còn về những giao tiếp xã hội phải giải quyết. Thế nào rồi cũng có sự mất cân bằng.”.
Công ty địa ốc Country Garden biện giải rằng: “Họ đang thu thập tất cả luật lệ, nguyên tắc đòi hỏi về việc bán đất cho người ngoại quốc. Chúng tôi còn đang làm việc với văn phòng Thủ tướng.”
Phát ngôn nhân của công ty cho biết: “Họ không thể cung cấp thêm tin tức về những cuộc thảo luận, vì mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu.”. Trong khi đó Bộ Gia Cư của Mã Lai cũng thành lập một Ủy Ban đặc trách “duyệt xét lại tất cả những điều khoản đã được đồng ý cho phép trước đây.” để sau đó quyết định đường hướng kế tiếp.

Trong lúc nói chuyện riêng với nhau, các nhà phát triển địa ốc Trung cộng lo ngại rằng sự việc đã trở nên quá muộn màng.
Nói chuyện riêng với nhật báo Washington Post, viên chức công ty Country Garden cho biết rằng “công ty của họ bị ép buộc” phải tài trợ cho những dự án này như một phần trong kế hoạch to lớn Nhất Đới Nhất Lộ vì họ cần phải lấy lòng Chủ tịch Tập Cận Bình

Những tấm bích chương quảng cáo trong phòng trưng bầy về Forest City khoe rằng dự án được sự yểm trợ của Sứ Quán Trung Cộng ở Mã Lai, và của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Trung Cộng. Trên Website của Forest City, họ nói: “khu vực miễn quan thuế biểu”- duty-free zones- là tiêu chuẩn chung  cho tất cả các khu vực nằm trong sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ ở Đông Nam Á.

Trong bài diễn văn vận động tranh cử đọc hồi tháng Năm, trước khi dành lại quyền bính từ phe đối lập, ông Mahathir nói chẳng thà ông cứ để dự án Forest City ở nguyên tình trạng rừng rú với khỉ baboon, và các loại khỉ khác sống ở đó, hơn là biến nó thành đất của nước khác (ám chỉ Trung cộng).
Phát ngôn nhân của công ty Country Garden, xin dấu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông, tiết lộ rằng Mã Lai Á không muốn “trông thấy người Hoa chiếm lĩnh đất đai của người Mã lai. Họ căm ghét cái lối làm ăn của chúng tôi. Quả thực giá mua đất quá cao đối với người dân Mã lai, nên chúng tôi chỉ nhắm vào khách hàng Trung Hoa.”. Ông này nói thêm: “Tình hình hiện nay căng thẳng lắm.”.

Mã Lai Á không phải là nước duy nhất chống tại những dự án do Trung cộng tài trợ. Pakistan, Nepal, Myanmar (Miến Điện) và nhiều nước khác- với cấp lãnh đạo mới – đang tìm cách thay đổi, đẩy lui những nỗ lực bành trướng, xâm lược gián tiếp do Bắc Kinh thúc đẩy.

Giáo sư Tan Chong, dậy ở trường đại học Jinan University, chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Cộng và Mã lai Á nhận xét: “Hậu quả dây chuyền- domino- chắc chắn sẽ là điều khiến Trung cộng phải lo âu.”.
Ông nói thêm: “Các dự án khác cũng bắt đầu phải cảnh giác là vừa. Chúng ta cần có kế hoạch dự phòng.”.

Trung cộng đối phó lại bằng cách sửa đổi Sáng Kiến Nhất Đới, Nhất Lộ, tìm cách bớt hung hăng.Trong bài diễn văn mới đây, Chủ tịch Tập đã miêu tả về những dự án này không phải chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, mà còn là một công cụ ngoại giao để đoàn kết thế giới.

