'Giáo dục VN thất bại vì tư duy tiểu
nông, bóc ngắn cắn dài'
Ben NgôBBC Tiếng Việt
·
58 phút trướcTừ nhiều ngày nay, mạng xã hội và truyền thông
Việt Nam xôn xao về sách "Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục".
Trước bối cảnh những
tranh cãi này, một nữ giảng viên ở Hà Nội bình luận với BBC rằng cải cách giáo
dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại "vì tư duy tiểu nông, vì bóc
ngắn cắn dài".
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
được báo Lao Động dẫn lời: "Sách "Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo
dục" của tôi có rất nhiều bài học ý nghĩa, nhân văn."
Trong khi đó, mạng xã
hội dấy lên quan ngại về những hệ lụy đối với học sinh sau mỗi lần cải cách,
cải tiến sách giáo khoa.
'Chỉ là khẩu hiệu'
Hôm 12/9, trả lời BBC,
Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn Hà Nội, cho biết: "Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học
Hoàng Tụy từng nói: "Giáo dục Việt Nam có ba cục bướu lớn cần giải phẫu, đó
là sách giáo khoa, nạn học thêm và nạn thi cử."
"Cải cách giáo
dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn
dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín
và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính
phủ và của xã hội."
"Cải cách thất
bại còn vì không có được một hệ thống quản lý tận tâm, đồng tâm hiệp lực, đặt
lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu như thời còn chiến tranh."
"Câu "Giáo
dục là quốc sách" bao năm qua chỉ là khẩu hiệu, không đi kèm với kế hoạch,
tài chính tầm cỡ quốc gia và giám sát tương thích từ phía Chính phủ và Quốc
hội, cơ quan quyền lực của dân."
BBC: Dường như công luận đang chia
làm hai phe và có vẻ chia rẽ trong những tranh luận về cải cách giáo dục Việt
Nam. Bà có bình luận gì?
TS Nghiêm
Thúy Hằng: Theo tôi, những
tranh luận đó là vì họ đều yêu nước, là vì họ là những người cha, người mẹ có
lương tâm, đều đau đáu muốn hướng tới tiến bộ xã hội, hướng tới phát triển,
hướng tới công bằng, minh bạch và đều yêu trẻ em. Những thiên thần vô tội không
nên và không thể tiếp tục bị đem ra làm vật hy sinh cho các tranh cãi liên miên
về cải cách giáo dục và chương trình - sách giáo khoa hay các thử nghiệm cải
cách thi cử, các chiến dịch dẹp vấn nạn học thêm suốt từ năm 1979, trải qua 3
lần Nghị quyết cải cách, tiêu tốn hàng tỷ đôla chưa tổng kết được hiệu quả cho
đến nay.
Dư luận có vẻ gay gắt,
không bên nào chịu bên nào, đó là vì họ đều có những cái lý riêng, nhưng cái lý
của khoa học thì không thể mang "sự hài lòng của người học hay của cha mẹ
người học", "sự thành đạt của một số cá nhân tham gia thực nghiệm cải
cách" ra biện minh mà cần có những công trình dùng các phương pháp khoa
học khống chế được hết các biến lượng mới thực sự có được tiếng nói công tâm,
khoa học về cải cách, được các bên đều hài lòng.
Cơ quan làm được việc
này chỉ có Bộ Giáo dục dưới sự giám sát nghiêm minh của Chính phủ và của Quốc
hội. Hy vọng những gì đã được sàng lọc, chứng minh qua thực tiễn sẽ tiếp tục
trường tồn. Còn cái gì sai, chưa hoàn thiện thì phải được sửa, được hoàn thiện
, mang thêm hơi thở thời đại kết hợp với hồn dân tộc, khí thiêng sông núi. Khoa
học thực sự đòi hỏi tính tổng thể, sự hoàn thiện và đòi hỏi thực chứng.
Việc người dân khắp ba
miền cũng như người Việt ở hải ngoại cùng lên tiếng về vấn đề giáo dục là tín hiệu
đáng mừng, báo hiệu những thay đổi cơ bản vì Việt Nam vẫn tuyên bố là một thể
chế của dân, do dân, vì dân.
Chính phủ và Quốc hội
không thể và không được phép ngoảnh mặt lại với những vấn đề của đông đảo người
dân, được dư luận người dân quan tâm.
BBC:Ở góc độ một giảng viên đại học, bà thấy, liệu
sau những tranh cãi hiện tại thì đâu là giải pháp khiến người dân có thể yên
tâm về việc học hành của con em họ?
TS Nghiêm
Thúy Hằng: Tôi nghĩ giải pháp
căn bản là phải có tổng công trình sư, có người nhạc trưởng xứng tầm không liên
quan đến những cải cách thất bại từ trước đến nay để lấy lại niềm tin cho người
dân, đồng thời huy động được các nguồn lực trí tuệ trong và ngoài nước.
Tôi tin, với những trí
thực hàng đầu của Việt Nam, không ai cần lấy tiền để làm những việc mà họ cho
là có ích, đóng góp được cho xã hội. Thời buổi bây giờ, người tài sống được
bằng thực tài, không cần tiền, chỉ cần được làm và được ghi nhận, được đóng góp
cho tiến bộ xã hội.
