Việt Nam chơi lá bài Nga như thế nào với Trung Quốc
Kính Hòa RFA
2018-09-12
2018-09-12
Cộng hòa Liên bang
Nga, hậu thân của Liên Xô cũ, vẫn có vai trò quan trọng trong chiến lược ngoại
giao của Việt Nam. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện
đang làm việc tại Singapore, nhận định như vậy, mặc dù chuyến đi Nga kỳ này của
ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không được chú ý nhiều như những chuyến đi của
bản thân ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác đến phương Tây, đặc biệt là Hoa
Kỳ.
“Từ góc nhìn của các
nhà hoạch định chiến lược của Việt Nam, nước Nga mặc dù có sự suy giảm nhất
định về vị thế, nhưng mà vẫn là một đối tác quan trọng mà Việt Nam muốn duy
trì, và phát triển các mối quan hệ, trong một tổng thể trật tự thế giới mà Việt
Nam mong muốn là trật tự đa cực. Và trong cái trật tự đa cực đấy thì nước Nga
có một vai trò nhất định.”
Lý do đầu tiên cho tầm
quan trọng của nước Nga đối với Việt Nam, được Tiến sĩ Hiệp nêu lên là sự tin
tưởng về chính trị, xuất phát từ thời Liên Xô cũ trước năm 1991, khi đó Liên Xô
là một đồng minh quan trọng nhất của nước Việt Nam cộng sản.
Từ góc nhìn của các
nhà hoạch định chiến lược của Việt Nam, nước Nga mặc dù có sự suy giảm nhất
định về vị thế, nhưng mà vẫn là một đối tác quan trọng mà Việt Nam muốn duy
trì.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Lý do tiếp theo là
tiềm lực của chính nước Nga hiện nay, mặc dù đã bị suy giảm, nhưng theo Tiến sĩ
Lê Hồng Hiệp, Nga vẫn là một cường quốc kinh tế, quân sự, trong đó Việt Nam có
quan hệ mạnh mẽ ở hai lĩnh vực là dầu khí và thương mại quốc phòng, với con số
90% vũ khí hiện nay của Việt Nam là mua từ nước Nga.
Và cuối cùng còn một
lý do nữa là lý do cảm xúc, vì hiện nay có khá nhiều các lãnh đạo cao cấp của
Việt Nam đã từng được đào tạo tại nước Nga thời Liên Xô, trong đó có bản thân
ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Theo một nguồn tin mà
chúng tôi có được, thì trong đoàn người tháp tùng ông Nguyễn Phú Trọng đến nước
Nga có ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người phụ trách việc mua
sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự của Việt Nam.
Kết quả được nhiều
người quan tâm nhất trong sau chuyến thăm nước Nga của ông Nguyễn Phú Trọng lần
này là số tiền trị giá một tỷ đô la Mỹ mà Việt Nam đặt hàng để mua vũ khí từ
Nga. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, việc mua vũ khí từ nước Nga có hai lý do, đó là
giả cả tương đối rẻ, và sự tương thích với những trang thiết bị mà quân đội
Việt Nam hiện đang có, vốn được Liên Xô trang bị từ hàng chục năm nay.
Điều này cũng đã được
ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Matis nhắc đến hồi tháng tư năm 2018, khi
ông đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ được miễn
trừ, không bị Washington trừng phạt khi mua vũ khí của Nga. Lý do được ông
Matis nêu ra là phải để cho các quốc gia này thích ứng một cách từ từ, họ phải
có nguồn cung cấp thích hợp hiện nay cho số vũ khí mà họ đang có.
Theo nguồn tin không
muốn nêu danh tánh của chúng tôi, thì có thể hợp đồng vũ khí 1 tỷ đô la này với
nước Nga sẽ làm tiền đề để Việt Nam tiến sâu hơn trong những hợp đồng mua bán
vũ khí với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên việc mua vũ
khí của Nga cũng có những bất lợi cho Việt Nam, vì Trung Quốc cũng có trang bị
những vũ khí tương tự, mà Trung Quốc lại là quốc gia thách thức Việt Nam nhất
về quân sự hiện nay.
Điều này được kỹ sư Đỗ
Thành, một người từng làm việc trong ngành quốc phòng của Pháp nói với chúng
tôi:
“Có thể gọi đó là
những vũ khí truyền thống của Việt Nam, nhưng khả năng tài chính lại không bằng
người Trung Quốc được, cho nên những gì mà Việt Nam mua thì người Trung Quốc
cũng có với những thiết bị cao cấp hơn, số lượng nhiều hơn, tối tân hơn. Việt
Nam có 6 chiếc tàu ngầm Kilo, thì theo chỗ tôi biết người Trung Quốc có 56
chiếc với những thiết bị đặc biệt hơn.”