Ông Yanmei Xie, một nhà phân tích tình hình ở Bắc Kinh nói Trung cộng nên “tỏ ra mềm dịu hơn, cần phải để lại một hình ảnh tốt về Trung cộng cho các nước khác xem.”.
Công ty Country garden cho biết họ ký 150 hợp đồng giao công tác cho các nhà thầu ở địa phương, và tạo ra được 1,200 việc làm cho nước Mã Lai Á kể từ năm 20014 đến nay. Công ty cũng nói rằng người mua bất động sản ở Forest City đến từ 30 nước khác nhau.

Nhưng rõ ràng là người ta chỉ thấy có mối liên hệ giữa việc xây cất thành phố này với Trung Cộng mà thôi.

Theo những cuộc phỏng vấn của báo Washington Post dành cho khách mua bất động sản, chiến lược chiêu dụ người mua bất động sản bao gồm những chuyến đi miễn phí dành cho công dân Trung Hoa đến thăm Singapore và Mã Lai để họ mua bất động sản ở Forest City, và đưa họ trở về Trung Cộng. Nhiều phòng trưng bầy được lập ra ở nhiều tỉnh lớn ở Trung Hoa. Từ năm 2016, một đường bay trực tiếp từ Quảng Châu, văn phòng phụ thuộc của Forest City ở tình Foshan đi thẳng đến tỉnh Johor Bahru của Mã Lai.

Hồi tháng Tám, một đội banh khúc côn cầu ở Minnesota khai trương tại trường St. Mary, một trường tư thục trực thuộc Forest City. Có 78 học sinh ghi danh, trong đó 60% là người Hoa. Mổi học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 phải đóng học phí trung bình khoảng $24,000 một năm, tức bốn lần tiền lương hàng năm của công nhân ở Mã Lai Á.

Tại trường còn có hồ bơi kích thước hồ bơi Olympic, sân quần vợt, phòng tập yoga, và dụng cụ trượt tuyết. Tất cả đều bỏ trống, không ai dùng. Những cơ sở này được xây dựng dành cho 1,000 học sinh sử dụng.

Một nhân viên bán hàng, xin được dấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, thú nhận rằng  người địa phương không thể nào chịu nổi chi phí quá đắt như vậy. Ông ta nói: “Đa số khách mua bất động sản ở đây là người ngoại quốc, và chúng tôi lo ngại rằng mọi cơ ngơi sẽ bị bỏ trống nếu người ngoại quốc không đến đây.”.

Sự thay đổi về tình cảm của Mã Lai đối với Trung cộng quả thực đã làm cho người mua bất động sản ở Forest City kinh hãi. Có những người đã bán cơ sở thương mại ở Trung Hoa để dọn cả gia đình sang đây với hy vọng con cái của họ được hưởng nền giáo dục tốt, hay có một căn nhà thứ hai để nghỉ hưu.

Anh Zhan Xinwu, 24 tuổi, người tỉnh Shenzhen đã mua một căn hộ hai phòng ngủ hồi năm 2016, anh phải dùng hết số tiền để dành từ bấy lâu nay để trả tiền “downpayment” khi mua căn hộ. Dù anh không ở trong căn hộ, anh hy vọng có thể bán đi kiếm lời sau vài năm. Nhưng bây giờ thì sôi hỏng bỏng không. Vụ đầu tư này kể như mất trắng.

Nhân viên chiêu mãi của Công ty Country Garden nói rằng chính phủ Mã Lai cố tình muốn  công ty Contry Garden đi tìm thị trường ở nước khác, như Việt Nam hay Nam Dương, và những nước trong Vùng Vịnh Ba Tư để thành phần cư dân của Forest City được đa dạng. Làm như thế mới tránh khỏi bị mang tiếng đây là dự án của Trung Cộng chỉ toàn là người Hoa ở.
Người chiêu hàng này thú nhận: “Chúng tôi không mấy gì giỏi trong việc này. Chúng tôi chỉ  trông nhờ chủ yếu vào thị trường Trung Hoa.”

Bài tường thuật của Shibani Mahtani trên Washington Post ngày 10/9/2018
Nguyễn Minh Tâm dịch
  


No comments:

Post a Comment