Nhưng kể cả như vậy
thì cơ chế nào cho họ, độc quyền in ấn sách giáo khoa vẫn thuộc Bộ Giáo dục,
dẫu có một chương trình nhiều bộ sách thì cơ chế nào cho họ tập hợp, phát huy
và xuất bản, cả còi lẫn bóng vẫn nằm trong tay Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo
dục.
Nếu không làm được một
bộ sách giáo khoa cho ra hồn, giải pháp khả thi là mua một bộ sách giáo khoa
của Anh. Mỹ về cho cháu nào học được thì học mà không học được thì dịch ra
tiếng Việt mà học, nước Nam Hàn sao chép sách của Nhật có sao đâu, Trung Quốc
cũng sao chép nhiều sách của Anh, Mỹ.
Nói đến đây tôi lại rớt
nước mắt vì một giai thoại về Giáo sư Tạ Quang Bửu, cựu Bộ trưởng Giáo dục lúc
cuối đời: Ông chỉ cần được ăn hai quả chuối mỗi ngày thì đỡ run tay, nhưng đó
vẫn là điều xa xỉ lúc cuối đời của vị cựu bộ trưởng thanh liêm được người dân
kính trọng.
BBC: Nhìn vào tình hình giáo dục
Việt Nam hiện tại, bà có lo ngại hoặc hy vọng gì? Bà có nghĩ rằng quan chức Bộ
Giáo dục tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân,phụ huynh không?
TS Nghiêm
Thúy Hằng: Tôi cũng như nhiều
ông bố, bà mẹ ở Việt Nam hướng tới công bằng, minh bạch và tiến bộ xã hội và sẽ
dấn thân, sát cánh bên nhau, bên cơ quan quyền lực của dân trong nỗ lực chung.
Tôi nghĩ Bộ trưởng
Giáo dục Phùng Xuân Nhạ là người có trách nhiệm giải trình và đưa ra biện pháp
rõ ràng trả lời cho Chính phủ mà ông đang phục vụ, nơi ông đang đại diện làm
nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Quốc hội là là nơi ông
Nhạ phải giải trình và là nơi giám sát hiệu quả công việc, đánh giá bỏ phiếu
tín nhiệm việc thực thi chức trách của ông, nhất là trong bối cảnh tháng
10/2018 sắp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Việc này diễn ra sau
nhiều vụ việc chấn động, đe dọa tính công bằng, minh bạch về thi cử, điều làm
nên giá trị cốt lõi của cả một thể chế.
Về phần mình, tôi tin
vào phần thiện của mỗi con người và tin cả dân tộc Việt sẽ hướng tới những điều
tốt đẹp, hướng tới đại đoàn kết dân tộc, hướng tới cái thiện, cái có lợi cho sự
phát triển.
Theo tôi, không chỉ
trong ngành giáo dục, bất cứ cá nhân nào cũng đều chỉ là một quả bầu quả bí
trên giàn bầu bí, một con ốc nhỏ bé trong tiến trình vĩ đại đó mà thôi, thuận
dòng thì sống mà ngược dòng thì sẽ chết, sẽ bị đào thải.
BBC: Theo bà, vì sao Việt Nam nhìn
chung học nhiều từ mô hình Trung Quốc trong các lĩnh vực, ngoại trừ giáo dục?
TS Nghiêm
Thúy Hằng: Theo như tôi hiểu,
tại Trung Quốc, người kiến trúc sư trưởng cho cải cách mở cửa và tiến trình
"Dò đá qua sông" của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình. Người nhạc trưởng
cho chính sách "Khoa giáo hưng quốc", đổi mới căn bản toàn diện giáo
dục và khoa học kỹ thuật cũng là ông Đặng. Người tiếp nối với chính sách
"Nhân tài cường quốc" là Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, đằng sau đó là
hàng trăm hàng ngàn tỷ đôla đổ vào giáo dục và công nghệ.
Trung Quốc họ tăng
lương cho giáo viên gấp 10 lần trong vòng 10 năm đầu cải cách mở cửa, lương
giáo sư Thanh Hoa cao hơn lương chủ tịch nước, các trường đại học thu hút tiến
sĩ bằng các căn hộ từ 70 đến 180 m2 cho không hoặc bán rẻ, sắp xếp công việc
cho người thân các tiến sĩ theo diện thu hút nhân tài, bỏ ra hàng núi tiền thu
hút nhân tài từ nước ngoài về xây dựng đất nước trong kế hoạch Trường Thành và
nhiều kế hoạch dài hơi khác.
Việt Nam mình làm thế
được không? Tiền đâu mà làm khi nguồn lợi của đất nước chui vào túi của các
nhóm lợi ích, đất nước thì oằn mình vì "nạn ăn chặn đến cả tiền chính sách
của người chết". Họ sẵn sàng ăn chặn cả đồng lương còm cõi của các nhà giáo
nghèo, họ có xá gì chuyện ăn dỗ tiền sách vở của các cháu học sinh.
Tham những và nhóm lợi
ích nghiêm trọng tới mức Giáo sư Hồ Ngọc Đại gần đây còn phải thốt lên
"Tiêu chuẩn cơ bản là chia tiền". Phát ngôn này đúng hay sai, các đại
biểu quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
của Quốc hội cần vào cuộc giúp người dân. Nếu không còn gì là tính công bằng,
giá trị cốt lõi của thể chế Xã hội Chủ nghĩa và của thiết chế quyền lực nhân
dân?
No comments:
Post a Comment