Đồng tình với quan sát
này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh:
“Nếu mà Việt Nam và Trung Quốc sử dụng các
loại trang thiết bị vũ khí, khí tài giống nhau, thì phía Trung Quốc có thể nắm
rất rõ các thông số kỹ thuật, các biện pháp sử dụng, chiến thuật,… cho nên họ
có thể kềm chế Việt Nam được, ở một mức độ nhất định trong việc triển khai tác
chiến.”
Tuy nhiên ông cũng cho
rằng chính điều bất lợi này đã khuyến khích Việt Nam đi tìm những nguồn cung
cấp vũ khí khác. Trong những năm qua người ta đã nghe nói nhiều đến những vụ
mua vũ khí, trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam từ Israel, Hà Lan, Canada,
và gần đây nhất là tin nói Việt Nam chuẩn bị mua lô vũ khí Mỹ đầu tiên trị giá
100 triệu đô la Mỹ.
Nếu có những va chạm
về mặt lợi ích trên Biển Đông, thì Nga có thể dùng quan hệ với Trung Quốc đó để
làm một đòn bẩy, để giảm, hoặc chống lại các áp lực của Trung Quốc.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Một chi tiết thứ hai
được chú ý trong chuyến thăm nước Nga của ông Nguyễn Phú Trọng là việc tập đoàn
khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom ký thỏa thuận với Việt Nam về năng lượng và
khai thác khí đốt từ mỏ Báo Vàng trên thềm lục địa Việt Nam. Việc này làm người
ta nhớ và so sánh trường hợp khoan dầu trong thềm lục địa Việt Nam của công ty
Rosneft của Nga và Repsol của Tây Ban Nha.
Vào tháng 5/2018,
Rosneft lên tiếng lo ngại bị Trung Quốc đe dọa khi khoan dầu tại thềm lục địa
Việt Nam. Nhưng sau đó không nghe nói gì nữa, trái với trường hợp công ty
Repsol phải rút đi trước đó vài tháng trước áp lực của Trung Quốc. Cả hai công
ty này đều khoan dầu trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ
quyền của mình trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Việc cho phép các công
ty Nga khoan dầu trong thềm lục địa Việt Nam là điều mà Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
đánh giá là quan trọng, như một công cụ để kềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.
“Trong trường hợp
Việt Nam và Nga thì chúng ta thấy Nga có một quan hệ tương đối tốt với Trung
Quốc, chính vậy mà nếu có những va chạm về mặt lợi ích trên Biển Đông, thì Nga
có thể dùng quan hệ với Trung Quốc đó để làm một đòn bẩy, để giảm, hoặc chống
lại các áp lực của Trung Quốc. Và như vậy nó rất phù hợp với lợi ích của Việt
Nam.”
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh
Long, một chuyên viên về quan hệ quốc tế tại Hoa Kỳ, Trung Quốc nhập khẩu nhiều
dầu khí từ nước Nga, chỉ riêng công ty Rosneft đã xuất sang Trung Quốc trị giá
70 tỉ đô la Mỹ hàng năm.
Nhưng lá bài Nga không
phải lúc nào cũng có lợi cho Việt Nam trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhất
là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Nga đã từng tuyên bố có lợi cho Trung
Quốc, về phán quyết phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc của Tòa trọng tài quốc tế
trong vụ Philippines kiện Bắc Kinh.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
cho rằng Nga không có nhiều quyền lợi ở Biển Đông cho nên có thái độ nước đôi,
khi đi với Bắc Kinh thì tuyên bố có lợi cho Trung Quốc, còn trong bản tuyên bố
chung với Việt Nam sau chuyến thăm Nga của ông Nguyễn Phú Trọng thì lại đồng
tình với Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Tiến sĩ Hiệp kết luận
rằng Việt Nam không trông chờ gì về thái độ của Nga trong tranh chấp Biển Đông
với Trung Quốc mà chỉ có lợi khi quan hệ với Nga về mặt thương mại quốc phòng
và khai thác dầu khí.
Quan điểm này khá gần
với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ông cho rằng Việt Nam không thể dùng Nga để chống
Trung Quốc, nhưng có thể làm cho Nga đừng ngã về phía Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment